Bảo Diệu Tâm đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn đang ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook chùa Xá Lợi!
Các bạn thân mến! Chúng ta đang sống ở một thời đại mà nền văn minh vượt trội, phát triển thật nhanh mà ta đôi khi theo không kịp. Tất cả những sự phát triển đó tạo ra những phương tiện mới mà mỗi người cần phải cập nhật hằng ngày, để có thể ứng dụng phương tiện mới đó của khoa học, của y học, của xã hội, của tất cả các bộ môn hiện có, để tăng trưởng, giúp cho cuộc sống của chúng ta nhiều vui, bớt buồn. Nhưng không phải rằng ai cũng có cơ hội tiếp cận với những phương tiện cao như thế, vẫn có những người chưa có cơ hội tiếp cận phương tiện đó. Nói đến vấn đề này chúng ta thấy thật là rõ mà, có những nước người ta đi xe hơi, nhưng vẫn có nước người ta đi xe đạp, đi Honda, thậm chí người dân trong nước đó vẫn còn đi bộ. Và có những nước đã có những cái nhà cao cửa rộng, mà vẫn có những đất nước nhà vẫn vách đất, mái tranh, thậm chí mà còn ngủ bờ ngủ bụi.
Sự phát triển không đồng đều đó luôn luôn hiện diện ở mọi thời đại, về mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nhưng chúng ta nhớ rằng, người tu Phật như chúng ta, các Phật tử tại gia như chúng ta, tất cả các chúng xuất gia hoặc tại gia, luôn luôn phải nhớ lời Đức Phật dạy là: Đời người học được pháp Phật thật khó khăn, để có thân người đã khó mà mang thân người lại có cơ hội học được Pháp Phật nghe được Phật Pháp thì thật là hiếm có.
Do đó mà chúng ta cần phải coi trọng khi đã mang thân người, có cơ hội học được Phật Pháp, tu luyện cho đúng, để có được một cái tâm an tịnh. Tâm an tịnh đó chỉ có thể tới với chúng ta bằng cái tâm bình đẳng mà thôi. Còn nếu không thực hiện được tâm bình đẳng, chúng ta sẽ luôn luôn buồn vui lẫn lộn, lúc vui lúc buồn, lúc lên lúc xuống, như vậy thì chúng ta chưa có cái tâm thật sự an lạc. Không phải các bạn và Bảo Thành thường phạm vào điều đó, mà ai ai cũng phải có những sự trải nghiệm của sự phân biệt bất bình đẳng trong cuộc đời, không kiếp này thì nhiều kiếp trước. Nhưng hôm nay nói đến vấn đề này để chúng ta phải tự nhắc nhở rằng: Mấu chốt của sự đi tu tại gia hay xuất gia, tu với ý nghĩa nào đi nữa, thì cũng phải luôn luôn nhớ đến rằng: “Tu là để giải thoát”. Mà vấn đề được giải thoát đó phải được dựa trên nền tảng của sự bình đẳng đối xử với nhau.
Thuở xưa có một câu chuyện thời đức Phật. Ông Ca Diếp thấy những người nghèo khổ là những người đáng thương, cho nên ông Ca Diếp thường đi khất thực ở những khu phố mà người nghèo ở. Bởi ông ta nghĩ rằng, người nghèo đã nghèo, ta nay theo Đức Thế Tôn tu đi khất thực, thọ bát là để gieo duyên với chúng, với dân nghèo, qua hành vi, cái tâm thanh cao của sự cúng dường Chư Tăng Ni tạo được phước báu, để cho những người nghèo đó có cơ hội giàu hơn sau này. Hoặc nếu tái sanh về cảnh thiện sau này cũng có cơ hội sống đầy đủ hơn. Đó là tâm niệm của ông Ca Diếp. Rồi khi gặp Đức Phật, Đức Phật mới quở ông thật nhiều. “Tại sao con chỉ có đi khất thực ở những khu dân nghèo?” Thì ông Ca Diếp mới trình bày với Đức Thế tôn ý niệm đó. Phật dạy rằng: “Con ơi, không thể vì quan niệm đó mà đối xử bất bình đẳng, phải luôn luôn quán chiếu sự bình đẳng, người nghèo cũng như người giàu thật là bình đẳng, đừng có cái tâm phân biệt thì điều đó mới viên thành tâm hạnh của một vị A La Hán. Và như vậy mới có thể tạo phước báu cho người cúng dường”. Ngài Ca Diếp nghe Đức Phật dạy như thế liễu ngộ, hiểu.
Nhưng ở trong hàng đệ tử của Phật cũng lại có người đệ tử làm trái ngược với ông Ca Diếp, đó là ông Tu Bồ Đề. Ông ta lại có một quan niệm khác rằng: Ông ta không đi vào xóm nhà nghèo, bởi họ đã nghèo mà đi vào khất thực tội nghiệp cho họ. Cho nên ông ta lại lựa chỉ đi vào những nhà quan quyền giàu có mà thôi. Ông ta quan niệm rằng những người giàu có nếu không biết bố thí cho đi, nếu không khất thực ở vùng đó, thọ bát ở vùng đó gieo duyên với họ, thì họ sẽ tổn phước và kiếp sau khi tái sanh họ sẽ trở thành những người nghèo khổ không đầy đủ. Để tạo nhân duyên cho người giàu có vẫn giữ được phước báu đó, nên ông Tu Bồ Đề đã đi khất thực ở những khu nhà giàu. Đức Thế Tôn cũng quở trách ông ta và dạy cho ông ta tánh bình đẳng. Bởi một vị A La Hán đệ tử của Phật không thể đối xử bất bình đẳng như thế. Với tâm bất bình đẳng như vậy thì đi vào khu nhà giàu khất thực, tạo phước, tạo duyên cũng chẳng tạo được gì bởi người thọ nhận sự cúng dường với tâm bất bình đẳng như vậy, thì người cúng dường kia nào có được phước báu gì đâu? Ông Tu Bồ Đề đã nghe Đức Thế Tôn khai thị và hiểu được cũng y như ông Ca Diếp. Và từ đó cả hai ông, ông Ca Diếp và ông Tu Bồ Đề cứ lần lượt tuần tự mà đi, đi từ khu nhà nghèo tới khu nhà giàu, đi từ khu nhà giàu đến khu nhà nghèo mà chẳng một ý niệm nào khởi lên ở trong lòng rằng nghèo hay giàu, mà chỉ giữ tâm hạnh bình đẳng rằng: “Ta đang đi khất thực như cái ruộng phước điền mang tới tận cửa từng nhà Phật tử, tứ chúng, để họ có thể gieo trồng vào một bình bát phước điền của ta những hạnh nhân thiện lành để tạo ra phước.
Chính vì từ khi biết ông Ca Diếp và ông Tu Bồ Để hiểu thấu được điều đó, sự đối xử bình đẳng của hai ông đã được phát triển. Và tâm bình đẳng đó từng bước chân đi thọ bát, khất thực ở trong tất cả mọi khu làng, dù giàu hay nghèo, những người cúng dường cho hai vị đệ tử này. Ông Ca Diếp và ông Tu Bồ Đề đều hưởng được những phước báu “vô lậu” và tăng trưởng được cuộc sống ngay trong kiếp này bằng sự an lành tới với họ trong mọi hoàn cảnh.
Các bạn thân mến! Đây là một bài học Đức Phật dạy cho đệ tử của Ngài phải có cái tâm bình đẳng, đối xử với mọi người như nhau. Các Ngài là những vị đại đệ tử như ông Ca Diếp, như ông Tu Bồ Đề, nhưng khi Đức Phật nhắc nhở thì hai ông liền nhận ra và thay đổi.
Còn đối với Bảo Thành và các bạn, đã bao nhiêu lần chúng ta được Chư Tổ, các vị thầy và kinh sách, hoặc là những bậc giáo thọ sư nhắc nhở rồi. Chúng ta cũng vẫn còn cái tâm đối đãi, hơn thua giàu nghèo, để rồi khi người nghèo đôi khi chúng ta khinh thường họ mà chỉ tiếp cận đón tiếp những người giàu có mà thôi. Hoặc đôi khi chúng ta lại tiếp cận với người nghèo mà rồi giữ khoảng cách xa xôi với những người giàu có. Đó nói đến giàu và nghèo thôi, còn đối với muôn mặt trong cuộc sống, chúng ta Bảo Thành và các bạn vẫn còn có tâm phân biệt không có bình đẳng. Nào là kẻ trí người bình thường, nào là kẻ khỏe người yếu, người bệnh tật, người đàng hoàng, đủ mọi thứ lớp trong xã hội. Chúng ta luôn luôn đối xử với một cái tâm phân biệt, không thể như thế. Đệ tử của Phật không thể giữ trong lòng cái tâm phân biệt. Không những không tạo ra phước báu cho những người đang sống chung quanh ta, mà còn làm tổn hại phước báu của chính mình do chính cái tâm phân biệt đó. Không dễ dàng phải không các bạn? Sống mà không có cái tâm phân biệt thật không có dễ, nhưng mấu chốt ngay ở chỗ này, chân lý ngay ở chỗ này, chúng ta phải nhớ được Phật đã quở ông Ca Diếp và ông Tu Bồ Đề, và hướng dẫn cho hai ông đệ tử này không được đối xử bất bình đẳng.
Chúng ta qua bài học này phải thực tập cái tâm không phân biệt, không đối xử bất bình đẳng mà phải đối xử bình đẳng với nhau. Không dễ nhưng phải nhớ được lời dạy của Phật, để chúng ta thực hành, để chúng ta thực tập. Cái gì cũng cần phải có công phu. Kiến thức chúng ta cũng cần phải học từ thuở nhỏ cho đến bây giờ. Hành vi của chúng ta cũng phải được uốn nắn từ nhỏ bởi cha mẹ, bởi ông bà, bởi thầy cô. Thì cái tánh bình đẳng đối xử với nhau đó, cũng phải mỗi người chúng ta ghi nhớ lời Phật và tự uốn nắn mình, để giữ vững tâm chí đối xử với nhau thật bình đẳng đối với tất cả mọi con người và chúng sanh. Ở đời chúng ta vẫn có những sự đối xử bất bình đẳng nhiều lắm, mất công bằng giữa con người với con người thôi, chứ chưa nói con người với những chúng sinh khác. Đôi khi con người đã đưa mình lên quá cao để coi những chúng sinh khác là hạ đẳng bình thường, để rồi ta chà đạp, ta giết hại.
Cũng có những con người đối xử bất bình đẳng, để từ đó mà khi trong sự giao tế với nhau, ta đã có con mắt nhìn người khác bằng sự khinh bỉ chê bai, bằng cái tâm của ta phân biệt quá đáng. Để rồi làm sao? Để rồi chính trong cuộc sống của chúng ta không phải người bị đối xử bất bình đẳng đó đau khổ, mà chính chúng ta. Bởi vì đi tới đâu chúng ta cũng gặp sự khó chịu, đi tới đâu chúng ta cũng gặp kẻ cao người thấp, và kẻ đẹp người xấu, kẻ được người mất, để từ đó ta cứ phải phân biệt và đối kháng với họ. Khổ lắm các bạn ạ, nếu đã tu như ông Tu Bồ Đề hoặc ông Ca Diếp. Khái niệm đã là tốt rồi, khi đi khất thực để tạo phước, nhưng vẫn còn tâm phân biệt thì đã không được nữa, huống hồ chi khi chúng ta chưa phải là những bậc đại đệ tử của Phật, làm một việc gì cũng đều khởi lên cái tâm niệm tạo phước cho nhau. Chúng ta vẫn tạo lợi, tạo quyền, tạo danh tạo thế lực cho chính mình và trong sự tạo cho mình riêng đó mà không bình đẳng nữa thì Phước báu sẽ tổn hại và biết bao nhiêu tai họa sẽ tới với chúng ta bởi bất thiện nghiệp ta đã tạo ra.
Cho nên cần lắm sự tư duy trong sự bình đẳng, bình đẳng chưa hẳn là chúng ta có ý niệm tạo phước cho họ, nhưng ít nhất phải giữ được phước báu cho chúng ta và tạo phước cho chính chúng ta. Bằng khái niệm bình đẳng được ứng dụng vào cuộc đời, và thực hành một cách thật rõ ràng để ta tạo được phước báu cho chính mình. Thì từ nền tảng tạo được phước báu cho mình đó mà cuộc đời của chúng ta cũng trở thành nhân duyên để gây tạo, gieo trồng phước báu cho những ai có cơ hội đi vào cuộc đời của chúng ta. Hãy đối xử bình đẳng với nhau và mọi chúng sanh.
Cảm ơn các bạn đã nghe!