Con có nghe Thầy giảng trong một bài đồng tu là cái tâm duy nhất mà chúng ta có là tâm Phật hay còn gọi Phật Tánh. Còn những cái vui buồn, giận hờn chỉ là những cảm xúc mà mình có. Vậy khi nhận ra con có một cảm xúc nào đó thì làm sao để mà tâm Phật luôn làm chủ những cảm xúc của mình và làm cách nào để dẫn dắt những cảm xúc vui buồn trở về an nhiên tự tại?
Câu hỏi của con là chúng ta chỉ có một cái tâm Phật duy nhất mà thôi. Còn tất cả những cảm xúc của chúng ta như vui buồn, sướng khổ, giận hờn hoặc những cảm xúc về ăn uống, thời tiết, khí hậu, nói chung, những cảm xúc đó khi tới với chúng ta, chúng ta làm như thế nào để chuyển hóa cảm xúc đó?
Con người thường thích lý luận và thích đặt cho nhiều tên và phân tích, mổ xẻ cho thật nhiều, làm nhiều thứ để đôi khi không nhớ mình đã đặt như thế nào. Dĩ nhiên trong cuộc sống chúng ta phân tích kỹ để hiểu rõ vấn đề là điều tốt. Nhưng không nhất thiết chúng ta phải chặt vụn ra rồi từng mảnh vụn đó chúng ta đặt tên để ép mình phải nhớ. Đức Phật khi Giác Ngộ, Ngài đã thành Phật, Ngài nhìn thấy trong chúng sanh đều có tánh Phật, đều có tâm Phật. Ngoài ra Ngài không nói đến một trạng nào khác rằng chúng ta có cái tánh gì khác, chỉ có tánh Phật mà thôi. Điều đó để khẳng định rằng tánh Phật vốn có ở trong ta. Như ở trong kinh Đức Phật dạy có một câu chuyện kể rằng:
Có một người có cái bình ngọc, cái bình ngọc đó anh ta ôm ở trên người, anh ta đi một vòng ở chợ. Thì trên đường đi có một người bạn hỏi:
- Này anh ơi, anh có một cái bình ngọc đẹp quá, anh đựng cái gì ở trong đó?
Người đó mở bình ra thì chưa có gì, chỉ là một cái bình ngọc thôi. Nhưng sau khi anh ta đi một vòng quanh chợ và trở về người đó lại hỏi rằng:
- Cái bình ngọc của anh như thế nào cho tôi nhìn?
Và anh ta nhìn vào bình ngọc thì người này đựng vào trong bình ngọc toàn là những thứ như muối, cá, thịt, mua để mang về nhà. Người kia bịt mũi và chê rằng một cái bình ngọc cao quý như thế tại sao lại đi đựng những cái thứ dơ bẩn vào bên trong. Rồi lại có một người khác cũng có một cái bình ngọc đi ra, người ta cũng hỏi rằng:
- Bình ngọc của anh đẹp có cái gì ở bên trong?
Anh ta mở ra không có gì chỉ là bình ngọc mà thôi. Cũng đi quanh một khu chợ khi trở về, người kia lại hỏi:
- Anh đã có gì trong cái bình ngọc này?
Khi anh ta mở ra thì anh ta ngạc nhiên vô cùng và khen rằng:
- Cái bình ngọc đã đẹp, anh còn biết đựng ở trong bình ngọc những thứ đẹp hơn nữa như vậy thật là tuyệt vời.
Tại sao? Là bởi vì người đó đi vòng quanh chợ đã mua vàng, mua kim cương, mua đá quý đặt vào trong cái bình ngọc nên tăng thêm cái vẻ đẹp của bình ngọc.
Các bạn, trong câu chuyện này ta nói một cách thật là đơn giản, bình ngọc đó là tượng trưng cho cái tâm Phật của chúng ta. Tâm Phật mà Đức Phật nói là tâm từ bi, tâm thiện lành. Tâm Phật là tâm trong suốt, không có dính mắc, tâm hoan hỷ, tâm đó luôn luôn lan tỏa hạnh phúc tới cho muôn người. Tâm Phật như cái bình ngọc kia, chúng ta đi một vòng trong những giác quan của mình mắt, mũi, tai, miệng, cảm xúc. Sáu cái giác quan đó của chúng ta đi, chúng ta va chạm với cuộc đời tạo nên cái cảm giác. Mà sự cảm giác này thì chúng ta đã học ngày nay, đã được mở rộng và biết rằng chính là do não bộ của chúng ta tương tác, nhận biết qua các căn, tức là các giác quan của chúng ta, nó phản ứng, nó đưa chúng ta tới những cảm xúc như vậy. Còn tâm Phật của chúng ta trong suốt như thế, luôn luôn ở cái thể trong suốt nhưng vốn ở trong tâm Phật đó từ nhiều đời chúng ta đã chất chứa rác rưởi của tâm tham chấp và sân si. Tham Sân Si, đó là ba cái hạt bụi lớn, ba chất dơ lớn đã bám và chứa đựng vào trong tâm Phật của chúng ta. Cho nên chúng ta qua sáu căn không nhìn, không cảm giác, không nghe, không nói bằng tánh trong suốt của tâm Phật nữa. Mà bị cái bụi Tham Sân Si che phủ. Y như căn nhà của chúng ta bụi bặm, nhà vốn sạch nhưng để lâu không có lau chùi cho nên bụi đóng từng lớp. Đầu tiên khi các bạn bước vào bụi sẽ bay lên ngột ngạt, khó thở và cái điều các bạn nhìn thấy đầu tiên chính là bụi. Y chang như thế, tâm của chúng ta là cái bình ngọc trong suốt tâm Phật nhưng nhiều đời bởi vì chúng ta đã vô minh, không hiểu biết, tương tác với sáu cảnh ở bên ngoài do giác quan cảm nhận bởi sự hoạt động của não bộ lầm tưởng đó là ta, lầm tưởng đó là tánh của ta, tâm của ta. Rồi xáo trộn lên tưởng rằng trong một mớ tâm lộn xộn đó có tâm này, tâm kia rồi có cả tâm Phật.
Nhưng thực ra nếu để đơn giản cho cuộc sống dễ dàng hơn cho mọi người trên con đường học Phật chúng ta phải minh định thật là rõ theo lời Đức Phật dạy. Phật nói: “ta là Phật, các con là Phật sẽ thành bởi trong các con có Bổn Tánh của Phật, có tâm Phật”. Và từ lời thọ ký đó ta nhận định rằng trong ta chỉ có tâm Phật mà thôi. Còn tất cả những thể loại tâm khác được đặt tên đều chỉ là những bụi, những rác rưởi, những chất dơ do sáu căn của chúng ta đi vòng quanh trong cuộc đời mà sự tương ưng với não bộ chúng ta lượm lặt chấp nó là ta, là tâm cho nên cứ nhồi nhét mãi. Khi khẳng định được ta chỉ có tâm Phật mà thôi thì tất cả những thể loại khác cảm xúc tương tác với sáu căn ta biết nó không phải là tâm của ta, nó chỉ là cảm xúc.
Hai anh kia đã đi qua một vòng trong chợ, người đầu tiên mua cá, mua thịt, những thứ hôi tanh bỏ vào bình ngọc. Những thứ đó được tượng trưng cho những cảm xúc vui buồn, sướng khổ do cái tâm tham và tâm chấp chúng ta lượm lặt vào cho nên tâm Phật của chúng ta vẫn trong suốt, vẫn còn đó, vẫn đẹp, vẫn thanh tịnh, vẫn từ bi, nhưng nó bị những bụi bặm của Tham Sân Si phủ lên nên não bộ của chúng ta qua các giác quan khi đón nhận nó tưởng lầm nó là ta, nó là tâm của ta cho nên chúng ta thường hay nói rằng: “tôi như vậy đó”. Mỗi khi chúng ta có một chuyện gì giận hờn khó chịu, chuyện gì không vui, chuyện gì người ta đụng tới điều mình không thích thì mình hay nổi cáu và vỗ bàn, đập ghế nói rằng: “tôi như vầy, anh có chịu hay không thì tùy anh”. Khi chúng ta không nhận rõ mình nên thường tưởng lầm những thứ đó là mình. Mình là sự Từ Bi Hỷ Xả thanh tịnh, mình không phải là chỗ Tham Sân Si. Nhưng Tham Sân Si nó nổi lên trên bề mặt tâm thức của não bộ nhận rõ cho nên ta cứ tưởng đó là tâm. Cho nên theo lời của Đức Phật ta có tâm Phật. Tâm Phật là tâm duy nhất ta vốn có còn những thứ cảm xúc kia là sự va chạm của não bộ tương tác với giác quan của chúng ta. Rồi chúng ta vì nhiều đời, nhiều kiếp cứ bỏ những cái thịt, cá hôi thối vào bình ngọc, bỏ những cái tâm tham chấp đó vào trong cuộc đời và lầm tưởng nó là ta. Cho nên nó trở thành những đống rác rưởi trong cuộc đời. Minh định rõ ta chỉ có một tâm Phật duy nhất mà thôi. Còn những tâm khác người ta đặt tên ra thì chúng ta tạm gọi đó là cảm xúc tương tác của giác quan. Như người thứ hai khôn ngoan đi vòng quanh chợ không mua thịt, mua cá đặt vào bình ngọc mà mua hột xoàn, kim cương, vàng bạc, châu báu đặt vào trong nên nó tăng thêm cái giá trị.
Trở lại câu hỏi làm sao chúng ta có thể chuyển hóa những cảm xúc kia để tăng trưởng và thẩm nhập vào trong đời sống của tâm Phật? Chúng ta hãy khôn ngoan như người thứ hai đi vòng quanh sáu giác quan của mình va chạm trong cuộc đời, không lượm thịt cá hôi thối mà mang vào trong bình ngọc, vào trong tâm Phật của chúng ta, giữ tâm từ bi mà phát triển lòng từ thiện, hướng thượng, giữ giới. Chúng ta thực hành những điều như vậy thì tâm Phật sẽ hiển lộ biến thành những cảm xúc tốt đẹp. Là con người ta luôn luôn có những cảm xúc như thế vui buồn, sướng khổ, tốt xấu bởi có não bộ và giác quan đưa tất cả những gì ta nghe, ta nhìn, ta va chạm. Nó tạo lên bởi sự tham chấp và si nên cho nó là thật. Ngày nay ta nhận định thật là rõ cái rất thật mà ta có để sau khi chết tất cả những cái thứ kia không còn nữa chỉ còn duy nhất tâm Phật. Vậy ta chứa gì vào tâm Phật? Ta chứa vàng bạc, châu báu, kim cương hay ta chứa thịt cá hôi thối vào trong đó?
Để chuyển hóa những cảm xúc mang sự hôi tanh mùi đời vào thì ta phải tăng trưởng cảm xúc tốt đẹp trong cuộc sống. Mà Phật dạy cho chúng ta là hướng thiện, hướng tới điều tốt, hướng thượng. Và hướng thiện bằng những hành động cụ thể, như trong cuộc sống ta luôn tạo cho mình những cảm hứng, những sự khởi lên tư tưởng tốt đẹp bằng cách luôn luôn an trú trong Chánh Niệm hơi thở quán tưởng tâm từ bi, tâm chân thật, tâm thành kính, tâm yêu thương mà từ xưa đến giờ ta đặt tên như vậy đó. Nhưng thật ra ở trong tâm Phật của chúng ta nó có tư chất yêu thương, Từ bi, thanh tịnh, thành kính chứ nó không có Tham Sân Si, Hỷ Nộ Ái Ố. Cái đó không có trong tâm Phật, tâm Phật chỉ thanh tịnh, tâm Phật trong suốt như viên ngọc.
Nhận định rõ ta có tâm Phật, nhận định rõ tâm Phật của chúng ta là từ bi, là thanh tịnh, là thành kính, là yêu thương, là thiện lành, chúng ta bắt đầu chuyển hóa sự suy nghĩ mình đi vào trong chất từ bi, chất thiện lành, chất trong suốt của hướng thượng từ thiện. Thì từ từ những cảm xúc kia nó sẽ vơi dần đi bởi chúng ta tăng trưởng tâm này, cũng như cái bình ngọc đựng vàng bạc, châu báu thì không thể đựng thịt, đựng cá vào bởi nó đã đầy rồi. Phật nói trong một niệm chúng ta chỉ có một cảm xúc, một là của tâm Phật hai là cảm xúc của Tham Sân Si tương tác với giác quan ở bên ngoài. Do đó, khi chúng ta hướng dẫn não bộ của chúng ta, đây là cách luyện sự suy nghĩ của chúng ta tương tác với tâm Phật nhiều hơn để thẩm nhập đi sâu vào trong chất từ bi, chất thành kính, chất chân thật, chất thiện lành thì tự nhiên ta sẽ đi vào được tâm Phật và sống được như vậy. Còn những bụi bặm kia khi nó đã có bởi Tham Sân Si thì chúng ta chỉ cần tăng trưởng chất thiện lành đó những cái kia sẽ từ từ bị đẩy lùi ra. Chúng ta không cần phải chú trọng quá nhiều, chỉ cần nhận ra rằng đâu là vàng bạc, châu báu để đặt vào đúng chỗ của tâm Phật, đâu là rác rưởi chúng ta đừng mang vào nữa.
Là người chúng ta luôn luôn có những cảm xúc như vui buồn, sướng khổ của Tham Sân Si bởi trong ta có sự dính mắc nhiều đời rồi. Như cái nhà nhiều năm đã không lau chùi, bụi bặm quá nhiều. Dĩ nhiên lúc đầu vào căn nhà đó ta phải nhìn thấy bụi và nhìn thấy sự dơ dáy. Vậy thì hãy xắn tay áo lên lau chùi, cứ kiên nhẫn lau chùi từ từ bởi bị bụi bẩn đó nó không phải là cái nhà của ta, nó chỉ là bụi ở bên ngoài bay vào do cửa không khóa. Do đó, chúng ta khóa cửa, lau chùi sạch sẽ bụi bặm sẽ không vào được. Và khi lau chùi sạch sẽ thì căn nhà Chân Tâm, tâm Phật của chúng ta sẽ hiển lộ thật là rõ ràng.
Do vậy, tất cả những cảm xúc kia, để chuyển hóa được nó, Phật dạy cho chúng ta mượn hơi thở đi vào trụ tâm Phật, dưỡng tâm Phật của chúng ta vào trong hơi thở Chánh Niệm đó để nó phát huy chất Từ Bi, chất thiện lành, chất hướng thượng, chất thanh tịnh, thành thật. Và khi chúng ta trụ tâm, lấy tâm của chúng ta đặt ở trên thềm hơi thở Chánh Niệm đó thì sự dơ dáy của cuộc đời, bụi bặm của cuộc đời dần dần được tẩy gội đi. Và rồi cái thuần chất của Phật Tánh được hiển lộ.
Cách nói này là cách nói cho hàng Phật tử tại gia của chúng ta. Còn nếu như các bạn đi học, nghiên cứu về Phật học, về kinh Vi Diệu Pháp để nói về trạng thái tâm được phân tích đặt để thì chuyện đó là của những người nghiên cứu Phật học, chúng ta có thể nghiên cứu sau. Nhưng cách nói của Bảo Thành hôm nay là cách nói của những người Phật tử tại gia trên bước đầu học Phật. Chúng ta bớt đi tất cả những sự suy nghĩ quá mông lung mà nắm gọn trong tầm tay lời khẳng định của Phật ta chỉ có duy nhất một tâm Phật đó là bình ngọc mà thôi. Như vậy, đi vòng quanh chợ đời sáu giác quan của chúng ta sẽ lượm cái gì vào trong bình ngọc đó? Chúng ta sẽ mang vàng bạc, châu báu đặt vào đó nếu chúng ta biết trụ vào hơi thở để định rõ tâm Phật là bình ngọc chỉ chứa vàng bạc ở trong đó mà thôi. Và gạt bỏ đi những tâm rác rưởi mà người đời thường gọi là tâm, nhưng đó là những sự đón nhận của não bộ tiếp xúc qua giác quan tưởng lầm là tâm nên cho mình là như vậy. Do đó trong đời thường có câu nói: “tôi như vậy”. Thực ra chúng ta không như vậy mà đó chỉ là những cảm xúc, để chuyển hóa những cảm xúc đó chúng ta nói gọn lại là chúng ta thường phải trụ vào trong hơi thở Chánh Niệm, đặt tâm của mình trong hơi thở Chánh Niệm, trụ tâm của mình trong hơi thở Chánh Niệm thì từ đó sẽ hiển lộ được Phật Tánh bình ngọc trong suốt, thuần chất từ bi, yêu thương, hướng thượng và thiện lành. Cho nên các bạn cứ thực tập như vậy thì tất cả những cảm xúc mà nó làm cho các bạn mệt, đau khổ, phiền não sẽ giảm dần, và từ từ sẽ không còn nữa. Mà chỉ còn có năng lượng ở trong tâm Phật hiển lộ trong cuộc sống hàng ngày.
Khi chúng ta là Phật tử tại gia, đời sống phải va chạm thật là nhiều, ai ai trong chúng ta cũng thường bởi tâm sân, tâm tham, tâm si mà nổi cáu, nổi quạu, có những cảm xúc vui buồn, bực bội, có những cảm xúc thích và ghét. Luôn luôn có bởi căn nhà dù sạch tới đâu nếu cửa mở toang nó sẽ có bụi. Do vậy chúng ta ngoài vấn đề trụ trong hơi thở Chánh Niệm chúng ta còn phải khóa cửa lại. Tức là chúng ta phải giữ năm giới của nhà Phật để tất cả những cái sự tương tác do các căn của chúng ta với cảnh giới bên ngoài. Như mắt nhìn thấy, ta giữ giới cho nên con mắt ta sẽ được bảo hộ, không nổi lên tâm sân, tâm tham để vơ vét vào. Hoặc khi tai chúng ta nghe, chúng ta nhờ giữ giới mà tai, mắt, miệng, lưỡi, ngôn ngữ, ý và cảm xúc của chúng ta được bảo hộ như căn nhà được đóng kín bụi bặm sẽ không vô.
Cũng như ở Mỹ tất cả các cửa thường được đóng kín, rất khó có bụi đi vô ngoại trừ chúng ta mở ra mở vào nên bụi lọt. Còn ở Việt Nam nhà thường không đóng kín, bụi thường bay vào khi xe ở bên ngoài nó chạy. Y chang như vậy, năm giới là năm cánh cửa được đóng kín và bảo hộ tất cả các giác quan tạo ra những cảm xúc bụi bặm làm cho chúng ta đau khổ, phiền não. Cho nên trụ trong Chánh Niệm hơi thở, thẩm nhập vào cái chất Từ Bi Hỷ Xả, thiện lành, hướng thượng, chân thật, thành kính và chúng ta giữ năm giới thì nhất định tất cả những cảm xúc kia từ từ chúng ta sẽ thanh tẩy, gội rửa và làm chủ được chúng. Như người ôm bình ngọc làm chủ được cái bình ngọc và biết đặt để vào trong cái bình ngọc hột xoàn, kim cương, vàng bạc, châu báu. Chứ không đặt vào trong cái bình ngọc đó thịt cá hôi tanh của mùi đời.
Tham vấn Phật Pháp 3, https://youtu.be/onZbzt5RIAY