Bảo Nguyện đánh máy
Lời nói mang sức mạnh khôn lường Gieo vui, rắc khổ, vẩy sầu thương Tạo nên hạnh phúc, gây thù hận Lựa lời, tác ý, chớ buông tuồng!
Mô Phật. Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và tất cả các kênh Facebook các bạn chia sẻ. Hôm nay thứ bảy trong chương trình Sống trong Chánh Niệm chia sẻ Phật Pháp, giờ đồng tu đã tới, mời các bạn cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo Phật – Pháp – Tăng để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền Chánh Niệm hơi thở, thắp sáng Trí Tuệ thể nhập vào tâm tỉnh giác, quán chiếu thấy rõ vạn Pháp là vô thường, Khổ, Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện nhân mùa Lễ Vu Lan, nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ thân bằng quyến thuộc quá vãng nhiều đời, và chư vị hương linh kí tự nơi các Thiền Tự Chùa Chiền Am Thất được siêu sanh tịnh độ. Đồng nguyện cho các Đấng sinh thành tại tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân – quả. Nguyện cầu cho thế giới được hòa bình, chấm dứt chiến tranh.
Giờ đây mời các bạn cùng với Bảo Thành chúng ta cùng trì hồng danh Đức Phật, Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
Chú Đại Bi…..Vãng sanh chú……
Mu A Mu Sa
Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang
Ma Sa Ốp Uê
Sa Bi Mô U
Sa U Sa U Ba Thê Um
Nam Mô Saka Pouttê, Nam Mô Saka Pouttê
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Mô Phật. Bảo Thành kính chào tất cả các bạn đồng tu. Các bạn thân mến, hôm nay thứ bảy, lại một tuần nữa trôi qua, và mỗi dịp thứ bảy, chúng ta có buổi đồng tu Sống Trong Chánh Niệm, trì tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn, mang tất cả mọi công đức thành tựu được mà hồi hướng cho tất cả những người chúng ta yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Và cho những ai mà chúng ta còn có phước báu, nhân duyên đang sống chung, luôn mạnh khỏe bình an tinh tấn trên con đường tu đạo, tìm hiểu nghiên cứu và tin sâu vào nhân – quả để chuyển hóa ác Nghiệp, sống đời an vui.
Một trong những điều mà chúng ta có thể truyền cho nhau sức mạnh thực tế mỗi một ngày, đó là chính là lời nói ta tương tác trong cuộc sống. Chủ đề hôm nay: “Sức mạnh của lời nói”.
Lời nói mang sức mạnh khôn lường
Gieo vui, rắc khổ, vẩy sầu thương
Tạo nên hạnh phúc, gây sầu hận
Lựa lời, tác ý, chớ buông tuồng!
Các bạn đều biết rồi, ngoại trừ những ai đó chọn pháp môn tu “tịnh khẩu” im lặng thì ta không nói tới. Nhưng cuộc sống này ta cứ phải tương tác, gặp gỡ và lời nói là điều mà chúng ta ứng dụng mỗi một ngày, nhiều lắm. Lời của Đức Phật dạy, khẩu Nghiệp – tức là lời chúng ta nói, tạo ra Nghiệp thiện hoặc Nghiệp ác. Nghiệp thiện tạo ra phước, Nghiệp ác tạo ra họa. Người xưa nói: “khẩu xuất họa tùng”, nghĩa là mở miệng ra là tạo Nghiệp rồi, ý không hẳn là chỉ tạo Nghiệp ác mà cái miệng mở ra là đã tạo Nghiệp. Nghiệp thiện – ác là sự lựa chọn sống của mỗi người chúng ta. Chúng ta đã từng bị vướng vào những chuyện rắc rối bởi có gì đâu nhưng người bạn, có thể là những người trong gia đình, người thân hay người bên ngoài, quen hay chẳng biết, họ có những lời nói xấu về ta, miệt thị ta, coi thường ta, đâm thọc ta, gian dối thô ác với ta. Ta nghe ta buồn dữ lắm, và những lời nói xấu như vậy như thuốc độc tưới vào cây, như thuốc độc tẩm vào thân tâm của ta. Ta buồn, bạn cứ thử đi, ai chửi bạn thì bạn sẽ héo úa, ai chê bai bạn thì bạn sẽ sầu đau, ai nói lời thô ác đâm thọc bạn thì bạn sân giận, ai mà nói hai lưỡi thêu dệt ui cha uất ức khó chịu, chết mòn, đêm không ngủ được đâu, ngày thức cũng không yên. Nhưng cũng có những lời nói tốt làm cho chúng ta đang rơi vào vực sâu của thất bại, của đau khổ, của hận thù, của phiền não liền được tươi sống lại, mạnh mẽ khỏe hẳn lên. Lời nói của con người và lời nói của muôn vật khi nghe được âm thanh dù ta không hiểu nhưng những âm thanh của muôn loài tương tác đều có sức mạnh, sức mạnh đưa tới sự hưng phấn bình tĩnh phấn chấn vượt qua tất cả, hoặc là sức mạnh đè bẹp giết chết người ta. Trong Kinh Tạp A- Hàm, Đức Phật dạy cho các chúng đệ tử rằng: này các đệ tử, các đệ tử chúng ta đều không thích người khác nói dối, lừa gạt chúng ta, thì tất cả mọi người đều như thế. Tất cả chúng ta đều không muốn người khác nói hai lời, đâm thọc, thất thiệt, thì người khác cũng chẳng bao giờ mong cầu như vậy. Chúng ta chẳng bao giờ muốn người ta thêu dệt thì người khác cũng như thế. Chúng ta chẳng muốn ai nói chuyện bằng những lời thô ác đối với ta thì người ta cũng như vậy. Phật nói: vậy nên các ông phải cẩn thận, những gì bạn không muốn người ta làm cho bạn khi tương tác bằng lời nói thì xin hãy cẩn thận, đừng tạo ra trái ngang khi tương tác bằng ngôn lời. Kinh Tạp A –Hàm nhắc như vậy thật là đúng.
Lời nói mang sức mạnh khôn lường
Gieo vui, rắc khổ, vẩy sầu thương
Tạo nên hạnh phúc, gây sầu hận
Lựa lời, tác ý, chớ buông tuồng!
Sống ở trên đời, nếu như chúng ta biết lựa lời trong xử thế thì trao cho nhau sức mạnh. Người xưa thường nói: tặng người lời nói quý như châu báu, cho nên trao cho nhau những lời ái ngữ đúng như lời Phật dạy thì ta tặng người món quà quý hơn châu báu rồi, còn ta trao cho nhau những lời gian dối đâm thọc thêu dệt thô ác thì như câu “hại người bằng lời hơn cả kiếm dao”. Quả thật Phật nói rất đúng, ta không để ý khẩu Nghiệp, lời nói tạo Nghiệp, khẩu xuất họa tùng, mở miệng là tạo Nghiệp, tạo Nghiệp thiện đi, bởi trong mười hạnh Thiện, Thập Thiện Đức Phật dạy thì có 3 cái Nghiệp về ý, 3 Nghiệp về thân mà có tới 4 Nghiệp về khẩu nên Phật khuyên ta phải biết dùng ái ngữ. Trong cái miệng tức là cái khẩu, lời nói của ta tạo Nghiệp, bởi ta nói dối là điều thứ nhất, nói hai lưỡi đâm thọc là điều thứ hai, nói thêu dệt là điều thứ ba, nói thô ác là điều thứ tư. Nếu ngăn ngừa đừng nói dối, nói chân thật, nói đúng để sách tấn, nói bằng tâm thành để giúp cho nhau nỗ lực vượt qua thì tạo được phước, còn nói dối tạo Nghiệp các bạn ơi. Đời ta gặp nhiều người nói đâm thọc các bạn ơi, họ cứ đâm bị thóc thọc bị gạo gây chiến tranh chia rẽ, chia rẽ từ trong gia đình, hạnh phúc nơi vợ chồng con cái cha mẹ, xã hội cộng đồng bạn bè. Thậm chí mà Đức Phật còn dạy rằng họ nói lời đâm thọc để chia rẽ tăng đoàn, làm Phật chảy máu. Nói thêu dệt thì thôi rồi, chẳng ai biết dệt vải nhưng lời thêu dệt thì không phải là thả lụa thả thính nữa mà là những lời thả gai mảnh sành nổ bom giết hại người ta. Nói thô ác thì nhiều lắm, ta gặp những cách nói như vậy thì ta nhức đầu lắm, uống thuốc không khỏi, bệnh chết. Vậy nên Đức Phật thường khuyên chúng ta tặng người lời nói ái ngữ quý hơn châu báu đó các bạn. Còn hại người bằng những ngôn từ dao to búa lớn, đâm thọc, thô ác, giả dối thì những lời đó hơn cả kiếm dao.
Do vậy mà trong Kinh Tứ Nhiếp Pháp Đức Phật dạy “ái ngữ” đứng đầu. Người Phật tử tại gia ta phải cần thực tập sống bằng hạnh ái ngữ, hiểu được sức mạnh của lời nói, lời nói ái ngữ có thể đưa người ta đứng dậy trưởng thành để vượt qua, để sống. Lời nói không đúng ái ngữ có sức mạnh giết chết người ta, giết chết cả người thân, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, mọi người. Có câu chuyện kể rằng có một đám ếch vui vẻ đi chơi với nhau, rồi có 2 con ếch nó bị rơi xuống hố sâu mà nhảy hoài không lên, đám ếch trên bờ mới la um xùm hết, thôi 2 anh ếch ơi, hố sâu rơi xuống rồi chẳng thể nhảy lên được đâu, chấp nhận đi, buông xuôi đi, chờ chết đi. Hai con ếch nhảy một hồi không lên được thì có một anh ếch nghe thấy như vậy, trong lòng cảm thấy rầu rĩ, nghĩ quả thực là nhảy không lên rồi, buông thôi, chấp nhận. Và thế là chỉ trong tích tắc thôi, anh ếch đó gục đầu xuống chết ngay. Đám ếch ở trên vẫn tiếp tục nói thôi buông đi chẳng lên được đâu, chờ chết đi, nhưng con ếch còn lại nó cứ nhảy thôi, nó vùng vẫy nhảy rất dữ, cuối cùng nó nhảy được lên trên bờ. Và đám ếch trên bờ mới nói anh không nghe chúng tôi nói hay sao, chúng tôi nói rằng lên có được đâu mà cố làm gì, chấp nhận số phận chết đi. Nhưng anh ếch kia vẫn tỉnh như chơi vậy, đi nhẹ nhàng miệng cười tủm tỉm, cả đám ếch trên bờ ngạc nhiên kì cục quá, thì có một lão ếch lớn tuổi rồi đi ra đằng trước nói với bầy ếch rằng: để ta nói cho các ngươi biết về sự thật của anh ếch này, các người biết gì không, anh ếch này bị điếc, nên khi ở dưới hố mà các anh cứ nói như vậy, người nghe được thì buông xuôi chết rồi, còn anh này bị điếc nhìn lên thấy các bạn nên tưởng rằng các bạn đang cổ vũ nên nhảy mạnh nhảy mạnh, rồi bật lên trên bờ được đấy. Đây là một câu chuyện về thiền, và cũng có những hình tượng nương theo những cách này mà ta thấy có những chú khỉ và chú ếch tượng được tạo thành bịt mắt, bịt tai, bịt miệng. Trên đời có những cách nói miệt thị, chê bai, đâm thọc, giả dối, thô ác giết hại người, biết bao nhiêu gia đình đổ vỡ bạn bè không chơi với nhau, và biết bao nhiêu những con người bị đuổi việc, sống bất ổn bất an cũng là bởi vì biết bao nhiêu những lời nói trong cuộc đời họ nhận được toàn là những lời bất tịnh.
Lời nói mang sức mạnh khôn lường
Gieo vui, rắc khổ, vẩy sầu thương
Tạo nên hạnh phúc, gây sầu hận
Lựa lời, tác ý, chớ buông tuồng!
Ta hãy tặng người lời nói tốt, thì nó quý như châu báu. Còn ta đổ lên người, hại người bằng lời nói thất thiệt thì nó ghê gớm cả hơn kiếm dao. Đối với phận người tu tại gia, làm sao chúng ta có thể bắt ép người khác nói những lời tốt cho chúng ta. Họ có quyền tự do nói những lời của họ. Nhưng ta có quyền nghe bằng tâm Từ Bi yêu thương. Tâm Từ Bi yêu thương chẳng phải là điếc câm không nghe thấy, mà là mang sức mạnh của tâm đại Từ đại Bi, Tứ Nhiếp Pháp ái ngữ trong Thập Thiện, hiểu rõ được những khẩu Nghiệp ta tạo ra. Để rồi từ đó ta lựa chọn những ngôn từ tốt để nói với người, và khi người nói xấu ta thì ta biết nghe bằng tâm Từ Bi yêu thương không dính mắc. Có lẽ đôi khi điếc như con ếch kia, nghe người ta chửi bới mà tưởng như người ta sách tấn mà nhảy lên khỏi hố. Các bạn có biết những lời nói chân thành ái ngữ có thể giúp cho những người bị gục ngã trong tình trường, trong chiến trường, trong thương trường, trong đời thường có thể đứng dậy đưa đến sự thành công, mà những lời không phải ái ngữ cũng có thể giết chết biết bao nhiêu con người, làm sụp đổ toàn diện tinh thần của người khác. Khẩu Nghiệp chỗ đó, khẩu xuất họa tùng, thiện Nghiệp hay ác Nghiệp là do ta. Ta không làm chủ được những lời nói của người khác nhưng ta tự chủ được lời nói của chính mình.
Sống Trong Chánh Niệm hôm nay hiểu thấu được sức mạnh của lời nói. Lời nói tạo ra Nghiệp ác hoặc thiện, người theo Phật phải làm chủ được ngôn từ của mình, lựa lời tác ý chớ buông tuồng, chúng ta thường hay buông tuồng trong ngôn ngữ, chẳng chịu suy nghĩ, luôn luôn có ý ác với mọi người theo thói quen dèm pha chê bai đâm thọc miệt thị, nói không đúng sự thật, nói những lời sắc như dao như gai như kiếm, làm cho người thân người gần gũi đau đớn khôn cùng. Phật tử tại gia chúng ta không thể như vậy được, vì như vậy là họa vào thân đó các bạn, miệng tạo ác Nghiệp họa đến thân, nó gõ cửa từng giây từng phút, do đó chúng ta thấy tại sao cứ tu hoài mà Nghiệp vẫn cứ tới, là bởi vì ta không chú trọng những lời chúng ta nói. Có 3 thứ Nghiệp mà ta tạo ra trong cuộc đời, đó là ý Nghiệp, thân Nghiệp và khẩu Nghiệp. Trong Thập Thiện Pháp thì Đức Phật dạy về khẩu Nghiệp thật kỹ, trong Tứ Nhiếp Pháp có “ái ngữ” rất rõ ràng. Trong Kinh Tạp A – Hàm thì Đức Phật cũng dạy như thế, phải lựa lời tác ý, chớ có buông tuồng, đừng thấy ngôn ngữ không phải mất tiền mua mà ta phung phí buông ra những lời gai góc, ảnh hưởng tới đời sống của người khác mà không nghĩ rằng nó tạo Nghiệp hại đến ta. Thực ra người ta hại chưa chắc đã nhiều bởi lời nói của ta đâu, nhưng chính ta nếu cứ buông tuồng không tác ý thiện, tác ý như Pháp thiện để mà tương tác nói với nhau, thì ta đã tạo họa cho chính mình. Bạn gặp tai họa thất bại đau đớn bệnh tật phần nhiều cũng là do khẩu Nghiệp tạo ra mỗi ngày. Nhìn lại thử xem trong đời sống của bạn thì bạn có dùng ái ngữ không, những lời chân thật sách tấn hay không, nếu tính phần trăm chắc hiếm hoi cạn kiệt, nhưng những lời gây chia rẽ thì nhiều lắm. Người ta nói xấu người khác cho mình nghe, mình hòa âm ngay à đúng rồi người đó như thế, người ta đâm thọc một chút thôi thì ta đâm cho sâu cho người ta chết luôn. Bởi vậy có biết bao nhiêu cuộc chiến bằng ngôn ngữ, các bạn thử hỏi trong cuộc đời này các bạn nói tốt cho người ta nhiều hay nói xấu người ta nhiều, các bạn nói lời chân thật nhiều hay nói dối nhiều, các bạn nói lời mang lại hạnh phúc đoàn kết hay toàn những lời đâm thọc chia rẽ. Bạn hay nói những lời hiền hòa ái ngữ hay toàn những lời thô ác, mang lên bàn cân mà cân chắc có lẽ nói gian dối, nói chia rẽ đâm thọc, thêu dệt và thô ác thì nhiều lắm. Còn ái ngữ nói lời hay tiếng tốt, nói lời tác ý không buông tuồng thì hiếm hoi lắm. Hàng độc (độc hại) thì nhiều, còn hàng quý hiếm thì tìm chẳng đâu ra, đời thì ngắn ngủi, lời nói thì dư dả nên ta cần phải lựa chọn để tặng cho nhau những lời nói quý như châu báu, đừng đổ cho nhau những lời sắc hơn kiếm dao, đau lắm.
Có khi nào bạn ngồi lại, đặc biệt trong mùa Vu Lan này, suy nghĩ một chút để thấy rằng bao nhiêu năm qua bạn đã sử dụng những ngôn lời có góc, có cạnh, có gai, sắc bén đối với cha mẹ không, chắc có. Dĩ nhiên không phải chúng ta không biết nói lời yêu thương Từ Bi ái ngữ với cha mẹ, nhưng chúng ta cứ ngại ngại làm sao ấy. Lời yêu thương nói ra mắc vào quai hàm, há miệng mà không thành lời. Còn những lời đau lòng cứ đẩy đưa ném xuống đầu cha mẹ, tội nghiệp. Phật dạy đạo hiếu là đạo Phật, hiếu từ ngôn ngữ sử dụng hàng ngày các bạn ơi, cha mẹ thực ra đã hy sinh nhiều đời cho chúng ta rồi, cả thân mạng sự sống tận hiến hết, nhưng cái báo ân đền nghĩa thực tế nhất phải là những lời đạo đức, những lời biết lựa chọn tác ý đúng pháp thiện, không có buông tuồng để các Đấng bậc sinh thành khi nghe được như thuốc bổ, như châu báu, các Ngài tươi, các Ngài hạnh phúc, các Ngài khỏe và trường thọ với chúng ta. Bạn có biết chỉ một lời thôi có thể giết chết người ta đấy, để như khi con ếch rớt dưới hố, đám bạn kêu buông đi chết đi nhảy làm sao lên, nó chết thật. Nếu duyên Nghiệp của chúng ta cứ gặp những người hay bạn bè nói những lời như vậy thì ta phải điếc các bạn ơi. Con ếch điếc đó, nó nhảy lên, có nghĩa là trong cuộc sống ta phải thực tập rèn luyện để nghe những lời trái ý, ta phải lấy cái tâm Từ Bi yêu thương tha thứ cho họ, và lấy động lực của họ xô đẩy ta tạo thành phản lực để vươn lên như chú ếch bị điếc kia. Ta nghe như không nghe, hoặc ta nghe bằng tâm Từ Bi, bằng Trí Tuệ, bằng sự tỉnh giác, tích lũy mọi động lực nhảy vượt lên trên dù thành có cao, dù hố có sâu, hãy nhớ Phật dạy trong ta có tâm Phật dõng mãnh, dù ngàn kiếp muôn đời đày đọa trong đau khổ luân hồi, ta vẫn có khả năng để nhảy lên trên hố sâu của tam đồ khổ, mà thành tựu được pháp thiện, sống đời an vui.
Các bạn, sức mạnh của lời nói là có, hãy tiếp sức cho con cái của mình bằng những lời nói mang sức mạnh khôn lường của sự lựa lời tác ý. Những lời nói ái ngữ khuyến khích thiện lành để con cái của chúng ta nghe được, như nghe những dòng châu ngọc quý báu tuôn vào đời tạo thành sức sống. Đừng bao giờ miệt thị, chê bai, chì chiết, chia rẽ, đâm thọc, thô ác nghe các bạn. Không hẳn chỉ đối với con cái mà còn đối với cha mẹ, đối với vợ chồng, đối với thân bằng quyến thuộc, đối với bạn bè, đối với tình huynh đệ đồng môn đồng tu thầy trò, chúng ta luôn luôn phải lựa lời tác ý, chớ có buông tuồng, đừng khi nào nói chia rẽ, thêu dệt, đừng khi nào nói đâm thọc thô ác, đừng khi nào nói thêm nói bớt nói dối làm chi tạo khẩu Nghiệp, khẩu xuất họa tùng, miệng mở tạo Nghiệp. Người học Phật khôn lắm, bởi nghe lời Phật dạy và hiểu trong Tứ Nhiếp Pháp, trong Thập Thiện, trong Tạp A – Hàm là luôn luôn lựa lời tác ý đúng pháp thiện, không buông tuồng, nói đúng ái ngữ thiện lành giúp đời. Biết bao nhiêu người trong chúng ta đã bị nghe sự chì chiết, chia rẽ, đâm thọc, để rồi chúng ta mất đi lý trí sức mạnh để trưởng thành đưa đến sự thành công. Hầu hết những người thất bại là người không có sức mạnh nội tâm, chẳng gần những bậc thiện tri thức hướng dẫn nên không biết nghe. Mà đời đâu có tốt với mình bằng ngôn từ đâu, bạn đi ra chợ đi, khẩu Nghiệp đầy hết, bạn vô nhà đi thấy khẩu Nghiệp đầy hết, nơi miệng của các bạn cả. Có một vị kia hỏi một vị Thầy rằng: Nghiệp nó tới từ đâu? Vị thiền sư kia chỉ tay lên miệng chẳng nói một lời, chẳng ai hiểu. Hai ba lần hỏi thì vị đó cũng chỉ để tay lên trên miệng. Cuối cùng vị kia mới hiểu “khẩu xuất họa tùng”, Nghiệp từ miệng mà ra. Các bạn nhìn đi, cái răng của bạn cứng cỡ nào nhưng rồi cũng rụng hết, lưỡi thì mềm mà nó có rụng đâu. Nếu các bạn cứ dùng cái răng để nói những lời đay nghiến, đâm thọc, cấu xé, thô ác thì đời bạn sẽ rụng vào trong hố sâu của ác Nghiệp. Còn nếu bạn biết dùng cái lưỡi để tác ý Pháp thiện, không buông tuồng, ngọt ngài ái ngữ đúng tinh thần Tứ Nhiếp Pháp của Kinh Tạp A – Hàm hoặc trong Kinh Thập Thiện thì châu báu ngọc ngà tuôn ra, lời của bạn như rồng phun ra ngọc, răng cứng đay nghiến cấu xé thì nó sẽ rụng bạn ơi, bạn sẽ rụng thôi, sẽ rớt thôi. Nên Nghiệp sẽ từ miệng ra, lời nói cứng thường tạo Nghiệp ác. Lời nói dịu dàng nhẹ nhàng ái ngữ thường tạo Nghiệp thiện. Lấy nhu thắng cương, ở trên đời cái nhu nhuyễn đẹp nhất là ái ngữ, cái cương là thô ác gian dối đâm thọc thêu dệt.
Lời nói mang sức mạnh khôn lường
Gieo vui, rắc khổ, vẩy sầu thương
Tạo nên hạnh phúc, gây sầu hận
Lựa lời, tác ý, chớ buông tuồng!
Người ơi xin hãy tặng nhau lời nói thiện để chúng được biến thành châu ngọc, quý như châu báu, đừng đổ lên nhau những lời thô ác đâm thọc thêu dệt và gian dối, hại người như thế sắc lắm, sắc cả hơn kiếm dao. Khẩu xuất họa tùng, Nghiệp tới từ miệng, đừng đay nghiến cấu xé nhau bằng ngôn ngữ, hãy trao cho nhau trong tinh thần Tứ Nhiếp Pháp ái ngữ thiện hành. Ta không muốn người ta nói dối, nói đâm thọc, thêu dệt, thô ác với ta thì người cũng như vậy, nên chớ đối xử với người như thế. Phật dạy trong Kinh Tạp A – Hàm nói rõ, trong Thập Thiện, khẩu tạo Nghiệp, Nghiệp ác và Nghiệp thiện, khẩu tạo ra họa và phước. Hãy cẩn thận lời nói, lựa lời tác ý chớ buông tuồng. Sức mạnh của lời nói và ta có sức mạnh để thay đổi xã hội, bản thân của mình. Thay đổi theo cách hướng thượng hay thay đổi theo cách chà đạp tạo ác, ta cần phải khôn khéo. Người Phật tử tại gia phải hiểu thấu để luôn luôn biết ái ngữ thiện lành, luôn luôn biết nhìn rõ khẩu Nghiệp và tác ý đúng pháp thiện, để khẩu tạo được Nghiệp thiện tốt cho muôn người. Ta hãy tặng nhau những lời nói quý như châu ngọc, ta đừng hại người bằng lời sắc hơn cả kiếm dao.
Cuộc đời ngắn lắm ai ơi
Dùng tâm chân thật nói lời yêu thương.
Ta cầu cho cha mẹ tăng long phước thọ, trong mùa Vu Lan mỗi người chúng ta phải biết sức mạnh của lời nói bằng sự tác ý thiện, chớ có buông tuồng với các Ngài, với người thân, với cộng đồng, xã hội, với gia đình. Mỗi một lần ta dùng những lời nói tạo cho muôn người quý như châu báu bằng ái ngữ thiện lành Tứ Nhiếp Pháp thì nhất định cha mẹ được tăng long phước thọ. Còn mỗi lần ta dùng ngôn ngữ hại người, thô ác, đâm thọc, thêm bớt, thêu dệt, giả dối thì ngôi lời đó sẽ như kiếm dao đâm vào trái tim và làm tổn thọ Đấng sinh thành của chúng ta.
Các bạn thân mến, sức mạnh của lời nói cần phải được tư duy và phát huy.
Lời nói mang sức mạnh khôn lường
Gieo vui, rắc khổ, vẩy sầu thương
Tạo nên hạnh phúc, gây sầu hận
Lựa lời, tác ý, chớ buông tuồng!
Hãy trở về lời dạy của Phật, để chúng ta mỗi người đều biết tặng mọi người những lời nói quý như châu báu, và phải ngừng ngay những lời hại người sắc hơn kiếm dao. Để cho thế giới, cho gia đình nhỏ, trong cộng đồng nhỏ và trong xã hội luôn luôn có được sự thái bình an vui
Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.
Chúc cho các bạn cuối tuần an yên tự tại và thong dong, gần gũi với cha mẹ, ông bà, người thân trong gia đình, bạn bè, thầy trò, các bạn đồng tu với tinh thần biết gieo vui lìa khổ. Và đặc biệt trong cuối tuần này và mãi mãi, Bảo Thành và các bạn biết thực tập lựa lời tác ý, chớ có buông tuồng trong ngôn ngữ sử dụng hàng ngày để tạo phước cho nhau.
Hồi hướng: Thưa Phật, chúng con biết rồi, sức mạnh của lời nói, lời nói có thể hại người giết người, nhưng lời nói cũng có thể mang lại sức mạnh tùy theo sự tác ý nơi tâm của chúng con. Nguyện suốt đời tác ý như pháp thiện, ứng dụng lời nói không buông tuồng để chúng con luôn luôn biết hiến tặng cho mọi người lời nói quý như châu báu, và đọan diệt những lời hại người sắc hơn kiếm dao. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con, nếu tạo được chút phước báu nào nguyện xin hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật