Search

Làm Chủ Bản Thân

Bảo Minh đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Mời gọi các bạn đăng ký vào kênh này để chúng ta gặp gỡ nhau. chia sẻ về Pháp thoại.

Các bạn, hai chữ “Ngây thơ” luôn đẹp trong lòng người. Ngây thơ ở đời hay ngây thơ ở chỗ nào cũng là chuyện đẹp, đẹp như thiên thần. Khi trong gia đình có bé thơ, gia đình có tiếng cười lẫn với tiếng khóc nhưng hạnh phúc vẫn dâng trào. Ở trong cửa Thiền môn, chúng ta vẫn nghe những bài hát như Chú tiểu ngây thơ.

Các bạn, nếu chúng ta chỉ dừng lại bốn chữ “Chú tiểu ngây thơ” nó đẹp biết bao nhiêu. Và những người xuất gia, thường nếu từ thuở nhỏ, chúng ta làm điệu, làm tiểu, nó đẹp. Nó đẹp đến mức mà người ở thế gian khi bước vào cửa chùa hay bước vào cửa Thiền môn thấy một Chú tiểu ngây thơ nhẹ nhàng, bước ở trong chùa chứ không có làm gì hết, chẳng quét rác chẳng làm gì. Chỉ thấy bước chân của Chú tiểu ngây thơ thì đã thấy tâm hồn nhẹ nhàng thanh thoát, nó đẹp biết bao. Cái đẹp của Chú tiểu đó làm nhẹ tâm hồn, làm vơi đi gánh nặng cuộc sống của muôn người trong thế gian. Khi bước vào cửa Thiền môn, thấy một Chú tiểu ngây thơ nhẹ nhàng, miệng mỉm cười, trên đầu lởm chởm vài cọng tóc. Cái đẹp sao nó ngây ngất đến thế, nhẹ nhàng, thanh thoát.

Các bạn, nhưng rồi những Chú tiểu đó, sự ngây thơ của Chú tiểu đó, một ngày nào đó cũng phải thay thế sư phụ của mình. Thay thế sự phụ của mình để chăm sóc cho những Chú tiểu khác thuộc thế hệ sau. Khi Chú tiểu lên làm một vị Trụ trì thế chỗ cho sư phụ của mình, ngây thơ năm nào và những đọt tóc thơ ngây năm nào ở trên đầu cũng đã hết. Ngây thơ của tuổi thơ đã dần dần được chuyển biến. Bởi từ khi làm Trụ trì, Chú tiểu có một vai trò lớn hơn, quản lý ngôi chùa của sư phụ. Và trong sự quản lý ngôi chùa đó, Chú tiểu ngây thơ năm nào phải có bản lĩnh là người có đức hạnh, rèn luyện tâm trí của mình cho sáng suốt, cho có trí tuệ. Chú tiểu lại cần phải có đức hạnh, tu nhĩ căn, biết lắng nghe bá gia, bá tánh lui tới ngôi chùa. Chú tiểu lại bắt đầu có trách nhiệm tinh tấn, tự học để mà nâng cao kiến thức Phật học. Chú tiểu lại bắt đầu suy nghĩ làm sao quản lý ngôi chùa cho sư phụ. Rồi lại phải suy nghĩ làm sao nuôi các đàn em của mình đang học ở trong chùa như thế nào. Lo lắng cho thế hệ sau phải ăn phải học như thế nào. Rồi Chú tiểu lại phải đương đầu với thị phi trong Phật tử lui tới. Chú tiểu đó nay trở thành một vị Trụ trì mà, cho nên vị Trụ trì này lại phải quản lý nhân sự, quản lý ngôi chùa, học quản lý tiền bạc, rồi bàn tay ngây thơ của Tiểu bây giờ chạm đến tiền, chạm đến danh, chạm đến quyền. Có trách nhiệm với thế hệ thứ hai, có trách nhiệm với Phật tử, có trách nhiệm với ngôi Tam Bảo và còn trách nhiệm với Thầy đã dạy và nuôi mình từ thuở ngây thơ thành vị Trụ trì hôm nay.

Tai của Chú tiểu ngây thơ năm xưa, bây giờ biến thành tai của vị Trụ trì phải biết lắng nghe tất cả những lời nói ngọt như đường, hoặc là ngang trái, đau đớn, như gai góc đâm vào. Vị Trụ trì phải hoàn thiện bản thân, phải có những lúc khóc ra nước mắt, cũng có những lúc buồn sầu rầu rĩ bởi biết bao nhiêu thử thách, chướng ngại, lo toan đóng trên vai vị Trụ trì. Nhưng dù sao đi nữa, tâm hồn của một Chú tiểu ngây thơ năm nào vẫn nằm trọn ở bên trong như đôi cánh thiên thần để chắp cho vị Trụ trì có sức mạnh bay và vươn lên những thử thách trong cuộc sống. Bởi trách nhiệm của người Trụ trì hôm nay là người biết lắng nghe. Để khi té xuống, lời dạy của Tổ, của Thầy vẫn còn đó để vực dậy, để đứng dậy, để biết đi tiếp. Người Trụ trì không bao giờ chạy trốn, và không bao giờ từ bỏ địa vị của mình, bởi cái ngây thơ năm nào chính là những chất liệu tuyệt đẹp nhất của tiểu khi đóng vai làm Trụ trì, trở về nương vào hồn nhiên, ngây thơ đó. Để vượt qua, để chiến thắng, để thành tựu được ước nguyện cao cả thế chân truyền của sư phụ mình, hoàn thiện bản thân, tiến tới để thành tựu được hạnh nguyện cao cả mà mình đã từ bỏ bước vào ngôi Thiền tự tu tập.

Người Trụ trì có tất cả nhưng đều là không bởi vẫn có tâm hồn ngây thơ của Tiểu. Chú tiểu thật ngây thơ! Dù là Tiểu hay là Điệu, chất ngây thơ nhẹ nhàng, thanh thoát vẫn luôn tồn tại ở trong tâm. Khi chúng ta lớn lên với một vai trò trách nhiệm mới, chúng ta vẫn luôn luôn giữ vững tâm của mình. Dù cho chúng ta phải quản lý tiền tài, quản lý Thiền viện, quản lý nhân sự, sinh hoạt dậy sớm tu tập, công phu rồi chúng ta điều phối mọi chương trình đi nữa. Thì Chú tiểu ngây thơ vẫn còn chất thơ để họ biết quản lý và quản trị tâm của họ. Họ luôn luôn biết quản lý tâm và suy nghĩ của họ. Họ luôn luôn biết quản trị tâm và suy nghĩ của họ. Họ xứng đáng là một vị Trụ trì. Cho nên khi từ Chú tiểu ngây thơ thành một vị Trụ trì, chất ngây thơ đó biến thành kiến thức, chất ngây thơ đó biến thành đức hạnh, chất ngây thơ đó biến thành phẩm hạnh cao quý. Để vị Trụ trì biết quản trị và quản lý chính thân tâm của họ, để xứng đáng với phẩm vị vị Trụ trì mà sư phụ trao truyền cho họ.

Các bạn, đây là một ý nghĩa nói về vai trò của vị Trụ trì trong ngôi chùa. Nhưng đúng ra, trong mỗi một con người chúng ta vẫn có một vai trò để chúng ta làm Trụ trì của cuộc đời. Trụ và Trì cuộc đời của mình. Trụ trì là chúng ta phải vững, trụ ở đó vững chắc, dù cho bao nhiêu bão tố, giông tố, thử thách cuộc đời – trụ ở đó. Và chúng ta luôn luôn phải miên mật giữ được những hạnh nguyện của mình thì mới xứng đáng là vị Trụ trì.

Ở trong thế đời, các bạn đóng vai chính trong cuộc sống của gia đình. Có thể là vị chủ gia đình, hay có thể là vợ chồng cùng chung sức. Chúng ta phải trụ vững trên mọi thử thách của cuộc đời. Và chúng ta đã đánh mất tuổi thơ năm nào như Chú tiểu ngây thơ thành vị Trụ trì. Thì trong cuộc đời của chúng ta cũng có hồn nhiên của tuổi thơ.

Các bạn nhớ, dù bạn ở đời hay Trụ trì trong ngôi chùa, khi gặp bất cứ một thử thách nào hãy hồi về với cái đẹp, ngây thơ của tiểu năm xưa, của một trẻ thơ năm xưa. Chính chỗ ngây thơ vẫn còn đó, là sức mạnh để chúng ta dựa vào tiến lên, và chính gương đức hạnh của sư phụ mình để chúng ta luôn luôn vững chãi trên mọi con đường chông gai, thử thách ta đang đi tới. 

Ở trong cuộc đời, nếu các bạn là người, nếu gặp thử thách các bạn phải nhớ rằng hãy trở về với tuổi thơ, với những cái đẹp của mình như một điều cao quý nhất để từ đó chúng ta vực dậy bản thân của mình. Và nhớ trên đoạn đường có trách nhiệm làm cha làm mẹ, làm người chủ trong gia đình, hay là một vị Trụ trì, thì chúng ta – mỗi người đều phải rèn luyện nhân cách, phẩm cách và kiến thức, để biết quản trị và quản lý chính thân tâm của mình.

Chúng ta phải biết quản lý những cảm xúc của chúng ta bởi khi chúng ta làm chủ gia đình, ta phải bươn chải trong cuộc đời. Và tất cả mọi sự va chạm sẽ tạo ra muôn vàn những cảm xúc khác nhau. Nếu các bạn không thể quản lý được cảm xúc của mình và quản trị được cảm xúc của mình, các bạn sẽ sụt sùi theo như cơn gió lớn, cơn gió nhỏ, lật ngược lật xuôi. Hóa ra các bạn chỉ là một món vật cho người ta chơi, chứ các bạn không xứng danh là một người làm chủ trong gia đình. Và một vị Trụ trì gánh vác việc lớn của sư phụ truyền trao, cũng phải có trách nhiệm nâng cao kiến thức, để noi gương sư phụ của mình trở thành một người biết quản lý cảm xúc, biết quản trị tất cả những cảm giác, suy nghĩ và những sự việc xảy ra trong cuộc đời của chúng ta. Phải biết quản lý và quản trị tự thân của mình. Còn không, chúng ta dù đóng vai Trụ trì cũng chỉ là một món đồ chơi cho người thiên hạ lật ngược, lật xuôi.

Trụ trì hay người trụ ở trong gia đình, làm chủ ở trong gia đình đều phải học cách quản lý và quản trị thân tâm của mình. Dù các bạn không làm Trụ trì, không làm chủ trong gia đình thì mỗi một con người chúng ta cũng phải học để quản trị, quản lý cảm xúc thân tâm, tư tưởng của chúng ta. Nền giáo dục của Đức Phật dạy trong mỗi người chúng ta, cái cao nhất ở mỗi chỗ là chúng ta phải noi gương Đức Phật học, tinh tấn thiền định, tu tập để chúng ta luôn luôn quản lý được thân tâm của mình, luôn luôn quản trị được thân tâm của mình. Còn nếu các bạn không quản lý được thân tâm, quản trị được thân tâm, chúng ta chỉ như trái banh cho người ta đá, đụng đâu đá đó, rồi đụng đâu dời đó, chỉ là một vật chơi cho thiên hạ.

Nếu các bạn đã chọn vào một vai thay thế, noi gương đức hạnh của những bậc sư phụ, hay cha mẹ của mình làm trụ cột trong gia đình thì các bạn là nam hay nữ cũng phải học cách quản lý tư tưởng, quản trị tư tưởng, quản lý thân tâm, quản trị thân tâm của chính mình, thì các bạn mới có thể quản lý, quản trị thân tâm cả gia đình được. Và làm vai trò của vị Trụ trì, các bạn cũng phải học và tinh tấn để quản lý cảm xúc, tinh thần, kiến thức, thân tâm của mình thì bạn mới có thể xứng đáng là một vị Trụ trì quản lý mọi sinh hoạt trong ngôi chùa của mình, để ngôi chùa đó có được sự bình an và hạnh phúc.

Phải biết quản lý cảm xúc, biết quản trị cảm xúc của mình, đừng để nó nhảy lung tung theo sự khích động ở bên ngoài. Bởi vì nay ta là Trụ trì, ta thay mặt sư phụ của ta – ta mang giáo pháp của Như Lai xuống cho con người, cho chúng sanh, cho mọi loài. Trong ta phải xứng danh là vị Trụ trì biết quản lý tất cả thân tâm của mình để giữ cho sự hạnh phúc, bình an, năng lượng tốt đẹp luôn hiển lộ trong ngôi chùa của chúng ta. Đó là vai trò của vị Trụ trì và cũng là vai trò của người làm chủ gia đình. Và vai trò của mỗi người làm chủ tự thân của chúng ta. Chúng ta không thể quản trị người khác, cũng không thể quản lý được người khác nếu chưa thể quản trị và quản lý bản thân của mình.

Các bạn, chúc các bạn thành công trong cuộc sống. Dù các bạn là Trụ trì vẫn còn nhớ rằng vẫn là tiểu ngây thơ năm nào có chất thơ ở trong đó. Sư phụ vẫn luôn nhìn tánh thơ đó mà sống với thực tại. Và các bạn dù là người chủ trong gia đình thì các bạn nhớ, các bạn vẫn còn tuổi trẻ thơ mộng và cha mẹ của chúng ta vẫn nhìn thấy cái thơ mộng, trẻ thơ trong ta. Và các bạn dù không là Trụ trì hay chủ trong gia đình thì trong tự chủ của cuộc đời, Đức Phật vẫn thấy tánh hồn nhiên của kiếp người tồn tại trong ta.

Hãy sống thật hồn nhiên và để tuổi thơ của Chú tiểu ngây thơ hay một em bé ngây thơ, hay một con người ngây thơ vẫn là chỗ dựa cho chúng ta trở về để đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, để chúng ta vững chãi hơn với phẩm vị, với chức vị mà chúng ta đã phát nguyện lãnh nhận. Đừng để cảm xúc ở bên ngoài lan vào cõi lòng để rồi chúng ta bị tản mác thân tâm, không làm chủ được. Ta là Trụ trì – ta là trụ cột trong gia đình – ta làm chủ bản thân.

Chúc các bạn luôn luôn làm chủ bản thân của mình. Cảm ơn các bạn đã nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.                

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn