Bảo Minh đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa.
Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn!
Các bạn thân mến, kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn là điểm hẹn cho Bảo Thành và các bạn lui tới để chúng ta trao đổi, gợi ý. Có thể các bạn đã nghe Bảo Thành rồi, nhưng Bảo Thành chưa nghe được các bạn. Các bạn cũng có thể gửi comment (bình luận) tới, để Bảo Thành nghe được sự tương tác giữa chúng ta. Về góc độ nào cũng có mặt tiêu cực và tích cực, cũng có mặt đúng và mặt sai. Ở chỗ Bảo Thành mong rằng, các bạn cho Bảo Thành một cơ hội chỉ là người bạn gợi ý. Nếu những gì Bảo Thành gợi ý mang hình thức tích cực, từ đó ta cũng có duyên về mặt tích cực. Còn nếu như những gì các bạn nghe từ Bảo Thành, mà nó lại tạo ra tiêu cực thì ta cũng có duyên về mặt tiêu cực. Tích cực và tiêu cực luôn luôn song hành trong cuộc sống. Hay là chúng ta chỉ trao đổi về mặt tiêu cực? Không! Đừng! Hãy chia sẻ về mặt tích cực để cuộc sống thêm vui và có nụ cười. Cảm ơn các bạn.
Các bạn thân mến! Chúng ta có khi nào nhìn thấy được giá trị của sự hy sinh của những con người yêu thương chúng ta không? Chúng ta có khi nào nhìn thấy được giá trị của ông bà đối xử với chúng ta trong tình thương hay không? Tình thương đó nó quan trọng vô cùng! Nhưng ở đời, ít có khi nào chúng ta nhận ra giá trị đó cho tới khi mất rồi thì ta hối tiếc. Các bạn ngồi thầm nghĩ lại đi, khi chúng ta còn có ông bà, tình thương của ông bà trao tới cho chúng ta, chúng ta không có nhận ra. Đôi khi chúng ta coi thường, để không có trân quý, nuôi dưỡng, đến khi ông bà mình mất rồi, mình tiếc hùi hụi. Nhìn lại bạn bè còn ông còn bà, mình thấy buồn lắm. Bởi khi xưa ông bà còn ta không nhận ra giá trị của tình thương của ông bà.
Cha mẹ cũng y như vậy, là một kho tàng pháp bảo vô biên, có tất cả cho những người làm con. Nhưng đôi khi cuộc sống bôn ba ở đây đó hoặc ở xứ người, mấy ai có thể nhận ra được giá trị của cha mẹ? Phước báu vô tận đó. Để khi cha mẹ đã mất rồi, ta nuối tiếc cả cuộc đời cũng chẳng còn gặp được mẹ cha nữa. Nói gọn trong gia đình là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái. Bây giờ chúng ta nghe qua một câu chuyện kể để thấy tình cảm của mỗi một con người trao cho nhau trong Chánh niệm, trong Chánh pháp quan trọng đến mức nào. Chúng ta phải nhận ra được tình yêu thương ta trao cho nhau và nuôi dưỡng bằng hơi thở Chánh niệm, thì những tạo tác thật nhỏ, thật bình thường cũng thật là cao quý. Trong tình yêu, trong tình thương, những sự gắn kết giữa con người với con người luôn luôn đòi hỏi, không phải!
Không phải là đòi hỏi, mà là sự hiến dâng, là sự cho đi để cho đối tượng kia có được những điều họ mơ ước, mong muốn. Mà đối tượng của ông bà là con cháu, cho nên ông bà hy sinh cả cuộc đời để làm sao hơi thở chân thiện của mình có thể truyền lại cho con cháu. Ngược lại đối tượng của cha mẹ cũng là con cháu, để làm sao dòng máu thánh thiện, chân thành, chân thiện của mình vẫn lưu truyền trong từng tế bào cơ thể của người làm con cháu.
Các bạn thân mến, có một câu chuyện kể như vầy. Có hai vợ chồng nọ sống với nhau, người vợ và người chồng luôn thương yêu nhau. Nhưng cảnh sống ở đời, trong tình thương, vật chất có vẻ như là không được đầy đủ. Do đó, chúng ta cứ ngồi nghĩ thử coi, như thế nào, phải làm gì đây? Hai vợ chồng suy nghĩ như vậy nhưng hoàn cảnh họ phải thương mến, họ yêu bởi vì họ là vợ, họ là chồng. Thế rồi một hôm người vợ có một ý nghĩa, có một tâm tình muốn chia sẻ với chồng, mới đi ra nói với chồng:
- Chồng ơi! Em có mái tóc dài, đẹp. Em muốn chải mỗi ngày cho nó đẹp, cho anh nhìn mái tóc của em. Tiếc thay là nhà ta không có cái lược, vuốt bằng tay, tóc chẳng đẹp. Em muốn có một cái lược để chải tóc”.
Người chồng mới nói với vợ:
- Em à! Tóc em dài, chải thì đẹp nhưng đồng hồ của anh hư rồi, không có tiền để sửa, lấy đâu ra mua cái lược cho em chải đầu?
Rồi câu chuyện giữa hai vợ chồng chia sẻ có vậy thôi. Ngày hôm sau người chồng mới đi lang thang ra bên ngoài, ở khu phố đồng hồ, đi bán chiếc đồng hồ của mình đi, mua một cái lược để về tặng cho vợ. Khi về nhà, người chồng nhìn quanh quẩn, tìm vợ hoài không thấy. Cuối cùng người vợ về, gặp được vợ, chồng mới nói:
- Em ơi! Anh đã bán chiếc đồng hồ mua cái lược cho em chải tóc rồi.
Người vợ mới khóc mà nói rằng:
- Anh à! Em cũng vừa bán bộ tóc của em, để mua đồng hồ mới cho anh.
Hai vợ chồng nhìn nhau cảm động, bởi cả hai vợ chồng tuy nghèo nhưng sẵn sàng bán tất cả những gì của mình có để cho chồng, hoặc để cho vợ có được điều mình yêu thích.
Các bạn, ông bà của chúng ta không phải là bán, nhưng mà đã hy sinh cả cuộc đời cho con rồi cho cháu. Cha mẹ của chúng ta cũng không bán, mà đã hy sinh cả cuộc đời của các Ngài để nuôi chúng ta thành người. Rồi trong tình nghĩa vợ chồng, cả hai bên yêu chân tình cũng hy sinh tất cả những cái gì để có. Hy sinh là thân gái trẻ đẹp để về làm vợ. Hy sinh là con trai cường tráng ở đời để về làm chồng. Và vợ chồng gắn bó, hy sinh cho nhau để tạo một tương lai cho con cháu. Nước mắt chảy xuống không chảy ngược. Tình yêu thương của ông bà trân quý, chảy xuống cha mẹ, con cái, rồi cháu chắc. Như một dòng chảy vĩnh phúc vô cùng, luôn chảy không bao giờ dứt.
Các bạn, nhưng ở kiếp người ngày hôm nay, chúng ta có còn nghĩ về mặt tích cực đó để sẵn sàng hy sinh cho nhau hay không? Hay trong cuộc đời, chúng ta chỉ theo điều chúng ta muốn? Bảo Thành thấy có những ông chồng đam mê rượu chè, say xỉn tối ngày. Về thì đánh vợ đánh con, moi móc tiền bạc, rồi ra ngoài vỉa hè ngồi ăn nhậu với bạn bè, sung sướng cả một cõi, cho tới chết cũng chẳng màng tới vợ tới con. Lại cũng có những người vợ thấy được nhu cầu chồng có mà chẳng màng, cũng chỉ miệt mài trên những nhu cầu thích thú của riêng mình. Thế mặc chồng, mặc con lăn xả vào những cuộc vui, rồi sao? Vợ chồng tan nát, nhà cửa không còn. Số đó không nhiều, nhưng vẫn thường xảy ra trong cuộc đời, là vì sao? Vì cuộc đời ngày nay nó đã vô tình tạo nên một môi trường sống mà chúng ta thấy rằng sự hy sinh cho nhau đã bị coi nhẹ. Sự hy sinh cái của mình để hiến dâng cho người mình yêu thương đã không còn là giá trị sống trong gia đình. Phước báu đó nó tới từ cái gì? Từ sự hiệp nhất để sống chung, nhưng phước báu đó sẽ tiêu tan bởi tâm ích kỷ cho mình mà thôi.
Có cái đồng hồ thôi đó, mà ông chồng cũng sẵn sàng bán để mua cái lược cho vợ. Có mái tóc đẹp mà vợ cũng sẵn sàng bán để mua cho chồng cái đồng hồ.
Các bạn, các bạn có sẵn sàng về tình yêu của cha mẹ, ông bà mà hy sinh cho những đấng sinh thành đó hay không? Hay để cho những đấng sinh thành đó ra đi mãi mãi mà ngồi tiếc nuối? Hay các bạn có sẵn sàng hy sinh cho đối tượng mình thương yêu hay không? Hay để khi mất rồi mới ngồi nuối tiếc? Hãy sống thật bình tĩnh, hãy sống thật chậm lại, nhìn thấy giá trị của nhau để tôn quý những giá trị của nhau, để biết hiến dâng và trao cho nhau tình thương của sự hiểu biết và thương. Nếu các bạn không hiểu, không biết được đối tượng con người mình đang yêu thương, thì ta chẳng thể thương yêu họ. Mà nếu như các bạn đã hiểu, đã biết rồi thì tất cả những gì bạn có, bạn sẽ sẵn sàng hy sinh để hiến tặng cho người mình yêu thương. Đó là nói về tình yêu thương giữa con người với con người. Còn nếu như các bạn thực sự yêu thương bản thân của mình để đừng để bản thân, thần thức của mình phải lụy vào vật chất, của cải của thế gian để rồi chết trầm luân trong Tam Đồ khổ, lụy vào tham, sân, si. Thì các bạn cũng phải hiến dâng chính cuộc đời này cho tâm thức của mình. Các bạn hãy coi tâm thức của mình như là một người chúng ta yêu thương, để đối xử tử tế chân thành, và yêu quý, dâng hiến tất cả cho đối tượng đó. Nếu ta thương cha mẹ, ta sẵn sàng hy sinh cho cha mẹ, ta cho cha mẹ tất cả. Cũng như ông bà, cha mẹ đã cho ta tất cả, cho cả dòng máu nóng ở trong trái tim cho đến hơi thở cuối cùng. Ngay cả vợ chồng thương yêu nhau cũng có thể sẵn sàng bán đồng hồ, để mua lược cho vợ, bán mái tóc để mua đồng hồ cho chồng. Ở cuộc đời này ta đã hy sinh thật nhiều cho nhau rồi. Nhưng rồi ta chưa một lần dám hy sinh cho tâm thức của mình, cho thần thức của mình, cho tâm của mình cần sự thanh tịnh.
Các bạn, thay đổi suy nghĩ để nghĩ. Thần thức là một người yêu, mà người yêu đó ta phải trân quý, đối xử khi ta còn có nó. Chúng ta phải trở về với hơi thở Chánh niệm, chúng ta phải hy sinh cuộc sống bừa bộn, bận rộn ở đời. Chúng ta phải bán tất cả những thú vui nhàm chán ở đời, thú vui mau hư mất đó, để cho người yêu của mình – là thần thức của mình được sống trong cái gì? Sự tịch tĩnh của hơi thở Chánh niệm. Phải tử tế với chính mình, phải yêu thương chính mình. Mà để chứng tỏ lòng tử tế với chính mình, các bạn phải trở về nghe lời Thế Tôn dạy, sống trong sự Chánh niệm của hơi thở. Nếu để mà chứng tỏ tình yêu của mình, thì chúng ta phải bớt thời gian hoang phí trong cuộc vui ở đời để dành cho người yêu là tâm thức của mình một chút hơi thở trong Chánh niệm.
Các bạn, các bạn thấy anh chồng dám bán đồng hồ để mua lược. Còn người vợ dám bán mái tóc để mua cho chồng cái đồng hồ. Sao chúng ta lại không dám bán những thời gian hoang phí, phung phí trong những cuộc chơi, trong những cuộc nhậu, trong những cuộc hoang đàng đây đó. Để tìm về chân thiện mỹ nuôi thần thức của mình, cống hiến cho người yêu của mình, là thần thức của mình một hơi thở trong Chánh niệm để tiếp cận với sự tịch tĩnh, để sự trong an nhiên.
Các bạn thử đi, hãy cho chính mình năm phút, mười phút mỗi ngày, hòa nhập vào với hơi thở Chánh niệm. Như vậy, thì cũng như người chồng dạo một vòng ở nơi phố chợ, tìm để bán đồng hồ. Bạn đã dạo một vòng trong cuộc đời, để bán những thời gian hoang phí trong những buổi tiệc tùng nhậu nhẹt vào hơi thở Chánh niệm của năm phút. Như người vợ dám đi một vòng ở chợ để bán bộ tóc đẹp dài của mình để mua đồng hồ. Thì chúng ta cũng phải bán đi những hoang phí trong những cảnh sắc mau tàn, mau phai, chẳng thuộc về mình. Để tử tế với thần thức và cho nó những giây phút Chánh niệm trong cuộc đời. Hãy hít vào và thở ra trong hơi thở Chánh niệm để nuôi dưỡng cuộc sống này. Người yêu mà các bạn sẽ đi theo mãi đó là thần thức. Hãy tử tế với thần thức của mình. Hãy phụng hiến và trao cho thần thức của mình tất cả. Chẳng phải là chỉ có năm phút trong Chánh niệm, mà cả cuộc đời ta Chánh niệm, và cả đời đời trong Chánh niệm.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa.