Tâm Sĩ đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và trên Facebook Chùa Xá Lợi.
Hôm nay để chúng ta cùng nghe, Bảo Thành đi thẳng vào câu chuyện này.
Có một vị Thiền sư sống trên núi, hình như được mọi người nói rằng đức cao trọng vọng, giác ngộ vô biên, tinh thần, trí tuệ bừng sáng. Một hôm có một bà cụ, dẫn một đứa con lên trên núi gặp vị Thiền sư đó, trình với vị Thiền sư rằng: Thưa Ngài, con đã nghe Ngài là bậc giác ngộ, nên dẫn đứa con này lên đây, để xin Ngài có một lời khai thị cho cháu được sống đàng hoàng. Vị Thiền sư hỏi bà cụ: Vậy thì chuyện gì đã xảy ra với đứa con? Bà cụ nói: Con của tôi có một tật cố thật là xấu, đó là cứ chơi cây kiểng, tốn biết bao nhiêu tiền bạc rồi. Nó có vợ con mà không chăm lo, chỉ chăm sóc cho cây kiểng tốn tiền, mà tôi thì già rồi, không sao nói để cho nó ngưng được, xin Thiền sư khai thị.
Vị Thiền sư uống trà xong, nhoẻn miệng cười từ ái nói với bà cụ: Thôi Bà dắt nó về đi, tháng sau dắt trở lại đây, tôi sẽ giúp cho, nhất định nó sẽ sửa đổi thôi. Bà Cụ hoan hỉ vô cùng, bởi có một cuộc hẹn tháng sau, dù con đường từ thôn bà ở tới núi này, phải trải qua một tháng trời mệt và khổ, bà cụ về trông đợi ngày trở lại.
Thời gian rồi cũng trôi nhanh lắm, một tháng chẳng là bao. Bà cụ trở lại núi đó gặp vị Thiền sư, vị Thiền sư vui vẻ vô cùng, trên mặt cười tươi rạng rỡ, hào quang tỏa sáng. Bà cụ mừng lắm nghĩ rằng, lần này nhất định sẽ được vị Thiền sư khai thị, con bà sẽ được trở thành người tốt, không còn chơi cây kiểng nữa. Khi ngồi xuống, Thiền sư mới nhỏ nhẹ nói với chàng thanh niên: Này anh ơi, thú vui chơi cây kiểng, thứ nhất là tốn tiền, thứ hai là tốn sức, thứ ba là mất thời gian, thôi hãy ngừng đi, để dành thời gian chăm sóc cho mẹ hiền, cho vợ và các con.
Thế rồi bà cụ thật ngỡ ngàng, tưởng đâu là những lời cao siêu, nhiệm mầu, giáo lý của Đức Phật truyền dạy, theo văn kinh rõ ràng. Một vị Thiền sư mà nói không dính dáng gì đến lời kinh giáo dưỡng chúng sanh, toàn những ngôn từ rất bình thường, mà một bà cụ như bà, cũng đã thường nói với con bà như vậy: chơi cây kiểng tốn tiền, tốn sức, tốn thời gian, nên để thời gian chăm sóc cho mẹ phụng hiếu, chăm sóc cho vợ, cho con cái, mà nó có nghe đâu.
Bà cụ cũng nói y như vậy mà nó không nghe, nên bà cụ nói với vị Thiền sư: Tôi tưởng Ngài nói về điều gì, còn những điều Ngài vừa nói, tôi đã nói với nó bao nhiêu năm rồi, mà có thành công đâu. Vị Thiền sư chắp tay nói với bà cụ: Thưa bà, đúng, tháng trước tôi không trả lời cho bà, đợi đến tháng này mới trả lời, bởi vì đúng vào thời điểm đó, tôi cũng có tật cố như con của bà, cũng thích cây kiểng, cũng thích chơi, cho nên tôi phải dành một tháng, để từ bỏ nó, không muốn chơi cây kiểng, không muốn dành thời gian chơi cây kiểng nữa, để tập trung vào sự tu tập. Cho nên tháng qua, khi bà trở về nhà, tôi đã dẹp bỏ được, nên tháng này bà trở lại, tôi đã hoàn tất sứ mệnh, mang sự trải nghiệm của tôi, mà kềm tỏa được sự ham muốn chơi cây kiểng, dành thời gian tu tập, khuyên con của bà y như những điều tôi đã làm được, chỉ có thế.
Bà cụ nghe ra cũng chẳng biết như thế nào. Nhưng khi dắt con trở về, thì thấy con đã thay đổi hoàn toàn. Một lời nói bình thường, như bao nhiêu con người nói đó, mà đứa con thấm thía vô cùng, đã thay đổi thật sự.
Các bạn thân mến,
Những bậc cổ thánh hiền ngày xưa, những bậc thầy mà chúng ta tôn kính thuở xưa, các ngài truyền dạy và khai thị cho hàng tứ chúng, Phật tử tại gia hay xuất gia, không bằng lời kinh văn, tiết kệ, được in ấn trên kinh sách, bởi ngày xưa kinh sách thực sự chưa được in ấn nhiều, nhưng cuộc sống của các Ngài là những bài kinh, được áp dụng thực tế và trải nghiệm cho đời sống của các vị cổ đức đó, đó gọi là thân giáo. Những điều gì các Ngài muốn dạy cho chúng sanh, các Ngài đã thực tập, tu chứng, đã hiển lộ được điều đó. Cho nên đời sống của các Ngài là bài học để cho mọi người noi theo mà sửa đổi. Không phải các bài thuyết giảng của các Ngài, những lời hướng dẫn của các Ngài chỉ dựa trên văn bản của kinh pháp, của văn tự, mà là một sự trải nghiệm thật sự, mang lời kinh của Đức Thế Tôn ứng dụng vào đời sống, để làm sao thúc đẩy mình chuyển hóa được những tật cố, thói xấu trong cuộc đời.
Vị Thiền sư đó đã làm được, bởi khi gặp người thanh niên kia, vị Thiền sư vẫn thích chơi cây kiểng, dành một tháng để chuyển hóa tự thân. Từ đó mang sự chuyển hóa, trải nghiệm chính mình, làm gương, để thay đổi người đang cần sự chuyển hóa. Đời sống gương mẫu chẳng cần qua văn tự, nhưng chỉ cần hiểu thấu được chân lý đó và thực hành được, thì nhất định đó là một bài học thật cao cả cho những hàng hậu duệ học, noi theo.
Do vậy chúng ta ngày nay, một lời khuyên, một lời hướng dẫn người khác, dù các bạn là hàng Phật tử tại gia, các bạn là người xuất gia, hay các bạn là ai đi nữa, tôn giáo nào cũng vậy, vẫn nên nhắc nhở bản thân rằng, hãy cố gắng sống một đời sống đức hạnh, sống thay đổi cuộc đời, qua hấp thụ được những chân lý rõ ràng, trong giáo lý của Đức Phật, để đời sống của chúng ta thật sự là thân giáo, là bài học, là gương mẫu, để cho những người khi tới với chúng ta cần học, cần được khai thị, học ngay nơi đời sống của chúng ta.
Chúng ta tu, chúng ta sửa và chúng ta làm gương như một vị Thầy mô phạm, mới có một giá trị thật sự, lay chuyền được lòng người, còn nếu không, chúng ta nói một đàng, làm một nẻo, trên sách nói thật là hay, nhưng đời sống chúng ta lại không thể mẫu mực mô phạm, thì lời nói của chúng ta có khác gì cuốn kinh, cuốn băng dĩa, đã được thâu truyền lại cho mọi người đâu.
Thế gới ngày nay kinh sách nhiều lắm, đầy trên mạng, trong các thư viện, trên các giá sách nhiều lắm. Tới Chùa nào cũng nhiều kinh, vô nhà các Phật tử tại gia cũng thấy kinh Phật thật là nhiều, bởi in ấn nhiều. Nhưng chúng ta có nhìn thấy kinh đó trong đời sống của mỗi người hay không?
Vị Thiền sư đã mang kinh vào đời sống là thân giáo. Anh chàng thanh niên kia đã nhìn thấy điều đó, ngay tháng đầu tới Chùa này, đầy cây kiểng cũng đẹp như mình, nhưng tháng sau trở lại cây kiểng chẳng còn, thanh tịnh vô cùng, thanh thoát nhẹ nhàng. Vị Thiền sư đã dùng một tháng để thực tập và đã kềm được mình, chuyển hóa được mình, rồi mang bài học đó để nhắc nhở những người khác. Chàng thanh niên thực chứng, bởi tháng trước thấy cây kiểng đầy Chùa, tháng sau tới kiểng không còn, cây không còn, mà vị Thiền sư đã nói chân thật những gì Ngài đã làm được.
Thân giáo có sức mạnh vô cùng, đúng vậy. Cha mẹ như thế nào thì con cái như thế vậy. Cho nên nhìn con cái biết cha mẹ. Đó là cách nói của người xưa. Nhìn học trò biết Thầy. Đó là cách nói của người xưa, luôn luôn đúng. Cho nên đời sống của cha mẹ, của các vị thầy, đời sống của mỗi một người chúng ta, có sự ảnh hưởng tới những người khác. Nếu chúng ta sống mẫu mực, ảnh hưởng sự mẫu mực tới những người gần gũi chúng ta. Nếu chúng ta biết sống, biết sửa đổi và hoàn thiện cuộc đời, thì nhất định chúng ta sẽ hoàn thiện và sửa đổi được cuộc đời của những người khác, khi họ nhìn và nghe được lời của chúng ta nói, qua cuộc sống thực tế, mà chúng ta đang hiện hữu trong cuộc đời.
Đức Phật là đấng không phải chỉ nói suông, theo giáo lý đã được đúc kết lại từ ngàn năm trước, mà Ngài là một bậc đã trải nghiệm qua những nền tôn giáo hiện thời trong lúc đó của quá khứ, rồi đi đến sự tư duy, tìm tòi, học hỏi, chứng nghiệm và giác ngộ, nên Ngài mang thực tướng của đạo giác ngộ, do chính cuộc đời của Ngài đã trải qua, để truyền đạo, chứ Ngài không mang văn tự, kinh sách, để nhồi nhét cho mọi người đầy đầu, mà Ngài mang cuộc sống đích thực.
Đời sống của Đức Phật là một đời sống gương mẫu, trong suốt bao nhiêu năm trời rão bước trong cuộc đời, khai thị cho chúng sanh. Từ đó mà chúng ta phải thấy rằng Đức Phật là một vị Thầy, có thân giáo thật rõ ràng, Ngài không bao giờ rời chân lý trong cuộc sống của Ngài. Cuộc sống của Ngài là chân lý, là những bài học thật rõ nét cho mọi người nhìn vào. Thế đó như mọi người trong khi nhìn thấy Phật từng bước chân an lạc, từng lời nói chứa đựng ân tình và năng lượng vi diệu từ bi, nên đã cảm hóa được biết bao nhiêu con người khi gặp nạn. Ngài là một bậc Thầy, lấy chính bản thân của mình, với sự gọi là thân giáo gương mẫu, mẫu mực thực hành được, làm được, có kết qủa được, truyền lại cho mọi người.
Chúng ta ngày nay, sống dù ở cương vị nào cũng vậy, nên học theo lời của Đức Phật, bằng cách áp dụng vào trong cuộc đời, những gì chúng ta áp dụng được lời Phật, vào trong đời sống của mình, thay đổi được tốt đẹp hơn, chính là những bài học cao quý, cho những người tiếp cận được chúng ta họ sẽ nhận ra, họ sẽ học được, không phải vì chúng ta nói hay, không phải vì chúng ta mang kinh sách để dẫn chứng, là vì chính cuộc sống của chúng ta là tấm gương, là con đường cho họ đi. Hãy sống với điều đó, để tất cả những ai tìm câu Phật pháp, đều có cơ hội học được, tìm được nguồn an lạc cho bản thân của họ, qua đời sống mẫu mực và thân giáo của mỗi người chúng ta.
Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa