Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
Nguyện xin Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài.
Bảo Thành kính chào tất cả các bạn! Chúng ta đang ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.
Câu chuyện hôm nay là một câu chuyện thực sự của tăng thân Đức Phật thời xưa.
Thuở đó vào mùa an cư kiết hạ, Đức Phật cùng năm trăm vị đệ tử đi tìm một khu rừng để sống an cư trong mùa kiết hạ (mùa mưa gió). Ở khu rừng đó có một ông đã phát tâm cúng dường cho Phật và cho an trú ở khu rừng, nhưng sẵn sàng cúng cơm, cúng nước vào mỗi buổi trưa để cho Phật và Tỳ Kheo ăn uống, tu tập trong mùa mưa (mùa an cư kiết hạ).
Rồi Chư Phật an ổn ở trong đó cùng với năm trăm vị Tỳ Kheo. Sau một vài ngày, các người Bà la môn mới nghe được như vậy nên muốn phá Chư Phật và năm trăm vị Tỳ Kheo kia. Do đó đã dùng mỹ nhân kế tới để lôi kéo ông chủ kia. Rồi người mỹ nhân này đã lôi kéo đến mức ông chủ không chịu xuống lầu và quên luôn việc cúng cơm cho Chư Phật. Thì ở trong rừng Phật và hàng Tỳ Kheo bị đói mấy ngày, hàng Tỳ Kheo muốn bỏ đi nhưng Chư Phật nói với các Tỳ Kheo đệ tử rằng: “Các con! Đây là một phần cộng nghiệp của ta và các con trong mùa an cư. Hãy hoan hỷ và trụ dưỡng ở đây tu tâm.”
Một ngày qua đi, có một thái tử cùng một bầy ngựa năm trăm con vượt qua khu rừng, thấy Chư Phật và Tỳ Kheo đói bụng, trong lòng muốn cúng dường nhưng rất thương. Không có gì để cúng liền hỏi Phật: “Thưa Phật! Ở đây con không có gì chỉ có một chút lúa mạch cho ngựa ăn, đủ để nuôi quý vị trong những tháng an cư. Nếu Phật và đệ tử đón nhận con xin cúng dường”. Chư Phật hoan hỷ đón nhận và rồi người đó đã cúng dường cho Phật.
Chư Phật đón nhận lúa mạch đó và an trú cùng với năm trăm vị Tỳ Kheo ở trong rừng, xuyên suốt mùa an cư kiết hạ. Nhưng Chư Phật dạy cho các đệ tử rằng: “Cộng nghiệp của chúng ta, Thầy – Trò chúng ta có nghiệp chung phải chịu như vậy. Hãy hoan hỷ mà trụ dưỡng tâm. Chúng ta đã vượt qua, chúng ta hoan hỷ rồi! Thôi mọi chuyện đều tốt đẹp!”
Tới lúc này, ông chủ kia mới tỉnh ngộ, đã bỏ quên cả ba tháng trời không cúng dường cho Phật và các môn đệ của Ngài. Do đó ông ta vội vàng chạy đến trước Đức Thế Tôn quỳ xuống và sám hối. Phật đã chứng minh cho sự sám hối của ông ta.
Các bạn, câu chuyện thực sự xảy ra với đời của Đức Phật cùng năm trăm vị Tỳ Kheo thời đó. Cuộc sống của chúng ta phải suy nghĩ như vầy: Đức Phật mà còn có sự cộng nghiệp chung với đệ tử, để rồi ba tháng trời không có đồ ăn, bị người ta bỏ rơi.
Cuộc đời của các bạn và Bảo Thành chắc chắn đã gặp biết bao nhiêu lần bị bỏ rơi trong cuộc đời. Có những chuyện hứa hẹn đối với chúng ta, như vị chủ gia kia hứa hẹn với Phật cúng cơm để nuôi nhưng rồi bỏ rơi Phật. Sự bỏ rơi là nhân duyên nghiệp chướng của ta và cũng là sự tác động ở bên ngoài với người muốn cúng dường. Khi có ai đó bỏ rơi với một lời hứa với chúng ta, đó là nghiệp của chúng ta cộng nghiệp. Và có thể bị tác động bởi một người khác, như ông chủ kia thực sự thành tâm muốn cúng dường, nhưng Bà la môn (những người theo Bà la môn giáo thời đó) không muốn, mượn mỹ nhân kế tác động, ông đã quên.
Nhất định nhiều người đã hứa với chúng ta giúp đỡ chúng ta nhưng họ quên, cũng có thể là nguyên nhân ở bên ngoài tác động làm cho họ quên và cốt lõi vẫn là nghiệp của chúng ta. Phật đón nhận chuyện đó với tâm hiểu biết, khoan dung và hoan hỷ, sẵn sàng tha thứ cho người đã hứa khi sám hối. Nếu cuộc đời của các bạn và Bảo Thành đã trải qua những lời hứa mà không được thực hiện bởi ai đó, chúng ta cũng hãy tha thứ, dù rằng người đó không tới sám hối với chúng ta, nhưng chúng ta hãy rộng lòng tha thứ bởi đó là một phần của cộng nghiệp của ta với họ.
Cuộc đời có biết bao nhiêu lời hứa đã tới nhưng có mấy lời hứa sẽ thành tựu được đâu. Kiếp nhân sinh như ta nghiệp chướng và cộng nghiệp nhiều lắm, do vậy hầu hết mọi lời hứa trong cuộc đời hiếm có cơ hội biến thành sự thật, bởi sự tương tác giữa người và ta, do nghiệp của tiền kiếp khó tạo ra hiện thực.
Không sao! Không sao! Bài học hôm nay của câu chuyện đó chỉ nói đến một phương diện rằng: Ai đã là người như chúng ta, ai đã là người sống trong thế gian này, nhất định luôn phải đương đầu với những lời hứa mà không thể thực hành được. Lời hứa giữa cha mẹ, con cái, lời hứa giữa vợ chồng, lời hứa giữa con người với con người.
Chúng ta thường hay hứa nhưng thông thường lời hứa đó cũng là một phần khởi lên từ nghiệp của kiếp trước. Nếu chúng ta nhận rõ được điều đó, chúng ta hoan hỷ lắng nghe lời hứa mà trong sự hứa hẹn đó đừng có tâm mong cầu. “Cầu bất đắc là khổ” khi người ta hứa mà sinh tâm mong cầu, chúng ta sẽ tạo khổ. Phật không khổ là bởi vì Phật đã giác ngộ nên khi nghiệp tới Ngài hoan hỷ đón nhận. Nhưng chúng ta sẽ khổ lắm bởi khi chúng ta mong muốn một điều gì từ lời hứa, chúng ta không đón nhận được, chúng ta sẽ khổ.
Do đó ở trên đời chúng ta không cần thiết đón nhận những lời hứa hẹn, mà chúng ta chỉ cần trao cho nhau tâm chân thật nếu có. Sự hứa hẹn không nên mà nên nói chắc chắn ta có thể làm hoặc không làm, chứ đừng hứa. Bởi lời hứa sẽ bị thay đổi nhưng tâm chân thật chắc chắn muốn làm, muốn cống hiến, muốn bố thí, muốn tác động vô nó có một sức mạnh nội tâm; bởi khởi lên từ tâm thật sự muốn phụng hiến, muốn cống hiến, muốn trao ra. Do đó khi những người khác đến hứa với chúng ta, chúng ta chỉ cần có tâm chân thật đón nhận; đón nhận nó bằng tâm chân thật và bằng sự tỉnh giác, thì khi lời hứa đó có hoặc không thì chúng ta đều hoan hỷ. Ngược lại chính vì chúng ta hoan hỷ mà đối tượng kia khi hứa không thực hiện được họ sẽ thấy tội lỗi, họ sẽ sám hối. Một mặt giúp cho họ nhận rõ, mặt thứ hai giúp cho họ được an lạc chính vì nhận ra lỗi lầm và được tha thứ.
Các bạn, chúng ta phải có sự công phu tu tập để các bạn và Bảo Thành có sức hiểu biết, có sự sáng của trí tuệ nhìn rõ những dòng nghiệp thức đang tới với chúng ta, nhân quả đó để chúng ta khởi tâm hoan hỷ mọi lúc mọi nơi. Cần thiết nhất là chúng ta đừng vội oán trách khi người khác hứa mà không thực hiện được. Bởi khi chúng ta oán trách người, tâm sân của chúng ta có cơ hội trỗi dậy, đừng khi nào oán trách. Chuyện tới đều do nhân duyên và phước báu, chuyện không tới được cũng do phước báu và nhân duyên. Do vậy nếu người ta hứa mà không làm được thì chúng ta cũng cứ nhìn đó như một sự thử thách và hiểu rõ đó là nghiệp. Khi hiểu rõ như vậy, tâm ta thanh thoát, nhẹ nhàng như Đức Phật vẫn trụ ở khu rừng đó, Tỳ Kheo đệ tử của Ngài muốn bỏ đi. Nhưng Ngài hiểu rằng sự cộng nghiệp đó tới, Ngài trả trong sự hoan hỷ tạo thành phước báu.
Do vậy, thái tử cùng năm trăm con ngựa vượt qua khu rừng có sẵn lúa mạch để cúng dường. Nhớ rằng đó là đồ ăn của ngựa mà Phật còn dùng thì chúng ta có những lúc cay đắng trong thất bại bởi chờ đợi lời hứa. Phật còn ăn lúa của ngựa, nếu chúng ta phải ăn cay, ăn đắng của cuộc đời, ăn nước mắt và đau khổ cũng xứng đáng để chúng ta đứng dậy mà thành công.
Các bạn đừng mong cầu ở những lời hứa quá nhiều. Hãy sống trong sự tỉnh giác và đón nhận bất cứ một điều gì xảy ra. Chỉ cần tỉnh giác, tịnh dưỡng trong Chánh Pháp của Phật, sống trong đời sống chánh niệm, nuôi dưỡng phước báu của mình. Thử thách này tới rồi sẽ qua đi, tuy rằng những sự tới sau đó không mỹ mãn, không viên mãn nhưng ít nhất cũng đủ để nuôi sống Phật và Tỳ Kheo trong ba tháng trời mưa. Chuyện tới sau đó không như ý nhưng nhất định nó cũng đủ để vực các bạn đứng dậy từ đống đổ nát, thất của cuộc đời. Lời hứa nó nhẹ như gió thoảng qua, hứa mà không làm là chuyện đời thường con người thường phải đương đầu.
Các bạn nhớ, nếu như ở trong đời có ai thất hứa với các bạn, các bạn hãy bỏ qua. Hãy bỏ qua tất cả bởi đó là nghiệp tương tác, Phật phải chịu nhưng trong tâm hoan hỷ. Ta có được một phần hoan hỷ như Phật ta sẽ được nhẹ nhàng, ta sẽ được thành tựu sự an lạc, ta sẽ vượt qua mọi chướng ngại và ta sẽ có được hạnh phúc.
Các bạn thân mến, muốn được như vậy các bạn nhớ thực hành một chút hơi thở chánh niệm, sống trong chánh niệm, quán chiếu nhân duyên và nghiệp. Nhân duyên và nghiệp là hai chữ tương đồng, ta có duyên để gặp thiện nghiệp, ta cũng do nhân duyên để gặp được những nghiệp chướng ngại. Chướng ngại hoặc là thuận nghịch, đó là chuyện bình thường trong cuộc đời, chỉ cần chuẩn bị tâm hoan hỷ, nghịch cảnh tới sẽ biến thành động lực lớn để ta vượt qua, thuận cảnh tới sẽ biến thành sức mạnh hỗ trợ ta tiến tới. Nghịch và thuận là hai phương diện ta phải đối diện mỗi ngày trong cuộc đời.
Cầu chúc các bạn thành công và tịch tĩnh trong hơi thở chánh niệm.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!