Dạ thưa thầy, khi chúng ta làm công quả, làm từ thiện là xuất phát từ tâm Từ Bi của mình, mình thấy mình quan tâm mình chia sẻ khó khăn với cộng đồng, với tập thể. Thì tại sao lại nói rằng ta làm thì ta có phước, còn không làm thì không có phước, có làm có hưởng, không làm không hưởng. Như vậy có phải làm xuất phát từ tâm Từ Bi không hay làm vì lợi ích cá nhân. Xin Thầy khai thị giúp con, làm thế nào để chúng ta làm từ thiện không vướng vào phước, không chấp vào phước, mà phải làm từ thiện xuất phát từ tâm Từ Bi của mình? Con xin Thầy khai thị ạ.
Trong cuộc sống và ở đời ta muốn bước một bước lên tới trời cho nên chúng ta mới đi sâu quá và các Bậc Tôn Túc cũng giảng. Rồi chúng ta chưa ở trình đó đã vội vàng gọi là bố thí Ba La Mật tức là không thấy người ta bố thí, không thấy người thí và cũng không thấy vật thí, đi tới trạng thái tâm như vậy vô sở đắc, vô chứng đắc tức là nói cao hơn rồi. Xét lại phần mình, cần xét lại ta, ta là Phật tử tại gia bận rộn lắm. Ta làm bù đầu ngược xuôi và trong cuộc sống dạy cho chúng ta cố gắng học để có kiến thức để có được những điều ta mong muốn. Bất cứ một việc gì chúng ta làm cũng đều phải nhìn thấy hành động làm việc đó phải tạo thành kết quả. Lúc đầu Đức Phật dạy và mãi mãi Đức Phật dạy cho chúng sanh phải thấy được đau khổ thì mới nhìn ra được Niết Bàn. Chứ Phật không phủ nhận không đau khổ, không Niết Bàn, đó là những Bậc cao lắm rồi, ta không nói tới. Phải thấy được sự chuyển hóa đau khổ là đạt được Niết Bàn. Phải thấy được ăn là no bụng, uống là hết khát nước, phải thấy được làm việc này kết quả như thế nào. Lợp mái nhà phải thấy kết quả không bị mưa nó dột vào, làm nhà cho nó kín có cửa đàng hoàng biết rằng nó ấm áp. Rửa chén thật sạch biết rằng ăn cơm sẽ ngon.
Phải biết, phải thấy các bạn ơi. Các bạn làm việc công quả ở trong chùa phải thấy được rằng việc công quả này phải có động lực từ tâm Từ Bi và hạnh làm công quả để tạo phước. Ta phải thấy được kết quả, công quả là có phước, chưa đi tới trình độ mà chúng ta làm công quả mà không thấy phước báu. Người đã làm công quả mà không thấy phước báu thì càng phải thấy ta không làm công quả và càng phải thấy không có chỗ nào để làm công quả, đó là trình độ cao của những Bậc đi vào Thiền Định vô sở chứng, vô chứng đắc rồi. Còn chúng ta, ta phải thấy được giá trị rằng Phật dạy làm việc thiện có phước báu, làm việc ác tai họa. Hàng Phật tử tại gia của chúng ta phải phân biệt được làm thiện được phước, làm ác gây họa. Các bạn làm việc công quả ở trong chùa hoặc làm việc gọi là tình nguyện giúp đỡ xã hội đều phải thấy được hành động đó phải xuất khởi từ tâm Từ Bi, có những tư tưởng Từ Bi, lời nói ái ngữ dễ thương đưa đến hành động tình nguyện, phụng hiến cho xã hội hoặc là công quả ở trong chùa, ở ngoài. Phải thấy được như vậy để ta cẩn trọng rằng rõ ràng phải có phương pháp làm sao cho có được kết quả là phước báu. Nếu các bạn làm với tâm tưởng Từ Bi, ái ngữ, ngôn ngữ dễ thương, hành vi thật là đẹp thì sự công quả đó mới tạo thành phước. Cũng hành động trong nhà chùa nấu cơm mà tâm tưởng đố kỵ, bon chen, “ui, người đó mà làm gì, tôi mới giỏi nè”, rồi hiềm khích, chê bai, phân rẽ nhóm này, nhóm kia. Cũng là hành vi nấu cơm, rửa chén, ở trong nhà bếp nấu nướng phục vụ, nhưng tư tưởng không phải là công quả, mà tư tưởng bon chen, dèm pha thì không được phước.
Cho nên chúng ta phải thấy thật rõ, cũng hành động đó được gọi là, nhưng phải đi từ cái tâm như thế nào mới có kết quả là phước. Không thì hành động gọi là công quả nhưng lại tạo ra họa. Bạn thấy tất cả các nhà bếp trong chùa tai họa nhiều lắm, bởi nhiều Phật tử tới làm công quả Ma cũ bắt nạt Ma mới, tức là người tới trước thì không thích người tới sau. Cho nên bắt đầu chỉ trỏ sai khiến thế là xì xầm, xì xầm, càm ràm, càm ràm. Cũng nghĩa cử, cũng hành động phụ nhà bếp nhưng tạo ra nghiệp. Phải nhận định thật rõ tôi làm công quả sẽ tạo ra phước và với sự tạo ra phước đó tâm thái phải sắp xếp như thế nào, phải hành động như thế nào. Do đó, khi một hành động phụ giúp trong nhà bếp, hoặc trồng cây, hoặc giúp đỡ nhà chùa, làm bất cứ một việc to, việc nhỏ gì để tạo ra phước cần phải đồng bộ với tâm Từ − Bi − Hỷ − Xả và đồng bộ với ngôn ngữ ái, dễ thương, đồng bộ với những hành vi tốt đẹp.
Vô nhà chùa mình rửa chén phải nhẹ nhàng và mỉm cười đón nhận mọi người, tư tưởng tốt. Cũng là rửa chén đó, nhưng mà rửa đập bụp một cái, cũng là chặt rau mà chặt chặt chặt cho tiếng nó to lên như là chặt vào người khác, thì chúng ta không tạo được phước mà tạo ra nghiệp. Đừng nghĩ cứ làm việc, hành động trong chùa là tạo phước, không. Làm như nào mới tạo thành phước? Phải nắm thật là vững Thân − Khẩu − Ý đều phải khởi nguồn bằng Từ − Bi − Hỷ − Xả và nhận rõ lời nói, hành động, suy nghĩ như thế nào để tạo được phước để ta cẩn trọng. Còn không các bạn cứ nghĩ rằng tướng, hành động đó tạo ra phước rồi lại than “trời ơi, tôi không hiểu sao từ hồi tôi đi làm công quả mà tai họa tới quá?” Hỏi ra mới biết tại vì vô trong đó làm công quả rồi bắt đầu chanh chua, bắt đầu phân biệt, bắt đầu chia rẽ, bắt đầu tạo nhóm, bắt đầu chống kình, họa tới rõ ràng. Còn có người tới không có làm gì trong nhà bếp hết, chỉ đứng đó mỉm cười rồi như Ngài Phổ Hiền tùy hỷ cúng dường. Tùy hỷ là thấy mọi người làm công quả niệm Phật hồi hướng, hít thở Chánh Niệm chúc phúc cho những người đó. Vậy mà họ tạo ra thật là nhiều phước dù chẳng làm gì, chỉ tùy hỷ những người đang làm công quả mà hồi hướng cúng dường Chánh Niệm hơi thở. Còn những người làm lăng xăng mà tâm bất tịnh chẳng tạo ra được phước.
Trong kinh Pháp Cú, tâm của chúng ta làm chủ mọi tạo tác. Với tâm ý thanh tịnh, thì nói lên hay hành động sẽ tạo ra phước như hình liền với bóng. Còn với tâm ý bất tịnh, nói lên hay hành động sẽ tạo ra tai họa bởi nghiệp mà như con vật kéo theo xe, tức là kéo theo cả một xe nặng. Cho nên vấn đề làm công quả phải từ tâm ý thanh tịnh, hiểu tâm ý thanh tịnh tạo ra phước, tâm ý bất tịnh tạo ra nghiệp và tai họa. Để chúng ta cẩn trọng khi làm công quả. Cho nên những cách nói của bạn đó là cách nói đổ thừa, của những người đi làm công quả mà chẳng giữ tâm ý thanh tịnh, hoặc là có tâm phân biệt, nói rằng đi làm công quả mà muốn có phước, họ cứ dèm pha, chê bai thôi. Ta là Phật tử phước báu ít, nhất định phải thấy được mục tiêu rõ trong những bước đầu học Phật, là ta công quả bằng tâm ý thanh tịnh sẽ tạo được phước, và nắm vững kỹ năng tạo ra phước cho ta. Làm cho đúng ta được phước, làm sai ta được họa cũng cùng một hành động. Làm đúng tâm ý thanh tịnh, hành động đó tâm ý thanh tịnh tạo thành phước. Hành động đó tâm ý bất tịnh tạo thành họa. Nắm vững và rõ quy trình kỹ năng này để thực tập. Rồi nếu có dư phước thì ta hồi hướng cho người khác, hồi hướng cho chúng sanh. Còn không ít nhất ta cũng hưởng được phước báu đó. Cần phải có cái nhìn thật rõ để tự sách tấn mình làm công quả bằng tâm ý thanh tịnh.
Tham vấn Phật pháp 4, https://youtu.be/lGeAnQiODqQ