Thưa Thầy khi người mất nếu một phần nào trên cơ thể mình ấm thì sẽ tái sinh về các cảnh giới tương ứng đúng không ạ?! Và người thân không được để nước mắt rơi vào người mất vì như vậy người mất sẽ khó ra đi đúng không ạ? Con xin Thầy khai thị. Con cảm ơn Thầy ạ! Mô Phật!
Trả lời: Đúng hay không nó đều nằm vào những phạm trù tín ngưỡng của các tông phái, niềm tin của mỗi người, nhưng trong Kinh Tạng Pali Sanskrit và trong kinh không bao giờ viết về những chuyện như vậy, tức là chuyện thấy được cái thân còn ấm chỗ nào, từ chân hoặc là trên đầu thì đặt ra định nghĩa người đó sẽ tái sanh về cảnh nào. Phật cũng không dạy khi người mất đụng vào họ sẽ đau, họ sân, họ giận. Rồi trong kinh cũng không bao giờ nhắc phải để bao nhiêu tiếng. Nhưng sau này trong tông phái Tịnh Độ ở bên Trung Hoa, hoặc những pháp môn khoảng vào thế kỷ thứ V sau công nguyên, hoặc thế kỷ thứ VIII – X sau công nguyên ở bên Tây Tạng, Ngài Liên Hoa Sanh hoặc những bậc Tổ của Tịnh Độ mới đưa ra những chi tiết hơn.
Đức Phật không dạy cho người ta trở thành người bói toán, đoán mò. Dưới con mắt của bậc giác ngộ, Ngài nói thật là rõ người chết theo nghiệp mà tái sanh, chẳng theo hơi ấm trên người để định đoạt. Cái cách nhìn hơi ấm cũng là một cách coi tướng để đoán rằng họ đã tái sanh về đâu – Phật không dạy. Phật nói người chết theo nghiệp mà tái sanh. Dù bạn có khóc, thương nhớ người chết đó thì người đó cũng theo nghiệp mà tái sanh, chẳng vì bạn khóc, bạn thương, bạn tiếc mà người ta không thể luân hồi tái sanh được! Nếu thật sự mình khóc mà có thể làm cho người ta không tái sanh, và biết rằng cuộc đời của người đó sẽ tái sanh vào địa ngục, đau khổ bởi cuộc đời ác, ta cứ khóc đi để họ không phải tái sanh vào cảnh giới ác, phải không các bạn? Cái đó nó chỉ đúng theo cái niềm tin, cái nghi thức, nghi lễ để ít nhất giữ cho người còn sống khi đối diện với người thân đã ra đi giữ được sự tôn trọng, sự bình tĩnh, sự sáng suốt để quán chiếu cái sự chết của người thân mà phản tỉnh lại cuộc đời của mình để làm sao sống cho xứng đáng khi ta vẫn còn hiện diện trong cuộc đời. Còn chuyện hơi ấm ở đâu thì tái sanh về cảnh đó, đó là những cái luật, hoặc những niềm tin, sự thấy của các bậc Tổ, ứng dụng phương tiện rộng lớn để dẫn cho hậu bối sau này có được sự bình tĩnh khi người yêu thương thật sự ra đi, để không khóc bù lu bù loa, rối đầu rối tâm chẳng biết làm gì, thì người thân mất ta không tạo được phước báu mà còn tạo ra nghiệp, rồi dễ bị những cái chuyện xúi quấy dẫn dụ của những phong tục mê tín dị đoan lầm lạc vào con đường mê. Cho nên Chư Tổ cũng như Ngài Liên Hoa Sanh chế tác ra thật nhiều phương tiện để ngăn ngừa sự buồn tủi của con người đến mê mẩn thần trí mà tạo nghiệp, và giúp cho mỗi người chúng ta hoan hỷ hơn một chút xíu, bình tĩnh hơn để hướng tới sự tu tập ngay trong những ngày người thân mất đi. Đó là phương tiện. Còn nếu theo Đức Phật thì nhớ, người chết theo nghiệp mà đi. Do đó, chính cái câu đó nhắc nhở cho chúng ta, khi chúng ta còn sống, cố gắng tạo nhiều thiện nghiệp, chưa giác ngộ thì ít nhất mỗi người chúng ta khi chết đi, nương theo thiện nghiệp đã làm mà được tái sanh về cảnh giới thiện lành hơn để tiếp tục tu. Mô Phật!
Tham vấn Phật Pháp 16, https://youtu.be/LLpUVqvXnIk