Bảo Nguyện đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Người lương thiện - nhẹ cả đời Phúc tuy chưa tới hoạ thời tránh xa Kẻ hành ác - tưởng qua loa Hoạ tuy chưa gặp phúc đà bỏ đi
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Sống Trong Chánh Niệm ngày thứ bảy, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo với tăng thân Chùa Xá Lợi đồng trì Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn để nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài, thắp sáng Trí Tuệ để chúng ta nhận rõ được các pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Cũng đồng nguyện Chư Phật gia trì cho quê hương Việt Nam của chúng ta và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh, các bạn đồng tu và gia quyến thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học. Chúng ta cũng hồi hướng cho cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, chư vị hương linh luôn theo thiện nghiệp của mình nương bóng Từ Bi của Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật mà tái sanh cảnh thiện lành.
Mời các bạn chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)
Chú Đại Bi (01 biến):
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)
Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)
Chú Vãng Sanh (03 biến):
Nam mô A Di Đa bà dạ
Ða tha dà đa dạ
Ða điệt dạ tha
A Di rị đô bà tỳ
A Di rị đa tất đam bà tỳ
A Di rị đa tỳ ca lan đế
A Di rị đa tỳ ca lan đa
Dà di nị, dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha.
Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Mô Phật! Thứ bảy rồi các bạn ơi. Chúng ta mới đó mà một tuần ra đi thật là nhanh. Thứ bảy là ngày Bảo Thành rất vui vì chúng ta có sự đồng tu Sống Trong Chánh Niệm. Mỗi ngày trôi qua, cuộc đời bận rộn lắm, nhất là thế sự ngoài kia, các bạn Phật tử tại gia của chúng ta và ngay ở trong nội tự cũng thế, không chuyện này thì chuyện kia mọi sự cứ bận rộn xoay vần. Nhiều lúc chúng ta cứ hứa hẹn với lòng mình thôi, rằng đợi một ngày nào đó công chuyện ổn định rồi ta sẽ bắt đầu sống. Đây hình như như là điệp khúc ve sầu rỉ rả trong mùa hè của cuộc đời mỗi người. Ta sẽ đợi, đợi mãi một ngày mai khi mọi chuyện đã xong, gọi là xuôi tay rồi về miền đất lạnh thì mới bắt đầu để sống. Thứ bảy sống trong Chánh Niệm nhắc nhở cho mỗi người chúng ta phải sống và hãy sống lương thiện như chủ đề ngày hôm nay. Đừng đợi đến ngày mai, đó chỉ là ảo tưởng mà thôi. Sống là ngay bây giờ, sống tại đây, trong từng giây, trong từng phút, đừng đợi đến ngày mai, đừng tự lừa dối mình, đừng tự lừa gạt mình và hứa hẹn một điều quá đẹp cho một ngày mai trong ảo tưởng không có thực. Bảo Thành yêu thích ngày thứ bảy là được chia sẻ pháp thoại một cách thoải mái rất thường trong đời sống Chánh Niệm của mỗi người chúng ta. Không phân biệt ngữ cảnh là sống ở chùa hay là sống ở nhà, mà chỉ nhìn chung là chúng ta đang sống, sống trong Chánh Niệm.
Và hôm nay lại khuyến khích mọi người là hãy sống, sống lương thiện. Nếu cuộc sống của chúng ta mà đánh mất đi sự lương thiện, không sống lương thiện thì thực sự chúng ta đã bỏ phí cuộc đời và đánh mất điều quý báu nhất mà có được trong cuộc đời nơi kiếp con người, quý báu nhất nha các bạn. Không sống lương thiện là đánh mất thứ quý báu nhất của cuộc đời. Vậy thì sống có ý nghĩa gì nữa đâu. Không có ý nghĩa. Hãy sống lương thiện, người lương thiện nhẹ cả đời, mà đúng vậy khi chúng ta lương thiện thì cả đời ta nhẹ nhàng:
Người lương thiện nhẹ cả đời
Phúc tuy chưa tới họa thời tránh xa.
Hai câu này Bảo Thành thích lắm. Chúng ta là người lương thiện cuộc đời nhẹ nhàng, phúc chưa nhìn thấy nhưng họa đã tránh xa. Nếu nhìn kỹ vào câu nói này thì hầu hết chúng ta thường nhầm lẫn và thường than rằng: trời ơi tôi sống lương thiện như vậy mà không được hưởng phúc. Đây là cách nói sai, bởi ta không nhìn thấu phước nó như thế nào. Ta cứ tưởng rằng phước là phải có được điều gì đó, cho nên khi chúng ta sống lương thiện, chúng ta mong chờ một cái gì đó tới với chúng ta như món quà được trao cho đời sống lương thiện của mình. Nhưng quà đã tới tận tay mà không thấy, quà đã mang tới tận cửa mà không hay, quà đã mở ra trước mắt mà không biết nó ra làm sao. Quà đó là quà gì? Là quà cả đời nhẹ nhàng. Các bạn thấy không, nhẹ nhàng cả cuộc đời. Nếu bạn sống lương thiện thì phước báu của bạn chính là sự nhẹ nhàng trong cuộc sống. Và một cái nữa là phước báu vô tận tới với bạn ở chỗ chẳng phải là phúc gì to lớn tới như là trúng số, như có nhà có cửa, mà là mọi tai họa được chấm dứt, mọi tai họa đều tránh xa bạn, đó mới chính là phước báu. Chứ còn bạn sống lương thiện để có nhà có cửa nhưng mà họa nó vẫn tới thì cái đó không phải phúc mà là dầu mồi cho lửa bốc thêm. Dầu gì? Dầu phú quý, cái phú quý đó làm cho lửa sân giận và tham dục tham ái nó cháy thiêu đốt cuộc đời. Cái phúc trong việc lương thiện chính là chỗ không phải cầu mong cái phúc về vật chất về tinh thần, mà là mọi tai họa trong cuộc đời đã tránh xa chúng ta, đó là đại phúc đại phước, để cho đời sống của ta được nhẹ nhàng. Nay nghe thấy câu này Bảo Thành khoái chí, bởi vì mình có phúc quá trời, có phúc ở chỗ mình sống lương thiện tai họa không tới, mà đời sống nhẹ nhàng, thật là nhẹ. Đây chính là ý nghĩa sống lương thiện.
Đối với các bạn ở trong cuộc sống bao nhiêu sự nặng nhọc về kinh tế, mình gọi là cày đó, cày năm ngày, cày sáu ngày, cày luôn bảy ngày, cày đêm chưa hết cày ngày cũng chưa xong, vậy mà miếng ăn vẫn thiếu, nhà cửa vẫn không. Đừng lo đừng lo, đó là cái nhìn ngắn hạn mà thôi. Còn cái nhìn dài hạn bạn phải nghĩ rằng mọi tai họa đã tránh xa. Nếu trong đời sống cơ cực của Phật tử tại gia như thế, ta vẫn sống lương thiện thì tai họa đã xa rồi. Bởi ai trong chúng ta cũng sẽ có tai họa và gặp tai họa, tai họa được hình thành do bất thiện Nghiệp nhiều đời mà Bảo Thành và các bạn tạo ra, chúng sẽ tới. Chính ngày xưa ta tạo bất thiện nghiệp, tai họa trổ quả, nhưng ngày hôm nay thấu rõ chân lý ấy, chân lý nhân quả ấy, ta sống lương thiện, ta chẳng chờ quả phúc nhưng nay ta thấy được quả bất thiện, quả tai họa của tiền kiếp nay nó chuyển mùa, nó thu hoạch ở chỗ là nó không trổ quả lớn nữa để gặp đại họa trong cuộc đời, mà chỉ như cơn gió chướng nhẹ nhàng đi qua, loay hoay một hồi ta cũng tỉnh và trở lại bình thường. Cho nên cái đại phúc trong cuộc đời của người làm thiện là tai họa đã tránh xa.
Có những con người khi hành ác:
Kẻ hành ác tưởng qua loa
Họa tuy chưa gặp, phúc đã bỏ đi.
Người làm ác, họ tưởng không có gì đâu và họ nghĩ rằng họ không gặp cái gì xui xẻo đâu, nhưng họ nhớ rằng tuy cái họa họ chưa gặp đó nhưng phúc đã bỏ đi rồi cho nên họ tổn phước báu. Mọi sự hình thành trong cuộc đời này là phước báu, khi phước báu tới thì họa sẽ tan, khi phúc báu đi thì họa sẽ tới. Cho nên:
Người lương thiện nhẹ cả đời
Phúc tuy chưa tới họa thời tránh xa.
Kẻ hành ác tưởng qua loa
Họa tuy chưa gặp, phúc đã bỏ đi.
Chúng ta sống theo Phật là sống theo tánh lương thiện, y như câu là hành thiện bỏ ác để tạo ra phước chuyển cái họa và bất thiện nghiệp, hành thiện bỏ ác để tạo ra phước tăng trưởng đời sống nhẹ nhàng trong cuộc đời.
Các bạn, mỗi một người chúng ta đi vào cuộc đời này có thể khác biệt trong sự giàu – nghèo, người có kiến thức học giỏi hay người ít kiến thức học dở, người cao to tướng hảo đẹp, người thấp nhỏ tướng hảo xinh hoặc là người không có ngũ căn lành lặn. Ta sinh ra đời khác biệt ở chỗ sinh ra ở thành phố hoặc thôn quê hẻo lánh, quốc độ bình thường hay quốc độ khổ, những nơi đầy đủ phước báu hay thiếu thốn, ta sinh ra trong nơi vương giả quyền quý hay nghèo hèn bình thường, cái đó hoàn toàn khác, nhưng chúng ta không bao giờ khác cái tánh lương thiện. Người nghèo nghèo đến mức không có nhà cửa, quần áo không có mà thay, cơm không có mà ăn, nước không có mà uống, vất vưởng bên lề đường thì họ vẫn có tánh lương thiện. Người giàu có, giàu tới nỗi không đếm hết tiền, tánh lương thiện họ cũng có. Người được đi học hay người thất học cũng đồng một tánh lương thiện không khác. Tánh lương thiện có ở mọi người không có khác, khác ở chỗ chúng ta có dám sống với chính mình hay không. Hồi xưa ta cứ tưởng hãy là mình là sống với chính mình, tức là sống để thỏa mãn những cảm xúc cảm giác của cuộc đời. Đó không phải là mình, cái là mình chính là bổn tánh lương thiện. Đó là vốn tự có từ muôn đời không bao giờ bị tận diệt, tánh lương thiện là bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh. Lương thiện là Phật tánh, sáng ngời như kim cương chẳng bao giờ hư mất trong những thay đổi của cuộc đời. Cuộc đời cứ đổi thay, tình người có thay đổi nhưng tánh lương thiện vốn luôn luôn ở đó hiện hữu. Nếu nói sống với chính mình là chân lý thì sống với chính sự lương thiện thường hằng vốn có đúng là chân lý. Lương thiện là kho phước báu tận cùng, là kho vàng kim cương, đào hoài không hết. Sao ta lại quay lưng với kho phước báu vàng bạc trân châu kia, lương thiện ấy, mà vùi đầu vào trong đống rác rưởi hôi thối của những sự bất thiện. Đây là câu hỏi cần phải suy nghĩ, bởi vì:
Người lương thiện nhẹ cả đời,
Phúc tuy chưa tới họa thì đã xa.
Còn kẻ ác không lương thiện, họ tưởng qua loa thôi bởi vì họ không thấy họa tới nhưng bạn nhớ rằng những người đó phước của họ đã bỏ ra đi, phước báu đã tổn. Hôm nay chia sẻ về hãy sống lương thiện là một lời tự sách tấn bản thân của Bảo Thành và các bạn. Chúng ta phải lựa chọn phẩm chất cao cả đẹp nhất của một kiếp người vốn luôn có và lưu truyền từ đời này qua đời kia một cách bất diệt, đó chính là sự lương thiện của chúng ta. Sống với chính mình là sống với tánh thiện lành vốn có. Sống được như vậy ta sẽ vui, gia đình sẽ hạnh phúc và có sức khỏe nữa. Cái nhìn mà nhận diện ra rằng trong đời sống của chúng ta, nơi ta, nơi trái tim và khối óc này có tánh lương thiện thuần tánh thanh tịnh thì đó là sự nhận diện đúng bằng Trí Tuệ, Chánh Kiến. Chỉ cần nhìn đúng bằng Chánh Kiến và nhận ra trong ta có nguồn năng lượng thiện và sống với sự lương thiện ấy thì đã đầy đủ phước báu rồi. Chưa cần phải làm gì hết các bạn ơi, chưa cần phải tu gì hết, chưa cần tụng kinh tụng sách, chưa cần phải tới chùa tới miếu tới đình, chưa cần phải nghe pháp của bậc thầy tối thượng hoặc của ai hết. Mà chỉ cần nhận diện ra rằng trong ta có sự lương thiện và ta sống với tánh lương thiện ấy là quá đầy đủ, vuông tròn để tràn đầy phước báu rồi.
Bạn suy nghĩ đi bạn sẽ thấy mà, đâu cần phải là Phật tử Phật giáo, đâu cần phải là tôn giáo này tôn giáo kia, miễn là chúng sanh là ta có thể cởi bỏ mọi hình thức của các sắc pháp. Tôn giáo được hình thành tô điểm cho nó đẹp, bỏ hết qua. Hãy nhìn thẳng và nhận diện ra trong ta vốn có bổn tánh lương thiện. Tánh lương thiện không lệ thuộc vào Phật giáo, chẳng phải là độc quyền của tôn giáo này tôn giáo kia. Tánh lương thiện là phẩm chất vốn tự có của mỗi chúng sanh. Vậy đâu cần chi phải phân biệt rằng chỉ có đạo Phật hoặc tôn giáo này hoặc tôn giáo kia mới có tánh lương thiện, và đâu cần phân biệt pháp môn này pháp môn kia phải tu để đạt được tánh lương thiện. Sự lương thiện vốn có trong chúng sanh. Các tôn giáo, các pháp môn là chỉ giúp cho chúng ta như một phương tiện để có thể ứng dụng tánh lương thiện đó một cách thiện xảo để mang lại sự lợi lạc hơn cho tha nhân, để phụng hiến cho muôn người. Đây là cứu cánh mà chúng ta đi tìm cầu một phương thức, một phương tiện, một phương pháp để làm sao vận hành năng lượng lương thiện vốn có nơi ta, làm giàu phước báu đó ra để mà san sẻ cho nhau.
Hôm nay Bảo Thành chỉ muốn các bạn nhận diện ra rằng mỗi người chúng ta đều có kho báu tồn tại trong kiếp người, đó là kho báu lương thiện. Lương thiện vốn có trong trái tim của ta, nó không ở xa trên cõi Trời, nó ở trong lòng người biết sống san sẻ và yêu thương. Nhận diện được ta, mọi người, các bạn, không phân biệt tôn giáo, tông phái, tông môn, dân tộc, màu da, sắc tướng, chúng ta đồng và đều có tánh lương thiện. Đây là chân lý không ai dám chối cãi, và chân lý nói rằng mỗi người chúng ta mỗi một chúng sanh đều có tánh lương thiện đó và nhớ rằng lương thiện không độc quyền bởi một con người nào, một tôn giáo nào, một tông phái nào. Nhận diện ra được điều đó, ta dần dần phá đi được cái Ngã tướng tự cao, ta dần dần phá đi được sự phân biệt giữa tôn giáo, tông môn, những nhóm khác biệt, ta sẽ biết nhìn bằng ánh mắt bình đẳng khi đối xử với mọi chúng sanh.
Người lương thiện nhẹ cả đời,
Phúc tuy chưa tới họa thời tránh xa.
Kẻ hành ác tưởng qua loa,
Họa tuy chưa gặp, phúc đã bỏ đi.
Đúng! Cho nên chúng ta nhớ cái phúc của người làm thiện là họa đã tránh xa. Cái quả của người làm ác là phước báu chẳng còn. Cho nên phước báu vô cùng của chúng ta ở cái chỗ là nhận diện ra trong ta vốn có sự lương thiện và hãy sống lương thiện thì kho phúc báu kia luôn luôn tồn tại. Và sống lương thiện như vậy thì mọi người chúng ta sẽ có cơ hội gặp được Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền ngay trong cuộc đời này. Bởi Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền chẳng phải ở trên Niết Bàn xa xôi đâu, các Ngài hiển ngự ngay cái sự lương thiện vốn có trong ta. Các bạn muốn gặp Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền thật dễ, chỉ cần lương thiện mà thôi thì Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền hiện ra ngay trước mắt, cảm ứng được với các Ngài, gần gũi vô cùng.
Hôm nay thứ bảy Sống Trong Chánh Niệm, Bảo Thành và các bạn, chúng ta nhớ rằng nếu như chúng ta đánh mất đời sống lương thiện tức là chúng ta đánh mất đi điều quý báu nhất mà cuộc đời đã trao tặng cho chúng ta. Và chúng ta hãy nhớ: sinh ra trong cuộc đời có muôn sự khác biệt, giàu – nghèo, kiến thức – không có kiến thức, tướng hảo khác biệt, môi trường đời sống khác biệt, quốc gia khác nhau, nhưng chúng ta không khác cái tánh lương thiện. Và nhớ rằng lương thiện chính là ở trong lòng của chúng ta vốn thường có, bất diệt. Trở về sống với chính mình có nghĩa là trở về sống với tánh thiện và người sống lương thiện thì cả đời họ nhẹ nhàng, người sống lương thiện thì những cái phúc mà ta chờ đợi tưởng chừng của thế gian nó không tới nhưng muôn sự tai họa đều biến mất. Còn nếu các bạn không sống lương thiện mà sống ác, tưởng rằng không có gì đâu thì bạn hãy nhớ rằng cái họa nó chưa tới thôi nhưng phước báu của bạn đã bỏ bạn mà đi. Đời của một con người nếu thiếu phước thì khổ trăm bề, còn có phước thì muôn sự ở đời đề huề tới với ta.
Hãy sống lương thiện là một sự kêu gọi chung để làm cho thế giới hòa bình, làm cho gia đình hạnh phúc và làm cho mỗi người chúng ta sống thật với chính mình, sống hãnh diện, sống để tìm về nguồn ân điển phúc báu vô biên nơi tánh thiện vốn có, chẳng phân biệt tông môn giáo phái, chẳng phân biệt quốc gia màu da, chẳng phân biệt nghèo – hèn, kẻ trí – người thường. Không có một sự phân biệt nào hết, bởi muôn sự khác biệt ấy vẫn có một sự không khác biệt, đó là tánh lương thiện. Tập sống lương thiện và hãy sống lương thiện để cho cuộc đời được bình an và hạnh phúc là lời kêu gọi tha thiết của Bảo Thành đến với các bạn đồng tu để các bạn nhớ rằng không cần biết quá khứ một thời, quá khứ một đời, quá khứ nhiều đời của chúng ta có là gì đi nữa thì hiện kiếp này giữa chúng ta vẫn còn có tánh lương thiện. Nếu nhận ra điều đó và sống lương thiện thì quá khứ tăm tối bất thiện nhiều đời kia cũng sẽ bị hóa giải bởi năng lượng vi diệu của tánh thiện mà ta sống với. Hãy tìm về với cái tâm của chính mình để sống lương thiện trong từng giây phút.
Tánh thiện rất tốt, ông bà nói: “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, hàm ý rằng khi sinh ra ta đã có tánh thiện được lưu truyền trong ta. Cho nên tánh thiện là vốn liếng cao quý vô cùng mà ba đời Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền đều nhận ra vốn liếng đó và sống với tánh thiện đó để rồi ứng hóa tánh thiện đó mà thoát khổ, mà chuyển họa thành phước. Nếu các bạn thấy rằng cuộc đời của mình quá nhiều tai họa thì hãy sống lương thiện để chuyển họa thành phước. Nếu cuộc đời của bạn gặp quá nhiều thất bại về kinh tế thì hãy sống lương thiện để chuyển họa thành phước mà thành công trong công ăn việc làm. Nếu cuộc đời của các bạn thấy muôn sự rắc rối thất bại về tình cảm thì hãy sống lương thiện để chuyển họa thành phước, có phúc báu, sống trong tình cảm chân chánh, để sự gắn kết giữa con người và con người mình yêu thương được bền vững.
Các bạn nhìn thấy không, nếu như cuộc đời của các bạn đang gặp bệnh hoạn từ thân, những chứng bệnh nặng nguy kịch thì bạn hãy sống lương thiện đi và bạn sẽ biến họa thành phước, và phúc báu do tánh lương thiện đó sẽ chữa lành mọi vết thương của bệnh hoạn bạn đang mang. Bởi bạn có phước báu đầy đủ bạn sẽ gặp thầy gặp thuốc, bệnh hoạn sẽ được trị, bởi nghiệp duyên là một phần để tạo ra phước báu chuyển bệnh. Bạn gặp gì trong cuộc đời gọi là bất như ý, bạn gặp gì trong cuộc đời gọi là rắc rối, bạn gặp gì trong cuộc đời gọi là phiền não đau khổ thì hãy sống lương thiện, bởi lương thiện là chìa khóa mở cửa để cho chúng ta thoát ra khỏi vùng tối mà nhận diện muôn sự ở đời vẫn còn có phương pháp để ổn định lại cuộc sống. Hãy sống lương thiện để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống, bởi khi bạn sống lương thiện bạn sẽ biến họa thành phước, đời bạn sẽ đẹp, sẽ bình an, sẽ hạnh phúc. Hãy thử đi để thấy rằng cuộc đời của chúng ta vẫn như vườn hoa đang chờ mưa nắng. Hãy làm mưa và tỏa nắng của Trí Tuệ và tình yêu, nắng đó là nắng của tư lương thiện đức mỗi người vốn có, hãy sống lương thiện. Nguyện rằng các bạn hãy chú ý đến phần này, để mỗi người chúng ta trong tuần này hứa hẹn với chính lòng mình và tự nhắc rằng ta phải sống lương thiện để biến họa thành phước. Bạn nhớ rằng:
Người lương thiện nhẹ cả đời,
Phúc tuy chưa tới họa thời tránh xa.
Kẻ hành ác tưởng qua loa,
Họa tuy chưa gặp, phúc đã bỏ đi.
Nhớ câu đó để chúng ta nằm lòng rằng hãy sống lương thiện để biến họa thành phước và san sẻ phước báu đó cho tất cả mọi chúng sanh, ít nhất cũng phải là những người chúng ta yêu thương. Nguyện thứ bảy này và nguyện tuần này mọi chúng ta trở về với cội nguồn của tánh thiện và tập sống Chánh Niệm hơi thở, hòa mình vào tánh thiện để lan tỏa tình yêu thương, sống trọn vẹn một kiếp người. Hãy sống lương thiện. Mô Phật!
PHẦN GIAO LƯU:
Phật tử Bảo Nghy: Một số người quen của con họ sống lương thiện nhưng vẫn gặp trắc trở liên tục trong cuộc sống. Tuy biết có thể do nghiệp duyên nhiều đời trước trổ quả đến nhưng cảm giác rất bất an trong lòng. Vậy trong những trường hợp đó chúng con nên quán chiếu như thế nào để được an yên và được xoa dịu hơn ạ?
Thầy Bảo Thành: Mô Phật! Thực tế trong cuộc đời, ta sống lương thiện như câu ta vừa nói phúc chưa tới thì họa đã xa. Nhưng đôi khi nó chòng chành, nó lăn tăn trong cuộc đời của chúng ta, bởi ta là người không nhận rõ, tạo ra sự hoang mang, rồi lẩm bẩm rằng trời ơi ta làm phúc, ta làm thiện mà sao chuyện này chuyện kia xảy ra. Những lúc hoang mang như vậy chứng tỏ rằng nội lực của chúng ta chưa đủ, hay nói thẳng xe của ta quá yếu có hai ngựa à, chở được có trăm kilogam à, nay ta nhất định phải nhờ vào cái xe mạnh hơn chút xíu. Trong Tam Quy Y: quy y Phật – Pháp – Tăng là ta nhận Phật làm Thầy, cái mà chúng ta cứ vỗ ngực xưng tên, không tìm đến Thầy của mình để nương vào đó cần sự giúp đỡ, lại cứ nghĩ rằng ai tu người đó hưởng chứ ai giúp mình. Đó là cách nói thường thôi để chúng ta đừng dựa dẫm. Nhưng nhớ vào những tình cảnh ta làm phúc ta làm thiện nhiều, ta sống đời sống lương thiện tốt mà nhiều chuyện xảy ra, ta không hiểu không thấu thì hãy nương vào Phật, tức là nương vào Thầy của mình. Như người con khi có chuyện gì không hiểu, chạy về hỏi: mẹ ơi, cha ơi, không biết chuyện này xảy ra sao, con không nhìn thấu. Nhất định cha mẹ sẽ hướng dẫn cho chúng ta. Rồi khi sự việc như vậy chúng ta hãy nương tức là chạy về với Phật, Phật nhất định sẽ giúp chúng ta hiểu thấu và ta sẽ hạnh phúc ngay trong cuộc đời. Và chúng ta chạy tới với Phật, với bậc Thầy của chúng ta như thế nào, Phật ở đâu? Phật ở ngay trong Chánh Niệm hơi thở.
Trải qua nhiều đời kinh nghiệm của các bậc Tổ và của riêng Bảo Thành, những sự rắc rối trong cuộc đời tới khi mình sống rất thiện. Hồi xưa Bảo Thành sống rất tốt với mọi người, nhưng cái tốt đó là theo cảm nhận của riêng mình nha, có thể người ta cảm thấy không tốt, nhưng mình thì thấy hết lòng rồi. Nhưng những người mình sống tốt thì họ đối xử với mình buồn lắm, và như vậy đâm ra mình tạo uất hận, tại sao tôi sống tốt với họ mà họ lại sống như thế? Nghe theo lời Thầy Tổ dạy, những phút mà mình lăn tăn khó có thể hiểu được, hãy chạy tới với Phật. Nhớ lại lời dạy đó, Bảo Thành trở về với Chánh Niệm hơi thở, niệm câu mật chú “Mu A Mu Sa”, rải lòng yêu thương và nói rằng “Phật ơi”. Không phải là một lời cầu nguyện văn hoa đâu, nói rất tâm tình với Phật, Phật là Thầy, mình nói đơn giản, Bảo Thành nói đơn giản. Hít vào nhẹ nhàng vài hơi cho thân tâm thoải mái, trì mật chú “Mu A Mu Sa”, mình nói với Phật rằng: “Phật ơi, con thấy buồn vì người đó con đối xử tốt mà họ đối xử với con như vậy. Nay con xin Thầy hỗ trợ cho con năng lượng của Từ Bi để con có thể trải lòng yêu thương tới những người đối xử thậm tệ với con hoặc những sự việc không như ý đang xảy ra”. Bảo Thành chỉ nói như vậy thôi và tĩnh lặng hít vào thở ra thì ngay lúc đó trong tâm tư của Bảo Thành, trong thân tâm của Bảo Thành tràn đầy năng lượng yêu thương Từ Bi phấn chấn tâm hồn. Và chính năng lượng đó làm cho não bộ thư giãn nhẹ nhàng và dần dần nhìn rõ được: à hóa ra là như vậy. Rồi tất cả mọi sự nặng nhọc trong cuộc đời nhẹ tuôn ra.
Trả lời câu hỏi cho rõ: nếu như các bạn gặp trường hợp bạn đã sống lương thiện mà nhiều chuyện xảy ra không như ý mà mình không thấu rõ, bạn hãy tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, ngồi trước bàn thờ hay ngồi trong phòng của mình, thành tâm thành kính trở về với Chánh Niệm hơi thở và nói: “Phật ơi, con quy y Ngài rồi, Ngài là Thầy của con, trong lúc này con Chánh Niệm hơi thở, con xin được đón nhận năng lượng tình thương của Ngài để con có thể trải lòng yêu thương nhìn rõ sự việc này”. Vậy thì nhất định các bạn sẽ có sự trải nghiệm cao quý, nhận được năng lượng tình thương để trải lòng, mở Trí Tuệ ra nhìn rõ và sẽ nhẹ nhẹ và thấu được. Hãy đi vào sự thực tập để có sự trải nghiệm cảm ứng với Phật trong khi cần sự giúp đỡ của Phật. Phật là Thầy, đừng nghĩ rằng Phật đã đoạn diệt, hãy trở về Chánh Niệm hơi thở quán chiếu tâm Từ Bi Mu A Mu Sa, bạn sẽ gặp được Phật trong mọi hoàn cảnh khó khăn của Chánh Niệm, từ đó thắp sáng Trí Tuệ thấu rõ những sự việc xảy ra, lòng sẽ nhẹ và hân hoan hơn để sống lương thiện mỗi ngày. Mô Phật!
Phật tử Bảo Thy: Thưa Thầy chúng con hiểu rằng bản thân mình cần cố gắng hoàn thiện để sống tốt hơn mỗi ngày, nhưng cũng vì là đang cố sống lương thiện nên trong con có sự ỷ lại rằng mình làm thiện thì nhất định sẽ gặp may mắn. Nên trong công việc con hay để mọi sự tùy duyên mà không cố bon chen để đạt được lợi ích bằng mọi giá. Con nghĩ dù kết quả như thế nào thì đó cũng là do phước duyên của mình. Liệu như vậy con có quá ỷ lại không thưa Thầy? Mô Phật!
Thầy Bảo Thành: Nếu mình làm thiện mà công việc hàng ngày mình không có tâm cầu tiến, sự cầu tiến trong công việc, trong pháp tu, trong mọi hành xử của cuộc đời, để gắn kết nhau bằng tình thương và thăng hoa đời sống của mình luôn luôn có hướng đi và sự tinh tấn, nhà Phật gọi là Chánh Tinh Tấn, chứ không phải thả thuyền xuống sông nằm đó muốn đi đâu thì đi. Ta phải minh định được hướng đi, ta phải là hoa tiêu xác minh được hướng tới của mình và dốc lòng mang tánh thiện, năng lượng Trí Tuệ và Từ Bi ra để làm cho đúng để tiến tới. Nhiều khi các bạn hiểu nhầm chữ tùy duyên, ôi thôi kệ nó chuyện gì tới thì tới. Không, tùy là tương tùy vào mọi hoàn cảnh hợp với cái duyên đó, sách tấn bản thân mình vượt qua mà thành tựu. Chứ không phải tùy duyên là ngồi đó chờ như anh Cuội ngồi gốc cây sung thôi, tùy duyên sung rụng xuống thì ăn, sung không rụng thì không ăn. Không phải. Người tùy duyên là người biết dùng Trí Tuệ quán chiếu tùy hoàn cảnh khế hợp phù hợp với nhân duyên hiện thời để thành tựu được những điều tốt đẹp nhất. Chúng ta làm phước và sống lương thiện như câu mình đã đọc là người lương thiện nhẹ cả đời, những cái phúc về đời sống tiền bạc thuận buồm xuôi gió, công ăn việc làm tuy nó chưa tới, nhưng họa đã tránh xa rồi. Khi chúng ta sống lương thiện, họa đã xa đó chính là phúc. Khi chúng ta sống ác, họa nó chưa tới mà tổn phước, đó chính là họa. Nhưng cái này ít ai để ý, sống thiện, phúc chưa tới nhưng họa đã tránh xa chúng ta, đó là đại phúc. Mà sống ác, dù họa chưa tới nhưng tổn phước báu, đó là đại họa.
Vậy nên các bạn nhớ, chữ tùy duyên ở đây là phải ứng dụng bằng Trí Tuệ và Từ Bi, tùy vào mọi hoàn cảnh, hiện trường, sự việc xảy ra để khế hợp với nhân duyên vốn có trong môi trường đó để thành tựu được những điều ước muốn thanh cao qua tánh thiện của mình. Tùy duyên không phải nằm trên thuyền thả xuống sông, muốn trôi đi đâu thì trôi. Điều đó có bên Ấn Độ người ta hay ứng dụng, người ta để trên thuyền rồi thả muốn trôi đi đâu thì trôi, người tùy duyên theo kiểu Ấn Độ đó là người đã chết. Người Ấn Độ khi chết rồi người ta bỏ lên cái thuyền đó các bạn hoặc cái bè nhỏ rồi thả xuống dòng sông Hằng tùy duyên muốn trôi đi đâu thì trôi thì đó kết thúc một cuộc đời. Nếu các bạn cứ tùy duyên theo kiểu cứ buông trôi mặc định kệ nó muốn tới đâu thì tới thì đó là bạn đã kết thúc sự tinh tấn của bạn để thành tựu được mục đích cao cả. Đã ngồi lên trên thuyền, hoặc là ngồi hoặc là nằm trên thuyền phải thực tập trở thành một nhà hoa tiêu, một tài công giỏi minh định được hướng đi và phải vượt sóng gió để tới bờ. Không thể nằm trên thuyền muốn tới đâu thì tới gọi là tùy duyên, đó là tùy duyên của sự kết thúc cuộc đời. Còn tùy duyên bằng Trí Tuệ là nhận diện được những hoàn cảnh ở đó tùy vào nhân duyên đó rồi mà tiến lên thành tựu, chứ không phải buông xuôi như xác chết trôi sông của người Ấn Độ, kết thúc một kiếp người. Mô Phật!
PHẦN HỒI HƯỚNG:
Thưa Phật, Sống Trong Chánh Niệm tâm thái nhẹ nhàng trở về với nguồn cội: hãy sống lương thiện, hạnh phúc biết bao. Đánh mất lương thiện chính là đánh mất sự quý báu nhất của đời người. Nguyện xin Chư Phật gia hộ cho chúng con để luôn giữ tánh lương thiện trong cuộc đời và sống lương thiện. Nếu công đức có tạo được chút xíu nào trong ngày hôm nay, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.