Trong cuộc sống có những mối quan hệ mà đôi khi không còn nói chuyện với nhau nữa vì nhiều lý do như không còn cùng chung quan điểm, cách sống, hoặc giận hờn nhau vì một chuyện gì đó mà không nói chuyện nữa, nhưng con vẫn luôn nhớ thương và quý trọng tình cảm mà họ và mình đã từng có với nhau. Trong lòng lo sợ là liệu mình quay lại nói chuyện với họ thì không biết họ sẽ phản ứng ra sao, có thể bây giờ họ đang hạnh phúc trong cuộc sống của họ, họ nghĩ mình nói chuyện lại với họ là có ý gì đó và mình sẽ thất vọng vì họ không còn như xưa. Nhưng như các Thầy giảng nên trân quý những người xung quanh khi còn có cơ hội đồng hành thì con phải làm như thế nào để thực hành lời dạy trong trường hợp này? Con xin Thầy khai thị! Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Hình như câu hỏi này có liên quan đến tình cảm giữa một người nam và một người nữ, có thể nằm ở trong cái tình yêu của người yêu hoặc tình nghĩa vợ chồng nay đã tan vỡ vì những sự xung khắc hoặc khác biệt. Cuộc đời tình cảm giữa từng cặp giữa người yêu hay vợ chồng không phải tới với nhau bằng sự hoàn thiện để rồi khi xảy ra sự việc gì đó, sự cố gì đó, ta mới nhận ra không hoàn thiện, ta bỏ nhau. Mà khi yêu nhau tới xây dựng một gia đình, điều đầu tiên là ta biết chẳng ai hoàn thiện nhưng tới yêu, sống chung với nhau để hoàn thiện đời sống. Nếu từ thuở đầu ai cũng nhận thức được điều ấy thì khi sai trái, ta dễ tha thứ và tự hoàn thiện cuộc đời của mình. Nhưng điều đó không phải dễ, khó lắm. Có những sự việc xảy ra không thể hàn gắn lại được tình cảm, dù vẫn biết trong lòng còn nhớ, còn thương bởi một quá khứ đã từng song đôi. Nhưng nay nếu thực sự đã chia tay vì một lý do gì đó mà hai bên đã chấp nhận, những hoài niệm, những quá khứ tốt đẹp, ta vẫn có thể gặp nói chuyện với họ trong những hoàn cảnh phù hợp như đôi tình bạn vẫn còn đó với nhau. Bởi vì đã chấp nhận chia tay và để cho họ đi con đường của họ, chúng ta đối xử với họ bằng tình bạn thì tốt, vẫn có những cặp sau đó rồi họ trở lại với nhau, đó là nhân duyên. Nhưng đừng dựa vào nhân duyên đó để một phía ngồi chờ rồi níu kéo những chuyện đã qua. Sự tiếp xúc với một người đã chia tay với cái tâm cao đẹp và cao thượng, kính trọng và tôn trọng nhau, hiểu rõ những ranh giới hiện tại của mình với người ấy để đối xử đúng bằng tình bạn, bằng tình thân, đồng cảm, chia sẻ, tôn trọng, và nhớ, nhớ thật rõ cái ranh giới không thể bước qua. Đó chính là tình thương thực sự còn lại trong ta để bảo vệ hạnh phúc cho mình và hạnh phúc cho người ta đã chia tay. Đức Phật dạy tất cả là nhân duyên, nhưng không thể để cho cái nhân và cái duyên của quá khứ lôi kéo chúng ta, dắt mũi chúng ta phải theo nhân duyên ấy. Thắng được cái nhân duyên đó mới là người thật sự tu học Phật để chiến thắng những cái duyên nợ của cuộc đời.
Chúng ta nhớ sống trong Chánh Niệm và hiện tại, sự tu tập hơi thở của chánh niệm sống trong hiện tại sẽ giúp cho chúng ta tăng trưởng được nội lực để chuyển hóa và nhìn thật rõ những cảm xúc của mình trong mọi tương tác của quá khứ, của hiện tại hoặc dẫn tới tương lai để ta làm chủ được cảm xúc, làm chủ được cái tâm đối xử tốt đẹp với nhau, trân quý, trân trọng đúng mức với cái giới hạn tình người cho phép ở trong khuôn khổ mà hiện thời ta đang có. Đừng vì cảm xúc và cái tốt đẹp của quá khứ mà chúng ta níu kéo để vòng lại một lần nữa, thì đó là “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Hãy thẳng đường mà đi. Trân quý cái tình cảm hiện tại giữa người với người nhưng đừng để lẫn lộn giữa tình cảm đôi lứa ta không còn nữa, níu kéo để xây dựng trở lại theo hướng một chiều, ta sẽ tạo khổ cho chính mình. Hãy thực tập Chánh Niệm, quán chiếu sâu sắc, ta sẽ nhận thức được điều đó, ta sống an vui và sẽ có được cái gan – tức là sức mạnh để tiếp xúc với người đã từng sống chung với chúng ta khi có cơ hội gặp gỡ phù hợp trong những hoàn cảnh tốt đẹp. Mô Phật!
Tham vấn Phật Pháp 16, https://youtu.be/LLpUVqvXnIk