Search

Khước Từ Cha Mẹ

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn!

Các bạn thân mến, hôm nay cảnh thiền môn, nơi tổ đình chùa Xá Lợi ở tiểu bang Maryland, Hoa kỳ thật là tươi mát, gió thổi nhè nhẹ, tiếng chim trời hót vang trong khu rừng thiền này. Ngay trên con đường A La Hán có 18 tôn tượng của các vị A La Hán được tôn trí một cách tự nhiên hài hòa ngay 2 bên đường trên nền cỏ xanh của thiền đường. Các bạn nhìn trên màn ảnh xa xa đằng sau là một cánh đồng bắp mênh mông vô tận, hoa bắp đang nở rộ. Ánh nắng vàng của buổi sớm mai đang trải rộng trên ngọn hoa bắp đẹp kia, vàng rười rượi, thể hiện sự hồn nhiên, năng lượng vi tế nhẹ nhàng xuyên suốt không gian và thời gian. Thiên nhiên thật tự tại, trong thiên nhiên có nhiều năng lượng thanh tịnh. Nếu như mỗi chúng ta biết lắng dịu cuộc đời xuống để hưởng không khí thanh bình của cuộc đời và để rồi tự nhìn lại chính bản thân để nhận biết ra trong ta đang cưu mang hoặc đang được lưu truyền điều gì, ở đâu? Các bạn, có một câu chuyện bình thường tự nhiên trong cuộc sống, đằng sau là vườn bắp và câu chuyện này nói về bắp đây:

Trong một vườn bắp đó, có một trái bắp lớn, nó đẹp nó dũng mãnh. Từng hạt bắp vàng no tròn đầy đủ sức mạnh và rồi nó nhìn lại thân cây bắp, cây bắp đã tạo ra nó, nó phủ nhận rằng cây bắp đó đã mang nó vào cuộc đời. Bởi vì khi nó nhìn càng kỹ thì nó thấy cây bắp không có một chút gì hình hài giống nó. Cây bắp thì thật là thô, dài cao, không chút gì thể hiện được sự lực lưỡng, tươi trẻ đầy đủ năng lượng như trái bắp. Trái bắp hãnh diện về thể hình của mình, đặc biệt từ những hạt bắp xếp hàng song song thẳng tắp đều đặn. Rồi nó thấy từng li từng chút trên thân của nó thể hiện sức mạnh của tuổi trẻ, của sự sống, của sự vươn lên no tròn đầy đủ. Thế rồi cây bắp nói với trái bắp rằng: Trái bắp ơi, con mang một hình hài thật là đẹp, đầy đủ chất dinh dưỡng trong từng hạt bắp trên thân thể của con no tròn căng mọng, dũng mãnh đẹp vô cùng, có sức sống tự hiển lộ trong thiên nhiên. Nhưng con à, tuy thân cha là cây bắp gầy guộc thì chính vì sự sống của cha đó khi xưa cũng là trái bắp như con, rồi được đặt để vào lòng đất, tan rã ra để rồi hóa hiện thành thân gầy guộc này đây, tạo một môi trường điều kiện đầy đủ cho một đứa con dũng mãnh tươi đẹp no đủ như trái bắp là con đó đang hiện thân trong cuộc đời. Dù thân của cha không giống con nữa nhưng con hãy nhìn và kỹ nhớ rằng trong thâm sâu của con nhất định con sẽ thấy hình hài của cha. Trái bắp nhất định không chấp nhận, bởi vì nó không nhìn thấy một chút xíu gì từ cây bắp và nó có gì đồng dạng hết. Nó thuần túy là đẹp, là tự nhiên và thuần túy có sức bật của tuổi trẻ, sức sống tràn đầy. Còn thân bắp được gọi là cha, ôi sao gầy guộc xấu xí nên nó không chấp nhận. Rồi nó cứ như vậy, không chấp nhận và nó chê bai mãi. Nhưng nó đâu có biết rằng nó vẫn phải gắn kết vào thân của cây bắp để sống, để tồn tại để khoe với trời đất thiên nhiên về đẹp về sức trẻ của nó đâu. Cho tới khi thân bắp đã bị khô héo, già nua và dần dần trở về với lòng đất thì chính sự tươi trẻ của trái bắp kia cũng bị rút khô dần, héo dần và theo về lòng đất. Cái đẹp tràn đầy sức sống của trái bắp, của từng hạt bắp cũng không còn được thể hiện một cách trọn vẹn nữa thì nó mới hiểu ra rằng dù giữa thân bắp và nó như thế nào đi nữa, vẫn có một sự gắn kết thâm sâu ở trong để tồn tại song hành và mãi mãi đồng dạng. Nếu như nó biết tôn trọng thì chắc chắn nó sẽ thọ hưởng được những niềm vui khi nó còn đang nương vào thân bắp, còn không thì suốt chiều dài nương vào thân bắp chỉ là một thời gian ngắn ngủi đó mà nó cứ tưởng là quá dài để mà tranh cãi tranh luận, để mà khước từ sự liên hệ với thân bắp.

Câu chuyện này ngầm nhắc nhở cho mỗi chúng ta rằng ở trong cuộc đời đôi khi chúng ta được sinh ra trong một gia đình mà có thật nhiều người con đã không chấp nhận gia cảnh của mình, không chấp nhận cha mẹ của mình. Có thể là gia cảnh nghèo khổ để rồi khi con cái được sinh ra ở trong đời sống cảnh nghèo khổ, cha mẹ tận tụy nuôi trong cái nghèo đó và đặt để niềm hy vọng nơi con cái, dồn hết của cải cho con cái học thành tài. Khi con cái đã thành tài, có trí tuệ kiến thức, làm được nhiều tiền, sống hạnh phúc ở đời thì con cái lại không thấy có một chút gì giống mình nơi cha mẹ. Bởi cha mẹ thì bần hàn nghèo khổ, kiến thức thì không. Còn mình thì nay có đầy đủ kiến thức, lại đẹp, trẻ, vùng vẫy trong xã hội và thành công trên mọi phương diện. Cứ thế cứ thế những người con xa lìa gia cảnh của mình, xa lìa cha mẹ của mình, xa lìa gốc gác mà phải từ đó mới có thân trong cuộc đời.

Nhiều cảnh như vậy, lắm cảnh như thế, nhìn thấy đau lòng rơi nước mắt, buồn vô cùng, bởi vì sao? Điều đó chẳng khác gì trái bắp tranh cãi với người cha là thân bắp. Và trong cuộc đời biết bao cảnh những người con đã khước từ cha mẹ mình bởi vì thấy cha mẹ thua kém mình về kiến thức, về tướng hảo về hoàn cảnh sống. Nhưng con cái đâu có biết rằng như thân bắp kia đã tiều tụy theo năm tháng, dồn toàn bộ tiền bạc, của cải, sức sống của tuổi trẻ cho con cái, lao lực trong cuộc đời để cho con cái trưởng thành như ngày hôm nay.

Các bạn, đây là một cảnh đau lòng thực sự trong xã hội hiện thời. Nhất là trong xã hội mà kinh tế bị đình trệ trong bao nhiêu năm trời và bất chợt bộc phát lớn mạnh để rồi hoàn cảnh nghèo của cha mẹ vẫn tồn tại nhưng hoàn cảnh của con cái khác biệt với thế hệ của cha mẹ. Điều đó mang tới sự so sánh khác biệt làm cho con cái tủi hổ, thực sự có những người con không dám nhận cha mẹ của mình bởi cha mẹ sống trong gia cảnh nghèo, thôn quê mộc mạc chơn chất. Còn con cái sống nơi thành thị, bạn bè xa hoa nơi kinh thành thị tứ nên khi gặp cha mẹ cũng không dám nhận cha mẹ nữa.

Các bạn, chúng ta nhớ theo lời Phật dạy. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa thì người Phật tử chân chính phải luôn luôn biết cảm niệm tri ân đến các đấng bậc sinh thành nên chúng ta. Dù các ngài có thật nhiều khiếm khuyết trong cuộc đời, dù gia cảnh của các ngài có nghèo khổ, hoàn cảnh sống của các ngài có chật vật thì cũng phải nhớ rằng chính từ giọt máu của các ngài, hơi thở của các ngài đã tác thành nên chúng ta và đã cho chúng ta tất cả mọi kiến thức bằng cả cuộc sống của các ngài. Nhớ rằng trái tim của các ngài từng ngày từng ngày phải cạn từng giọt máu để biến từng giọt máu của các ngài thành sức sống cho chúng ta. Các ngài thực sự rất mực yêu thương chúng ta, yêu thương cho tới hơi thở cuối cùng, đến giọt máu cuối cùng. Nhớ, cha mẹ dù sao cũng luôn là gốc để cho chúng ta nương vào đó để sống. Gốc bao giờ cũng sần sùi, xấu xí bởi theo năm tháng đã chiết xuất sự sống của chính mình để nuôi dưỡng cành và thân. Cho nên nhìn vào cây ta thấy cành thì tươi, lá thì xanh tràn đầy sức sống. Còn nhìn vào gốc ta thấy khô cằn xấu xí theo thời gian định mặc. Và cha mẹ của chúng ta cũng vậy, cũng cằn cỗi theo thời gian. Nhìn theo dáng bên ngoài có vẻ xấu xí nhưng nhớ ở trong tận cùng thâm sâu của các ngài là những chất sống được chiết xuất ra từ từng hơi thở, giọt máu truyền lại cho chúng ta. Trong từng hơi thở, từng dòng máu luân lưu của chúng ta, từng giọt từng giọt thấm vào trong từng tế bào của chúng ta đó là sức sống, giọt máu và hơi thở của cha mẹ cạn dần theo năm tháng để truyền qua cho chúng ta. Chúng ta khỏe, đẹp, có đầy đủ kiến thức, trưởng thành nhiều trong xã hội thì ngược lại nhìn cha mẹ thấy hao dần, mòn dần và từ từ trở về với lòng đất. Nếu biết nhìn cho thật sâu sắc thì chúng ta nhất mực theo lời Phật tri ân các đấng bậc sinh thành, cảm niệm ân đức của các ngài đã cho ta cơ hội vào đời với thân xác khỏe mạnh, của trí tuệ và kiến thức, dồn hết sức mạnh cho chúng ta hiện thân trong ngày hôm nay. Để rồi chúng ta hãnh diện bởi trong ta có cha mẹ. Cha mẹ đã truyền hết tất cả tinh túy tới trong ta rồi thì dù một mai cha mẹ có về trời thì chúng ta vẫn thấy được sự hiện diện của cha mẹ trong chính đời sống của chúng ta.

Các bạn yêu mến, đừng để như trái bắp kia, đến khi thân bắp đã tàn lụi mà nó chẳng nhận ra được giá trị không tương đồng về thân tướng nhưng thật đồng nhất đồng dạng, về chất ở bên trong sự sống của bắp. Chúng ta cũng vậy, cha mẹ thuở thiếu thời cũng tràn đầy sức sống như chúng ta, tình yêu của cha và mẹ đã mở cửa cho chúng ta đi vào cuộc đời. Từ ngày đó hơi thở, máu huyết, sức sống sức trẻ của cha mẹ đã truyền dần vào trong chúng ta. Đó gọi là truyền thần để cho chúng ta sống. Thần khí của cha mẹ đã chuyển qua cho chúng ta và chúng ta đã lớn lên bởi nhờ thần khí đó, còn cha mẹ lụi dần theo năm tháng. Nếu có điểm gì gọi là khiếm khuyết cho ngày hôm nay ta nhìn thấy chính là vì những điều ưu việt của cha mẹ đã truyền qua cho chúng ta, còn những khiếm khuyết của ta cha mẹ đã gánh lấy.

Hãy nhớ rằng phận sống của một kiếp người nếu không có những đấng bậc đi trước sanh ra thì làm sao ta có cơ hội hiện thân trong cuộc đời. Bởi đó khi hiện thân trong cuộc đời, dù là ai đi nữa – ông này bà kia, có danh có phận, có tiền tài trong cuộc sống thì ngay trong giây phút này mỗi người chúng ta – nhất là Phật tử luôn luôn nghĩ đến các đấng bậc sinh thành của mình và biết rằng các ngài luôn luôn là sự sống vĩnh cửu tồn tại trong trái tim của chúng ta. Và chính vì các ngài đã truyền thần, truyền sự sống cho chúng ta mà mọi sự thành đạt của chúng ta về tướng, về tâm, về kiến thức đều là do cha mẹ đã tạo nên, gây dựng và truyền vào trong đó. Hãy tri ân các ngài trong cuộc sống để chúng ta thừa hưởng được phước báu là gia tài của cha mẹ vẫn còn lưu truyền trong cuộc đời của chúng ta. Cảm ơn các bạn đã nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn