Con có nghe Thầy từng giảng là mình phải luôn luôn tác ý như pháp thiện khi tiếp xúc với mọi sự vật hiện tượng. Nhưng trong một bài giảng khác Thầy cũng có giảng cái gọi là nhìn như nhìn, nghe như nghe, thấy như thấy, không để tâm mình vào phán xét rồi tạo ra sự phân biệt. Vậy thì mình phải tác ý thiện hay không tác ý khi tiếp xúc với mọi sự vật hiện tượng? Dạ con xin Thầy chỉ dạy. Con cảm ơn Thầy!
Mô Phật, Có 02 trạng thái bởi vì tâm của con người, tâm như ý mã. Tức là nó chạy như con ngựa, chạy với tốc độ mã lực thật là nhanh không kéo nó kịp. Nên Phật đầu tiên dạy cho chúng ta nhìn như nhìn, nhìn như nhìn đó là một trạng thái giúp cho tâm đừng như con ngựa phóng xa, đừng có phóng tâm. Sau đó tác ý như pháp thiện, bởi ta là người thì phải theo nhân quả, thiện ác. Ta chưa là bậc thánh để đi tới trạng thái không phát tâm. Ta phải nhìn như nhìn rồi tác ý như pháp thiện. Tức là dừng con ngựa lại rồi sau đó quăng dây, cột nó, ghì nó lại để nó không phóng lên phía trước. Cho nên bạn hãy tập nhìn như nhìn và song hành với đó, tác ý như pháp thiện để chuyển hướng đi, hướng phóng đi của con ngựa, mà là cái tâm của ta nó không tán loạn ngược xuôi. Tâm của ta như con ngựa hoang luôn luôn muốn chạy ngược, chạy xuôi. Nhìn như nhìn tức là xác minh thật rõ đề mục trong chánh niệm hơi thở để con ngựa hoang tư tưởng nhận biết rằng ta đang sai hướng. Và rồi đó tác ý như Pháp thiện là quăng sợi dây cột cổ con ngựa hoang của tư tưởng, dìu dắt nó trên con đường ta mong muốn. Mà tác ý như Pháp thiện trong vấn đề thiền chánh niệm từ bi quán đó là tác ý từ bi để nhìn với tầm nhìn như thực pháp, như thực tướng. Cho nên chúng ta nhớ, nhìn như nhìn và phải tác ý Pháp thiện mà Pháp thiện đề mục ta thường quán chiếu đó là từ bi quán chánh niệm hơi thở. Và chúng ta đang thực tập câu số 02 là tăng trưởng tầm nhìn sâu sắc hơn về tất cả các Pháp đều vô thường mà ta không biết từ đó tham chấp, ôm giữ xác thân này, tư tưởng này, cảm xúc này, suy nghĩ này, kiến thức này, nhận thức này, lời nói, hành vi của chúng ta luôn luôn đúng, luôn luôn tồn tại từ đó mà ta đau khổ. Cho nên câu số 02 giúp cho chúng ta có một cái nhìn xuyên suốt sau một năm trời đã tác ý từ bi, chúng ta chánh niệm hơi thở từ bi quán là nhìn và tác ý với tâm từ bi. Nay bắt đầu nhìn sâu hơn để thấy vạn pháp sanh, diệt từng sát na vô thường để chúng ta chuyển hóa, phá vỡ tâm tham chấp trong tham ái, tham dục. Cám ơn bạn đã hỏi, Mô Phật.
Tham vấn Phật Pháp 6, https://youtu.be/evm1jfe-0y8