Bảo Giác Tường đánh máy
Câu 1: Thưa Thầy cho con hỏi: Gia đình con có người mất, các Anh Chị thì muốn chấp điếu. Nhưng con nghe nói nếu mình chấp điếu như vậy thì người mất bị mắc nợ, khó siêu thoát. Và nếu so sánh tiền và vòng hoa thì cái nào lợi ích thiết thực hơn và làm thế nào để người mất không mắc nợ ạ?
Câu 2: Thưa Thầy khi con biết tánh tham trong con đang trỗi dậy nhưng con khó kiểm soát được thì con nên làm như thế nào?
Câu 3: Dạ thưa Sư Phụ, Dân gian có câu: Thứ nhất là tu tại gia, Thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Ngoài ra còn có quan điểm tu là phải ăn chay, tụng kinh gõ mõ, xa rời thế tục xô bồ, ẩn tu nơi thâm sơn. Hay như quan điểm chỉ cần tu tại gia, hiếu kính cha mẹ, ăn ở hiền lành, không cần vào chùa tu hành. Có rất nhiều quan điểm về sự Tu, tu là phải thế này, phải thế kia, không được như thế nọ, nhiều khi chúng con thấy bị rối và hoang mang không biết tu sao cho đúng. Xin Thầy khai thị cho chúng con biết vậy thực chất Tu là gì ạ, và cái gốc, cái cốt tủy của sự Tu Hành là gì thưa Thầy?
Câu 4: Thưa Thầy! Con đọc trong Kinh Địa Tạng có nói là Đức Phật lên cung trời Đâu Lợi thuyết pháp cho Mẹ. Vậy Ngài đi bằng thân gì ạ?
Câu 5: Thưa Thầy cho con hỏi: những ngày lễ lớn như rằm tháng tư, tháng 7, tháng 10, gia đình con thường mướn ghe lớn đi phóng sanh. Như vậy phóng sanh như thế nào mới đúng ý nghĩa ạ?
Câu 6: Bảo Chân: Con kính chào Thầy và cả nhà đồng tu! Con có thắc mắc xin Thầy khai thị ạ. Nếu mình không nhận được sự tôn trọng của một ai đó mà không biết lý do tại sao thì con nên nhìn nhận và làm thế nào cho đúng ạ, làm sao con biết được do cái tôi họ quá cao hoặc do bản thân con khiến họ như vậy. Con nên sửa đổi mình tốt để có được sự tôn trọng của họ hay là nếu nhận ra do cái tôi của họ thì con không nên đặt nặng vấn đề đó nữa ạ? Mô Phật.
Câu 7: Người vợ đã cùng chồng vượt qua bao nhiêu khó khăn nhưng sau đó người chồng có người mới. Vậy có phải là hết duyên như người ta thường nói hay chỉ là một cái cớ cho sự không chung thủy và tạo nghiệp không ạ? Là người Vợ thì khi đó phải quán chiếu như thế nào để không đau lòng và thù hận ạ? Con cảm ơn Thầy khai thị!
Câu 8: Thưa có người nói: Ai thích đi chơi thì đi chơi, tưởng như vậy là vô tội nhưng khi hết phước báu thì nằm một chỗ hay bệnh tật. Như vậy đúng không ạ?
Con nghĩ đi chơi mà không làm hại đến ai cũng là một cách thư giãn để lấy lại năng lượng sau những ngày mệt mỏi thì sao ạ?! Con xin Thầy khai thị!
Câu 9: Trong gia đình, vợ chồng con cái đến với nhau là do nhân duyên. Nhưng nếu con gặp duyên không tốt gây bao cản trở phiền não bất hoà, làm sao để chúng con vững tâm an trú được trong cuộc sống ạ?
Mô phật 🙏
Câu 10: Dạ thưa thầy 🙏, khi con quán chiếu biết con sai mà con chưa sửa được đó có phải con đang cao ngạo với cái tôi ngu si của mình không vì biết sai mà không sửa ạ?
Mô phật 🙏
Câu 11: Con xin thầy khai thị cho con biết có phải tất cả các bệnh đều do nghiệp không ạ? Nếu là do nghiệp thì mình chỉ cần phóng sanh, làm thiện thì sẽ chuyển hoá được bệnh đúng không ạ?
Câu 12: Thưa Thầy cho con hỏi cách hồi hướng công đức để người thân thêm tuổi thọ ạ? Con cảm ơn Thầy.
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.
Giờ Tham Vấn Phật Pháp thứ 21 vào ngày thứ 7 cuối tháng bắt đầu, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con, và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy thắp đuốc tuệ trong sự miên mật tu tập chánh niệm hơi thở để thể nhập vào tâm tỉnh giác, quán chiếu thấy rõ các pháp là vô thường sanh diệt, là khổ, là vô ngã. Chúng con cũng đồng nguyện siêu cho tất cả các chư vị hương linh theo thiện nghiệp nương bóng từ ân Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật tái sanh cảnh lành. Nguyện an cho tất cả quý Phật tử tinh tấn tu học, tăng trưởng phước báu, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt và đồng nguyện cho thế giới được hoà bình, chúng sanh an lạc, chấm dứt chiến tranh. Xin Chư Phật chứng minh.
Chúng ta hãy cùng nhau niệm Thất Bảo và rồi Tham Vấn Phật Pháp!
Mu A Mu Sa
Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang
Ma Sa Ốp Uê
Sa Bi Mô U
Sa U Sa U Ba Thê Um
Nam Mô Sa Ka Puốt Tê Nam Mô Sa Ka Puốt Tê
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha
Các bạn thân mến! Vào mỗi một cuối tháng, thứ 7 cuối tháng, các bạn, chúng ta có một buổi Tham Vấn Phật Pháp. Nay là buổi thứ 21 rồi, có nghĩa là 21 tháng, gần hai năm rồi quý vị à! Trong Tham Vấn Phật Pháp, Bảo Thành rất hạnh phúc được tiếp chuyện với các bạn gián tiếp hoặc trực tiếp qua mạng để có thể cùng tham khảo với các bạn về những câu hỏi thường nhật xảy ra, không cao siêu nha các bạn, không giáo điều giáo lý, không văn bản, không văn thư, không giáo án; bởi những điều đó đã được các bậc trưởng thượng, các bậc tôn đức cao quý trong những cái ngôi vị của giáo hội Phật giáo trên toàn cầu nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng đã truyền dạy. Còn chúng ta chỉ chia sẻ để làm sao thấy trong cuộc đời này, người Phật tử tại gia vẫn nhìn thấy một con đường mà Đức Phật luôn tới với chúng ta và thấy thật rõ nơi Đức Phật dạy, nơi Đức Phật giáo dưỡng, giáo lý của Phật thật gần gũi trong đời thường của người Phật tử tại gia. Đó là ngày đặc biệt mà Bảo Thành luôn luôn trông chờ mỗi tháng để gặp các bạn. Hôm nay tới ngày rồi, sự hẹn hò đã tới trong tham vấn. Và giờ đây, mời các bạn trao cho Bảo Thành những câu hỏi để Bảo Thành cùng chia sẻ với các bạn. Mô Phật!
Phật tử Bảo Nghy: Mô Phật! Bảo Nghy kính đảnh lễ Sư Phụ, Quý Thầy, Quý Sư Cô, kính chào toàn thể anh chị em đồng tu. Thưa thầy, trước khi con gửi đến thầy câu hỏi đầu tiên, con xin có vài lời gửi đến các anh chị em đồng tu là các bạn cứ gửi câu hỏi về, nếu như ngày hôm nay chúng ta chưa có duyên được câu trả lời của Thầy thì những câu hỏi này sẽ tiếp tục cho những buổi tham vấn kế tiếp. Cho nên các bạn cứ gửi câu hỏi về, Bảo Nghy sẽ ghi lại và dành nó cho những buổi tham vấn kế tiếp. Dạ Mô Phật!
Câu 1: Thưa thầy, con xin gửi đến Thầy câu đầu tiên. Thưa Thầy cho con hỏi: Gia đình con có người mất, các anh chị thì muốn chấp điếu. Nhưng con nghe nói nếu mình chấp điếu như vậy thì người mất bị mắc nợ, khó siêu thoát. Và nếu so sánh tiền và vòng hoa thì cái nào lợi ích thiết thực hơn và làm thế nào để người mất không mắc nợ ạ? Dạ Mô Phật!
Trả lời: Nói đến chữ nợ không hẳn là chết mới mắc nợ, mà còn sống, ta tạo ra quá nhiều nợ và ta nợ quá nhiều: nợ với ông bà cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân, nhân loại, xã hội, cộng đồng và nợ với cả trái đất này nữa. Chúng ta còn nợ nhau những điều ta đã làm sai, ta không có lo khi còn sống, không lo lắng khi còn sống mà người mất rồi lo ngược lo xuôi, lo mắc nợ. Cái nợ mà còn sống, các bạn, cái mà chúng ta nợ còn sống có thể giải quyết được bởi có thể gặp nhau để trả nợ – ta không chịu làm, ta không dám trả, ta không dám tới để nói chuyện, nhưng khi mất thì cứ đồn chắp điếu là mắc nợ, nhận vòng hoa là mắc nợ! Đủ thứ hết! Làm cho tang gia hiếu quyến trong sự bối rối mất đi người yêu thương rồi, lại càng bối rối hơn bởi cái chuyện tâm linh, chuyện tôn giáo! Người hướng dẫn về tôn giáo ví dụ như trong đạo thiên chúa thì các vị linh mục người ta hướng dẫn, hoặc trong đạo Phật chúng ta, quý thầy, quý cô hướng dẫn, ta nghe; nhưng mà Phật tử hoặc các người khác vẫn thích nói vào nói ra. Chính vì cái lời mà người ta nói vào nói ra đó làm cho ta hoang mang, đã buồn, đã rối đầu rồi còn hoang mang!
Một lời chân thành khuyên cho những ai nói những cái lời mà mình không nhận được rõ ràng, chính xác, tạo nghiệp hay không tạo nghiệp, mắc nợ hay không mắc nợ mà cứ nói ra, hãy cẩn thận! Bởi trong khẩu nghiệp có bốn điều: đừng nói thêu dệt, đừng nói thêm nói bớt, đừng nói những điều không đúng (là nói dối đó), đừng nói những điều thô ác, làm cho người ta hoảng sợ, tạo ra nghiệp. Cho nên, ta không biết, ta đừng nói. Đối với Bảo Thành, chúng ta không đòi hỏi họ mang vòng hoa tới, chẳng bắt buộc họ phải chấp điếu để trả nợ, để hồi nợ, để hoàn nợ.
Các bạn thân mến! Trong lúc tang gia, phải chia tay với người yêu thương, mọi nghĩa cử thanh cao của người quen biết như trong dòng tộc, sui gia, bà con cô bác người thân, các hội chúng ta tham gia hoặc bạn bè tặng một vòng hoa, đó là nghĩa cử của họ, chẳng có ép buộc chi, nên chẳng bao giờ nợ! Tất cả những ai tặng hoa cho những người đã mất là gửi một thông điệp yêu thương của tình người, nuối tiếc cho người thương yêu của bạn, của người thân đã ra đi. Họ làm bằng cái lòng rất thành kính, rất đầy đủ với tinh thần vị tha yêu thương. Chẳng mắc nợ! Nợ là bởi vì ta cứ nghĩ lung tung, tự ràng buộc mình. Thứ hai, phải chấp điếu, họ có tình nguyện! Đây về mặt tài chánh là một sự giúp đỡ cho thân nhân, cho những người mà trong gia đình có những vị mất đi hoặc là để ủng hộ, gọi là bố thí, cúng dường, hiến tặng…tùy theo ý nghĩa của từng người…Khi chấp điếu, không bao giờ nghĩ rằng người nhận phải mắc nợ, họ làm với cái tâm thành và họ chấp điếu với cái tâm rộng mở cũng y như tặng bông tặng hoa. Hai vấn đề này chẳng mắc nợ! Họ đâu có đòi nợ, họ đâu đến để trả nợ, để hoàn nợ, họ đâu đến để cho chúng ta nợ mà rồi phải trả. Họ đến bằng cái tâm!
Nhận vòng hoa, nhận tiền chấp điếu, đó là nhận tấm lòng thanh cao, nghĩa cử của những người thương mến ta. Nếu ta nhận bằng cái tâm hoan hỷ, hạnh phúc, rộng mở, không dính kẹt, bằng chánh kiến, rồi dùng trí tuệ quán chiếu, tri ân để mang lời Phật vào thực tập, hồi hướng cho những ai đã mang vòng hoa hoặc chấp điếu cho người thân chúng ta là tuyệt vời lắm. Rồi lại dùng trí tuệ đối với bông, với hoa thì chuyện đó không có gì phải lấy cái giá trị của đồng tiền để so sánh lớn hay nhỏ, phù hợp hay có lý hay không. Hãy nhớ rằng chúng ta vẫn mang hoa dâng cho Phật, ta vẫn mang hoa tặng cho người sống! Ví dụ ngày Mother’ Day hoặc những ngày thương yêu nhau ta vẫn tặng một người ta tôn kính ra đi, người khác tặng bông là tình nghĩa, không đòi nợ, không mắc nợ. Bảo Thành nghĩ rằng không bao giờ mắc nợ những người mang bông đi tặng dù cái vòng hoa đó có mắc tiền đến cỡ nào đi nữa, họ đều mang tới với cái tâm thành kính yêu thương, chẳng mắc nợ! Nói đến nợ là chúng ta cứ lý lẽ hoài, lý luận hoài không hay, chẳng nên nghe theo. Hãy để tự do cho người tới, cho người quen, người yêu thương, người có họ hàng bà con, người có liên đới với chúng ta được sự thoải mái với cái lòng rất thành mang bông đến tặng cho người đã mất.
Đối với tiền phúng điếu, ta có quyền nhận và không nhận, nhưng nếu nhận, chẳng có gì phải mắc nợ. Nếu thật sự gia đình của chúng ta cần sự giúp đỡ về tịnh tài lo cho người thân, sự phúng điếu là một cơ hội để tri ân và đón nhận sự giúp đỡ đó, san sẻ một chút cho chúng ta. Nếu nhận chấp điếu mà gia đình chúng ta hoàn toàn không có kẹt tiền, có đầy đủ hết thì đây là một cơ hội tuyệt vời bởi sự chấp điếu đó qua tịnh tài, tang gia hiếu quyến có cơ hội mang số tiền đó, số tịnh tài đó đi cúng dường trai tăng, bố thí, phóng sanh, từ thiện. Từ thiện các nơi trại mồ côi, phong cùi, các trại người lớn tuổi, người già neo đơn, bệnh hoạn, mảnh đời bất hạnh. Phóng sanh rất hay! Tạo được chút phước mang hồi hướng cho người thân đã mất và hồi hướng ngay cho cả những ai đã phúng điếu chúng ta, bởi họ đã gửi gắm để ta làm được việc thiện cho người thân và cũng hồi hướng cho họ. Chẳng nợ đâu! Nếu nói đến nợ thì ta đã nợ những mối nợ truyền kiếp rồi! Nếu nói đến nợ cần phải trả, thì hãy trả khi mắc nợ với nhau khi ta còn sống. Còn đã mất, chẳng phải là nợ của người mất đối với người sống phúng điếu và tặng vòng hoa mà là một niệm tri ân, tưởng nhớ bằng tâm rất thành. Người nhận sử dụng cho đúng tạo được thật là nhiều phước. Đừng e ngại, đừng ngăn ngại bằng những lời nói vào nói ra.
Bảo Thành có một lần đi đám của một Phật tử cũng ở bên tiểu bang Minnesota. Thân lắm! Trong gia đình có đến ba anh em trai và một chị gái. Lúc người mẹ nằm xuống thì một số anh em không chấp nhận phúng điếu, một số anh em nói không sao. Họ đã mời Bảo Thành đứng ở giữa để giải quyết. Thường thường chuyện này nó hay như vậy, bởi có người tin rằng nhận thì mắc nợ, không nhận! Có người tin rằng nhận không sao. Lấn cấn chỗ đó! Bảo Thành nói với họ tuỳ tâm, bởi trong lúc đó giải thích nhiều cũng mệt, cho nên Bảo Thành nói: “thôi, bây giờ mình đưa phiếu ra, nhà có bốn người, cứ ba phiếu thắng, hai phiếu đều. Bây giờ thắng thì mình nhận tiền, phe nào thắng thì nhận tiền phúng điếu, không thì thôi”. Và cuối cùng các anh em chấp nhận và theo ý của thầy, họ đã đi làm từ thiện hồi hướng cho mẹ và hồi hướng phước báu cho những ai cúng dường tịnh tài chấp điếu cho mẹ họ.
Các bạn! Bảo Thành muốn nói rằng nhận vòng hoa và nhận tiền phúng điếu không có mắc nợ. Chỉ cần bạn sử dụng như thế nào cho đúng để tri ân tấm lòng bằng cách tạo được phước qua sự bố thí, cúng dường, từ thiện, phóng sanh, sám hối hồi hướng công đức cho người thân đã mất và hồi hướng công đức phước báu cho những ai đã hiến tặng cho chúng ta. Mô Phật!
Câu 2: Thưa Thầy khi con biết tánh tham trong con đang trỗi dậy nhưng con khó kiểm soát được thì con nên làm như thế nào ạ? Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Bất cứ một chuyện gì ở trên đời cũng thật xa lạ, cái giây phút đầu tiên ngỡ ngàng gặp được người yêu, gặp người thân, gặp những cảm xúc, nhất là khi nhận ra mình có tâm tham, ngỡ ngàng, mình không làm chủ được. Cho nên trong đạo Phật, Phật dạy cho chúng ta phải thực tập, phải học làm quen với những cảm xúc tham sân si bởi những tánh tham sân si dâng trào qua đời sống con người sẽ làm mất thăng bằng của cuộc đời, tạo nghiệp, tổn phước. Chúng ta phải làm quen bằng cách thiền để chánh niệm. Có nghĩa khi bạn cảm nhận được lòng bạn tham, bước đầu tiên là đừng tiêu diệt, đoạn diệt cái tham đó, bởi ta suốt đời sẽ không tiêu diệt được chúng. Ta sinh ra với cái gen di truyền của ác nghiệp nhiều đời do cái tâm tham vẫn còn, không diệt được, nhưng ta có thể làm bạn và chuyển hoá chúng, đón nhận chúng, tiếp cận chúng. Chánh niệm hơi thở, giữ được sự chánh niệm hít vào thở ra nhịp nhàng, nhận ra được tâm tham đang khởi dậy, ta mang tâm từ bi để đối xử với tâm tham. Ta mang trí tuệ để quán chiếu, ta sẽ tỉnh ngay, và tâm tham ta sẽ lùi một bước, ta sẽ nhường một bước, từ từ ta sẽ làm chủ được tâm tham, vẫn còn nhưng làm chủ!
Từ bi là gì? Là khi tâm tham tới, ta hít thở nhẹ nhàng quán chiếu tâm từ. Nhớ rằng cuộc đời này sống bằng tình yêu thương, đối xử bình đẳng. Phật dạy chớ lấy của người, tâm tham thường thường là vơ vét, lấy thêm từ bên ngoài, lấy tiền, lấy bạc, lấy tình, lấy danh vọng địa vị, lấy của cải, đủ thứ. Tham là vơ vào! Mọi con người đều bình đẳng, tâm từ bi thì ta cho đi, chớ tham. Nhắc nhở điều đó, thấy rằng ta vẫn còn bản lĩnh, vẫn còn tố chất hiến tặng nên cái điều tham đó ta có cơ hội nhìn rõ chúng, dùng cái trí tuệ để nhìn thấy, quán chiếu vạn pháp vô thường. Tham này nó tới rồi nó cũng đi, chẳng tồn tại và tham này không phải là của ta, không là ta, không thuộc ta, nó tới như áng mây đen rồi nó đi như là câu “sau cơn mưa trời lại sáng”. Sau cái tham, nhìn cho kỹ, nó sanh, nó diệt, nó tới, nó đi, ta lại tỉnh, ta lại vui, ta lại hết tham!
Không phải đan nhiên Đức Phật dạy cho chúng ta chánh niệm hơi thở. Các bạn nhiều khi coi thường, chúng ta cứ nghĩ “trời ơi sinh ra không biết thở sao, ai mà không biết thở, không thở chết rồi còn cái gì mà chánh niệm, còn hít vào thở ra, ai không hít vào, ai không thở ra”. Chuyện đó đúng, nhưng đưa cái tâm nhiếp vào trong hơi thở vào ra để tác ý tâm từ bi, tác ý thể nhập vào trí tuệ để ta luôn luôn tỉnh giác, nhìn rõ mọi cảm xúc của mình và nhận biết mọi cảm xúc, mọi cái tâm dù là tham sân si cũng nằm trong cái quy luật vô thường tới lui, đừng thò tay tác động phối hợp để tăng trưởng cho mình mà nhìn chúng bằng tâm từ bi, bằng trí tuệ và sự tỉnh giác để những cái tâm tham, sân, si đó dần dần lùi bước và ra đi nhẹ nhàng. Khi quen cách tập đó rồi, tham vừa khởi lên, ta nhìn thì chúng nhỏ dần, nhỏ dần và mất đi.
Lúc đầu hơi khó, tâm tham lên, ta nhìn nó rồi, ta điểm mạch nó, ta nói “thôi, phải từ bi, bình đẳng, không phải của ta, không này kia đó”, nhưng mà nó thốc “ui cha cái này ngon lắm, cái này tốt lắm, cái này được đó, nhiều tiền được, nhiều nhà nhiều cửa được, đủ thứ…”. Ta sẽ phải chiến đấu với chúng bằng sự chánh niệm, nhìn rõ và nhận ra và bằng sự công phu tu tập chánh niệm quán chiếu với tâm từ, với trí tuệ, với tâm bi và tỉnh giác, nhất định ta sẽ thuần phục được tâm tham của chúng ta. Bạn cần công phu, Bảo Thành hồi hướng cho bạn và đồng công phu với bạn để chúng ta cùng thăng tiến trên vấn đề chuyển hóa tâm tham của mình. Mô Phật!
Câu 3: Dạ thưa Sư Phụ, dân gian có câu: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Ngoài ra còn có quan điểm tu là phải ăn chay, tụng kinh gõ mõ, xa rời thế tục xô bồ, ẩn tu nơi thâm sơn. Hay như quan điểm chỉ cần tu tại gia, hiếu kính cha mẹ, ăn ở hiền lành, không cần vào chùa tu hành. Có rất nhiều quan điểm về sự tu, tu là phải thế này, phải thế kia, không được như thế nọ, nhiều khi chúng con thấy bị rối và hoang mang không biết tu sao cho đúng. Xin Thầy khai thị cho chúng con biết vậy thực chất tu là gì ạ, và cái gốc, cái cốt tủy của sự tu hành là gì thưa Thầy? Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Đức Phật đã nhìn thấy chúng sanh có căn cơ khác biệt, do vậy mà Đức Phật không đưa ra một đề án, một cách tu, một pháp tu số 1 và chỉ một pháp tu mà thôi để bắt tất cả mọi người phải theo, bởi chúng sanh duyên nghiệp khác, tư tưởng khác nhau. Những gì bạn vừa nói chỉ là phương tiện phù hợp với sở thích hay nói đúng hơn là phù hợp với căn cơ của người ấy. Tại gia, chốn thâm sơn cùng cốc, tu ăn chay, tu chẳng cần ăn chay, tu ở trong miếu trong thất, tu bằng tụng kinh gõ mõ trì chú, quán chiếu…đều là phương tiện. Nếu ai đó phù hợp với phương tiện nào, hãy bắt đầu bằng phương tiện đó, rồi ta sẽ tiến bộ, thăng tiến và dần dần hoà nhập vào với các phương tiện khác. Cho nên, bạn tu sao cũng được, miễn là nó phù hợp và làm cho bạn tăng trưởng được niềm vui an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống, và chuyển hoá được đau khổ, phiền não của các bạn. Phương pháp nào bạn tu mà thấy phiền não bớt đi, đau khổ bớt đi, hạnh phúc thêm một chút, an lạc thêm một chút, và thấy đời vui… được rồi, cứ tập, từng bước từng bước, còn thiên hạ nói sao cũng được.
Thường thì ta tập cái gì, tu cái gì đúng rồi, ta cứ xiển dương nhất nhất, đệ nhất võ lâm, cao ở trên trời rồi đè bẹp các pháp môn khác. Nhớ, tất cả chỉ là phương tiện, tu tại gia, tại chợ hay tại chùa đều là cách nói thôi! Cách nói thôi các bạn ơi! Tu ở đâu cũng được, ở đâu cũng có thử thách, ở nhà cũng có ma vương, ở chợ cũng có quỷ vương và ở trong chùa có cả quỷ vương và ma vương, chỗ nào cũng có. Cho nên ở đâu cũng có thử thách, cũng phải đương đầu với nhiều chuyện không như điều ta suy tưởng.
Định nghĩa tu là gì? Tu là nhìn rõ những ác nghiệp ta tạo ra từ thân, ngữ, ý – sửa! Tu là sửa những suy nghĩ, lời nói, hành vi thuộc về ác pháp, tổn phước hại công đức của chúng ta gây ra phiền não, đau khổ, tai hoạ và sửa chúng thành thiện pháp, suy nghĩ tốt, lời nói tốt, hành động tốt, nói cho ngay, nghĩ cho thẳng, đi cho ngay cho thẳng, đó là như vậy! Cho nên tu là sửa những ác pháp ta đã tạo ra nhiều đời. Rồi! Bạn mượn môi trường nào bạn tu cũng được. Ở trong chùa bạn cũng phải tu, từ bỏ ác pháp, làm thiện pháp như lời Phật dạy. Hãy làm việc thiện bỏ việc ác, tu là như vậy! Tu là làm thiện bỏ ác để tâm được thanh tịnh. Ở nhà bạn cũng phải vậy, ở chợ cũng vậy, ở trong rừng sâu bạn cũng vậy mà ở trong môi trường xã hội bạn cũng vậy, trong công trường, trong thương trường, trong chiến trường…bất cứ chỗ nào, ở ngoài đường, ở đâu cũng phải tu là sửa những ác pháp, làm việc thiện, bỏ việc ác. Dù tụng kinh cũng phải bỏ việc ác làm việc thiện, trì chú cũng phải bỏ ác hành thiện, gõ mõ cũng vậy, không đọc kinh – ngồi quán chiếu cũng như vậy! Đó là cái nền tảng gọi là tu! Tu là nhận rõ ác pháp – sửa! Còn vấn đề văn chương, pháp ngữ cao siêu diễn bày – đó là tâm của những vị hoạ sĩ quá siêu xuất pha màu sắc của ngũ ấm diễn giải thôi, cái gốc vẫn phải trở về hành thiện bỏ ác, tâm ý thanh tịnh, từ đó rời xa cõi sanh tử luân hồi này. Mô Phật!
Câu 4: Thưa Thầy! Con đọc trong Kinh Địa Tạng có nói là Đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho Mẹ. Vậy Ngài đi bằng thân gì ạ?
Trả lời: Mô Phật! Các bạn! Ở trên cung trời Đao Lợi có Mẹ của Đức Phật ngồi nghe thuyết pháp. Các bạn có biết cung trời Đao Lợi không? Lên trời đó các bạn! Các bạn đang ở trên trời nè, Bảo Thành đang ở trên trời nè! Các bạn ơi! Các bạn thấy Bảo Thành không? Bảo Thành đang ngồi trên chánh điện chùa Xá Lợi ở tiểu bang Maryland Mỹ Quốc, nhưng mà lên trời không phải cung trời Đạo Lợi, cung trời này có tên là trời Youtube, là cung trời Facebook, là cung trời Zalo, là cung trời Livestream! Đó các bạn thấy Bảo Thành đó, chia sẻ pháp thoại với các bạn, các bạn thấy không? Rồi Bảo Thành lại có thể lên cung trời để gặp các bạn ở Việt Nam, ở nước Mỹ và trên toàn thế giới. Không những vậy mà còn lưu giữ ở trên cung trời Youtube, Facebook, Livestream để chúng ta có thể coi đi coi lại. Đi làm sao? Bằng năng lượng, bằng từ trường! Không phải thân của Đức Phật ngồi đó như Tề Thiên đằng vân cái thế nhảy bụp một cái bay đi trên mây, bấm bụp một cái rồi biến mất không còn. Không phải! Ngài ngồi tại chỗ, Ngài có chánh định, từ trong cái chánh định đó có cái năng lượng từ trường mà thời xưa nói rất khó hiểu. Ngày nay khoa học đã vận dụng được cái luồng từ trường năng lượng để đưa thông tin, hình ảnh, âm thanh tới những miền xa đã giúp cho Bảo Thành ngày nay lên tới cung trời của youtube, của livestream, của facebook đó các bạn, và các bạn gặp được Bảo Thành nè. Khi Đức Phật dùng chánh định, năng lượng của đại định nơi bậc giác ngộ thể nhập vào đó, mang thông tin và lời chia sẻ Phật pháp tới những cảnh giới khác. Các bạn quán chiếu các bạn sẽ thấy hợp lý. Cho nên trả lời đơn giản là Đức Phật đã dùng đại định trong thiền định đó các bạn, năng lượng vi diệu đó để có thể ứng hoá pháp thân của Ngài tới mọi nơi để mang pháp giác ngộ tới. Mô Phật!
Câu 5: Thưa Thầy cho con hỏi: những ngày lễ lớn như rằm tháng tư, tháng 7, tháng 10, gia đình con thường mướn ghe lớn đi phóng sanh. Như vậy phóng sanh như thế nào mới đúng ý nghĩa ạ? Mô Phật!
Trả lời: Chỉ là phương tiện thôi! Ngày xưa chúng ta không có đồng hồ, không có ngày tháng, thường dùng những ngày rằm lớn để nhắc nhở, cũng như ăn chay vào ngày rằm hoặc mùng 1 vậy đó mà! Ấn định khung thời gian để cho mọi người nhớ mà đi làm việc thiện, đi cúng dường, đi chùa tụng kinh, đi phóng sanh. Phóng sanh dưới bất cứ một hình thức nào mang ý nghĩa là giải cứu những chúng sanh đang đi vào cửa tử bị hành hạ tới với chỗ chết và chúng sanh dù nhỏ dù lớn không không biệt. Thấy được điều đó, ta mang tâm từ bi giải cứu chúng sanh đó và đưa chúng sanh đó trở về môi trường phù hợp để chúng có thể sống trọn vẹn với thọ mạng. Đó rồi chúng ta theo phong tục thì quy y, còn không nữa chẳng nhất thiết, chỉ cần nói rằng “Hãy trở về với đời sống của mình và nguyện cho bạn hoặc nguyện cho chúng sanh trường thọ, có đầy đủ phước báu gặp Phật Pháp Tăng” là đủ thôi, phóng sanh như vậy là được rồi, được lắm rồi các bạn! Đối với Bảo Thành, khi chúng ta phóng sanh, ta phải tuỳ hỷ, ấn định là để nhớ, sau này quen rồi thì tuỳ hỷ – nó vẫn là chuyện tốt đẹp hơn.
Còn bây giờ chúng ta ấn định ngày nào phóng sanh, phóng sanh thứ gì, không sao! Cứ theo đi, dần dần khi tâm rộng lớn hơn, ta tuỳ hỷ mà phóng sanh. Gặp thì giải cứu, thấy chúng sanh dưới nước thì mang xuống nước thả, đừng chúng sanh dưới nước mà mang vô chảo thả là nguy hiểm nha các bạn! Hoặc chúng sanh trên núi, ta lại mang xuống nước thả là chết! Cho nên phải nghiên cứu các chúng sanh ta cứu và thả về môi trường nào cho phù hợp để chúng có thể sống được. Cho nên đối với Bảo Thành, phóng sanh đúng mức là trên con đường ta đi hoặc trong công ăn việc làm hằng ngày khi chúng ta đi gặp những chúng sanh nào sắp sửa bị chết thì chúng ta có thể cứu chúng và thả chúng về môi trường phù hợp, nguyện xin Tam Bảo gia trì và cho chúng sanh này gặp Phật Pháp Tăng, đời sau có thọ mạng dài lâu, thoát khỏi đau khổ phiền não, và có được sự bình an hạnh phúc là được rồi. Nói lại một lần nữa, những sự ấn định vào ngày này ngày kia theo tôn giáo, theo tập tục, theo truyền thống đều tốt đẹp hết, đó là sự khởi đầu! Sau này bạn đi tới giải thoát mình khỏi những khuôn mẫu ràng buộc đó mà đi theo sự tuỳ hỷ để giải cứu những chúng sanh khi lâm nạn sắp chết thì nó hay hơn. Cám ơn các bạn. Mô Phật!
Câu 6: Con kính chào Thầy và cả nhà đồng tu! Con có thắc mắc xin Thầy khai thị ạ. Nếu mình không nhận được sự tôn trọng của một ai đó mà không biết lý do tại sao thì con nên nhìn nhận và làm thế nào cho đúng ạ, làm sao con biết được do cái tôi họ quá cao hoặc do bản thân con khiến họ như vậy. Con nên sửa đổi mình tốt để có được sự tôn trọng của họ hay là nếu nhận ra do cái tôi của họ thì con không nên đặt nặng vấn đề đó nữa ạ? Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Dù cái tôi của họ to như ông trời thì đó là của họ, không mắc mớ gì đến chúng ta. Dù họ không tôn trọng mình, đó là chuyện của họ, không mắc mớ, họ tạo nghiệp! Câu hỏi là bạn có tôn trọng bản thân của mình không? Nếu chúng ta tôn trọng thì chúng ta phải làm chủ được cảm xúc, giữ được sự bình tĩnh để tâm hoan hỷ, từ bi và cái đối xử bình đẳng với mọi người được thực hiện nơi đời sống. Đừng vì họ không tôn trọng mà ta mất đi sự tôn trọng, các bạn! Hãy thực tập sự tôn trọng bản thân của mình qua ý nghĩa của bình đẳng và bằng tình thương. Vậy thôi! Còn họ đối xử với mình như thế nào, không cần phải đào sâu.
Có một câu chuyện kể, Đức Phật ngồi cùng với chúng đệ tử nói pháp như vậy, thì có ông tới ổng chửi, chửi Phật dữ lắm, chắc có thể tự cao tự mãn, hung dữ hoặc giận vợ giận con hay lộn xộn, tới chửi Phật, mắng xả xối vậy, thì lúc đó ông kia không tôn trọng Phật rồi, nhưng Đức Phật đã im lặng. Bởi vì sự mất tôn trọng của người ta không cần biết, chẳng cần đào bới vì lý do gì, đừng để cho người không có tâm tôn trọng kẻ khác làm cho ta mất sự tôn trọng với chính bản thân. Có nghĩa là khi tâm sân của ta trỗi dậy là ta đã mất lòng tự trọng, mất đi sự tôn trọng với chính mình. Khi một ai đó mất sự tôn trọng của mình, nhớ rằng chánh niệm hơi thở gắn kết với tâm từ bi yêu thương trí tuệ, nói với mình phải tỉnh thôi, tỉnh thôi, đừng để họ sân giận, đừng để sự mất tôn trọng của họ làm cho ta sân, ta mất đi sự tôn trọng với chính mình, trở về với chánh niệm hơi thở và phát nguyện xin Chư Phật gia trì cho con và cho tất cả mọi người biết tôn trọng nhau trong sự bình đẳng, trong sự yêu thương. Cứ thực tập như vậy thì ra ngoài đời, dù người ta có chửi hoặc mất sự tôn trọng với bạn như thế nào, bạn cũng có cái tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố. Có nghĩa không làm cho bạn gặp trở ngại, và họ không làm cho bạn phải điên đầu, nhức óc, họ không làm cho bạn phải hoảng loạn tinh thần, cần thực tập chánh niệm hơi thở quán chiếu từ bi và bình đẳng. Mô Phật!
Câu 7: Người vợ đã cùng chồng vượt qua bao nhiêu khó khăn nhưng sau đó người chồng có người mới. Vậy có phải là hết duyên như người ta thường nói hay chỉ là một cái cớ cho sự không chung thủy và tạo nghiệp không ạ? Là người vợ thì khi đó phải quán chiếu như thế nào để không đau lòng và thù hận ạ? Con cảm ơn Thầy khai thị! Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Rất là khó nói về cái chuyện tình cảm, nhưng nó không nằm ngoài trong lời Đức Phật dạy. Chúng ta có tật cố là cứ vịn vào duyên nợ. Một người đàn ông có vợ rồi, cặp kè người đàn bà khác, rồi về nói với vợ “trời ơi, em ơi, anh thương em dữ lắm, nhưng mà anh tìm thấy anh mắc nợ cô kia, giờ duyên nợ vậy biết sao”, tìm đủ mọi chiêu thức chấp nhận, cho mình gọi là mắc nợ ân tình với người thứ 2, với người thứ 3, nhiều lắm… đàn ông mà! Và đàn bà phụ nữ cũng như vậy! Là con người, thú tính là một chuyện hấp dẫn muôn thuở và nhà Phật gọi ái dục là vô minh, là phiền não, là đau khổ. Chúng ta cứ viện cớ duyên nợ để làm bậy. Tất cả mọi duyên nợ trong cuộc đời, bởi mê nên để cái lực của duyên nợ tròng cổ kéo đi. Nếu như vậy ta chỉ là súc sanh mà thôi!
Con người khác là bởi phương tiện nơi trần thế này, con người có bản lĩnh hơn, đó là trí tuệ, suy nghĩ, sự suy xét theo chánh kiến và sự làm chủ để không trở thành thú. Ai trong chúng ta cũng có tình cảm với thật nhiều người, bởi vốn có cái tánh dục ở trong lòng, trong tâm, phụ nữ đàn ông cũng như vậy! Nhưng khi chúng ta đã mang cái duyên gặp gỡ nhau và kết cái duyên đó lại bằng cái lời nguyện sống trong sự tôn trọng, giúp đỡ khi hạnh phúc, khi thăng trầm, khi đau khổ, khi bệnh hoạn, khi thành công, khi thất bại, ta phải giữ được cái lời nguyện đó. Dĩ nhiên trong cuộc sống, thật nhiều người đã không giữ được lời nguyện chung thuỷ với kẻ mình yêu thương, để rồi bị sa ngã vào tánh dục rồi viện cớ duyên nợ.
Các bạn nhớ! Duyên nợ khi gặp một người đều phải có sự tác ý của chúng ta. Duyên nợ như hạt giống, nhưng nếu bạn để trong bịch nhựa, bạn treo lên hư không, không thể mọc được. Nếu bạn xé cái bịch nilon, bạn găm nó xuống đất, tưới tẩm nó, nhất định nó sẽ mọc. Bạn đã lấy hạt giống kiếp người này gieo vào trái tim của người mình yêu thương là vợ hoặc là chồng, hãy nhớ, giữ cái hạt giống ở đó! Còn nếu bức cái rễ, chặt cái cành ghép vào những mảnh đời khác thì bạn đang tạo nghiệp chứ chẳng phải duyên nợ, bởi thật sự bạn đã tát ý như vậy! Cho nên đối với Bảo Thành, duyên là nhân của đời trước, nợ hay không là sự tác động của nhân đời này để trổ quả.
Nếu một người vợ gặp một người chồng như vậy, theo đời thường và lời Đức Phật dạy, hãy dõng mãnh lên, ngồi lại với người chồng, nói thật thẳng, thật bình đẳng trong cuộc sống cần sự tôn trọng để gia đình được hạnh phúc, con cái được hạnh phúc, có cha có mẹ. Và dĩ nhiên ở đời ai không lầm lỗi, quan trọng là chúng ta có nhìn về hướng trước, tha thứ cho nhau những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, tái tạo lại cuộc sống mới và cho nhau sự thử thách để vượt qua. Nếu như người đó không làm chủ được và luôn luôn tát ý để đi vào con đường cũ như vậy để gây đau khổ cho người vợ và con cái, và chúng ta phải đi tới sự quyết định thật rõ, bởi Phật dạy những gì tạo ra phiền não, nơi nào tạo ra phiền não, con người nào tạo ra phiền não mà ta đã thấy rõ khi quán chiếu, cần phải từ bỏ ra đi. Ngay cả những bậc xuất gia khi tới một ngôi chùa, mà ngôi chùa ấy tạo ra phiền não, không đúng pháp, giữa đêm mà nhận ra cũng phải bỏ ra đi – đó là lời Phật dạy! Cho nên, cuộc đời có ân có nghĩa, có tình vợ chồng, hãy nói với nhau thật thẳng thắn, cho nhau cơ hội để nói, giúp đỡ nhau vượt qua sự thử thách này. Ngoại trừ đối tượng kia không chịu thay đổi và luôn luôn tạo phiền não, đau khổ cho chúng ta, thì ta phải dõng mãnh hơn, dõng mãnh hơn, có một sự quyết định đột phá để đi vào một đoạn đường khác mà mình bớt đau khổ, phiền não. Mô Phật!
Câu 8: Thưa Thầy có người nói: Ai thích đi chơi thì đi chơi, tưởng như vậy là vô tội nhưng khi hết phước báu thì nằm một chỗ hay bệnh tật. Như vậy đúng không ạ? Con nghĩ đi chơi mà không làm hại đến ai cũng là một cách thư giãn để lấy lại năng lượng sau những ngày mệt mỏi thì sao ạ? Con xin Thầy khai thị! Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Thật nhiều người tu ở các tôn giáo, không phải chỉ có Phật giáo đâu, đi vào các vùng gọi là giới cấm thủ, chấp giới, chấp luật, tự tù túng mình, tu là phải bỏ, phải diệt, phải diệt, diệt diệt tận, tận diệt, ăn không dám ăn, uống không dám uống, tới thăm cha mẹ không dám thăm, ngồi với bạn bè đang ca hát không dám ngồi, dự một buổi tiệc không dám…Cái gì cũng sợ, đi chơi không dám đi, sợ tổn phước tạo nghiệp! Trong Năm giới, không có cái giới nào cấm chúng ta đi chơi, không có giới nào mà cấm Phật tử không được đi ca nhạc, không được đi ăn uống. Chỉ có giới cấm sử dụng và uống các chất say để các chất say đó sẽ làm cho ta phạm vào bốn giới là sát sanh, trộm cắp, tà dâm và nói dối! Đâu có giới cấm đi chơi các bạn! Thì như vậy chúng ta đi chơi để thư giãn, để thoải mái, đi dã ngoại, đi du lịch, đi thăm bạn bè hoặc một mình đi thôi, nhìn trời, nhìn đất, nhìn mây! Người ta nói rằng du lịch cũng là một cách thiền bởi vì ta có cơ hội nhìn thấy trời cao đất rộng, mở mang kiến thức, nhận ra mình thật là nhỏ bé, từ đó sống an vui và hạnh phúc. Các bạn không có giới cấm đi chơi, vậy nên đi chơi nếu cuộc chơi đó không đưa đến hành động giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối, sử dụng các chất say ma tuý xì ke tổn hại đến người khác, bạn không tổn phước. Mô Phật!
Câu 9: Trong gia đình, vợ chồng con cái đến với nhau là do nhân duyên. Nhưng nếu con gặp duyên không tốt gây bao cản trở phiền não bất hoà, làm sao để chúng con vững tâm an trú được trong cuộc sống ạ? Dạ Mô phật 🙏
Trả lời: Mô Phật! Hầu hết người Á Đông trong tình nghĩa vợ chồng, vợ và chồng ít khi nào ngồi nói với nhau như tri kỷ, như bạn thân. Ta buồn vì anh ấy hoặc vì cô ấy làm cái gì đó, ta không nói thật với người ta được, ấp ủ trong lòng, mang so sánh với chồng người, vợ người, đâm ra mất hạnh phúc. Đã gọi là đời sống hôn nhân, bạn học theo lời Phật, cần có tâm bình đẳng đối xử và cần có tình thương lớn để đưa đến những sự đàm thoại trong cái chánh kiến và tư duy để giải quyết những vấn nạn khó khăn, để cho cả hai đối tượng cùng nhau thăng hoa đời sống, buông bỏ và sửa đổi những điều gây ra phiền não, đau khổ cho nhau. Đừng ôm ở trong bụng, hãy nói thẳng ra và hãy cho nhau sự quyết định thật sáng suốt để cùng sửa trên con đường kiến lập hạnh phúc gia đình trong hôn nhân.
Đó là lời Bảo Thành khuyên, các bạn hãy mạnh dạn nói chuyện với người mình yêu một cách cởi mở trong những khung cảnh thật tốt, thuận hảo, đưa đến tăng trưởng tình yêu thương và sự tha thứ. Bởi trên đời ai cũng sai, bởi trên đời ai cũng phạm lỗi và ở trên đời ai cũng tôn trọng bản thân quá đáng, ít nghĩ đến người mình yêu thương. Trong thời buổi này và cũng như ngàn năm trước trong lịch sử, con người phải luôn luôn biết tôn trọng, đối xử bình đẳng bằng qua các cuộc đàm thoại, nói chuyện trực tiếp bằng tình thương, đừng cáu gắt, đừng giận dữ, đừng một chiều, để trở thành người độc tài tư tưởng, bắt vợ bắt chồng, bắt người mình yêu phải thay đổi toàn diện để phục vụ cho nhu cầu, ý tưởng của mình mà hai bên cần phải thay đổi để làm phù hợp cuộc sống của mình, mang lại sự hoà hợp trong gia đình. Mô Phật!
Câu 10: Dạ thưa thầy, khi con quán chiếu biết con sai mà con chưa sửa được đó có phải con đang cao ngạo với cái tôi ngu si của mình không vì biết sai mà không sửa ạ? Mô phật 🙏
Trả lời: Bạn hỏi là bạn quán chiếu thấy sai mà chưa sửa được, chứ bạn không phải không muốn sửa. Không có, bạn chưa sửa được, thì bạn đâu có cống cao ngã mạn đâu! Cái sai đó bạn chưa sửa được, như Bảo Thành có nhiều cái sai, thấy đó nhưng chưa sửa được, bởi ta yếu đuối. Tu tập thêm thôi các bạn ơi! Như bạn tập tạ vậy đó à! Như bạn tập gym vậy đó à! Bạn nhảy 20 cái hoặc bạn tập một tiếng chưa được, bạn thấy cần một tiếng, cái mục đích một tiếng chưa được thì cứ tập từ từ thôi. Cái sai của ta nó hơi nặng ký, ta chưa nâng lên được để bỏ xuống thì bạn thực tập.
Muốn sửa sai, đầu tiên bạn phải nhận ra. Chúc mừng bạn vì bạn đã nhận ra cái sai của bạn, còn bạn sửa được hay không là bước thứ hai. Để sửa được, ta phải quán chiếu cái sai của chúng ta có làm đau lòng người, có gây phiền não, đau khổ, hại đến người khác, có giết hại. Dựa theo Năm giới các bạn! Cái sai của bạn có hại đến mạng sống, hại đến tư tưởng, tức là giết mạng sống, giết tư tưởng, giết niềm vui, giết tất cả những cái gì của người khác không? Có lấy đi hạnh phúc, trộm cắp, có lấy đi hạnh phúc, có lấy đi tài sản, có lấy đi sự bình an, có lấy đi cái này cái kia của người ta hay không? Và có xâm hại họ hay không hoặc có thêu dệt quá đáng cái sai của mình để gây khổ cho người, gây khổ cho mình không? Dựa trên Năm giới các bạn! Và cái sai đó nằm trong Năm giới, các bạn sửa từ từ không có sao hết. Sửa cứ sửa từ từ. Nếu bạn không sửa được, hãy gần người thiện tri thức, kết thân với những người bạn bè gần gũi, những bậc thầy để chúng ta có đồng thuyền, đồng bạn đồng bè nâng đỡ ta vượt qua. Và chánh niệm hơi thở quán chiếu cho sâu, thấy được sự tai hại của những lỗi lầm của mình đối với người khác sẽ giúp cho chúng ta sửa chữa được nhiều hơn và quán chiếu rằng khi sửa việc này không gây hại cho mọi người, ta có tăng phước thì ta sẽ thấy được lợi lạc đó, ta sẽ tinh tấn nhiều hơn. Mô Phật!
Câu 11: Con xin thầy khai thị cho con biết có phải tất cả các bệnh đều do nghiệp không ạ? Nếu là do nghiệp thì mình chỉ cần phóng sanh, làm thiện thì sẽ chuyển hoá được bệnh đúng không ạ? Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Tất cả mọi hiện tượng xảy ra đều do nghiệp, đó là bệnh cũng vậy! Nhưng tất cả mọi hiện tượng xảy ra đều nằm trong quy luật của Thành – Trụ – Hoại – Không, Sinh-Già – Bệnh – Chết là sự tự nhiên. Bạn có bệnh là sự tự nhiên, bạn già là tự nhiên, chết là tự nhiên. Nếu bạn luôn luôn muốn cái thân không bệnh, bạn sẽ tự cao và sai rồi! Phật nói Sinh – Lão – Bệnh – Tử là sự tự nhiên. Bạn sợ như vậy chẳng qua là bạn níu kéo sự sống mà thôi, đó là tâm tham! Cho nên khi bạn bệnh…bệnh về môi trường bạn sống, về khí hậu, về đồ ăn nước uống, các thứ nhiễm độc thì bạn phải dùng về tây y và đông y. Những bệnh về nghiệp thì chúng ta bố thí, phóng sanh, tu tập và bố thí, phóng sanh, tu tập cũng tăng trưởng cho cái tâm của mình được an lạc, hạnh phúc, từ đó mà sức khoẻ sẽ tăng trưởng, để những cái bệnh về môi trường, về đời sống, về ấm xí thịnh (tức là thay đổi không khí), rồi sự va chạm giữa môi trường của đời sống, sự huỷ hoại thân xác theo quy luật tự nhiên sẽ giảm bớt đi, và nếu có xảy ra, tâm an thì bệnh kia tới bạn cũng an. Nhớ trên đời ai cũng phải đi qua bốn cái cửa Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Cho nên đó là sự tự nhiên nha các bạn! Tu cứ tu, phóng sanh, từ thiện, bố thí, tu thiền để giải thoát cái tâm của mình.
Phật cũng bị bệnh các bạn ơi! Bị đau chân, bị nhức mỏi, bị đau bụng, bị kiết lỵ. Và chính Đức Phật bị kiết lỵ, ăn nấm độc của một người cúng dường cho Ngài phút cuối, kiết lỵ đi đến sự chết! Đó là sự tự nhiên, cái đau bụng đó không làm Phật oán trách, cái ông cúng dường bữa cháo có nấm độc đó là ông Thuần – Đà, Phật không có khiển trách ông ta và Phật cũng đón nhận cái bệnh đó, bởi đó là sự tự nhiên! Cho nên chúng ta nhớ rằng, tất cả mọi căn bệnh tới với chúng ta đều nằm trong quy luật Thành – Trụ – Hoại – Không của cái môi trường vật lý sinh ra trong tứ đại đất – nước – gió – lửa. Có đó, hết duyên nó mất!
Cho nên tất cả những cái điều thọ một ngày, bệnh này bệnh kia đều do nghiệp hết. Và những nghiệp đó cần có sự tương tác về trí tuệ khi ứng dụng đông y và tây y để chữa trị là phương pháp khoa học thích ứng tốt đẹp nhất, còn nếu bệnh mà chúng ta cho rằng là nghiệp, không đi bác sĩ, không uống thuốc, không trị bệnh mà cứ đi phóng sanh để hết bệnh, đó là mê tín dị đoan! Phóng sanh, bố thí, cúng dường, từ thiện là giảm đi những nghiệp ác để tăng thêm thọ mạng nhưng không thể không có bệnh, không thể nói rằng vì việc đó mà hết bệnh. Việc đó chỉ giải nghiệp để khi gặp thầy, gặp thuốc, đúng thuốc, đúng duyên, cái bệnh đó thuyên giảm. Và cái kết cuối cùng của một đời người cũng đi tới, Sinh – Lão – Bệnh – Tử, Thành – Trụ – Hoại – Không. Mô Phật!
Câu 12: Thưa Thầy cho con hỏi cách hồi hướng công đức để người thân thêm tuổi thọ ạ? Con cảm ơn Thầy. Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Cái thọ mạng của mỗi người tùy theo phước báu của người đó. Bảo Thành hồi nhỏ cũng vậy thôi, thấy thật nhiều cảnh nhiều khi cha mẹ mất, hồi còn nhỏ lắm, mẹ mất thì cũng muốn hồi hướng phước báu để mẹ tăng thêm tuổi thọ. Và mình cứ theo văn chương chữ nghĩa phương tàu: “nếu tôi giảm thọ một năm mà mẹ sống thêm một năm, tôi sẵn sàng”. Cách đó là cách hoa mỹ, lừa dối bản thân! Các bạn! Các bạn cứ hồi hướng đi, hồi hướng cho mẹ tăng thêm tuổi thọ, hồi hướng cho cha mẹ được khỏe, được bình an, cứ hồi hướng. Không có một cái gì để hồi hướng tăng thêm thọ mạng của người đó hết! Một cách rõ ràng, nó là cái duyên, nó là cái nghiệp tích luỹ thật nhiều, nhiều người nói cứ phóng sanh tăng thọ mạng – điều đó đúng để hồi hướng cho cha mẹ, đúng không bao giờ sai! Tuy nhiên khi phóng sanh để hồi hướng thọ mạng cho cha mẹ, đừng cưỡng cầu, bởi cầu bất đắc ta sẽ khổ. Hồi hướng, hồi hướng bằng tâm thành, còn người ấy nhận được sự hồi hướng đó và có tăng thêm thọ mạng hay không thì tùy vào phước duyên của họ nữa. Cho nên bạn cứ hồi hướng hết lòng với cái tâm thành kính, với tình thương đúng pháp là đủ rồi. Còn không bạn cứ khư khư người đó tăng thêm tuổi thọ rồi hồi hướng đủ thứ, phóng sanh, làm thiện cuối cùng người đó mất, cái ta bị mất tín tâm vào Tam Bảo. Cách đó là cách chưa nhìn rõ được nhân quả. Các bạn, hãy hồi hướng với tâm thành kính nhất, và cứ như vậy mà làm. Còn người thân của chúng ta thọ mạng dài lâu hay không đều do thọ mạng, phước báu của họ. Đời người xoay trong vòng sanh tử, có tới, có đi, có sanh, có tử! Thiền quán điều đó bằng trí tuệ để nhận ra sự vô thường, để người tới kẻ đi, tâm ta vẫn luôn luôn an, việc thiện ta vẫn luôn luôn hành. Mô Phật!
Cám ơn các bạn trong buổi Tham Vấn Phật Pháp số 21 này. Chúng ta hồi hướng! Thưa Phật, nếu sự chia sẻ này tạo được chút phước nào, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.