Search

Công Minh đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn đang gặp Bảo Thành trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến, hôm nay Bảo Thành đi vào một câu chuyện Đức Phật kể cho các tỳ kheo, đệ tử của Ngài. Nói đúng ra là để dạy cho các hàng tỳ kheo về ý nghĩa của chiếc cà sa, ý nghĩa của chiếc cà sa của một vị tỳ kheo cao quý như thế nào và ai là người xứng đáng để đắp lên người chiếc áo cà sa đó. Câu chuyện kể về một tiền kiếp xưa ông Đề Bà Đạt Đa, là đệ tử của Phật nhưng cũng là anh em họ bà con với Phật. Đề Bà Đạt Đa là người từ lúc nhỏ cho đến lúc Đức Phật xuất gia, Đề Bà Đạt Đa cũng đi tu theo nhưng mục đích của ông là để phá Phật, là để hại Phật. Cái câu chuyện mà Đức Phật kể về cái tiền kiếp của ông Đề Bà Đạt Đa có một ý nghĩa cao trọng trong cái thời đại ngày nay, ai là người xứng đáng đắp lên người chiếc áo cà sa.

Câu chuyện kể như vầy, vào một thuở xưa, có một vị độc giác, đắp trên người chiếc áo cà sa, ngài tu ở một khu rừng. Bởi vì ngài tu theo hạnh độc giác, chứng đắc được rồi, do đó có một con voi luôn tới đó, quỳ xuống, nó lạy ngài như một cái thói quen đảnh lễ bậc chứng đắc. Thế rồi có một ông thợ săn, ông thợ săn này chuyên săn voi mà thôi. Ông ta bắt đầu nhìn thấy một con voi lớn có ngà thật là đẹp, dài, ông ta tính săn con voi này nhưng không sao tiếp cận được con voi này. Khi có người lạ tới bắt gặp là con voi này có thể hành hung dữ lắm, không ai dám tới gần, dù ở cái mức gần có thể săn bắn được cũng không dám tới, bởi con voi này nó có một cái sự đặc biệt là nó nhạy bén với những người thợ săn, nên không ai là thợ săn có thể tới gần trong cái tầm ngắm để bắn nó được. Nhưng vì quan sát thấy con voi này đảnh lễ ông độc giác kia, cái người tu hạnh độc giác kia, vị tu chứng đắc kia và cái vị độc giác kia là người tu sĩ đắp trên người chiếc áo cà sa, anh thợ săn này mới nghĩ đến cái cách bắt được cái con voi có cặp ngà lớn cao quý kia. Anh ta một hôm, thấy cái vị độc giác kia đi tắm ở bờ sông liền ăn trộm chiếc áo cà sa của vị độc giác và đắp lên trên người, ngồi vào cái chỗ mà người tu thường hay ngồi có con voi tới quỳ lạy. Và anh thợ săn này đắp trên người chiếc áo cà sa đã chuẩn bị cung nỏ sẵn sàng để đợi con voi đến lạy thật là gần để bắn và săn con voi này.

Nhưng khi con voi tới, anh thợ săn này đắp cà sa lên, thấy con voi đúng vừa tầm ngắm thì bắn con voi. Nhưng con voi kia nó rất là nhạy bén. Nó đã nhận ra chiếc áo cà sa này là của vị độc giác, nhưng người đắp áo cà sa này không phải là vị độc giác kia, cho nên nó có sự chuẩn bị. Đi tới gần thấy có sự hành hung của tên thợ săn, nó liền phóng vào quất một cái thì anh thợ săn liền chết ngay. Anh thợ săn đó chính là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa, người anh em bà con luôn theo để bách hại Phật. Đức Phật lấy hình ảnh tiền kiếp của Đề Bà Đạt Đa để mà truyền cho các hàng đệ tử và tỳ kheo của Ngài nhớ rằng: người xứng đáng để đắp lên người chiếc áo cà sa là người phải có một hạnh nguyện đi tu xuất thế gian, còn nếu không, như hàng thợ săn đắp áo giả dạng là một vị tăng, thì nhất định con voi sẽ nhận ra và quật chết ngay. Trong cuộc đời, cuộc sống hiện tại, Phật khuyên các hàng tỳ kheo, khi chúng ta đắp áo cà sa của Như Lai lên trên người, chúng ta phải phát hạnh nguyện tu trong hạnh nguyện xuất gia và phải xứng đáng, xứng đáng để chuyển hóa nghiệp chướng của mình và thanh tịnh thân tâm, nhiếp tâm trong hơi thở chánh niệm, tu theo giới-định-huệ, pháp môn của chư Phật dạy để liễu thông thì mới xứng đáng đắp lên người chiếc áo cà sa. Còn nếu không, đầu óc của chúng ta vẫn là như người thợ săn, mà đắp áo cà sa lên thì voi sẽ quật ngã chết.

Trong cuộc sống hiện tại, không hẳn nói đến chiếc áo cà sa của người tu, mà ở cuộc sống ở đời, chúng ta thường đắp lên mình những hình hài để tôn vinh lòng tốt, tôn vinh cái danh của chúng ta để từ đó lạm dụng cái danh, cái quyền để lừa gạt, để bách hại người khác. Nhưng con mắt của thế gian cũng có sự nhạy bén như con voi. Con voi có sự nhạy bén bởi nó đã có kinh nghiệm trong cuộc sống, nó là voi chúa có ngà. Con người ở đời ngày nay họ cũng có kiến thức để nhận biết như con voi. Họ lanh lẹ, họ thông thái. Họ có kiến thức. Họ có con mắt trí tuệ và con mắt kinh nghiệm từng trải trong cuộc sống. Nên những ai nếu khoác vào mình một hình hài, một danh phận để lừa gạt người ta thì nhất định không sớm thì muộn cũng sẽ bị nhận ra. Và khi nhận ra rồi, coi chừng chúng ta cũng sẽ bỏ mạng như anh thợ săn bị con voi nhận ra đắp áo cà sa để giả người, giết nó. Ở đời là như vậy, mà thật sự ở trong đời xảy ra thật là nhiều những câu chuyện như vậy, nào là người này, nào là người kia đã giả danh ông này, bà nọ rồi đắp lên mình những danh phận, địa vị trong xã hội về trong làng, trong thôn, trong xóm, về nơi mình sinh sống rồi lừa gạt, lừa gạt người thân, lừa gạt những người miền quê. Mà dù là người thân ở miền quê hay người miền quê sống trong thôn xóm rừng sâu, họ vẫn có con mắt trí tuệ nhận ra được, bởi ngày nay ai cũng có tầm nhìn xa như vậy. Cho nên những ai muốn giả danh để khoác lên mình những chức vị, những quyền danh, những tên tuổi này kia có vẻ cao trọng, có vẻ là có quyền, có tiền để lừa gạt người khác, coi chừng sẽ có ngày bị hại đến thân.

Đó là nói về phương diện của cuộc đời, còn nói về tôn giáo, thiếu gì những người trong chúng ta khi thấy được áo cà sa của vị độc giác kia rồi thấy con voi quỳ lạy, ngược lại ta cũng là một thợ săn chắc chắn ta cũng hiểu lầm là chiếc áo cà sa làm nên người tu sĩ để rồi đắp áo cà sa để săn bắn con voi. Thiếu gì những con thú loạng quạng ở trong đời mà ta nghĩ rằng khi đắp áo nhà tu lên ta có thể lừa gạt được họ, ta có thể bắt sống được họ, ta có thể săn được họ. Nhưng mà coi chừng, bởi ngày nay không phải như ngày xưa. Ngày nay con người có một tầm hiểu biết rộng lớn bởi giáo lý của nhà Phật được lưu truyền rộng rãi ở trên mạng, rồi các bậc hòa thượng, thượng tọa, đại đức tôn kính thường hay truyền dạy, khai mở kiến thức và trí tuệ cho Phật tử. Cho nên trong hàng Phật tử, họ có con mắt trí tuệ, họ có con mắt kiến thức của Phật học, họ nhìn ra trong đời sống của những ai đắp áo cà sa để hiểu rõ ràng chiếc áo cà sa đó là cà sa của một vị xuất gia hay cà sa của một anh thợ săn đang đắp lên. Con voi đã nhận ra, thì với con mắt kiến thức ở đời họ cũng sẽ nhận ra. Chúng ta đừng nên như vậy, đừng vì ham muốn bắt được con voi khi ta là thợ săn để rồi ăn cắp chiếc áo cà sa của vị độc giác, khoác lên trên người, ngồi đúng chỗ vị độc giác thường ngồi, đúng chỗ con voi thường quỳ lạy mà tưởng chừng như đúng chỗ đó ta sẽ giết được con voi. Con voi có sự tinh tế của con voi, nó đã quật chết ông thợ săn kia bởi nó nhận ra. Cuộc đời của chúng ta mỗi một người hiện tại đều có một kiến thức đặc trưng, kiến thức căn bản bởi pháp Phật ngày nay nhiệm màu được lưu truyền và truyền dạy rộng rãi, ai cũng có kiến thức đó. Nếu như những ai tưởng rằng có thể đắp áo cà sa của vị xuất gia lên trên người mà mang cái tâm của một vị thợ săn hay cái tâm của một vị không phải hàng xuất gia thì coi chừng con mắt trí tuệ, kiến thức của loài người, của Phật tử, khi họ nhận ra rồi thì chúng ta sẽ mang họa vào thân.

Cuộc sống mà, hãy dùng cái tài, cái lực và trí tuệ của chúng ta để suy nghĩ. Hãy dùng trí tuệ đó để ứng dụng vào trong cuộc đời, đem lại lợi lạc cho ta và có thể san sẻ với mọi người. Đừng lạm dụng màu áo cà sa của một vị độc giác, đắp lên người có tánh thợ săn để săn bắt thú. Con người không phải thú, ta chẳng thể đắp lên cà sa ở trên người để có thể bắt được những cái lợi lạc trong cuộc đời do những người khác cung phụng cho mình. Chẳng qua là người ta biết nhưng vì thương, người ta bỏ qua, chứ còn nói cho rõ ràng trên đời này ai cũng nhận biết thật rõ chiếc áo cà sa khi đắp lên người, người đó xứng đáng là người đắp cà sa hay không.

Trở lại với lời của Đức Phật dạy, Đức Phật dạy bài học đó với các hàng tỳ kheo để nhắc nhở rằng: nếu đã là hàng tỳ kheo xuất gia, chúng ta phải sống đúng với giới hạn của người xuất gia để chúng ta xứng đáng đắp lên người chiếc áo cà sa của nhà Phật lên con người phàm này, đại diện cho chánh pháp mà khai thị những lời giáo dưỡng của Phật cho chúng sanh để chúng sanh thoát khổ. Chúng ta đừng như tên thợ săn giả dạng nhà tu, đắp áo cà sa để săn lùng những danh văn lợi dưỡng, cơm áo gạo tiền trong cuộc đời. Ta có sức mà, ta có trí tuệ, vậy dùng kiến thức, trí tuệ và sức lực của người bình thường là cũng kiếm được rồi, đừng lợi dụng. Hãy sống chân thật với cái tâm của mình vẫn tốt đẹp, dù anh là người bình thường ở trong đời hay một vị xuất gia, phẩm giá không khác nhau, dưới hai hình tướng riêng biệt. Sống trọn vẹn với tâm chân thành, lòng ta sẽ an, tâm ta sẽ vui. Sống chân thật và khoác lên mình hình hài chân thật của mình và như vậy chúng ta sống chính xác với địa vị của ta. Ta xứng đáng được hưởng niềm hạnh phúc. Đừng rình rập như lão thợ săn, đừng hiểu lầm con voi là con vật chẳng biết gì để ăn cắp chiếc áo cà sa, khoác lên người mà tính giết con voi. Đừng nghĩ rằng chiếc áo cà sa bán đâu đó có thể đắp lên trên người là có thể lấy được tất cả những vật chất, tiền tài, danh vọng ở đời do sự cung phụng của đàn na tín thí. Đà na tín thí có trí tuệ và kiến thức, ngày nay họ rất thông minh, ngày nay họ có kiến thức căn bản thật là nhiều, được thẩm thấu qua những lời dạy của những bậc tôn sư và đặc biệt trên kinh dĩa và google thông tin đại chúng, họ đều học được ở nhiều nơi mọi lúc, họ có con mắt trí tuệ. Hãy nhớ đừng làm việc đó.

Chúc các bạn đắp lên được chiếc áo chân thật để các bạn sống an vui.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn