Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa!
Con nguyện Mười Phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào tất cả các bạn. Chúng ta khi vui thì cũng chia sẻ với mọi người, nhưng cái vui mà để chia sẻ với mọi người thì hiếm hoi. Đời sống đầy rẫy những vui buồn lẫn lộn. Có những lúc chúng ta thật là vui nhưng nhiều lúc chúng ta thật buồn. Chuyện vui chúng ta kể cho nhau nghe, chuyện buồn chúng ta cũng kể, khác biệt là cái vui ta kể nhẹ nhàng rồi thôi, ai cũng thế. Nhưng những cái buồn chúng ta than thở, than thở về buồn, than thở về bất như ý, than thở về những điều không may trong cuộc sống, than thở về nhiều thứ. Mà có lẽ trong cuộc đời của các bạn và Bảo Thành chúng ta quen cái cách than thở, cứ la cứ mắng, than thở như là một căn bệnh truyền nhiễm, nó truyền từ đời này qua đời khác, truyền từ người này sang người khác. Ngay cả khi chúng ta thành công, có ai hỏi thì chúng ta cũng ít khi nào nói thành công, rồi khi chúng ta thất bại thì cũng than thở, hình như cái thói quen than thở nó nằm trong di truyền trong con người, nằm trong cách sống.
Các bạn trở lại bình tĩnh một chút, các bạn nhìn đi. Ngay cả trong cuộc sống vợ chồng hay cuộc sống của gia đình, chúng ta thấy than thở quá nhiều, mà đôi khi những người than thở làm cho chúng ta mệt. Cuộc sống đã bận rộn, mỗi người chúng ta đã phải đương đầu với biết bao nhiêu chuyện trong cuộc sống, chúng ta cần có sự bình an, cần có một năng lượng tích cực hơn trong cuộc sống. Những sự than thở đó nó đầy rẫy trong cuộc sống, những sự than thở đó người ta không kìm được và nhớ rằng năng lượng tiêu cực từ than thở nó gây ra phiền não và giết chết nhiều người, nó làm cho cuộc sống không còn vui. Than thở là một thói xấu. Đó là một cách sống tiêu cực. Than thở còn là sự cộng tác để tạo ra nghiệp bất thiện. Bởi khi phiền não thì nhiệt của phiền não sẽ tăng trưởng và cánh cửa của tâm thức được mở để thả tự do cho những bất thiện nghiệp.
Sống ở trên đời đã biết bao nhiêu những chuyện mệt mỏi, phiền não rồi thì người ơi chúng ta hãy đừng than nữa. Chúng ta không nên than vì khi chúng ta than thở quá nhiều, không những làm đen tối tâm thức của người khác mà tự làm cho cuộc sống tinh thần thể chất của mình cũng trở nên đen tối. Cuộc đời, tư tưởng, tinh thần của chúng ta cũng sẽ than như một màn đen, than riết nó còn đen hơn than nữa các bạn.
Có một câu chuyện kể như vậy. Có một anh thanh niên, anh ta là học trò của một vị thiền sư, nhưng anh này từ khi nhận thiền sư làm thầy, chuyện to chuyện nhỏ anh than thở hoài. Anh ta than quá trời là than. Biết rằng người đệ tử của mình có máu than, có tư tưởng than và có một cuộc sống luôn luôn than rồi có cách sống thói quen là than trước. Bất cứ chuyện gì khi nói chuyện với thiền sư, người học trò này than trước. Mà nhiều khi than từ sáng đến tối, cách than thở tiêu cực đó nó cứ đeo đuổi người học trò này mãi, tạo thành một nhân cách, thói quen mà gặp là than. Cách sống than thở như vậy nó đè nặng lên tâm thức của người học trò, để rồi bao nhiêu sự khai thị của vị thiền sư, học trò không học được, không ứng dụng được.
Một hôm, vị thiền sư đó lấy một muỗng muối út nhỏ, hòa vào ly nước, rồi đưa cho người học trò uống trước mặt mình. Các bạn biết không? anh học trò này vui mừng, bởi thấy thiền sư là thầy cho mình một ly nước thì thầm nghĩ “ly nước này nhất định đã được hóa phép, đã được ban phép, đã được gia lực trì chú cho nên có lẽ ly nước này mang lại nhiều điều kỳ diệu”. Anh ta cầm ly nước ngần ngại không uống, bởi đang quán chiếu coi mầu nhiệm gì trong ly nước này. Nhưng vì thiền sư mới nhắc nhở “con à, con uống ly nước vô rồi con nói cho thầy biết coi ly nước này nó như thế nào”. Người học trò hạnh phúc quá, cả cuộc đời nay mới thấy thầy ban tặng cho một ly nước, ly nước này thần thông chú nguyện, chắc có nhiều điều hay. Anh ta mới bạch thiền sư: “dạ vâng con sẽ uống.” Rồi anh ta đưa lên miệng, nốc một cái vô hết ở trong bụng, cả một ly nước nó cạn thật là nhanh.
Khi anh ta uống vào, anh ta sặc sụa, than thở “bạch thiền sư, nó mặn như muối, làm sao không uống được, con bị sặc nè.” Thiền sư mới nói “À, ly nước đó được ta pha muối, nó mặn”. Rồi rồi anh học trò than, than, than. Vị thiền sư dắt anh ta ra một hồ nước thật là lớn. Không phải một thìa, mà cả một hũ muối lớn thả xuống dưới hồ và kêu đệ tử uống nước dưới hồ. Người đệ tử uống nước dưới hồ, xong rồi vị thiền sư hỏi “nước hồ ngọt hay mặn?” Anh để tự nói “bạch thiền sư, nước hồ thật là ngọt”. Lúc đó thiền sư mới dạy cho đệ tử. Con ơi! Chỉ một ít muối thật là nhỏ nhưng để vào cái ly nhỏ muối nó sẽ mặn, nhưng đổ một hũ muối lớn kia, đổ xuống cái hồ lớn thì nước đó vẫn ngọt. Cái khác ở trên đời là con lấy cái tâm địa nhỏ bé để dung nhiếp những hiện tượng xảy ra, hay con lấy tấm lòng bao dung độ lượng từ bi lớn như hồ nước kia để chứa muối. Nếu con lấy tâm địa nhỏ hẹp của con để con nhìn những sự việc xảy ra, thì con sẽ than suốt cuộc đời như từ thuở con gặp ta. Nhưng nếu như con lấy tấm lòng bao dung rộng lớn như hồ nước thì bao nhiêu muối mặn có đổ xuống, nó cũng có thể dung nạp và hòa tan để thật ngọt, than thở của con sẽ hết. Cuộc sống không nên than, mà để hết sự than thở đó con phải tăng trưởng lòng bao dung.
Các bạn thân mến, chắc chắn là các bạn đã tìm, hoặc đã gặp, hoặc đang sống chung quanh với một người như kẻ học trò này, luôn luôn than với thầy của mình là vị thiền sư. Có thể các bạn sẽ áp dụng theo phương thức của vị thiền sư kia, pha muối vào ly cho người học trò đó uống, rồi đổ muối xuống hồ, có lẽ người đó sẽ không làm theo đâu. Nhưng các bạn có thể tư duy một chút xíu. Không phải là các bạn sửa những người hay than, mà nhìn vào trong tâm của chúng ta. Một phần trong cuộc sống của các bạn, một khoảnh khắc nào đó đã trôi qua, Bảo Thành và các bạn đã sống trong sự than thở. Có lẽ ngay trong hiện tại bây giờ Bảo Thành và các bạn cũng còn thường than thở. Không nhìn trong tiêu chí tích cực lành thiện, mà chỉ ràng buộc trong tiêu cực để than thở tối ngày, bôi đen cuộc đời, sống trong vô minh. Chúng ta phải có một cái nhìn tích cực hơn để không còn than, để khỏi bị đen, để không còn sống trong vô minh.
Than thở là bởi vì tâm trí của chúng ta nhỏ, nên những sự việc xảy ra luôn lỉnh kỉnh trong đó như ly nước nhỏ pha muối uống vào nó mặn. Còn nếu như Bảo Thành và các bạn thực tập được để có lòng bao dung rộng lớn, từ bi, thì cả một thùng muối và vạn sự không như ý xảy ra thì tấm lòng với cái tâm bao dung đó và nó sẽ chuyển hóa để không còn than thở. Chướng ngại trong than thở không tốt, gây não phiền cho mình và cho người. Than thở nhiều sẽ đen thui tâm trí và đen thui cả bề mặt tâm trí này và còn lan ra những người sống khác. Ta đã đen thì đừng làm cho người ta đen. Ta đã phiền thì đừng tạo ra môi trường than thở. Ý thức được điều đó, các bạn nên cố gắng tu tập để có một lòng bao dung rộng lớn và chất chứa mọi sự vào trong cái phòng rộng lớn của tâm bao dung đó. Nó sẽ được sàng lọc và các bạn không còn than nữa, không còn sống trong tiêu cực, mà các bạn sẽ sống trong năng lượng tích cực.
Làm sao các bạn có thể có được điều đó, chúng ta trở về với sự dạy dỗ của Đức Phật với pháp thiện chánh niệm, làm chủ hơi thở vào ra và phát tâm bao dung. Các bạn phải sử dụng được tâm bao dung, loại bỏ tất cả mọi chuyện bất như ý xảy ra trong đời vào cái tâm bao dung đó, các bạn sẽ sống hạnh phúc chẳng còn than thở, không còn đắm chìm trong năng lượng tiêu cực. Và các bạn sẽ sống trong năng lượng tích cực để đi tới đứng dậy vươn lên.
Các bạn hít vào như Đức Phật dạy, ta biết hít vào, thở ra quán chiếu lòng bao dung, các bạn cứ hít rồi các bạn thở, các bạn rải tâm bao dung, mang tấm lòng bao dung để mà chứa đựng tất cả những hiện tượng xảy ra trong cuộc sống. Chỉ có lòng bao dung mới có thể nuôi dưỡng được năng lượng tích cực, để sống an nhiên và tự tại trong hơi thở chánh niệm.
Các bạn thân mến. Sự thực tập không khó, khó là chỗ chúng ta chưa nghe, chúng ta chưa cho phép mình thực tập để thấy sự ứng nghiệm của nó vào đời sống. Nếu thấy nó có sự ứng dụng tốt đẹp, không còn phiền não và chúng ta tự nhiên không còn than thở trong sự tiêu cực mà sống trong sự hoan hỷ hân hoan bởi năng lượng tích cực, các bạn phải nên thực tập. Các bằng hít, các bạn thở, các bạn biết hít, biết thở. Lấy cái tâm biết đó để nhận biết từng hơi thở vào ra, an trú trong cái biết của chánh niệm hơi thở và rải lòng ra trong cái tâm bao dung. Công phu tu tập tạo nên một lực thật lớn để bạn sử dụng được tấm lòng rộng lớn, lòng bao dung mênh mông vô tận. Để muôn sự ở đời bất như ý, nó không làm phiền tới các bạn, để cả cuộc đời của các bạn không còn một tiếng than. Và cả cuộc đời, sự thay đổi đó nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống xung quanh và tiếng than để làm đen cuộc đời ta và cuộc đời của những người khác sẽ không còn nữa. Chúc các bạn tịch tĩnh và an vui
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa!