Lý Thảo Vân đánh máy, Bảo Phước biên tập
Thứ 7 ngày 27 tháng 6 năm 2021 (9 tối giờ VN)
Câu 1. Thưa Thầy! Con mồ côi cha mẹ từ nhỏ, gần đây Thầy giảng những bài về Mẹ Quan Âm làm con rất nhớ cha mẹ con, mỗi khi gặp nhiều khó khăn, đau khổ con đều cầu nguyện Mẹ và được Mẹ giúp đỡ. Giờ con đã lớn tuổi, xin Thầy chỉ dẫn cho con làm sao để sống ý nghĩa phần đời còn lại của con ạ?
Câu 2. Rơi vào trạng thái tự trách vì mình sai là do thiếu tinh tấn mà thành, vì chỉ khi tinh tấn ta mới thực hành được phép thở Chánh Niệm, từ đó mới không ngạo mạn, ngông cuồng trước hành vi và lời nói & muốn có được nhanh, đó là trạng thái của tánh Tham vì mọi thứ đều phải do tu luyện mới thành. Sự quán chiếu của con như vậy đã đúng chưa thưa Thầy? Nhưng vì sao con lại luôn muốn tiến nhanh và nhìn thấu nhiều điều hơn, con chưa thể kiềm chế mình lại, xin Thầy chỉ dạy con rõ hơn.
Câu 3. Làm sao để chuyển hoá sự phẫn nộ, nhẫn nhịn thành sự hoan hỷ biết ơn? dù hoàn cảnh đó có bi ai đến cỡ nào, dù tánh Sân còn nhiều mà lòng yêu thương chưa đủ lớn để vị tha chuyển hoá ác nghiệp từ bao đời?
Câu 4. Thưa thầy, xin Thầy khai thi giúp con. Khi mình phóng sanh hoặc làm việc thiện và nguyện xin hồi hướng công đưc cho ai đó, nhưng người đó không biết, vì mình chưa có cơ hội giải thích hoăc hướng dẫn cho họ hiểu thì công đức đó họ có nhận được không ạ?
Câu 5. Là thiện duyên nên gặp gỡ hay vốn là thiện duyên nhưng lại do sự ích kỉ, tính ngạo mạn, tự kiêu phá nát đi tất cả? Nếu vốn là thiện duyên thì tại sao khi kết thúc mối quan hệ lại trở thành chướng duyên làm khổ nhau. Nợ cũ ko trả được nhưng lại kết thêm oán thù mới? Không nói đến đúng sai tốt xấu vì gieo nhân gì gặt quả đó, nhưng do đâu lại thành ra như vậy? Nếu như con chỉ chuyển hoá tự thân và lựa chọn dừng lại thì oán nghiệp có được hoá giải không thưa Thầy? (Chuyện đời sống, ko phải tình cảm nam nữ ạ)
Câu 6. Thưa Thầy, lúc trước con lạc trong vô minh, không biết đươc tham sân si va vô thường làm cho mình khổ. Khi được Thầy khai thị thì con đã hiểu đươc nguyên nhân làm cho minh khổ. Con xin Thầy chỉ dạy thêm khi mình nhận thấy cái khổ đó thì mình chuyển hóa như thế nào đê bớt phiền não. Dạ con cảm ơn Thầy!
Câu 7. Đồng tính có phải là nghiệp không? và là người con Phật thì con nên quán chiếu thế nào để về có cái nhìn tích cực về vấn đề này?
Tham Vấn
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Đã tới giờ Tham Vấn Phật Pháp Số 9 tại Tổ Đình Chùa Xá Lợi tiểu bang Maryland, Mỹ quốc. Mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Trong buổi đồng tu hôm nay, chúng con nguyện hồi hướng và cầu an cho một bé thơ đang lâm trọng bệnh được đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, mau chóng lành bệnh và đồng hồi hướng cầu siêu cho tất cả các chư vị hương linh ký tự nơi Chùa Xá Lợi, hương linh Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, hương linh những người thân vừa quá vãng.
Nguyện một lòng hồi hướng cho quốc tổ Việt Nam, quê hương mau hết đại dịch, muôn người sẽ được an vui, thái bình trở lại.
Xin Chư Phật chứng minh.
Chúng ta cùng đồng trì hồng danh của Chư Phật, Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (03 lần)
Chú Đại Bi (01 biến):
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)
Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắt ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)
Chú Vãng Sanh (03 biến):
Nam mô a di đa bà dạ
Ða tha dà đa dạ
Ða điệt dạ tha
A di rị đô bà tỳ
A di rị đa tất đam bà tỳ
A di rị đa tỳ ca lan đế
A di rị đa tỳ ca lan đa
Dà di nị, dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha.
Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
NamMô SaKa PuốtTế, NamMô SaKa PuốtTế.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Mô Phật!
Với thế giới hiện đại ngày nay, sự tu tập ở mọi quốc độ khác biệt và mỗi một con người đều có nhân duyên trở về với cội nguồn của tự tánh qua các pháp phương tiện từ Kinh sách, lời diễn giải, sự giáo dưỡng của các bậc minh tuệ và sự nhắc nhở của Chư Tôn Túc, Tăng Ni. Chúng ta hoàn toàn khác biệt, căn cơ, phước báu khác biệt, ứng dụng Phật pháp khác biệt tùy theo sự hiểu biết, sự nhận thức và môi trường sống để dù ta là ai đi nữa thì Phật pháp vẫn là cội nguồn đánh thức sự sống của tâm linh để nhận ra sự đau khổ của cuộc đời tạo bởi ác nghiệp để chúng ta chuyển hóa.
Mỗi một tháng, vào ngày thứ 07 cuối tháng, Bảo Thành và các bạn có chương trình “Tham Vấn Phật Pháp” chia sẻ những thắc mắc, câu hỏi với những ý nghĩa chẳng phải thâm diệu trong Kinh hoặc những lời giảng của Chư Phật vi mầu cho chúng ta, mà chỉ là sự giải thích phù hợp với hoàn cảnh đối với các bạn tương tác qua những câu hỏi thật rõ ràng, thật thực tế xảy ra với chính mình. Những câu trả lời sẽ không bao giờ phù hợp với tất cả, nhưng có lẽ sẽ hài hòa với người đặt ra câu hỏi. Mong rằng ai đó nghe qua, chúng ta mở rộng trái tim, trải lòng và thắp sáng đuốc tuệ để nhận biết được đâu đó có người cần hỏi và những câu trả lời sẽ giúp cho họ hiểu được những gì họ thắc mắc để tâm Bồ Đề luôn tăng trưởng, không thối lui và cuộc sống thực hành Phật pháp có thêm lợi lạc cho muôn người.
Chương trình “Tham Vấn Phật Pháp” hôm nay bắt đầu. Nếu các bạn có câu hỏi gì, xin hãy gửi về hoặc xin hỏi trực tiếp trên kênh YouTube hoặc Facebook, Bảo Thành sẽ lắng nghe để rồi chia sẻ cùng với các bạn.
Các bạn có câu hỏi gì, xin hãy đặt câu hỏi.
Mô Phật!
Dạ, Mô Phật! Con Bảo Nghy xin đảnh lễ Thầy, quý Sư cô và kính chào quý vị đồng tu.
Thưa Thầy! Câu hỏi đầu tiên:
(17:49) Câu 01. Thưa Thầy! Con mồ côi cha mẹ từ nhỏ, gần đây Thầy giảng những bài về Mẹ Quan Âm làm con rất nhớ cha mẹ con. Mỗi khi gặp nhiều khó khăn, đau khổ, con đều cầu nguyện Mẹ và được Mẹ giúp đỡ. Giờ con đã lớn tuổi, xin Thầy chỉ dẫn cho con làm sao để sống ý nghĩa phần đời còn lại của con ạ?
Mô Phật!
Khi chúng ta sinh ra ở đời, nói theo cách làm người chẳng có sự lựa chọn. Một đứa bé sinh ra làm sao có thể lựa chọn có cha, có mẹ như ý muốn. Có một môi trường để sống và sinh vào nhà giàu hay nhà nghèo, nhà có kiến thức hay bần nông. Cách nói khi sinh không có sự lựa chọn là nói để vui nhưng theo luật nhân quả thì kiếp trước ta đã làm nhiều việc và đã chuẩn bị để chọn cho kiếp này tái sanh làm người trong những hoàn cảnh khác nhau. Tái sanh làm người để có, có về mọi thứ, có cha có mẹ, có tiền bạc, công danh, sự nghiệp, hay đôi khi, tái sanh làm người tay trắng trắng tay, cha mẹ không có, nhà cửa cũng không. Nhưng không phải rằng khi sinh ra ở đời có cha có mẹ khác biệt để rồi ta nhìn thấy những người sinh ra mồ côi, không cha mẹ là không có phước báu. Đó là cách nhìn hạn hẹp mà thường là chúng ta thể hiện sự phán xét thật nhanh. Nói về những ai thiếu thốn về tiền bạc, tật nguyền, không may mắn, không thành công, không có như chúng ta, bởi chúng ta có mà, cho nên cái nhìn của chúng ta là ta có phước báu, còn người không có thì ta xem là không có phước báu. Cách nhìn đó thiển cận, không đúng theo như những gì Bảo Thành suy nghĩ, quán chiếu.
Ta phải nhìn rằng theo như hình ảnh của Mẹ hiền Quan Thế Âm, Mẹ vì tình thương và lòng từ bi, ứng hóa mọi thân, mọi tướng để đi vào cuộc đời phù hợp với muôn người để độ sanh, độ chúng thoát khổ. Chư Phật nhiều đời và tất cả các Chư Phật cũng đều ứng hóa thân. Đôi khi còn ứng hóa thành những loài thú, ứng hóa thành những con người như thế này, như thế kia. Chẳng hạn như Ngài Bồ Tát Quan Âm, cần một vị đại sĩ, Ngài ứng hóa thân ra đại sĩ, cần một người tật nguyền, Ngài cũng có thể ứng hóa thân là tật nguyền, hoặc cao quý hoặc bần hàn. Tất cả những sự ứng hóa thân đó nhằm mục đích để đồng hành với chúng sanh như một bài học thực tế trong cuộc đời, mọi người nhìn và nhận ra chân lý sống như lời Phật dạy, tâm không phân biệt.
Bạn sinh ra mồ côi chẳng phải là nghiệp nhiều, thiếu phước báu. Có thể là hạnh nguyện của bạn sinh trong kiếp này chỉ mượn đấng gọi là cha mẹ sinh thành mà chẳng cần nương vào bàn tay của những đấng ấy để thị hiện như trẻ mồ côi sống trong cuộc đời. Làm cho muôn người nhìn vào cảnh đó, tăng trưởng lòng từ bi và thực hành tình yêu thương, nhìn rõ Phật pháp nhiệm mầu, chẳng phân biệt đúng sai, cao thấp.
Cũng đồng cảm với bạn đó là mẹ của Bảo Thành, thân mẫu của Bảo Thành cũng là trẻ mồ côi lúc 07 tuổi. Đây là mồ côi thật sự bởi vì lúc 07 tuổi thì cha mẹ và toàn bộ họ hàng đều đã chết. Cái chết này, nếu trở về với lịch sử, các bạn sẽ thấy cái chết của năm 1940, cái chết đói khi mà thời nước Nhật xâm chiếm Việt Nam đã lấy hết ruộng đất, không cho cày lúa ở miền Bắc. Để rồi ruộng đó trồng đay để làm bao cát. Lúa không có, đồ ăn không có, người dân Việt miền Bắc, hàng triệu người, triệu người đã phải chết đói. Trong số đó, toàn bộ gia tộc bên nhà bà thân của Bảo Thành đã ra đi vĩnh viễn và để lại một đứa trẻ mồ côi 07 tuổi là một đứa con gái lớn dần trong sự vô vọng mồ côi. Để khi vào miền Nam còn rất trẻ, cô đơn, không chú bác, không bà con nhưng cũng vươn lên để làm người. Để trở thành một người mẹ có tình yêu như biển trời, tạo một điều kiện thuận lợi cho Bảo Thành ra đời, làm người.
Qua cuộc đời của mẹ, Bảo Thành hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của bạn nhưng đó chưa chắc đã là nghịch cảnh mang đau khổ tới cho bạn. Bởi suốt cuộc đời của mẹ Bảo Thành, luôn luôn là yêu thương, luôn luôn là nụ cười, là bác ái, là tình thương, là san sẻ. Chẳng có một dấu tích của phiền não, đau khổ hằn trên khuôn mặt mà chỉ có những nụ hoa tươi nở mãi trên nụ cười và ánh mắt sáng như ngàn sao ở trên trời.
Bạn sinh ra trong một trường hợp đặc biệt thị hiện trong cuộc đời mồ côi cha mẹ, nhưng trái tim của bạn không có mồ côi. Và rồi dĩ nhiên, ai ở trong đời, dù sinh ra như thế nào đi nữa, có cha hay không có cha, có mẹ hay không có mẹ thì cũng cần phải có cha có mẹ mới có thể nên được hình hài làm người, nhưng khi sinh ra được làm người rồi, chúng ta được thị hiện để có cha mẹ chăm sóc hoặc là chẳng có cha mẹ kề bên chăm sóc chúng ta. Bạn đã trưởng thành, chúng ta đã trưởng thành trên cái phước duyên mình sinh ra làm người cho tất cả mọi phước báu mà chúng ta đã tạo trong tiền kiếp. Như vậy, nói cho rõ, hoàn cảnh sinh ra hiện thời ngày hôm của chúng ta đều là do sự lựa chọn của mỗi người khi tạo ra những thiện nghiệp hoặc ác nghiệp trong nhiều đời hoặc sinh ra làm người thị hiện dưới sự phát nguyện của kiếp trước. Cho nên, chúng ta đi tu theo Phật pháp là tìm về với thiện nghiệp của kiếp trước, tìm về với phước báu, nhân duyên của tiền kiếp để hiểu thấu ta nên làm gì trong kiếp này.
Chắc chắn bạn đã có hạnh nguyện cao cả. Nên kiếp này sinh ra, dù là mồ côi, bạn vẫn có cha là Đức Bổn Sư, có mẹ là Đức Quán Thế Âm bởi bạn đã học Phật pháp. Phật pháp là cha mẹ để giúp cho chúng ta tái sanh vào những cảnh thiện lành đầy đủ phước báu, nhân duyên. Là kiếp con người, khi nhắc đến cha, nhắc đến mẹ, ai trong chúng ta cũng có cả một khối tình thương, đặc biệt, nếu là những người xa cha, xa mẹ hoặc mồ côi, hoặc cha mẹ đã đi vĩnh viễn trong cuộc đời rồi, khi nhắc đến cha, nhắc đến mẹ, trong lòng thổn thức, nước mắt chảy dài, giọt sầu giọt ngắn. Điều đó là dĩ nhiên. Ta là con người mà các bạn! Luôn luôn có.
Nhưng biết đâu những giọt nước mắt nhớ về cha, nhớ về mẹ, những giọt nước mắt cho thân phận mồ côi như bạn hoặc thân phận làm người bấp bênh trong những thử thách cuộc đời kia đã tạo cho chúng ta nhìn rõ hơn về kiếp nhân sinh trong cuộc đời. Và từ đó, những hạnh nguyện của kiếp trước, những phước báu của tiền kiếp đã đưa chúng ta tới để diện kiến Phật trong hiện tại qua Kinh sách, qua lời giảng, qua sự thực hành.
Bạn đã thực hành Phật pháp đồng tu với Bảo Thành và bạn đã nhận thức ra giá trị cao cả của sự mồ côi nhưng không cô đơn bởi vì có Phật, có Bồ Tát, có Bảo Thành, có các bạn đồng tu cùng đồng hành với bạn. Bạn cần phải làm gì? Bạn nên phải làm gì? Hãy làm theo tiếng nói lương tâm thiện lành mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta. Hãy giữ Năm Giới, hãy thực hành Thiện Pháp, hãy miên mật tu tập quán chiếu tất cả chỉ là Vô Thường. Cha mẹ sinh ra ở đời, cha mẹ cũng vô thường trong sanh – diệt. Ta sinh ra làm người, ta cũng sanh – diệt trong vô thường. Quán chiếu và thực hành lời của Đức Phật sẽ đưa bạn trở về với cội nguồn của tâm thức để gặp được Đức Bổn Sư Thích Ca trong nơi cuộc đời mà không cảm thấy cô đơn, sầu muộn bởi kiếp cô đơn nơi thân phận mồ côi cha mẹ. Bạn sẽ nhận ra cha mẹ ở khắp mọi nơi. Bạn sẽ nhận thấy cha mẹ của bạn trong trái tim của tất cả những bạn đồng tu, của những con người có nhân duyên gặp được bạn và bạn gặp được họ trong mỗi ngày.
Hãy tinh tấn tu tập thường xuyên. Bởi hạnh nguyện của bạn sinh ra trong đời mang thân phận mồ côi nhưng luôn luôn tràn đầy hạnh phúc, gặp được pháp Phật nhiệm mầu, thực hành miên mật và làm được những điều quan trọng đặc biệt như Đức Phật đã dạy đó là Thiện Pháp thì bạn đang trên con đường đi đúng để về đích viên mãn của sự hạnh phúc hiện tại nơi kiếp này.
Dù không cha không mẹ nhưng bạn có tất cả đều là cha mẹ của bạn. Bởi Đức Phật dạy, hãy quán chiếu mọi người, mọi chúng sanh chúng ta gặp đều là cha mẹ của chúng ta. Bạn không có cha mẹ như những người khác chăm sóc nhưng bạn có thật nhiều cha mẹ từ nhiều kiếp, đặc biệt là có cha mẹ hiện tại đó là Đấng Giác Ngộ trên Niết Bàn là Đức Phật và Mẹ hiền Quán Thế Âm gia hộ cho bạn trên con đường đi chuyển hóa khổ đau của tự thân để tăng trưởng hạnh nguyện viên mãn, đi tiếp trên con đường trở về với Niết Bàn của tự tánh.
Chúc mừng bạn đã đồng tu với Bảo Thành! Chúc mừng bạn đã vượt qua những đêm trường thâu canh đau khổ trong vô vọng nhớ về cha, nhớ về mẹ! Nhưng hôm nay, những giọt nước mắt nhớ về cha, nhớ về mẹ của bạn không phải là của đứa trẻ mồ côi nữa mà của một người con Phật thật sự đã tìm thấy cha ở trong đời đó là Đức Bổn Sư, đã tìm thấy mẹ trong cuộc sống đó là Mẹ hiền Quan Thế Âm. Bạn hết mồ côi rồi! Bạn đã hết mồ côi!
Bạn đã làm đúng, đã hành đúng. Hãy tiếp tục cuộc sống như vậy để nở hoa. Như hoa sen trong cuộc đời, vươn lên từ bùn lầy của sự vô vọng trong cô đơn của kiếp mồ côi để nhận thấy rằng, bạn tới trong đời với một hạnh nguyện tìm chân lý chuyển hóa khổ đau, thành tựu Niết Bàn trong cuộc sống.
Hãy mang Niết Bàn nơi nụ cười tươi, hãy mang Niết Bàn nơi nụ cười và cuộc sống thánh thiện của bạn để một lần nữa, cuộc đời của bạn là những tòa sen thơm ngát dâng hiến cho cuộc đời. Và khi đối diện với muôn người, bạn sẽ nhận thấy mẹ và cha trong kiếp sống của những người có nhân duyên, phước báu đi vào cuộc đời của bạn trong kiếp này.
Hãy tiếp tục! Đó là lời khuyên của Bảo Thành.
Làm gì? Tiếp tục tu và đồng hành trên con đường với sứ mệnh Phật pháp nhiệm mầu qua sự thực hành miên mật, đừng bỏ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
(30:39) Câu 02. Rơi vào trạng thái tự trách vì mình sai là do thiếu tinh tấn mà thành. Vì chỉ khi tinh tấn ta mới thực hành được pháp thở Chánh Niệm, từ đó mới không ngạo mạn, ngông cuồng trước hành vi và lời nói, và muốn có được nhanh, đó là trạng thái của tánh Tham vì mọi thứ đều phải do tu luyện mới thành. Sự quán chiếu của con như vậy đã đúng chưa thưa Thầy? Nhưng vì sao con lại luôn muốn tiến nhanh và nhìn thấu nhiều điều hơn, con chưa thể kiềm chế mình lại, xin Thầy chỉ dạy con rõ hơn.
Mô Phật!
Khi chúng ta ở đời làm một việc gì, ai cũng mong muốn thành công. Trên con đường tu, ai cũng mong muốn thành tựu. Chúng ta cứ bị dính vào chữ “tham” để rồi tinh tấn tu thì gọi là tham tu. Phát nguyện thành tựu thì gọi là tham cầu, mong muốn. Để rồi có những lời dạy của vị này, vị kia nói: “Tu nhiều là tham. Phát nguyện để thành cái này, thành cái kia cũng là tham” làm cho chúng ta lấn cấn.
Bạn là ai? Là con người Phàm phu. Bảo Thành là ai? Là Phàm phu mà.
Cứ luẩn quẩn trong trò chơi ngôn ngữ “tham” hoặc “không tham” để rồi không làm gì hết. Đó là tinh thần tiêu cực.
Bảo Thành nhớ trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm nhà cháy nói về phương tiện. Có một nhóm trẻ thơ là các con của một vị đang chơi ở trong nhà cháy. Nó không chịu ra. Nó có nhiều trò chơi trong căn nhà đó. Đến khi cha nó về, thấy nhà cháy, kêu nó ra, nó không chịu ra, nó mãi chơi thôi. Rồi để kêu các con ra khỏi căn nhà cháy đó, người cha mới nói rằng ở ngoài này có xe hươu, xe bò, có nhiều loại xe ngon lắm, ra đây mà chơi để chúng rong chơi cuối trời quên lãng. Các con nghe thích quá. Nghe tiếng cha nói thân quen ở ngoài có nhiều trò chơi, liền chạy ra. Và khi chạy ra rồi, chúng nhìn lại mới thấy căn nhà cháy.
Căn nhà đó là thân người này đây. Thân ngũ dục, thân của Tứ Đại đang cháy và bị tiêu hủy từng giờ từng phút bởi Tham – Sân – Si. Ta vẫn đắm chìm trong những trò chơi lục dục của tham dục, của sân hận, của mê. Rồi thì làm sao để thoát ra được các bạn ơi? Có được chút phước báu thực hành Phật pháp lại cứ lấn cấn là tham.
Người cha đã gọi để trao tặng cho con những thứ trò chơi là phương tiện để dẫn dụ con thoát khỏi nhà lửa. Chúng ta, Phật khai thị thật nhiều phương tiện để dẫn dắt chúng ta từ tham ái, tham dục, tham tiền tài, danh vọng, địa vị, sân si đó, Phật cho chúng ta những phương tiện vi diệu ở bên ngoài cuộc đời và mời gọi chúng ta bước ra. Dĩ nhiên, mấy đứa nhỏ trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, căn nhà cháy đó cũng vì tham đồ chơi mà nó chạy ra. Nhưng khi nó tham đồ chơi, nó chạy ra rồi, nó mới nhận ra căn nhà nó đang ở, bên trong bị cháy.
Chúng ta cũng thế! Nếu chúng ta tham học Phật pháp để thoát ra khỏi hầm lửa tham dục, tham ái, sân si của cuộc đời để rồi quay ngược lại mới thấy cuộc đời, căn nhà của Tứ Đại này là hầm lửa đang cháy, thiêu đốt các bạn thì cũng nên tham. Tham để bước ra!
Phật pháp là phương tiện dẫn dụ ta thoát ra khỏi hầm lửa của kiếp người Tứ Đại, của ngục tù Tham – Sân – Si. Hãy tham tu tập Phật pháp trong bước đầu tiên. Đừng vội vàng quá!
Để xóa mờ những từ ngữ lật ngược lật xuôi làm ta lấn cấn, cứ dùng dằng trong căn nhà lửa Tứ Đại đến khi chết rồi mới nhận ra thì quá trễ, hãy chơi một trò chơi giác ngộ, hãy tham dự vào một cuộc chơi và hãy kích hoạt tâm tham cầu Phật cùng với chí nguyện giải thoát. Được! Không sao.
Đừng để chữ “tham” làm cho bạn lấn cấn, dừng chân. Tham học Phật, tham sự thành tựu, tham để rồi tinh tấn vượt lên trên tất cả để có được một phương tiện lớn hơn, thoát ra khỏi cuộc đời của kiếp người trong nhân thế. Nhìn rõ căn nhà lửa đang cháy từng giây phút nơi ngũ dục, nơi Tham – Sân – Si, Tam Độc là cái tham đúng. Đừng lấn cấn chữ “tham” đó nữa. Hãy tham tu tập đi! Đến khi bạn đã tham tu tập rồi, miên mật rồi, đã có niệm lực rồi thì lúc đó, cái tham đó chuyển thành sự tinh tấn đúng nghĩa theo tinh thần Bát Chánh Đạo gọi là Chánh Tinh Tấn.
Nhưng là người Phàm phu, Phật tử trong đời này, muôn sự đời rối dữ lắm. Hãy cho mình được nhiều lần tham tu tập, tham giải thoát. Đừng đánh đồng vào những vị Thánh cao cả. Chúng ta là Phàm phu bước đầu chập chững, đang mê chơi trong nhà lửa của cuộc đời, chạy thoát ra là bởi vì có lời hứa hẹn ở bên ngoài. Người cha đã hứa ở bên ngoài có xe lớn để cho, các con đã chạy ra và người cha thật sự đã cho phương tiện đó.
Đức Phật đã nhận ra thật nhiều phương tiện vi diệu đặt ở ngoài cuộc đời và nói thật to: “Cái nhà hầm lửa của cuộc đời đang cháy con ơi!”, ta không ra đâu. Nhưng Phật nói: “Ngoài này có những đồ chơi vui lắm, thích lắm!”, ta chạy ra. Ta chạy ra khỏi hầm lửa mới thấy được hầm lửa cháy.
Hãy tham tu tập nghe các bạn. Đừng sợ!
Dù ai nói ngã nói nghiêng, lật ngược con chữ đảo điên cuộc đời. Đừng sợ, đừng sợ!
Cứ tham cầu học Phật pháp, cứ tham tu tập mỗi ngày, sẽ có một ngày bạn sẽ chuyển hóa cái ngôn ngữ ứng dụng gọi là tham đó thành sự Chánh Tin Tấn trong Chánh Tư Duy và Chánh Kiến mà thôi. Bởi khi mấy đứa nhỏ chạy ra khỏi hầm lửa, nhà lửa, nó mới nhận ra là nhà lửa cháy, cái đó gọi là Chánh Kiến nhìn thấy. Rồi sau khi có cái phương tiện, nó tham phương tiện nó chạy ra, thấy nhà lửa là Chánh Kiến rồi nó suy nghĩ nó thấy: “À! Cha gọi ta ra, cho phương tiện lớn là bởi vì nhà cháy”, cái đó gọi là Chánh Tư Duy. Sau đó là sự Chánh Tinh Tấn làm theo những gì cha nó nói.
Các bạn! Đức Phật đã dạy cho chúng ta, tạo dựng phương tiện để dẫn dụ chúng ta bước ra xa khỏi sự đam mê, vùng tối của sân hận. Khi bước ra rồi, đón nhận phương tiện của Phật, chúng ta sẽ có cái nhìn thật rõ về cuộc đời của mình, đó gọi là Chánh Kiến. Và rồi tư duy pháp Phật nhiệm mầu qua phương tiện gọi là Chánh Tư Duy, để rồi tinh tấn mà học là Chánh Tinh Tấn.
Tham cầu Phật pháp, tham tu tập là một điểm son trong cuộc đời của kiếp Phàm phu. Bạn là Phàm phu, Bảo Thành là Phàm phu, chúng ta hãy tham tu tập, cố gắng lên mỗi ngày.
Mô Phật!
(38:59) Câu 03. Làm sao để chuyển hoá sự phẫn nộ, nhẫn nhịn thành sự hoan hỷ, biết ơn dù hoàn cảnh đó có bi ai đến cỡ nào. Dù tánh sân còn nhiều mà lòng yêu thương chưa đủ lớn để vị tha, chuyển hóa ác nghiệp từ bao đời?
Mô Phật!
Chúng ta không nói đến ác nghiệp từ bao đời bởi dĩ nhiên hiểu rằng nhân quả từ kiếp trước đưa tới, tạo cho ta dễ sân, dễ thương, dễ giận hoặc dễ yêu.
Câu hỏi là làm sao có thể kiềm được sự sân giận khi tương tác trong cuộc sống hoặc khi va chạm, đụng chuyện?
Đức Phật đi trước các nhà tâm lý học thật là nhiều từ ngàn xưa, Đức Phật đã thấy rằng hơi thở Chánh Niệm hít vào, thở ra để giúp cho mình có đầy đủ Oxy kích hoạt thân tâm của mình điều hòa dưỡng khí, máu huyết lưu thông, thần kinh tỉnh giác, rất tốt cho sức khỏe. Cho nên tập hít thở sâu hoặc hít chậm Chánh Niệm mà Chánh Niệm trong từ bi nữa. Chánh Niệm để dung dưỡng từ bi, Chánh Niệm để đánh thức cuộc sống của mình, nhìn rõ thì mọi sự sân giận tới trong cuộc đời với tánh biết NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang giúp cho bạn nhận thấy, nhìn thấy cái sân, cơn sân, cơn giận của các bạn khi nó mới khởi lên, bạn nhận ra ngay.
Hồi xưa, Bảo Thành khi chưa tu, sân giận nó trào lên như núi lửa là đập bàn, đập ghế, phùng mang trợn mắt, làm dữ lắm. Nhưng khi tu mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thì cái sân nó mới khơi dậy trong tâm tưởng thôi, Bảo Thành nhìn ra, nhận ra. Nhưng không kiềm được các bạn ơi, nhưng ít nhất mình nhận ra. Khi nó xảy ra việc rồi thấy hối lỗi dữ lắm, phải sám hối. Thấy xấu hổ bởi mình để cái sân nó ra một cách lỗ mãng làm cho tình cha mẹ hay bạn bè gì đó, nhìn mình không biết sao nữa nhưng mà trong lòng biết được.
Khi tu tập, biết được sân nó đang tới. Tập một thời gian, cái biết của mình dài hơn và cái sân của mình nổi lên chậm hơn. Nó chậm hơn là bởi vì tánh biết của chúng ta có năng lượng vi diệu kiềm tỏa năng lượng sân, không cho nó trào ra quá nhanh, cộng thêm mật ngôn Mu A Mu Sa tức là từ bi. Trí tuệ và từ bi quán tưới tẩm những cơn giận của mình bằng nước Cam Lồ Từ Bi của Chư Phật, một ngọn lửa cháy, một xô nước đổ vào, ngọn lửa liền tắt ngay. Một cơn giận vừa khơi lên, mang từ bi quán chiếu, cơn giận sân kia liền biến tắt lịm. Điều này có! Bảo Thành đã thực hiện, mà Đức Phật đã dạy từ bi là Cam Lồ, trí tuệ là ánh sáng để nhìn rõ để biết, để thấu được nguồn cơn của tánh sân, nguyên nhân của sự giận dữ và rồi mang tâm từ bi quán chiếu, đổ vào thì giận của bạn sẽ hết.
Các bạn! Nếu như các bạn thấy tâm sân giận quá nhiều, khó kiềm tỏa. Hãy thực tập Chánh Niệm hơi thở NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để bạn quán chiếu với tâm từ bi đó, nhìn rõ thì sau này những cơn giận của bạn khi nó khởi lên, bạn biết ngay. Thật nhiều các bạn đồng tu đã gửi tin nhắn về với Bảo Thành rằng khi xưa chưa tu, cơn giận tới, không biết. Sau một thời gian tu, giận nó tới liền biết ngay. Không kiềm được nhưng biết nó tới. Rồi thực tập Mu A Mu Sa, bây giờ thì biết rồi, mang tâm từ bi đặt để vào cơn giận đó, cơn giận nó chậm lại, nó chậm lại và từ từ biến mất.
Phật pháp cần phải sự thực tu để có sự thực chứng. Nếu hỏi làm sao để chuyển hóa sự sân giận? Hãy thực hành Chánh Niệm hơi thở NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để có khả năng thấy biết thật rõ vạn pháp vô thường và sân giận vô thường luôn. Nó tới rồi nó đi nhưng chúng ta biết được khi nó khởi dậy, nó khơi dậy, ta biết, rồi ta nhận ra nó sẽ đi thôi. Để ta không nhảy vào bắt tay múa may quay cuồng để diễn vai tuồng của sự giận, sự sân làm cho hổ thẹn sau này.
Các bạn! Hãy thực tập Chánh Niệm hơi thở NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang gọi là trí tuệ quán và thực tập Chánh Niệm hơi thở Mu A Mu Sa là từ bi quán, từ bi – trí tuệ quán giúp cho chúng ta tiếp cận được với ánh sáng minh tuệ của Phật và với năng lượng từ bi siêu thế để nhận biết rõ mọi cơn sân giận nó khởi lên để rồi dùng tình thương và từ bi quán chiếu để chuyển hóa tận gốc rễ khi nó khởi lên.
Bạn hãy thực tập trong vòng một tuần, nhất định sẽ có thành quả.
Đó là câu trả lời của Bảo Thành theo như những gì Bảo Thành trải nghiệm trong sự thực tu và thực chứng, và các bạn đồng tu đã có sự trải nghiệm đó.
Dĩ nhiên thật nhiều các phương pháp, nhiều lắm, nhưng đây là một phương tiện vi diệu mà Bảo Thành đã chứng nghiệm được, nhiều bạn đã chứng nghiệm được. Bảo Thành giới thiệu, mời gọi các bạn thực tập để có một sự trải nghiệm hoàn hảo khi đương đầu với những cơn sân giận của mình. Để cuộc đời của chúng ta sẽ không trở thành một con tắc kè bông đổi màu liên tục để thỏa mãn tánh sân.
Mô Phật!
(45:00) Câu 04. Thưa Thầy, xin Thầy khai thị giúp con. Khi mình phóng sanh hoặc làm việc thiện và nguyện xin hồi hướng công đức cho ai đó, nhưng người đó không biết, vì mình chưa có cơ hội giải thích hoặc hướng dẫn cho họ hiểu thì công đức đó, họ có nhận được không ạ?
Khi chúng ta hồi hướng công đức, dù là phóng sanh, dù là tu tập, khi đến chùa gặp các bậc tôn túc, khi tu, chúng ta thường được nhắc hãy rải tâm từ, đó là sự hồi hướng cao cả nhất. Ta làm một việc phóng sanh tức là có lòng từ bi đối với những chúng sanh bị nguy hại tới tánh mạng, nay phóng sanh thì đó là tâm từ. Ta hồi hướng là rải tâm từ tới cho những người yêu thương còn sống như cha mẹ hoặc người đã mất. Dù người đó biết hay không biết không quan trọng. Quan trọng là với tâm hồi hướng đó, bạn đã có đầy ắp năng lượng từ bi rồi. Hương từ bi lan tỏa khắp mười phương, không cõi nào mà không thể tới được các bạn.
Cho nên, hương từ bi quan trọng lắm. Sự hồi hướng từ bi qua pháp phóng sanh có thể lan tỏa trùng trùng điệp điệp, vượt qua những ngọn núi rừng sâu để tới tận hư không pháp giới. Dù người kia biết hay không thì trong bầu trời này, khí quyển luôn đầy ắp mọi nơi, không khí chẳng cần ai biết nhưng ai cũng cần phải hít thở để sống. Năng lượng từ bi như không khí lan tỏa khắp mười phương, ai biết hay không biết không quan trọng. Bởi ai tồn tại được trên thế giới này, trên kiếp nhân sinh này đều phải hít thở không khí từ bi, đặc biệt là tình yêu thương của cha mẹ, tình yêu thương của muôn người.
Năng lượng từ bi qua pháp phóng sanh chẳng cần phải ai biết hay không biết, bạn cứ trải lòng ra, hồi hướng rải tâm từ như câu hồi hướng trong nhà Phật thường nói: “Hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đều thành Phật đạo”. Ta hãy hồi hướng như vậy. Dù chúng sanh có tánh biết rất ít hoặc không có tánh biết thì đều nhận được hết một cách bình đẳng với cái tâm hồi hướng đồng nhất với năng lượng từ bi – trí tuệ của mười phương Chư Phật thì không có ngõ ngách vô minh đen tối nào khi chúng sanh ở đó mà không thể nhận được năng lượng hồi hướng của các bạn.
Hãy tiếp tục hồi hướng. Không nhất thiết họ biết hay không mà chỉ cần bạn biết chính xác rằng bạn đã làm việc thiện và hồi hướng việc thiện đó cho muôn loài chúng sanh, đặc biệt là những người bạn yêu thương.
Mô Phật!
(48:11) Câu 05. Là thiện duyên nên gặp gỡ hay vốn là thiện duyên nhưng lại do sự ích kỷ, tính ngạo mạn, tự kiêu phá nát đi tất cả? Nếu vốn là thiện duyên thì tại sao khi kết thúc mối quan hệ lại trở thành chướng duyên làm khổ nhau. Nợ cũ ko trả được nhưng lại kết thêm oán thù mới? Không nói đến đúng sai, tốt xấu vì gieo nhân gì gặt quả đó, nhưng do đâu lại thành ra như vậy? Nếu như con chỉ chuyển hoá tự thân và lựa chọn dừng lại thì oán nghiệp có được hoá giải không thưa Thầy? (Chuyện đời sống, ko phải tình cảm nam nữ ạ)
Mô Phật!
Chúng ta nhìn vào nhà tù, nhiều người phạm tội bị nhốt trong nhà tù. Đầu tiên, khi nhốt trong nhà tù, người đó được giáo dục để không tái lại những hành động nguy hại, tức là không tạo ra nghiệp. Các bạn cũng vậy mà thôi! Ta bị nhốt trong nhà tù của nghiệp thức bất thiện và nghiệp thức thiện nhiều đời sinh ra trong kiếp này, kiếp này là nhà tù có thiện duyên và chướng duyên lẫn lộn. Thiện duyên là ta biết được Phật pháp để tu, chướng duyên là gặp nhiều trở ngại trên con đường tu. Nói rộng ra về mọi mặt của cuộc sống, Đức Phật dạy rằng tất cả mọi nghiệp duyên bất thiện hoặc là thiện là nhân quả của kiếp trước đưa ta tới kiếp này. Khi chúng ta tu là ngừng tạo nghiệp trong kiếp này. Kiếp này không tạo nghiệp nữa và rồi có cái năng lượng và trí tuệ để chuyển hóa những nghiệp của ngày qua, của quá khứ.
Tu là ngừng tạo nghiệp. Hết tạo nghiệp rồi! Nhưng nghiệp của quá khứ vẫn còn. Để chuyển hóa nghiệp của quá khứ, Đức Phật dạy Thập Thiện, tức là Mười Pháp Thiện. Nếu trong quá khứ, bạn là một kẻ đồ tể sát sanh thì kiếp này bạn phóng sanh như câu hỏi của bạn vừa hỏi bên trên là phóng sanh. Cho nên, nếu là nghiệp sát thì hãy thực hành pháp phóng sanh. Nếu là nghiệp trộm cắp để bây giờ thiếu thốn hay mất đồ thì thực hiện pháp thí, cúng dường, hồi hướng, bố thí, giúp đỡ người. Nếu gặp nghiệp của kiếp trước tạo cho mở miệng ra là bị người ta chửi, gọi là khắc khẩu thì kiếp này tu, không tạo ra khẩu nghiệp bằng cách nói năng tử tế. Nhưng để chuyển nghiệp kiếp trước thì ta lại dùng ái ngữ để chuyển nghiệp kiếp trước. Có nghĩa, một nghiệp nào tương ưng của quá khứ thì phải thực hiện cái pháp thực hành rõ ràng tương ưng với nghiệp quá khứ thì chúng ta sẽ chuyển hóa được nghiệp của quá khứ. Nhất định điều đó!
Nghiệp quá khứ 10, ta thực tập 05, ta trả được 05. Nghiệp quá khứ là 10, ta thực tập 20, ta dư ra 10. Như món nợ 10 đồng, ta làm 20 đồng, ta trả 10 đồng, còn dư 10 đồng. Nhưng kiếp này tu, tức là không mượn nợ nữa. Không mượn tiền, trốn nợ nữa. Cho nên, khi các bạn tu, các bạn đã ngừng tạo nghiệp rồi. Nếu tu đúng, chúng ta ngừng tạo nghiệp trong kiếp này. Rồi thực hành Thiện Pháp, Mười Pháp Thiện, tu đúng với lời Đức Phật dạy là ta đang góp vốn phước đức và công đức để hoàn trả những món nợ nghiệp thức của kiếp trước.
Hãy từ từ, đừng vội vàng từ chép hóa rồng, đó là câu không đúng. Ta là Phàm phu, cứ tu từ từ thôi. Đừng vội một ngày, hai ngày biến Phàm thành Thánh, cái đó gọi là hoang tưởng. Thực hành một cách vững chãi như người thợ xây, xi măng, cốt sắt, cột kèo đầy đủ, tòa nhà xây dựng vững chãi muôn đời. Vội vội vàng vàng như xe cát biển Đông, một cơn sóng tới, nó tan mất rồi.
Các bạn! Đó là lời khuyên của Bảo thành. Hãy cố gắng thực tập tu để không tạo nghiệp và thực hành các Pháp Thiện trong Thập Thiện, giữ Năm Giới, đi sâu vào Tam Bảo, thiền Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu từ bi và trí tuệ để chúng ta làm mọi việc đúng với tinh thần nhìn rõ vạn pháp Vô Thường, thấu hiểu tinh thần Vô Ngã để không tạo khổ đau cho ta và chuyển hóa những khổ đau do bất thiện nghiệp kiếp trước ta đã tạo ra. Tất cả chỉ như vậy, hãy tinh tấn tu.
(53:15) Câu 06. Thưa Thầy, lúc trước con lạc trong vô minh, không biết được Tham – Sân – Si và Vô Thường làm cho mình khổ. Khi được Thầy khai thị thì con đã hiểu được nguyên nhân làm cho mình khổ. Con xin Thầy chỉ dạy thêm khi mình nhận thấy cái khổ đó thì mình chuyển hóa như thế nào để bớt phiền não. Dạ con cảm ơn Thầy!
Mô Phật!
Bạn nhìn thấy một cục đá, bạn nhận ra nó là cục đá ở trong chén cơm của bạn thì nhất định bạn không đưa vào miệng nhai. Chỉ có điều mù, không nhận ra, lùa một cái trong chén cơm, nhai một cái, gãy răng mới nhận ra cục sạn, cục đá mà thôi. Bởi bạn không biết. Bạn đã biết rồi thì có cục đá, bạn lừa cục đá ra ngoài, không nhai. Bạn đã biết rồi, cái đó là khổ và nguyên nhân tạo ra khổ rồi thì đừng làm những điều tạo ra nguyên nhân gây khổ nữa. Bạn đã và đang làm đúng. Hãy phát huy tánh biết, nhận rõ cội nguồn nguyên nhân tạo ra khổ và đừng tạo khổ nữa, đừng làm những hành động đó nữa.
Hãy tiếp tục làm như vậy thôi, không cần gì phải cầu kỳ, tìm tòi chi cho nhiều. Biết đá nhai gãy răng, đừng nhai đá, dù ở trong chén cơm. Biết việc đó ta đã làm, tạo ra khổ thì nay nhìn thấy, rõ rồi thì đừng hành nó nữa. Đừng làm việc đó nữa, bạn sẽ có được hạnh phúc.
Mô Phật!
(55:01) Câu 07. Thưa Thầy! Đồng tính có phải là nghiệp không? Và là người con Phật thì con nên quán chiếu thế nào để có cái nhìn tích cực hơn về vấn đề này?
Mô Phật!
Tất cả mọi hiện tượng từ vật chất cho đến sinh vật sống từ dạng thô đến dạng siêu đẳng như loài người đều chi phối bởi luật nhân quả.
Khi nói đến đồng tính, đó chính là nhân quả của kiếp trước tạo ra.
Đây là một vấn đề nhạy cảm mà trải qua hàng ngàn năm rất khó hòa nhập vào cuộc sống của xã hội. Ngày xưa, những người đồng tính phải giấu. Nếu để lộ ra có thể bị dìm xuống nước, xuống sông, nhốt vào lồng heo hoặc bị giết chết.
Thế giới ngày nay, Bảo Thành sống ở Mỹ, nước Mỹ đã nhận ra giá trị của sự sống nơi mỗi một con người đều bình đẳng. Dù sinh ra mang thân nam hay nữ, đồng tính nam, đồng tính nữ hoặc đồng tính pha trộn như thế nào thì cũng là một con người, là một sự sống. Nước Mỹ đã đi tiên phong, mở thật rộng để đưa đến sự nhận thức về giá trị sự sống của muôn người. Phá vỡ những tập tục, những cách suy nghĩ, những ý thức hệ ràng buộc trong những khuôn mẫu phong kiến thời xưa.
Đức Phật là đấng đại từ đại bi. Trong giáo luật, Ngài đã nói đến sự đồng tính rồi. Và Ngài luôn luôn nhắc nhở chúng sanh từ một câu rằng: “Tất cả chúng sanh đều bình đẳng tánh trí.” Mọi chúng sanh đều tới trong thế giới này, mang hình tướng người, làm thú này, thú kia đều do nghiệp và nhân duyên. Nhưng Phật nói phải nhìn vượt qua cái tướng đó để nhận thấy ta đều bình đẳng bằng tánh Phật. Phương pháp đó đã được Phật nhắc đi nhắc lại và hướng dẫn, vậy nên những người đồng tính, chúng ta phải nhìn những người bạn thân yêu đó, có thể là con cái chúng ta, có thể là vợ chồng đó. Bởi vì có những người sinh ra là đàn bà, đàn ông, sau dần sự phát triển về nghiệp chướng hoặc sự thay đổi của cơ thể, họ biến từ đàn bà thành đàn ông, đàn ông thành đàn bà. Cho nên, chúng ta hãy quán chiếu rằng trong tất cả những thân tướng khác biệt, không phân biệt giới tính, chủng loại, chúng sanh hạ đẳng hay thượng đẳng, ta phải nhìn thấy trong mọi chúng sanh, từ chúng sanh thật là bình thường cũng đều có Phật tánh.
Cho nên, nhìn thấy Phật tánh trong mỗi một con người, trong mỗi một chúng sanh giúp cho chúng ta có sự đối xử với những người đó bằng tâm tánh bình đẳng của Phật tánh. Bạn hãy mở rộng lòng quán chiếu tánh trí bình đẳng là Phật ở trong mọi chúng sanh dù thô sơ hay phức tạp, dù bình thường hay thông minh đều có Phật tánh ở trong đó. Hãy theo đà tiến của thế giới, mở rộng tầm mắt, mở rộng trái tim và vòng tay, yêu thương tất cả những người dù là giới tính nam hay nữ, hay giới tính lẫn lộn.
Dĩ nhiên, đều là nghiệp nhưng tất cả những nghiệp đó chẳng phải là xấu. Xấu là ta thấy được nghiệp mà không dừng. Sai là ta thấy ta sai mà không dừng.
Hãy tôn trọng các nghiệp thức khác biệt của mọi chúng sanh, thực hành sự bình đẳng tánh trí để giúp cho mỗi người thắp sáng đuốc tuệ, chuyển hóa nghiệp chướng của mình.
Cám ơn câu hỏi của bạn.
Mô Phật!
Chúng ta đã đi qua hết các câu hỏi và tham vấn đã xong. Cám ơn sự kiên nhẫn của Sư cô Bảo Cơ và cô Eileen ngồi cả một tiếng đồng hồ chỉ nghe tiếng Việt như vịt nghe sấm. Nhưng không phải! Sư cô Bảo Cơ và cô Eileen ngồi đó, dù không hiểu nhưng vẫn luôn luôn đón nhận được năng lượng của tình thương từ Chư Phật ban rải xuống. Cho nên, trong những buổi pháp thoại đồng tu và nói pháp bằng tiếng Việt, hai cô vẫn luôn luôn hiện hữu, đó là một sự lợi ích vượt trên ngoài giới hạn của ngôn ngữ khi có đều một tánh Phật viên thông trong tuệ giác của Chư Phật.
Cám ơn các bạn đã hỏi.
Nguyện mọi người tinh tấn vượt qua mọi chướng ngại, thành tựu được pháp an lạc ngay trong cuộc đời này với phương tiện và phước báu mình có được để dần dần tiến lên trên con đường giải thoát.
Chúng con nguyện xin Chư Phật chứng minh.