Search

Hạt Cơm Nặng Nghĩa Tình

Công Minh đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh để thân chúng sanh hết bệnh, tâm hết phiền não, tinh tấn tu học.

Mô Phật! Bảo Thành kính chào tất cả các bạn. Chúng ta đang gặp nhau trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn. Bảo Thành đã có cơ hội làm quen với các bạn thật nhiều, trong lòng vui và hạnh phúc bởi kênh youtube này là mối liên hệ giữa những con người có duyên, thích sự gợi ý để tư duy trong cuộc đời. Những bài nói chuyện ngắn ngủi của Bảo Thành dựa trên những câu chuyện chẳng thể phân tích kỹ nhưng chỉ nhẹ nhẹ bên ngoài như gợi ý cho chúng ta tư duy về một cái chủ đề nhỏ nhỏ trong cuộc sống, nhất là những bạn đang tu học về Phật pháp.

Các bạn thân mến, tất cả mọi thứ ở trên đời đều tốt đẹp. Nếu chúng ta được tặng, dù là thứ đó như thế nào, nhưng với cái lòng thành của người hiến tặng, ta nên đón nhận với tấm lòng biết ơn bởi tấm lòng hiến tặng cao quý đó rất tuyệt vời. Đừng phân biệt giữa tốt xấu, phù hợp với không phù hợp, cái ta cần hay không cần. Chỉ cần rằng sự cúng dường đó là do tấm lòng cao quý của người cúng dường, người hiến tặng, chúng ta nhận với tấm lòng đó. Trong con đường tu Đức Phật dạy lại cho các đệ tử thì sự cúng dường là do chân tâm của đàn na tín thí thì nhận cúng dường cũng phải bằng cái tâm của mình.

Thuở Đức Phật tại tiền, có một lần Đức Phật ở trong khu rừng đó và hàng đệ tử của Phật có ông A Nan và một số tăng thân cùng đi khất thực bởi giờ đó là giờ trưa sắp thọ thực. Các bạn biết không, trong làng đó, có một cặp vợ chồng nghèo, nghèo xơ xác, nghèo tận số, nghèo không nói được các bạn ơi. Nghèo đến mức mà hai vợ chồng chỉ có một bộ quần áo không dám mặc, chỉ lấy lá cây che thân mà thôi, bộ quần áo đó phải để dành cho đến đụng chuyện mới dám mặc, nghèo không có nhà phải chui vào hang núi để ở, nghèo không có đất để trồng cây, nghèo phải đi tuốt lúa, nghèo phải đi bòn mót những cái dư của ruộng người về ăn, nghèo phải đi ăn xin, có một bộ quần áo cất thật là kĩ. Ông chồng thấy cảnh nghèo của gia đình nghe đâu lời Phật dạy sự cúng dường trong kiếp nghèo này, nếu thành tâm, kiếp sau sẽ giàu có. Cho nên phát tâm muốn cúng dường Đức Phật, cúng dường Tam Bảo, nhưng tìm đâu cũng không có gì quý giá để cúng. Cuối cùng ông chồng mới nói với vợ rằng, vợ à nhà ta có bộ quần áo, đó là cái quý nhất của nhà ta, hay là ta hãy mang cúng dường cho tăng đoàn đi để có được phước báu, bớt khỏi cảnh nghèo này trong kiếp này hoặc có thể kiếp sau. Hai vợ chồng cuối cùng đồng ý và khi tăng đoàn đi ngang qua thì họ liền thành kính cúng dường bộ quần áo đó.

Khi ông A Nan nhận được, liền mang về bạch Phật: “Thưa Đức Phật, có một cặp vợ chồng cúng dường bộ quần áo nhưng quần áo này là quần áo của thế gian, không phải y áo của tăng đoàn, chẳng thể dùng cho chúng ta được, thôi để con bỏ bộ quần áo này đi”. Chư Phật nói: “Không được, không được, đó là sự cao quý nhất của cặp vợ chồng đó cúng dường cho con, thôi hãy để Như Lai mặc bộ quần áo đó, con hãy mang bộ quần áo đó đi ra sông mà rửa cho sạch để mang về đây may thành bộ cà sa cho ta mặc”. Khi ông A Nan và Mục Kiền Liên mang bộ quần áo đó ra sông giặt, thì sóng cuồn cuộn dâng lên, mưa bão ầm ầm kéo tới, sợ hãi vô vùng, ông Mục Kiền Liên liền dùng thần thông để ngăn chặn nhưng không thể ngăn chặn được. Ông A Nan chạy về bạch với Phật: “Tụi con tính rửa thì hiện tượng đó xảy ra bão tố ầm ầm”. Phật nói: “Không sao, Phật lấy một hạt cơm trong bình bát của mình và nói A Nan hãy mang hạt cơm này thả xuống dòng sông, mưa bão sẽ yên, sóng sẽ ngừng rồi con giặt quần áo cho ta. Ông A Nan và Ngài Mục Kiền Liên cũng chẳng có tin mấy đâu, nhưng bởi vì thầy mình dặn dò nên mang hạt cơm đó mang thả xuống sông. Ngay tức khắc khi hạt cơm thả xuống thì sóng yên, biển lặng chẳng còn bão tố, hai ông ngạc nhiên vô cùng, giặt xong bộ quần áo mang về và bạch Phật: “Thưa Phật, hiện tượng đó là sao?. Phật mới nói: “Này A Nan và Mục Kiền Liên, ông có thần thông mà chẳng ngừng được là bởi vì Long Vương ở đó hoan hỉ vô cùng khi gia đình kia nghèo khổ mà biết cúng dường cái cao quý nhất là bộ quần áo cho ta, cho tăng đoàn. Long Vương hoan hỉ nên tạo mưa, tạo gió như một niềm hạnh phúc vô biên. Nhưng khi ngươi đặt hạt cơm đó xuống nước thì hạt cơm của đàn na tín thí cúng dường, nó nặng ân nghĩa như vậy nên nó làm giảm bớt sự sóng gió và bão tố, Long Vương phải chùn mình ngược lại, suy ngẫm về niềm vui quá khích của mình nên sóng gió bão tố đều hết.

Các con, hạt cơm của đàn na tín thí, chỉ một hột cơm thôi đã nặng tình nặng nghĩa, nặng ân đức như vậy rồi, huống hồ chi là một bộ quần áo của một người nghèo, tìm hoài không thấy, chỉ có cái cao quý nhất cúng dường Như Lai. Cao quý vô cùng, đừng bỏ đi bởi đó là công đức cúng dường của đàn na tín thí. Hãy nhìn và quán chiếu kĩ để đưa nó vào đúng chỗ của tăng thân nha con”. Câu nói đó làm cho ông A Nan và Mục Kiền Liên cảm động vô cùng.

Các bạn thân mến, trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta đã nhận được biết bao nhiêu những phẩm vật hay đồ vật của bạn hữu, của người thân, người quen tặng cho chúng ta, có thể nhân dịp sinh nhật, tết, có thể ngày lễ lớn, có những cái phẩm vật hay những vật dụng được kiến tạo nằm ngoài ý muốn của ta, không để đâu được, chúng ta vội vàng từ bỏ, quăng đi. Đối với nhà Phật, tất cả sự cúng dường của đàn na tín thí được đặt nặng bằng tâm thành kính, khi một người có tâm, dù họ nghèo, họ giàu, dù là họ hoàn cảnh nào đi nữa, tất cả những phẩm vật không được so sánh bởi cái giá trị đồng tiền lớn nhỏ mà được cân đong đo bằng cái tâm, tâm chân thành, tình cảm con người đối xử với nhau. Do đó, chúng ta khi đón nhận một điều gì của một ai đó tặng cho chúng ta, chúng ta nhớ nhìn thật là kĩ coi cái dụng của nó như thế nào mà ứng dụng cho phù hợp, đừng vội gạt ra ngoài cuộc đời bởi giá trị tầm thường của nó. Họ thương chúng ta, họ quý trọng chúng ta, tâm họ kính mến ta, họ mới trao tặng chúng ta. Dù chỉ là một hạt cơm, như Đức Phật nói, hạt cơm của đàn na tín thí của bá gia bá tánh cúng dường nuôi thân chư Phật, nó nặng ngàn cân, nó nặng tới mức mà Long Vương phải chưng hửng, đứng im, không nhúc nhích để bão tố và mưa sa phải ngừng lại, huống hồ chi bộ quần áo.

Đó là nói về điều đó đơn giản của một phẩm vật. Phẩm vật cao quý nhất mà cha mẹ tặng cho chúng ta là thân xác làm người các bạn ơi. Đó là sự cao quý vô cùng, cao quý vô cùng. Một bộ quần áo thôi mà Long Vương đã phải nổi sóng vì vui mừng cái hạnh cúng dường đó, huống chi thân mạng mà cha mẹ đã cho ta, cha mẹ đã trao cho ta. Ôi Long Vương, quỷ thần đều phải chấn động tâm linh, bởi trên đời này, ai cho thân xác làm người, ai cho ta được kiếp nhân sinh, chỉ có cha mẹ mà thôi, một báu vật vô giá. Một hạt cơm còn ân nghĩa nặng như vậy, một thân người được làm người phước báu và ân nghĩa đó lớn và nặng hơn cả Thái Sơn các bạn. Các bạn nhớ, các bạn nhớ cái áo mà người nghèo kia tặng đã thành một phần của chiếc cà sa Như Lai đắp lên người, thân xác của các bạn là máu huyết của cha mẹ, là tình yêu của cha mẹ, là tất cả những gì mà cha mẹ đã cho, các bạn phải trân quý và mặc cuộc đời này bằng những cái tâm cao quý, thành kính, hiếu đạo với cha mẹ nha các bạn. Đừng vội vàng như ông A Nan thấy bộ quần áo không hợp với tăng thì liền có ý muốn bỏ đi, đừng vội vàng nhìn vào những gì thuộc về ta. Ôi cha mẹ sinh ra ta như vầy, cha mẹ sinh ra ta như kia, để rồi chúng ta vội vàng có những ý tưởng xấu về cha mẹ khi sinh ra làm người trong những hoàn cảnh về thân tướng, về môi trường về sự học. Dù là hoàn cảnh nào đi nữa, đó cũng là tinh túy, máu huyết, tình yêu của cha mẹ tạo nên, cái công khó nhọc của tình yêu, cái công khó nhọc của công lao làm việc, nuôi nấng, dưỡng dục cao quý vô cùng, các bạn hãy nhớ điều đó để chúng ta luôn luôn kính trọng. Và các bạn hãy lấy cuộc đời này, đắp lên cuộc đời này bằng cái tâm thành kính, tri ân công đức của cha mẹ, những bậc đã cho ta cả cuộc đời này. Cuộc đời này cao quý vô cùng, và chúng ta hãy thương lấy bản thân của mình. Hãy cố gắng nâng niu và đưa bản thân của mình hướng tới điều cao quý nhất để nâng cao phẩm giá mà cha mẹ đã ban tặng cho chúng ta qua thân kiếp làm người. Hãy sống thật xứng đáng. Một hạt cơm còn ân nặng nghĩa tình, một bộ quần áo còn làm cho Long Vương phải vui mừng nhảy múa, thì một cuộc đời được đi vào kiếp người này còn cao quý đến bao nhiêu nữa.

Thế Tôn dạy cho chúng ta thân mạng làm người, phương tiện vi diệu thật là hiếm và khó có được thân người, cho nên khi các bạn đã có được phẩm vật mang thân làm người do tình yêu và máu huyết của cha mẹ hiến tặng cho chúng ta, chúng ta phải coi trọng, bảo vệ nó trong chánh tâm, chánh pháp của Như Lai, trong hơi thở chánh niệm để biến cuộc đời này, tình yêu của cha mẹ hiện diện trong cuộc đời này toả sáng, toả hương mà làm cho muôn người được tươi mát. Hãy sống chân thành, hãy sống với tâm thành kính, hãy biết tri ân cuộc đời bởi cuộc đời của ta là phẩm vật cao quý nhất mà cha mẹ đã trao tặng cho ta.

Cảm ơn các bạn đã nghe Bảo Thành gợi ý với cái phẩm vật vô giá. Cuộc đời của mỗi người là phẩm vật vô giá.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn