Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn. Chúng ta vẫn gặp nhau trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Đây là kênh mà chúng ta có thể gặp nhau và chia sẻ về cuộc sống tu tập Phật, ứng dụng trong cuộc đời qua những mẩu chuyện nhỏ. Bảo Thành đi vào câu chuyện nhỏ luôn nghe các bạn. Câu chuyện thời Đức Phật.
Thuở đó có 2 anh em tới quy y với Phật, làm đệ tử của Phật. Người anh thì thông minh thông thái, học đâu nhớ đó, hành pháp của Phật thông suốt. Còn người em tên là Châu Lợi Bàn Đặc thì mù tịt, chữ chẳng nhớ, kinh sách chẳng hiểu. Qua một thời gian thật là dài, người anh thấy rằng mình học được nhưng người em học không có được sẽ làm ảnh hưởng đến tông môn, ảnh hưởng tới Phật và hơn thế nữa trong tăng thân nhìn vào đánh giá gia đình của mình không tốt nên khuyên người em rằng: Em ơi! Hai anh em ta tu, em thì không thuộc bài, giáo lý không giỏi chẳng làm được gì, cứ như vầy thì sẽ làm tổn hại đến thanh danh của cha mình. Thôi em hãy đi về đi, để cho anh tu là được rồi. Người em nghe thế thì buồn ở trong lòng khóc sướt mướt, nhưng trong tình nghĩa huynh đệ, anh nói em phải nghe, nên bắt đầu dọn gói đi về nhà chẳng tu nữa, buồn lắm khóc than cho số phận sao cuộc đời học hoài không hiểu, không thực hành được lời của bậc giác ngộ. Tủi hận cho mình, dọn đồ dọn tất cả ôm đi về. Nhưng mới bước đi vài bước Châu Lợi Bàn Đặc mới nhận ra rằng mình chưa chào Thế Tôn để tạ ơn Người đã dạy trong những tháng ngày qua nên quay trở lại quỳ dưới chân Thế Tôn mà trình bày để đi về. Thế Tôn nghe qua câu chuyện nên mới hỏi Châu Lợi Bàn Đặc rằng: Con à! Nếu con có thể làm được một việc mà Thế Tôn trao cho con thì con cứ tu, việc này cũng đơn giản, không cầu kỳ và phải học hành gì nhiều đâu. Châu Lợi Bàn Đặc nghe xong chấp nhận và Phật trao cho anh ta một tấm vải trắng và nói với anh ta rằng: Mỗi ngày mỗi thời rảnh rỗi con cứ nhìn vào tấm vải trắng đó là được, đây là pháp tu của Thầy truyền cho con. Rồi Châu Lợi Bàn Đặc cứ nhìn vào tấm vải trắng đó bởi vì luôn luôn tin tưởng vào Phật và thấy rằng Ngài đã khai ngộ cho biết bao nhiêu người thì nhất định Ngài cũng sẽ giúp cho chúng ta như thân kiếp của Châu Lợi Bàn Đặc ngu dốt này hiểu được và đưa tới sự chứng đắc, nên miên mật ngày tháng trôi qua luôn luôn nhìn vào tấm vải trắng đó. Một thời gian thật là dài, tấm vải đó nó úa vàng – từ màu trắng úa vàng, thêm một thời gian nhìn nữa nó úa vàng hơn nữa và bắt đầu nó tưa ra. Chính từ màu trắng úa thành vàng, từ màu vàng thì tất cả các góc bắt đầu tưa ra sắp sửa hư rồi thì ngay lúc đó Châu Lợi Bàn Đặc đã chứng đắc. Ngài đã chứng đắc bởi vì tấm vải trắng mà Phật trao cho mang lẽ huyền nhiệm tới cho anh ta. Châu Lợi Bàn Đặc đã quán chiếu tấm vải trắng chuyển úa vàng rồi tưa ra mới nhận thấy cuộc đời của con người như tấm vải, thuở trẻ còn nhỏ cũng trong trắng khỏe mạnh nhưng rồi dần dần nó cũng sẽ úa vàng, nó tưa ra nó mục nát và chết đi. Vô thường trong thân này nó như vậy, nó chẳng thể trắng mãi được như tấm vải kia. Trong sự quán chiếu tấm vải màu trắng như vậy, anh ta hiểu rằng thân người vô thường dần dần sẽ bị hủy diệt, còn lại gì đây? Đó là một câu tham thoại nhìn vào để thấy cảnh giới vô thường trong thân xác và từ đó Châu Lợi Bàn Đặc liên tưởng đến các pháp của nhà Phật nói về cái thân, tâm, cảm thọ như thế, các pháp của Phật như thế cũng chỉ là huyễn giả sanh diệt từng sát na vô thường chẳng tồn tại mãi, đã đưa đến sự chứng đắc của tâm tịch tĩnh hư không.
Các bạn thân mến, đây là câu chuyện thời Đức Phật về một đệ tử tu, nhưng khi nói về kinh về nghĩa chẳng hiểu, chỉ cần nhìn vào tấm vải trắng nhưng đã hiểu thấu lời của Phật sau đó. Đây là căn duyên khác biệt, nhưng thói đời chúng ta cứ mượn vào kiến thức, trí tuệ gọi là thông minh mẫn tuệ của ta để vơ vét cho nhiều những kiến thức khác, nhồi nhét vào trong tâm. Người anh thông hiểu kinh điển, biết áp dụng đúng luật đúng pháp, còn người em chẳng biết một chữ chẳng thông một nghĩa, chỉ nhìn miếng vải mà đi đến sự chứng đắc. Từ chỗ này đây mà mỗi một người chúng ta khi đi tới chân lý của nhà Phật nhớ rằng chẳng thể cứ cứng ngắc trong kinh điển đâu, chẳng thể cứ cứng ngắc trong giáo điều đâu, chẳng thể cứ cứng ngắc trong truyền thống, hoặc là những phong tục nghi thức mới gọi là Phật giáo, mà quan trọng nhất là mỗi người chúng ta có được những pháp phương tiện phù hợp căn duyên truyền trao cho mình để quán chiếu sẽ hiểu. Một tấm vải trắng chẳng ghi một chữ, chẳng có luật chẳng có giới, cũng chẳng có một điều gì gọi là cao siêu nhiệm mầu, mà chỉ thể hiện một sự rất bình thường hiển nhiên trong đời: cái gì có rồi sẽ từ từ thành trụ hoại diệt trong cõi vô thường. Một tấm vải trắng rồi dần chuyển ra vàng rồi tưa ra mục nát. Chính điểm thôi, đó tư duy quán chiếu, ngộ và nhập vào được thì chúng ta sẽ thấy được giá trị tất cả những gì Phật nói, tất cả những gì Phật dạy đều hàm ý để đánh thức chúng ta hiểu được điều đó. Nhưng chúng sanh luôn luôn biện luận và ưa chuộng ngôn ngữ, do vậy mà Phật đã chế định ra biết bao nhiêu là ý nghĩa trên văn tự để cho những ai cuồng ngôn ngữ cuồng văn tự có chỗ vịn vào phương tiện để tới. Còn có những con người đầu óc thật đơn giản như ông Châu Lợi Bàn Đặc thì có gì đâu để gọi là kinh là sách, có gì đâu để gọi là nghi là lễ – chẳng cần. Các bạn nếu như trong hoàn cảnh hiện tại, mỗi người chúng ta khác biệt đấy, có người bận rộn suốt 7 ngày một tuần, lao công làm việc để nuôi con để sống, có những người làm việc trong văn phòng nhẹ nhàng nhưng bù đầu bù óc, có những người làm thương gia tiền bạc thì thu nhập nhiều nhưng rồi cứ bôn ba mãi. Hoàn cảnh cuộc sống ngày nay chúng ta có thật nhiều cơ hội để làm những chuyện chúng ta muốn. Nhưng cơ hội làm những chuyện chúng ta muốn nhiều thì chúng ta lại càng xa, càng xa giáo lý của nhà Phật, bởi công việc hàng ngày sẽ chiếm thật nhiều thời gian, còn thời gian đâu để nghĩ đến Phật. Chúng ta không phải là người không có kiến thức như ông Châu Lợi Bàn Đặc, nhưng với thời gian cho phép không đủ nhiều để chúng ta đi sâu mãi vào rừng kiến thức văn tự của Phật, các bạn hãy chọn một phương tiện thực hành theo pháp hành. Pháp hành của nhà Phật có nhiều pháp, nhưng có những pháp thật đơn giản chỗ nào bạn cũng có thể thực hành được. Một trong những pháp đơn giản nhưng vi diệu đó là Chánh niệm hơi thở quán chiếu thấy biết. Đây không khác gì tấm khăn trắng Phật trao cho chúng ta, chỉ cần nhìn vào khăn trắng của hơi thở vào ra, chúng ta sẽ nhận được hơi thở đó có giá trị tuyệt đối như thế nào đối với sanh mạng của cuộc đời chúng ta. Một hơi thở đi vào trắng như tấm khăn đầu Phật trao nhưng hởi thở đi ra nó nhuộm màu vàng của ô nhiễm trong thân và rồi hơi thở đó cứ mạnh cứ mạnh yếu dần yếu dần cho đến khi không còn có thể thở. Nhận định được cuộc đời qua hơi thở chánh niệm là quán chiếu vô thường của các pháp sanh diệt hiện hữu trong cái hữu vi và ngay cả trong cả cái vô vi.
Các bạn, tu là để đi tới trí tuệ, hiểu thấu lời Phật qua sự thực hành miên mật các pháp của Phật truyền dạy, không phải tu là tích lũy kiến thức giải bày diễn giải. Các pháp của Phật có tác dụng là giúp cho chúng ta thẩm nhập và sống được theo chân lý. Các pháp của Phật, ngoại trừ đối với những con người ham thích ngôn ngữ, suy diễn huyền bí quyền biến trong ngôn ngữ thì luôn luôn đắm chìm như một nhà luôn có những ngôn ngữ vô tận để luận bàn. Chúng ta thấy ví dụ như chữ hán được đặt những ký tự này ký tự kia, thì đó là ký tự của âm của nghĩa, vậy mà chúng ta cũng lần mò nói đến cao siêu vô tận từng ký tự trong hán tự để rồi đắm chìm trong một chữ thôi. Ôi! Nào là ôm ấp, ca ngợi. Cái chữ có cái gì đâu, quan trọng là cái nghĩa ta hiểu thấu và thực hành. Phật dạy cho chúng ta qua một cái khăn màu trắng nhìn lâu thấy nó úa vàng, đưa ra một lát, hiểu được các pháp đều vô thường sanh diệt. Các bạn thấy không? biết bao nhiêu người trong chúng ta đọc những tạng kinh dày như vầy rồi mang kinh ra so, mang nghĩa ra đố, và mang tất cả ra để giải bày cho thiên hạ thấy được ta có cả một bụng kinh điển. Như ông Châu Lợi Bàn Đặc có gì đâu, chỉ nhìn vào cái khăn màu trắng vậy mà cuối cùng đi tới sự chứng đắc. Còn chúng ta, nếu thực sự nhìn vào chiếc khăn trắng của hơi thở chánh niệm Phật trao truyền trong hơi thở chánh niệm đó, chúng ta sẽ nhận ra được sự Thành Trụ Hoại Diệt vô thường sanh diệt hiện hữu từng sát na, để từ đó chúng ta không rơi vào chấp Có của thân, của tâm, của cảm thọ, của pháp. Thân – Thọ – Tâm – Pháp là những đề mục quán chiếu để xa rời cái chấp các bạn ạ. Các bạn, hãy đơn giản hóa các pháp tu của nhà Phật bằng sự thực hành. Đừng quá cầu kỳ trên văn tự nghe các bạn. Cảm ơn các bạn thật nhiều.
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa