Thu Hằng đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điền đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào tất cả các bạn trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn. Hôm nay Bảo Thành lại gặp các bạn để chúng ta chia sẻ về lời Đức Phật dạy trong sinh hoạt hàng ngày của cuộc sống. Đời sống của chúng ta cứ bôn ba hoài từ sáng cho tới tối. Rồi từng ngày từng ngày trôi qua lặng lẽ, thoáng một chốc tuổi đời đã lớn rồi mà thời gian chúng ta dành để suy nghĩ về cuộc đời hay lời giáo huấn của Phật rất là ít. Có lẽ là bởi vì truyền thống Phật giáo của chúng ta trải dài theo lịch sữ của Việt Nam, ít có khi nào tạo điều kiện cho người Phật tử lui tới tu học giáo ký của Đức Phật để áp dụng vào cuộc đời. Mà chỉ khi nào chúng ta có chuyện xảy ra với cá nhân, thì chúng ta tới Phật, tới với chùa, đặc biệt là lúc chúng ta đau khổ vì nhiều lý do như người thân mất hoặc là chúng ta đương đầu với cuộc sống khó khăn thử thách không vượt qua được. Chúng ta tới với Phật như là một điều để cầu xin Đức Phật ban rải điều gì đó cho chúng ta. Nhưng thường ngày cuộc sống chúng ta không tới với Phật, chúng ta quên Phật.
Đạo Phật không phải là một phép màu để ban rải cho chúng ta những điều cần thiết. Đức Phật không phải là một ông chủ của chúng ta để rồi khi đau khổ thiếu thốn chúng ta chạy tới. Mà Đức Phật là bậc thầy khai thị dạy dỗ cho chúng ta. Nếu chúng ta thiếu kiến thức sống ở đời chúng ta tới trường để học, chúng ta thiếu kiến thức tâm linh, chúng ta tới chùa để học. Đức Phật dạy cho chúng ta một đời sống tâm linh để từ đó những gì suy nghĩ trong đầu, những gì suy nghĩ ở trong tâm nó thể hiện thật rõ ra hành động, lời nói và việc làm của chúng ta. Nhà Phật gọi là tướng do tâm sanh. Nếu tâm của các bạn trong suốt, lời nói của các bạn sẽ dễ thương, ngọt ngào, đầy ái ngữ mang lại hạnh phúc cho muôn người. Nếu tâm của các bạn dơ bẩn, lời nói sẽ thô lỗ cục cằn rồi nó chuyển thành những hành động tạo khổ cho những người khác. Từ đó mà mỗi một con người sống ở trên đời này, chúng ta hiểu được Phật pháp thì Phật pháp là con đường dẫn chúng ta chuyển sửa tâm để tâm đó luôn luôn lắng đọng ở trong sự thanh tịnh. Từ sự thanh tịnh của tâm mà thể hiện ra bằng ngôn ngữ, thể hiện ra bằng hành động, thể hiện ra bằng sự suy nghĩ tạo tác liên quan tới cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Các bạn thân mến, tướng do tâm sanh thực sự là có thật. Bởi khi chúng ta phiền não, chúng ta ăn nói nó không ổn định, ngôn ngữ nó không phù hợp. Mà khi chúng ta hạnh phúc, ngôn ngữ tươi đẹp hơn. Và khi chúng ta có sự tịch tĩnh an nhiên, không những ngôn ngữ, hành động mà tất cả những điều chúng ta làm đều dựa trên một nền tảng tâm thanh tịnh từ đó mà muôn người khi tiếp xúc với chúng ta được hạnh phúc.
Có một câu chuyện được dịch đơn giản để dể hiểu, ông Tô Đông Pha, ông ta là một nhà văn lỗi lạc thời xưa của Trung Hoa thời nhà Đường, ông ta rất là giỏi văn chương, thơ phú. Tuy nhiên ông ta cũng thích so tài với các bậc cao tăng thạc đức, thường lui tới các chùa gặp các bậc xuất gia để tra vấn, để thử, và để so sánh tài năng ứng phó thơ phú của mình. Một hôm ông ta tới chùa gặp một lão sư và rồi nghe lão sư mời ngồi thiền, ông ta ngồi thiền cùng với lão sư. Qua một vài giây phút ông ta cảm nhận được sự hỉ lạc, ông ta hạnh phúc vô cùng, thiền mang tới sự bình an, an vui cho ông ta và rồi ông ta hỏi lão sư sau khi kết thúc buổi thiền đó rằng: Thưa lão sư, Ngài thấy tôi ngồi thiền như thế nào?
Lão sư nhẹ nhàng nói: Tô Đông Pha, tôi thấy ông ngồi thiền như Phật, tướng hảo như Phật, thật là đẹp như một vị Phật.
Ông Tô Đông Pha khoái quá cười ha hả ha hả.
Rồi thì nhà sư mới nói ông Tô Đông Pha rằng: Ông thấy tôi ngồi thiền như thế nào?
Tô Đông Pha là một người ngỗ nghịch thường hay chọc phá các nhà sư cho nên nói với nhà sư rằng, tôi thấy nhà sư ngồi tướng như một đống phân.
Nhà sư cũng vuốt râu cười mỉm nhẹ nhàng.
Xong buổi trà đạo đó Tô Đông Pha đi về, trên con đường hí hửng vô cùng bởi nghĩ rằng hôm nay ta đã chiến thắng, ta đã làm cho nhà sư bị nhục nhã bởi những điều ta nói nhà sư cứng họng không biết phải nói gì. Khi về tới nhà gặp tiểu muội của mình, Tô Đông Pha khoe rằng hôm nay chiến thắng nhà sư bởi khi ngồi thiền đã đối ứng như vậy.
Tiểu muội, cô em gái nghe xong thật là buồn và nói với Tô Đông Pha rằng: anh không có chiến thắng được nhà sư, anh đã thua thực sự rồi, thua một cái phải khâm phục, tâm phục, khẩu phục và đúng ra anh phải quỳ lạy nhà sư bởi vì anh đã thua một cách toàn diện.
Tô Đông Pha ngỡ ngàng vô cùng và hỏi lại người em gái: tại sao anh lại thua?
Người em gái nhẹ nhàng trả lời như vầy: Anh à, anh là do cái tâm dơ bẩn cho nên khi nhìn thấy nhà sư, tâm dơ bẩn của anh liền thấy nhà sư như đống phân. Đó là do chính cái tâm dơ bẩn rác rưởi của anh nó phản ánh lên ngôn ngữ, nên anh nhìn thấy nhà sư như cái tâm rác rưởi đó thể hiện qua ngôn ngữ như những loại phân hôi thối. Với tướng hảo của một vị cao tăng như thế mà anh lại nhìn ra những điều dơ bẩn. Còn đối với nhà sư đó, cái tâm thanh tịnh tuyệt đối niệm niệm trong tâm thanh tịnh luôn tưởng đến Phật và trong tâm của nhà sư luôn luôn có Phật hiện hữu, từ con mắt bình đẳng tánh trí, nhìn vạn vật vô tình và hữu tình đều có tánh Phật cho nên khi nhà sư nhìn thấy anh, thấy chư Phật hiện tiền trong anh, do đó thấy anh có tướng hảo của nhà Phật. Câu này có nghĩa trong tâm nhà sư có Phật nên nhìn thấy anh là Phật, nói những lời chân thật như Phật nên nhà sư nói những lời thanh tịnh, còn anh nói những lời bất tịnh, anh đã thua.
Tô Đông Pha nghe xong nhục nhã vô cùng và buồn ở trong lòng.
Các bạn. Câu chuyện ngắn gọn Bảo Thành tóm sơ lược để chúng ta có một khái niệm trong đời sống thực sự, như người xưa thường nói, tướng do tâm sanh. Các bạn thân mến. Tâm của các bạn phản ánh qua lời nói. Tâm của các bạn phản ánh qua ngôn ngữ và hành động. Ngôn ngữ thể hiện cái tâm của các bạn. Vậy cho nên trong cuộc sống, những ai nói xấu các bạn, các bạn đừng buồn đừng vì họ nói xấu, nói những lời thô ác mà ta phải thô ác xấu xa với họ. Những lời xấu xa của họ khi thị phi nói về ta chính là phản ánh cái tâm dơ dáy rác rưởi của họ. Còn ta đừng vì họ mà để cho cái tâm dơ bẩn trỗi dậy. Ta theo Phật, ta để cho tâm Phật phản ánh sự trung thực của ngôn ngữ, qua những lời nói ái ngữ dễ thương ngọt ngào tạo cho muôn người muôn loài điều vui và hạnh phúc. Đừng vì họ mà tự làm xấu bản thân của mình. Đừng vì họ mà làm cho thân tâm của mình dơ bẩn. Đừng vì họ mà làm cho cuộc đời chúng ta không ngóc đầu dậy. Hãy sống với chính chân thiện mỹ vốn có trong tánh Phật khi sinh ra làm người.
Các bạn đừng để cuộc đời làm dơ bẩn cái tâm, cũng như ông Tô Đông Pha có ý gì với lão sư đi nữa thì lão sư cũng sống chân thật bằng tâm Phật. Chính cái tâm Phật đó mà ông đã nói Tô Đông Pha như một vị Phật. Ngược lại Tô Đông Pha có cái tâm dơ dáy nên nhìn đâu cũng thấy rác rưởi. Bởi vậy nhìn một nhà sư đức hạnh hóa ra như một đống phân.
Cuộc đời của các bạn và Bảo Thành chắc chắn khi va chạm trong cuộc đời, thật là nhiều người nhìn chúng ta như phân như rác rưởi, như những điều thật là xấu xa và theo đó họ đâm thọc chê bai dèm pha, lời dèm pha của họ, lời chê bai của họ càng nặng càng xấu xa thì chính là thể hiện cái tâm rác rưởi xấu xa của họ, không liên quan gì đến ta và cũng đừng để rác rưởi của họ đổ vào tâm của chúng ta, để cái tâm thanh tịnh học Phật của chúng ta biến thành đống rác.
Đây là phương pháp chúng ta quán chiếu thật rõ qua câu chuyện này. Như Đức Phật dạy tướng do tâm sanh. Các bạn hãy để tâm thanh tịnh của mình thốt lên những lời nói chân tình, ái ngữ, kính trọng tất cả mọi chúng sanh như cha mẹ, như Phật, bởi vì tất cả các chúng sanh đều là Phật sẽ thành. Do đó khi chúng ta nhìn thấy Phật, nhìn thấy Phật trong chúng sanh, nhìn thấy Phật trong những con người tương tác, chúng ta sẽ giúp bản thân của mình diệt bỏ được sự cống cao ngã mạn, đưa mình tới phẩm giá cao hơn, đó là sự khiêm cung nhẹ nhàng, hạ mình xuống để tâm được thanh tịnh, từ đó thể hiện được hình ảnh của một Đức Phật ở trong tâm và Đức Phật trong tâm hồn của người khác.
Các bạn đừng vội vàng với những người như Tô Đông Pha để rồi chúng ta phải đối đáp bằng ngôn ngữ bất thiện đối với họ. Dù cho cuộc đời có nói ngã nói nghiêng, thì lòng các bạn cũng phải vững như kiềng ba chân. Ba chân tam bảo Phật Pháp Tăng giữ mãi cái tâm vững chãi như vậy để thể hiện lòng trung kiên với giáo lý của Đức Phật. Tức là tâm thanh tịnh trong suốt không vẫn đục, dù cho người đời hay những người trong gia đình xung quanh ta sống có dơ dáy rác rưởi tới đâu thì nhiệm vụ của chúng ta cũng phải trong suốt như trăng rằm tỏ lộ để cho những người khác qua ánh sáng của trăng rằm đêm đó nhìn thấy đường mà đi. Đừng vì bóng tối của họ, đừng vì bóng tối của họ như bóng tối của thế gian này mà mặt trăng lu mờ. Mặt trăng không bao giờ lu mờ. Khi nó còn đủ trăng rằm dù thế gian có đen tối tới đâu, trăng rằm kia cũng làm cho nó sáng ra. Dù cho người xung quanh chúng ta đối xử với cái tâm thực sự đen tối dơ bẩn tới đâu thì nhớ rằng, tánh tịch tĩnh rỗng lặng an trú trong phẩm vị mà Đức Phật đã thọ kí cho chúng ta là một vị Phật tương lai thì nhất định những người xung quanh tâm của họ có tối có đen tới đâu, có dơ, có rác rưởi tới đâu thì mặt trăng rằm trong tâm thanh tịnh của chúng ta cũng đủ để chiếu sáng, làm gương cho họ vượt qua bóng tối của cuộc đời.
Chúc các bạn luôn luôn chiêm nghiệm điều này, mang câu chuyện này như một ý nghĩa rằng sống để thực hành giáo lý của Phật trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.
Cám ơn các bạn đã nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa