Bảo Diệu Tâm đánh máy,
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn đang ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn. và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.
Các bạn thân mến! Bối rối là một trong những hiện tượng thường xảy ra trong cuộc đời, hoang mang cũng vậy. Và khi các bạn bối rối hoang mang bởi nhiều chuyện lộn xộn ở trong đầu, thì trong giây phút đó, nếu các bạn cố gắng tìm mọi cách để giải quyết, chúng ta sẽ đi tới chiều hướng đi xuống tệ hơn. Bởi ta quá vội vàng mà khi bối rối hoang mang rồi thì có dụng công, dụng sức tới đâu, nó càng rối mà thôi.
Có khi nào các bạn trải nghiệm thực tế trong cuộc đời của mình khi đương đầu với một sự việc mà tinh thần suy nghĩ bối rối hoang mang chưa? Những lúc như vậy, mỗi người chúng ta cố gắng vượt qua và suy nghĩ dồn sức vào trong cơn khủng hoảng bối rối hoang mang đó, tìm cách giải quyết, nhưng rồi nó càng làm tệ đi, xấu đi. Chúng ta chưa có thói quen biết dừng lại. Chúng ta chưa có thói quen biết cho mình thời gian để sự bối rối, hoang mang, sợ hãi kia lắng xuống. Ta cứ lao đầu về phía trước như con thiêu thân thấy ánh sáng để bay vào, nhưng không ngờ đó là ngọn đèn tự thiêu chết mình. Và trong sự hoang mang, lo sợ, bối rối đó, ta cứ tưởng rằng ta dùng công cho mạnh, dùng sức cho mạnh, dùng trí tuệ cho mạnh, thì nhất định sẽ có được ánh sáng hy vọng ở đằng trước. Cần thực tập một đời sống thong dong, tự tại, biết dừng lại, lùi về phía sau, để nhìn thấy chiều rộng và chiều sâu của vấn đề.
Câu chuyện thời đó Đức Phật cùng đệ tử đi kinh hành tới một làng mạc xa. Đi ngang một khúc sông Phật nói các đệ tử rằng: “Các con hãy xuống lấy nước cho thầy uống, thầy khát nước” Chúng đệ tử nghe lời của thầy mình thì đi xuống sông để lấy nước. Khi xuống bờ sông thấy một nhóm phụ nữ đang giặt giũ quần áo ngay bờ sông, nước đục ngầu và dơ dáy với quần áo đang giặt. Họ không có lấy nước mà trở về nói với thầy: “Thưa Phật chúng con thấy một nhóm phụ nữ họ đang giặt giũ quần áo dơ dáy mà nước đục ngầu, nên không thể lấy nước về cho thầy uống. Đức Phật dạy: À vậy! Ở đằng kia có bụi cây, hãy ghé vào đó nghỉ ngơi đi các con. Chúng đệ tử cùng Đức Phật tới gốc cây ngồi nghỉ, khoảng độ trên nửa tiếng, Phật mới lại nói với chúng đệ tử: “Các con hãy trở lại chỗ cũ lấy nước cho thầy uống” Chúng đệ tử đi lại khúc sông đó thì nhóm phụ nữ kia họ giặt xong từ đời nào, đã đi về rồi. Khúc sông sau nửa tiếng đục ngầu mà dơ dáy quần áo, nay đã lắng xuống, nước chảy trong suốt. Họ thấy đây là lúc có thể lấy nước về cho thầy đây nên họ lấy nước về đưa cho Đức Phật.
Đức Phật cầm ly nước quán chiếu và nói nhẹ nhàng: “Nước đã trong và đã uống được” Nên Ngài uống vào miệng mỉm cười nhẹ nhàng. Rồi Ngài nhìn chúng đệ tử và dạy cho chúng để tử một ý nghĩa trong cuộc sống. “Này các con! nước đục bởi người ta khuấy lên, nước dơ là bởi người ta muốn gội rửa cái dơ dáy của họ, nếu uống ngay lúc đó nước dơ nước đục. Nhưng chúng ta biết ngồi ở đây nửa tiếng để chờ họ làm xong đi, nước lắng xuống đã trong là hết dơ, các con đã mang về cho thầy uống. Ở đời cũng như thế các con, khi tâm của các con tự khuấy động cho nó rối rắm, đục ngầu, bởi những sinh hoạt hằng ngày. Các con nhớ rằng, đừng ngay lúc đó mà xông vào trong đó, để rồi đào, để rồi bới, để tìm cái gì đó, để ăn, để uống hoặc là để giải thoát. Mà các con hãy biết nghỉ ngơi, biết buông thư nhẹ nhàng và cho mình ngồi đó lắng đọng, nước nó sẽ trong, bởi bụi sẽ lắng xuống. Tâm của chúng ta cũng như thế, không cần phải dụng công quá sức, phải vận dụng quá sức, các con chỉ cần buông thư trong hơi thở bình thường nhẹ nhàng. Và với cái nhìn tự tại, với hiện tượng đang xảy ra thì tâm của các con như dòng sông kia bụi sẽ lắng xuống, dơ sẽ chuyển đi, để lại sự trong suốt để ta có thể uống.
Hầu ở trên đời bất cứ một việc gì xảy ra, khi nó đục ngầu, rối rắm, hoang mang, sợ hãi, các con hãy sống một cách buông thư trong hơi thở nhẹ mà thôi, không cần phải ứng dụng một pháp gì hết, chỉ sống buông thư nhẹ nhàng hít thở thì tâm thần sẽ tịch tĩnh. Chính trong sự tịch tĩnh đó, chánh niệm một chút xíu ngay trong hiện tại, các con sẽ nhìn thấu mọi sự việc để giải quyết.
Các bạn thân mến! Lời dạy thật chí lý của Đức Phật song hành với một hiện tượng trên khúc sông đục ngầu, dơ dáy nước để uống. Chúng ta đã bao nhiêu lần uống vội uống vàng vào trong những cái hoàn cảnh đục ngầu rối rắm, để rồi sau đó chúng ta phải khóc thương cho chính mình bởi những hành động, lời nói, trong sự bối rối, bực bội, hoang mang kia, đã không phù hợp với nhân cách chính của ta. Để gây ra sự chia rẽ đau buồn, để gây ra kết quả thậm tệ, tồi hơn lúc trước.
Hãy tập sống buông thư và nhẹ nhàng. Đời sống có bao nhiêu những vấn nạn sẽ tới với chúng ta và cũng có thật nhiều những phước báu tới với chúng ta, chỉ cần chúng ta biết sống. Đời sống buông thư là người biết đợi chờ cho nước lắng xuống để uống nước trong. Đời sống buông thư chỉ cho ta có tầm nhìn để nhận rõ phước báu và giá trị của phước báu qua những việc ta tác thành trong cuộc sống. Để không cần phải uống nước đục, nước dơ, để không cần phải lao đầu dụng công quá mức mà hao tổn sinh khí. Chỉ cần thật nhẹ nhàng một đời sống buông thư theo hơi thở vào ra. Chỉ có thể dòng sông chảy sẽ chuyển hóa cái đục, cái xấu, cái dơ bẩn đi và lắng xuống. Dòng tư tưởng luôn luôn chảy ở trong hơi thở vào ra như dòng sông đó, sẽ gạn lọc tất cả mọi sự bối rối, hoang mang để làm trong suốt tư tưởng và suy nghĩ, để dẫn đường định hướng làm cho rõ mục tiêu, để chúng ta giải quyết mọi vấn đề trong cuộc đời.
Do đó khi mà có nhiều chuyện xảy ra như một nhóm phụ nữ giặt trên bờ sông, các bạn nhớ phải buông thư nhẹ nhàng, chờ đợi. Sự việc xảy ra quá bối rối, nhiều chuyện liên tục, dồn tới chóng mặt, quay cuồng, nhức đầu, điên đảo, khó chịu, và những lúc như vậy chúng ta thường giận dữ khó chịu. Mà càng giận càng sân làm cho việc nó càng đi theo chiều hướng không phù hợp. Sống buông thư trong chánh niệm hơi thở là một pháp vi diệu không cần phải đặt tên, để chúng ta gạn lọc cái tâm cho trong suốt, ý tưởng cho lành thiện để chúng ta vươn lên. Cũng trong vấn đề đó, cũng trong sự việc đó, các bạn sống buông thư như vậy. Các bạn nhớ sống trong chánh niệm hơi thở như thế, các bạn sẽ thành tựu được đời sống hạnh phúc thực sự.
Bảo Thành tin chắc rằng các bạn và Bảo Thành đã nhiều lần bị khuấy động bởi muôn sự việc trong đời xảy ra, Rồi làm sao? trong những lúc đó Bảo Thành và các bạn không có đủ sự bình tĩnh, bởi không có thường xuyên tập luyện đời sống buông thư trong chánh niệm hơi thở, nên cứ lao đầu vào, gắng sức để giải quyết vấn đề. Và rồi các bạn thấy đó, ta không giải quyết được gì, nhất là trong mối tương giao giữa hai con người với nhau. Khi hai người như một nhóm khuấy động dòng sông, ta phải biết buông thư. Khi vợ nói những chuyện khuấy động tâm thần làm cho người chồng nhức đầu, người chồng phải thực tập đời sống buông thư nhẹ nhàng trong chánh niệm. Chứ còn lúc đó mà người chồng lại nhảy xuống dòng sông quậy phá nữa, thì cả dòng sông sẽ đục mãi không bao giờ trong suốt. Chính vì có lẽ không hiểu được điều đó, mà trong gia đình nhiều khi vợ hoặc chồng là những nguyên nhân gây ra sự sóng gió trong nhà, rồi cũng vợ chồng lại tấp vào làm ồn ào thêm. Do đó gia đình ổn ào mất hạnh phúc, vợ chồng có ác cảm nhìn nhau không được thiện hảo và cứ luôn luôn bị ám ảnh bởi những điều đó. Những lúc như vậy, chúng ta thường thốt lên những lời đay nghiến, những lời xấu để làm tổn thương người bạn đời mình mãi mãi, khó có thể hàn gắn ám ảnh suốt cuộc đời.
Vậy nên chúng ta hãy cố gắng thực tập đời sống buông thư trong chánh niệm hơi thở, để khi cuộc đời va chạm giữa tình nghĩa vợ chồng trong gia đình, hoặc với người thân, hoặc người tương tác hằng ngày. Ta có sự chừng mực để biết nhìn xa hiểu rộng, nuôi dưỡng thân tâm trong sự buông thư nhẹ nhàng của chánh niệm hơi thở, để giải quyết mọi vấn đề theo trí tuệ mà nhìn thấy thật rõ, để không còn bối rối lao đầu vào trong đêm đen.
Các bạn! Chúng ta hãy nhận diện ra điều như vậy, như con thiêu thân đừng lao đầu vào ngọn đèn sẽ chết đốt cháy. Hãy cố gắng thực tập chánh niệm hơi thở, không những làm cho trí tuệ trong suốt như dòng sông kia, mà giúp cho chúng ta chậm rãi, tịnh tỉnh, an nhiên để nhìn dòng đời trôi nổi, đục trong ta vẫn hạnh phúc. Bởi ta biết đúng thời, đúng lúc, khi nào uống nước trên dòng sông cuộc đời đó. Và chúng ta biết cách làm sao để cho mình có được sự tịch tĩnh chờ đợi. Dòng sông của cuộc đời đục ngầu lắng xuống để tự trong suốt với cái vận hành hơi thở chánh niệm. Đời rất cần sự bình an, đời rất cần sự hạnh phúc – Đó là chân lý Đức Phật đã dạy mọi chúng sanh đều mong cầu điều đó. Mong cầu phải có một hành động cụ thể, phải có một sự tu tập rõ ràng, sống buông thư trong hơi thở chánh niệm và thực tập điều này, nhất định các bạn sẽ tăng trưởng được nội lực và sức mạnh, để giải quyết mọi vấn nạn trong cuộc đời.
Các bạn cứ thử đi, sẽ thấy nó nhiệm màu vô cùng, bởi Phật đã thành công và các bậc Tổ xưa theo chân lý của Phật cũng thực hành những pháp này. Ngày nay nhiều vị cũng thực hành và thấy rằng thực tập đời sống buông thư trong chánh niệm hơi thở, có lợi cho sức khỏe, giảm được bệnh tật, tăng trưởng được suy nghĩ và sống luôn an vui. Rất cần! Chúng ta rất cần một sức khỏe, cần sự trong sáng, cần sự an vui trong cuộc đời.
Nếu vậy thì hãy thực tập nghe các bạn! Đơn giản không cần phải gượng ép, không cần phải ép buộc, buông thư nhẹ nhàng. Hít vào thở ra, nhìn hơi thở vào, nhìn hơi thở ra một cách thật là nhẹ buông thư! buông thư! Là các bạn đã có một đời sống tốt đẹp.
Cảm ơn các bạn đã nghe!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa