Bảo Ngọc đánh máy
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa.
Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo thành kính chào các bạn và chúc lành các bạn cùng gia đình vạn sự kiết tường như ý. Các bạn ơi, trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta luôn luôn có ước nguyện làm một điều gì đó. Chúng ta ước nguyện nó chúng ta muốn làm điều đó, rồi khi cơ hội tới, đôi khi ta lại thay đổi ước nguyện của mình. Có những ước nguyện ví dụ khi ta ước nguyện có được tiền, thì khi có tiền rồi ta thích lắm, ta không bao giờ thay đổi bởi tiền mà. Rồi ta ước nguyện là có vàng bạc, khi có vàng bạc thích lắm bởi ước nguyện có vàng bạc. Những điều ước đó ta thích. Rồi có nhà cao, khi có nhà cao cửa rộng thì ước nguyện có gì? có vợ đẹp, có chồng khôn, có con cái đàng hoàng, tốt. Khi có đó, ta mãn nguyện. Những điều ước nguyện đó ta luôn luôn theo đuổi khi có, ta thích và ta giữ nó. Nhưng cũng có những ước nguyện về đời sống tâm linh, về hạnh đức của tâm linh ví dụ như trong một thuở nào đó ta không có tiền, ta ước như vầy: Nếu mà ta có tiền ta sẽ giúp đỡ người nghèo. Thế rồi khi ta bất chợt có tiền á, thì ta lại nói: Ồ, nếu ta có nhiều tiền hơn ta sẽ giúp đỡ người nghèo. Rồi khi có nhiều tiền hơn thì ta lại nói: À, nếu ta có dư ta sẽ giúp đỡ người nghèo. Tức là những ước nguyện đó nó cứ lần lần được khất. Có mà không chịu làm. Hoặc như ước nguyện như vầy: Nếu như ta thay đổi được hoàn cảnh, thì ta có thể xây nhà cửa, làm từ thiện. Rồi khi nó tới ta không có làm. Đôi khi có những người ước nguyện nếu đạt được chuyện đó, xuống tóc đi tu, ăn chay niệm Phật, sống như vầy sống như kia, không có làm. Nhìn cho rõ trong những chuyến vượt biên của người Việt sống ở hải ngoại, trong những cuộc vượt cạn để sống, để tồn tại, nhiều người ước nguyện dữ lắm. Có lẽ là họ nguyện ước nhiều điều thế nhưng khi tới được cái nước sung sướng rồi, những lời nguyện ước đó nó đi vào dĩ vãng. Cái đó cũng bình thường thôi, bởi chúng ta là người. Chúng ta là người, những ước nguyện về tâm linh dễ quên, nhưng những nguyện ước về vật chất không bao giờ quên.
Có câu chuyện tiền kiếp của ngài Xá Lợi Phất. Lúc đó Ngài đang tu hạnh Bồ Tát, Ngài phát nguyện rằng Ngài sẽ làm tất cả, cúng dường tất cả với tâm hạnh Bồ Tát để độ chúng sanh. Chúng ta biết Ngài Xá Lợi Phất ở thời đức Phật là bậc trí tuệ bậc nhất. Ngài Xá Lợi Phất có trí tuệ bậc nhất mà trong một kiếp trước Ngài đã phát nguyện hạnh Bồ Tát rồi, hành hạnh Bồ Tát rồi, cho nên Ngài muốn cho tất cả với hạnh Bồ Tát đó, nếu gặp ai cần điều gì Ngài cho điều đó.
Trong kiếp quá khứ đó Ngài đi khất thực. Trong lúc đi khất thực, Ngài gặp một anh chàng ngồi ở góc đường khóc than. Ngài Xá Lợi Phất mới tới gần hỏi: thưa anh chuyện gì mà anh buồn, chuyện gì mà anh khóc thảm thiết như vậy, anh có thể cho tôi biết được hay không? Anh ta mới nói: tôi buồn vì mẹ tôi bệnh. Ngài Xá Lợi Phất hỏi bệnh gì mà anh buồn vậy có trầm trọng không. Anh đó nói: mẹ tôi bị mù, cần con mắt thay thế mới nhìn thấy được. Ngài Xá Lợi Phất theo tâm hạnh Bồ Tát của mình liền móc con mắt trái tặng cho anh ta. Khi anh ta cầm con mắt trái lên, anh ta khóc to hơn nữa mà than thở rằng mẹ tôi cần con mắt phải, đây mắt trái làm sao mà thay được. Ngài Xá Lợi Phất thấy thương xót, nhưng tâm hạnh Bồ Tát lớn lắm, Ngài suy nghĩ trong chánh niệm và rồi liền móc con mắt phải tặng cho anh ta. Anh ta cầm con mắt phải trên tay rồi bật cười ha hả, quăng xuống dưới đất, đập vỡ cả hai con mắt. Ngài Xá Lợi Phất nghe được hành động đó nhưng vẫn giữ hơi thở chánh niệm bởi hạnh Bồ Tát, sẵn sàng cúng dường hai con mắt mình cho anh kia. Dù rằng anh kia không hiểu và quăng nó đi, nhưng Ngài Xá Lợi Phất vẫn làm chuyện đó. Ngài Xá Lợi Phất vẫn giữ trong hơi thở chánh niệm quán chiếu hạnh Bồ Tát của mình thì bất chợt anh chàng kia mới tôn nghiêm trở lại, hiện thành một vị trời và nói với ngài Bồ Tát rằng: Ta chính là trời, nhưng thấy tâm hạnh của người cho nên muốn thử thách tâm hạnh đó. Hứa rồi, phát nguyện rồi, ngươi có làm theo hay không mà thôi. Lành thay, lành thay, Xá Lợi Phất, ngươi đã phát nguyện Bồ Tát, ngươi đã làm theo. Dù ngươi phải móc cả hai con mắt cho ta, người cũng sẵn sàng. Thật là bậc đáng tôn quý, nên trời phải quỳ xuống lạy và trả lại hai con mắt cho Ngài Xá Lợi Phất. Và ngài Xá Lợi Phất hai con mắt sáng trở lại.
Các bạn thân mến, chúng ta trên con đường kiến lập Phước báu đã biết bao nhiêu lần chúng ta phát nguyện. Có những chuyện cười trong nhân gian cũng từng kể. Lúc nghèo khó vô cùng, chúng ta đến chùa lạy Phật, nghèo mà. Rồi mới nói với Phật: Phật ơi, nếu con trúng số, Phật ơi nếu con được cái này cái kia, con cũng cúng lớn, rồi con sẽ làm từ thiện. Nhưng khi Phước báu đầy đủ, có là nghĩ lại thôi. Ôi cha, mua mà cúng nhiều quá không được rồi, bớt chỗ này bớt chỗ kia, rồi cuối cùng chỉ có ba nén nhang. Mà ba nén nhang dâng lên cho Phật cũng là nhang của nhà chùa, cũng chẳng mang tới nữa. Có mang đến đâu, không, mượn nhang nhà chùa để cúng Phật. Rồi lại có những người thì thầm ở đình miếu van xin đủ thứ, khi có rồi, đình miếu cũng bỏ quên. Lại có những người hứa hẹn với cha mẹ lúc nhỏ, khi con lớn lên, con nhất định sẽ nuôi cha mẹ, bởi cha mẹ cho con tất cả để thành tài, lớn con sẽ nuôi cha mẹ. Thế vậy, khi lớn lên lại quăng cha mẹ ra ngoài đường, thậm chí vất vưỡng cho đến chết. May lắm thì được những trung tâm dưỡng lão từ thiện mang về nuôi. Lại có những kẻ hứa với bạn bè khi thành tựu sẽ giúp bạn. Rồi khi thành tựu bỏ luôn bạn, tránh xa sợ bạn. Lại có những người khi còn đang nghèo, được vợ nuôi để thành tài. Khi thành tài, ăn học xong, lại bỏ vợ lấy người khác. Lại có những người được chồng nuôi để thành tựu, khi thành tựu xong cũng bỏ chồng theo trai. Ôi, những cảnh nghịch như vậy thường xảy ra trong cuộc đời, vì đâu, vì đâu nên nổi, vì con người không giữ được chánh niệm, vì con người không giữ được lời hạnh nguyện của mình. Bởi không thấy được giá trị. Chính Ngài Xá Lợi Phất trong kiếp đó đã phát hạnh Bồ Tát, móc cả hai con mắt ra cho mà lập được phước báu để đời sau sinh ra gặp được Phật và làm đệ tử của Phật, để chứng đắc. Mà Ngài Xá Lợi Phất còn đủ phước báu để gặp được Phật, để có thể lên được cung trời Đâu Suất nghe Phật giảng kinh, ngày nay chúng ta mới có được cuốn kinh Vi Diệu Pháp. Kinh Vi Diệu là của ngài Xá Lợi Phất có thần thông lớn, đi lên cung trời Đâu Suất để nghe Đức Phật giảng kinh cho hoàng hậu, tức là mẹ của Ngài, ở trên đó. Và Ngài Xá Lợi Phất đã lên cung trời đó, đã sao chép kinh Vi Diệu Pháp truyền lại cho chúng sanh và chúng ta mới có kinh Vi Diệu Pháp đó.
Phước báu vô cùng nếu ta có những tâm hạnh tu tập, cho nên đó gọi là Mật hạnh của từng người, Nguyện hạnh của từng người, hay nói khác hơn là hạnh nguyện. Mỗi người có một mật hạnh khác nhau để hành, có một nguyện hạnh khác nhau để chúng ta làm. Nhưng các bạn nên nhớ, khi chúng ta lập nguyện, phát nguyện rồi, nên giữ. Cái nguyện mà căn bản đơn giản nhất là chúng ta phát nguyện qui y Phật Pháp Tăng chúng ta phải giữ. Chúng ta phải giữ bởi chúng ta đã quy y Phật, nhận Phật làm thầy, nhận pháp của Phật là con đường giải thoát, nhận Tăng là tăng đoàn hòa hợp để sống hoà hợp, thì chúng ta phải luôn luôn giữ lấy lời nguyện đó. Đừng vì cuộc đời trôi nổi nhiều cám dỗ để một mai bỏ Phật, xa Pháp, rồi gần kề với những người hung ác, không tốt. Và nguyện đơn giản hơn nữa là chúng ta phát nguyện giữ năm giới và hành năm giới này. Các bạn hành được năm giới này, không khác gì Ngài Xá Lợi Phất đâu. Các bạn sẽ có đầy đủ phước báu để gặp Phật, để học Phật, và có thể lên được những cung trời mà các bạn muốn như ngài Xá Lợi Phất để nghe Phật giảng, để nghe Phật thuyết, để đi tới sự giác ngộ miên mật.
Các bạn ơi, tâm hạnh của chúng ta rất quan trọng. Nếu các bạn là Phật tử phát nguyện gì thì Bảo Thành chỉ sách tấn các bạn là chúng ta hãy cùng với Bảo Thành tinh tấn hơn, để những hạnh nguyện đó chúng ta giữ được. Nếu các bạn đã phát nguyện qui y Phật Pháp Tăng thì các bạn đừng bao giờ theo tiên thần, quỷ vật. Các bạn nhớ và đừng bao giờ học những tà pháp, phải học pháp của Như lai. Và các bạn đừng theo những bậc thầy không phải là tăng, bởi đời sống của họ không hòa hợp, mà chỉ vì danh lợi của cuộc đời, có thể dẫn các bạn dần dần tới đổ nát đau khổ. Và nếu các bạn đã phát nguyện giữ và hành năm giới thì các bạn phải tinh tấn hơn, miên mật hơn. Bởi khi đã quy y với Phật Pháp Tăng và giữ năm giới, giữ được hạnh nguyện giữ giới này, hành được năm giới này, các bạn có thể lên được tất cả các cung trời, các bạn có thể thoát được cõi trần gian lên cảnh giới của chư thiên, gặp được Phật, nghe được pháp, tu được phước báu, có được sự giải thoát, sống an lành ngay kiếp này. Cái cao quý của một con người là phẩm hạnh. Ông Xá Lợi Phất trong tiền kiếp đó cao quý. Và một vị trời đã hóa ra một anh chàng để thử thách tâm hạnh của mình, Ngài sẵn sàng hy sinh móc mắt trái, móc mắt phải, rồi người kia chà đạp lên con mắt của mình mà trong lòng vẫn an vui tự tại, không oán trách, Không chửi bới, không than phiền, bởi hạnh của Ngài là bố thí tất cả vì lợi lạc của chúng sanh. Đã bố thí rồi mà chúng sanh nhận rồi quăng bỏ cũng không sao. Trong cuộc đời của chúng ta có những tâm hạnh bố thí, chúng ta bố thí điều gì, chúng ta cúng dường điều gì, chúng ta cứ muốn người ta phải nhớ đến ta.
Cúng dường nhà chùa, cúng dường các thầy các cô, thì phải muốn các thầy các cô nhớ đến ta, và giữ cái của ta cúng dường suốt đời đời kiếp kiếp. Tới chùa mà không thấy là buồn dữ lắm. Ông Xá Lợi Phất cúng dường mắt, người ta không xài, người ta không cần, người ta đạp, Xá Lợi Phất vẫn an vui. Còn ta cúng dường cho chùa, tới chùa mà không thấy là buồn rồi, thấy không. Rồi chúng ta giúp đỡ bạn bè, bạn bè không nhớ là trách, là chửi, tới nhà bạn mà không có lại buồn nữa, bởi chúng ta luôn luôn muốn mình có quyền đòi hỏi cúng dường người ta phải nhớ, cúng dường người ta phải giữ, thi ân người ta phải trả ân, và cho thì phải giữ, không được quăng đi chỗ khác. Khi cho ra, nhận phải giữ, phải giữ suốt cuộc đời không được bỏ đâu. Từ cái nhỏ đó thôi thì làm sao có được tâm hạnh Bồ Tát, làm sao có thể phát nguyện các bạn.
Các bạn đã phát nguyện phải giữ lấy. Các bạn đã cho đi thì dù người ta có sử dụng, tốt hay xấu, dùng hay không không quan trọng. Các bạn đã có một tấm lòng trao ra như ông Xá Lợi Phất, đã với hạnh Bồ Tát, đã cống hiến hai con mắt. Người ta không nhận, chà đạp, Ngài vẫn tịch tĩnh an vui, bởi Ngài đã hành xong Pháp thiện, cúng dường, cho tất cả, cho tất cả. Với tâm hạnh đó, dù người nhận xài hay không xài, đón nhận hay không đón nhận, nhưng Ngài vẫn an vui. Nếu có được sự an vui như vậy, các bạn sẽ thành tựu được pháp này. Và muốn làm được điều đó, các bạn cũng phải trở về với hơi thở chánh niệm và phát nguyện bố thí lớn. Chúng ta hít vào thở thở… và con xin nguyện giữ hạnh nguyện bố thí lớn. Bố thí lớn sẽ gặp được Phật, bố thí lớn sẽ học được Phật, bố thí lớn sẽ được lên cung trời cao để học. Bố thí lớn sẽ thoát khỏi cảnh ác đi về cảnh thiện. Bố thí lớn là tâm hạnh của Bồ Tát.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa.