Search

Uống Độc Giải Khát

Bảo Nguyện đánh máy
Đừng vì đói khát cồn cào 
Vơ càn chất độc nốc vào thân tâm
Nhãn tiền đau đớn hại thân
Nặng thêm gánh nghiệp trả dần mai sau

Mô Phật. Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi. Giờ đồng tu Sống Trong Chánh Niệm bắt đầu. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo, nghe tiếng chuông và chúng ta đồng tu với nhau.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa Phật, hôm nay thứ bảy, trong đời sống Chánh Niệm, chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật gia trì và ban rải năng lượng tình thương xuống với tất cả mọi người. Đặc biệt là các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, để xua tan đi sự sợ hãi, tăng trưởng lòng cảm thông, biết ngồi lại nhìn lại sự đau khổ của chúng sanh trong chiến tranh để ngừng hẳn, không tạo ra những cuộc chiến gây đau khổ và chết chóc. Ngược lại thành lập một nền hòa bình cho thế giới. Chúng con xin Chư Phật gia trì.

Giờ đây mời các bạn cùng với Bảo Thành niệm hồng danh Đức Phật, tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn. Nguyện một lòng hồi hướng cho nền hòa bình thế giới.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Chú Đại Bi…..Vãng sanh chú……

Mu A Mu Sa

Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U

Sa U Sa U Ba Thê Um

Nam Mô Saka Pouttê, Nam Mô Saka Pouttê

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha

Kính chào các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi. Hôm nay lại thứ bảy rồi, thời gian trôi qua quá nhanh, chỉ một chút thôi là một tuần đã trôi qua. Nếu suy nghĩ và nhìn lại ta thấy chóng mặt, ta cứ rượt đuổi như tuổi thơ dí theo những cơn gió lốc, quẩn quanh nơi thôn xóm mà chẳng biết mệt, chẳng nghĩ đến điều gì, nhưng chỉ một thoáng trôi qua trên tóc đã điểm hoa, thế là tuổi già đã tới. Các bạn, chủ đề ngày hôm nay trong đời Sống Chánh Niệm, các bạn gửi về Bảo Thành nhìn trên màn hình, suy nghĩ để chia sẻ làm sao để không chạm vào cảm xúc của các bạn, bởi hầu hết trong chúng ta trên toàn thế giới thì những điều như thế này rất tế nhị. Nhưng người học Phật dù có chạm vào cảm xúc làm khó chịu thì chúng ta cũng phải mạnh dạn trực diện đối diện và nhìn rõ hơn một lần để có sự quyết định sáng suốt trong cuộc đời.

Chủ đề “uống độc giải khát” nghe tiếu ngạo như phim giang hồ kiếm hiệp, gọi là tiếu ngạo giang hồ đó. Nhưng thực tế trong cuộc đời, chúng ta mấy ai cảm nhận được ta thực sự đang giải khát bằng uống chất độc vào trong con người đâu. Chúng ta hiểu, chúng ta nghe và chúng ta được các bác sĩ thường nói tới, không những các bác sĩ về phân y của cơ thể học, mà bác sĩ tâm lý cũng như các bác sĩ về xã hội học đều khẳng định thật rõ qua chiều dài của thời gian thực nghiệm và nghiên cứu, để thấy rằng khi con người tiến bộ quá nhanh và nền công nghiệp hóa phát triển quá mạnh, đủ mọi thứ ăn chơi, đủ mọi thứ công nghệ cao, ăn chơi và công nghệ cao đã tạo ra sự mất cân đối giữa thành thị và thôn quê, giữa con người và cuộc sống, tạo ra nhiều sức ép thật gay cấn. Và làm cho mỗi người đôi khi thấy chới với chạy rượt mà không kịp, mệt mỏi. Và thế là phải giải khát hoặc giải trí bằng những thứ độc hại, biết rõ mà không thể ngừng được. Sự nghiên cứu trên thế giới có những nước công nghiệp phát triển cao như nước Nhật chẳng hạn, nền kỹ thuật phát triển quá cao để rồi con người đã trở thành vô cảm như người máy, rập khuôn bởi mức sống cao, nhà cửa giá cao, đồ ăn đồ uống mọi sinh hoạt đều cao, làm việc có lương cao nhưng đều phải trả vào những khoản đó hết. Rồi sao, sức ép của cuộc sống quá căng thẳng vì mục tiêu phải thành tựu được nền kinh tế. Bởi vậy biết bao nhiêu thế hệ trẻ đã trôi qua sau đệ nhị thế chiến, tại nước Nhật người ta đã thấy thật nhiều những người trẻ lâm vào sự khủng hoảng, khủng hoảng đến mức họ không còn thấy mục tiêu sống để tìm sự hạnh phúc của con người mà chỉ sống như người máy phục vụ cho xã hội. Họ rơi vào trầm cảm, họ cô đơn và ngành y đã phải tích cực hơn để cứu sức khỏe của biết bao lớp trẻ bị rơi vào tình trạng căng thẳng tinh thần. Trở về với cuộc sống hiện tại ở Việt Nam chúng ta nói riêng thôi, còn nói chung trên thế giới đều như vậy, uống độc giải khát là thường lắm, 123 dô một cái là cả bàn nghiêng ngả, một vài két là chuyện thường. Đâu ai nghĩ rằng nó độc, một vài chai một vài lít là chuyện thường thôi, ai nghĩ là độc đâu. Nhưng nếu các bạn có cơ hội đi làm từ thiện ghé ngang các nhà thương ung bướu, xơ gan cổ chướng, ung thư, các bạn sẽ thấy được cảnh địa ngục trần gian, cái tai hại và tác hại của những cuộc uống độc giải khát. Hoặc bạn vào các trại giam bạn cũng thấy được bao nhiêu tai hại của những người uống độc giải khát. Hoặc bạn vào các bệnh viện tâm thần bạn cũng thấy cảnh đau thương của uống độc giải khát. Có nhiều loại độc dược lắm, chẳng phải chỉ bia rượu mà còn nhiều thứ, chúng ta đi nhẹ nhẹ qua như tản bộ trong công viên để thấy hương khói của cuộc đời đôi khi thật tai hại mà ít tai ngờ tới.

Các bạn, “uống độc giải khát” là chủ đề của một người bạn trẻ gửi về bởi sự lo lắng cho chính bản thân cũng như nhìn thấy hiện trạng của giới trẻ ngày nay, chẳng màng tới sức khỏe của tự thân, của tinh thần, lao đầu vào uống độc để giải khát

Đừng vì đói khát cồn cào

Vơ càn chất độc nốc vào thân tâm

Nhãn tiền đau đớn hại thân

Nặng thêm gánh Nghiệp trả dần mai sau

Điều này chúng ta thấy đúng. Bởi giữa cơn đói khát của cuộc đời về kinh tế, về tiền bạc, về sự bon chen, về quyền lực, về đời sống mà mỗi người trẻ cũng như những ai mất phương hướng, thường vơ càn chất độc nốc vào thân tâm, mà thực sự có sung sướng gì đâu, những chất độc hại đó khi nốc vào thực tế có đau đớn có hại thân xác nhưng vẫn phải cắn răng chịu. Bởi vì hình như cách sống đó tạo tiền đề như một phong tục, một thói quen, một cách làm việc, một phương pháp xử thế giao tế thuận tiện, nên hại thân đau đớn nhãn tiền ngay tại chỗ mà mấy ai quan tâm, vì công việc vì đời sống đành nhắm mắt xuôi tay.

Đừng vì đói khát cồn cào

Vơ càn chất độc nốc vào thân tâm

Nhãn tiền đau đớn hại thân

Nặng thêm gánh Nghiệp trả dần mai sau

Chủ đề đã nói thật rõ lên hiện trạng đời sống ngày nay, uống độc giải khát, bia rượu, các chất gây nghiện xì ke ma túy các loại thuốc đá thuốc độc khói say, đủ dưới mọi hình dạng khác nhau từ thô cho tới mức không thể ngờ được, đơn giản chỉ là thổi hơi vào bong bóng mà đã say, để mê thần loạn trí, từ những cái chỉ chạm môi vào tờ giấy thì chất gây nghiện đã thấm vào. Ngày xưa biết bao nhiêu những người lớn tuổi phải ăn chơi dữ lắm mới đi vào con đường như vậy, nhưng ngày nay ở các cửa học đường từ tiểu học trung học mọi ngõ ngách trong thôn xóm đều vẫn bị rình rập bởi những người mang những thứ độc hại này để làm khổ cho những giới trẻ. Chúng ta là người Phật tử tại gia chẳng phải là nghiêm cấm những chất độc hại như thế, nhưng cần phải cảnh giác và hiểu thấu đã học Phật, ta phải nhìn nhận bằng con mắt Trí Tuệ là Đức Phật đã dạy cho chúng ta cần phải hiểu thấu sự hoạt động của não bộ thần kinh với thân của chúng ta, sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chất độc hại đưa vào, để ta giảm bớt tối thiểu và dần dần ngưng hẳn. Không nhất thiết phải ngưng ngay nhưng cần thực tập bằng sự ý thức cao để giảm dần giảm dần, và chỉ đụng tới khi chuyện cần, nhẹ nhàng, chớ đam mê đắm đuối để hại vào thân tâm.

Hôm nay Bảo Thành nói thêm một thứ nữa về ý nghĩa của bạn trẻ gửi tới, đó là uống độc giải khát trong sự đói khát cồn cào của những mơ ước thành công cao trong một hoàn cảnh mà xã hội giới trẻ và những bạn muốn tiến thân chới với trong nền kinh tế hỗn tạp, giàu nghèo phân chia quá mức để cho những ai muốn lập nghiệp thật khó khăn. Nhìn vào thực tế xã hội ngày nay tại Việt Nam, đồng lương căn bản của những người khởi nghiệp thật nhỏ, chỉ vừa đủ ăn uống hoặc đổ xăng cho một chiếc xe Honda, hoặc vừa trả tiền nhà trọ là hết rồi, nếu như tháng đó mà công việc làm không có tiền, nhà trọ cũng không thể trả, nhịn đói, xe cũng chẳng có xăng, khi mà vật giá lên cao, khi mà đời sống phải chi xài nhiều nhưng mức lương của người công nhân và mọi người bình thường, nhất là giới trẻ mới ra trường, khó có thể đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Và chính như thế giới trẻ ngày nay vẫn vươn tầm mơ ước một cuộc sống thay đổi nhiều hơn cho nền kinh tế của bản thân. Và vì đó trong cơn đói khát vì sự phát triển riêng của bản thân mà thật nhiều các bạn trẻ đã nhắm mắt để vay tiền nặng lãi của xã hội đen hay của những người cơ hội có chút vốn, làm ăn mà. Nhưng đâu ngờ rằng công việc khó khăn, sự làm ăn đó chẳng thành công như ý, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nợ trả chẳng được. Thế là sợ hãi, nhiều bạn phải trốn nhà trốn quê hương thôn xóm để ra đi tới chốn xa lạ ở, bởi vì thiếu nợ không trả được. Đó cũng là một cách liều mình uống độc giải khát, giải khát khỏi những khao khát của cuộc đời đó, lại có biết bao nhiêu những bạn trẻ cũng như một số bạn vì hoàn cảnh nào đó khó có thể thoát ra đành phải mượn vay vốn nặng lãi, mượn đầu này đầu kia để xoay sở, cuối cùng vỡ nợ chẳng trả được, trốn chui trốn lủi. Có những em những bạn bị xã hội đen săn đuổi, đánh đập, đày đọa. Nhìn thấy những cảnh như vậy thật nhiều ở Việt Nam, ai ai chắc có lẽ cũng một lần trải nghiệm của sự vay nợ nặng lãi. Uống độc giải khát biết nó khổ đó, biết nó tác hại vô cùng nhưng trong những hoàn cảnh ngặt nghèo: có thể do cha mẹ bệnh hoạn không có tiền đành phải vay mượn, có thể do kinh tế không ổn định khó khăn phải vay mượn, có thể để vươn lên một đời sống mới liều mạng khởi nghiệp nên vay mượn, nhưng sự việc chẳng như mong muốn, đổ nợ vỡ nợ và khổ. Ngoài vấn đề uống độc là các chất giải khát gây hại, chúng ta còn mang đến ý nghĩa là nhắm mắt liều mạng xăm mình đi vào những ngõ cụt tai hại như vay nặng lãi để bù đắp cho những sự việc đang xảy ra mà chúng ta không tìm được sự giúp đỡ, bởi sống trong một hoàn cảnh mà thực sự sự giúp đỡ giữa người với người thật khan hiếm, và nhà nước cũng chẳng có chính sách ưu đãi nâng đỡ. Những người nghèo, những bạn trẻ nghèo thường vẫn phải uống độc giải khát dù biết sự tác hại đó. Hôm nay Bảo Thành giới thiệu lại, chúng ta:

Đừng vì đói khát cồn cào

Vơ càn chất độc nốc vào thân tâm

Nhãn tiền đau đớn hại thân

Nặng thêm gánh Nghiệp trả dần mai sau

Đức Phật thấy con người không phải ngày hôm nay mà đã nhiều đời luôn luôn chạy vòng vòng trong cách sống như thế, nên Ngài dạy cho chúng ta con đường thoát khổ là biết tự tại trong mọi cảnh của cuộc đời, và cũng phải biết lo cho tự thân của mình. Dù nghèo hay giàu, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Đức Phật trong những bài kinh rải rác từ thôn này tới thôn kia vẫn nhắc nhở dân chúng thời đó và phật tử rằng: chúng ta để thoát khổ là phải biết lo cho bản thân của mình. Đức Phật dạy chẳng phải là bỏ hết tất cả như chúng ta thường hiểu lầm, học Phật là buông bỏ công ăn sự nghiệp tiền tài danh vọng và địa vị, đó là cách hiểu lầm, hiểu cứng ngắc hiểu sai mà cứng đầu bào chữa. Có một bài kinh Đức Phật dạy cho dân chúng là phải biết cách sử dụng tiền như thế nào. Chúng ta từ xưa tới giờ cứ nghĩ rằng Đức Phật không bao giờ đụng đến đồng tiền, chẳng bao giờ nói đến tiền. Và thật nhiều trong xã hội ngày nay đã mặc định rằng các vị xuất gia không được nói đến tiền. Bởi các vị đã xuất gia thì không nghĩ đến tiền, không nói đến tiền, không biết đến tiền. Đó là một cách gượng ép trong cư xử thiếu hiểu biết. Đức Phật có dạy cho dân chúng thời đó cách xài tiền và cách làm ra tiền. Như trong Bát Chánh Đạo nói tới Chánh Nghiệp và Chánh Mạng, tức là chúng ta được phép làm ra tiền nhưng phải đúng theo phương pháp nghề nghiệp và có quyền có tiền để bảo vệ thân mạng theo đúng phương pháp. Bài kinh Đức Phật dạy về cách xài tiền, Đức Phật sách tấn mọi người phải biết nỗ lực lo cho bản thân về đời sống, và khi tạo ra tiền thì phải chia thành 5 phần. Nếu bạn làm công nhân, nông dân, văn phòng, giám đốc, thủ tướng, tỉnh trưởng, tổng thống, nghề gì không cần biết, phụ nữ hay đàn ông, thanh niên hay thanh nữ, khi làm ra tiền phải chia thành 5 phần, sống thiểu dụng tri túc, đừng khao khát ngoài tầm tay, để rồi uống độc giải khát gây hại. Chia thành năm phần như thế nào:

  • Phần thứ nhất, Phật dạy là để ăn uống và tiêu xài cho những việc cần thiết của đời người. Thật rõ. Cho nên các bạn có quyền sử dụng tiền để mua đồ, để ăn uống, để xài vặt, hoặc trả tiền nhà cửa….Nhưng chỉ có một phần năm thôi nha các bạn. Do đó khi các bạn làm lương thì phải căn vào đồng lương chia làm năm phần đó, đừng tậu căn nhà quá cao mà tiền lương trả không hết hàng tháng cho căn nhà thì lấy đâu còn 4 phần nữa. Tự thuê hoặc mua nhà để rồi giá cả lớn ta trả tiền không kịp. Làm bao nhiêu trả bấy nhiêu cho căn nhà thôi thì là khổ. Phải sống thiểu dụng thôi, ở căn phòng ở căn nhà ở điều kiện chỉ một phần năm đồng lương có thể kham nổi. Nhớ nha các bạn.
  • Phần thứ hai là để tích lũy phòng ngờ, những chuyện sự cố xảy ra để ta có tiền chi trả, đây rất quan trọng. Đức Phật dạy cho ta tiết kiệm tiền đó, cất đi phòng ngờ để khi đụng chuyện ốm đau bệnh hoạn ta có tiền để ta chữa bệnh hoặc giải quyết vấn đề. Vấn đề này nan giải với hầu hết giới trẻ có đồng nào xào đồng đó hết rồi, chẳng bao giờ tiết kiệm tích trữ, để rồi khi kẹt đành phải mượn xã hội đen nặng lãi. Uống độc giải khát hiện thời nhưng gây hại vào thân bởi tiền lời trả không hết. Do đó phần thứ hai các bạn phải chú ý, làm ra lương thì phần thứ nhất để tiêu xài, phần thứ hai phải tích lũy tiết kiệm, rõ lắm các bạn thấy chưa.
  • Phần thứ ba làm vốn luân chuyển để giúp công ăn việc làm của mình phát triển thêm. Đức Phật đã nhìn thấu cuộc sống của con người, dạy cho chúng ta phải phát triển nghề nghiệp tăng trưởng hơn nên khuyên bảo chúng ta phải dùng một phần số tiền làm được làm vốn lưu động, tăng trưởng nghề nghiệp để có thêm tiền phục vụ đời sống của con người.

Một phần cho sinh hoạt, một phần cho tiết kiệm, một phần cho phát triển công ăn việc làm, đó là ba phần rồi. Người khôn khéo học Phật nếu học được bài kinh này sẽ biết cách sử dụng tiền và chăm sóc cho đời sống của mình. Bảo Thành nói đến đây là nói đến uống độc giải khát về phương diện không những uống rượu bia mà là nhắm mắt xuôi tay vay nợ nặng lãi. Hiện trạng này xảy ra nhiều, Bảo Thành đã chứng kiến một số người quen vay nợ trả không được rồi bán nhà bán xe, từ nhà lớn xuống nhà nhỏ, từ xe lớn xuống xe bé. Và rồi có các bạn phải chạy trốn bỏ đi xa không còn biết ở đâu nữa, để con cái nheo nhóc ở lại cho bà ngoại hoặc bà nội trông. Bởi vì vay nợ để làm ăn hoặc mong muốn thành công chớp nhoáng nên nhào đầu vào cờ bạc mà vay nợ nặng lãi, đánh bài đánh bạc mong có tiền chớp nhoáng. Nhưng rốt cuộc là khổ.

  • Phần thứ tư Đức Phật dạy để chăm sóc báo hiếu cho song thân phụ mẫu, nếu ai có gia đình rồi thì phải tứ ân phụ nẫu, tức là cha mẹ bên vợ và cha mẹ bên chồng, đối xử bình đẳng chăm sóc.
  • Phần thứ năm là làm từ thiện, nếu các bạn từ xưa đến giờ các bạn làm nhiều tiền lắm nhưng các bạn chưa bao giờ chia ra một phần để làm từ thiện mà các bạn tự nhận mình là Phật tử thì các bạn chưa hành xử đúng lời Phật. Người ta coi từ thiện là một sự gượng ép, nhưng Phật dạy thật rõ từ thân mình đó.

Các bạn cứ hỏi lại các Phật tử tại gia có ai nghĩ đến cách xài tiền như Đức Phật dạy cho chúng ta không, hầu hết chúng ta không biết, hầu hết chúng ta không nghe, không thực hành cái căn bản để giữ được đời sống lành mạnh để khôn khéo sử dụng phương tiện vật chất tiền tài để bảo vệ đời sống của chúng ta. Để rồi khi túng thiếu ta than trời than đất, tìm không ra một xu một cắc để lo cho sự khó khăn, nên vùi đầu uống độc giải khát, vay tiền nặng lãi trả nợ hoài không hết, mà chán nản trầm cảm giải quyết không được, xả mình vào trong rượu bia cho qua ngày đoạn tháng, nhức đầu không giải quyết được thì uống cho xong. Thế là chúng ta trong cơn đói khát cồn cào, ta đã vơ càn chất độc nốc vào thân tâm.

Các bạn, từ xưa đến giờ có khi nào các bạn nghĩ Đức Phật dạy cho ta cách xài tiền không, ít lắm. Có nhiều bạn học biết đó, nhưng hầu hết chúng ta đọc sơ qua chẳng để ý bởi sự tính toán của loài người không bao giờ theo sự giáo dục của Đức Phật, làm được 1 đồng cất đi 10 đồng. Các bạn nói, sao kì vậy, có 1 đồng sao cất đi 10 đồng, bởi vì làm được 1 đồng đi vay tới 9 đồng nữa để cất đi chứ đâu ngờ phải trả nợ. Hoặc làm được 1 đồng đi vay nợ quỵt luôn chẳng trả, điều này có. Làm được 1 đồng cất đi 10 đồng nhưng lại xài đến 20 đồng các bạn ơi, nghịch lý ở đời như thế, sống hoang phí. Chẳng biết cách quản trị quản lý sự tiêu xài tiền bạc của mình. Và rồi từ đó luôn luôn nghĩ sai về đạo Phật rằng trong con đường đạo Phật thì tiền không được đụng tới. Không. Không những người Phật tử tại gia mà tất cả các vị xuất gia nếu đứng đầu các cơ sở các trường học các trung tâm, nếu đứng đầu lãnh đạo các Chùa đều phải ứng dụng cách sử dụng tiền tài Đức Phật dạy khi nhận được sự cúng dường của đàn na tín thí cho phù hợp mới tạo được phước. Còn không sẽ không tạo được phước mà gây họa cho bản thân. Tiền là phương tiện nhưng phải biết ứng dụng đúng với lời Đức Phật dạy. Chúng ta dù có ít hay có nhiều, thiểu dụng tri túc xài cho đúng cách Phật dạy thì nhất định sẽ bình an, không rơi vào tình trạng uống độc giải khát, vay nợ nặng lãi trả hoài không hết, liều mình nốc rượu cho say, lăn quay dưới đất kêu trời có hay. Chúng ta phải nhớ rằng sống ở trên đời, điều gì cũng phải nghĩ cho thấu. Phật đã nhìn thấu hoàn cảnh sống của con người và Ngài rất gần gũi, đồng hành, rất sát với sinh hoạt hàng ngày. Ngài dạy Ngài khuyên bảo chúng ta sống sao cho trọn nghĩa tình, sống sao để biết chăm sóc cho bản thân mình dưới mọi hoàn cảnh, đừng ỉ vào ai hết. Đạo Phật dạy cho chúng ta cách tự lập cuộc sống, cách thành tựu để đứng vững trên đôi chân của mình. Điều này thật đúng, ai ứng dụng vào sẽ có một đời sống an lạc bình an tự tại. Nếu các bạn hôm nay mới nghe cách xài tiền của Phật dạy, hơi ngỡ ngàng một chút nhưng đây là sự thật. Các bạn có thể lên Google gõ vào: Phật dạy cách xài tiền, thì các bạn sẽ thấy trong Kinh nói thật rõ điều ấy. chỉ cần làm sao để đồng tiền ta kiếm ra phải đúng với Chánh Nghiệp và Chánh Mạng, làm đúng cách để nuôi mạng sống, công việc phù hợp với lời Phật thì ta được phép làm ra tiền và nên xài tiêu như lời Phật dạy để bảo vệ đời sống của chúng ta. Nếu chúng ta ứng dụng đúng, chúng ta sẽ có đời sống bình an và hạnh phúc, tự tại và an nhiên. Chúng ta không rơi vào khủng hoảng của thiếu thốn tiền tài, để rồi phải uống độc giải khát như cách chia sẻ của người bạn trẻ gửi chủ đề này về, nói đến tình trạng ngày nay người ta phải vay nợ nặng lãi, người ta phải mượn của xã hội đen để giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc đời. Những chuyện khó khăn trong cuộc đời bất ngờ xảy ra chúng ta không thể biết được bởi nhiều kiếp qua ta tạo nhiều Nghiệp rồi những chuyện không như ý xảy ra, nhưng nếu như chúng ta khi lớn không và trưởng thành khi biết làm ra đồng tiền có công ăn việc làm, dù nhỏ dù lương ít nhưng nếu biết vận dụng vào bản thân phương pháp Phật dạy khi xài tiền chia thành 5 phần, thì nhất định chúng ta dù khó khăn tới đâu vẫn còn một phần tiết kiệm để giải quyết vấn đề. Các bạn biết không, phần thứ năm là chúng ta làm từ thiện bố thí giúp đời, tất cả của cải biết cho đi là sẽ nhận lại, tạo thành phước. Tất cả của cải dâng cho cha mẹ, của dâng cho cha sẽ đền bù những tội lỗi Nghiệp ác ta đã tạo ra, của biếu cho mẹ cũng như vậy. Các bạn, của dâng cho cha của biếu cho mẹ đều có thể hóa giải tội lỗi và Nghiệp chướng của chúng ta. Cho nên 2 phần tiền cuối làm từ thiện và phụng dưỡng cha mẹ sẽ giúp ta giàu có đời sống tinh thần, tăng trưởng phước báu, để tấn tài tấn lộc do chính mình tạo ra. Ba phần tiền trước là sự sinh hoạt hiện hữu rõ ràng trong cuộc đời, một phần nuôi sống cuộc đời trong sinh hoạt, một phần tiết kiệm và một phần tăng trưởng nghề nghiệp phát triển thêm. Năm phần rõ ràng, nếu như mỗi người chúng ta rành mạch cách tiêu xài như thế thì chúng ta sẽ không lâm vào tình cảnh uống độc giải khát, mượn xã hội đen nặng lãi trả hoài không hết, và khi gặp khó khăn vẫn còn một phần tiết kiệm để chi trả. Nhưng nếu các bạn làm đúng như vậy rồi mà không đủ nữa thì cũng tạo được phước báu để phước báu đó tạo tiền đề cho những người có duyên sẵn sàng dang tay giúp đỡ chúng ta. Vì sao? Vì họ nhìn vào đời sống của chúng ta biết căn bản tiêu xài tiền bạc, chỉ vì sự khó tới vượt khỏi tầm tay không đủ quỹ tiết kiệm lo cho bản thân, lúc ấy bạn mở miệng ra mượn tiền sẽ có quế nhân phò trợ để cho bạn vượt qua ải thử thách ấy. Còn nếu như bạn không biết xài tiền như vậy, thiếu đầu trước thiếu đầu sau, tiền vào cửa trước tuôn ra đằng sau hoang phí quá thì nhất định bạn có gọi có gõ cửa ở đâu cũng chẳng ai cho mượn ngoại trừ xã hội đen. Vậy gọi là bán mạng cho xã hội đen. Lời dạy của Đức Phật chúng ta thực tập đúng cách xài tiền, tăng trưởng phước báu tấn tài tấn lộc có quế nhân phò trợ khi gặp khó khăn. Một đời sống căn bản như vậy phù hợp trên toàn thế giới cho mọi hoàn cảnh của những người làm lương ít hay lương nhiều đều phải chi xài đúng như thế thì mới tăng trưởng phước báu thực sự, phát triển đời sống về vật chất tốt đẹp hơn mỗi ngày.

Các bạn, uống độc giải khát tức là mượn tiền của xã hội đen hoặc uống các chất hại độc vào khi chúng ta gặp những sự việc xảy ra trong đời nan giải không thể tự mình giải quyết, rơi vào trầm cảm cô đơn lạc lối, đắm chìm vào những sự độc hại.

Đừng vì đói khát cồn cào

Vơ càn chất độc nốc vào thân tâm

Nhãn tiền đau đớn hại thân

Nặng thêm gánh Nghiệp trả dần mai sau.

Khôn ngoan sống đúng lời Phật dạy, tiền của chúng ta chia thành 5 phần, xài cho đúng: một phần cho những sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, một phần tiết kiệm, một phần tăng trưởng nghề nghiệp vốn lưu động để phát triển, một phần phụng dưỡng cha mẹ, một phần từ thiện. Những điều này Phật dạy thật rõ, lợi ích vô cùng. Phật hiểu con người nhiều lắm và Phật khuyên như thế, cho nên Bảo Thành cũng nhắc lại lời Phật để khuyên các bạn trẻ rằng: hãy học cách xài tiền và sống thiểu dụng tri túc phù hợp thôi, có như thế nào xài như thế đó phù hợp theo lời Phật, đừng đua đòi quá đáng sẽ khổ vào thân. Nếu chúng ta xài tiền đúng theo lời Phật dạy, ta có thời gian an nhiên tự tại, phát triển kiến thức, tăng trưởng Trí Tuệ, có thêm phước báu và công hạnh tu tập. Nhất định muôn sự ở đời cứ từ từ ngày qua tháng lại, chúng ta sẽ tự đưa mình tới sự thành công trong cuộc sống. Ai cũng vào đời bằng hai bàn tay trắng, với phước duyên của vô lượng kiếp mà chúng ta mang theo. Phước duyên như thế nào hãy đón nhận như thế ấy, và từ phước duyên đó chúng ta phát triển bằng cách ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc đời. Ta sẽ có phước báu, ta sẽ có công đức nhiều hơn và đời sống của chúng ta sẽ thay đổi mỗi ngày nếu chúng ta biết lắng nghe, đặc biệt hôm nay lắng nghe cách xài tiền của Đức Phật dạy thì nhất định các bạn từ những người làm ít tiền sẽ làm ra nhiều tiền, từ những người gọi là nghèo ít tiền thôi cũng đủ sống trong cuộc đời, lo cho bản thân phụng dưỡng cha mẹ, vẫn làm từ thiện, có vốn làm ăn và có quỹ tiết kiệm, đồng thời sinh hoạt vẫn bình thường như mọi người, bởi ta luôn sống đúng như lời Phật dạy, thiểu dụng tri túc, sống phải sống đúng với tinh thần Bát Chánh Đạo, Chánh Mạng và Chánh Nghiệp để luôn giữ được Chánh Niệm hơi thở trong cuộc sống. Còn có gì để ta khao khát trong cuộc đời nhiều thử thách mà ta đang phải trực diện với nó mỗi ngày.

Cảm ơn người bạn trẻ đã gửi chủ đề này về và cảm ơn bạn thật nhiều vì chủ đề này nên Bảo Thành nói về cách xài tiền của Đức Phật dạy, để một lần nữa giới thiệu cho các bạn chúng ta hãy đứng dậy làm chủ cuộc sống của mình. Làm chủ cuộc sống phải biết chăm sóc cuộc sống, mà muốn chăm sóc và làm chủ cuộc sống quản trị được đời sống tinh thần, quản lý được vật chất của chính mình tạo ra thì chúng ta cố gắng nghe lời Phật ứng dụng vào cuộc sống. Ta sẽ làm được tất cả bởi Phật là bậc giác ngộ nhìn thấu nhìn rõ và hiểu thông chân lý sống ở đời.

Hồi hướng:

Thưa Phật, chúng ta nguyện hồi hướng công đức đồng tu Sống Trong Chánh Niệm ngày hôm nay cho nền hòa bình của thế giới. Nguyện Chư Phật gia trì cho những ai gây chiến tranh biết ngừng lại và ngồi xuống đối thoại để tái tạo lại nền hòa bình cho nhau. Mô Phật.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn