Bảo Ngọc đánh máy
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa.
Con nguyện chư Phật mười phương ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh, Bảo Thành kính chào các bạn. Các bạn hãy đăng nhập vào kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn để gieo duyên gặp Bảo Thành trên những dòng gợi ý chia sẻ như vậy, cảm ơn các bạn thật là nhiều.
Sự tương tác của chúng ta ngày hôm nay gợi ý về một vấn đề rằng: chúng ta có thói quen ôm rác vào trong tâm, ôm phiền não vào trong tâm, gom góp tất cả nhồi nhét vào trong đầu đó là bởi vì ta chấp, ta không buông được, ta chấp quá, ta quá chấp. Các bạn có nhớ có những câu chuyện xảy ra giữa tình bạn, mà chúng ta nói hoài ta không bỏ, gặp nhau là nhắc lại để rồi khó chịu với nhau. Các bạn có nhớ đến những vấn đề mà người khác nhắc câu chuyện đó hoài, để rồi ta phải thốt lên sao phải nhắc hoài, nó cũ mèm như hũ hèm mà bạn cứ nhắc hoài, ôi tôi nghe nó chua lòm à! Câu chuyện đó chắc có xảy ra, người nhắc là bởi vì có thể họ cứ chấp, hoặc họ chấp mà họ không biết, gặp nhau là khơi lại chuyện đó làm cho đau lòng, làm cho phiền não, làm cho chán nản, làm cho khó chịu.
Và nhiều chuyện trong cuộc sống, đối nhân xử thế, kẻ ở trên người ở dưới luôn luôn vẫn có những vấn đề cứ nhắc đi nhắc lại, đay nghiến hoài là bởi vì chúng ta chấp, chúng ta luôn luôn chấp. Chấp là bởi ta luôn nhìn thấy lỗi của người, chứ không nhìn thấy lỗi của mình. Chấp là ta luôn bắt lỗi người. Chấp là ta luôn luôn soi mói thấy những điều họ làm ta không có ưng, ta không có hợp, ta không có thích bởi tâm chấp.
Các bạn, nhiều khi các bạn đi uống cà phê, đến một cái quán với một nhóm bạn, thì nhất định cũng có người thích cái quán đó, có người không thích quán đó. Không thích là bởi vì dòng nhạc người ta bật lên, vì phong cách người ta trang trí, vì hương vị cà phê người ta pha. Không thích vì môi trường quán đặt để không phù hợp với tâm sự của chính ta. Đó, rồi chúng ta không có im, chúng ta chê bai, làm cho người chủ quán buồn. Nhưng nhớ! Hợp hoặc không hợp ở trên chỉ là cái góc độ cảm nhận của chính ta trong thế giới nhân sinh quan tương tác giữa cảnh và người. Nó cũng không có một chuẩn mực hoặc một tiêu chuẩn rằng phải như vầy phải như kia. Mỗi một con người đều có một cảm giác, đều có một suy nghĩ, đều được quyền tự do để chia sẻ, để trang trí, để trình bày những điều họ yêu thích, hoặc để làm những điều mà tâm họ phát nguyện.
Nếu chúng ta nhìn rõ được tâm của người, ý của người, nếu chúng ta hiểu được rõ tâm của người, ý của người, chúng ta sẽ vui. Bởi chúng ta sẽ không còn chấp để ôm ấp những điều đó làm phiền não cho ta, làm khổ cho ta, chấp cho ta, đều do ta hết, không do ai.
Các bạn ơi, có câu chuyện kể rằng hai thầy trò đi tụng kinh, đi làm việc á, ở bên bờ sông kia rồi lúc đi trở về, nói đúng ra con sông có thể lội qua được, gọi là sông nhưng mà nước đến đầu gối thôi, chứ không có gì mà là sợ sệt. Nhưng có một người phụ nữ, người phụ nữ các bạn à, các bạn có thể nghĩ người phụ nữ đó già, trẻ, đẹp xấu không quan trọng, nhưng mà là người phụ nữ. Nhưng mà đây là hai thầy trò tu, nói đúng hơn là một vị sư phụ, một thầy chùa là sư phụ, và một thầy chùa là chú tiểu – đệ tử á, người tu bên Phật á quý vị. Đi tới bờ sông chuẩn bị qua bờ bên kia, thì gặp một người phụ nữ muốn qua sông nhưng sợ, không thể qua, bởi vì người phụ nữ sợ nước. Ông sư phụ – ông thầy chùa được gọi là sư phụ đó, thấy thương, thấy tội, thì cõng người phụ nữ đó trên lưng lội qua dòng sông tới bờ bên kia rồi thả xuống, rồi đi về. Trên con đường đi về cậu học trò – ông đệ tử – suy nghĩ hoài. Thầy dạy giới là cấm tà dâm, không được đụng chạm tới phụ nữ, mình học mà. Sao Sư Phụ lại cõng phụ nữ qua bờ sông bên kia, cả một đoạn sông – cả một đoạn sông dài dài dài… vậy, sư phụ cõng phụ nữ trên lưng lội qua con sông.
Cậu ta cứ suy nghĩ hoài, suy nghĩ hoài, day dứt hoài, day dứt hoài. Mà thay đổi một chút xíu câu chuyện để chúng ta biết rằng cậu này á, ba tháng sau cứ suy đi nghĩ lại, suy đi nghĩ lại đay nghiến trong đầu, phiền não chịu không nổi. Cuối cùng, cậu ta mới đi gặp sư phụ và nói: ‘‘Thưa thầy, tại sao Thầy lại cõng người phụ nữ ở trên lưng?’’ Bậc sư phụ từ tốn nói: ‘‘Con à! Thầy đã cõng người phụ nữ lội sông để giúp họ qua bờ. Thầy đã bỏ bên bờ sông kia ba tháng rồi mà con vẫn ôm ấp, cõng ở trong đầu con đến ba tháng.’’ Có lẽ câu chuyện này, đại số chúng ta đã được nghe. Bảo Thành vẫn kể lại, không phải là một câu chuyện nhàm chán. Nó là một câu chuyện hàm ý nói về cái chấp của mỗi người chúng ta. Chúng ta là người luôn có những quan niệm sống, đặc biệt hơn nếu như chúng ta được dạy về một điều gì, chúng ta hay bám chặt vào giáo lý, giáo điều đó, sự hướng dẫn đó mà chúng ta lại không có một tâm từ bi rộng lớn, để am tường được tình huống xảy ra trong tâm của người đối ứng, để rồi chỉ chấp vào tướng của luật, của giới mà ta nhìn đó. Để rồi ôm vào trong đầu, than trách khó chịu, rồi đôi khi còn có những tư tưởng lệch lạc, nghĩ sai về những bậc trưởng thượng, về đấng bề trên, hay về tình bạn. Vị sư phụ cõng người phụ nữ qua sông chỉ vì tâm từ bi. Người phụ nữ muốn qua sông nhưng mà không thể qua. Ông sư phụ sẵn sàng với tâm rộng lớn từ bi cõng người đó qua mà chẳng một chút, chẳng một mảy may giữ hình bóng của người phụ nữ ở trong đầu. Trong suốt đoạn đường của bờ sông bên này đến bờ sông bên kia, hình ảnh trong sáng là giúp đỡ người qua sông. Nhưng hình ảnh đen tối của cậu học trò, của người đệ tử á, là chấp vào giới, chấp vào những lời dạy giáo điều, giáo lý, để khi mà người phụ nữ được cõng ở trên lưng sư phụ, thì đã chấp rồi, đầu óc đã khó chịu rồi, lội qua sông mà trong lòng chẳng một chút yên, tới bờ đi về tới nhà mà khó chịu vô cùng, bao nhiêu những niệm khởi ra, bao nhiêu sự khó chịu khởi ra, bao nhiêu những lệch lạc nghĩ sai về Sư phụ của mình.
Chưa kể là cả ba tháng trời, tức là 90 ngày sau các bạn à, cậu ta vẫn nuôi dưỡng trong tâm. Chỉ và chỉ trong một đoạn đường từ bờ này đến bờ kia, từ bờ về đến thất của mình thì biết bao nhiêu những niệm sai lệch, những tư tưởng khinh thường chê trách sư phụ đã khởi lên. Huống hồ chi là trong 90 ngày, không chịu nổi, không chịu nổi, nó nổ tung trong đầu óc của đệ tử như vậy nên anh ta nhất định phải gặp sư phụ để than trách. Lời của sư phụ thật nhẹ nhàng, sư phụ cõng người vì lòng từ, và đã buông người khi tới bờ, nhưng con ôm mãi.
Cuộc sống của chúng ta có phải chăng, có biết bao nhiêu điều ta cứ ôm mãi, ta cứ chấp trượt hoài. Nếu nói về nghĩa bóng thôi thì biết bao nhiêu những sai trái đối với ta khi nhìn ở người khác, phàm ở trên đời này có ai hoàn thiện đâu, ai cũng sai, ai cũng sai. ‘‘Nhân vô thập toàn,’’ chẳng ai là hoàn thiện được, chẳng ai là hoàn thiện tốt đẹp được. Ai cũng có sai, nhưng chúng ta chấp chấp hoài trên nghĩa bóng. Nói về nghĩa sâu là có những hành động tạo tác, có những sự việc ta chứng kiến tận mắt – nghe tận tai – nhìn thật rõ – nghe thật là tường mà cũng chưa hẳn là như vậy. Bởi đằng sau những công việc đó, nó còn tàng chứa những ý tưởng khác biệt, những ý tưởng khác biệt theo chiều hướng thượng. Tội cũng có thể có những ý tưởng khác biệt theo ý tưởng xấu, góc độ mà chúng ta không nhìn thấy ý tưởng của họ khi hành động đó. Ý tưởng của sư phụ cõng người phụ nữ là với tâm từ, cứu người giúp người, qua bờ rồi buông. Ý tưởng cuả cậu học trò là trách cứ tại sao đã là nhà sư còn cõng phụ nữ trên lưng rồi chấp chặt vào giáo điều đó ôm mãi.
Chúng ta cũng như vậy, chúng ta có những bậc thầy. Có thể các bạn là những người Phật giáo có những bậc thầy làm một việc gì đó không phù hợp, ta chấp chặt rồi cứ chê cứ trách. Cũng có thể các bạn là những người Thiên chúa giáo nhìn thấy những vị linh mục hoặc các Thầy làm điều gì đó ta không ưng ý mà không hiểu được tâm ý của người đó hành động, ta cũng chấp vào đó để trách để chê. Mà hầu hết trong các nhà chùa, tịnh am, thất, phần đông cũng có nhiều Phật tử chê trách thầy của mình. Bởi vì thầy làm những việc với tâm ý khác, nhưng đệ tử, chúng đệ tử lại suy nghĩ khác. Mà hầu hết các nhà thờ có các Cha thì các giáo dân cũng thường hay nghĩ sai về Cha, về vị linh muc đó. Bởi vì vị linh mục đó làm một chuyện gì đó với tâm từ bi với tâm yêu thương, nhưng giáo dân không nhìn rõ chê trách.
Sự chê trách của Phật tử hay của giáo dân đối với tăng ni hoặc với các vị linh mục là bởi vì không nhìn rõ mà thôi, bởi vì không đồng với tâm để hiểu rõ việc. Cũng như chỉ có hai thầy trò, đã sống chung với nhau, mà người trò kia đã được sư phụ giáo dưỡng bao nhiêu ngày, nhưng trí tuệ của người trò vẫn là chấp thủ khư khư, ôm lấy giáo điều, nhìn thấy tướng mà thôi, chưa thể xuyên qua tướng để thấy tâm. Không sửa được chấp, không buông được chấp, do đó khi nhìn thấy sư phụ của mình cõng phụ nữ thì trong lòng buồn phiền, để rồi ôm buồn phiền đó mãi qua sông về tới thất và nuôi dưỡng sự khác biệt khó chịu đó trong suốt 90 ngày qua. Nếu như chúng ta hiểu được tâm ý của sư phụ thì buông ngay đó, hoan hỉ với sư phụ và trong 90 ngày hoặc trên suốt đoạn đường từ bờ này sang bờ kia, từ bờ sông về tới thất trong 90 ngày kia, cậu học trò sẽ giữ được hơi thở chánh niệm sống trong an vui.
Khi chúng ta chấp, chúng ta sẽ tự hủy diệt mình, chúng ta sẽ tự gây ra phiền não cho chính mình, còn người kia họ đâu có phiền não và đau khổ.
Các bạn để làm sao phá được chấp và vô minh đó, thì các bạn cố gắng giữ hơi thở chánh niệm, hít vào và thở ra trong chánh niệm. Con nguyện có trí tuệ để nhìn thông vạn pháp, phá được chấp. Hít vào thở ra, đề mục hít vào thở ra trong chánh niệm ta quán chiếu là nguyện có trí tuệ, nhìn thông vạn pháp để phá chấp. Với đề mục như vậy thì thường xuyên rải tâm nguyện có trí tuệ nhìn thông vạn pháp để phá chấp. Hít vào thở ra với chánh niệm và với đề mục đó, giúp bạn nuôi dưỡng được năng lượng – năng lượng từ bi yêu thương, có trí tuệ nhìn rõ để các bạn không còn vướng mắc và chấp.
Cảm ơn các bạn theo dõi, Cảm ơn các bạn nhiều. Nhớ đăng nhập vào kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn để chúng ta tiếp nối trong tình bạn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.