Dạ, Thầy nói các pháp là vô thường sanh diệt, khi ta thác thì cứ tùy theo thiện nghiệp và ác nghiệp mà tái sinh. Hãy cứ quán chiếu hơi thở Chánh Niệm từ bi – trí tuệ quán. Nhưng trong thời khắc của thập tử nhất sinh thì nỗi hoảng sợ, sự đau đớn, sự bấn loạn và sự lo lắng của một con người tại khắc đó sẽ tùy theo nghiệp lực trong một sát na. Liệu trong sát na của hơi thở cuối, mấy ai biết được mình sẽ như thế nào, thật sự là có Phật A Di Đà tiếp dẫn hay không hay cũng phải do chính nghiệp quả của mình quyết định sự luân hồi ạ? Vậy nên chăng chúng ta hãy cứ niệm Phật A Di Đà miên mật ạ?
Trả lời: Mô Phật! Trong tư tưởng Phật giáo truyền đạt, đặc biệt ảnh hưởng của Đại Thừa hoặc Phật giáo Tây Tạng, nói đến cận tử nghiệp là giây phút cuối cùng khi chúng ta còn sống và rồi chết. Người ta diễn tả dưới hình thức của giáo dục tôn giáo, nhưng đặt nặng ở cái hù dọa cho người ta sợ để làm tốt. Đó cũng là một phương thức giáo dục. Một là đưa đến những lời sách tấn tốt đẹp để họ hiểu được quá trình biến hiện của tâm, hai là phải hù dọa cho sợ để không làm điều xấu. Bởi chúng ta ở đời thường hay giải đãi, không liên tục làm những việc tốt, hoặc tu, tu một phút, nghỉ mười ngày, tu một chút xíu thanh tịnh nhưng có thể làm nhiều chuyện ác.
Các Tổ mới nghiên cứu phương pháp giáo dục chúng sanh qua Phật học, thì đưa đến cái luận đề rằng cận tử nghiệp khi chết đi, giây phút đó rất quan trọng, tất cả nghiệp lực sẽ tới kéo chúng ta đi; để cho chúng ta luôn luôn như một dũng sĩ phải rèn luyện trí tuệ, tinh thần và dũng lực của mình để sẵn sàng đương đầu với cuộc chiến trận sanh tử. Điều này dưới góc độ của giáo dục rất là tốt. Nhưng chúng ta là người tu Phật thiền trí tuệ, chúng ta phải thấy rằng đó là phương pháp giáo dục được chế tác ra phù hợp với những người căn cơ.
Nay suy nghĩ thêm một chút để thấy rằng, chúng ta có thể nhẹ nhàng hơn bởi có trí tuệ nhìn thấu!
Khi bạn nói đến chữ “nghiệp lực” khi chúng ta sắp sửa chết, cận tử nghiệp tới là nghiệp lực tới nó kéo đau khổ, đau đớn, phiền não, đủ thứ…thì làm sao có thể thoát được? Các bạn có nhớ rằng nghiệp lực đó hình thành ở đâu, chỗ nào và khi nào?
Nếu nói nghiệp lực tới trong lúc cận tử nghiệp thì nghiệp lực đó là cả một xâu chuỗi hình thành trong kiếp này nói chung, và vô lượng kiếp trước thì mới là một sự toàn diện hơn. Như vậy mọi tạo tác từ suy nghĩ như Đức Phật dạy, lời nói và hành động tạo ra nghiệp ác hoặc là nghiệp thiện, nói chung gọi là nghiệp lực. Nếu nghiệp lực của bạn có nhiều lực ác, nó sẽ kéo bạn tái sanh vào cảnh giới ác. Nếu nghiệp lực của bạn tổng kết lại có nhiều lực thiện, nó sẽ hướng dẫn các bạn đi lên những cảnh thiện lành.
Trả lời ngắn gọn, chúng ta đều phải bị ràng buộc khi chết bởi nghiệp lực thiện hoặc ác do chính chúng ta tạo ra do nhân quả thiện – ác bởi thân – ngữ – ý. Và coi đó là tổng nghiệp lực của toàn kiếp này cộng với kiếp trước, chẳng phải chỉ trong giây phút đó mà thôi! Nhưng các bậc đạo sư nhấn mạnh giây phút cận tử nghiệp rất kinh khủng để cho chúng ta cảnh giác mà thường xuyên tu tập.
Nếu các bạn lái xe giỏi thì đó là cả một quá trình thực tập lái xe luồn lách trên những trục lộ giao thông, và rồi các bạn tập nhiều, nó được định tâm, tinh thần thoải mái. Nhớ thuở mới lái xe run lắm! Thì như vậy, qua quá trình thực tập thực tế trong cuộc đời, bạn lái xe giỏi. Để rồi khi gặp những lúc tình trạng nguy hiểm xảy ra, tính mạng có thể bị kết liễu, bạn có thể thoát ra được. Cuộc sống này, lái trên chiếc xe phương tiện của thân người này, chúng ta có sự trải nghiệm trong sự thực tập để tạo ra nghiệp, nghiệp ác hoặc nghiệp thiện. Nếu học được chân lý của Phật, ta sẽ chuyên chú vào để thực tập, làm những điều Đức Phật dạy, thực hành đúng, tạo thành nghiệp lực, nhưng là nghiệp lực thiện. Để khi giây phút cận tử nghiệp tới trong cuộc đời, toàn bộ năng lượng nghiệp lực thiện đó sẽ giúp và hỗ trợ chúng ta đi theo sự tái sanh.
Cho nên trả lời trở lại, khi tái sanh vào kiếp kế tiếp mà khi chết, giây phút cận tử nghiệp tới, chẳng phải là lệ thuộc chỉ vào giây phút đó, sát na đó. Mà nó lệ thuộc vào tổng hợp của cả một chu trình, tức là một công trình trên cuộc hành trình làm người của kiếp này tích lũy hoặc là chuyển hóa nghiệp lực của tiền kiếp tới kiếp này do những tạo tác từ thân – ngữ – ý qua nhân quả thiện – ác tổng hợp lại để đưa chúng ta đi tái sanh. Chứ không phải chỉ có giây phút đó để các bạn hiểu lầm rằng: “À! Giây phút đó, bao nhiêu công đức tu tập cả ngàn năm qua, cả trăm năm qua, giây phút đó lỡ rồi đi tuông”. Không có! Không có như vậy! Không có như thế!
Bởi vì ngôi nhà bạn xây dựng, người khôn khéo còn biết tích lũy tiền bạc trong ngân hàng, lỡ cháy nhà, tiền vẫn còn trong ngân hàng chứ không cháy hết. Cháy là cháy cái nhà mà thôi! Một mồi lửa cháy hết nhà, công sức xây dựng nhà nhưng tiền bạc để trong ngân hàng, nó vẫn sinh sôi nảy nở, có tiền lời. Công đức của chúng ta chứa trong A Lại Da Thức. Mọi việc bạn làm ác hay thiện đều tạo thành nghiệp lực thiện hay ác ở trong A Lại Da Thức. Và khi các bạn chết đi, thân này tan rã theo Tứ Đại giả hợp: Đất, Nước, Gió Lửa thì thần thức của các bạn chứa năng lượng tổng hợp của cả một cuộc đời của các bạn đã chuyển hóa tu tập những bất thiện nghiệp của kiếp trước để tạo thành thiện nghiệp, bạn đi tái sanh với thiện nghiệp đó; hoặc bạn không thể chuyển hóa ác nghiệp của nhiều đời, kiếp này lại cộng thêm ác nghiệp nữa, thì nghiệp lực ác đó sẽ dẫn các bạn đi tái sanh. Chẳng phải lệ thuộc vào giây phút các bạn chết! Nó chỉ là một phần nhỏ cộng tác thêm, cũng như một thùng cát có thêm một hạt cát nữa, cũng như một thùng kim cương có thêm một chút xíu kim cương nữa mà thôi; nhưng nó chẳng phải là sự quyết định toàn diện, mà sự quyết định toàn diện là cả một công trình tu tập, tu tâm dưỡng tánh của các bạn trong toàn bộ kiếp người hiện tại chuyển hóa, tăng thiện nghiệp hoặc chôn vùi, tăng ác nghiệp.
Bây giờ nói đến Đức Phật A Di Đà. Niệm Phật A Di Đà, niệm Phật Bổn Sư, Phật Dược Sư, các vị Bồ Tát. Niệm Phật chúng ta phải nhớ rằng, niệm Phật là niệm giác, tức là tỉnh giác, niệm Phật để giữ tâm thanh tịnh tỉnh giác.
Hãy vào Google nghiên cứu Đức Phật A Di Đà có hay không thì chúng ta sẽ thấy được hai luồng tư tưởng của Kinh Nguyên Thủy không nhắc đến Đức Phật một cách rõ nét. Đại Thừa thì thật rõ, đặc biệt khi chuyển qua Phật giáo Trung Hoa hoặc Tây Tạng, Ngài Liên Hoa Sanh dạy thì bắt đầu nói đến Ngài A Di Đà. Và hai luồng tư tưởng của Phật giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa vẫn luôn luôn xoay quanh như hai vũ khúc đúng sai nhảy múa quay cuồng từ nhiều ngàn năm qua. Nếu các bạn bị cuốn vào trong vòng xoáy của những vũ điệu oan trái này, thì có lúc nếu thuận duyên với Nguyên Thủy, bạn cho rằng A Di Đà Phật không có; nếu thuận duyên với Đại Thừa thì các bạn cho Đức A Di Đà Phật là có. Chúng ta hãy ngừng cuộc chơi trong những vũ khúc của có hoặc không về Đức Phật A Di Đà, mà lấy trí tuệ tư duy rằng Đức A Di Đà nếu dịch đúng nghĩa là Vô Lượng Quang. Chúng ta có nhiều ý nghĩa hồng danh của Đức A Di Đà Phật, nhưng Bảo Thành chỉ nói đến Vô Lượng Quang, tức là trí tuệ. Khi chúng ta niệm Đức A Di Đà Phật, tức là Chánh Niệm hơi thở để tăng trưởng trí tuệ Vô Lượng Quang của Ngài A Di Đà Phật.
Tại sao mà Ngài A Di Đà Phật có cái danh là Vô Lượng Quang? Bởi Ngài là đấng đại từ đại bi có trí tuệ. Niệm hồng danh của Ngài là niệm tuệ, niệm từ bi. Niệm tức là Chánh Niệm để tăng trưởng trí tuệ và từ bi. Như vậy, khi chúng ta tăng trưởng thiện nghiệp bằng trí tuệ và từ bi, chúng ta tích lũy thêm phước báu và thiện nghiệp, nghiệp lực đó giây phút cuối khi ta chết – cận tử nghiệp sẽ tăng trưởng, dẫn chúng ta tái sanh về cảnh thiện lành tỉnh giác mà tùy theo tông phái Đại Thừa hay Nguyên Thủy, hay Kim Cang Thừa mà hình thành một mẫu mực của Đức A Di Đà Phật. Chúng ta không nói sâu! Các bạn hãy nghiên cứu, bởi thời đại ngày nay là phải dùng trí tuệ để nghiên cứu. Nhưng Bảo Thành dẫn nhập như vậy để các bạn dễ hiểu hơn, và tùy theo phước duyên của bạn sinh ra ở đời này thọ nhận trong Nguyên Thủy hoặc Đại Thừa, hoặc Kim Cang Thừa để có nhận thức về Đức A Di Đà Phật như thế nào thì đó là tùy duyên mà Ngài Phổ Hiền dạy rằng tùy duyên mà hóa độ.
Trả lời Phật A Di Đà đó có hay không là tùy theo phước duyên của các bạn. Nhưng những gì Bảo Thành vừa giải thích sẽ giúp cho các bạn suy nghĩ và tư duy. Mong rằng các bạn nghiên cứu và tư duy cho đúng để hình thành một nhận thức sáng suốt để có ý thức trong vấn đề tự chủ, tự đứng dậy thắp đuốc mà đi.
Đúng, khi chúng ta chết, hoàn toàn sự tái sanh của chúng ta vào cảnh lành hay cảnh ác đều do nghiệp của chúng ta! Phật không cứu được chúng ta. Đức Phật A Di Đà có hiện ra cũng không tiếp dẫn được chúng ta nếu chúng ta luôn luôn làm những điều ác, nếu chúng ta không muốn đi theo Ngài.
Tiếp dẫn ở đây có nghĩa là Vô Lượng Quang trí tuệ hướng dẫn chúng ta vượt qua, mà chúng ta phải có cái tâm, tâm từ bi – trí tuệ miên mật tu tập thì Vô Lượng Quang của Ngài A Di Đà sẽ soi đường dẫn cho chúng ta vượt qua suối mê, bể mê để cập vào bến giác. Cho nên Đức Phật A Di Đà chỉ có thể cứu ta bằng cách chiếu soi qua Vô Lượng Quang trí tuệ và ta là người phải thực hành nhân quả thiện để đồng hành với Ngài tới cõi Tịnh Độ.
Chứ còn các bạn mà cứ thực tập nhân quả ác, thì cho dù có vô lượng Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền có hiện ra tiếp dẫn, bạn cũng chẳng thể nương bóng từ bi của các Ngài để lên cõi thanh tịnh khi mà cả cuộc đời và vô lượng kiếp qua, bạn luôn luôn hành những pháp ác. Phật dạy chân lý thật rõ, nhân quả thiện – ác, ai gieo người đó gặt, ai làm người đó hưởng, hưởng chịu cái tốt hay cái xấu là do chính mình, không ai có thể mang mình đi.
Để dẫn chứng thì khi Phật còn sống, khi vua cha Tịnh Phạn sắp mất, Ngài về thăm thì Ngài cũng nói thật rõ về nhân quả cho vua cha. Chứ Đức Phật là Phật mà, nếu nói Ngài cứu thì Ngài cứu vua cha bằng phương thức như thế nào? Khai thị trí tuệ để vua cha hiểu, hành để rồi thoát chứ không phải đưa tay cứu ngài đi về Niết Bàn, khỏi cõi tử sanh luân hồi.
Có một ví dụ trong các Kinh thường dạy, Đức Phật nói, như cái cây nó nghiêng về bên phải; khi nó đổ thì đổ về bên phải, nếu nghiêng về bên trái; khi nó đổ thì đổ về bên trái; khi còn sống, chúng ta nghiêng vào những điều phải, thiện lành thì khi chết, chúng ta tái sanh về cảnh thiện lành; khi còn sống, chúng ta nghiêng về bên trái, những điều sai trái tạo ác nghiệp thì khi chết, ta sẽ đổ xuống những miền tái sanh đau khổ. Vậy nên nhân quả quyết định sự tái sanh.
Đức Phật A Di Đà có hay không thì tùy theo phước duyên đi theo những pháp môn các bạn tu. Nhưng nhớ, Đức A Di Đà Phật là Vô Lượng Quang và vô lượng từ bi – trí tuệ. Niệm hồng danh của Ngài là niệm giác bởi có trí tuệ và từ bi. Người có trí tuệ và từ bi hành đúng nhân quả thiện – ác của Phật, tích lũy nhiều nghiệp thiện để từng bước từng bước tiệm tu tịnh tiến từ từ đi tới sự đốn ngộ toàn diện mà giải thoát. Lúc đó, Thánh chúng Di Đà ở phương Tây hay mọi Chư Phật, Chư Bồ Tát ở mọi cõi giới đều hoan hỷ tiếp bước cho bạn đi. Nhưng không phải cầm tay bạn kéo lên cảnh giới cao hơn!
Mô Phật!
Tham vấn Phật Pháp 11, https://youtu.be/QaPQGvNlJR4