Tâm Sĩ đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật, ban rải Tha lực Phật điện
Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn,
Chúng ta lại gặp nhau trên mạng Youtube “Thất Bảo Huyền Môn”
Hôm nay Bảo Thành thấy rất là hạnh phúc, có lẽ vì thiên nhiên tươi mát và trong cảnh Tổ Đình Chùa Xá Lợi lại rất tự nhiên, tự nhiên của thiên nhiên và tự nhiên của lòng người hòa vào với nhau, chúng ta không còn tách biệt, giữa trời đất và con người nên một, lòng thấy nhẹ, tâm thấy thanh thản và con người thấy thư thái.
Các bạn, hình như ở trong đời, khi chúng ta bị tách lìa khỏi sự liên hệ với trời đất, với con người, với lòng cảm thông, đối với những ai đang sống chung với chúng ta. Dù là con người hay muôn vật, các bạn có thấy trên màn hình có những con công sống trong Chùa, chúng sống một cách hoang dã ở trên cây trong Chùa, nhưng khi gặp quí Thầy, quí Cô, quí Phật tử, chúng vẫn quấn quít. Bởi vì những con công này và mọi người sống nơi đây, Tăng thân Tổ đình Chùa Xá Lợi, cũng như quí Phật tử khi tới nơi đây, miền đất này, đều có nguồn năng lượng trở về với tâm thanh tịnh. Chính vì tâm thanh tịnh đó nó dung thông, liên kết với nhau, nên con vật và loài người không còn cảm thấy sợ hãi mà rất hạnh phúc gần gũi. Ta có thể cho chúng ăn và chúng có thể thật gần với chúng ta.
Các bạn, đúng như vậy, khi mà con người tự tách mình ra khỏi với trời đất thiên nhiên, khỏi sự liên hệ tâm chân thật của mình với nhau, thì hầu như bao nhiêu cảm xúc từ thân, nó không được thanh lọc trong tâm giao thoa bởi sự cảm thông, mà nó chỉ có sự lẫn lộn, lẩn quẩn của tâm ý chính mình, cho nên đời của con người có biết bao nhiêu sướng, vui, niềm hân hoan ta không hưởng được, mà ta cứ trằn trọc trong khổ, than.
Câu chuyện về loài thú: Có con trâu và con chó, chúng tranh nhau than khổ lắm. Trâu thì nói ta khổ, chó nói ta khổ hơn, rồi con chim ở trên trời cũng than khổ, nó bảo con trâu, con chó à: hai anh không khổ bằng tôi, loài chim mới khổ. Cũng chưa đâu, đó là ba con thôi, rồi bất chợt trong dòng sông, có một con cá cũng vươn đầu lên than: mấy anh sao cứ nói khổ hoài, tôi mới là người khổ nhất, chìm ở dưới nước. Cứ tưởng rằng bốn con nói chuyện là xong, nhưng không, ở trong khu rừng đó từng loài thú, từng loài thú tranh nhau nói khổ. Con trâu và chó là hai con sống trong gia đình kia họ than khổ, còn các loài kia ở thiên nhiên cũng than khổ. Sao mà tiếng khổ than vang vọng cả một góc trời, làm cho lòng của muôn thú ai oán, sầu buồn, khổ quá, khổ quá. Bất chợt con trâu nghe được tiếng ông chồng và bà vợ cãi nhau, bà vợ cứ càm ràm tối ngày, nói chuyện này chuyện kia, có lẽ ông chồng không có cảm thông được bầu tâm sự của vợ, cho nên vợ cứ nói đi rồi nhai lại, ông ta không chịu, ông ta chửi vợ và đuổi vợ đi ra chuồng trâu mà ở, không cho ở trong nhà, người xưa là vậy mà các bạn. Con trâu nghe rồi chột dạ suy nghĩ, thôi thế là xong, chẳng bao lâu nữa đâu, chuồng trâu ta đang ở, bà vợ sẽ ra đây ở, ta sẽ mất luôn chổ ở, ta sẽ khổ lắm, thế là nó lại than, lại buồn, tiếng ai oán của nó cũng vang lên một góc trời.
Các bạn, Câu chuyện Bảo Thành dừng ở đó, để chúng ta chia xẻ về cuộc sống. Ai trong các bạn cũng đã nhiều lúc than khổ, tất cả các bạn cũng đều than khổ rồi, chuyện to cũng than khổ, chuyện nhỏ cũng than khổ, bất cứ một chuyện gì các bạn làm, các bạn đều than trước, hình như khổ luôn đi liền với miệng của các bạn. Các bạn chưa bao giờ cất lên tiếng tán tụng hoặc sách tấn nhau bằng những chuyện tốt, mà chỉ thấy những khổ ràng buộc trong cuộc đời. Nhiều khi chuyện thực sự không có khổ, nhưng trong lòng của các bạn cứ than khổ. Bởi con người có lẽ ở trong cảnh chiến tranh, trong cảnh nghèo, nếu cứ nói vui người ta cười, nói sung sướng sợ người ta dòm ngó, nên nó thành một truyền thống than khổ, nhất là người Á Đông của chúng ta, gặp nhau là than, than cho tới đen cả bầu trời, đen cả một đoạn đời, than đến nỗi đen luôn cả Thôn Xóm, Làng Mạc mình ở.
Các bạn, trong giáo lý của Đức Phật, Đức Phật không dạy ta trốn tránh, từ bỏ cái khổ, đây là một điều chân lý thật là hay. Bởi trong giáo lý của Đức Phật, điều mà Đức Phật ngộ đầu tiên là khổ. Chính Đức Phật đã nhìn ra khổ, thấy khổ, biết khổ, hiểu khổ, thâm nhập được hết khổ của chúng sanh, chứ không phải riêng gì của Phật đâu. Khổ là nguyên nhân, mấu chốt, chìa khóa, Đức Phật đi tìm con đường để thoát khổ, chuyển khổ thành vui và hạnh phúc. Nếu không có khổ, Bảo Thành chắc chắn và các bạn đã hiểu sẽ không có Phật, nhưng bởi vì khổ nên mới có Đức Phật ngày hôm nay.
Các bạn, Đức Phật không dạy cho chúng ta than khổ, như thời Đức Phật có biết bao nhiêu trường phái, họ thấy khổ, họ tự hành khổ, họ tự làm khổ, họ đánh thân xác, họ hành xác, họ hành tâm, họ hành những con người khác phải khổ thêm, bởi vì họ thấy đời đã khổ, càng làm khổ mới có thể tìm ra hạnh phúc. Đức Phật thì đi ngược lại, trong cái khổ mà Ngài không than, nhưng phải nhìn sâu vào. Ngài đã thực tập nhìn thật sâu vào khổ, nguyên nhân khổ, để mà khai mở một nụ cười, khi thấu hiểu rõ ràng về nguyên nhân tại sao ta khổ. Bởi vậy trong kinh của Đức Phật khi Ngài giác ngộ, bài học đầu tiên Ngài dạy cho chúng sanh là hãy nhìn vào khổ, phải hiểu nguyên nhân tạo ra khổ đau đó, thì mới có thể đi tới bến bờ hạnh phúc an vui, rồi sẽ có một con đường dắt chúng ta, dạy chúng ta, giúp chúng ta chuyển hóa khổ, nguyên nhân tạo ra khổ, để biến khổ đó thành Niết bàn an vui.
Cái hay mà Đức Phật tìm ra là chúng ta không nên than, chúng ta phải tự sách tấn, tinh thần dũng mãnh, nhìn thẳng vào khổ, không sợ hãi, tìm ra nguyên nhân của khổ và chính chúng ta nhìn rõ, biết được nguyên nhân khổ đó, dũng mãnh nhìn thẳng vào đó không sợ, mà bao nhiêu khổ đến với chúng ta, nó không khác gì từng giọt mưa rớt xuống, nằm lợt lạt trên mảnh đất ta muốn gieo trồng mầm mống.
Các bạn, chính nỗi khổ đến với chúng ta mà chúng ta nhìn rõ, thấu hiểu được nó, thì khổ đó sẽ biến thành những giọt nước, tưới tẩm vào ruộng đồng, vườn tược, để cây hoa quả trồng, nó có thể hút được nước trổ nên hoa trái. Các bạn thấy không, đây là chân lý, ngay chổ này, cho nên ở trong đời, nếu chúng ta là người học Phật thì thấy khổ có thể vì hoàn cảnh mà vợ tạo ra khổ, mà chồng tạo ra khổ, hoặc vì kinh tế, con cái, nhà cửa, vì Cha Mẹ, vì tất cả các mối giao hảo trong đời, tất cả những chuyện này, chuyện kia xảy ra không như ý mà ta khổ. Ta đừng sợ các bạn. Phật bậc Thầy cao cả, đã dạy cho chúng ta, hãy hít thở nhẹ nhàng trong chánh niệm, bình tĩnh nhìn rõ khổ đó, tìm cho ra được nguyên nhân của khổ. Khi đã tìm ra được nguyên nhân tạo ra khổ đó, chỉ cần nhìn thấy, hiểu thấu, biết rõ, các bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc và bình an này, bởi vì ngay bên bờ khổ, nguyên nhân tạo ra khổ, nó nhập vào trong tâm cảm xúc của các bạn, chính là hạnh phúc và bình an đang ngự ở đó. Còn nếu như các bạn cứ than khổ, thì chẳng khác gì con thuyền đang cặp sát trong bờ, ta lại đẩy ra sông, và dòng trôi cuộc đời sẽ tiếp tục làm cho nó trôi nỗi trên sóng của cuộc đời khổ đau kia. Còn nếu các bạn chấp nhận khổ tới, như chấp nhận con thuyền cập vào bến, các bạn nhìn cho rõ con thuyền đó chứa bao nhiêu khổ, nguyên nhân ở đâu, thì nhất định các bạn biết sống. Cái bờ mà các bạn để cho con thuyền khổ đau cập vào, để cho các bạn nhìn rõ đó chính là bến bờ hạnh phúc, an lạc và bình yên.
Đức Phật dạy thật là tuyệt vời, đây là một bài học không hẳn chỉ cho người Phật tử chúng ta, mà cho tất cả những con người sống trên đời này. Nếu mong cầu một nỗi niềm hạnh phúc, một cuộc đời hạnh phúc, một tâm luôn luôn tĩnh lặng, chúng ta học theo, chúng ta thấy bình an vô cùng. Đây là một nghệ huật sống, đương đầu với tất cả những chuyện đang xảy ra, đã và sẽ xảy ra, để làm gì, để thấy rõ được nguyên nhân của nó. Nếu khổ ta nhìn rõ khổ, hiểu thấu khổ, hạnh phúc tới. Nếu hạnh phúc, ta nhìn rõ hạnh phúc, rõ được cội nguồn đưa tới hạnh phúc ta tiếp tục tạo ra. Như vậy một hơi thở, một đời sống chánh niệm, một tâm luôn an trú trong chánh niệm, giúp cho chúng ta làm chủ được cuộc sống, giữa muôn trùng đau khổ, bể khổ của cuộc đời, để ta an vui trên sóng khổ của cuộc đời.
Các bạn, đừng sợ khổ nghe các bạn, mà đừng than, bởi vì khi các bạn than khổ, các bạn đã đi xuống cảnh giới của phàm phu, các bạn đã đắm chìm trong đám sình lầy của cuộc đời, mà các bạn biết, sình lầy đã sa vào thật khó mà thoát được.
Chúc các bạn thấu hiểu lời Phật dạy: Khổ là nguyên nhân để có Phật. Khổ chính là chỗ ta nhìn cho thấu, cho hiểu, cho rõ nguyên nhân tạo khổ và cái khổ, sẽ tìm được hạnh phúc nơi Niết Bàn.
Chúc các bạn sẽ tìm được hạnh phúc trong cuộc đời, và từ nay đừng làm cho ai đen nữa, đừng làm cho Thôn Xóm đen, Cha Mẹ đen, bạn bè đen, bằng sự than van khóc lóc của chúng ta.
Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa