Bảo Nguyện đánh máy
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
Chú Đại Bi…..
Mu A Mu Sa
Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang
Ma Sa Ốp Uê
Sa Bi Mô U
Sa U Sa U Ba Thê Um
Nam Mô Saka Poutte, Nam Mô Saka poutte
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Hôm nay thứ bảy, chúng ta tập trung ở trên điện. Những người chúng ta làm cha mẹ thường lo lắng về những đứa con của mình, không hẳn chỉ là những trẻ em mà ngay cả những người lớn như chúng ta và những sinh viên đại học thường hay mắc vào chứng bệnh thời đại 4.0, mắc vào chứng bệnh mà khoa học càng tiến bộ thì chúng ta càng ghiền, đó là chơi game. Các bậc phụ huynh hỏi bảo Thành là làm sao để có thể giúp cho con cái của mình bớt chơi game?
Hôm tuần rồi Bảo Thành có ngồi nói chuyện với một người mẹ khi người mẹ tới điện Thất Bảo để lau dọn, người mẹ nói về đứa con của mình rằng con không chịu nghe lời của mình, toàn chơi game, nói sao thì con cũng chơi game không chịu học. Thầy hỏi làm sao bé có thể chơi game được và chơi bằng phương tiện gì thì mới biết bé chơi game bằng phone. Làm sao bé có phone? Người mẹ trả lời rằng bé không chịu học, cứ đòi phone nên con đưa phone cho bé chơi. Sự giáo dục con cái đòi hỏi phải suy nghĩ ra một phương pháp phù hợp với cá tính của từng bé. Có bé sinh ra đã khó nói, có những bé sinh ra nói hoài không nghe, nhưng bản chất của tất cả các bé là đều có thể học được, có em học nhanh, có em học chậm, có em nghe lời nhanh, có em nghe lời chậm. Những điều kiện mà chúng ta mớm cho các em trong một môi trường lành mạnh có giáo dục dưới sự suy nghĩ chín chắn và hiểu được tâm ý của các em thì chúng ta là cha mẹ rất dễ dàng dẫn đưa con cái vào nề nếp, ngoan ngoãn. Chỉ một hành động nhỏ của đứa con không học bài đòi chơi game mà mẹ đã đưa phone, nhìn qua hành động đó chúng ta không thấy gì, nhưng đó là cái duyên tiếp cho em chơi game. Nhân và duyên trong nhà Phật chúng ta học được thì không phải bé nào cũng mê chơi game, bởi lúc đầu bé đâu biết chơi game, bé đâu biết phone. Từ thưở nhỏ ta đã cho bé cầm phone, chơi game một cách thỏa thích mà không có sự ngăn chặn. Rồi khi bé đi học, game quá hấp dẫn trong tâm tưởng của bé nên bé không chịu học, rồi người mẹ lại đưa phone cho con chơi game. Làm sao chúng ta có thể ngăn chặn và nói cho con cái học hành tiếp tục được nữa khi chúng ta tiếp tay cho hành động của em chơi game. Nhân và duyên là điều mỗi một phụ huynh cần phải suy nghĩ. Chúng ta cứ gieo những nhân xấu thì sẽ gặt quả xấu, và tạo những duyên xấu cho nhân xấu nảy mầm, như thế thì nhất định cái kết là con cái không nghe lời, và chúng sẽ luôn luôn chơi game, cuộc đời mai sau thật khó, phụ huynh sẽ phải đau lòng. Không phải chúng ta nghiêm cấm con cái không sử dụng phone và không được chơi game, chúng ta vẫn cho con chơi game và sử dụng phone nhưng phải có nguyên tắc và lập trường vững chắc. Có rất nhiều phụ huynh đã làm được việc này và thành công, vẫn cho con cái chơi game, nhưng chơi game là một phần thưởng sau khi đã làm bài tập hoặc đã làm những công việc cần thiết do cha mẹ chỉ định, và bé được thưởng 15 phút chơi game. Hành động chơi game đó là phần thưởng cho những hành động cụ thể đã thành công, và từ đó bé ý thức rằng muốn chơi game hay muốn có một điều gì thì cần phải làm một điều chính đáng, phù hợp và tốt đẹp. Đây là một thói quen tốt, chúng ta hoàn toàn không thể cấm con cái chơi game hay sử dụng phone, bởi thời đại ngày nay không những con cái mà đối với tất cả mọi người trên thế giới thì phone là phương tiện để cập nhật thông tin, con cái học hành cũng phải học bằng máy vi tính, thậm chí bằng phone bằng ipad. Trong thời dịch con cái chúng ta học online, như vậy phương tiện kỹ thuật số là phương tiện rất cần thiết trong đời sống, nhưng nếu không khéo thì những phương tiện đó được cài đặt những game mà những nhà thương mại đào khoét trong đầu của trẻ thơ để đưa chúng vào sự nghiền ngẫm mất căn bản học hành để họ kiếm tiền, vì kiếm tiền nên họ chẳng bao giờ nghĩ cho tuổi thơ, nhưng nhớ trong tất cả các game có những game độc hại, cũng có những game giáo dục. Bảo Thành có một người bạn là người Mỹ, anh ấy chế ra những game để làm toán, chơi game tuy chơi mà là học, cho nên nếu con cái ta chơi game 15 phút thì nhất định ở lứa tuổi còn thơ ta nên tìm những game về giáo dục cho con cái xem trong 15 phút sau khi chúng đã nghe lời làm bài tập, học hành hoặc nghe theo sự chỉ dẫn của cha mẹ. Trong nhà Phật có khái niệm là “tập khí”, tức là những thói quen xấu, những thói quen xấu đó phần nhiều là chúng ta cứ tự tung tự tác vận hành thiếu suy nghĩ, riết rồi tạo thành thói quen xấu, và những thói quen xấu đó sẽ làm cho chúng ta mất đi sự tự chủ. Mỗi một lứa tuổi đều có sự tự nhiên, chúng ta cứ để tự nhiên. Nhưng sự tự nhiên đó sẽ lớn dần nếu không có sự giáo dục con cái qua sự hướng dẫn của cha mẹ, nhưng cần phải khéo, nếu không khéo thì ta không dướng dẫn được. Tệ nạn ngày nay chơi game từ tuổi thơ cho tới khi vào đại học rồi mà Bảo Thành vẫn thấy các em sinh viên nghiền ngẫm game tới mức mà không học được, hoặc ngay cả những người đã lớn vào hãng xưởng mà cũng chơi game không chịu làm việc rồi bị đuổi việc. Ta không nói những trường hợp lớn mà nay phụ huynh nghĩ về những người con còn trẻ, đừng bao giờ khi con không làm bài hoặc không chịu nghe lời mà đòi game thì ta lại đưa phone, đó là hành động tiếp tay cho bé tiếp tục chơi game, cha mẹ phải có cương lĩnh dứt khoát đưa ra, cho con biết được rằng muốn chơi game thì con phải thực hiện được những điều được hướng dẫn. Chỉ như vậy, đơn giản một chút nhưng nghiêm túc, đừng dễ dàng nuông chiều con cái quá vì khi lớn lên chúng sẽ không bao giờ nghe lời.
Tóm lại, làm sao để con cái bớt chơi game. Thứ nhất, phụ huynh phải tiên quyết không tiếp tay cho các cháu chơi game một cách bừa bãi mà chỉ cho các cháu chơi game 15 phút mỗi lần trong ngày khi các cháu đã làm theo những điều mình hướng dẫn. Thứ hai là khi con cái khóc lóc lăn đùng ra sân thì chúng ta vội vàng đưa phone để dỗ dành, không được làm như vậy, phải nghiêm.Thứ ba là không vì đưa phone cho con chơi để mình làm việc, nhiều cha mẹ do nấu ăn giặt giũ làm việc thấy con cái nghịch nên đưa phone cho con chơi game trong khi mình nấu cơm hoặc làm việc, làm xong thì 2 hoặc 3 tiếng đã trôi qua. Và ngày nào cũng vậy, riết rồi tạo cho con cái mình thói quen chơi game trong khi mình làm việc. Chúng ta có lẽ khó có điều kiện dắt con mình đi chơi, đi học thêm hoặc chơi thể thao, nhưng chúng ta nhất định không vì thế mà để con cái ôm cái phone hoài. Là những phụ huynh trẻ, chúng ta cần phải dành thật nhiều thời gian dắt con cái ra ngoài, tập thể thao bơi lội văn hóa thư giãn bên ngoài hơn là ôm phone. Có một sự giáo dục rất đặc biệt hoàn cảnh khác nhưng ta có thể làm được, ở bên Mỹ, sau giờ học, khi cha mẹ đi làm về rồi thì luôn luôn dành thời gian đưa con mình chơi thể thao hoặc học thêm. Chính vì sự sinh hoạt sau giờ học rèn luyện sức khỏe bằng thể thao hoặc học thêm để nâng tầm hiểu biết nên con cái bớt thời gian chơi game. Chúng ta ngày nay quá eo hẹp thời gian đồng hành cùng con cái trong vấn đề giáo dục, bởi vì hoàn cảnh phải lo kinh tế, điều này là điều rất khó ở Việt Nam. Tuy nhiên vì tương lai của con cái chúng ta mai sau nên chúng ta nhất định phải ưu tiên nhiều hơn để dành thời gian cho con cái. Trong lời Đức Phật dạy: mang tình thương bằng hành động cụ thể, chăm sóc con qua sự giáo dục đúng mức vì chúng ta đang nuôi dưỡng một thiên thần, chúng ta đang tạo nền tảng cho một vị mang nhiều lợi lạc cho xã hội, đó chính là con cái của mình. Còn nếu chúng ta không mang tình thương ứng dụng vào những hành động cụ thể trong sự giáo dục chăm sóc cho con cái thì chúng ta đang tạo ra chướng ngại cho xã hội, bản thân và gia đình. Đứa bé ấy lớn lên sẽ là chướng ngại thật nhiều, rồi sau này ta than trời oán đất, đó là oan gia trái chủ. Không phải như vậy, chỉ vì ta thiếu sự quan tâm. Ngày nay trong nền giáo dục có thật nhiều ban ngành về tâm lý giáo dục trẻ thơ, chúng ta phải nghiên cứu thật nhiều trên Google, trên mạng internet, tiếp cận các nhà tâm lý giáo dục trẻ thơ để hiểu những phương pháp và tiếp cận những nền giáo dục học hỏi, đặc biệt là những phụ huynh trẻ để hiểu cách giáo dục con khi còn thơ để chúng không rơi vào tình trạng nghiện game quá đáng, rồi chúng ta không ngăn chặn được. Trẻ thơ chơi game của trẻ thơ, còn chúng ta chơi game của cuộc đời. Theo Đức Phật, mỗi người chúng ta cũng đắm chìm trong game của cuộc đời. Quý vị có nhớ 5 trò chơi cuộc đời mà mình không dứt ra được, đó là ngũ dục: tiền, tình, danh vọng, tài sản (như nhà cửa, xe cộ…) hoặc đắm chìm trong vấn đề ăn uống phủ phê. Hiểu được rằng ta đang đắm chìm trong năm thứ đồ chơi ấy thì ta phải tự chuyển hóa bản thân của mình bằng cách Chánh Niệm đời sống qua hơi thở, và nhìn sâu sắc rõ ràng vào những trò chơi ấy nếu đắm chìm sẽ gây nguy hại cho đời sống tinh thần và tâm linh, thể chất. Ta biết điều độ phù hợp để ứng dụng tiền, tình, danh vọng, của cải, xe cộ, ăn uống vừa phải như phương tiện để sống và phát triển đời sống tinh thần tâm linh thể chất thì điều đó đáng quý. Nhưng nếu đắm chìm vào, bán thân bán phổi bán sức để tìm kiếm những thứ đó, đánh đổi Trí Tuệ nhân phẩm nhân cách đạo đức để có được những thứ đó rồi sau cùng những trò chơi đó, game của cuộc đời đó sẽ vùi ta xuống lòng đất. Ngoài sự giáo dục con cái thì ta phải tự chủ tự giáo dục bản thân, chuyển hóa để không đắm chìm trong thú vui ngũ dục, trò chơi của cuộc đời. Làm chủ được bản thân thì nhất định ta sẽ hiểu được cách làm chủ được cách giáo dục con cái mình bớt chơi game.
Để nhìn thấy được sự tai hại của những trò chơi trên thì mỗi người chúng ta phải nhìn nhận thật rõ mỗi ngày xem những thứ đó có phải là trung tâm điểm dẫn dắt chúng ta đi vào một ngày để sống hay không. Nhìn rõ từng tạo tác hàng ngày bằng cách trở về với hơi thở của Chánh Niệm bằng cách tịch tĩnh quán chiếu bản thân của mình, ta tăng trưởng được những nguồn năng lượng tích cực, giúp cho thân khỏe tâm trong sáng và ta có độ nhìn rõ hơn về những hành vi suy nghĩ hành xử trong cuộc đời để ta chuyển hóa và sửa chữa thì nhất định ta là người đã thắng được chính bản thân của mình, biết dừng lại những trò chơi tai hại và biết phối hợp những trò chơi có giáo dục để tăng trưởng kiến thức cho mình. Đồng tiền ta làm ra ta có quyền, nhiều tiền giàu có ta có quyền, nhưng làm giàu có tiền sử dụng như thế nào thì đó là điều ta cần phải hiểu. Tu tập pháp thiện lành giúp cho chúng ta tăng trưởng 5 phương tiện trong cuộc đời trở thành những phương tiện thiện xảo để giúp mình giúp đời giúp xã hội và có một đời sống vật chất tinh thần tâm linh lành mạnh. Qua sự thực tập hơi thở Chánh Niệm hít vào thở ra, nhìn rõ từng suy nghĩ hành vi trong hiện tại giúp cho chúng ta có khả năng đứng vững chãi trước sự thử thách cám dỗ của những trò chơi trong thế gian. Từ đó chúng ta mang sự thực tập của bản thân nhìn vào con cái giúp cho con cái thực tập qua những hành động hành vi suy nghĩ lành mạnh trong sáng bằng cách đồng hành cùng con cái trên con đường giáo dục, đừng hời hợt, đừng mang phone đặt vào tay con rồi mình làm việc, rồi mình lại có cái phone khác nói chuyện với người khác. Ngày nay phone rất dễ mua, nó quá rẻ, game thì nhiều, cha mẹ có phone, con cái cũng có phone, game liên tục. Những thói quen như vậy cần phải ngăn chặn, và hãy dắt con cái của mình đi chơi thường xuyên, đi học, đặc biệt tham gia vào học các lớp thể thao như võ thuật, bơi lội, thể dục, tùy theo những môn thể thao có được ở trong vùng mình đang sinh sống, hoặc có thể học nhạc, ca hát, học tất cả các môn văn hóa thêm sau giờ học để con bớt đi sự nghiền ngẫm xem ti vi và chơi game. Đừng bao giờ đặt phone vào tay em để em chơi game khi em khóc, sự nuông chiều như vậy rất tai hại. Và đừng bao giờ để cảm xúc của bản thân mình mong cầu về tiền tài danh vọng địa vị nhà cửa xe hơi ăn uống, chúng ta đang tiếp tay cho mình được phủ phê những chuyện đó thì nhất định ta là kẻ nghiền game còn hơn các con nữa.
Chủ đề: “làm sao để chúng ta giúp con cái bớt chơi game” thì mỗi người chúng ta phải tự giúp bản thân mình qua đời sống Chánh Niệm để bớt chơi game ngũ dục. Từ đó hiểu được cách tự chủ, Trí Tuệ sẽ sáng, và tình thương sẽ rộng lớn, nhìn thấu được các phương tiện cần thiết hỗ trợ cho con cái mình khi chúng đang lớn ở thời kỳ 4.0. Game thì nhiều, phone thì đầy và chúng ta quá bận rộn nên cứ buông thả. Cần phải tinh tấn hơn và luôn luôn phải có sự tư duy thật rõ. Các bậc phụ huynh hãy nhớ đừng nuông chiều bản thân mình quá nhiều, cũng đừng nuông chiều con cái quá nhiều, tập nhiều thói quen tốt để chuyển hóa những tập khí xấu mà ta vô tình hay cố tình tạo ra cho ta và cho con cái chúng ta.
Qua sự thực tập Chánh Niệm hơi thở chúng ta cũng tăng trưởng được năng lượng để hòa nhịp hồi hướng cho con cái qua lời nói của người thực tập Chánh Niệm hơi thở quán chiếu tâm Từ Bi, qua suy nghĩ và hành vi của người thực tập Chánh Niệm hơi thở, qua quán chiếu tâm Từ Bi sẽ có được năng lượng giao thoa với con cái. Từ đó mình nói thì con cái sẽ nghe, nói bằng ái ngữ tình thương, nói bằng sự nhẹ nhàng quan tâm, nói bằng công hạnh tu tập quán chiếu tâm Từ Bi và nghiên cứu cách giáo dục con cái như Đức Phật đã dạy ngài La Hầu La. Như vậy, nhất định ta sẽ có được những người con luôn biết nghe lời và không nghiền game. Và chúng ta cũng rời xa được sự nghiền game ngũ dục trong cuộc đời này.
Hồi hướng:
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.