Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập
Câu Hỏi
Câu 1: Việc phóng sinh của những Phật tử đang làm và việc thực tế ngoài đời của những người đánh bắt cá, những công ty chế biến thực phẩm vẫn hàng ngày giết, mổ …. đứng về góc độ Phật pháp sẽ hiểu như thế nào về việc này? xin thầy khai thì ạ?
Câu 2: Dạ Thưa Thầy, Thầy luôn dạy Chúng con hãy luôn chánh niệm quán chiếu hơi thở trong từng phút giây. Nhưng Tự thân con luôn thất thủ bởi vọng niệm quá nhiều. Vọng niệm như binh đoàn dày đặt do nghiệp lực từ tiền kiếp và do bụi trần đời nay. Bản Thân con luôn muốn đốt đuốc, muốn quán chiếu hơi thở, nương chánh niệm mà đi, trụ vào mật chú mà định thân tâm, nương nhờ vào tha lực phật điển từ bi của Mười Phương chư Phật để đánh tan vọng niệm, phá u minh. Nhưng vọng niệm nó như lính tiên phong, Nó luôn áp đảo tâm con và chánh niệm tự thân luôn thất thủ. Sự an yên tự tại thì rất ít, nó chỉ như cơn gió thoảng qua. Còn sân si chấp trượt, hỉ nộ ái ố thì vẫn còn quá nhiều nó như bãi mìn của thế gian ấy. chỉ cần có sự kích hoạt là nó sẽ phá banh mọi thứ. Lúc ấy thì chánh niệm hoàn toàn bị đánh ngục và thất thủ. Biết là biết vậy, Nhưng sao vẫn chưa thể chánh định tự Tâm. Hàng ngày hàng ngày vẫn luôn thất thủ, vẫn bị hôn trầm trong thiền, vẫn bị cái gọi là năng lượng bất tịnh làm mất tự chủ thường xuyên. Vậy làm sao giữ được ngọn đuốc phá tan vọng niệm, làm sao để tự thân chúng con không mãi bị trôi lăn trong vùng tối tâm thức khi mà hàng ngày vẫn luôn quán chiếu, cố gắng hành pháp thiện và hành pháp của Thầy đã dạy ạ. Mô phật. Xin Thầy khai thị cho chúng con. Adidaphat.
Câu 3: Thầy từng dạy Con người Ta là đi từ nơi của Đất Phật ta đến Thế Gian này, giờ ta chỉ là cố chánh niệm, buông bỏ để trở về. Vậy tại sao ta lại bị U minh quá nhiều vậy, Tại sao từ bi và yêu thương thì giới hạn còn sự nông cạn, sự chấp trược thì quá nhiều ?
Câu 4: Làm sao có thể chuyên tâm tu tập không dính mắc chuyện đời thường ạ? Nằm thiền, đứng thiền, đi thiền là hành như thế nào ạ?
Câu 5: Thưa Thầy, khi quán chiếu vô thường, con thấy con có niềm tin vào người khác hơn. Khi người khác làm tổn thương con, con tin rằng người ta sẽ thay đổi và sẽ chuyển biến tâm tính của mình để hành xử tốt hơn, không sớm thì muộn vì ai cũng đều có Phật tánh và họ sẽ suy nghĩ lại. Vậy thì cách tư duy của con có đúng không hay con đang tự lừa dối bản thân mình ạ?
Câu 6: Dạ thưa Thầy, làm sao để có thể an lạc quay về Chánh Niệm mà buông mê, buông sân, buông si? Dù biết nó khổ đó và trong giây phút này con đang cảm nhận từng cái khổ xâm chiếm tinh thần con nhưng không thể thoát ra được. Con xin Thầy khai thị và cho con lời khuyên ạ?
Câu 7: Theo con được hiểu, mỗi bản thể của con người chúng ta đều là một phần của vũ trụ. Tình hình hiện tại đều là do bất thiện nghiệp của bao đời nay mới trổ quả. Vào thời điểm đen tối như thế này, liệu mỗi một người chúng con góp một chút công sức nhỏ bé vào việc tu thiện, làm việc thiện thì có giúp đẩy lùi được bệnh dịch không thưa Thầy?
Câu 8: Dạ Thưa thầy ! cho con hỏi ạ: những việc mình làm đều sẽ trở về với mình đúng không ạ? Nếu như con muốn làm việc tốt nhưng chưa đủ duyên để làm thì con sẽ để tâm, để làm phước sau. Có một vị thầy nói rằng chúng con có thể mượn phước của mẹ quan âm để vượt qua khó khăn rồi con sẽ làm phước trả sau điều này có đúng không ạ?
Câu 9: Thưa thầy cho con hỏi nguồn gốc của trái đất và nguồn gốc con người theo cách nhìn của đạo phật có giống theo lý thuyết khoa hoc hiện nay không ạ?
Tham Vấn
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Hôm nay thứ bảy, đời sống Chánh Niệm, trong chương trình Tham Vấn Phật Pháp số 10. Chúng ta cùng nhau trì niệm hồng danh Đức Phật, Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo để nguyện mang công đức của đời sống Chánh Niệm, từ bi, hành thiện, ăn chay trong giai đoạn này, hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng ta mau thoát khỏi đại dịch và cho tất cả những ai đang bị mắc bệnh đều lành mạnh, bình an.
Chúng ta cùng đồng trì hồng danh của Chư Phật, Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (03 lần)
Chú Đại Bi:
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)
Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắt ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)
Chú Vãng Sanh (03 biến)
Thất Bảo Huyền Môn:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
NamMô SaKa PuốtTế, NamMô SaKa PuốtTế.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia hộ cho chúng con có đầy đủ trí tuệ quán chiếu để thấy rõ được sự giác ngộ, thức tỉnh và thể nhập vào Phật tánh chân như, chuyển hoá mọi phiền não, đau khổ và sợ hãi. Sống bao dung, rộng lượng, tha thứ, yêu thương. Chúng con thành tâm hồi hướng mọi công đức đồng tu trong đời sống Chánh Niệm, Tham Vấn Phật Pháp hôm nay tới quê hương Việt Nam để đại dịch mau qua, bệnh tật tiêu tan, lòng người an lạc.
Xin Chư Phật từ bi chứng minh.
Các bạn thân mến! Vào cuối tháng, chúng ta thường có một buổi tham vấn Phật pháp. Hôm nay Phật Pháp số 10 có nghĩa là 10 tháng đã trôi qua. Nơi sự tham vấn Phật pháp vào cuối tháng, chẳng phải là lý giải hoặc là hóa giải những câu hỏi cao siêu, khúc mắc tàng ẩn trong Kinh điển, Phạn ngữ hoặc tiếng Pali hoặc Hán tự, mà chúng ta chỉ đặt để những câu hỏi liên quan đến đời sống tu tập Thiền Mật song tu. Bởi tất cả mọi sự cao siêu, nhiệm mầu về giáo lý căn bản cũng như cao siêu, thậm thâm đã được các bậc Đạo Sư, các bậc Thượng Sư, các đấng bậc Tôn Sư, Hòa Thượng, Đại Đức, Tăng Ni hướng dẫn cặn kẽ trên mạng rồi. Cho nên trong chương trình này, các bạn đồng tu cũng như các bạn đang ở trên YouTube hoặc Facebook, chúng ta đặt để những câu hỏi liên quan đến sự tu tập hiện tại của sự đồng tu để chúng ta tháo gỡ mà tiếp tục tăng trưởng Chánh Niệm trong sự tinh tấn tu tập.
Và giờ đây đã tới giờ, mời các bạn đặt câu hỏi để Bảo Thành lắng nghe.
Mô Phật! Mời các con.
Bảo Nghy: Dạ, Mô Phật! Con Bảo Nghy kính đảnh lễ Sư Phụ, quý Thầy, quý Sư Cô, kính chào các anh chị em đồng tu!
Thưa Thầy, con xin gửi đến Thầy câu hỏi đầu tiên của chị Bích Huệ.
(16:43) Câu 01. Việc phóng sinh của những Phật tử đang làm và việc thực tế ngoài đời của những người đánh bắt cá, những công ty chế biến thực phẩm vẫn hàng ngày giết, mổ,…Đứng về góc độ Phật pháp sẽ hiểu như thế nào về việc này ạ? Xin Thầy khai thị!
Trong giới thứ nhất của ngũ giới cấm sát sanh. Đức Phật nói đến giới cấm sát sanh là sự sát sanh xuất phát từ cội nguồn của tâm niệm, ý nghĩ muốn giết hại con người hoặc giết hại súc vật để thỏa mãn thú tính của mình, đó là giới sát sanh.
Câu hỏi rằng chúng ta giữ giới sát sanh, không sát sanh đó bằng cách thực hành phóng sanh để tạo phước, điều này tuyệt vời bởi ta làm theo lời của Đức Phật, phóng sanh, công đức vô lượng. Với tâm hoan hỷ cứu vớt những chúng sanh trong cuộc sống hằng ngày chúng ta hữu duyên gặp phải, đang mắc cạn hoặc đang bị chờ chết, ta phát tâm phóng sanh chúng. Đây là bề nổi của sự phóng sanh thật dễ hiểu và ai cũng có thể thực hiện được. Tuy đơn giản nhưng tạo phước vô cùng! Chưa nói đến chiều sâu của sự phóng sanh tức là mở tâm thức đừng ràng buộc, chấp trược để tháo gỡ sự đau khổ cho nhau, đó cũng là một hình thức phóng sanh cao mà mỗi người chúng ta phải tư duy để thấu rõ.
Sự phóng sanh không chỉ hạn hẹp ở trong vấn đề mua súc vật thả ra, mà cũng nghĩa rằng sự sát sanh không thể chỉ nằm gọn trong vấn đề giết thú vật hoặc con người bằng hành động. Sát sanh còn liên quan tới sự sát hại sự sống của chúng sanh khác bằng tư tưởng. Nếu chúng ta có tư tưởng ác độc muốn hãm hại người khác, đó cũng là sát sanh. Bởi tất cả ba nghiệp đều tạo ra từ Thân là hành động, Ngữ và Ý. Ta chỉ nghĩ đến sự sát sanh bằng thân có nghĩa là dùng tay này để sát hại sinh mạng khác, ít có khi nào suy nghĩ rằng ta đã từng sát sanh bằng những tư tưởng sắc bén hơn dao và bằng những ngôn từ thô ác làm chết con người ta trong từng ngày, từng giây.
Một hành động từ thân có thể giết chết người ta ngay một chỗ hoặc súc sanh ngay một lúc. Nhưng những âm ỉ như những ngọn lửa sân hận trong tư tưởng sẽ giết chết người ta từng đời, từng ngày, từng giờ, từng phút và những ngôn ngữ thô ác, thâm độc cũng giết chết sanh mạng.
Những ngôn ngữ thô ác, thâm độc hoặc những tư tưởng nguyền rủa mặc dù không tác động, nó vẫn tạo nên nguyền lực. Bởi vậy, ta thường nghe ngày xưa hay nguyền rủa nhau, và rồi thực sự, lực nguyền rủa đó tạo ra bất thiện lực, hãm hại người ta. Và đây, cách này thường hay giết nhau thời xưa. Dù không đủ sức đánh chết người ta, hại người ta, hoặc những ai gọi là kẻ thù của mình thì ở nhà nguyền rủa. Từ sự nguyền rủa đó mà sinh ra biết bao nhiêu những chuyện ác khác biến tướng và trong cuộc sống, đôi khi ngôn ngữ ứng dụng hằng ngày giết chết con người. Cho nên phóng sanh, ngoài vấn đề thả súc vật hoặc không hại mọi người, cứu vớt những sự sống khác, ta còn phải giải tỏa tất cả mọi luồng tư tưởng, suy nghĩ ác độc nhằm đến người khác và phải chuyển hóa mọi ngôn ngữ ác độc của ta tới với người khác, thì cả ba Thân – Ngữ – Ý thanh tịnh mới giữ giới không sát sanh đúng.
Cho nên các bạn tư duy để chúng ta giữ giới thứ nhất không sát sanh và phóng sanh cả về ba mặt: tư tưởng; lời nói và hành động. Thực hiện được như vậy, chúng ta sẽ có đại phước, phước báu vô cùng.
Nay nói về trong xã hội có những công ty phải sát sanh để phục vụ thức ăn cho đời sống của con người, như những công ty mổ heo, trâu, bò, gà hoặc những công ty bắt cá, hoặc có những cá nhân làm những nghề đó. Hỏi những người đó, công ty đó, cá nhân đó có phạm giới sát sanh không? Dù là cố tình hay không cố tình, câu trả lời theo luật là có phạm giới sát sanh. Nặng hay nhẹ thì bắt đầu phân minh khác một chút.
Thời Đức Phật, Đức Phật dạy không sát sanh, nhưng khi đi khất thực, nếu người ta có sẵn những thức ăn bằng động vật cúng dường cho Phật, Phật cũng ăn. Câu hỏi có phải chăng Đức Phật, bản thân của Ngài khuyến khích sự sát sanh để cúng dường cho Ngài hay không?. Không!
Bởi nếu Ngài biết được người ta giết cho Ngài ăn, hoặc nghi ngờ rằng người ta giết cho Ngài ăn, thấy, biết dưới mọi hình thức thì Ngài Không ăn, bởi đó là sát sanh. Nhưng người ta đã có sẵn rồi và người ta cúng dường, Ngài đón nhận phẩm vật cúng dường từ tâm hạnh của Phật tử đó.
Nay trở về với câu hỏi, những công ty, những con người và cá nhân đều phạm giới sát sanh, nặng nhẹ tùy ở chỗ này. Nhớ, chúng ta mua đồ ăn cá, thịt ở bên ngoài về ăn là những súc sanh đã được giết chết, ta không phạm giới sát sanh. Nhưng nếu chúng ta có tâm nguyện rằng: “À! Con gà, con vịt, con trâu, những thứ này người ta giết cho ta ăn thật là ngon, sung sướng” thì ý tưởng như vậy, ta phạm giới sát sanh. Nhưng nếu chúng ta có tâm từ bi, vì sự sống, đồ ăn, thực vật, súc vật như phẩm dược ăn vào nuôi thân. Tri ân công đức của những người đã làm sẵn, phải chịu nghiệp để cho ta ăn. Tri ân công đức của những chúng sanh đó đã cúng dường thân mạng như một dược phẩm, thực phẩm nuôi sống thân ta. Ta niệm Phật, ta trì chú, ta giữ đời sống Chánh Niệm hành thiện để hồi hướng công đức cho những người làm trong công ty đó, hoặc là hồi hướng cho những chúng sanh mà ta ăn thân mạng đó để nuôi thân thì chúng ta không tạo nghiệp, mà chúng ta được sử dụng như thế. Đồng thời có cơ hội thực hành pháp Phật, Chánh Niệm, từ bi để hồi hướng công đức cho những người thay thế ta tạo nghiệp. Thì những người đó thừa hưởng một phần công đức của chúng ta để giảm bớt nghiệp đi.
Các bạn lưu ý phần này để thực tập. Bởi vì ta là Phật tử, và ta là đời sống bình thường, chưa thể ăn chay thì chúng ta cũng sống như thời Đức Phật có gì ăn đó, người ta cung cấp gì ăn đó, nhưng quan trọng là ý của chúng ta đừng đắm nhiễm vào mong cầu, chờ đợi và nguyện cho người ta sát sanh, giết hại để cho chúng ta ăn. Cái ý đó thôi, chưa ăn cũng tạo nghiệp. Cho nên khi ăn động vật, mạng sống của những sinh vật khác, chúng ta nhớ luôn luôn giữ tâm thiện lành và nghĩ rằng như lời Phật dạy, tất cả mọi thức ăn dù động vật hay thực vật, rau, củ, quả đều là những dược phẩm để nuôi thân sống tu Chánh Niệm và nguyện mang công đức đó hồi hướng cho những ai phải làm những công việc đó để cho chúng ta có đồ ăn.
Có câu chuyện Thiền Sư kể rằng, một hôm vị Thiền Sư đi ngang qua cầu, Ngài thấy một con rắn phóng ra để vồ lấy con ếch ăn, Ngài bàng hoàng bởi vì con rắn quá ác, đi giết một con ếch để ăn. Ngài tính phóng ra để cản trở con rắn đó, nhưng Ngài dừng lại và suy nghĩ, con rắn, nó cần phải ăn bởi nó không thể ăn cỏ, ăn củ, ăn cây, ăn quả được. Nó sinh ra là như vậy và nếu như ta ngăn chặn nó như vậy thì nó sẽ không giết chết con ếch nhưng mà ta giết chết mạng sống của con rắn. Mang tâm tư duy trong Chánh Pháp, vị Thiền Sư mới suy nghĩ, như vậy phải làm sao đây đối với con rắn khi vồ con ếch và đối với con ếch đang bị con rắn vồ?.
Nếu như con rắn phóng ra, vồ con ếch với tâm nghĩ rằng: “Tao giết mày để tao ăn cho sung sướng” thì con rắn tạo nghiệp. Nhưng nếu con rắn ăn con ếch với tâm rằng: “Ếch ơi! Vì sự sống, ta phải ăn, xin hãy cúng dường thân mạng. Ta tri ân, hồi hướng công đức” để rồi nó vồ con ếch nó ăn. Về phần con rắn, tâm thánh thiện, tốt đẹp hồi hướng đó sẽ không tạo nghiệp. Có chăng thì chỉ là một phần trong giới, bởi sự sống.
Còn phần con ếch, nếu con rắn vồ tới mà sợ hãi, nguyền rủa, chửi bới thì con ếch này tăng tâm sân, chẳng được phước báu mà còn hại, để rồi kiếp sau lại tìm trả thù con rắn. Đằng nào cũng phải chết, nhưng trên con đường đi vào cửa tử đó, rắn ngộ ra để rồi xin ếch cúng dường, ếch ngộ ra rắn cần ta để sống, ếch phát tâm: “Này là thân mạng của ta, nguyện cúng dường cho rắn ăn để sống”. Cho nên con ếch này tạo được công đức cúng dường thân mạng để nuôi sự sống của con rắn. Mà nếu như hai con đều đồng hành trong một ý niệm thiện như vậy thì không tạo ra nghiệp bởi đó là sự hồi hướng, cúng dường thân mạng nuôi dưỡng nhau.
Vị Thiền Sư lúc đó nhập định và hồi hướng cho rắn khởi lên niệm thiện, cho ếch khởi lên niệm thiện trong hoàn cảnh đó, đều hồi hướng, tri ân công đức cho nhau.
Nay những người làm ở trong hãng, nếu như tâm nguyện của họ, nếu họ biết về Phật giáo, họ sát sanh, họ cảm thấy thích thú, họ cảm thấy như được giải trí, có lương cao và rồi thích ăn, thích uống và luôn luôn nghĩ sát sanh như vậy để cung dưỡng cho những người khác là nguồn vui mà không nghĩ đến sự đau khổ của chúng sanh bị giết hại, họ sẽ tạo nghiệp vô số. Nhưng nếu vì sự nghiệp phải sống trong hoàn cảnh ở công ty đó, bởi cung cấp nguồn lương thực về động vật cho muôn người. Người làm công ty cũng như người làm việc ở đó, dù giám đốc hay công nhân đều phát tâm rằng, thay những người ở bên ngoài, xin mạng sống của súc sanh và vì công việc, làm việc đó để cung cấp thức ăn cho những người khác cần phải ăn để sống. Để rồi với tâm hạnh thiện đó, luôn luôn khi sát sanh, nguyện những chúng sanh đó cúng dường thân mạng để làm việc. Nếu có sự hài hòa, tương giao giữa tâm niệm như vậy, nguồn năng lượng từ ái được lan tỏa thì chúng sanh khi bị giết bớt đi sự sân giận và nguồn năng lượng đó tốt đẹp hơn cho những người ăn. Bởi những món thịt đó sẽ không chứa đựng những nguồn năng lượng bất tịnh, mà chứa đựng năng lượng của sự cúng dường của tâm niệm Chánh.
Cho nên đối với các công ty đó, nếu người làm trong công ty đó ý thức được thì luôn luôn giữ tâm thanh tịnh, hồi hướng công đức và tri ân những súc sanh kia và luôn luôn niệm cho những chúng sanh đó có tâm hoan hỷ cúng dường thân mạng, và làm việc sát hại đó chẳng phải sự thích thú mà là một công việc cung phụng để tạo nguồn thức ăn, dược phẩm nuôi sống muôn người, thì tất cả sẽ giảm bớt nghiệp sát sanh. Vẫn tạo nghiệp nhưng giảm bớt nghiệp sát sanh.
Về phần người ăn, nói ở lúc đầu, ta làm sao để ăn? Với tâm tri ân, hồi hướng thì được phép. Và về người sát sanh, hại theo hình thức tướng nhìn rõ, nếu bằng tâm niệm thật là rõ, vì sự nghiệp và vì chỉ cung cấp dược phẩm cho mọi người, để nuôi thân mạng thì sẽ giảm tối đa những nghiệp. Đôi khi không tạo nghiệp nếu như chúng sanh đồng lòng cúng dường thân mạng.
Đây là một câu hỏi mà cần phải tư duy để thấy rõ về đời sống của con người có sự liên quan một vòng tròn giữa sự tồn tại và sự cung cấp nguồn sống cho nhau theo nhân duyên, nhân quả nhiều đời. Do đó, thực hiện đúng, ta thấy nhẹ nhàng, thực hiện không đúng và không thông, ta thấy áy náy và sợ hãi. Trong trường phái Nam Tông, Nam Truyền, Nguyên Thủy ngày nay, các bậc Tôn Túc vẫn đón nhận sự cúng dường bằng thịt cá, là mạng sống của súc sanh, ăn một ngày một bữa. Như vậy các Ngài có phạm giới không? Không!. Các Ngài chỉ đón nhận sự cúng dường đó như dược phẩm nuôi thân, ý niệm thanh tịnh, giữ đúng lời Phật. Cho nên, chúng ta cần phải đọc Kinh, nghiên cứu thật rõ, tư duy thật rõ, đừng có chấp, đừng có bám thì chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng, thanh thoát hơn và sống Chánh Niệm tốt đẹp hơn mỗi ngày. Mô Phật!
Bảo Thi: Dạ, Mô Phật! Dạ, con Bảo Thi kính đảnh lễ Thầy, quý Sư Cô, chào cả nhà!
Dạ, thưa Thầy! Con có câu hỏi ạ.
(32:16) Câu 02. Thưa Thầy! Thầy luôn dạy chúng con là hãy luôn Chánh Niệm quán chiếu hơi thở trong từng giây phút, nhưng tự thân con luôn thất thủ bởi vọng niệm quá nhiều. Vọng niệm như là binh đoàn dày đặc do nghiệp lực từ tiền kiếp hoặc là do bụi trần đời nay. Bản thân con luôn muốn đốt đuốc, muốn quán chiếu hơi thở, nương Chánh Niệm mà đi, trụ vào mật chú mà định thân tâm, nương nhờ vào tha lực Phật điển từ bi của mười phương Chư Phật để mà đánh tan vọng niệm, phá u minh. Nhưng vọng niệm như lính tiên phong, luôn áp đảo tâm con và Chánh Niệm tự thân con là an yên tự tại thì rất ít ỏi, còn sân, si và chấp trược thì còn quá nhiều. Nó như là bãi mìn của thế gian, chỉ cần sự kích hoạt là nó sẽ phá banh hết mọi thứ. Biết là biết vậy, nhưng sao con vẫn chưa thể Chánh Định được tự tâm? Hằng ngày thì vẫn là luôn quán chiếu nhưng vẫn luôn thất thủ, vẫn bị hôn trầm trong thiền định, vẫn bị cái gọi là năng lượng bất tịnh làm cho mất tự chủ thường xuyên. Vậy thì làm sao để giữ được ngọn đuốc để phá tan vọng niệm? Làm sao để tự thân chúng con không mãi bị trôi lăn trong vùng tối tăm, vùng tối của tâm thức khi mà hằng ngày vẫn luôn quán chiếu, cố gắng hành pháp thiện và hành pháp của Thầy dạy ạ? Con xin Thầy khai thị cho chúng con! A Di Đà Phật!
Chúng ta nhận biết trong thế giới này, nếu không có mặt trời thì bóng tối che phủ tất cả. Nhưng khi có mặt trời, ta thấu hiểu được màn đêm. Nếu mặt trời tắt, màn đêm bao phủ, mặt trời sáng, màn đêm nhường bước. Như vậy, màn đêm luôn luôn có và mặt trời luôn luôn phải hiện hữu để thấy đường. Trí tuệ cần phải luôn luôn thực tập để hiện hữu. Một khi trí tuệ tắt lịm đi như mặt trời không còn thì màn đêm sẽ bao phủ, vọng niệm, vọng thức sẽ kéo tới.
Vô lượng kiếp qua, chúng ta đã tự bắn nổ mặt trời trí tuệ rồi. Và rồi chôn vùi những mảnh vụn trí tuệ của chúng ta sâu ở dưới những lớp bùn nhơ của ác nghiệp. Nay chính là lúc chúng ta cần phải moi những mảnh vụn của trí tuệ nhiều đời ta phá vỡ, chôn vùi ở sâu tầng bùn nhơ của ác nghiệp kia, lắp ráp lại cặn kẽ từ từ và đặt lên trên đế cao để nó tỏa sáng, thấy đường mà đi.
Công việc đó không dễ!
Văn ôn võ luyện. Một người muốn trở thành một tay đua cự phách thì nhất định trên người sẽ rất nhiều thẹo. Bởi để trở thành tay đua cự phách, phải tập luyện thật nhiều và nhất định sẽ bị té ngã thật nhiều mới trở thành tay đua cự phách, chạy nhanh, lắt léo qua những đoạn đường vòng vèo, khó đi.
Cuộc sống của con người, để có thể vượt qua vô minh mà chính ta đã tạo ra đoạn đường, con đường dài vô tận từ vô lượng kiếp tới nay. Âm u, đen tối, ngoằn ngoèo, rắc rối thì chúng ta phải chủ động thực tập. Sẽ thật nhiều lần các bạn và Bảo Thành bị té xuống trong vùng tối của chính mình, đau lắm. Ai nói mỗi một lần té mà không đau? Tuy nhiên nhớ rằng, cái đau và sự té, bóng đêm bao trùm đó đều do bất thiện nghiệp của ta tạo ra. Nhưng dù thiện nghiệp hay ác nghiệp đều phải chủ động do chính mình tạo ra. Bất thiện nghiệp ta đã tạo ra, gây đau khổ, bóng đêm, thì ta có thể tạo ra nguồn thiện nghiệp, tinh tấn đứng dậy thắp đuốc mà đi. Ngọn đuốc dù có nhỏ, như ánh mặt trời bự đó, nhưng so với vũ trụ, dải ngân hà của chúng ta thì nhỏ lắm, nhưng vẫn tỏa sáng. Trí tuệ dù dưới một hành động thiện, từ thiện, Chánh Niệm từ bi dù chỉ lóe lên thôi rồi tắt lịm, rồi lại lóe như con đom đóm cũng đủ. Bởi người xưa, người ta chưa có điện, người ta vẫn bắt đom đóm. Có những câu chuyện kể rằng, bỏ vào bình để mỗi một con đom đóm lóe lên tạo thành một chút ánh sáng để mà học. Chúng ta cũng gom những mảnh vụn trí tuệ của những công việc từ thiện, Chánh Niệm tu tập bỏ vào trong sự công phu, cái bình công phu đó, thì trí tuệ vụn vặt sẽ lóe lên từng thời, tiếp sức với nhau để cho ta thấy đường để mà đi.
Bạn đã bị té nhiều, Bảo Thành cũng như vậy, mọi người cũng như thế, nương vào tha lực Phật điển thì cần phải có sự tự lực dũng mãnh. Đức Phật dạy, hãy tiếp cận với các bậc thiện tri thức để được khuyến khích, dắt dìu và được sách tấn để mỗi khi gục ngã xuống, không muốn đứng dậy hoặc quá yếu, không thể đứng thì những bậc thiện tri thức đó sẽ vỗ vai, nâng ta đứng dậy, sách tấn ta để đi. Bậc thiện tri thức tối cao chính là tha lực Phật điển từ bi và trí tuệ. Sau đó là những bậc tôn túc có nhân duyên tiếp cận. Cố gắng tiếp cận thường xuyên với Chư Phật qua pháp hành thiền, Thiền Mật song tu. Cố gắng tiếp cận với các bậc thiện tri thức ta có nhân duyên phù hợp trong kiếp này để được sách tấn vượt qua những chặng đường gian truân đầy khó khăn và thử thách.
Ai cũng nhiều lần thật là té, nếu không có lần đó té, chẳng thể hiểu được cuộc đời của ta vẫn còn năng lượng vô tận ở bên trong, đường dài biết sức ngựa, thức đêm mới biết đêm dài, nhiều lần té mới thấy mình vẫn còn sức mạnh đủ để đi. Giữ vững tâm, cố gắng tu tập, đừng sợ hãi gì, nhất định bạn sẽ vượt qua. Nhưng nhớ rằng, đằng trước sẽ có nhiều đoạn đường bạn sẽ phải vấp té, bởi quá nhiều đời, ta đã tạo nên sỏi đá, hầm gai, hầm chông. Trên con đường ta đi, bóng đen dày đặc, cạm bẫy thật nhiều, nhưng trí tuệ Chánh Niệm sẽ soi đường cho ta đi để tránh né một cách nhẹ nhàng.
Chúc bạn sẽ thành công bằng cách cố gắng miên mật trong Chánh Niệm, nương vào Đức Phật từ bi, Chư vị Bồ Tát mười phương và các bậc thiện tri thức cận kề do có nhân duyên để đồng hành cùng quý Ngài để vượt qua những chặng đường gian khó phía trước. Đừng sợ hãi bởi những lần vấp té của quá khứ mà nhớ rằng bạn đang có đầy đủ nhân duyên để vượt qua. Hãy cố gắng! Đó là lời khuyên chân thành.
Để trả lời làm sao? Cố gắng, hãy cố gắng thực tập và tu tập. Nếu khi sự trải nghiệm của bạn đã cảm thấy đúng, dù thật nhiều lần bị hôn trầm, bị mê trầm, nhưng bạn vẫn biết bạn mê trầm, hôn trầm. Nhiều lần bị gục ngã bởi những điều bạn vừa nói bao nhiêu đời đã tạo ra thì ít nhất bạn vẫn còn ánh sáng trí tuệ của tánh biết biết mình hồn trầm, biết mình vấp té, biết mình tạo nghiệp. Tánh biết đó là mồi lửa trí tuệ không bao giờ tắt trong mọi hoàn cảnh. Hãy mang tánh biết đó, giữ ở đằng trước để đi qua tất cả mọi đoạn đường bằng tánh biết. Chỉ cần tánh biết đó vẫn luôn luôn có với bạn thì bạn nhất định sẽ không gục ngã trong hôn trầm, thụy miên của sự tu tập. Bởi Chư Phật luôn kề cận bạn, các bậc tri thức luôn luôn kề cận bạn và bạn đã có đủ phước duyên, có tánh biết thì nay khuyên bạn hãy nuôi dưỡng tánh biết đó trên con đường thực tập, bạn sẽ chiến thắng.
Cảm ơn bạn! Mô Phật!
(40:58) Câu 03. Thầy từng dạy: “Con người ta là mình đi từ nơi của đất Phật, ta đến thế gian này thì bây giờ ta chỉ cố Chánh Niệm, ta buông bỏ để ta trở về, vậy thì tại sao ta lại bị u minh quá nhiều ạ? Tại sao từ bi và yêu thương thì giới hạn còn sự nông cạn và sự chấp trược thì quá nhiều?
Trong ta có Phật tánh. Thời xưa, khi Đức Phật giác ngộ, Đức Phật nói, Phật là Phật, còn mọi chúng sanh là Phật sẽ thành, Phật thấy được điều đó. Cho nên chúng ta luôn luôn đồng hành với Phật tánh, nhưng Phật tánh của chúng ta bị lu mờ bởi chấp. Chúng ta không đón nhận Phật tánh là có thật. Chúng ta chấp vào thân này là có thật, nhưng thân này chỉ là vô thường. Ta chấp vào gì ta nhìn thấy là có thật, gì ta nghe là có thật. Ta chấp vào cái tôi, cái ngã được tạo dựng bởi những cảm giác, cảm xúc của chúng ta qua những giác quan mà nhà Phật gọi là ngũ dục, hoặc đi qua năm ngũ uẩn để năm dục đó tiếp cận, xâm nhập vào ta, và ta cho nó là ta. Rời xa bản tánh chân như Phật tánh. Từ đó, chúng ta khổ.
Làm sao chúng ta có thể trở về được? Chúng ra chỉ cần ghi nhớ Đức Phật nhắc nhở, ta là Phật sẽ thành. Muôn sự ở đời chỉ là vô thường, vô ngã, nếu bám vào sự vô thường, vô ngã đó, cho là có, cho là tồn tại, ta sẽ khổ, đó là chân lý. Ta theo Phật ta phải tin và phải thường xuyên thực tập quán chiếu để thấu rõ được vô thường, vô ngã để bớt đi sự khổ đau trong cuộc đời, tiếp cận với Chánh Niệm để thể nhập vào sự trải nghiệm an vui, hạnh phúc, Niết Bàn trong cuộc đời.
Chỉ có sự thực tập mà thôi! Thực tập gì? Quán chiếu vô thường, quán chiếu vô ngã. Và đúng! Phật đã khai thị và chúng ta đã nhắc lại với nhau, chúng ta vẫn có Phật tánh ở bên trong. Dù trải qua vô lượng kiếp lăn trôi trong bất thiện nghiệp thì Phật tánh vẫn còn đó, bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm. Chỉ cần chúng ta quay trở lại, thể nhập vào là bao nhiêu bụi bặm của bất thiện nghiệp, bùn nhơ của những nghiệp ác sẽ rơi rụng khỏi ngay. Như viên kim cương thả xuống đống sình lầy, chỉ cần moi nó ra, nâng lên thì sự sình lầy đó sẽ rơi rụng xuống, tánh kim cương vẫn trong sáng. Phật tánh của chúng ta như kim cương sáng ngời, nhưng đã bị rớt xuống, ta đã để rớt xuống vùng tâm thức đen tối, chấp ngã, chấp tướng, chấp pháp, thủ chấp tất cả mọi thứ cho nó là thật, chưa thấu hiểu được ngũ uẩn giai không, chưa nhìn rõ được vô thường, vô ngã.
Nay lời khuyên chân thật là hãy thực tập quán chiếu từ bi và trí tuệ để thấy được vô ngã, vô thường thì như viên kim cương đã được lượm lên từ sình lầy, đặt lên giá cao và nó sẽ tỏa sáng, bạn sẽ thoát khổ.
Chỉ cần thực tập, tin vào Phật. Bởi vậy khi các bạn quy y với Phật – Pháp – Tăng, các bạn phải tin vào Phật, tin vào Pháp, tin vào Tăng. Tín, tín tâm, rồi phát hạnh nguyện giải thoát. Tín, Nguyện, rồi hành những điều thiện thì các bạn nhất định sẽ có sự trải nghiệm từ từ, từng bước và bạn sẽ thành công và thành tựu được sự tu.
Cảm ơn các bạn, Mô Phật!
(44:59) Câu 04. Làm sao có thể chuyên tâm tu tập, không dính mắc chuyện đời thường? Nằm thiền, đứng thiền, đi thiền là hành như thế nào ạ?
Người ta cứ nghĩ rằng tu thiền là phải tách rời khỏi thế gian, và có câu hỏi đặt ra, nếu ai cũng tách rời hết rồi vào núi, vào rừng thì rừng núi đó sẽ biến thành thành phố, ngược lại thành phố lại biến thành rừng mà thôi.
Tu không phải rời thế gian, tách thế gian, mà thế gian và đạo cùng với nhau nhập thế.
“Làm sao để chúng ta tu?”, đó là câu hỏi mọi người thường hỏi. “Làm sao để không bị sự bận rộn trong cuộc đời lôi kéo và làm sao tách rời ra để tu?”.
Thật ra, sự việc trên đời đều do nhân duyên, Đức Phật sinh ra cũng là một thái tử có đầy đủ vàng bạc, danh phận cao quý, Ngài biết từ bỏ. Trong cuộc sống, không phải ai cũng có thể từ bỏ để thể nhập vào thể tánh đâu. Chúng ta đừng quá vội vàng mà hãy chọn từng phần, từng phần nhỏ, theo từng nhân duyên để gọt, giũa, mài, dùi, buông bỏ một cách từ từ, ta sẽ thành công. Còn nếu các bạn mong muốn quá mức, các bạn sẽ không bao giờ thành công.
Do đó, trên con đường tu tập, nhớ rằng, đọc một cuốn sách đừng lật trang cuối. Đọc rất từ từ, thấu hiểu từng chữ, biết được từng nhân vật và rồi ta sẽ hiểu thấu câu chuyện trong cuốn sách đó và tìm ra những điều hay, lẽ phải trong cuốn sách đó để ứng dụng vào đời sống của chúng ta. Đức Phật dạy cho chúng ta biết bao nhiêu pháp môn, cách tu luyện, chúng ta cứ như, như gì? Như con khỉ nhảy từ trang này qua trang kia, lật ngược lật xuôi rồi trở vào trong những thư viện tìm đủ mọi sách, mà có khi nào mang từng câu chữ trong những sách đã đọc để ứng dụng trong đời sống đâu. Do vậy, ta chỉ là khỉ thôi, quá may là thành Tề Thiên Đại Thánh, còn không thì lại hóa đá, bị nhốt ở trong ngũ dục, ngũ uẩn. Cho nên chúng ta nhớ rằng, hãy cố gắng thực tập, cứ từ từ mà đi. Và cứ thực tập một cách miên mật từ từ, từ từ như vậy, chúng ta sẽ thành công. Đừng quá vội vàng, đừng quá mong mỏi tối hậu phải tu như vậy.
Cho nên để làm sao tu trong đời thường và giữ được Chánh Niệm? Tưới cây cũng phải từ từ, ngâm cả hạt giống xuống vũng nước, nó sẽ thối. Chúng ta gọi là tinh tấn, nhưng làm quá nhiều thành ra tà tinh tấn. Cứ từ từ, từ từ và từ từ, chúng ta sẽ thành tựu. Trong cuộc đời bận rộn, là Phật tử tại gia, chúng ta hãy khéo. Ở đời hơn nhau chữ “khéo”. Nếu khéo tu sẽ thành tựu, không khéo tu, dù có ngày tháng miệt mài Kinh sách, gần chùa chiền, các đạo tràng, khóa này khóa kia cũng không thành tựu được đâu. Khéo, người khéo luôn luôn thành công. Khéo là biết lượng sức, hiểu thấu được hoàn cảnh của mình. Khéo là hiểu thấu pháp môn nào phù hợp với chúng ta. Khéo là tiếp cận được với phước báu, nhân duyên thấu rõ được bản thân và lời dạy của Chư Phật, ứng dụng đúng mang lại lợi lạc, ta cứ thế từ từ đọc từng trang, hành từng chữ và thời gian trôi qua, tích tiểu thành đại, chúng ta sẽ thành công.
Cho nên lời khuyên chân thật là hãy hỏi lại thử pháp môn ta tu có phù hợp với ta không? Bậc thầy hướng dẫn có nhân duyên, phước báu với ta hay không? Nếu hai điều kiện đều có thì điều kiện thứ ba đòi hỏi ở nơi ta là phải cố gắng, tức là tinh tấn, chúng ta sẽ thành công. Còn nếu điều kiện đầu không có thì ta cố gắng tư duy, tìm pháp môn phù hợp, tìm một vị thầy phù hợp, một bậc thiện tri thức phù hợp để hướng dẫn. Còn nếu ta có được cả ba điều kiện đó, các bạn từ từ sẽ thành công, đừng quá vội vàng mới đặt hạt giống xuống đã muốn trổ quả, thu hoạch rồi thì điều đó không bao giờ có, không bao giờ có. Đức Phật nói trong Đại Thừa rằng Ngài đã tu vô lượng kiếp, nay mới thành Phật, ta tu bao lâu rồi mà cứ vội vội vàng vàng mong muốn thành để rồi khi gặp những thử thách hoặc những người khác nói tới nói lui, ta nản chí, ta bỏ cuộc?.
Nhớ tiếp cận với vị Thầy và tìm hiểu xem vị Thầy đó có phải là vị Thầy nhân duyên phù hợp hướng dẫn cho ta không? Và tiếp xúc với pháp môn đó, phải luôn luôn đặt câu hỏi, đừng vội vàng tin. Qua sự trải nghiệm thấy pháp môn đó hữu dụng với chúng ta và hỏi lại ta có tinh tấn chưa? Có đủ ba điều kiện, dữ kiện đó, bạn nhất định sẽ thành công. Còn bạn chưa thành công là một trong ba điều kiện đó thiếu một, thiếu hai, hoặc thiếu cả ba. Cố gắng tư duy, nhận xét cho kỹ để bắt đầu trở lại trên cuộc hành trình thực tập khám phá những lý thú vi diệu của Phật tánh nơi ta vốn có. Mô Phật!
(50:36) Dạ, bạn có hỏi là nằm thiền, đứng thiền, đi thiền là hành như thế nào ạ?
Nằm thiền, đứng thiền, đi thiền, thiền là sao? Thiền tức là tỉnh giác. Chứ không phải thiền lúc nào cũng hít thở, hít thở, mình đang làm thì người ta hỏi, thiền. Hỏi tới thì mình nói: “Ôi! Tôi đang đi thiền, tôi đang đứng thiền, tôi đang nằm thiền”. Thiền tức là tỉnh giác, biết, biết mình đang tỉnh trong sự giác ngộ. Giác tức là hiểu, biết được tất cả mọi vấn đề. Cho nên nằm thiền, đứng thiền ngồi thiền, đi thiền, ăn thiền, bất cứ mọi hoạt động gì cũng gọi là thiền nếu chúng ta luôn luôn giữ được tánh biết Chánh Niệm.
Không nhất thiết phải ngồi xếp bằng, kiết già, bán già, tư thế này tư thế kia, rồi làm này làm kia. Không cần! Đó là giây phút chúng ta tập trung vào thì chúng ta tu tập mà thôi. Còn trong mọi hoạt động của cuộc sống, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, nói chuyện, coi tivi, làm việc trên máy vi tính, làm việc ngoài đồng áng, lái xe,…chúng ta đều có thể thiền được. Nếu luôn luôn Chánh Niệm thì đó gọi là thiền. Cho nên bạn cố gắng sống Chánh Niệm bằng cách thực tập hơi thở đều đặn trong mọi lúc hoạt động của cuộc sống, đi, đứng, nằm, ngồi, trong mọi sự làm việc và hoạt động của đời thường, đó gọi là thiền. Giữ Chánh Niệm gọi là thiền.
Cảm ơn, Mô Phật!
(52:02) Câu 05. Thưa Thầy! Khi quán chiếu vô thường, con thấy con có niềm tin vào người khác hơn. Khi người khác làm tổn thương con, con tin rằng người ta sẽ thay đổi và sẽ chuyển biến tâm tính của mình để hành xử tốt hơn, không sớm thì muộn vì ai cũng đều có Phật tánh và họ sẽ suy nghĩ lại. Vậy thì cách tư duy của con có đúng không hay con đang tự lừa dối bản thân mình ạ?
Cách tư duy đó là đúng! Cũng như nói rằng: “Sau cơn mưa trời sẽ sáng”. Nhưng có những cơn mưa mưa một ngày, có những cơn mưa bất chợt của những người sẽ làm việc đó để gây tai hại cho ta.
Phật tánh họ luôn luôn có, nhưng khi nào cơn mưa dứt, khi nào những bất thiện nghiệp không còn kéo họ để Phật tánh hiển lộ nơi họ thì chúng ta phải biết, có những cơn mưa dầm kéo từ ngày này qua tháng nọ, tùy theo mùa. Cho nên, nếu mưa dầm, đi ra ngoài, ta phải trang bị áo mưa, giày dép đi trong chỗ sình lầy để không bị té.
Cho nên có những con người đi vào cuộc đời của chúng ta tạo khó khăn, gây ra nhiều trở ngại, hiểu thấu được những cơn mưa như vậy sẽ dầm từ ngày này qua tháng nọ, kéo bao lâu, ta nào có biết được, quan trọng là chuẩn bị cho mình bộ áo mưa của Chánh Niệm, đôi giày của trí tuệ và cây gậy của từ bi, chúng ta nhất định sẽ vượt qua sự sình lầy ngang trái của những người kia đang đổ mưa xuống với chúng ta.
Nhớ, trí tuệ – từ bi và Chánh Niệm là đầy đủ binh khí, pháp khí để vượt qua. Dù mưa đó có ngàn năm, bạn cũng không sợ. Dù thử thách có liên miên thì bạn đã có đôi giày trí tuệ, cây gậy từ bi và hơi thở Chánh Niệm là áo mưa rồi, còn có gì để sợ.
Hãy thực tập trí tuệ – từ bi quán trong Chánh Niệm hơi thở. Dù cho người ta như thế nào đi nữa, dù cho nói ngả nói nghiêng lòng ta vẫn vững như ba ngôi Tam Bảo hiện hữu bằng Chánh Niệm, bằng từ bi và trí tuệ.
Mô Phật!
(54:20) Câu 06. Thưa Thầy! Làm sao để có thể an lạc quay về Chánh Niệm mà buông mê, buông sân, buông si? Dù biết nó khổ đó và trong giây phút này con đang cảm nhận từng cái khổ xâm chiếm tinh thần con nhưng không thể thoát ra được. Con xin Thầy khai thị và cho con lời khuyên ạ?
Khi chúng ta bước vào một phòng tối, đen tối đó, chúng ta bật đèn lên, chúng ta có cần phải buông bóng tối hay không?
– Không cần phải không các bạn? Bởi khi đèn sáng, bóng tối tự tan.
Bóng tối của Tham – Sân – Si, mê, chấp chỉ cần bật được trí tuệ lên là tự động rời xa, không cần phải buông.
Các bạn thử hỏi mình xem, khi vào phòng tối, bật đèn lên rồi thì bóng tối có cần buông không?
– Không! Nó mất liền.
Hay ở chỗ là chẳng cần phải buông Tham – Sân – Si, chỉ cần làm sao tiếp xúc trong đời sống Chánh Niệm, tu tập trí tuệ và từ bi thì mọi Tham – Sân – Si của chúng ta như màn đêm thôi, nó sẽ phải rời xa từ từ và biến mất. Tùy theo đèn trí tuệ của ta mạnh hay yếu, lu hay mờ để rồi Tham – Sân – Si kia như màn đêm, gần hay xa, hoặc tan biến toàn diện. Nếu đèn trí tuệ của ta sáng như mặt trời thì màn đêm chẳng còn hiện hữu.
Cho nên, mỗi một ngọn đèn trí tuệ của mỗi người tùy vào công hạnh tu tập mà Tham – Sân – Si của chúng ta sẽ bị đẩy lùi một cách tự động không cần phải buông. Chỉ cần bạn thực tập Chánh Niệm từ bi và trí tuệ trước. Như có ngọn đèn trên tay, màn đêm vẫn đâu đó, bạn đi tới đâu thì màn đêm đó sẽ bị đẩy lùi. Tham – Sân – Si trong cuộc đời sẽ bị đẩy lùi từ từ khi bạn biết thắp sáng trí tuệ – từ bi và Chánh Niệm.
Mong bạn tư duy thật kỹ, đừng vội vàng. Ngọn đèn ngay đây mà cứ muốn xua đuổi màn đêm xa vạn dặm. Bóng tối của nghiệp chướng bao trùm từ vô lượng kiếp nhưng mỗi khi thắp sáng được trí tuệ và lòng từ bi trong Chánh Niệm, ngọn đèn đó đủ, ngọn đuốc đó đủ để từng bước chân của bạn an lạc trong đời sống mà vươn về phía trước dù màn đêm dày đặc của những sự thử thách bạn vừa nêu ra.
Mô Phật!
(56:59) Câu 07. Theo con được hiểu, mỗi bản thể của con người chúng ta đều là một phần của vũ trụ. Tình hình hiện tại đều là do bất thiện nghiệp của bao đời nay mới trổ quả. Vào thời điểm đen tối như thế này, liệu mỗi một người chúng con góp một chút công sức nhỏ bé vào việc tu thiện, làm việc thiện thì có giúp đẩy lùi được bệnh dịch không thưa Thầy?
Ví dụ như chúng ta là một giọt nước, thế thì khi thả xuống dòng sông, hỏi rằng giọt nước cuộc đời của ta nằm ở đâu? Câu trả lời là nó chẳng nằm ở đâu hết. Nó nằm ở mọi chỗ nơi dòng sông đó khi dòng nước trôi đi. Chỗ nào cũng có hết, tuy rằng chỉ là một giọt nước. Cho nên ta, khi không tách riêng biệt là một giọt nước, hòa mình vào với tổng thể vũ trụ thì ta là tận hư không pháp giới. Trong pháp giới của chúng ta đang sống đây, có những bất thiện nghiệp như tình cảnh hiện tại thì mọi việc thiện đều tốt. Bởi vì trong dòng sông chảy, những mùa nước lũ tới, nó đục, nó dơ, nhưng dần dần nó sẽ lắng xuống và rồi nó sẽ trong trở lại. Mỗi một việc thiện chúng ta làm, mỗi một hơi thở Chánh Niệm chúng ta thực tập và thắp sáng trí tuệ, hồi hướng lan tỏa từ bi đều là từng hạt bụi đục ngầu trong dòng sông pháp giới vũ trụ hư không được lắng xuống và dần dần sẽ trở lại trong suốt.
Cho nên mọi hành động, mọi hành động, mọi suy nghĩ, mọi pháp thiện dù rất nhỏ, từ từ thiện, Chánh Niệm hơi thở, từ bi – trí tuệ, gọi phone thăm hỏi, thăm viếng người bệnh qua phone, qua tin nhắn hoặc qua mọi phương tiện, hoặc tiếp xúc, hoặc hướng dẫn, hoặc là giúp đỡ, các pháp thiện đó là những hạt bụi tác động vào dòng sông của cuộc đời đang bị đục ngầu bởi đại dịch để làm nó lắng xuống và trong sạch trở lại. Hãy tiếp tục làm như vậy! Điều đó có giá trị rất cao.
Khuyến khích bạn hãy thường làm như vậy trong hoàn cảnh khó khăn này để nhận ra diệu dụng của phương tiện dù rất nhỏ nơi pháp thiện mà phận người chúng ta có thể làm được.
Mô Phật!
(59:27) Câu 08. Thưa Thầy! Những việc mình làm đều sẽ trở về với mình đúng không ạ? Nếu như con muốn làm việc tốt nhưng chưa đủ duyên để làm thì con sẽ để tâm để làm phước sau. Có một vị Thầy nói rằng chúng con có thể mượn phước của Mẹ Quan Âm để vượt qua mọi khó khăn, rồi con sẽ làm phước trả sau, điều này có đúng không ạ?
Cách nói đó là một cách nói an ủi. Nghiệp ai người đó chịu. Nhân quả là do ta!
Ta có thể nương vào trí tuệ của Phật, nương vào ngọn đèn sáng của Phật để tự đi, nhưng ta không thể mượn trí tuệ của Phật. Phật nói Phật không thể trao ban trí tuệ. Phước báu, sự thành tựu an lạc, từ bi của các bậc Bồ Tát, Thánh Hiền luôn luôn ban rải cho chúng sanh. Nếu chúng ta đón nhận được là điều tốt, nhưng chúng ta làm sao để đón nhận?. Các Ngài không bao giờ bảo thủ, giữ lấy cho các Ngài. Không xin thì các Ngài cũng mang tới tận cửa để cho. Cũng như trong các đợt từ thiện, các bạn thấy nơi nào nghèo khổ, túng thiếu là các bạn mang tới, nhưng tâm bạn mang tới có được đón nhận hay không là do những người nhận đó. Đôi khi, có người nhận với tâm hoan hỷ, tri ân, có người không thèm nhận, quăng bỏ đi. Cho nên, Chư Bồ Tát cũng như chúng ta hành thiện vậy mà thôi. Tới tận cuộc đời gõ cửa để ban rải năng lượng tình thương, trí tuệ cho chúng ta. Còn chúng ta với tâm thái như thế nào, đón nhận như thế nào, là do chính chúng ta.
Sự sách tấn rằng hãy mượn của Ngài Quan Âm đó là cách nói thuần túy, dân dã, Bảo Thành cũng đồng ý vấn đề đó. Chữ “mượn” ở đây ta có thể thay đổi một chút xíu là nương vào lòng từ bi, chữ “nương vào”. Nương vào lòng từ bi, nương vào ân đức của Chư Phật, nương vào tình thương, trí tuệ Chư Phật ban rải xuống cho chúng ta với tâm hạnh sẵn sàng đón nhận bằng sự tu tập. Còn không thì như thằng Cuội ngồi dưới gốc cây sung, nó biết là cây sung có trái mà nó ngồi dưới đó, nó đợi gió rung qua rung lại để trái sung rơi vào miệng thì trường hợp đó hiếm vô cùng, không có. Chúng ta phải chủ động bằng tự lực đứng dậy tu Chánh Niệm hơi thở, từ bi quán chiếu. Thế thì không nương vào năng lực của Chư Phật, Chư Bồ Tát thì Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, Long Thiên, Hộ Pháp cũng tiếp cận và ban rải xuống cho chúng ta.
Cho nên nhớ, vị Thầy đó nói rằng mượn, được. Bảo Thành chuyển thành chữ “nương”, nương vào đại hùng đại lực của Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền và tự lực đứng dậy tu tập. Chúng ta khế hợp giữa tha lực và tự lực như pháp môn Thiền Mật song tu ta đã từng tu tập, nhất định chúng ta sẽ thành tựu được.
Mô Phật!
(1:02:46) Câu 09. Thưa Thầy! Cho con hỏi, nguồn gốc của Trái Đất và nguồn gốc Con Người theo góc nhìn của đạo Phật có giống theo lý thuyết khoa học ngày nay không ạ?
Mô Phật! Câu hỏi này sẽ là câu hỏi cuối nha.
Thật ra trong tất cả những câu hỏi, chúng ta nên hỏi về những sự tu tập.
Ngày xưa có một câu chuyện trong Kinh nói về một người bị mũi tên độc bắn vào tay và rồi bác sĩ tới gỡ tên độc ra để khử độc, nhưng anh ta nói đừng gỡ tên độc, đừng khử độc, tôi muốn biết tên này ai bắn, độc này ai làm, thuộc loại độc nào, kẻ thù đó có phải là kẻ thù truyền kiếp hay sao đó. Tức là muốn tìm hiểu đủ thứ hết. Bác sĩ nói, bây giờ anh đang bị độc và đang bị đau, sắp chết rồi, muốn biết toàn bộ thông tin kia hay muốn gỡ mũi tên, tẩy độc để sống?.
Thông thường chúng ta cứ miên man, đắm chìm trong những cái này, cái kia, cũng như hồi xưa, người ta thường tới Phật hỏi: “Thưa Phật! Có linh hồn hay không?”, Phật không bao giờ trả lời. Phật nói: “Có đau khổ không? Có đau khổ thì chuyển hóa đau khổ, còn linh hồn có hay không không quan trọng”. Nếu bạn không có đau khổ thì có linh hồn hay không có linh hồn thì chẳng có gì là quan trọng. Cho nên trong nhà Phật gọi là thần thức, tức là cái thức chứa đựng nguồn năng lượng của nhân quả thiện và ác.
Thật ra tất cả những lời Đức Phật dạy, khoa học ngày nay ứng dụng đều như lời Đức Phật dạy, phù hợp. Bởi vì sự hình thành của trái đất và con người, của tất cả trong pháp giới hư không này đều do lý nhân duyên, có cái này, có cái kia, nhân duyên phù hợp thì tương tác, giao thoa và hiển lộ thành tướng, tướng của không và tướng của có.
Tướng của có như năng lượng, có mà là không, không mà là có. Tướng của không như là vật chất, nó là có đó, nhưng mà là không. Cho nên dựa vào nền tảng nói không, nói có thì chúng ta phải có một cái nhìn không dính mắc sẽ thấu hiểu được. Do vậy, lời Đức Phật nói, tất cả đều do nhân duyên, nhân duyên có cái này thì có cái kia. Có sự tương hợp, phù hợp hình thành trái đất, hình thành tất cả mọi thứ. Và khoa học đã chứng minh, trái đất này được hình thành do những hạt bụi nhỏ li ti do có nhân duyên kết hợp vào với nhau từng hạt từng hạt, trải qua hàng tỷ tỷ năm và tạo thành thể cứng được gọi là trái đất, và trải qua biết bao nhiêu tỷ năm, bắt đầu tiếp cận với mặt trời, tiếp cận với vùng và khoảng cách để có được nước, có được không khí, hình thành môi trường sống. Điều đó Đức Phật chỉ nói trong hai chữ “nhân duyên”, lý nhân duyên. Có duyên sẽ hợp, không duyên sẽ hết, sự hình thành của vạn vật đều do duyên.
Cho nên, chúng ta, nếu tu cao hơn nữa thì hãy tìm hiểu sâu xa về những vấn đề đó. Nếu chúng ta là những người đang tu, Phật tử tại gia để giải quyết sự đau khổ, phiền não tự thân đang xảy ra, hãy rút ngắn lại những câu hỏi với quá tầm tay, không cần thiết để chúng ta tập trung vào chuyển hóa đau khổ, phiền não của chúng ta.
Những sự giải thích về vũ trụ học, về vũ trụ quan, về nhân sinh quan, về xã hội học hoặc về con người, hành tinh, các thứ, các bạn có thể tìm hiểu trên mạng. Bấm vào đó có những sự lý giải sâu sắc, chi tiết hơn dành riêng cho những bạn nghiên cứu về vũ trụ quan, vũ trụ học.
Trong chương trình này, chúng ta chỉ trả lời những câu hỏi liên quan đến sự tu hành của Thiền Mật song tu để làm sao chúng ta chuyển hóa đau khổ, sống Chánh Niệm, từ bi và trí tuệ.
Mô Phật!
——————————————
Thầy: Hôm nay còn câu hỏi nữa, ta sẽ để dành và thời hạn cho phép đã tới cho nên chúng ta ngưng ở đây.
Mô Phật!
Hồi hướng:
Chúng ta chắp tay hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Trong sự tham vấn những câu hỏi rất bình thường liên quan đến sự tu tập, khúc mắc của Phật tử tại gia, nếu tạo được chút phước báu nào, chúng con đồng hồi hướng cho quê hương Việt Nam và tất cả mọi đất nước đang bị đại dịch có đầy đủ phước báu để vượt qua sự thử thách trong giai đoạn mới này.
Xin Chư Phật từ bi chứng minh.