Search

Vì Ta Quá Nhạt

Bảo Nguyện đánh máy

Vì ta quá nhạt quá mờ
Mà ta (cứ) muốn đậm, nên tô thật dày
Dềnh dàng áo mão cân đai
Khua chiêng gióng trống phô bày cái tôi
https://youtu.be/Vxs_AkP_5_w’

Mô Phật. Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi. Hôm nay thứ bảy trong chương trình Sống trong Chánh Niệm chia sẻ Phật Pháp. Giờ đồng tu đã tới, mời các bạn cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo Phật – Pháp – Tăng để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin Chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh, và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy thắp sáng đuốc Tuệ thể nhập vào trong tâm tỉnh giác, Chánh Niệm trong hơi thở, quán chiếu thấu rõ được vạn pháp vô thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia trì cho tất cả Phật tử, các bạn đồng tu đang lâm bệnh có đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Một lòng hồi siêu cho chư vị hương linh theo thiện Nghiệp mà tái sanh cảnh lành. Và chúng con đồng lòng nguyện cầu cho thế giới được hòa bình chấm dứt chiến tranh. Xin Chư Phật chứng minh.

Giờ đây mời các bạn cùng với Bảo Thành chúng ta cùng trì niệm hồng danh Đức Phật, trì Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Chú Đại Bi…..Vãng sanh chú……

Mu A Mu Sa

Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U

Sa U Sa U Ba Thê Um

Nam Mô Saka Pouttê, Nam Mô Saka Pouttê

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật, hôm nay thứ bảy tại nơi đây là chánh Điện Chùa Xá Lợi tại tiểu bang Pennsylvania, không khí yên tĩnh, nương bóng đại hùng đại lực Đức Bổn Sư Thích Ca. Trong tâm của Bảo Thành đón nhận được sự gia trì, năng lượng tình thương, Trí Tuệ sáng, nhìn được hơi thở, tỉnh táo vô cùng. Thứ bảy là ngày nghỉ của muôn người, chúng ta đã không để cho sự bận rộn của những lịch trình sắp sẵn cho ngày nghỉ để đi chơi. Người Phật tử tại gia chúng ta vẫn cho mình một khung thời gian trong lành để trở về với tự tánh, nhìn rõ bản thân của mình qua từng hơi thở Chánh Niệm. Mỗi một thứ bảy trong chương trình Sống Trong Chánh Niệm, chúng ta các bạn đồng tu có nhân duyên nhận thấy sự lợi ích và phù hợp cùng với nhau trên con đường tu, đã phát nguyện tu. Sự tu của chúng ta thật đơn giản là dùng cái tâm thấy biết của chính mình, nương vào hơi thở Chánh Niệm, nhìn tư tưởng suy nghĩ, lời nói và hành động để tự nhắn nhủ mình rằng bất cứ việc gì, suy nghĩ gì, lời nói nào trao cho nhau thì ta giữ cho đúng Pháp. Giữ Pháp mà Đức Phật dạy qua hơi thở sẽ giúp cho chúng ta trở về tận cội nguồn của sự an lạc, và nó tạo ra một lực thật lớn để chuyển hóa để xóa mờ đi những dấu tích đau khổ phiền não của những tháng ngày qua. Nó tô đậm cái Tánh và Trí Tuệ sáng của chúng ta, để rồi chúng ta không bị nhạt nữa. Chủ đề hôm nay: “Vì ta quá nhạt”, chúng ta tu chúng ta sẽ không còn quá nhạt, sẽ đậm nét, sẽ đẹp mà không cần phải tô trét một thứ gì cho đậm. Các bạn gửi về chủ đề chia sẻ trong thứ bảy Sống trong Chánh Niệm, chủ đề: “Vì ta quá nhạt”.

Vì ta quá nhạt quá mờ

Mà ta muốn đậm nên tô thật dày

Rềnh ràng áo mão cân đai

Khua chiêng gióng trống phô bày cái tôi.

Mỗi một người chúng ta trong cuộc sống đôi khi ở nơi tập thể, gặp bạn bè hay đi ra ngoài chợ, hoặc chỉ ra ngoài đường thôi thì sự đông đúc, sự nhộn nhịp, sự tưng bừng của xã hội thật nhiều lúc đã làm cho Bảo Thành và các bạn cảm thấy bị cuốn hút bởi mình quá nhỏ, quá nhạt. Vốn các bạn và Bảo Thành không muốn mình nhạt mình mờ như vậy đâu, ai cũng muốn cho người ta biết đến mình. Nhưng hầu hết chúng ta cảm thấy bị nhạt mờ nơi chốn đông người. Rồi ta cứ vươn lên, ta tìm đủ mọi cách để đạt tới đỉnh cao cho mọi người nhìn thấy ta, nhưng càng lên trên cao thì ta càng nhỏ bé, càng mờ dần chẳng ai nhìn thấy.

Vì ta quá nhạt quá mờ

Mà ta muốn đậm nên tô thật dày

Rềnh ràng áo mão cân đai

Khua chiêng gióng trống phô bày cái tôi.

Đúng, ta cứ trét lên đủ thứ màu sắc lên khuôn mặt, lên con người của chúng ta để tô cho thật dày ngõ hầu ai đó nhìn thấy chúng ta. Ta rềnh ràng áo, cân đai, mão, mũ, giày dép, xe cộ, nhà cửa phô bày đúng như câu khua chiêng gióng trống phô bày cái tôi. Nhưng chúng ta càng tô càng dày, chúng ta càng dùng những vật chất bên ngoài tô điểm cho cuộc sống để phô bày cái tôi thì ta lại càng quá nhạt quá mờ trong cuộc sống. Và dần dần mất đi sự tự tin vào chính mình. Theo tâm lý học những ai mà bị cảm nhận ra rằng ta quá nhạt quá mờ mà muốn để cho người khác nhận biết ra thì rất thường bị rơi vào trạng thái tự kỉ, mất đi niềm tin, không còn tin vào bản thân, dễ bị người khác lừa gạt, dễ bị người khác xúi dại, và dễ bị cuốn trôi vào những cao trào những phong trào của người khác. Lợi dụng sự mất niềm tin của mình vào bản thân để lấy đi tất cả những gì thuộc về chúng ta. Nếu nói về sắc đẹp, con người sinh ra hiển nhiên đã có cái đẹp như Thiên Thần từ thưở nhỏ, lớn dần chúng ta có lẽ không đón nhận cái đẹp khi sinh thời, thường trát vào người những cái đẹp mà người khác cho là như vậy. Từ đó ta đã trét lên gò má, trên đôi mắt, trên mặt của ta biết bao nhiêu thứ, để nước da thay vì đẹp hiển nhiên thì dần dần bị sạm bị nám, tốn tiền nhiều mà còn bị cháy da. Lại có người khoác lên những cái áo rất bình thường thôi thì sợ xấu, mũ bình thường thôi thì sợ xấu, sắm áo mũ đôi khi cả bạc tỷ, khoác lên trên người nhưng vẫn còn quá nhạt. Có người ăn to nói lớn gióng trống phô bày tôi đây tôi vậy, vậy mà vẫn mờ vẫn nhạt. Và trong cuộc sống vật chất chúng ta bon chen để vươn lên, nhưng cuối cùng cũng chẳng bằng ai, lại cũng quá nhạt. Trong những cuộc tình, tình người, tình yêu, tình vợ chồng hay đối với tình nghĩa của ông bà cha mẹ, ta không tự tin tới với nhau bằng trái tim chân thành. Ta cảm thấy quá nhạt vì mất niềm tin vào chính mình nên tình cảm ở mọi phương diện ta cố gắng tô đậm bằng vật chất. Nó rỗng tuếch, bằng đồ, bằng quà tặng, để thể hiện độ dày của cái danh gọi là giàu có, nhưng cuối cùng chẳng ra sao. Đời sống con người cũng ảnh hưởng tới đời sống tâm linh qua thói quen, vì mất niềm tin vào chính mình và cảm thấy mình quá nhạt quá mờ rồi cứ muốn đậm nên tô thật dày. Từ cuộc sống vật chất tinh thần đến cuộc sống tâm linh ta mang luôn khuôn mẫu đó áp đặt vào trong đời sống của tôn giáo. Người Phật tử tại gia chúng ta bị tật cố này thật thật nhiều, mang khái niệm của đời sống thường mà ứng dụng vào trong cõi tu. Từ đó mà cái rất chân rất thật rất sáng của Phật đã bị những nét đậm của văn hóa tôn giáo, của phong tục tôn giáo giáo, của niềm tin tín ngưỡng dân gian, lên kế hoạch lấn chiếm từ từ. Và thế là các phong tục hủ lậu mê tín dị đoan, những phương tiện ở đời thích ứng với sinh hoạt của con người, cồng kềnh chễm chệ rềnh ràng chiếm hết mặt tiền của chân tâm sáng sủa nơi tự tánh. Từ đó con đường tu của chúng ta mờ dần, cái tự tánh thật đậm bởi ta tô quá nhiều phong tục hủ lậu tạo ra một nền tôn giáo mới chẳng còn là Phật. Và chúng ta đã mất đi niềm tin chân chính vào tự tánh, vào Trí Tuệ mà chỉ mụ mẫm lần mò trong đống vật chất sắc tướng mà ta khoác lên hình hài, lên con đường chân thật dẫn đưa đến sự giải thoát của Đức Phật đã truyền trao. Rồi còn chiêng trống rình rang, ồn ào để phô bày cái tôn giáo. Đức Phật ngày xưa đi chân đất không trống không chiêng, thế mà tới đâu thì hạnh phúc bình an tới đó. Ngày nay chúng ta đã đánh mất đi sự thanh tịnh nơi bản thể tự nhiên, Phật tử đâu còn tự tánh thiên nhiên huyền diệu trong sáng. Nhìn lại chúng ta thấy con đường đi vào Phật Pháp ngày nay đối với Phật tử tại gia là cả một vấn đề bởi quá nhiều thứ cồng kềnh. Như câu rềnh ràng áo mão cân đai, khua chiêng gióng trống phô bày cái tôi. Cái tôi của cuộc đời và cái tôi của tôn giáo đã chẳng để cho chúng ta còn chỗ cho cái tâm chân tâm, cái Trí Tuệ, năng lượng Từ Bi có cơ hội hiển bày lan tỏa. Chúng ta quá đặt nặng lên sắc tướng vẽ vời của những thương gia, của những người buôn bán làm giàu. Họ đã hiểu thấu tâm lý yếu đuối và nhìn ra chúng ta đã mất đi niềm tin, sự tự tin vào bản thân, và chẳng còn nhìn nơi lời của Đức Phật một cách tinh khôi uyên thâm huyền diệu trong sáng đơn giản nữa. Nên họ đã nhồi nhét cho chúng ta những phong tục thật mới, cải hóa chúng cho phù hợp với thời đại, để ta bỏ thêm tiền thêm sức thêm công, mang cái bên ngoài nhồi nhét vào mà quên rằng chính cái bên trong mới là thứ cần phải hiển lộ. Ta đi theo Phật, ta là Phật tử tại gia, ta không tìm cái bên trong, ta kiếm cái bên ngoài khoác lên vai nhét vào đầu tô lên mặt. Bởi chúng ta thấy Phật giáo hình như quá nhạt quá mờ. Mà đúng Phật giáo mờ và nhạt là bởi vì từ xưa khi Đức Phật viên tịch rồi thì dần dần đi vào đời sống dân gian, con người đã tô điểm quá nhiều, trang sức cho nó bằng ngôn ngữ, trang sức cho giáo lý con đường chân thật của Phật bằng phong tục tập quán, bằng niềm tin, bằng những tôn giáo bản địa hòa trộn lẫn lộn. Mà ngày nay chúng ta rất cần phải quan tâm để tháo gỡ tất cả những thứ đó để trả lại sự trong sáng cho tất cả những gì Đức Phật đã dạy cho chúng sanh. Thưở đầu Đức Phật dạy đơn giản, thấy chúng sanh khổ khai Trí Tuệ để nhìn rõ, chuyển hóa Khổ, chỉ vậy thôi là thoát Khổ rồi, là thành Phật đó. Nhưng mà giữa cái Khổ và Trí Tuệ kia thì người ta đã vội vội vàng vàng chen lấn nhau mang quá nhiều thứ bên ngoài nhồi nhét vô. Nào ai theo Phật giáo, nhất là các bạn Phật tử ngày nay, thấy rõ con đường Đức Phật dạy cho chúng ta là nhìn vào Khổ, chuyển hóa Khổ, để có được sự bình an hạnh phúc đâu. Mà chúng ta chạy theo Phật giáo như một tôn giáo lộng lẫy sắc tướng của những lễ nghi, của những màu sắc tô điểm cúng kiếng cầu kính. Là người sống ở đời mà mất niềm tin ta cảm thấy nhạt mờ rồi tô đậm đủ thứ, trong đời sống tâm linh ta cũng lại như thế. Cứ như vậy chúng ta thực sự quá nhạt quá mờ, mờ cả đời sống tinh thần xử thế ở đời, mờ cả tất cả sự yêu thương. Sự tử tế đã nhạt mờ rồi, con đường tâm linh lại càng nhạt mờ hơn.

Vì ta quá nhạt quá mờ

Mà ta muốn đậm nên tô thật dày

Rềnh ràng áo mão cân đai

Khua chiêng gióng trống phô bày cái tôi.

Đi theo Phật hay ở đời, tôi là cái bản ngã càng lớn thì chẳng làm ra sự gì, mà lại tạo nhiều khổ đau phiền não cho chính ta và mọi người. Cái bản ngã là cái tôi kia càng phô bày thì điểm yếu càng rõ nét cho người ta nhận ra rằng mình mất niềm tin. Chẳng còn niềm tin vào bản thân, mất sự tự tin, và người ta càng nhận ra rằng ai đó mà bản ngã càng cao thì càng dễ lợi dụng họ. Cho nên người bãn ngã cao thường dễ vấp ngã và bị người khác xỏ mũi kéo đi không khác gì con trâu. Phật tử tại gia của chúng ta nếu đi theo Phật mà còn để bản ngã của mình quá cao, khua chiêng gióng trống áo mũ rềnh rang, tô cho đậm những phong tục tập quán vào con đường tu đạo, thì chúng ta tự thân đã làm cho tâm tánh nhạt mờ. Và chắc chắn các bạn nếu như vậy sẽ chẳng còn niềm tin vào Chánh Pháp thực sự đâu, có chăng cũng chỉ là mê tín tìm tòi sự may rủi đi theo tôn giáo mà thôi. Phật giáo đi qua thật nhiều nước Á Đông, nay đã tới các nước Châu Âu và Châu Mỹ, hòa trộn với các nền văn minh của Châu âu Châu Mỹ, hoặc hòa trộn vào với nền văn hiến nghìn đời của dân tộc này dân tộc kia, đã làm cho thế hệ trẻ ngày nay đi vào con đường Phật Pháp sẽ khó hình dung ra hình dáng chân thật của Đức Bổn Tôn Thích Ca, bởi họ nhìn chỉ thấy những nét tô thật dày trong văn hóa dân tộc tôn giáo bản địa niềm tin mê tín. Thật khó cho giới trẻ ngày nay và Phật tử tại gia có thể tìm chút bình yên an tịnh nơi tâm hồn. Bởi không có sự hướng dẫn thật đơn giản cặn kẽ để cho chúng ta có thể lột bỏ nhìn rõ những gì tạo khổ cho chúng ta. Từ đó có thể chuyển hóa thành hạnh phúc an vui. Mà chúng ta chỉ đi cầu để được an được vui mà không rõ nguyên nhân tạo Khổ. Khổ càng Khổ thêm, càng cầu cho an thân thì lại càng phiền não như khối ung thư chẳng hóa trị mà cứ bồi dưỡng cho nó những thứ để nó phát triển ra, tới ngày nó bộc phát chết đi đời sống tâm linh. Các bạn, Đức Phật đưa chúng ta trở về để nhận thấy rõ trong chúng ta không quá nhạt chẳng quá mờ, nó luôn luôn sáng, sáng lắm, quý giá, đó chính là Trí Tuệ Từ Bi tỉnh giác. Trí Tuệ Từ Bi tỉnh giác không bao giờ nhạt, chẳng bao giờ mờ, chẳng cần các bạn tô cho đậm, chẳng cần các bạn rềnh rang khoác vào những phong tục tập quán mê tín dị đoan cúng kiếng van xin. Chẳng cần các bạn khua chiêng khua trống để phô bày, chỉ cần các bạn chân thật với chính mình. Đừng chạy ra bên ngoài vơ vét cả thiên hạ thế giới, đặt để vào trong tâm mình gọi đó là Phật, mà đi trở vào buông tất cả những thứ gì bên ngoài, cái gì bên ngoài trả về bên ngoài, cái gì bên trong hãy bước vào để đón nhận. Chỉ có thế thì bạn sẽ hạnh phúc, phiền não đau khổ sẽ rơi rụng chẳng còn. Đức Phật không muốn chúng ta làm nô lệ cho văn hóa dân tộc. Đôi khi chúng ta tự hào quá đáng về tôn giáo dân tộc của mình. Các bạn thấy chúng ta theo Phật chẳng phải là theo một tôn giáo thuộc một tông phái một dân tộc nào do vĩ nhân tạo ra mà là theo con đường chuyển hóa khổ đau đạt đến sự hạnh phúc. Nhưng ngày nay tôn giáo ngay cả Phật giáo và các dân tộc nhỏ, người ta đã cố gắng xiển dương cho lòng tự hào quá đáng của dân tộc mình, thành lập nên những tôn giáo dân tộc. Như Phật giáo cũng nói Phật giáo dân tộc Việt, Phật giáo dân tộc này dân tộc kia, hòa trộn lẫn lộn. Lời Phật đã bị hòa trộn vào những lời hàm tiếu của thế gian. Từ đó cộng vào sự tự hào dân tộc qúa đáng mà ngày nay có quá nhiều tôn giáo mang màu sắc Phật giáo nhưng lại gọi là tôn giáo dân tộc. Đức Phật không chế ra một tôn giáo đâu, Ngài chỉ nhìn thấy chúng sanh quá khổ quá phiền não và tìm ra con đường để chúng sanh hết khổ hết phiền não, có được hạnh phúc an vui. Nếu bạn đang khổ đang phiền não, nếu bạn muốn tìm về cội nguồn của hạnh phúc và an vui thì tới với Phật thật đơn giản: là mang tất cả những gì bạn thâu lượm từ xưa đến giờ nhồi nhét vào trong tâm mà quẳng nó đi, không cần nữa. Hãy quẳng đi tất cả những gì bạn vơ vét để tạo ra bản ngã của bạn ngày hôm nay, lột trần, bóc sạch, buông hết, chỉ cần bước vào trong Chánh Niệm hơi thở để cho năng lượng  Từ Bi của Phật tương tác với tự lực cầu đạo giác ngộ thì hiển nhiên trong lòng của bạn sẽ bừng tỉnh, Trí Tuệ sẽ bừng khai, tình yêu của bạn sẽ lớn dần để chữa lành tất cả mọi vết thương đau khổ phiền não nơi tự thân nhiều đời, và của tất cả những ai kề cận với chúng ta. Đừng tự ti đừng tự kỉ mất niềm tin vào chính mình để cảm nhận ra ta quá nhạt quá mờ, rồi cứ lao đao lận đận, muốn đậm nên tô trét đủ thứ vào cuộc sống tinh thần, thể chất và tâm linh. Rồi cứ rềnh ràng sắc tướng bên ngoài, cầu kính lung tung, chuông mõ rềnh rang chẳng được gì. Bạn làm những chuyện đó để làm gì? Ta theo Phật để nhận diện ra sự khổ đau và phiền não, ta học lại những gì Phật dạy là để biến phiền não và đau khổ thành hạnh phúc và an vui. Như là chỉ đá hóa vàng vậy các bạn, gặp phiền não gặp đau khổ dùng thiền chỉ nhìn thật rõ, dùng thiền quán thấu được chúng. Chỉ có vậy với Chánh Niệm hơi thở bạn mới phá tan đi ngục tù đen tối của phiền não đau khổ ràng buộc cột chặt bạn bởi những ác pháp bạn đã tạo ra. Thế là những pháp thiện được thực hiện trong cuộc đời, hạnh phúc bình an chẳng bao giờ thiếu. Bạn sẽ tìm lại niềm tin nơi chính mình, nơi tự tánh chân thật vốn có chẳng cần tìm ở bên ngoài, và sẽ có sự tự tin dõng mãnh, mạnh lắm như thái sơn. Vững chãi như thái sơn, thong dong như mây trời chẳng còn phiền não đau khổ đâu, và chẳng còn phiền não đau khổ thì đó là lời Phật dạy. Các bạn, đừng để cho sự tự kỉ tự ti, mất niềm tin vào bản thân, để rồi cảm thấy rằng:

Vì ta quá nhạt quá mờ

Mà ta muốn đậm nên tô thật dày

Rềnh ràng áo mão cân đai

Khua chiêng gióng trống phô bày cái tôi.

Trong cuộc sống từ vật chất, tinh thần đến tâm linh, chúng ta đừng để rơi vào trạng thái như thế. Đức Thế Tôn giáo dạy cho chúng ta tìm lại niềm tin nơi chính mình, và Trí Tuệ Từ Bi tỉnh giác là cội nguồn của tất cả, có được chúng là có tất cả. Và Trí Tuệ Từ Bi tỉnh giác vốn có nơi tâm của chúng ta, không cần tìm bên ngoài. Hãy làm một cuộc thay đổi toàn diện, dọn sạch nhà tâm của mình đi, mang tất cả những gì ta thâu lượm bên ngoài vơ vét ở bên ngoài nhồi nhét vào bên trong, quẳng bỏ chúng đi, xả bỏ chúng đi cho nhẹ cho rỗng cho trống, để tâm ta có thể nhìn thấu được tánh linh huyền diệu vốn có nơi tình thương Từ Bi. Và khi làm được như vậy thì các bạn thực sự là người tỉnh giác, sống trong sự tỉnh thức, Trí Tuệ luôn sáng, năng lượng luôn dồi dào, để chúng ta ứng dụng vào đời sống. Ngõ hầu ta và muôn người được hạnh phúc và an vui.

Các bạn đây là sự chia sẻ của Bảo Thành ngày hôm nay thứ bảy trong chương trình Sống Trong Chánh Niệm. Đừng bao giờ để rơi vào cảm giác:

Vì ta quá nhạt quá mờ

Mà ta muốn đậm nên tô thật dày

Rềnh ràng áo mão cân đai

Khua chiêng gióng trống phô bày cái tôi.

Hãy khiêm tốn để chuyển hóa cái tôi bản ngã của mình, và hãy lột bỏ tất cả những sắc tướng ta mang vào cuộc đời này khi đi theo Phật để học. Đức Phật dạy cốt lõi những lời Ngài giáo huấn là để chuyển hóa khổ đau và phiền não. Bao nhiêu lâu bạn chưa hết phiền não và khổ đau để có được hạnh phúc và bình an thì đừng trông chờ mong cầu một cảnh giới một thế giới một sự giác ngộ cao siêu. Phật tử tại gia, giá trị của sự bình an và hạnh phúc là rất cao quý và rất cần. Hãy nhìn thẳng vào sự phiền não đau khổ mỗi ngày, đừng tô điểm cho chúng cho đậm nét bằng sự giải thoát là mặc vào những phong tục tập quán lễ bái cúng kiếng hình tướng văn hóa dân tộc, phong tục tập quán hủ lậu nữa, mà phải mạnh dạn cởi bỏ lột trần chúng ra, để nhìn rõ bản thể thanh tịnh sáng sủa của chân tâm qua sự tu tập của Mật Thiền song tu, thiền Trí Tuệ, thiền Từ Bi, thiền tỉnh giác gọi chung là Trí Tuệ Từ Bi tỉnh giác quán. Quán Trí Tuệ, quán Từ Bi, quán tâm tỉnh giác. Quán tâm Từ Bi là quán tâm qua mật ngôn Mu A Mu Sa, khi chúng ta trì niệm mật ngôn Mu A Mu Sa là chúng ta nhắc nhở bản thân quán tâm Từ Bi vốn có nơi ta không cần tìm, chỉ trở về Chánh Niệm hơi thở thì tâm Từ Bi đó liền hiển lộ và lan tỏa. Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang là quán tâm Trí Tuệ, Trí Tuệ vốn đã có sẵn, chẳng lu mờ, chẳng mất, chẳng cần thêm chẳng bớt được. Chỉ cần trở về bằng hơi thở Chánh Niệm thì Trí Tuệ của bạn sẽ sáng như ngọn đèn đã tự sáng, như mặt trời đã tự sáng. Và giữa ánh sáng Trí Tuệ đó ta quán chiếu tâm tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê thì liền nhận ra vạn pháp là vô thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, ta bỏ được cái tôi bị xẹp xuống như bóng bóng bị xì hơi. Ta sẽ không bị cái tôi cái bản ngã che mờ lí trí đôi mắt Tuệ, mà ta có cơ hội nhìn rõ cuộc đời này để sống an vui và hạnh phúc, thấu rõ được nguyên nhân tạo ra khổ và phiền não, chuyển hóa chúng, tăng trưởng năng lượng yêu thương, thắp sáng đuốc Tuệ của mình, luôn luôn sống trong sự tỉnh thức.

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.

Nguyện chúc cho các bạn cuối tuần an vui, sống bằng năng lượng Từ Bi, lan tỏa chúng hồi hướng cho mọi người. Sống giữa ánh sáng Trí Tuệ nhận rõ các pháp là vô thường, khổ, vô ngã. Và sống luôn luôn tỉnh thức trong mọi hành động, suy nghĩ và lời nói. Để Bảo Thành và các bạn trong cuối tuần này, chúng ta quăng bỏ bớt những sự rườm rà sắc tướng đi để trở về cái tâm chân thật trống rỗng thinh lặng, tận hưởng nguồn hạnh phúc vô biên bất diệt vốn có nơi ấy.

Hồi hướng:

Thưa Phật, sự đồng tu vào ngày thứ bảy hôm nay nếu tạo được chút phước nào nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn