Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lực đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn. Các bạn thân mến, chúng ta thường nhắc nhở nhau phải cố gắng tu tập, phải chuyên tu bởi vì sau khi chúng ta nghiên cứu về kinh điển qua những tạng văn chương Phật giáo, kinh sách về Phật giáo thì bước kế tiếp các thầy, các tổ thường hướng dẫn là ta phải tư duy. Khi bạn đã tư duy về kinh sách, lời dạy của Đức Phật xong và tới một lúc nào đó thì chúng ta đi vào chiều sâu của sự tu tập, tu luyện. Nghe theo lời dạy như vậy, văn – tư – tu, có một anh chàng quyết định tu và anh ta nghe người ta nói, trên đỉnh cao sơn ngay thôn mình, có vị thiền sư chứng đắc đạo quả, hình như thành Phật. Nghe vậy anh ta đi lên trên ngọn cao sơn đó, tới thiền viện nhỏ thì anh ta có ý định chẳng cần phải tiếp xúc với thiền sư làm chi bởi anh ta nghĩ ông thiền sư tu trong thiền viện này nhờ thiền viện này mà ông ta thành Phật, nên ta chỉ vào thiền viện này ngồi thiền, ta cũng thành Phật như ông ấy, cần gì tìm thiền sư. Thiền sư cũng nhờ thiền viện này ngồi thiền, ta cũng ngồi thiền được, nhất định ta cũng thành bậc chứng đắc. Anh ta ngồi xếp bằng trước tôn tượng của Phật và bắt đầu thiền, anh ta ngồi như vậy được một chút thì ông thiền sư tới hỏi: “Này anh kia, anh ngồi đó làm gì?”. Anh này nghe, thấy bực mình, không muốn trả lời nhưng vì lịch sự anh ta nói: “Tôi ngồi thiền”. Ông thiền sư hỏi: “Anh ngồi thiền để làm gì?”. Anh này nói: “Tôi ngồi thiền để thành Phật”. Ông thiền sư lại nói: “À, ngồi thiền mà thành Phật ư?”. Anh chàng bực mình lắm, nhưng mà vẫn tiếp tục nhắm mắt ngồi thiền theo định nghĩa của thiền môn mà anh ta hiểu. Nhà sư mang cục gạch ngồi kế bên anh kia đang thiền, anh này nhìn thấy, hỏi: “Ông ngồi đây làm gì?. Thiền sư nói: “Tôi ngồi đây để mài đá”. Anh ta thấy lạ, sao không ngồi thiền như ta để thành Phật mà ngồi đây mài đá, nên hỏi thiền sư: “Ông ngồi đây mài đá để làm gì?”. Thiền sư trả lời: “Ta mài đá làm gương”. Anh này thấy ngộ, cục đá mà ngồi mài được thành gương, anh ta bực mình nói với thiền sư: “Cục đá mà thành gương được sao?”. Lúc đó thiền sư nhân từ nói: “Ta ngồi mài đá thành gương, ngươi nói ta mài đá sao thành gương, ngươi còn nhớ ta hỏi ngươi ngồi đây làm gì, ngươi nói thiền thành Phật, ta cũng trả lời ngươi rằng ngồi thiền mà thành Phật ư”. Chính câu lặp lại đó, anh chàng kia đã hiểu ngộ, cúi lạy vị thiền sư làm thầy, từ đó theo học chánh môn của vị thiền sư. Sau khi được khai thị, anh ta chứng đắc.
Các bạn, thiền được dạy nhiều trong dân gian từ thuở xưa đến nay. Có những pháp môn thiền cao siêu đặc trưng của từng miền của những bậc tổ dạy. Nhưng hầu hết các bậc thiền giả ít có thời gian tu học, cận kề với sư phụ, với thầy tổ của mình để am tường đường đi lối bước của cách thiền nên ôm khư khư vào kiến văn hiểu được để rồi mang toàn bộ văn tự chữ nghĩa, lập trình, tư tưởng đó ôm vào thế kiết già, ngồi cứng ngắc, giữ lưng thẳng, hít thở đều, có thể đếm hơi thở, đếm số hoặc thiền quán, thiền định để chứng đắc tới một phần nào đó theo kinh sách đã nói đệ nhất thiền là gì, đệ nhị thiền, tam thiền, tứ thiền có gì. Cứ theo đó mà quán chiếu cho sâu rồi thành hoang tưởng rồi gọi là chứng, nhưng không phải chứng đắc mà là chứng cái tâm ma hoang tưởng trong những điều ham muốn. Đó là thiền sao? Thiền như vậy thành Phật được sao? Câu hỏi của thiền sư nhắc nhở cho anh chàng kia với chân lí đơn giản: nếu cứ ngồi thiền như vậy thành Phật ư, ngồi đâu phải là thiền, thiền đâu thành Phật. Nếu ta hiểu được sự thâm thúy của câu hỏi của vị thiền sư thì ta mới có thể giác ngộ. Vậy ngồi như nào gọi là thiền, thiền như nào để thành Phật? Đó là câu hỏi của mỗi người học thiền. Thực ra chẳng có tư thế nào gọi là thiền bởi thiền là làm chủ tâm, khi bạn làm chủ được tâm rồi, đi, đứng, nằm, ngồi, mọi tạo tác đều thiền, chẳng phải khép kín trong tư thế kiết già, lưng thẳng đứng, bất di bất động, hơi thở tĩnh mạch, nhập vô đại định gọi là thiền.
Thiền của nhà Phật đơn giản trong 4 chữ “làm chủ được tâm”. Và để làm chủ được tâm ý thì nó có được trong Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo ở trong tứ thánh đế “khổ, tập, diệt, đạo”. Cái chữ đạo ở cuối gọi là Bát Chánh Đạo là 8 con đường đi đến chứng đắc đạo quả. Trong 8 con đường đó, không có một con đường nào gọi là thiền, không có thiền trong đó, toàn nói về tâm, về thân, về nghiệp. Chánh niệm là một trong những Bát Chánh Đạo mà những người xưa dựa vào đó như một nền tảng Đức Phật dạy về thiền. Thiền Vipassana hay thiền quán, quán thân bất tịnh, quán thọ huyễn giả, quán tâm của mình là vô ngã pháp vô thường hoặc quán tâm vô thường pháp vô ngã. Cái nào cũng có thể quán ngược quán xuôi. Quán để nhìn thấu rõ được thân, thọ, tâm, pháp để không bám chấp vào đó. Nhưng tất cả mọi nền tảng của thiền quán, thiền chỉ và thiền định, tất cả gọi là thiền, đều phải dựa trên hơi thở chánh niệm. Chánh niệm là một pháp trong Bát Chánh Đạo để chúng ta an trú tâm trong đó. Khi các bạn dụng tâm trong hơi thở chánh niệm, đó gọi là thiền. Và làm sao để các bạn an trú được trong hơi thở, để tâm an trú trong chánh niệm đó? Không phải ở động tác, ở ngồi thiền để thành. Không. Bởi hơi thở chánh niệm có thể thực hành được khi tương tác giữa con người với con người, khi ta làm việc, khi ngồi, đi, đứng, nằm, mọi tư thế trong cuộc đời và trong mọi sinh hoạt, ta đều có thể thực tập hơi thở chánh niệm. Hơi thở chánh niệm, để chú tâm, khi nói chuyện, khi cười, khi ăn uống, khi ngủ nghỉ, khi đánh răng, súc miệng, khi chúng ta kinh hành đi bộ, mọi hành động trong cuộc sống đều có thể áp dụng hơi thở và an trú trong hơi thở đó để tâm tịnh tĩnh, an trú trong hơi thở chánh niệm, đó gọi là thiền. Hiểu được điều đó thì khi các bạn chọn được phương thức là ngồi xếp bằng kiết già, bán già hay ngồi không, với hơi thở ra vào giữ tâm ở đó thật chánh niệm, đó gọi là thiền, thì nhất định cục đá kia mài sẽ thành gương, thì nhất định tư thế nào bạn ngồi với hơi thở chánh niệm đó bạn sẽ thành được sự an lạc, tịnh tĩnh và chứng đắc quả Phật.
Ý nghĩa của thiền sư nhắc nhở cho anh chàng kia là ở tâm ý như vậy, làm chủ được tâm ý như vậy, ở tâm chứ không phải ở tướng, để thành Phật. Thiền sư hỏi ngồi thiền để làm gì và ám chỉ chữ thiền là quan trọng. Thiền để thành Phật, trên đời này cứ ngồi thiền sẽ thành Phật thì biết bao nhiêu vị đã ngồi thiền rồi, mà ai thành Phật đâu. Sau thời Đức Phật chưa thấy ai ngồi thiền thành Phật hết, có chăng là thành trong sự hoang tưởng hoặc thành tựu trong văn tự để rồi đối đãi với những người khác rồi bắt đầu phân biệt cao thấp. Cũng như có ai mài đá mà thành gương. Nếu biết được cái dụng của viên đá, mài nhẵn ra sẽ như một tấm gương để nhìn, nếu biết được cái dụng của thiền, ngồi kiết già như thế nào, bằng hơi thở chánh niệm như thế nào, an trú tâm như thế nào, nhất định sẽ chứng đắc. Bởi Phật đã làm như vậy đã chứng đắc, là phải đúng rồi. Nhưng phải thấu rõ được tâm chứ đừng vội vàng chúng ta chỉ copy (bắt chước) cái tướng y chang như ngồi thiền mà thành Phật, ngồi kiết già là thành ngay, không có.
Do đó, khi các bạn là những vị hành giả hoặc là những bạn muốn tham cứu về thiền hoặc pháp môn nào đó, quan trọng nhất vẫn cần phải có thầy hướng dẫn, chỉ cặn kẽ. Chọn ai làm thầy thì tùy nhân duyên. Nếu bạn có duyên gặp được những bậc thiện tri thức, những bậc thầy chân thật hiểu ngộ được pháp họ học, họ sẽ hướng dẫn cho bạn cặn kẽ để chứng đắc, còn không bạn sẽ lại lầm lũi đi theo họa sĩ để vẽ vời muôn màu muôn sắc để rồi cuối cùng các bạn cũng lâm vào khu rừng rậm của sắc tướng thế gian, ý tưởng của phàm phu và những hình hài vẽ lên do hoang tưởng tạo thành chứ không phải từ sự chứng ngộ chân thật từ cái tâm an trú trong hơi thở chánh niệm mà làm chủ tâm ý của họ. Chúc các bạn như một sự gợi ý để tư duy. Còn nếu như các bạn thích tham khảo về thiền học, thích tu pháp môn nào cũng vậy, các bạn cố gắng tìm hiểu rõ và tiếp cận những bậc thầy phù hợp căn cơ. Khi tiếp xúc và tiếp cận như vậy, chắc chắn các bạn sẽ tu tập thành tựu được. Cảm ơn các bạn đã nghe Bảo Thành.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.