Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn! Chúng ta gặp gỡ nhau trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn mỗi ngày để chúng ta chia sẻ với nhau những mẫu chuyện nhỏ, tương tác như vậy gợi ý suy nghĩ về ý niệm sống mới trong mỗi ngày đối với đời sống bận rộn hiện nay của chúng ta.
Kính thưa các bạn! Con người với con người không thể tự tách biệt mình riêng ra khỏi với thế giới. Chúng ta sống chung với nhau và trong cuộc sống với xã hội chúng ta tương tác, trao đổi và nương vào với nhau như là một rừng cây có biết bao nhiêu loài cây ở trong đó. Một xã hội có biết bao nhiêu con người luôn gần gũi trao đổi giao thoa về mọi mặt để sinh tồn trong cuộc sống. Trong những việc trao đổi tương tác như vậy, nhiều lúc chúng ta cần phải minh định thật rõ là ta làm gì để mang lại hạnh phúc cho ta và cho muôn người. Các bạn, có một câu chuyện kể rằng:
Thuở kia, có một anh chàng, anh ta nợ thật là nhiều tiền của một ông chủ, nhưng anh ta không bao giờ chịu trả mà vẫn cứ tới ông chủ hỏi xin mượn tiền. Biết anh ta không chịu trả nhưng vì tình thương ông chủ vẫn sẵn sàng cho anh ta mượn tiền cho tới khi anh ta mượn quá nhiều mà không chịu trả thì ông chủ thấy rằng người này là người lợi dụng tình cảm để mượn tiền mà không chịu trả, đúng nghĩa hơn là chỉ lấy tiền của người mà thôi. Cuối cùng ông chủ cho người bắt anh ta và đòi trả lại số tiền đã cho mượn. Anh ta than khóc kể lể về số phận khổ cực của anh ta nào là phải nuôi vợ nuôi con nuôi mẹ già nuôi nhiều người, anh ta kể cả ngày và than khóc như vậy. Ông chủ cảm thấy thương tâm cho người này nên sẵn sàng tha thứ cho anh ta và nói rằng: Cuộc đời của anh còn có trách nhiệm lớn lao phải nuôi cha mẹ vợ con, số tiền anh mượn chưa trả thì thôi tôi tha thứ cho anh, từ nay tôi không tính sổ nữa. Nhưng số tiền đó đủ lớn rồi, anh hãy giữ mà cố gắng nuôi gia đình, đồng thời làm việc kiếm thêm tiền chứ đừng tiêu phí quá nhiều. Anh ta cám ơn ông chủ và đi về, vẻ mặt hoan hỉ vô cùng. Còn ông chủ thì thấy hạnh phúc vô cùng vì ngày hôm nay mình đã làm được một việc thiện là tha một con nợ với món nợ thật lớn khi nghe thấy cảnh khổ cuộc đời của anh ta, thấy thương. Ông ta trong lòng vui vẻ kêu gia nhân đưa mình đi dạo chơi trong khu phố đó như để chiêm nghiệm về niềm kiêu hãnh, hạnh phúc khi mình có thể tha thứ xóa nợ cho một người. Trong khi đang đi dạo quanh khu phố tới một ngã tư ông ta thấy sự ồn ào vô cùng, thấy lạ nên ông ta muốn dừng lại để coi chuyện gì xảy ra. Khi tới gần ông ta thấy bóng dáng của một người đang dùng 2 tay siết cổ một người kia già nua ốm yếu. Anh này gào thét lên rằng: Hãy trả nợ cho ta, tại sao ngươi nợ ta mà không trả. Ông chủ lắng nghe coi và thấy sao tiếng nói này nghe quen thuộc như thế, ông chủ cố nghe và tiến lại gần thì nhận ra rõ ràng người đang siết cổ ông già kia chính là người mình vừa tha thứ món nợ kếch xù mà anh ta mượn không trả. Ông chủ vẫn đứng để coi thử người kia sẽ làm gì. Còn người đã được tha thứ vẫn siết cổ ông già và nói thật to cho mọi người thấy: ông già này đã mượn tôi một cắc mà tôi đòi hoài không chịu trả. Nếu bây giờ ông ta không trả cho tôi một cắc đó tôi sẽ bóp cổ cho ông ta chết. Dân làng thấy ngỡ ngàng, chỉ có một xu một cắc mà làm gì lớn chuyện như vậy. Còn anh ta trong lúc nói bàn tay anh ta lại siết chặt cổ ông già kia. Ông chủ đã lắng nghe rõ ràng từ đầu chí cuối và tự hỏi tại sao anh ta mượn ta số tiền lớn không trả mà ta đã tha thứ hết, ta xóa sổ cho, còn ông già kia chỉ mượn có một cắc mà làm dữ ác, siết cổ cho đến chết để đòi một cắc đó. Ông chủ nổi giận sai quân lính của mình đến bắt anh chàng kia mang về nhốt vào trong tù.
Các bạn thân mến, câu chuyện nghe qua ai cũng hiểu thật là rõ ràng. Rõ ở chỗ là ở trên đời chúng ta có biết bao nhiêu những món nợ thật là lớn rồi chúng ta vì một hoàn cảnh nào đó được tha thứ. Nhưng chính chúng ta lại không thể tha thứ cho những ai nợ chúng ta dù chỉ một xu. Bảo Thành cũng có nhiều lúc như vậy khi còn trẻ, những cái nợ của người khác lớn lắm – họ đã tha thứ, nhưng có những nợ rất nhỏ của người khác nợ Bảo Thành mà Bảo Thành đã không thể tha thứ. Cho nên nhiều lúc hối hận và cảm thấy buồn cho tánh chấp trược của mình. Đi sâu một chút xíu để chúng ta thấy cuộc đời này chúng ta nợ gì và nợ ai là lớn nhất.
Các bạn thân mến, nếu nói theo đạo nghĩa của con người, chúng ta nợ ân nghĩa sinh thành của các đấng cha mẹ của chúng ta. Các ngài đã sinh ra chúng ta, nuôi dưỡng giáo dục để ta thành người. Món nợ đó Đức Phật nói đời đời kiếp kiếp không thể trả được ơn nghĩa cưu mang của cha mẹ. Nhưng cha mẹ không bao giờ màng tính toán món nợ đó với con cái, các ngài luôn tha thứ cho chúng ta. Thế mà trong cuộc sống của chúng ta, giữa tình huynh đệ anh chị em ruột thịt ở trong nhà chỉ có một chút xíu gì đó trong tình nghĩa đối xử với nhau được gọi là nợ nần thì chúng ta luôn luôn đòi hỏi cho công bằng rõ ràng. Ân nghĩa cha mẹ như trời biển, các ngài tha thứ bao dung che chở, nhưng đối với ân nghĩa của anh chị em chỉ một chút xíu ta coi quá nặng để rồi cả cuộc đời cứ luôn bắt người kia phải trả ân nghĩa cho chúng ta. Không hẳn chỉ có anh chị em mà ở đời đối xử với nhau cũng vậy. Có những món nợ bằng ân nghĩa – đã gọi là ân và nghĩa thì trả không hết được, của người lớn thì ta xin tha nhưng của người thiếu ta một chút xíu thì ta dày vò dày xéo. Có thể chỉ là chuyện gì đó trong một nghịch cảnh ta giúp đỡ ai chỉ chút xíu như là cho một ly nước, một bát gạo, một chén sữa hoặc cho mượn một chút tiền nhưng rồi trong tâm ý của chúng ta luôn mong cầu rằng người đó phải ghi ơn khắc cốt vào trong tâm khảm để trả ơn nghĩa đó. Các bạn, khắc cốt ghi tâm với ân nghĩa của chúng ta, chúng ta không bao giờ tha, chúng ta dai dẳng đeo đuổi họ, lúc nào cũng mang cái đó ra như là một cứu tinh. Nhưng rồi biết bao nhiêu con người trong cuộc sống đã cứu đã cưu mang chúng ta mà chúng ta không bao giờ nhớ tới. Thực tế của cuộc đời thực sự có những con người nợ nần đầy đầu, mượn của người này người kia nhưng không bao giờ muốn trả – tâm ý chỉ muốn lấy đi. Nhưng nếu có ai đó mượn của họ chút xíu gì thì họ không bao giờ biết tha thứ. Nợ từ tình, tiền, nợ trên mọi phương diện của cuộc đời là những thứ ta nợ người – xin tha, nhưng người nợ ta ta chẳng biết tha. Ân nghĩa, tiền bạc và những sự giao thoa trong cuộc đời, có những thứ chẳng phải là nợ mà chỉ là sự giúp đỡ theo tâm cảm trong tình người mà thôi. Thế nhưng nếu ai có một tâm nhỏ bé ích kỷ thì thường khi giúp người vẫn coi người nợ ta. Cho nên trong cuộc sống này biết bao nhiêu khổ nó luôn dày vò tâm can của những con người có tâm ích kỷ nhỏ bé đó. Câu chuyện ngày hôm nay nói nên rằng nếu ta xin tha thứ mà chẳng thể tha thứ cho người khác thì sự tha thứ ta xin đó chẳng bao giờ được thứ tha. Trong nhà Phật của chúng ta, ta cũng xin sự tha thứ qua hình thức là sám hối. Ta không tha thứ cho ta và ta cũng không tha thứ cho người trong pháp sám hối của nhà Phật, ta cũng chẳng xin sự tha thứ của Phật của trời đất nhưng sám hối của nhà Phật là cách chúng ta nhìn lại lỗi lầm của mình, nhìn rõ để sửa để tha thứ cho bản thân cũng như nhìn lại lỗi lầm nếu tương tác với người, ta phải dám mạnh dạn xin lỗi người để có được sự tha thứ. Nhưng trong cuộc đời chúng ta sám hối, ít khi nào chúng ta tha thứ cho người. Có thể một phần nào đó ta tha thứ cho bản thân nhưng ta không tha thứ cho người hoặc chúng ta chưa bao giờ xin sự tha thứ của người với chúng ta. Qua câu chuyện chúng ta phải nghĩ tới một góc độ mà nó ảnh hưởng tới đời sống của chúng ta thật rõ – hãy tha thứ cho người như ta được tha thứ. Các bạn, ở đời ai không lầm lỗi, đời người yếu đuối vô cùng. Đương đầu với nghịch cảnh cuộc sống chúng ta luôn luôn lầm lỗi, sai phạm, xúc phạm đến người khác, sự tha thứ của ta với người và sự thứ tha của người với ta là nhịp cầu được gắn kết để ta có thể đi lại trong cuộc sống với tâm an tịnh. Còn nếu như chúng ta được sự tha thứ của người mà chẳng biết tha thứ cho người khác dù chỉ là lỗi lầm rất nhỏ như anh chàng kia, xin ông chủ tha thứ cả một món nợ kếch xù nhưng bản thân của anh ta chẳng thể tha thứ cho một ông già chỉ nợ anh ta có một cắc nên phải nhận quả đắng là ngồi tù. Các bạn, cuộc đời có những lúc túng thiếu về muôn mặt, chúng ta phải nợ về ân tình, về ân nghĩa, tiền bạc, có nhiều nợ khó diễn giải. Nhưng chúng ta nhớ rằng sự tha thứ của người rất quan trọng nếu ta biết tha thứ cho người khác. Trong lúc này đây, ngoài sự tha thứ chúng ta còn phải biết trả ân nghĩa bằng đời sống của chính mình để thể hiện rằng ta được sự tha thứ. Ví dụ anh chàng kia nếu như không đòi ông cụ kia nợ 1 cắc khi thấy ân nghĩa của ông chủ đã tha thứ cho mình và còn sẵn sàng tặng thêm cho ông cụ vài cắc nữa thì đó là mình đã thể hiện một việc làm xứng đáng đón nhận sự tha thứ. Đức Phật dạy: Ân chư Phật, ân các bậc thầy tổ, ân cha mẹ, ân tổ quốc tất cả những ân đó khó có thể trả hết được. Nhưng chư Phật không bắt lỗi, chư tổ thầy, cha mẹ, tổ quốc không bắt lỗi. Ý nghĩa của cuộc sống là ở chỗ chúng ta làm gì, sống như thế nào để có thể đáp lại ân nghĩa của tổ quốc, đồng bào, thầy tổ, cha mẹ.
Các bạn, chúng ta nhớ rằng hãy làm trọn vẹn với tâm thiện. Chúng ta sám hối là tự tha thứ cho bản thân để sửa thì chúng ta cũng cần phải tha thứ cho những ai phạm đến ta và xin sự tha thứ của ai đó mà ta đã phạm đến họ. Hãy nhớ rằng ở trên đời dù ít hay nhiều, dù nhỏ hay lớn thì khi những sai phạm chúng ta được người tha thứ, ta cũng phải nghĩ đến những ai đã xúc phạm đến ta để biết tha thứ cho họ. Như vậy mới có thể cân bằng được trạng thái an vui trong cuộc sống và giữ được chánh niệm trong cuộc đời. Chẳng thể than vãn để được tha thứ nhưng chẳng bao giờ biết thứ tha những ai phạm đến mình. Các bạn, hãy sống theo gương biết tha thứ cho nhau để cuộc sống của chúng ta được hưởng hạnh phúc. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.