Bảo Diệu Tâm đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook chùa Xá Lợi.
Các bạn khỏe không? Chúng ta chúc cho nhau sự khỏe mạnh, sự bình an và hạnh phúc. Ta lại kể chuyện cho nhau nghe để cùng hiểu.
Có một người đi vô một ngôi chùa để tu. Người đó đã được nhận làm đệ tử ở trong chùa, nhưng được vị sư trụ trì giao cho công việc đầu tiên làm ở trong nhà bếp. Anh ta là người mới vô chùa tu, được giao sứ mệnh phục vụ nhà bếp cùng với một số huynh đệ đang làm trong nhà bếp, một thời gian đã lâu rồi. Lớ ngớ tưởng mới vô không biết gì, cho nên tiếng ở đời gọi là bị “Ma cũ bắt nạt ma mới”, bị sai bị khiến, bị đầy đọa. Anh ta bực mình lắm, bởi tới chùa là để tu chứ đâu phải tới chùa là để chui vô trong bếp làm việc đâu? để rồi bị biết bao nhiêu người cứ đày, cứ đì, cứ nói ra nói vào, giao việc cho làm, cực nhọc quá. Như vậy sao mà tu?
Và tư tưởng đó cứ luẩn quẩn, luẩn quẩn, anh ta không tu được. Anh ta nghĩ rằng tới chùa sai rồi, đúng ra phải ở nhà tu, tới chùa không bị đì. Sư trụ trì chắc không hiểu tâm lý của mình tới chùa tu, đì mình xuống dưới bếp rồi biết bao nhiều những ông sư trẻ kia còn đì mình nữa, làm cho mình khó chịu. Anh ta quyết định lên gặp sư trụ trì để bày tỏ và xin đi về. Vị sư trụ trì tiếp anh ta và anh ta nói với sư trụ trì rằng: “Thưa Ngài con tới đây để tu, nhưng rồi Ngài đã đặt để con trong nhà bếp, con bị người trong nhà bếp chê bai. Con bị người trong nhà bếp đầy đọa, con tu không được mà càng khó chịu”. Sư trụ trì mới nói: “Thôi anh ngồi xuống đi, kể cho anh nghe một câu chuyện. Nhưng mà kể câu chuyện chi cho dài dòng? Bởi vì hồi xưa trước khi đi tu, tôi cũng như anh, và khi đi tu tôi cũng được vị trụ trì giao cho trách nhiệm trong nhà bếp. Tôi cũng như anh vậy, bị những người trong nhà bếp cũng sai cũng khiến. Lúc đó tôi còn trẻ và không to lớn như anh bây giờ, yếu lắm. Có những cái chảo thật là lớn, đầy cơm, đầy đồ ăn, mà các vị kia kêu tôi phải bưng đặt lên cái bếp, mà cái bếp lúc đó cao lưng bụng. Tôi lùn, nhỏ, tôi khênh lên rất là khó. Thật là nhiều lần khi khênh lên như vậy, tôi không thể khênh lên được, và té xuống đồ ăn đã đổ ra. Các sư huynh ở trong đó thường rầy la tôi. Tôi cố gắng dữ lắm bởi cái trí của tôi nó quyết định phải tu. Có một hôm tôi bưng cái chảo cơm lên nặng quá, tôi bị té xuống cơm văng ra bên ngoài. Tôi khóc, tôi buồn lắm, nhưng bất chợt tôi cảm giác có một bàn tay đặt lên trên vai và nói rằng: “Hãy dùng hết sức đứng dậy đi con, thầy đỡ cho con một tay.” Tôi cũng không biết ông ta là ai? Tôi nâng cái chảo cơm lên đặt lại đó. Vị sư đó mời tôi ngồi và nói rằng: “Con à! Ngồi xuống ngay chỗ con vừa té. Con nhớ lời ta dạy: “Nếu như ở đời, người ta đẩy con té xuống, hoặc là con bị một lực gì đó đẩy té ngã xuống. Con hãy dùng chính cái sức mạnh của mình để đứng dậy, với cái tâm quyết định như thế, nhất định con sẽ đứng lên được. Đừng gục ngã bởi người ta đẩy con xuống, đừng gục ngã bởi con vấp ngã. Hãy đứng lên bằng chính sức mạnh của mình”. Rồi vị sư trụ trì mới quay qua nói với anh chàng kia rằng: “Chính ngay lúc đó, ta đã hiểu rằng, tất cả mọi chuyện ở trên đời ai cũng sẽ có nhiều lần vấp ngã, bởi do chính mình té xuống, hoặc do những người khác đẩy chúng ta cho té xuống. Nhưng cuối cùng vẫn phải là tự mình đứng dậy mới có thể thành công được những điều mơ ước. Xưa tôi cũng bị như vậy, nay anh cũng như thế, cũng nhắc anh câu chuyện xưa một bậc thầy trong bếp đã dạy, tôi đã trưởng thành”. Anh chàng kia nghe xong cảm thấy phục vị sư trụ trì và bắt đầu trở về nhà bếp làm việc. Và chẳng bao lâu anh ta đã rời nhà bếp, bởi vì được điều lên trong chánh điện để lau hương đèn và chuẩn bị kệ sách cho những buổi tụng Kinh. Anh ta đã có cơ hội tiếp xúc với vị sư trụ trì, và trong lòng lúc nào cũng tri ân Ngài đã sách tấn, khuyên răn đứng dậy bằng tự lực của mình.
Các bạn! Cuộc sống của chúng ta không êm xuôi đâu. Không đáng sợ ở người đời đẩy chúng ta xuống để rồi không đứng dậy được. Mà đáng sợ nhất là chúng ta tự bỏ cuộc, bởi chính chúng ta tự ngã xuống mà không đứng dậy.
Qua câu chuyện vừa kể, và qua chân lý của Đức Phật dạy, Ngài luôn nhắc nhở chúng ta rằng: “Con té ở đâu thì vịn ngay chỗ đó mà đứng dậy”. Bàn tay của vị sư phụ xưa nâng dùm, chư Phật dạy cho chúng ta đứng dậy ngay chỗ mình té. Ngài cũng đặt bàn tay từ bi nâng chúng ta dậy, hỗ trợ cho chúng ta bằng chân lí giãi bày, hướng dẫn phương thức làm sao để đứng dậy sau khi vấp té. Phương thức đó là phải nhìn thấy rằng trong ta vẫn có một tự lực, tự lực đó rất quan trọng. Tha lực Phật giúp là một chuyện, bàn tay Sư Tổ giúp là một chuyện. Vị trụ trì kia phải có cái tự lực bằng lý trí của chính mình đứng dậy, không có lí trí không thể đứng dậy. Lý trí giúp cho chúng ta tìm lấy tự lực và phát huy nó để đứng dậy, sau khi người ta đẩy chúng ta xuống, hoặc sau khi chúng ta tự vấp ngã.
Lý trí rất quan trọng, tự đứng dậy sẽ giúp cho chúng ta thay đổi được thật là nhiều. Các bạn thấy ở trên đời người ta nản chí, là bởi vì người ta không có tập trung được lý trí của họ, người ta không nhìn rõ được mục đích, chân lý để làm việc. Vị sư trụ trì kia thấy được chân lí, chí nguyện để đi tu, nên dùng toàn bộ lý trí của mình để đứng dậy sau khi bị vấp té. Anh chàng kia mới tới không có cái chí nguyện, cho nên lý trí không phát triển được, nản chí muốn bỏ cuộc. Các bạn và Bảo Thành nhất định nhiều lần té đã muốn bỏ cuộc rồi. Chúng ta hãy nhớ lời Phật, phải có cái tự lực và tự lực đó vốn có trong ta, làm sao phát huy được tự lực đó. Phật dạy cho chúng ta nhớ rằng hãy trở vào chú ý đến mình, nhìn mình, cố gắng nhìn lại mình. Phương pháp nhìn lại mình chẳng khác gì như người thủ kho biết nhìn lại trong kho coi có cái gì tồn tại ở trong đó mà mình không biết. Phương pháp nhìn lại chính mình trong hơi thở vào ra là phương pháp người thủ kho kiểm tra cái kho bạc, và thấy rằng vẫn còn viên hột xoàn vô giá ở trong đó, chính là tự lực vốn có. Nó có sức mạnh để đứng dậy tỏa sáng. Do vậy chúng ta trong cuộc đời, những lần vấp ngã bởi người đời chẳng bao giờ trải thảm để mời ta bước lên đâu. Người ta đào hố, người ta thả bom dưới đó, người ta thả mảnh sành dưới đó, người ta thả gai dưới đó. Từng đoạn đường ta đi qua, họ đào, họ bới cho sần sùi, họ thả gai, thả mọi thứ nguy hiểm. Đời mà!
Bởi vì ganh đua, hơn thua, chẳng ai trải thảm đâu. Bạn phải chính là người trải thảm trên con đường bạn đi bằng lí trí của sự tự lực. Hãy trở về nhìn lại mình trong hơi thở vào ra, để tìm thấy viên kim cương vô giá là tự lực vốn có trong ta. Để chúng ta lấy cái lí trí đó, lấy viên kim cương, lấy năng lượng tự lực đó để trải thảm mà đi, dù cho tất cả những người trên đời ghét bỏ ta, đào hầm hố, ta cũng san cho bằng, cho phẳng, trải thảm lí trí và tự lực để chúng ta vươn lên tới sự thành công. Phật đang đợi chúng ta và Phật luôn khuyến khích chúng ta làm điều đó.
Các bạn! Phật độ cho chúng ta là bởi vì Phật nhìn thấy trong kho, trong tàng thức của chúng ta vẫn còn có lí trí dũng mãnh, và vẫn còn có tự lực kiên cường, đừng bỏ rơi chính mình. Người đời có thể chà đạp lên chúng ta, người đời có thể xô đẩy chúng ta, người đời có thể đè bẹp chúng ta, không sao! Nhưng nếu chúng ta tự xô đẩy, đè bẹp, và tự đẩy mình gục xuống, té xuống, mà không biết đứng dậy bằng tự lực, thì nhất định điều đó mới là điều nguy hiểm, nguy hại. Các bạn! Đừng sợ người đời chê bai, ruồng bỏ đè chúng ta xuống, sợ nhất là đè chính mình. Cho nên hãy nghe lời của Phật, cũng như vị sư trụ trì đã nhắc nhở anh kia rằng: “Té xuống thì hãy tự đứng lên, tự chính mình đứng lên. Nếu có chí nguyện muốn thành tựu, thì phải tự mình đứng lên, nhất định sẽ có quí nhân phù trợ. Bởi kinh nghiệm của vị trụ trì đó đã được bậc đại sư trong chùa đưa một bàn tay giúp đỡ, sách tấn. Phật luôn gần gũi trong cuộc đời của mỗi chúng ta, để sách tấn chúng ta đứng dậy. Dù cho bạn có té xuống trong lòng vực thẳm đen tối, thì nhất định Phật cũng sẽ tới đặt bàn tay lên và nói rằng: “Đứng dậy đi con, đứng dậy bằng tự lực của chính mình, lí trí của chính mình” Phật chỉ dùng tha lực hỗ trợ để đưa chúng ta vượt lên từ hố sâu để đi tới quyết định cao cả là thành tựu được sự bình an hạnh phúc, và đầy đủ mọi phước báu, có được phương tiện sống ở trên đời. Không cần biết các bạn là ai? miễn là con người thực hành pháp này, Chánh niệm hơi thở nhìn thẳng vào chính mình, nhìn lại mình, các bạn sẽ thành tựu. Bởi khám phá ra tự lực của bạn vẫn đó, có sức mạnh vô song.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa