Bảo Giác Tường đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và kênh facebook “Chua Xa Loi”.
Các bạn thân mến! Bảo Thành hôm nay đi vào câu chuyện của hai bà cháu. Có một đứa cháu sống chung với bà của mình. Bà thường dắt cháu đi học rồi đón cháu đi về nhà; đó là công việc của bà đưa cháu đến trường và đón cháu về nhà, cho cháu ăn và dạy dỗ cháu. Nhà có truyền thống là ông bà thường dạy cho con cháu đạo đức và lẽ phải. Một thời gian trôi qua, bà quan sát thấy đứa cháu mình thay đổi tính tình, nó ương ngạnh, nó xấu, không hiểu sao nó như vậy. Và khi bà dắt cháu đi tới trường, bà ở bên ngoài quan sát. Những giờ chơi, bà thấy cháu chơi với một nhóm bạn, ăn nói không phù hợp và thường nói những chuyện không hay, và những đứa bạn kia cũng có những nhân cách, cá tính khác biệt, không phù hợp với nền đạo đức của ông bà thường dạy chúng. Lúc đó bà mới nhận ra rằng đó là điều xấu tạo ra cho cháu của mình. Cho nên khi đứa cháu về, bà mới tìm một phương thức làm sao nói để cho đứa cháu hiểu rằng những tánh xấu của những bạn kia không phải là của con, đừng để cho tánh xấu đó nhiễm vào.
Bà suy nghĩ kỹ rồi bà mới bắt đầu làm đồ ăn cho đứa cháu. Hôm nay bà làm hai dĩa đồ ăn, một dĩa thật là ngon, nhưng bà để úp lại, không có mở ra cho cháu của mình, và bên kia một cái dĩa mở, đồ ăn không ngon, hôi thối. Bà đưa cho đứa cháu và nói “Hôm nay con đi học về mệt rồi, đây dĩa đồ ăn, con ăn vô đi”. Đứa cháu nhìn thấy đồ ăn, đói bụng muốn ăn như hàng ngày, nhưng khi được gần tới, nó ngửi thấy mùi hôi, nó bực mình, nó cau có, nó la lên nó nói rằng “Hôi như vậy làm sao mà ăn”. Bà cụ mới nói “À…nó hôi con ăn không được hả?”. Đứa cháu nói “Hôi ăn không có được” – nó nói cụt ngủn à. Bà cụ cũng mỉm cười nhẹ nhàng, mở cái lồng bàn đưa “À…vậy thì con ăn cái dĩa này đi”. Nó nhìn thấy dĩa đồ ăn kia mở ra đưa tới, ngon, thơm, nó ăn liền. Khi nó ăn xong, bà cụ mới nói “Con ơi, hai dĩa thức ăn cũng là hai dĩa. Một dĩa là hôi thối, con chê không ăn; một dĩa thơm ngon, con ăn được. Như vậy đã ăn xong rồi, con thấy như thế nào?”. Đứa cháu nói “Con thấy ngon, thích lắm”. Và bà cụ làm như vậy bảy ngày liên tục, cho đến ngày thứ tám, bà cụ mới nói với đứa cháu “Cũng là đồ ăn, nhưng đồ hôi thối bà đưa con, con không ăn. Đồ ngon con mới ăn. Vậy ở trên đời những đứa bạn kia đưa cho con những thói hư tật xấu như cãi lời của bà, không nghe lời của bà, xưng hô không lễ phép, và rồi có những ngôn ngữ sử dụng không đúng đạo đức, nó cũng hôi thối như cái dĩa đồ ăn đó con. Sao con cứ nuốt vào trong bụng để rồi về đối xử với bà mà không mang dĩa ngôn ngữ đồ ăn ngon á, mà bà hướng dẫn cho con để đối xử với nhau?”. Đứa cháu còn nhỏ, nó cũng chưa hiểu đâu, nó nghe vậy thôi.
Cho tới khi nó 18 tuổi, nó vô đại học. Trước khi chia tay bà cụ lên đường nhập trường đại học, bà cụ cũng làm cho nó một bữa ăn để tiễn cháu đi lên trường. Bữa ăn đó có một dĩa thật hôi thối bày ra trước mắt. Chàng thanh niên 18 tuổi lúc này thầm hiểu được ý của bà, cúi xuống lạy bà và ghi nhớ ở trong lòng rằng đừng bao giờ để những thứ đồ ăn hôi thối của người khác dâng cho chúng ta, mà chúng ta phải nuốt vào. Chúng ta vẫn có một sự lựa chọn những món ăn ngon, đừng vì người ta mang tới tận miệng, người ta cho chúng ta mà chúng ta phải nuốt. Cho nên đừng để những tánh xấu, hôi thối của người khác, dù là những người rất gần gũi với chúng ta ảnh hưởng đến chính mình để bốc mùi hôi thối, lây lan, ô nhiễm tới cuộc sống của gia đình”. Đứa cháu đã từ biệt bà và lên đường đi học với một tâm thái thong dong tự tại, hiểu thấu và hiểu được ý ngầm của cụ bà dạy cho cháu, phải tỏa hương và phải sống với đức hạnh, đừng để người hôi thối trong xã hôi, đừng để người xấu làm cho mình xấu, đừng để thói xấu của người khác ảnh hưởng đến cuộc sống bởi trong mình luôn luôn được đào tạo cái đạo đức của gia phong.
Các bạn thân mến! Mỗi người chúng ta sống ở trong gia đình, ta có phước báu. Gia đình đào tạo cho ta như cha mẹ ông bà, những người thân, cô thầy dạy cho ta một nền đạo đức thánh hiền tốt lắm, gia đình nào cũng có gia phong của gia đình đó, rất tốt. Và rồi chúng ta lại có phước báu học được từ đạo pháp của Chư Phật, thì nhất định trên đường đời, chúng ta đừng để cái xấu của người nó lây nhiễm vào chúng ta. Đừng để thói hư tật xấu của người ở đời nó tiêm nhiễm, ảnh hưởng, thay đổi và làm cho chúng ta đánh mất đi nhân phẩm cao cả, tốt đẹp, một nền đạo đức từ gia đình, cha mẹ ông bà, thầy cô đã dạy cho chúng ta. Và các bạn nhớ, chàng thanh niên kia chỉ có thể hiểu được chính là bởi vì sự quan tâm của bà hướng dẫn từ thuở nhỏ. Chúng ta cũng vậy, ngay từ những thuở mà tâm trí của chúng ta bắt đầu gần gũi và bị tiêm nhiễm những tư tưởng kia, chúng ta phải tự biết quay về với tự thân chăm sóc ngay, bởi chúng ta đã lớn, đi vào đời, và đời luôn luôn có mùi hương thơm để ngửi và mùi hôi thối để ô nhiễm cuộc đời. Hãy chọn mùi hương thơm của đức hạnh, của việc lành để ngửi, để ta có được sức mạnh để vươn lên. Đừng vì người ta đưa đến tận miệng, nhét vô trong mũi, hôi thối như thế mà ta cứ ăn, ta cứ ngửi.
Hãy sống biết quan tâm đến chính mình. Các bạn nhớ, thói xấu là một cái bệnh, con người xấu đã là một người bệnh rồi. Bởi vậy có những nơi người ta làm thẩm mỹ, để chúng ta không ưng cái mũi, cái tai, cái mặt, nâng tầm cho đẹp, khi chúng ta cảm thấy xấu, ta tới đó thì người ta cũng gọi đó là bệnh viện. Xấu là bệnh. Đó là cái xấu về cơ thể, chúng ta muốn giải phẩu cho đẹp, gọi là bệnh viện thẩm mỹ. Cái xấu của tâm hồn, của thói hư tật xấu cũng là một cái bệnh, cũng là tạo ra nghiệp vô số. Và khi thói hư tật xấu của cái tâm sẽ tạo ra nghiệp vô số, tổn phước, thì nó gây bệnh thật sự cho thân tâm của các bạn. Cho nên các bạn phải nhìn thấy sự nguy hiểm của thói xấu, của tật xấu bị ô nhiễm từ bên ngoài do những người không làm chủ được bản thân. Và các bạn phải làm chủ được bản thân của mình bằng nhìn thấy những giá trị cao quý của gia phong nơi nhà mình, nền đạo đức của cha mẹ, thầy cô dạy cho chúng ta. Lúc nào cũng phải giữ được nó, đừng để cho xã hội ngoài kia tha hóa chúng ta. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải có sức mạnh làm chủ bản thân của mình bằng cách luôn luôn phải tự hào về những điều cao cả, tốt đẹp, đạo đức của gia đình đã dạy cho chúng ta.
Mỗi một người vào cuộc đời luôn có sẵn nền đạo đức của gia đình để lại trong tâm, bởi ông bà chúng ta dạy cho chúng ta từ thuở nhỏ, bởi cha mẹ giáo dưỡng cho chúng ta từ thuở nhỏ, nền đạo đức đó rất cao quý. Nếu đánh mất nền đạo đức đó, khi vào đời chúng ta dễ bị sa ngã. Và nhất định nếu các bạn đã có phước báu tiếp cận được với các bậc xuất gia, học được nền đạo đức của Chư Phật nữa thì các bạn nhớ rằng các bạn như có hai cái cánh, một cái cánh đạo đức của gia đình, gia phong, một cái cánh đạo đức của Đức Phật dạy, thì trở thành một đôi cánh rồi. Các bạn nhớ vỗ cánh mà bay lên, đừng sà mình vào trong sự hôi thôi, thói hư tật xấu ở cuộc đời. Đời là cạm bẫy nhưng bạn vẫn có đôi cánh đạo đức của gia đình và đạo đức của Phật dạy.
Hãy cất cánh bay lên, đừng sà mình xuống. Một sự lựa chọn cao cả là bay lên để hưởng, hay sà mình xuống để chết chìm trong thói hư tật xấu. Chúng ta phải nhìn ra điều đó mới làm chủ được sức mạnh của cuộc đời, mới thay đổi được vận mệnh và mới bảo toàn được mạng sống cũng như sự hạnh phúc cho gia đình của các bạn. Các bạn nhớ! Chúng ta là sự nối truyền đạo đức của gia đình. Chúng ta là sự nối truyền đạo đức của gia đình, chúng ta là người nối truyền năng lượng từ bi của Phật, giáo lý của thánh hiền, nhất định không thể bỏ qua. Cố gắng vỗ đôi cánh của nền đạo đức gia đình, nền đạo đức của Phật mà ta có phước báu học được để bay lên, đừng để thói hư tật xấu ở đời ô nhiễm đến chúng ta. Đứa cháu kia 18 tuổi hiểu được ý của bà, sẵn sàng nhập vào đời, đi vô trường học mà không hề run sợ. Bởi vì sao? Bởi vì nó biết nó vẫn còn nền đạo đức của bà dạy cho bao nhiêu năm qua. Vào cuộc đời, nó nhất định sẽ giữ mình không để sa ngã.
Các bạn! Đừng bao giờ để sa ngã, hãy tự hào về nền đạo đức của ta đã hấp thụ được nơi gia đình và nơi các bậc thầy Tổ đã chỉ dạy qua kinh sách, chân lý của Đức Phật. Hãy tự hào nền Phật học ta đã được thọ, tự hào nền đạo đức ta đã được dạy nơi gia đình để đi vào cuộc đời phải cất cánh bay cao, không bị sa ngã vào những thói xấu và bị ô nhiễm vào những sự sai trái trong cuộc đời. Chúc các bạn luôn luôn cất cao đôi cánh của mình để bay lên, đừng hạ sát xuống quá để khi sa đà rồi, khó có thể thoát ra.
Cám ơn các bạn đã nghe. Hãy cất đôi cánh của mình mà bay lên cao nghe các bạn!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa