Bảo Giác Tường đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chua Xa Loi.
Các bạn ơi! Ta hãy cùng nhau đi vào một câu chuyện vui, để từ đó tìm thử coi câu chuyện vui này nhắc nhở ta về điều gì. Có một anh chàng lớn tuổi rồi mới đi tầm sư học đạo. Anh ta bỏ hết tất cả để gặp một vị cao nhân mà học hỏi. Vị cao nhân đó đón nhận anh ta làm đệ tử. Vị cao nhân cũng chẳng hỏi gì, chỉ đón nhận bởi vì anh chàng tới muốn xin học, vị cao nhân nhận, xin thì nhận, muốn học thì dạy! Trải qua một thời gian vài năm, chàng thanh niên cảm thấy rầu rỉ, khổ và buồn. Vị cao nhân nhìn thấy cũng chỉ mỉm cười, anh chàng này học thêm vài năm nữa cũng lại càng buồn, càng khổ. Vị cao nhân cũng chỉ cười. Rồi anh ta lại học thêm ba năm nữa, sau khi gần mười năm trôi qua, anh ta buồn lại càng buồn, buồn ơi càng buồn, khổ ơi càng khổ. Vị cao nhân nhìn thấy. Và anh chàng thanh niên tới ngồi nói với vị cao nhân rằng “Thưa cao nhân, con học của ngài mười năm rồi mà sao con càng buồn, mỗi năm trôi qua càng buồn, tuổi càng lớn càng khổ, càng buồn. Vị cao nhân mới nói “Thôi, vậy thì hãy đi với ta xuống chợ”. Vị cao nhân đưa chàng thanh niên xuống chợ, nói với chàng thanh niên rằng “anh thích gì thì anh mua đi”.
Anh thanh niên lâu ngày ở trên núi buồn và khổ, nay xuống chợ, thấy sư phụ nói thích gì thì mua, thật sự trong lòng anh ta cũng có vài điều thích thú. Mua xong anh ta bước đi tỉnh bơ, người bán hàng kéo anh ta lại nói “sao không trả tiền mà đi”. Anh ta chỉ tay vị cao nhân, người ta hỏi vị cao nhân, vị cao nhân lắc đầu tỏ vẻ không biết. Thế là anh ta bị đánh cho một trận và bị những người kia lấy đồ trở lại. Anh ta buồn đau, trên con đường trở về, anh ta hậm hực khó chịu, anh ta hỏi vị cao nhân rằng “tại sao lại như vậy?”. Vị cao nhân cũng chỉ mìm cười. Khi về tới nơi cư trú, anh ta mời cao nhân ngồi xuống, rót nước, dâng đồ ăn, hậm hực nói “Tại sao tôi học của cao nhân mười năm vẫn buồn, vẫn khổ. Và tại sao ngày hôm nay, cao nhân nói tôi xuống chợ mua đồ, đến khi tôi mua rồi, cao nhân biết tôi không có một đồng dính túi, cao nhân nói tôi thích gì thì mua. Tôi lấy, cao nhân không trả tiền, để người ta đánh đập tôi. Tôi khổ và tôi buồn lắm.” Cao nhân ăn một chén cơm chậm rãi, nhai rất chậm, từ từ, hưởng món ăn của chàng thanh niên dâng cho mình, uống một ngụm chè tươi nhẹ nhàng, rồi thong dong nói với đệ tử của mình “Con ơi, con đã lớn tuổi tới đây tầm sư học đạo, ta đã nhận con làm đệ tử. Trong mười năm qua và ngày hôm nay con học được gì?”. Anh ta nói “có học được gì đâu, buồn thì càng buồn thêm, khổ càng khổ thêm”. Cao nhân lúc này mới nói với đệ tử rằng “Con ơi, con không có một xu dính túi, xuống chợ để mua đồ không có tiền trả, người ta đánh đập, lấy lại. Cái khổ không có một xu dính túi, cái buồn không có một xu dính túi chẳng bằng cái khổ và cái buồn của người đi tầm sư học đạo mà không có chí nguyện. Cũng như ở đời không có ước mơ”.
Anh chàng này chột dạ, mới thấy rằng đúng, từ thuở mười năm trước tới đây học đạo của bậc cao nhân, anh ta chưa bao giờ có một chí nguyện học hỏi, chưa bao giờ lập nguyện để học, chưa bao giờ có một ước mơ học đạo để làm gì. Nhưng phải mười năm sau, lời nói khai thị của cao nhân mới lọt vô được tâm trí của anh ta, mới thức tỉnh anh ta và anh ta cúi mình sám hối, tiếp tục học. Chỉ ba tháng sau, anh ta không còn đau khổ và buồn nữa, hạnh phúc vô cùng. Anh ta tới tạ ơn sư phụ của mình và phát nguyện đời đời sẽ ở đây để phụng dưỡng sư phụ khi tuổi già.
Các bạn thân mến! Đúng không! Không có một xu dính túi chưa chắc buồn và khổ đâu, nhưng nếu bạn ở đời mà không có ước mơ, tu mà không có chí nguyện thì rất khổ, khổ vô cùng. Còn nếu bạn có ước mơ, khi không có tiền dính túi, một xu thôi, bạn cũng có thể thành tựu được nhiều tiền, nhiều xu, bởi có ước mơ là động lực đầu tiên để khởi nguồn cho một đoạn đường tiến lên. Chí nguyện là chìa khóa để đưa chúng ta tới sự hạnh phúc và bình an. Nếu ở trên đời các bạn không có ước mơ, việc gì các bạn làm cũng khó thành công. Dù bạn có nhiều tiền đi nữa, bạn cũng buồn và đau khổ. Cho nên ước mơ, ước mơ chân chính, các bạn đừng có ước mơ tà xấu nha các bạn! Nếu các bạn có một ước mơ chân chính, đúng pháp, các bạn sẽ luôn an vui và hạnh phúc, dù bạn không có một xu dính túi. Còn bạn không có một ước mơ chân chính, dù có nhiều tiền đi nữa, bạn cũng chán nản, buồn. Có khi nào bạn thấy những người có tiền, có của, giàu có, họ buồn, khổ, họ không biết phải làm gì để rồi họ lao đầu vào trong những cuộc chơi, để rồi họ lao đầu vào trong mọi hình thức sinh hoạt khác để tìm hạnh phúc và bình an. Nhưng họ không tìm được, bởi họ không có ước mơ. Còn có những con người nghèo, tiền không có mà đi đường họ tỉnh bơ à, họ cười, họ cười thấy thật dễ thương, hỏi ra nghèo lắm, tiền không có nhưng sao họ vẫn vui, họ vẫn hạnh phúc bởi họ có ước mơ.
Trên con đường tu học, tầm cầu đạo pháp, nếu bạn không có chí nguyện là giải thoát thì bạn sẽ luôn luôn khổ và buồn, dù các bạn đang học dưới một bậc thầy vĩ đại. Dù các bạn đang ở trong một thiền tự lớn, một ngôi chùa lớn, dù các bạn đang ở trong một tăng thân thật đông, sinh hoạt nhộn nhịp, đầy đủ mọi hình thức, nhưng bạn không có chí nguyện giải thoát, bạn cũng buồn và khổ mà thôi. Còn nếu bạn có chí nguyện giải thoát, dù sinh hoạt với một vị thầy trong một ngôi chùa xa thành phố, nhỏ, có thể ở trong đồng, trong thôn, trong quê, bạn luôn an vui và hạnh phúc. Con đường tu học Phật mỗi người chúng ta phải biết lập chí nguyện giải thoát làm cứu cánh duy nhất, còn những điều khác không quan trọng. Khi đã lập chí nguyện giải thoát là cứu cánh duy nhất, các bạn sẽ tràn đầy hạnh phúc và bình an, sung sướng lắm. Nhưng người ở trong đời có ước mơ họ sẽ thành tựu, họ vui; còn trong đời có tiền, có đầy tiền mà không có ước mơ sẽ khổ. Người mà không có chí nguyện lấy giải thoát làm đầu cứu cánh, dù có sinh hoạt trong chùa to, thầy có đức độ, sinh hoạt rầm rộ, kinh sách đầy hết, cũng không có hạnh phúc và bình an. Hạnh phúc và bình an rất quan trọng trên con đường tu học. Và nếu bạn học thật nhiều, được dạy thật là nhiều, kinh điển thật là nhiều, nghe giảng thật là nhiều mà bạn không có sự bình an và hạnh phúc, chính là bởi vì bạn chưa có chí nguyện và chí nguyện của bạn không phải là sự giải thoát mà chỉ là những ước mơ vu vơ, mượn danh trong đạo để lập đời, chứ không mang kinh của Phật với chí nguyện giải thoát nghiên cứu và dưới sự giáo dưỡng các bậc sư phụ để đi tới sự thoát ly phiền não thì làm sao các bạn có được hạnh phúc và bình an.
Cho nên trong cuộc sống này, các bạn nhớ mỗi người chúng ta phải ý thức rằng sự tu với giáo lý Đức Phật dạy phải luôn luôn khởi đầu và bắt nguồn, khởi động bằng chí nguyện giải thoát sanh tử. Khi bạn lập nguyện và có chí nguyện giải thoát sanh tử thì ngay lúc đó, sự hoan hỷ, năng lượng hoan hỷ sẽ tràn đầy trong cuộc sống dù một câu kinh, một câu kệ chưa nhớ, chỉ cần có chí nguyện giải thoát theo thầy để học đã có hoan hỷ rồi. Còn nếu không có chí nguyện giải thoát làm đầu thì bạn có đọc kinh ngày này qua tháng nọ, có nghiên cứu kinh ngày này qua tháng nọ, có nghe giảng ngày này qua tháng nọ, có xuất gia đi tu hay tại gia, không có hạnh phúc, không có bình an. Tới với Phật đầu tiên phải khắng định chúng ta phải có chí nguyện giải thoát sanh tử làm đầu.
Cám ơn các bạn đã nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa