Giáo lý căn bản của Nhà Phật cũng là nền tảng vững chắc, bởi không có điều này Phật giáo không có, đó là Nhân quả.
Nhân quả sẽ truyền từ đời này qua đời sau, kiếp này tới kiếp sau. Cho tới khi sự giác ngộ tới, ta buông bỏ, không tạo nhân quả đó nữa mà chuyển hóa thì nó sẽ hết. Thật là rõ, Phật đã dạy như vậy, bởi Phật sau khi tu Ngài giác ngộ. Sự giác ngộ của Ngài đã nhìn thấy nhân quả truyền từ vô lượng kiếp qua. Nhân quả đó không hẳn chỉ có trong chúng sanh mà Đức Phật cũng phải chịu sự chi phối Nhân quả đó cho tới khi Ngài thành Phật.
Câu chuyện mà Đức Phật kể cho Ông A-Nan về tiền thân của Đức Phật, chuyện được kể như vậy: Thời đó có một vị Vua, vị Vua này có con với Hoàng hậu, nhưng song hành lại có con với một Cung phi. Đứa con Hoàng hậu được đặt tên là Thiện Hữu, còn đứa con với Cung phi đặt tên là Ác Hữu. Thiện và Ác không hiểu sao hai tên đó lại được đặt cho hai Hoàng tử.
Hoàng tử của Hoàng hậu là Thiện Hữu, còn của Cung phi là Ác Hữu, hai Hoàng tử lớn lên dần trong Cung điện, nhưng Hoàng tử Thiện Hữu thường làm những việc lành, tốt, tâm thì trầm tĩnh, thanh tịnh, thật là tốt. Còn Hoàng tử Ác Hữu tâm thì hung hăng, nóng nảy, dễ sinh chuyện.
Hoàng tử Thiện Hữu đi ra bên ngoài kinh thành, thấy dân chúng đói khổ, thường về xin Vua Cha lương thực để cứu dân tình. Ngày tháng qua đi Hoàng Tử Thiện Hữu làm nhiều việc thiện, cứu dân chúng ở trong kinh thành khi đói khổ, thấy ai đói, ai khổ đều xin mở kho lương thực của Vua Cha, ban tặng cho dân chúng. Vua Cha lại thương Hoàng tử Thiện Hữu, nên luôn mở kho ở Cung Đình, để Hoàng tử Thiện Hữu trao tặng cho dân. Nhà Vua làm như vậy thấy trong lòng vui vô cùng.
Thế rồi một hôm Quần Thần mới nói với Nhà Vua rằng, nếu cứ làm như vậy thì lương thực Cung đình sẽ hết, sao có thể trị vì được dân chúng. Câu hỏi đó được đặt ra làm cho mọi người đều phải suy nghĩ. Hoàng tử Thiện Hữu suy nghĩ và Hoàng tử đã nghe đâu đó có một viên ngọc Ma Ni, nếu viên ngọc này có trong tay, ước gì cũng có thể được, cho nên Hoàng tử Thiện Hữu tâu lên Vua Cha Để đi tìm. Vua Cha cho Hoàng tử Thiện Hữu và Hoàng tử Ác Hữu, cùng một số người đồng hành đi tìm ngọc Ma Ni, và với một lão phu già, bởi vì lão phu này nói lão phu biết chổ đó có viên ngọc Ma Ni.
Trên đoạn đường đi xa ngàn trùng, đoàn người đi theo mệt nhoài rồi chết dần, lão phu già cũng chết, nhưng lão phu đã chỉ cho hai Hoàng Tử biết là dưới Long Vương con đường đó dẫn tới sẽ có viên ngọc Ma Ni. Hai Hoàng tử Thiện Hữu và Ác Hữu cùng đồng hành tới hòn đảo đó thì gặp được Thủy Tề. Ở dưới đó Long Vương mới mời Hoàng tử Thiện Hữu xuống, còn Hoàng tử Ác Hữu thì ở trên hòn đảo. Khi Hoàng tử Thiện Hữu xuống dưới, được Long Vương tặng cho viên ngọc Ma Ni để cứu đời. Hoàng tử Thiện Hữu trở về lại hòn đảo và cùng với người em mình là Hoàng tử Ác Hữu đi về, để dùng viên ngọc này cứu dân làng, cứu dân trong Cung đình và trong Quốc độ của mình. Trong đêm đó Hoàng tử Ác Hữu mới nói với Hoàng tử Thiện Hữu rằng: Anh đã mệt rồi ngủ đi, đưa viên ngọc cho em giữ rồi anh ngủ đi. Hoàng tử Thiện Hữu lòng chân thật liền trao viên ngọc Ma Ni cho Hoàng tử Ác Hữu giữ. Ngay trong đêm đó Hoàng tử Ác Hữu đã đâm lòi hai con mắt của Hoàng tử Thiện Hữu, rồi trốn về kinh thành dâng cho Vua Cha viên ngọc Ma Ni, và nói với Vua Cha tất cả những người đi theo hộ tống và cả ông lão phu cùng với Hoàng tử Thiện Hữu đường xa mệt lả nên chết hết, chỉ còn mình con sống, nay có viên ngọc Ma Ni ở trong tay. Vua Cha buồn vô cùng, nhưng cũng mừng, rồi nhờ viên ngọc Ma Ni đó, Hoàng tử Ác Hữu làm đủ mọi chuyện trong kinh thành, riêng Vua Cha và Hoàng hậu thì buồn vô cùng, tưởng nhớ tới Hoàng tử Thiện Hữu.
Hoàng tử Thiện Hữu bị mù lòa, nhưng có cách đánh đàn thật là hay, chính nhờ cây đàn đó đã vang vọng tới Công Chúa ở trên hòn đảo đó, Công Chúa mang lòng yêu thương, cuối cùng đã cưới Hoàng tử Thiện Hữu bị mù lòa. Mà suy ra Công Chúa này cũng là người đã hứa gả cho Hoàng tử, chính nhân duyên hứa gả từ thuở nhỏ mà nay bị mù ngay chính trên hòn đảo này, Công Chúa đã nghe được tiếng đàn mà đón nhận, nhưng chưa biết đó là Hoàng tử. Khi cưới Hoàng tử là chính vì tình yêu thương được che chở đó, nên Hoàng tử lại được sáng mắt trở lại bình thường. Hoàng tử được Ông Vua này đưa về kinh đô của mình nơi vua Cha đang trông đợi. Trở về Hoàng tử Thiện Hữu mới kể cho Vua Cha biết chuyện mình lấy được viên ngọc Ma Ni, rồi trao cho người em là Hoàng tử Ác Hữu. Vua Cha đã thầm biết chuyện gì đã xảy ra, vì Hoàng tử Ác Hữu đã kể, nên tức giận nhốt Hoàng tử Ác Hữu vào tù ngục đen tối cả cuộc đời.
Các bạn thân mến, Đức Phật kể Hoàng tử Thiện Hữu đó chính là tiền thân của ta, con Hoàng tử Ác Hữu đó chính là Đề Bà Đạt Đa, người anh em họ luôn ghét ta trong thời nay. Còn vị Vua và Hoàng Hậu kia chính là Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia. Do đó sự nghịch và thù hằn trong tiền kiếp, oan gia nó đeo dai dẳng cho tới kiếp này, để Đức Phật phải gặp một người anh em họ là Đề Bà Đạt Đa, trong suốt cuộc đời hãm hại Đức Phật. Nhưng chính trong kiếp đó Đức Phật đã trở thành Phật. Lòng đại từ đại bi Ngài đã chuyển hóa hết mọi nghiệp chược từ kiếp trước, nên Ngài trở thành một vị Tôn qúi. Ngài là Phật mà, riêng Đề Bà Đạt Đa không thể chuyển hóa được, cũng xuất gia đi tu, nhưng ganh ghét, ám hại Phật đến hơi thở cuối cùng bị chết và bị đọa xuống địa ngục tăm tối.
Câu chuyện ngày hôm nay chúng ta kể về tiền thân của Phật, để nhắc nhở rằng trong cuộc đời của chúng ta có nhiều cộng nghiệp và định nghiệp, có nhiều biệt nghiệp cộng hưởng, nó cứ đeo đuổi từ vô lượng kiếp. Hai người Hoàng tử Thiện Hữu và Hoàng tử Ác Hữu là Đức Phật, và Đề Bà Đạt Đa từ vô lượng kiếp đã gieo lên những chủng tử bất thiện với nhau. Một người có tâm thiện, nhưng kiếp trước đã gieo nhân quả với người có tâm ác, và thiện ác đối đầu, tìm cách để tiêu diệt nhau. Dù Hoàng tử Thiện này có tâm thiện vẫn bị Hoàng tử ác hãm hại. Chính Ngài Đề Bà Đạt Đa thời đó một Tăng sĩ đệ tử dưới Đức Phật, nhưng kiếp đó Đề Bà ta vẫn tìm cách giết Phật. Nhưng chính vì Đức Phật đã thành tựu được pháp Đại từ đại bi, nên tất cả các dòng nghiệp tích từ vô thủy vô chung tới lúc đó chấm dứt chuyển hóa không còn. Nhưng Đề Bà Đạt Đa không thể tự chuyển hóa được, nên bị đày xuống địa ngục, sau những lần ám hại Phật và phải chết đi.
Chúng ta hãy cảnh tỉnh lên trong cuộc sống, nhìn lại tất cả những sự xích mích của chúng ta với người trên hay người dưới, như vợ chồng, như con cái, hoặc những người trong xã hội. Nhìn sâu trong luật nhân quả, luật nhân quả nói thật là rõ, những chuyện xảy ra đó, đều do nghiệp của ta, cộng với nghiệp của người. Chính vì vậy mà mỗi người chúng ta, đừng có quá nóng tính, mỗi khi sự việc xảy ra, chúng ta nhìn thật rõ không phải nó tự động xảy ra đâu, không phải tự nhiên, chẳng phải trên trời rơi xuống, cũng không phải Ông Trời trừng phạt chúng ta, để rồi người kia ghét bỏ, hành hạ, chê bai làm nhục ta. Không phải Ông Trời an bài để cho ta và họ đối tình, khắc khẩu, khắc thân, đủ thứ khắc, mà chình vì cộng nghiệp của ta.
Nếu như nghiệp tiền kiếp trổ quả hôm nay, để rồi một ai đó đối đầu với chúng ta, làm cho chúng ta buồn, làm cho chúng ta đau khổ, thì chúng ta nên nhớ, đó là một phần cộng nghiệp của chúng ta. Chúng ta phải đối xử như thế nào, để nghiệp đó không còn ký lại hợp đồng đó nữa. Điều trước tiên là chúng ta hãy tha thứ cho người kia, cũng như Đức Phật tha thứ cho Đề Bà Đạt Đa. Chúng ta bao dung như Đức Phật bao dung Đề Bà Đạt Đa, xảy ra biết bao nhiêu chuyện, Đức Phật cũng không oán thù, Đức Phật vẫn sẵn đó, vẫn lòng từ để che chở Ông Đề Bà Đạt Đa. Khi chúng ta làm như vậy là chúng ta đã không ký lại hợp đồng dài hạn từ vô lượng kiếp, trong sự tranh chấp hận thù.
Các bạn cố gắng lên, khó lắm, là con người mà, nhưng Đức Phật đã nhìn thấy chúng ta có thể làm được điều đó. Để thành tựu được sức mạnh làm được điều đó, các bạn chỉ cần cố gắng nghĩ về cộng nghiệp của mình là có thật, nhân quả là thật, không thể trốn được, gieo nhân nào gặt quả đó. Gieo nhân nào với người, thì người và ta sẽ gặt cùng quả đó. Xưa ta gieo nhân ác với người, nay ta tu thiện rồi, thì nhân ác đó vẫn trổ. Nhưng khi nó trổ về kiếp này, sự khác biệt là lúc đó Phật đã thành Phật, lòng của Ngài đại từ, đại bi, bao dung và tha thứ. Lòng của chúng ta cũng khác rồi, bởi vì ta đã biết về Phật. Ta biết về nhân quả, ta không thù kẻ đó nữa, ta không trả thù nữa. Họ chưởi, họ đánh, ta không trả thù. Họ giận hờn, ta ta không trả thù, ta lấy sự tha thứ, bao dung, độ lượng, chúng ta bao trùm, nhốt nó vào trong tâm, như vậy thì lòng ta nhẹ nhàng, chẳng ký gia hạn hợp đồng của những mối thù truyền kiếp đời đời nữa. Mà chúng ta tăng trưởng phước báu, để tha thứ, nguyện hồi hướng cho vị kia, để vị đó có cơ hội tĩnh tâm, thoát ra khỏi ngục tù của những cộng nghiệp vô lượng kiếp sau.
Làm sao chúng ta có thể làm được điều đó, tư duy đi các bạn. Nhân quả là có thật, không thể trốn tránh được đâu, nhưng chúng ta đối đầu với nhân quả đó như thế nào, với tâm thể như thế nào, với tâm như thế nào, với tấm lòng như thế nào. Cần lắm với những tấm lòng hiểu được nhân quả, sẽ giữ được sự tự tại, sống an nhiên.
Chúc các bạn luôn tự tại và cầu chúc các bạn hiểu rõ luật nhân quả. Chúng ta tinh tấn sống trong cuộc đời, để những chuyện bất như ý xảy ra các bạn luôn bình an và hạnh phúc.