Công Minh đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn, chúng ta gặp nhau trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, điểm hẹn của những tâm hồn cao thượng, nhìn tới những điểm sáng trong cuộc đời mỗi ngày để chúng ta hòa quyện vào tư tưởng đó sống cho thanh thản hơn.
Các bạn thân mến, cuộc sống của chúng ta có lẽ do sự sinh tồn từ những ngày tháng qua hay nó là một sự di truyền truyền kiếp của nhiều đời, chúng ta nghĩ và chúng ta sống hầu hết là chỉ cho mình, cho gia đình mình, rộng hơn một chút xíu là cho thôn xóm của mình, rồi cho quốc độ của mình, hiếm khi nào nghĩ đến những đất nước khác, những tôn giáo khác, cộng đồng khác. Đôi khi chùa này chỉ sinh hoạt trong chùa của mình, chẳng có quan hệ tương quan với những ngôi chùa khác hoặc nhóm này với nhóm kia không khi nào tới được với nhau, nhiều chuyện lắm, để chúng ta như là một thước đo ngăn ngại giữa hai nhóm khác biệt, hai ngôi chùa khác nhau, hai cộng đồng khác nhau. Chính vì sự nghi ngại ở giữa đó mà đôi khi tánh ghen tị nó trỗi dậy hoặc tánh tham nó trỗi dậy, rồi nhóm này có thể xâm phạm đến nhóm kia hoặc nhóm kia có thể xâm phạm đến nhóm này. Sự việc xảy ra như vậy biết là không hay nhưng con người có tánh khó có kiềm tỏa được nên thường cứ phải xảy ra như vậy, nhìn sai đó mà làm sao ngưng đây.
Có một câu chuyện kể rằng có hai nước kia ở gần nhau, biên giới sát với nhau. Ở hai biên giới đó, đất thật là tốt y như nhau nên nước bên này và nước bên kia đều trồng dưa. Vua và quan kêu lính và dân hãy trồng dưa bởi vì ngay biên giới nếu cả hai nước trồng dưa, kết quả tốt mà, dưa sẽ cho cả hai nước ăn và mọi người sẽ vui làm sao ấy. Sự khác biệt nó lại nảy sinh trong vườn dưa của hai đất nước này, dưa ở nước bên này thì mọc tốt, trái ra thật là nhiều nhưng dưa ở nước bên kia lại mọc không có tốt, trái không có ra. Rồi nước bên kia cứ đêm đêm, lính, quân và dân tràn qua nước bên này hái trộm dưa, hái tàn lụi hết. Dân và quân mới báo lên vua nước bên này, ông vua nước này thay vì mang quân qua đàn áp bên kia, đánh nhau hoặc phá dưa vườn bên kia, lại nghĩ ra một thượng cách tốt để mang lại sự giao hảo cho hai bên, mới truyền xuống cho dân quân bên này khi tưới dưa ở bên quốc độ của mình cũng tưới luôn dưa ở bên đất nước bên kia. Thế là ngày nào họ cũng tưới cả hai bên đầy đủ nước và phân bón y như nhau. Chỉ một tuần trôi qua cả hai bên dưa đều tốt, rồi một tuần nữa trôi qua, hai bên đều trổ hoa như nhau, đẹp và rồi cuối cùng hai bên đều có trổ trái thật là to lớn, đẹp như nhau. Bên này thấy bên vườn dưa của mình trái nhiều, nhiều như bên kia thì không còn tràn qua nước bên kia để hái nữa mà lo thu hoạch dưa bên của mình. Khi đến tai nhà vua, nhà vua không hiểu sao dưa bên mình xấu nay lại tốt, trổ trái như vậy, thì mới sai quân chăm sóc và coi. Cuối cùng họ đã phát hiện quân lính bên nước kia đã tưới dưa của họ, đồng cùng qua bên vườn dưa, thửa ruộng của mình tưới luôn cho bên này. Lúc đó vua bên kia mới hiểu rằng: ồ sự khác biệt là ta không biết tưới và chăm bón nhưng bên kia quân dân của ta tràn qua, lấy dưa của họ, họ không có buồn, vua còn cho quân của họ, dân của họ tưới tẩm dưa của ta, nên vua bên đó gửi một lá thư qua cảm ơn tấm lòng tốt và hai nước sống hài hòa, thương yêu nhau vô cùng. Hòa bình đã tới cho hai quốc độ đó.
Ta nghĩ gì về câu chuyện này các bạn? Có những chuyện tưởng chừng không bao giờ xảy ra, nhưng nếu chúng ta nhìn về một thuở xưa, xa xưa một chút xíu, khi ở những nông thôn, làng mạc, thôn quê chất phác, chân phương, hiền hòa, người ta sống với nhau, người ta nương nhờ vào nhau. Ở bên này tôi có bụi khoai, bên kia anh có bụi dưa, dưa khoai vẫn trao đổi và sống chung hạnh phúc. Người này đi vắng vẫn có thể gọi người kia coi nhà dùm, người này đi xa cũng có thể nhờ người kia chăm sóc vườn tược của mình. Cuộc sống có sự giao thoa trong tình yêu thương, nhưng rồi những tình cảm đó nó biến mất. Vì sao? Không cần phải truy cứu về phần đó, chỉ nghĩ rằng như đất nước của ông bên này khi thấy dân quân bên kia tàn phá ruộng dưa của mình thì chẳng buồn, chẳng giận mà còn sai người mình tưới tẩm cho họ.
Hôm nay Bảo Thành muốn nói đến một ý nghĩa trong nhà đạo trên con đường tu tập, các bạn thấy đi mỗi người chúng ta đều cố gieo trồng những hạt giống phước báu bằng những pháp thiện. Tuy nhiên cũng người đó đi làm từ thiện lại được phước báu hiện tiền ngay, người kia lại không, cũng như hai người trồng dưa đó mà, kẻ thì thu hoạch được kẻ thì không. Hai người làm việc thiện, hai người đồng tu, người thì gia cảnh an vui, người thì lộn xộn. Chính vì sự khác biệt đó cho nên đôi khi chúng ta qua lại lời tiếng không hay, đâm ra hận thù. Một pháp đặc biệt trong nhà Phật của chúng ta, đó là khi tưới ruộng mình cũng luôn tưới ruộng của người. Các bạn nói đâu có thấy nhà Phật dạy pháp gì tưới vườn mình, rồi tưới vườn người ta đâu. Có các bạn, đó là hồi hướng. Khi chúng ta tu đã tăng trưởng phước báu của mình, đồng thời chúng ta nguyện hồi hướng hết các phước báu nếu có cho tất cả chúng sanh. Chúng ta tu là chăm sóc cho tự thân của mình nhưng chúng ta hồi hướng tất cả phước báu để chăm sóc cho tất cả mọi chúng sanh. Các bạn thấy, nó cao siêu ở cái lý nhiệm mầu, chỗ đó là con đường Đức Thế Tôn dạy. Ngài luôn dạy cho chúng ta phải biết tự chăm sóc cho chính mình, Ngài luôn dạy cho chúng ta phải tự biết tu. Tuy nhiên Ngài cũng sách tấn chúng ta là không những tu cho ta mà còn phải hồi hướng cho muôn loài khác. Vườn dưa ta xanh tốt, trổ bông kết trái thì cũng phải chăm sóc cho vườn dưa của người để kết trái trổ bông. Chính vì sự hài hòa đó mà trong Phật giáo, trên con đường tu không có sự tách biệt. Đức Phật dạy hãy liên kết với nhau, hãy liên kết với nhau trở thành một bãi biển, trên đó hằng hà sa những hạt cát li ti nhưng nó liên kết thành một bãi cát đẹp, còn nếu như từng hạt cát mà rời rạc chẳng dính với nhau làm sao có bãi biển đẹp, làm sao có bãi cát. Để gọi là tăng thân, tăng đoàn hay Phật tử là một tập thể sống trong tinh thần của nhà Phật, chúng ta phải thực hiện được pháp hồi hướng chân thành nhất. Không cần biết các bạn tu phước báu đầy đủ như thế nào, nhưng sự hồi hướng của chúng ta nó thật nhiệm mầu, bởi vườn dưa của chúng ta sẽ đầy ắp trái tốt, vườn dưa của người cũng gặt hái kết quả thành tựu. Công đức của ta tăng trưởng thì phước báu của muôn người cũng đầy đủ như nhau. Hồi hướng công đức là một pháp tu tuyệt vời, các bạn ơi.
Các bạn, nếu như những ai ganh ghét với bạn, như quốc lộ bên kia qua hái dưa thì quốc độ bên này tưới dưa cho họ. Nếu ai ganh ghét, hận thù, ghen tuông, tranh chấp với sự thành công của các bạn trên con đường tu, sự thành tựu của các bạn trên con đường tu hay trong cuộc sống có nhiều mặt tranh chấp gây phiền não, bạn đừng phiền não, hãy bắt chước ông vua bên này hồi hướng cho họ. Sự hồi hướng có diệu dụng phi thường vì nó làm thay đổi tâm can, suy nghĩ và làm thay đổi hướng đi, đối xử với nhau trong cuộc đời. Hồi hướng công đức cho nhau là một pháp tu vi diệu, là một pháp tu nhiệm mầu, bởi pháp tu hồi hướng này nó làm cho muôn người đồng nhất thể trong tự tánh bất tăng giảm, thanh tịnh của Phật tánh đang có và vốn có trong chúng ta.
Các bạn thân mến, để đạt được điều đó thì mỗi người chúng ta phải có một khái niệm về con đường tu, phải có ý niệm về con đường tu, phải thấm nhuần được tinh thần là luôn luôn biết san sẻ, biết hồi hướng. Chính vì tâm hồi hướng được nuôi dưỡng như vậy mà sân giận của chúng ta ít có khi nào có cơ hội trỗi dậy. Các bạn, ông vua này hiểu được giá trị của canh nông, nghề nghiệp biết chăm sóc mà sai muôn quân dân của mình tưới tẩm cho bên này. Như vậy ông ta là người có nghề nông cao, hiểu thấu được chân lý sống chung với nước láng giềng, từ đó mà ông ta sai quân dân của mình làm những việc đúng đạo nghĩa là chăm cho mình mà cũng chia sẻ các sự chăm sóc cho người khác. Đó là sự san sẻ công sức trên con đường vun trồng, mang lại sự an đẹp cho nhau. Vẫn biết mỗi người chúng ta phải tự tu, nhưng trên con đường tự tu, trên con đường đồng tu đó, ta đồng hồi hướng cho nhau, phước báu vô cùng. Biết hồi hướng nó là một pháp tu vi diệu nhưng hồi hướng chân thật trên công phu tu tập trong chánh pháp. Các bạn, các bạn có còn nhớ nhà hàng xóm bên cạnh bạn đã có thuở từng mang chén cơm, chén cháo, đôi khi bạn cũng đã từ mang dĩa khoai, dĩa mít mời nhau chia sẻ. Nhà người ta có đám mình được dự, nhà mình có tiệc họ được mời, thân thương vô cùng, tình chòm xóm thân thương chia sẻ sớm chiều tối khuya như vậy, nó ấm áp làm sao. Tinh thần của nhà Phật là như thế, chúng ta sống chung quanh với hằng hà sa số những chúng sanh vô hình và hữu hình trong sáu cảnh luân hồi. Tuy nhiên đó vẫn những cảnh, cảnh giới nó có vẻ khó hiểu nhưng các cảnh giới người với người ta gặp nhau vẫn là cảnh giới ta có thể thấy, ta có thể gặp. Các bạn hãy hồi hướng cho nhau, hãy san sẻ cho nhau trong tất cả mọi tạo tác, mọi lời nói và tư tưởng. Cái vi diệu hồi hướng đó luôn được giữ trong tinh thần chánh niệm của nhà Phật.
Các bạn ơi, chánh niệm cao quý vô cùng, chỉ có con đường chánh niệm sẽ giúp cho chúng ta đi tới mà mở cửa Niết Bàn để đi vào. Thiếu chánh niệm, chúng ta thẳng tiến xuống cõi địa ngục chẳng hề về được Niết Bàn đâu. Chánh niệm cao quý vô cùng, trong chánh niệm ta hồi hướng. Các bạn hãy nuôi dưỡng cuộc đời trong chánh niệm và hồi hướng tất cả mọi sự thành tựu cho muôn loài chúng sanh nha các bạn. Đó là pháp nhiệm mầu, giảm bớt đau khổ, mang lại hòa bình và tình yêu sẽ lan tỏa.
Cám ơn các bạn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.