Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn. Chúng ta đang ở trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn”. Và để cho chúng ta có một tiêu đề mỗi ngày như một lời nhắc nhở, Bảo Thành tình nguyện gửi tới các bạn. Chiêm nghiệm những sự nhắc nhở này ở trong ngày, chúng ta sẽ thấy cuộc sống của mình có một mục tiêu, có một tiêu điểm ngắn gọn trong đời vào mỗi sớm hoặc mỗi buổi tối hoặc bất cứ lúc nào các bạn nghe được Bảo Thành thì chúng ta là bạn đồng hành tình nguyện nhắc nhở cho nhau.
Các bạn, ngay từ thuở thật là bé sống trong gia đình, cha mẹ đã luôn thường vì tình yêu nhắc nhở chúng ta về mọi phương diện. Ví dụ như thức giấc chúng ta cho đúng giờ để đi học, cho chúng ta ăn uống, cho chúng ta cơm nước, cho chúng ta đầy đủ những thứ phù hợp với hoàn cảnh sống của chúng ta, và từ đó chúng ta có cơ hội gần gũi với bạn bè, gần gũi với môi trường, tiếp xúc với muôn người trong điều mà chúng ta thấy rằng nhờ sự đánh thức của cha mẹ đó, ta dần dần tập một thói quen để sống trong sự tỉnh thức để hạnh phúc trong cuộc đời này. Bởi vì khi chúng ta cứ ngủ hoài, chúng ta đánh mất cuộc sống này. Khi chúng ta thức, chúng ta có cơ hội nhận diện cuộc sống xung quanh chúng ta là những điều kỳ diệu và đẹp đẽ. Sống để nhận biết đẹp, sống để nhận biết hạnh phúc đang tới với chúng ta hằng ngày được thông dịch qua Phật ngữ thật là đơn giản gọi là giác ngộ. Hai chữ “giác ngộ” chúng ta không nên so sánh theo những Phật ngữ cao siêu, kinh điển nói rằng bậc đại giác đại ngộ là Đức Phật thoát khổ, thoát khỏi sanh tử, mà điều giác ngộ được ứng dụng trong đời thường của Phật tử tại gia chúng ta là luôn luôn biết hòa hợp với thiên nhiên, nhận rõ được những nguồn hạnh phúc đang ở rất cận kề chúng ta trong cuộc sống. Đó là một thứ giác ngộ, mà sự giác ngộ như vậy nó tới từ trong mỗi một con người chúng ta, khi tự chủ được, ta sẽ làm được điều đó. Tự chủ sống trong sự tỉnh thức thì chúng ta nhận thấy xung quanh ta luôn luôn vui, luôn luôn có không khí nhẹ nhàng và hạnh phúc.
Bởi khi không tự chủ được, ta bị môi trường, ta bị thói quen, ta bị phong tục, ta bị những truyền thống và những người xung quanh chúng ta lôi kéo dẫn đưa. Còn khi chúng ta tự chủ được, chúng ta sẽ tự dắt mình tới vùng sáng, tới nơi hạnh phúc. Cho nên một trong những điều giác ngộ mà chúng ta cần phải thực hiện, đó là phải có một sự nhận thức rõ ràng giác ngộ rằng thói quen làm biếng đưa tới sự đọa lạc. Giác ngộ ở đây có nghĩa là hiểu thấu và biết rằng thói quen làm biếng của chúng ta sẽ đưa chúng ta tới sự đọa lạc. Vì vậy chúng ta khi nhận ra thói quen mà làm biếng như vậy, nhà Phật gọi là giải đãi – làm biếng, rồi chúng ta cứ để cho thói quen đó nó dìm hàng tinh thần sống vui, sống an, sống hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta lệ thuộc vào thói quen, mới đầu là sự làm biếng nó tới, khi làm biếng nó tới rồi, ta bắt đầu làm biếng, dần nó thành một thói quen, thói quen thành tập tục.
Bảo Thành có một sự chứng kiến rõ trong cuộc sống, người Việt Nam chúng ta theo một thói quen của người Pháp dạy là luôn luôn nghỉ trưa đến 3-4 giờ chiều mới đi làm cho nên ban trưa đóng cửa, tất cả công việc, hãng xưởng thì có thể đóng cửa một tiếng, hai tiếng ban trưa cho công nhân ngủ. Có thể là vì môi trường bên Việt Nam nóng bức, rồi môi trường nóng bức đó người ta mới tạo cho công nhân hoặc người dân nghỉ ngơi trong ban trưa, đó là một trong thói quen của người Pháp. Nhưng rồi nó thành một chiều hướng làm việc của kinh tế, nó thành một phong cách làm việc và hầu hết tất cả những người Việt Nam chúng ta, cứ đến trưa, ăn trưa là nghỉ ngơi, nghỉ ngơi xong bắt đầu đến 1, 2, 3, 4 giờ chiều hoạt động lại. Như vậy chúng ta đã có một, hai, ba tiếng nghỉ trưa, gọi là nghỉ đó mà, cho nó khỏe. Còn ở bên Mỹ, người ta không có thói quen nghỉ trưa, người ta thông thường buổi trưa người ta vẫn làm việc, người ta có nửa tiếng ăn, nửa tiếng nghỉ ngơi và sau đó tiếp tục làm việc. Bây giờ nào đúng, nào sai, nào tích cực nào tiêu cực. Ở đây Bảo Thành không bàn tới vấn đề nghỉ trưa là tích cực hay tiêu cực, chỉ nói đến điều đó để nhận thấy rằng có những thói quen mà chính con người tự đặt để, để rồi quen dần, khó thoát ra được. Làm sao ở Việt Nam chúng ta có thể thoát ra khỏi cảnh nghỉ trưa, hết rồi, khó lắm phải không các bạn! Thì trong tinh thần của nhà Phật, nếu chúng ta lười biếng từ ngày này qua ngày kia rồi tiếp tục, lâu dần nó thành một thói quen mà chúng ta chấp nhận, đón nhận cách hành xử sống như vậy và không thể thấy được mặt tiêu cực của nó. Khi thành thói quen chúng ta không bao giờ suy nghĩ nữa, cơ thể, đầu óc suy nghĩ của chúng ta sẽ bị lập trình y như vậy, khó có thể thoát ra.
Do đó Đức Phật dạy cho chúng ta là gì, chúng ta phải hiểu rõ ràng, nhận định rằng thói quen làm biếng sẽ đưa chúng ta đọa lạc vào những điều tạo ra nghiệp, nó không phải lười biếng là chỉ lười biếng không thôi, mà vì lười biếng làm cho con người biếng nhát, không tinh tấn siêng năng, dễ ỷ vào, đắm chìm trong mê muội. Do đó, khi nhận thấy rằng ta có thói quen lười biếng và sự quen lười biếng đó làm cho ta bị đọa lạc nên Phật khuyên chúng ta nhìn thấy được điều đó để ta tự tinh tấn, tự khuyên bản thân của mình rằng cần phải hành đạo, cần phải tinh tấn, cần phải siêng năng để chuyển hóa những phiền não tới với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, hàng phục được ma ngũ ấm và hàng phục được tham, sân, si trong một sự nỗ lực tinh tấn. Chứ đừng cứ quen theo sự giải đãi làm biếng, nó sẽ tăng trưởng năng lượng tiêu cực, khó có thể đứng dậy tự mình vươn lên sống trong hạnh phúc. Các bạn, Đức Phật dạy như vậy, và một trong những điều hiểu rõ thói quen làm biếng sẽ đưa đến đọa lạc để tự thúc đẩy mình tinh tấn học hỏi, tinh tấn vươn lên, thì đó là điều thứ bốn mà người xưa trong kinh nói rằng sẽ giúp cho chúng ta đi đến sự giác ngộ. Nếu các bạn nhận thấy điều này, các bạn ứng dụng vào cuộc sống, các bạn sẽ hạnh phúc.
Các bạn thân mến, nhớ rằng cuộc sống của chúng ta ngày nay khi nói đến sự giác ngộ như Phật, chúng ta sẽ đạt được đấy, nhưng không nhất thiết ta cứ phải cứng nhắc rằng sự giác ngộ là phải thành Phật. Phật ở ngay trong niềm vui, hạnh phúc vốn có của chúng ta. Khi phiền não tới rồi thì chúng ta không có giác ngộ, mà chúng ta hết phiền não – tức là giác ngộ. Mà để hết phiền não thì chúng ta đừng để cho sự lười biếng, giải đãi nó kiềm tỏa ta, nó phong tỏa ta, nó kiềm hãm ta rồi nó làm chủ ta. Sự lười biếng không có tốt. Nhận biết được điều đó, chúng ta theo lời Đức Phật, chúng ta phải thực tập, chúng ta phải tu tập để chuyển hóa. Ngoài sự nhận ra thói quen làm biếng đưa đến tai hoạ, ta cần phải tinh tấn làm theo những cách dạy của Phật, tức là một đời sống tỉnh giác trong chánh niệm của hơi thở giúp cho chúng ta chiến thắng sự lười biếng vốn có theo thói quen hằng ngày đã tạo thành như một truyền thống ta đã chấp nhận. Khi nó trở thành truyền thống của cá nhân, điều cá nhân đã chấp nhận thì chính cá nhân đó cần phải đứng dậy để phá nó, còn không chúng ta thật là khó chiến thắng được sự lười biếng này và chúng ta không thể đưa tới sự giác ngộ, an vui trong cuộc sống.
Các bạn, để có một gia đình hạnh phúc, để có một môi trường ấm áp trong cuộc đời và để cho chúng ta luôn luôn sống bình an, sống có mối quan hệ rộng nhưng tịnh tĩnh, chúng ta phải chiến thắng thói quen làm biếng của chúng ta. Và để chiến thắng thói quen làm biếng này, ta phải biết rằng sự làm biếng, giải đãi này nguy hiểm, bởi nó sẽ đưa chúng ta tới sự đọa lạc, tạo nghiệp, hết phước báu. Nhận rõ được điều đó, ta mới phá vỡ thói quen này, còn khi chúng ta không nhận rõ được điều đó, chúng ta sẽ coi thường, và ta sẽ chẳng có chú trọng, chú tâm đến là phải chiến thắng điều gì.
Cho nên, để không bị đọa lạc, đau khổ và phiền não và để tăng trưởng phước báu mà chúng ta có thể hồi hướng, hay nói đúng hơn là trao tặng lại cho người yêu thương của chúng ta thì mỗi người chúng ta hãy nhận rằng Đức Phật đã dạy làm biếng đưa tới sự đọa lạc. Từ đó khởi đầu trở lại là chúng ta phải đứng dậy, chiến thắng sự làm biếng của chúng ta bằng cách chuyên cần trong hơi thở chánh niệm để từ đó chúng ta phá được những tên giặc phiền não đang kề cận chúng ta, tạo khổ cho chúng ta, tạo khổ cho gia đình chúng ta. Đây chính là sự giác ngộ, giác ngộ không có cao siêu lắm như kinh điển thường nói để chúng ta thấy rằng nó xa tầm tay của chúng ta. Những Phật tử tại gia bận rộn cuộc sống hằng ngày chỉ cần ý thức được điều đó, ý thức được rằng sự lười biếng không tốt, tinh tấn một chút để chiến thắng tôi của mình, truyền thống bản ngã riêng của chúng ta để chúng ta đứng dậy bước từ từ từ từ, từ những tên giặc phiền não nó đang xâm chiếm, nó đang cột chúng ta, nó đang giữ chúng ta, ta phải tự giải phóng bản thân của mình khỏi sự phiền não này bằng cách nhận diện được ta đã có một thói quen giải đãi, làm biếng.
Các bạn, lời của Phật dạy nó đơn giản nhưng cao siêu nhiệm màu, bởi những ai thực hiện được sẽ tìm được hạnh phúc, những ai hành được sẽ tìm được sự an lạc, giác ngộ không xa tầm tay, chẳng ở trên trời, chẳng ở tận chân mây mà ở gần ngay trước mặt, trong sự suy nghĩ bình thường của mỗi người chúng ta. Hãy sống với tinh thần này để mỗi người chúng ta luôn tìm được sự an lạc trong cuộc sống và khi chúng ta nhận ra sự lười biếng sẽ thấy sự đọa lạc, khi thấy được sự đọa lạc gây ra đau khổ, ta sẽ tinh tấn. Tinh tấn bằng phương thức gì? Bằng cách sống đời sống chánh niệm hơi thở. Hãy cố gắng sống chánh niệm. Chánh niệm như thế nào? Là chúng ta hít vào thở ra, nhận rõ mọi hiện tượng đang xảy ra tương tác hằng ngày, sống thực, sống rõ, sống tỉnh với giây phút đang sống này. Đó gọi là tỉnh giác. Thứ quan trọng nhất mà Đức Phật dạy là hít vào – biết mình hít vào, thở ra – biết thở ra, chỉ đơn giản vậy thôi các bạn, các bạn sẽ có được hạnh phúc, các bạn sẽ có được sự bình an. Mong rằng mỗi người chúng ta sẽ đạt được điều như vậy, nhận rõ thói quen làm biếng đưa tới sự đọa lạc, để từ đó chúng ta chuyên cần, tinh tấn, phá giặc phiền não, hàng phục được ma quân để chúng ta thoát ra khỏi ngục tù đen tối của tâm thức, tìm được hạnh phúc, bình an qua hơi thở chánh niệm, thực hành một cách đơn giản từng giây phút của mỗi ngày bận rộn trong công việc. Đó là điều chúng ta đã giác ngộ.
Cám ơn các bạn đã nghe. Nguyện xin các bạn luôn bình an.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.