Search

Tham Vấn Phật Pháp 6

Câu Hỏi

Câu 1: Trong quá khứ con lỡ tạo rất nhiều ác nghiệp. Con muốn quay đầu và dùng thiện nghiệp để bù lại nhưng con rất sợ, con không biết liệu có kịp không thưa Thầy?

Câu 2: Sống trong hiện tại có nghĩa là mình không được nghĩ về quá khứ hay tương lai phải không thưa Thầy?

Câu 3: Con đang rơi vào trong một trường hợp khó xử đó là muốn theo học và làm theo ngành mà con mong muốn nhưng bố mẹ lại ngăn cản, bắt con phải làm theo ý của bố mẹ. Trong cả chuyện tu tập thì con cũng bố mẹ khó chịu, không ủng hộ, đôi lúc ngăn cấm. Con không biết phải làm như thế nào, xin Thầy chỉ dạy!

Câu 4: A Di Đà Phật! bạch thầy khi con tụng kinh, mắt buồn ngủ, con cố gắng tụng, vậy có sao không ạ? con xin tri ân công đức thầy

Câu 5: Có những người bị mất của, bị lừa gạt, bị mất người thân họ đang rất buồn thì có một số người Phật tử nói là do họ gieo nghiệp ác nên phải chịu như vậy. Mặc dù là nói đúng với giáo lý Nhân Quả, nhưng trong trường hợp người ta đang buồn như vậy thì Người phật tử cũng không nên nói phải không Thầy? Ta nên như thế nào để khuyên người đang bị nạn để họ không nghĩ quẫn ạ?

Câu 6: Con có nghe Thầy từng giảng là mình phải luôn luôn tác ý như pháp thiện khi tiếp xúc với mọi sự vật hiện tượng. Nhưng trong một bài giảng khác Thầy cũng có giảng cái gọi là nhìn như nhìn, nghe như nghe, thấy như thấy, không để tâm mình vào phán xét rồi tạo ra sự phân biệt. Vậy thì mình phải tác ý thiện hay không tác ý khi tiếp xúc với mọi sự vật hiện tượng? Dạ con xin Thầy chỉ dạy. Con cảm ơn Thầy!

Câu 7. Hàng này mình có nên dành một ít thời gian để quán tưởng lại những việc mình đã làm trong ngày để coi là đúng hay sai và điều chỉnh lại hành vi không ạ hay là dành thời gian đó để thực tập chánh niệm trong từng giây phút?

Trả Lời

Câu 1: Trong quá khứ con lỡ tạo rất nhiều ác nghiệp. Con muốn quay đầu và dùng thiện nghiệp để bù lại nhưng con rất sợ, con không biết liệu có kịp không thưa Thầy?

Bạn thân mến, con người thường yêu chuộng những sự giải thích và lý lẽ riêng, khó có thể đi tới điều ta chấp nhận một cách hoàn hảo khi nghe người khác nói, ngay câu cổ nhân thường nói hoặc chúng ta đã được nghe rằng: “Bỏ đồ đao xuống, lập địa thành Phật”, người ta đã vịn vào điều đó để nói rằng: “Bỏ đồ đao xuống thành Phật sao?” nhưng mà người ta quên 02 chữ “Lập địa” trong “Lập địa thành Phật”.  Lập địa là tái lập lại trạng thái tâm địa thiện lương, thiện lành của chúng ta, và lập địa tái tạo đó nó đòi hỏi từ ngay giây phút chúng ta nhận ra cái sai của mình, “Bỏ đồ đao”, chữ đồ đao là tượng trưng cho hằng ha sa những ác nghiệp mà Bảo Thành và các bạn đã tạo ra trong vô lượng kiếp không nhớ được mà ngay trong kiếp này nếu còn nhớ thì cũng là vô số, chỉ cần Bảo Thành và các bạn nhận ra rằng những điều đó là sai, điều đó là ác nghiệp từ khi có ánh sáng của Phật pháp soi rọi vào tâm của chúng ta, chúng ta buông bỏ những Pháp ác đó, đồ đao đó xuống, lập địa là tái lập lại một đời sống thiện lương, qua câu nói này chứng tỏ rằng, chúng ta đã thấu suốt được đâu là ác, đâu là thiện, từ đó ngừng. Điều thứ nhất, ngừng tạo những nghiệp ác, rồi đi đến sự sám hối. Sám hối là gì? là nhìn cho thật rõ những nghiệp ác, những điều xấu ta đã tạo, đã làm gây đau khổ, phiền não cho tự thân, cho bản thân mình nè, rồi cho những người thương yêu hoặc chúng sanh khác một cách vô tình hoặc cố tình. Ta nhìn thật rõ để xác minh rằng những điều đó không thể, không thể lặp lại một lần nữa, đó gọi là sám hối, để từ đó phát nguyện rằng sẽ thiết kế cuộc đời của mình theo chiều hướng hướng thượng mà đời sống người Phật tử của chúng ta có thể làm được. Đó là mười Pháp thiện mà đức Phật dạy. Cụ thể hãy giúp đỡ những người khổ đau, những người bệnh hoạn, những người cần tới ta hay không cần tới ta trong những cơ duyên gặp, tiếp xúc được, san sẻ tình yêu thương, làm từ thiện, cúng dường tịnh tài, công sức, trí tuệ, vật thực, hoặc cúng dường sự tu tập tức là cúng dường Pháp, dưới mọi hình thức, phóng sanh, giúp đỡ mọi người. Những Pháp thiện như đó sẽ giúp cho chúng ta từ từ tạo được một chút phước báu trong từng ngày làm, cộng thêm sự sám hối miên mật, nhận rõ những điều đã sai mặc dù vô lượng kiếp, mặc dù chồng chất cũng không bao giờ muộn màng. “Hồi đầu thị ngạn”, ý là nói khi ta quay đầu trở lại, giã từ tánh ác, pháp ác thì liền gặp được Pháp thiện để mà ứng dụng. Chúng ta đã tới bờ thiện Pháp. Đừng hiểu rằng quay đầu là tới bờ giác ngộ, là tới niết bàn. Nhưng bỏ ác quay đầu lại với điều ác, thì chúng ta sẽ lên được bờ thiện mà như bạn vừa nói. Bạn bỏ việc ác nếu như bạn thấy không đúng rồi, mà làm việc thiện, tức là chúng ta quay đầu thị ngạn, quay đầu liền cận bến thiện, không bao giờ muộn. Không cần biết các bạn bao nhiêu tuổi, chỉ cần quay đầu lại với điều ác, bước lên bến thiện lương của cuộc đời dù chỉ một giây, một phút cũng không bao giờ muộn màng. Giá trị của một đống rác và giá trị của một viên hột xoàn khác nhau ở chỗ đó. Một đống rác rưởi của ác nghiệp ta đã tạo sao có thể so bằng một hạt phước thiện ta khởi lên từ tâm đã biết sám hối, nhận ra con đường phải đi trên Pháp thiện mà đức Phật đã khai thị. Trả lời ngắn gọn, hãy quay về Pháp thiện, làm những điều có thể làm và giữ 5 giới, bạn không bao giờ muộn màng. Chỉ sợ bạn không biết dừng để quay lại mà thôi. Còn đã quay lại rồi không bao giờ muộn, chúc bạn thành công, tìm lại sự an lạc trong đời sống. Mô phật.

Câu 2: Sống trong hiện tại có nghĩa là mình không được nghĩ về quá khứ hay tương lai phải không thưa Thầy?

Mô Phật, người bình thường ta thường nói: Qúa khứ đã qua, tương lai chưa tới, hiện tại người nhỏ chút thì hiện tại nhỏ chút. Người lớn một chút tức là có cái nhìn lớn và rộng ra thì hiện tại nó lớn hơn. Chư Phật giác ngộ, Người nhìn trong hiện tại của ngài là cả 03 thời: “Qúa khứ, Hiện tại và Tương lai” không hề mảy may có chút phân biệt. Khi ta có tâm phân biệt tức là chưa sống trong hiện tại. Những gì tới, những gì đi, những gì đang hiện diện, đang đây, đang có, đều được nhìn bằng tâm không phân biệt, bình đẳng, chẳng quá khứ, chẳng tương lai, chẳng hiện tại, và bằng tánh biết như Pháp tức là Pháp thiện, Pháp giác ngộ, Pháp giải thoát như thực thể của cái nhìn. Nếu ta đang làm việc ta phải biết rằng ta đang làm việc. Ta đang suy nghĩ dù chuyện suy nghĩ đó chuyện của ngàn xưa, như chuyện hồi xưa, chuyện xửa chuyện xưa có người này, người kia, hoặc chuyện khoa học giả tưởng và tương lại, thì ta phải biết dùng tánh biết để quán chiếu những luồng tư tưởng đang hiển thị trong tâm tưởng, dù nó xa dịu vời của ngàn năm quá khứ hay hàng thế kỷ của tương lai, hay hiện tại, chỉ cần không phân biệt quá khứ, hiện tại và tương lai, chú tâm vào thềm hơi thở của chánh niệm, an trú trong từ bi quán, thì chuyện tới, chuyện đi, ta đều được gọi là chánh niệm trong hơi thở từ bi, lấy hơi thở và lấy từ bi làm đề mục để tâm của chúng ta có một cái nhìn rộng, viên thông, dung tuệ, với tam thiên, đại thiên thế giới của tư tưởng đang luân lưu trong thời khắc đó mà không bị khuấy động mất đi sự tịch tĩnh. Nói gọn lại, đúng, ta không nên để cho những chuyện ngày hôm qua, chuyện ngày mai chi phối, cho nên sự thực tập an trú vào hơi thở từ bi quán giúp cho chúng ta tập trung hơn, trong những giai đoạn đầu, tập trung của hiện tại, của một tích tắc, từng tích tắc, từng tích tắc, nhưng khi chúng ta tập thành một thói quen, có một định lực lớn, ta sẽ có được sự chánh niệm trong vô tận hư không pháp giới. Mô Phật

Câu 3: Con đang rơi vào trong một trường hợp khó xử đó là muốn theo học và làm theo ngành mà con mong muốn nhưng bố mẹ lại ngăn cản, bắt con phải làm theo ý của bố mẹ. Trong cả chuyện tu tập thì con cũng bố mẹ khó chịu, không ủng hộ, đôi lúc ngăn cấm. Con không biết phải làm như thế nào, xin Thầy chỉ dạy!

Mô phật, câu hỏi này có hai phần, một là học theo ngành, tức là nâng cao kiến thức ở đời, hai là vấn đề tu học. Đức Phật hồi xưa ngài cũng bị vua cha khi thời còn là Thái Tử, vua cha Tịnh Phạn, tất cả những người trong triều đình không ai muốn ngài đi tu, đó là con đường đạo, chắc hẳn bao nhiêu chuyện ngài làm cũng có sự cản trở, không hẳn chỉ có một mình bạn, mà trên thế giới này, hầu hết phong tục của con người, với sự quan tâm sâu sắc của những bậc sinh thành lên chúng ta, thường đưa tới chỗ là làm sao sắp xếp, sắp đặt cho con cái vào một hệ thống kiến thức, một hệ thống tập tục, một hệ thống tín ngưỡng, một hệ thống mà cha mẹ an tâm rằng con cái của mình sẽ tốt đẹp hơn. Đặc biệt thời đại ngày nay những người Á Đông vẫn còn nặng nề về những truyền thống đó, còn người phương Tây đã hết rồi. Người Á Đông của chúng ta, những bậc sinh thành vẫn còn câu: “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” từ trong chuyện cưới gả đến chuyện học hành, học hành về kiến thức làm người, cũng như trên con đường nghiên cứu đạo học. Người phương Tây họ đã hiểu được, khoảng chừng độ 50 năm trước, họ đã dần dần chuyển hóa để cho con cái của họ đeo đuổi những ngành học về kiến thức phù hợp với sở thích của họ, của con cái để miễn sao con cái hạnh phúc, làm những chuyện con cái mong muốn, không phân biệt ngành nghề cao thấp, tiền nhiều hay tiền ít, mà chỉ cần con của họ làm được điều con thích và mang lại được niềm vui, hạnh phúc. Cũng trên con đường đạo học, người phương Tây cũng để cho con cái tự nguyện theo học các tôn giáo mà con cái thấy phù hợp với nhân duyên, nhiều gia đình Thiên chúa giáo vẫn để con theo học các tôn giáo khác như Phật giáo, rồi đi đến Hồi giáo, tất cả các tôn giáo trên thế giới, đặc biệt khi trở thành sinh viên đại học, các em thường phải lấy một lớp tôn giáo trên thế giới để nghiên cứu rộng hơn về đa tôn giáo trên thế giới để tránh sự phân biệt trong tôn giáo, tạo ra chiến tranh trong tôn giáo như ngàn năm xưa đổ máu và giết người. Cho nên người phương Tây đã khác thật nhiều, tuy nhiên bạn câu hỏi này, chứng tỏ rằng chúng ta là người Á Đông, cha mẹ vẫn còn quan niệm đó nhiều lắm. Sự chinh phục thật là khó, nhất là con cái không bao giờ có thể chia sẻ những điều thầm kín trong trái tim, cõi lòng của mình cho cha mẹ. Và cha mẹ ít có khi nào lắng lòng để hiểu được một thế hệ trẻ là con cái của chúng ta. Hai ý thức hệ của người trước và người sau khó có thể được thăng bằng trong cuộc sống. Chính vì lẽ đó nhiều gia đình con cái và cha mẹ không đồng bộ trên con đường đi về phía trước của sự sống, mà cứ chênh vênh hoài nên giữa tình cha, tình mẹ, con cái, có sự xen lẫn khác biệt của tư tưởng, suy nghĩ, trong sự nâng cao kiến thức sống của xã hội về ngành nghề cũng như sự tu học. Về đạo học giải thoát của các tôn giáo, sự phân biệt đó vẫn còn rất nặng. Ở người Á Đông chúng ta, câu hỏi là làm sao nói đây? Một bên là tình nghĩa của đấng bậc sinh thành, một bên là con đường và chí nguyện tu học, nâng cao kiến thức cho đời mà ta thấy phù hợp với khả năng tâm huyết và trên con đường tâm linh để ta tìm được chỗ dựa vững chãi. Làm sao? khó lắm, thật là khó. Bảo Thành khi xưa học đạo cũng trải qua như các bạn, phải mất đến 35 trời mới có thể thuyết phục được cha và mẹ, hiểu sâu hơn và hoan hỷ hơn cho Bảo Thành trên con đường học đạo. Ngày nay các bạn, thật là nhiều trong các bạn vướng vào điều đó, Bảo Thành khuyên chúng ta cũng đừng vội vàng theo phong tục của phương Tây mà làm đau lòng đấng bậc sinh thành của chúng ta. Mà cũng đừng vội vàng bám chặt vào phong tục của Á Đông để làm cho chính cõi lòng của mình đau đớn sau này, câu mà học trò thường nghe nói: “Học mà không chơi, giết mòn tuổi trẻ, chơi mà không có học, phá hỏng tương lai”. Vậy ta lấy con đường trung đạo của Phật, kiên nhẫn, cần có thời gian, miễn là làm sao cho đấng bậc sinh thành của chúng ta an yên trong quan niệm của các ngài và chúng ta phải dùng tâm rằng “nước chảy, đá mòn”, cứ từ từ, nhẹ một chút, chùng xuống một chút, nhẹ xuống một chút. Đây là nói về con đường đạo học, cứ nhẹ nhẹ, nhẹ nhẹ, rỉ rả, mưa lâu thấm đất, nước chảy đá mòn, một ngày cha mẹ sẽ hiểu và đón nhận con đường ta muốn học. Riêng về ngành nghề, đây là một chuyện thật là khó bởi vì nếu ta chờ quá lâu, tuổi đã lớn, thật khó học, mà ngành nghề bây giờ cần phải cập nhật hóa phù hợp với trình độ và ước mơ của mỗi người. Các bạn, hãy ngồi xuống một lần hoặc nhiều lần, thong thả, tự tại, giãi bày với cha mẹ về ngành nghề các bạn đang muốn học, đang muốn làm, trước nhất ngành đó là ngành gì? Mang lại lợi ích gì cho bạn? Và ngành nghề đó phù hợp với tâm cảm để bạn vui, thật khéo sử dụng ngôn ngữ và phương tiện trình bày một cách minh bạch, rõ ràng trong một hoàn cảnh, môi trường và thời gian phù hợp để cha mẹ dễ đón nhận và lắng nghe sự tâm sự của người con như chúng ta. Một lần không được hai lần, đừng đổ dồn một đống tư tưởng của ta vào cha mẹ. Chia ra, lịch trình nhẹ nhẹ, mỗi ngày chia sẻ một chút và từ từ tiến tới chiều sâu của sự chia sẻ đó. Cha mẹ nào cũng thương con, khi chúng ta bình tĩnh, dùng khung cảnh phù hợp, thời gian phù hợp, ngôn ngữ phù hợp, tâm cảm phù hợp, hiếu đạo, tôn kính với cha mẹ, nhất định cha mẹ sẽ lắng nghe và thấu hiểu, để rồi giúp đỡ chúng ta thành tựu được ngành nghề mà ta mơ ước. Rất là khéo nha các bạn, rất là khéo, hãy dũng cảm lên, tạo một bữa ăn ấm cúng trong gia đình với cha mẹ trong một khung cảnh có tình cha, tình mẹ, và lòng hiếu đạo của ta, hãy dũng mãnh, dũng cảm chia sẻ với cha mẹ về những kiến thức mình muốn đặt để cho tương lai của bản thân, những ngành học mình mong muốn, cần phải diễn bày rất từ từ, rất nhẹ nhàng dù cha mẹ có phản kháng, không thích ta cũng phải thật bình tĩnh đừng nổi sân, nổi nóng, cứ nhẹ nhẹ. Cha mẹ nào cũng thương con, nước mắt chảy xuống, chảy xuôi chứ không chảy ngược, mẹ và cha luôn thương chúng ta, chỉ cần chúng ta giải bày một cách từ từ, nhẹ nhàng, cha mẹ sẽ hiểu, dù cha mẹ có những định kiến, mặc định tương lai của chúng ta phải như vầy, phải như kia, nhưng nếu chúng ta bình tĩnh giải thích một cách khiêm tốn, đúng với tình thương, đúng với môi trường, hoàn cảnh và thời gian, thì nhất định cha mẹ sẽ hãnh diện, giúp đỡ chúng ta. Hãy khôn khéo và phương tiện nhiều hơn trong vấn đề tiếp xúc với cha mẹ, giải bày tâm cảm, ước nguyện, ước nguyện về kiến thức ở đời, ngành nghề, cũng như ước nguyện trên con đường tu tập. Đừng quá vội vội, vàng vàng, để rồi sự trao đổi, đàm thoại giữa cha mẹ có sự ngăn cách bởi bức tường của ý thức hệ, ý thức hệ trước và ý thức hệ của thời trẻ từ đó sẽ xảy ra một sự bùng nổ. Khác biệt trong cuộc sống, gây ra khó hiểu, khó chịu, khó hàn gắn để khó tiến tới đời sống dung hòa với nhau trong gia đình. Chúc bạn có sự dũng mãnh, tạo một môi trường thuận lợi đúng thời gian và tư duy thật nhiều vào cách ăn nói, phương tiện thật mềm mại, nhẹ nhàng dễ thương, để cha mẹ bạn có thể dự một bữa tiệc thật ngon ấm cúng nơi gia đình và nghe những lời tâm sự thổn thức của bạn để đồng cảm, chia sẻ và nâng đỡ bạn trên con đường bạn ước mơ, cám ơn bạn. Mô phật

Câu 4: A Di Đà Phật! bạch thầy khi con tụng kinh, mắt buồn ngủ, con cố gắng tụng, vậy có sao không ạ? con xin tri ân công đức thầy

Mô phật, thứ nhất chúng ta buồn ngủ có nhiều nguyên nhân, sự việc xảy ra, có thể ta làm việc quá nhiều, thiếu ngủ, có thể ta mệt mỏi trong ngày, có thể là chúng ta thiếu nước, có thể môi trường ẩm ướt, nóng nực khó chịu nó làm cho nhiệt độ cơ thể của chúng ta thay đổi bất thường và từ đó đi đến sự buồn ngủ. Những điều đó rất bình thường, ai cũng bị. Các chư Tổ nói hồi xưa nếu buồn ngủ thì đi ngủ, nếu đói thì ăn, nếu khát thì uống, khỏe phải tu. Đó là cách chúng ta phải có sự chừng mực, canh vào giờ nào, đừng có làm mệt 8 tiếng 1 ngày nhào đầu vô tụng kinh tu tập, mệt ngủ ngay à. Mà phải hiểu được sức khỏe của ta, ở một thời khắc tụng kinh, nghe pháp hay tu tập, ít nhất nửa tiếng trước chúng ta có sự chuẩn bị, ăn uống nhẹ, uống nước, tắm một chút cho nó tỉnh người để đi vào sự học. Đừng lao đầu vào học mà không có sự chuẩn bị, tắm nhẹ một chút, nước mát sẽ làm cho chúng ta tỉnh, uống một chút nước cơ thể sẽ vận hành đầy đủ ôxy, bởi trong nước có ôxy, phân tích ra sẽ tăng trưởng ôxy cùng với hơi thở nhẹ nhàng cũng như có sự thư giãn. 30 phút trước khi chúng ta tu nên chuẩn bị như vậy, thì sự đồng tu hoặc tụng kinh đều tốt đẹp. Bây giờ hỏi nếu buồn ngủ tụng kinh có sao không? Đức Phật đâu ngồi đó để như một vị thầy bắt ta trả bài, để vừa trả bài vừa gật gù ngài phạt chúng ta. Chúng ta tụng kinh mục đích là hiểu, tụng tức là lập đi lập lại với âm điệu nhẹ nhàng để ta có thể nghe cho rõ lời ta đọc, thấy cho rõ chữ ta đọc, hiểu cho thấu lời, cái chữ ta đọc. Để làm gì? để ứng dụng vào đời sống. Tụng kinh không phải là trả bài với Phật, với Bồ Tát. Tụng kinh không phải để trả bài với Long thiên hộ pháp mà tụng kinh là thấy rõ cái chữ viết trong kinh, nghe rõ cái chữ ta đọc, và hiểu thấu ý nghĩa đó để ứng dụng. Cho nên nếu bạn yếu, bạn mệt, ngủ gật trong thời tụng kinh, phật không có như những vị giáo sư khó tính cầm cây khỏ lên tay, hoặc đánh lên trên đầu, bởi Phật không trả bài. Tụng kinh không phải trả bài, nói cho gọn hơn tụng kinh để chúng ta hiểu thấu ý nghĩa của lời dạy chư Phật ứng dụng vào đời sống. Lỡ ta có mệt ngủ gục trong thời tụng kinh chẳng tạo ra nghiệp, nhưng như vậy ta uổng thời gian, không sáng suốt, nhìn nhận ý nghĩa ứng dụng vào, chỉ mất thời gian mà thôi, cho nên các bạn hiểu rõ tụng kinh ngủ gật không có tội, không tạo ra nghiệp, chỉ mất thời gian bởi giờ đó ta không tỉnh thức hiểu thấu lời kinh tiếng kệ để ứng dụng vào đời thường. Nên có một sự chuẩn bị để trong thời khóa tụng kinh, tu học ta không bị ngủ gật, để thấu nghĩa được lời kinh, tiếng kệ, để hiểu thấu phương pháp đồng tu mang lại lợi lạc, tốt đẹp hơn. Hy vọng các bạn hiểu thấu được điều này, hãy cho mình nửa tiếng trước khi đọc kinh, đồng tu hoặc nghiên cứu đạo học để chúng ta giúp cho thân của mình không rơi vào trạng thái buồn ngủ, và giả sử như nếu bạn đang tụng kinh mà bạn buồn ngủ, không nhất thiết là cứ tụng nữa cho ngủ gục. Hãy đứng dậy uống một chút nước, đi kinh hành tụng kinh nhẹ nhàng, nếu bạn không thuộc thì cũng cầm cuốn kinh đó đi tụng. Mở cửa sổ ra cho gió lùa vào, hoặc có một chút gió lùa, uống một chút nước, rồi cầm cuốn kinh. Tụng kinh không cần thiết phải ngồi nghiêm trang nghiêm, chỉ cần tâm bạn thành kính trang nghiêm là được. Trong mọi tạo tác, đi, đứng, nằm, ngồi của bạn đều tụng kinh. Bởi tụng kinh là đọc để thấu nghĩa được lời Phật dạy mang vào ứng dụng. Chỉ ngoại trừ trong những thời khóa tu tập tại chùa, bởi Phật tử, đại chúng đông, tụ tập về cần có một thứ tự cho nên ta phải có sự cố gắng có sự chuẩn bị trước để khi ngồi xuống tụng kinh ta không ngủ gục, rồi những người đồng tu cảm thấy mà bị phiền não mà thôi. Hy vọng bạn hiểu ý của Bảo Thành. Cám ơn các bạn, Mô Phật.

Câu 5: Có những người bị mất của, bị lừa gạt, bị mất người thân họ đang rất buồn thì có một số người Phật tử nói là do họ gieo nghiệp ác nên phải chịu như vậy. Mặc dù là nói đúng với giáo lý Nhân Quả, nhưng trong trường hợp người ta đang buồn như vậy thì Người phật tử cũng không nên nói phải không Thầy? Ta nên như thế nào để khuyên người đang bị nạn để họ không nghĩ quẫn ạ?

Mô Phật, ba đời chư Phật, Bồ tát, thánh hiền, khéo ăn, khéo nói, khéo đa phương tiện, để cho những chúng sanh như Bảo Thành và các bạn không dễ nổi sân tạo nghiệp. Nhưng chúng ta chưa là Phật, miệng nó nhanh hơn đầu, nhìn cái là nói, cứ theo hình mà bắt hình dong, theo bóng, theo hình mà đoán mò như người mù. Dựa trên căn cứ nào để chúng ta phán xét như một ông tòa. Dựa trên căn cứ nào để chúng ta phán xét như một thượng đế rằng người đó tạo nghiệp nên cái quả như thế. Chúng ta quá vội vàng, ứng dụng công thức một cách cứng nhắc, mà chưa có trí tuệ nhìn thấu được sự ứng hiện của hiện tượng đó trong giây phút đó. Chúng ta mới nhìn bề mặt sơ sơ của hiện tượng, chưa nhìn sâu vào chiều sâu của tâm thức nhưng cứ vội vàng như một ông giáo, phán xét đúng, sai, nhân quả để từ đó ta tăng cao vọng tưởng, vọng tâm, vọng ngữ, vọng hành động. Mà trong những vọng như vậy, Kinh Lăng Nghiêm dạy cho chúng ta phải lìa xa. Bởi khi vọng tâm tạo ra vọng ngữ, vọng động thì sẽ tạo ra nghiệp cho ta và gây ra nghiệp cho người có sự cộng hưởng khó gỡ. Chẳng ai dám chắc rằng, người đó đang gặp tai họa là bởi vì nghiệp ác, người đó có người thân mất bởi vì nghiệp ác, chẳng ai rõ, chỉ có đức Phật mà thôi, biết đâu, biết đâu các bạn thử hỏi rằng những hiện tượng đó là những hiện tượng mà mẹ Quan thế âm ứng hóa trong nhiều trường hợp để mang một bài học đánh thức lương tâm của người đang trực diện. Cũng như những con người chứng kiến hiện tượng đó, thói quen ở đời rất vội phán xét, hãy từ bỏ cái tâm phán xét. Các bạn đừng bao giờ nói vì nghiệp, mà hãy khéo sử dụng ái ngữ, hướng thượng để dẫn đưa người đó vượt qua. Một người té xuống bùn sình lầy thì hãy cứu họ lên đi, đừng có ở đó mà thuyết một thời kinh Koran: “Tại sao lại rớt xuống đống sình, không biết đống sình lầy rớt xuống là không có thể lên hay không? Đi phải để ý từ nay đi phải cẩn thận, rớt xuống sình rồi khó”. Khi bạn giảng xong một đoạn kinh Koran, người đó chết rồi. Khi bạn phân tích nghiệp quả thì bạn giết chết tâm cảm của người kia, làm lụt ý chí và làm cho họ đau đớn khôn xiết hơn. Các bạn nhớ, thấy người rớt xuống sình, quăng sợi dây, nếu không biết bơi để kéo họ lên, hoặc làm một nhịp cầu dìu dắt. Đừng ở đó mà chì chiết, những lời mà ám thị rằng họ vì nghiệp ác mà tạo, mà xảy ra, đó là những lời chì chiết có tính cách tưởng như thực mà không thực. Bởi ta chỉ nói bằng vọng tâm, ta chưa có con mắt y pháp mà nhìn với thực tướng của pháp đó như bậc giác ngộ. Ta chỉ nói trong sự mần mò của công thức nhân quả ta nghe sơ sơ. Như con sáo nghe được tiếng người, bập bẹ bắt chước theo. Khuyên tất cả những ai đã quá vội vàng ứng dụng cách là “Trung ưu nghịch nhĩ”, Lời ngay đau lòng, đó không phải là cái lời ngay mà là lời của vọng tâm. Hãy quăng dây khi người ta té xuống sình, tay đưa tay đỡ họ khi họ té xuống.

Các bạn, trong cuộc sống, ai ai trong chúng ta rồi sẽ một lần hoặc nhiều lần phải đương đầu với những nghịch cảnh làm cho trái tim đau đớn, cho nước mắt không thể ngừng. Và vì vậy nếu chúng ta có những người bạn đang trong tình cảnh đó, hãy mang tình yêu thương và lòng bao dung diệu dụng phương tiện bằng ái ngữ tạo một nhịp cầu cho người đó vịn vào, để bước lên, để mạnh mẽ hơn.  Đừng vừa đẩy, vừa thuyết, không cần thiết, không cần thiết. Ngay trong giai đoạn đó hãy chữa họ, hãy giúp họ, hãy nâng đỡ họ, một vị Bác sĩ thấy người đụng xe gẫy chân mà không chữa ngay bằng những phương pháp y học, ngồi đó mà thuyết về y học, phải cẩn thận lái xe, lái xe thì phải đúng đường theo những dấu hiệu không được uống say, không như vầy, không như kia, giảng xong đau chân quá ổng chết rồi. Chúng ta không phải lý lẽ nhiều với những người đang đau khổ, chỉ cần có trái tim biết đồng cảm, biết thông cảm mở rộng yêu thương, che chở và dìu dắt.  Đó là chúng ta biết đối đãi bằng cái tâm diệu dụng phương tiện, để mang niềm vui của chính ta đánh thức lại niềm vui của họ, để chuyển hóa đau đớn vô cùng mà họ đang phải trực diện.  Hãy ngừng ngay sự chì chiết, hãy ngừng ngay những sự thuyết pháp về luật nhân quả, ta vẫn là phàm phu, ta vẫn nhìn bằng vọng kiến, vọng tâm, cái nhìn của ta không rõ. Đừng tự đưa mình lên như một ông giáo để phán xét, một ông tòa để phán xét, một ông trời để trừng phạt bằng những lời quá nặng. Những lời nói bằng vọng tâm đó người nói sẽ tự tạo nghiệp cho bản thân, và đồng thời tạo ra cộng nghiệp bởi vì làm cho tâm hồn của người kia u ám, nặng trĩu, đau khổ hơn. Hãy tránh những cách như vậy. Hãy nói những điều sách tấn hơn mà câu tiếng Việt ngày nay chúng ta gặp nhau khi hoạn nạn hay nói “Cố lên, hãy cố lên, tin tưởng vào Phật, Pháp, Tăng, tin tưởng vào ngũ giới, giữ cho thanh tịnh, tin tưởng vào thập thiện, tin tưởng vào chánh niệm của đời sống. Những khó khăn thử thách của bạn rồi sẽ qua đi, bão tố rồi sẽ qua đi”. Cám ơn các bạn, Mô Phật.

Câu 6: Con có nghe Thầy từng giảng là mình phải luôn luôn tác ý như pháp thiện khi tiếp xúc với mọi sự vật hiện tượng. Nhưng trong một bài giảng khác Thầy cũng có giảng cái gọi là nhìn như nhìn, nghe như nghe, thấy như thấy, không để tâm mình vào phán xét rồi tạo ra sự phân biệt. Vậy thì mình phải tác ý thiện hay không tác ý khi tiếp xúc với mọi sự vật hiện tượng? Dạ con xin Thầy chỉ dạy. Con cảm ơn Thầy!

Mô Phật, Có 02 trạng thái bởi vì tâm của con người, tâm như ý mã. Tức là nó chạy như con ngựa, chạy với tốc độ mã lực thật là nhanh không kéo nó kịp. Nên Phật đầu tiên dạy cho chúng ta nhìn như nhìn, nhìn như nhìn đó là một trạng thái giúp cho tâm đừng như con ngựa phóng xa, đừng có phóng tâm. Sau đó tác ý như pháp thiện, bởi ta là người thì phải theo nhân quả, thiện ác. Ta chưa là bậc thánh để đi tới trạng thái không phát tâm. Ta phải nhìn như nhìn rồi tác ý như pháp thiện. Tức là dừng con ngựa lại rồi sau đó quăng dây, cột nó, ghì nó lại để nó không phóng lên phía trước. Cho nên bạn hãy tập nhìn như nhìn và song hành với đó, tác ý như pháp thiện để chuyển hướng đi, hướng phóng đi của con ngựa, mà là cái tâm của ta nó không tán loạn ngược xuôi. Tâm của ta như con ngựa hoang luôn luôn muốn chạy ngược, chạy xuôi. Nhìn như nhìn tức là xác minh thật rõ đề mục trong chánh niệm hơi thở để con ngựa hoang tư tưởng nhận biết rằng ta đang sai hướng. Và rồi đó tác ý như Pháp thiện là quăng sợi dây cột cổ con ngựa hoang của tư tưởng, dìu dắt nó trên con đường ta mong muốn. Mà tác ý như Pháp thiện trong vấn đề thiền chánh niệm từ bi quán đó là tác ý từ bi để nhìn với tầm nhìn như thực pháp, như thực tướng. Cho nên chúng ta nhớ, nhìn như nhìn và phải tác ý Pháp thiện mà Pháp thiện đề mục ta thường quán chiếu đó là từ bi quán chánh niệm hơi thở. Và chúng ta đang thực tập câu số 02 là tăng trưởng tầm nhìn sâu sắc hơn về tất cả các Pháp đều vô thường mà ta không biết từ đó tham chấp, ôm giữ xác thân này, tư tưởng này, cảm xúc này, suy nghĩ này, kiến thức này, nhận thức này, lời nói, hành vi của chúng ta luôn luôn đúng, luôn luôn tồn tại từ đó mà ta đau khổ. Cho nên câu số 02 giúp cho chúng ta có một cái nhìn xuyên suốt sau một năm trời đã tác ý từ bi, chúng ta chánh niệm hơi thở từ bi quán là nhìn và tác ý với tâm từ bi. Nay bắt đầu nhìn sâu hơn để thấy vạn pháp sanh, diệt từng sát na vô thường để chúng ta chuyển hóa, phá vỡ tâm tham chấp trong tham ái, tham dục. Cám ơn bạn đã hỏi, Mô Phật.

Câu 7. Hàng này mình có nên dành một ít thời gian để quán tưởng lại những việc mình đã làm trong ngày để coi là đúng hay sai và điều chỉnh lại hành vi không ạ hay là dành thời gian đó để thực tập chánh niệm trong từng giây phút?

Khi bạn đã thực tập chánh niệm trong từng giây phút rồi, tức là bạn đã nhận thấy những gì bạn đang làm đúng với tâm ý tác thiện rồi, bạn không còn phải đếm trở lại, nhìn trở lại, quán tưởng trở lại. Ngoại trừ bạn không có đời sống chánh niệm thì bạn luôn luôn phải quán tưởng trở lại những hành vi tạo tác trong ngày để kiểm tra cái đúng, cái sai để rồi sám hối. Cho nên phương pháp đời sống chánh niệm, hơi thở chánh niệm từ bi quán để từng giây phút khi bạn đang làm đây bạn nhận rõ đâu là đúng, đâu là sai, đâu là tốt, đâu là xấu, để ta có một sự lựa chọn, lựa chọn tức là tác ý với lòng từ bi, để rồi khi làm xong chuyện đó ta không còn phải hối lỗi nhìn lại nữa, mà nếu bạn chưa có một thói quen sống trong chánh niệm thì bạn nên quán chiếu trở lại trong ngày, để thấy rằng cửa nào mở cho bụi bặm vô phải khóa lại, còn cửa nào gió thông mát mẻ ta mở ra, nếu bạn đã thực tập chánh niệm hơi thở không nhất thiết phải quay lại quán chiếu cả một ngày, cho nên Bảo Thành khuyên các bạn cố gắng thực tập đời sống chánh niệm hơi thở từ bi

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn