Search

H002. Hành Mật Thiền Tiếp Nhận Năng Lượng – Chánh Niệm Hơi Thở nhận năng lượng ngay trong hiện tại

Bảo Ngân đánh máy

https://youtube.com/live/4e8QW7wRCs0

Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý sư cô và các bạn đồng tu. Hôm nay, chúng ta ở trên Facebook, YouTube và Zoom hành Mật Thiền Chánh Niệm hơi thở, tiếp nhận năng lượng buổi thứ 2. Chúng ta hãy trở về với sự yên lặng của tâm. Ngồi xuống theo tư thế phù hợp, có thể là kiết già, bán già hoặc một tư thế nào đó rất phù hợp với cơ thể của chúng ta. Buông lỏng toàn thân, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, thả xuống thật nhẹ nhàng.

Mật Thiền hơi thở Chánh niệm quán chiếu tâm Từ Bi là một phương tiện rất hữu dụng đối với những ai cho mình một cơ hội thực tập để gieo trồng nhân duyên trở về với chính nội tâm vi diệu vốn có ở chúng ta, gắn kết với vũ trụ, liên lạc mật thiết với các bậc có cái tâm Tỉnh Giác, Trí Tuệ để kích hoạt năng lượng nội tại, tiếp nhận năng lượng giao thoa cùng với trời đất, vũ trụ. Sự hành Mật Thiền không nằm ở trong vòng tròn quy hoạch của tôn giáo, của tông môn, mà là một sự trở về với thế giới thiên nhiên tự tại nơi ta dung thông cùng với vũ trụ, không phân rẽ, chia đôi. Thiền quán chiếu theo Chánh niệm hơi thở để trinh thám và tìm hiểu những điều vốn có trong ta mà xưa đến giờ ta ít có cơ hội kích hoạt, nuôi dưỡng, ứng dụng vào đời thường. Những điều chưa biết ấy gọi là “Mật”. Còn thiền quán chiếu là khơi dậy để nhìn rõ những điều ta chưa biết. Với định nghĩa đơn giản: “Mật Thiền”, chúng ta cùng nhau có cơ hội trở về, khám phá chính bản thân của mình, tìm ra những điều cao quý hơn còn ở trong ấy mà ta chưa bao giờ khai thác cái tiềm năng vi diệu ứng dụng vào đời, cùng đồng hành trên con đường tu luyện không có một chút may may phân biệt, giữ tâm thanh tịnh, trở về đón nhận chính bản thân của mình, gắn kết và giao thoa với vũ trụ, với năng lượng của trời đất, của tất cả thế giới chung quanh chúng ta đang sống chung. Ngõ hầu, năng lượng đó lan tỏa ra và được dẫn dắt một cách có chủ đích trong sự tác ý với tâm thanh tịnh một cách thật cao thượng, thanh cao, để đời đẹp, để thân được khỏe, để tinh thần được trong sáng. Đây chính là cái mục đích, là tôn chỉ, là điều chúng ta tu luyện cùng với nhau.

Sự hành trì của Mật Thiền là một phương tiện thật khéo, thật dễ và ai trong chúng ta cũng đều có khả năng đón nhận được năng lượng ngay trong hiện tại, tiếp nhận được năng lượng ngay trong hiện tại. Và với Chánh niệm của hơi thở khởi tâm Từ Bi quán chiếu theo đúng phương pháp để chúng ta có thể dẫn dắt được năng lượng thanh tịnh kia đi vào trong tâm tưởng, đi vào trong sự sinh hoạt của những tương tác hằng ngày, đi vào sự ứng xử của ngôn ngữ để tư tưởng, lời nói và hành vi của chúng ta giao thoa, liên kết chặt chẽ với năng lượng thanh tịnh Từ Bi, năng lượng tình thương, mang lại lợi ích cho chính mình và những người xung quanh. Sự tu tập Mật Thiền là một sự trải nghiệm rất thực tế, các bạn và Bảo Thành ngay trong lúc này trong phòng Zoom, trên YouTube, trên Facebook cho mình một khoảnh khắc yên tĩnh để nuôi dưỡng và tiếp nhận năng lượng thì nhất định chúng ta sẽ có một sự trải nghiệm tuyệt vời.

Khi tiếp nhận năng lượng, thân của các bạn sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng thanh tịnh, năng lượng Từ Bi ấm áp lan tỏa khắp châu thân theo sự quán chiếu của những bước vận hành Chánh niệm hơi thở. Năng lượng đó sẽ khởi lên sự hoan hỉ nơi tâm của các bạn. Năng lượng khi tiếp nhận được có nhiều dấu hiệu xảy ra khi tương tác với cái thân, tâm của chúng ta, được thể hiện qua những hình thức như sự cảm nhận năng lượng, sự cảm nhận năng lượng phát quang qua những màu sắc khác nhau, sự cảm nhận năng lượng qua những âm thanh mà nội tâm các bạn nghe được, cảm nhận năng lượng qua những sắc tướng mà tâm bạn có thể nhận ra. Nhưng dưới tất cả mọi sự cảm nhận như vậy, các bạn vẫn tiếp tục giữ cái trạng thái theo dõi hơi thở của mình và dùng tâm quán chiếu chúng. Như vậy, năng lượng sẽ được sàng lọc, chuyển hóa vào cái độ sâu của nội tâm để các bạn và Bảo Thành kích hoạt được những cái tiềm năng tàng ẩn nơi mỗi một con người chúng ta.

Trong hơi thở của Mật Thiền, khi hít vào, chúng ta hít vào bằng mũi và đưa xuống thật sâu dưới đan điền khí hải dưới bụng, dưới rốn, rồi từ từ hóp bụng vào, thở ra bằng miệng rất chậm. Hít vào và thở ra chậm rãi như con rùa, không vội vàng, không gấp gáp, rất chậm, phù hợp với tạng thể của cơ thể của mỗi người chúng ta. Nhớ là ngồi buông lỏng khớp xương hông, buông lỏng toàn thân, tọa cho vững phần trên thân, cứ nhè nhẹ cảm nhận năng lượng. Tâm của chúng ta trong Mật Thiền được đưa trở về giữa ấn đường, tức là giữa hai cái chân mày giao nhau. Và khi chúng ta hít vào, tâm của chúng ta từ ấn đường này nhìn xuống cái bụng của mình, ở dưới rốn. Bụng ta được quán chiếu như biển trời mênh mông vô tận. Còn ấn đường của chúng ta – cái tâm ngự ở đây như mặt trời Trí Tuệ. Dùng tâm Trí Tuệ này, khi hít vào, nhìn xuống dưới bụng theo hơi thở, và khi thở ra bụng của ta như đại dương yêu thương Từ Bi mênh mông vô tận, được mặt trời Trí Tuệ từ ấn đường giữa hai chân mày tỏa sáng, soi dẫn, sưởi ấm. Đại dương Từ Bi đó từ từ lan tỏa ra theo hơi thở ra từ miệng. Cứ như vậy ta quán chiếu, chỉ trong một hơi thở nếu các bạn làm cho đúng, cứ chậm rãi, Bảo Thành và các bạn sẽ cảm nhận được một sự trải nghiệm năng lượng lan tỏa toàn châu thân từ dưới rốn của chúng ta. Đại dương của biển Từ Bi được sưởi ấm từ mặt trời Trí Tuệ từ ấn đường soi dẫn, lan tỏa xuống ở dưới phần chân của chúng ta và dâng lên trên đảnh đầu, toàn thân đều rung chấn, và bạn có cơ hội cảm nhận năng lượng. Khi cảm nhận năng lượng, các bạn cứ tự tại, giữ tâm thanh tịnh, hít thở đều đặn. Đừng vướng bận vào những hiện tượng xảy ra, tiếp tục trở về với Chánh niệm theo dõi hơi thở và cảm nhận năng lượng lan tỏa. Đây là sự đồng tu, mọi hướng dẫn rất cặn kẽ và từ từ, mọi sự thực tập không vội vàng.

Sau khi chúng ta thực hành rồi sẽ chia sẻ cảm nhận của mình và đặt những câu hỏi để hiểu thấu hơn cách hành qua Chánh niệm hơi thở và quán chiếu tâm Từ Bi. Chúng ta hãy bắt đầu thực hiện. Đầu tiên là hít thở tự do nhẹ nhàng bảy hơi. Sau đó chúng ta sẽ hít thở bảy hơi quán chiếu và sẽ ngồi lặng yên đón nhận, tiếp nhận năng lượng trong vòng năm phút. Các bạn hãy bắt đầu.

[PHẦN HÍT THỞ TỰ DO – 7 hơi thở]

Chúng ta đưa tâm về ấn đường, điểm giao giữa hai chân mày của mình, hít vào bằng mũi một cách rất từ từ và phình bụng ra. Thở từ từ, hóp bụng vào. Chúng ta lại tiếp tục hít vào, phình bụng, thở từ từ hóp bụng. Chúng ta hít vào phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào. Chúng ta hít vào phình bụng, thở từ từ hóp bụng…. (tiếp tục cho đủ 7 hơi thở).

[PHẦN VẬN KHÍ 7 HƠI]

Bảy hơi vận khí nhẹ nhàng đã xong. Giờ đây chúng ta vận khí bảy hơi nữa. Dụng tâm từ ấn đường nhìn xuống biển Từ Bi ở dưới bụng khi hít vào.

Tâm từ ấn đường theo dõi hơi thở bằng tánh biết dần đi sâu xuống biển Từ Bi dưới bụng, hít vào. Dùng tâm nhìn bụng biển Từ Bi, thở ra năng lượng Từ Bi lan tỏa khắp châu thân.

Tâm từ ấn đường nhìn xuống biển Từ Bi là bụng, hít vào phình bụng ra. Tâm từ ấn đường nhìn xuống biển Từ Bi là bụng thở ra, hóp vào, lan toả với vũ trụ.

Tâm từ ấn đường nhìn xuống biển Từ Bi dưới bụng, hít vào phình bụng ra. Tâm từ ấn đường nhìn xuống dưới bụng, thở ra hóp bụng vào, lan tỏa năng lượng và tiếp nhận Từ Bi.

Tâm từ ấn đường nhìn xuống biển Từ Bi dưới bụng, hít vào phình bụng. Tâm từ ấn đường nhìn xuống biển Từ Bi dưới bụng, hóp bụng vào, thở ra, tiếp nhận và lan tỏa năng lượng.

Tâm từ ấn đường nhìn xuống biển Từ Bi, hít vào, phình bụng ra. Tâm từ ấn đường nhìn xuống biển Từ Bi dưới bụng, thở ra hóp bụng vào, tiếp nhận và lan tỏa năng lượng yêu thương.

Tâm từ ấn đường nhìn xuống dưới bụng, hít vào phình bụng ra. Tâm từ ấn đường nhìn xuống biển Từ Bi dưới bụng, hóp bụng vào, thở ra, tiếp nhận và lan tỏa yêu thương.

Tâm từ ấn đường nhìn xuống biển Từ Bi dưới bụng, hít vào phình bụng. Tâm từ ấn đường nhìn xuống biển Từ Bi dưới bụng, hóp bụng vào, thở ra, tiếp nhận và lan tỏa năng lượng yêu thương.

[PHẦN CẢM NHẬN NĂNG LƯỢNG – 5 phút]

Và giờ đây chúng ta hít thở rất bình thường. Chỉ dụng tâm từ ấn đường như mặt trời chiếu và soi xuống mặt đại dương Từ Bi ở dưới bụng. Hít thở bình thường chậm rãi vào ra, hóp bụng, phình bụng, và chỉ dùng tâm từ ấn đường nhìn xuống biển Từ Bi dưới bụng tiếp nhận, lan tỏa và trải nghiệm phát hiện năng lượng khắp châu thân và tâm của mình trong vòng năm phút. Chúng ta bắt đầu thực hành.

Chúng ta hít vào từ từ, thở ra, mang năng lượng yêu thương tiếp nhận được lan tỏa, gắn kết tới những người trong gia đình như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân, các bạn đồng tu, môi trường sống và cả vũ trụ này. Hít vào thật nhẹ, lan tỏa, gắn kết với tất cả. Lấy yêu thương lan tỏa ra. Một hơi nữa hít vào, thở từ từ, lan tỏa, tiếp nhận, gắn kết với nhau.

Chúng ta hãy buông lỏng toàn thân trở về trạng thái bình thường. Vẫn tiếp tục dùng tâm nơi ấn đường nhìn khắp châu thân của mình, trải nghiệm, tiếp nhận và lan tỏa năng lượng. Hãy tiếp tục như vậy.

Buổi thực tập của chúng ta thật ngắn gọn trong năm phút, tiếp nhận năng lượng, gắn kết, hòa mình vào với vũ trụ. Không một chút nào phân biệt giữa các sự suy nghĩ, giữa các tôn giáo, tông môn. Chỉ hòa mình vào với vũ trụ, với đại dương yêu thương mênh mông vô tận được sưởi ấm bởi mặt trời Trí Tuệ tâm thức của chính mình, hòa vào với nhau như từng tia nắng phát ra từ mặt trời. Và lúc này là lúc các bạn theo cảm nhận của mình chia sẻ, san sẻ coi trong sự thực tập hôm nay các bạn tiếp nhận được năng lượng như thế nào, hoặc có điều gì chúng ta cần hỏi để làm sáng tỏ sự thực tập này cùng với nhau.

[PHẦN CHIA SẺ VÀ GIẢI ĐÁP THẮC MẮC]

[Bảo Hỷ]: Thưa thầy, hôm nay con ngồi trong phòng lạnh nhưng con lại cảm nhận được năng lượng rất nhiều, nóng toát mồ hôi. Cái năng lượng cảm nhận được nhiều như thế thì có tốt hay không ạ?

[Thầy]: Năng lượng tiếp nhận qua hai trạng thái: nóng và lạnh, âm và dương. Chúng ta khi bế tắc các huyệt đạo, cơ thể nhức mỏi, từ ngàn xưa rồi, người ta sử dụng những vật ở bên ngoài để kích hoạt các huyệt đạo được khai mở, như phương pháp xông hơi của người Việt mình, xông bằng lá tre, lá khoai lang hoặc các dược thảo. Người phương Tây, từ ngàn xưa cũng biết xông hơi bằng dầu hoặc kích hoạt như giác cảm, châm cứu để cái năng lượng nóng nó luân chuyển trong thân, giúp cho thân khỏe.

Chúng ta tu để tiếp nhận năng lượng tình yêu Từ Bi của vũ trụ, của trời đất và gắn kết giao thoa với nhau. Khi mỗi một người thực tập tu, như chị Hà cảm nhận được năng lượng dù ngồi trong phòng lạnh nhưng vẫn thấy rất nóng, đó là dấu hiệu tốt. Bởi năng lượng của cơ thể, khi tiếp nhận được năng lượng của vũ trụ, hòa quyện vào với nhau theo luồng khí âm dương vận hành, kích hoạt tăng trưởng cái hơi ấm, làm sống lại và gắn kết các tế bào trong cơ thể. Điều này là điều rất tốt. Không có trở ngại.

Nếu xảy ra như vậy, ta tiếp tục vẫn dùng tâm ấn đường theo dõi. Tâm ở ấn đường tượng trưng cho mặt trời, biển Từ Bi ở dưới bụng tượng trưng cho đại hải, cho nước. Mặt trời và nước giao thoa, năng lượng được liên kết và sự sống được trỗi dậy khắp châu thân. Ta chỉ cần có sự trải nghiệm năng lượng như vậy, tiếp tục theo hơi thở quán chiếu và theo dõi. Và đừng để những cái cảm xúc, cái cảm giác đó nó dẫn dắt ta khởi lên những suy nghĩ lung tung. Khi nếu như có suy nghĩ xen vào để phân biệt, để phân loại, ta hãy trở về với Chánh niệm của hơi thở, nghĩa là hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, dùng tâm từ ấn đường tiếp tục nhìn xuống cái biển Từ Bi dưới bụng. Cái cách như vậy, dùng cái phương thức như thế, dùng tâm làm đề mục, tâm sẽ được điều chỉnh trở về và không bị những cái cảm xúc phân biệt, đối đãi của ta dẫn dắt đi sai. Mô Phật!

[Tâm Tâm]: Hôm nay, con thiền thì con thấy năng lượng xuống rất là nhiều và nóng ở thắt lưng như là một nhóm lửa ở ngay đó và lan tỏa ra khắp mọi nơi. Rồi đến một lúc, người con lắc rất nhiều, cổ con lắc rất nhiều và con nghe thấy tiếng lắc rất mạnh. Một lúc sau, con nghe thấy một sự nức nở nó trỗi dậy trong người con. Và con cảm giác nó không ổn, con không muốn cho điều đó xảy ra nên con bắt đầu tập trung hít thở trở lại. Thì con không biết lúc đó con nên để cho cảm xúc đó nó tự nhiên trào ra hay là mình không để điều đó xảy ra ạ?

[Thầy]: Bảo Thành đang ngồi ở chùa tổ đình Xã Lợi ở Mỹ. Đây là cuối mùa thu, sắp vào mùa đông rất lạnh, phải bật máy sưởi. Đôi khi các bạn cũng nghe những cái tiếng kêu khi máy sưởi bắt đầu nó chạy. Nhiệt độ xuống, máy được điều chỉnh một cách tự động giữ đúng độ ấm. Cho nên khi nhiệt độ xuống, nó bật lên, ta nghe nó kêu, hơi nóng bắt đầu chạy trong các ống dẫn hơi để hơi ấm tỏa ra khắp chùa. Những cái hiện tượng kêu, co giãn khi máy sưởi chạy là bình thường. Người Việt Nam không quen, qua bên này, thấy cái sự co giãn nhà cửa thì cho rằng có những điều lạ, họ sợ. Và nhiều khi cứ nghe cọt kẹt thì tưởng là ma. Nhưng sự giãn nở của vật chất khi năng lượng tác động vào là điều hiển nhiên, ngày nay khoa học đã chứng minh.

Từ thắt lưng thuộc vùng thận của chúng ta, năng lượng ấm và sưởi ấm hai cái trái thận, chúng ta sẽ giữ được sức khỏe của mình. Năng lượng có sự thông minh riêng của chúng và biết vận hành như thế nào để giúp cho sức khỏe của cơ thể chúng ta được bình thường, bình ổn. Khi phát hiện được hơi ấm từ vùng thắt lưng, tức là vùng thận, lan tỏa khắp châu thân và như ở cổ họng có tiếng nức nở, không nên kiềm chế, không nên sợ hãi, cứ để những cái hiện tượng xảy ra. Rất là bình thường. Và dùng tâm từ ấn đường tiếp tục nhìn xuống biển Từ Bi dưới bụng, trở về với đề mục của hơi thở, hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng để cơ thể của ta, để tâm của ta vẫn tiếp tục trải nghiệm những cái cảm xúc, những cái cảm giác. Mà không nên chen vào để tự mình trở thành người đạo diễn, cắt đứt cái vai trò của hiện tượng đang xảy ra, hoặc khởi lên những vai trò khác mình yêu thích. Trong Mật Thiền không có thích và ghét, không có chọn lựa và phân chia  gạt bỏ, chỉ tiếp nhận. Lấy mặt trời Trí Tuệ từ ấn đường, dùng tâm nhìn xuống biển Từ Bi ở dưới bụng, đề mục hít vào thở ra và nhiếp thâu toàn bộ thân tâm trong cái sự trải nghiệm. Cứ như vậy thôi. Cho nên lần sau đừng dùng tâm, đừng ngừng tâm quán chiếu biển Từ Bi trong Chánh niệm hơi thở mà nhảy qua cái vai trò điều khiển ngăn chặn như một người đạo diễn muốn diễn tuồng. Trong Chánh niệm ta chỉ nhận biết, không diễn tuồng. Nhớ điều đó. Xin cảm ơn.

[Tâm Tâm] : Khi con ở với em bé thì con thực hành tiếp nhận năng lượng như vậy có ảnh hưởng hay không? Và khi con cho em bú sữa từ mẹ thì có tác động đến em bé hay không ạ?

[Thầy]: Trong cuộc sống này dù muốn hay dù không, mọi luồng năng lượng tích cực và tiêu cực có trong vật chất, có trong vũ trụ, có trong đời sống khởi lên từ suy nghĩ tạo ra, trong lời nói tạo ra, trong hành vi tạo ra luôn giao thoa và tiêm nhiễm cho nhau. Khi giao thoa, lan tỏa ý nói đến năng lượng thanh tịnh. Tiêm nhiễm nói đến năng lượng bất tịnh. Nếu bạn có năng lượng thanh tịnh, bạn tiếp xúc với con cái trong mọi sự việc, trong mọi hành vi thì năng lượng thanh tịnh của bạn đều lan tỏa tới con cái của mình theo chiều hướng thanh tịnh. Không có gì phải lăn tăn, phải lo sợ. Chỉ giữ trạng thái cho tịch cho tĩnh, cho an nhiên tự tại, lấy đề mục của Chánh niệm của hơi thở dụng tâm từ ấn đường quán chiếu toàn thân và gắn kết với mọi người, với em bé, điều này rất tốt. Sự lan tỏa và truyền cảm hứng qua năng lượng thanh tịnh để nuôi dưỡng nhau là điều cần chú ý mỗi ngày. Mô Phật!

[Bảo Sơn]: Xin sư phụ hướng dẫn kỹ hơn về việc dùng tâm trụ tại ấn đường và quán chiếu hơi thở. Ở đây có phải mình sử dụng cái tánh giác để biết khi hít vào bụng phình ra và khi thở ra bụng hóp lại nhưng tâm luôn luôn đặt tại ấn đường đúng không ạ?

[Thầy]: Con người rất cầu kỳ như người họa sĩ, trong kinh Hoa Nghiêm nói: tâm như họa sĩ vẽ muôn màu muôn sắc. Trong sự thực tập Mật Thiền, mình phải gạt bỏ những cái danh từ thuộc Phật ngữ hoặc thuộc thiền ngữ hoặc thuộc mật ngữ như “tánh giác”. Tánh giác là cái gì? Không cần phải gượng ép xây dựng một ngôn ngữ để đặt để vào những cái hiện tượng xảy ra. Chỉ hãy nhớ rằng mang sự chú ý như mặt trời thật là sáng soi chiếu xuống cái bụng của mình được tượng trưng như biển. Mặt trời và biển là lửa và nước, hay còn gọi là hỏa và thủy, là âm và dương. Đơn giản như vậy thôi. Thật đơn giản để đừng có gượng ép tìm bới những cái ngôn ngữ cao siêu để đặt để. Khi chúng ta sinh con, chúng ta tìm những cái tên thật đẹp để đặt để cho con. Những cái hiện tượng xảy ra, những sự vận hành đôi khi chúng ta trau chút quá nhiều, dùng những cái mỹ từ cao siêu đặt để vào cho nó hay, gây sự chú ý, điều này được nhưng không cần thiết.

Chỉ cần biết dùng gọi là cái tánh biết, tức là ta biết ta đang nhìn bụng từ ấn đường khi hít vào phình ra. Người xưa gọi ấn đường là con mắt thứ ba, tức là không nhìn bằng mắt phải cũng không nhìn bằng mắt trái, nhìn bằng con mắt trung lập, trung đạo, phải thì nói là phải trái thì nói là trái, nên mang ý nghĩa không dùng trái phải phân biệt đúng sai. Chỉ dùng cái biết ở ngay cái ngôi giữa này nhìn xuống dưới bụng khi hít vào phình ra và khi thở ra hóp bụng vào. Cái nhìn này, cái biết này gắn kết với cái bụng để sưởi ấm năng lượng từ bụng và tiếp nhận năng lượng. Cứ như thế, đơn giản cái cách tập như vậy. Đừng phụ họa theo ngôn ngữ lượm lặt khi đọc sách đọc kinh, hoặc nghe những bậc cao nhân giảng thuyết ta thích ta ghép vào, ta lồng vào như là lồng tiếng trong phim tàu rồi tranh đấu, giả giọng, giả ngôn, dần dần đấu tranh, lộng ngôn, lộng giả thành chân, nó không có hay. Cho nên hãy đơn giản như người dân miền Nam, ngay thẳng. Tôi hít vào, từ ấn đường, tôi biết tôi hít vào phình bụng. Tôi thở ra, từ ấn đường, tôi biết bụng tôi hóp vào thở ra. Và cũng từ ấn đường tôi cảm nhận toàn châu thân. Coi ấn đường như con mắt thần, coi đây như con mắt thứ ba, coi như đây là con mắt chẳng phải chẳng trái, coi đây như cái sự nhận biết của mình không có một chút phân biệt. Chỉ vậy. Mô Phật!

[Bảo Sơn]: Con xin chia sẻ thêm. Hôm nay con trụ tại ấn đường thì ấn đường nó giật mạnh. Sau đó ngay trên phía đỉnh đầu của mình nó nóng hơn bình thường và nó nóng một lúc rất là lâu. Sau đó con cảm giác xung quanh con cũng nóng theo, khu vực con đang ngồi cũng nóng theo. Và con cũng trở về với hơi thở và mình chỉ biết vậy thôi. Con cũng xin chia sẻ cái cảm nhận của ngày hôm nay của con nó như vậy.

[Thầy]: Điều đó rất tốt. Nhưng hãy nhớ đừng mượn ngôn ngữ đặt để cho những đứa con gọi là cảm giác, cảm xúc của mình. Không nhất thiết. “Hữu xạ tự nhiên hương”, cái đẹp vốn có ở trong nội tâm khi khởi dậy chẳng cần mượn danh, mượn tiếng, ngôn ngữ phụ họa để cho nó đẹp. Nếu khéo ngôn ngữ, nếu khéo sáng tác định chế ra ngôn ngữ để cài đặt, điều đó hay thôi. Nhưng khi như vậy, ta bắt đầu đã xen vào cảm xúc và bắt đầu thay đổi ý nghĩa của hiện tượng chân thật đang xảy ra. Ngay giây phút ấy, ta mất đi sự quan sát bằng tánh biết một cách trung thực, mà để cho cái tâm phân biệt bắt đầu bóp méo, tạo ra những hình tượng mong muốn, có thể gây ra sự hiểu lầm và tạo ra một cái ngã. Cho nên, không nhất thiết. Hãy tự do và tự tại nhìn nó là đủ.

 [Huy Vũ]: Con có mấy câu hỏi ạ. Trong quá trình con đồng tu, con hay nghe thầy nói là mỗi người mình sẽ có duyên và mình khế hợp với một cái pháp môn. Khi mình hợp hay không hợp với một pháp môn nào đó, thì có những cái hiện tượng gì để mình nhận biết được điều đó hay không?

[Thầy]: Khi gặp nhau là có duyên gặp nhau, khi ngồi chung trong một phòng Zoom để chúng ta thực tập là chúng ta đã có duyên rồi. Chúng ta có duyên với nhiều thứ trong sinh hoạt, trong công việc, trong sự tương tác, có duyên để có những đấng bậc làm cha làm mẹ, làm anh chị em. Duyên nó có cái thuận và cái nghịch, đều gọi là duyên. Nhiều khi cha mẹ sinh ra chúng ta mà con cái bất hiếu hoặc cha mẹ như thế này như thế kia đều gọi là duyên. Nhưng trong Mật Thiền, cái duyên để cảm nhận theo chiều hướng thuận có nghĩa khi ta thực tập hoặc các pháp môn phương tiện khác ta thực tập, ta tu luyện mà ta nhận thấy sự bình an, có sự hoan hỉ và hạnh phúc khởi lên trong tâm. Khi thực tập mà thấy hoan hỉ, thấy hạnh phúc, thấy thơi thới ở trong lòng, thấy tự tại, thấy nhẹ nhàng và thấy mình có thể chuyển được những cái chấp mê trong cuộc sống mà ngày xưa rất nặng nề. Ngay cái chỗ ấy, ta phải nhận biết ta thực sự đang có duyên với sự tu tập như thế. Và rồi phải gieo duyên thêm qua công hạnh tu để giữ cái duyên đó tăng trưởng. Chẳng khác gì như có hạt giống tốt đã phát hiện, cần phải gieo trồng và công hạnh tu và chăm sóc để không để thú hoang, chim chóc nó đào bới, nó cắp đi, hoặc không thể nắng gắt nó thiêu rụi mà cần phải tưới tẩm qua sự thực tập.

[Huy Vũ]: Thưa thầy, có một người nói rằng khi mình tập không phải lúc nào mình cũng hít thở thật sâu, bởi vì có những trường hợp nếu mình tập như vậy nó sẽ làm cho người của mình nó trở nên nóng giận. Nhờ thầy giải đáp cho con điều này.

[Thầy]: Khi hít thở sâu mà nóng giận, điều này ta hãy suy nghĩ. Khi mình gặp một người bạn nóng giận, hoặc một người nào đó thở hổn hển nóng giận, ta thường nhắc người ta rằng hít thở sâu chậm rãi. Bởi phương pháp hít thở sâu của người đời, của y học và của những bậc tu luyện là cách thăng bằng cảm xúc. Cho nên không thể nói rằng hít sâu thở sâu tạo ra sự nóng giận, sân si. Cái điều này có thể đó là sự trải nghiệm của cái vị đó khi hít sâu thở sâu dụng tâm quá mức để thành đạt một điều gì.

Phương pháp của chúng ta không dùng tâm mà chỉ dùng tánh biết nhìn dưới bụng. Không dùng tâm nhảy vào như một kịch sĩ, như một đạo diễn, như một thượng đế để điều khiển, để tái tạo, để xây dựng, để gọi là cứu thế giới nội tâm. Mà chúng ta tiếp nhận để hiểu nội tâm của mình. Phương pháp hít sâu thở sâu không làm nóng giận. Cho nên, cách người đó diễn tả là trường hợp của người đó ở trong những điều kiện khác biệt với chúng ta. Nghe, đọc, hiểu và chia sẻ để giải tỏa để ta vững tin trên con đường hành. Rất tốt. Cảm ơn Huy.

[Huy Vũ]: Thưa thầy, hôm nay khi mà con thực hành theo phương pháp từ ấn đường nhìn xuống dưới bụng thì lúc đó năng lượng lên nhiều quá làm con cảm thấy bị đứt thở, không có thể thở đều theo nhịp bình thường được. Vậy thì lúc đó con nên làm theo thế nào ạ?

[Thầy]: Lúc đó trở về với hơi thở, chủ động hít vào phình bụng ra. Cái động tác phình bụng nó giúp cho chúng ta đưa hơi xuống bụng. Nhớ động tác thổi bong bóng không? Mình thổi mình phình miệng ra mà hơi nó không chạy xuống dưới, mình bóp miệng vào thì nó chạy xuống dưới. Chúng ta phình bụng là dẫn hơi xuống dưới. Khi cảm giác rằng hơi bế ở trên ngực, chính lúc cảm giác đó, dùng tâm từ ấn đường dẫn hơi thở qua mũi phình bụng thì cái cảm giác bị đè nặng ở trên ngực nó biến mất ngay, và khi thở ra hóp bụng. Chỉ cần một thao tác phình bụng hít vào – hóp bụng thở ra thì cảm giác bị tắc, bị đè nặng trên ngực liền biến mất. Đừng để cái cảm giác đó nó chi phối, làm cho tâm hoang mang sợ hãi và tâm dừng ở đó để theo dõi, để dò dẫm, để tìm hiểu, để đào bới, để đặt lên một cái ý nghĩa gì sai hoặc đúng. Nhớ, không có phân biệt đúng sai, chỉ cần phình bụng, chú tâm vào đó, hóp bụng, chú tâm vào đó, những cảm giác kia sẽ không dẫn dắt ta lạc đề. Cảm ơn Huy.

[Bảo Nghy chia sẻ]: Những lời thầy nói làm con nhớ đến bài “Dấu chỉ”. Khi mà tu tập, những cái dấu chỉ mà con nhận được trong quá trình tu tập, con cũng hiểu đó là cái duyên lành chúng con có được với pháp môn mà mình đang tu tập đây. Đơn giản như là câu chuyện nhận được năng lượng vào trong thân tâm thì đó cũng là một cái dấu chỉ để hiểu rằng cái nhân duyên của chúng con rất là lớn đối với pháp môn này.

[Bảo Nghy]: Đôi lúc cái hơi thở của chúng con không có theo kịp với cái thời gian mà thầy dẫn dắt. Trong trường hợp như thế, con có nên cố gắng đi theo cái thời gian mà thầy dẫn dắt hay không, hay là đi theo cái hơi thở tự nhiên của chính mình thưa thầy?

[Thầy]: Khi hướng dẫn một số đông, đặc biệt là ở trên không gian mạng này, trên phòng Zoom, người hướng dẫn không có cơ hội quan sát một cách rất thực tế để đồng bộ. Và mỗi người chúng ta có cách thở dài, thở ngắn, bởi đó là cái cơ thể định chế của mình. Không sao. Đừng rượt đuổi theo người hướng dẫn, mà nương theo cái sức của mình có thể để hơi thở được thong dong và tự tại, để tâm được thư giãn. Quan trọng nhất là cái tâm được thư giãn qua cái cơ thể có thể hít vào sâu ở cái cỡ nào. Cho nên đừng chạy theo người hướng dẫn mà hãy theo cơ thể của mình. Còn người hướng dẫn có lướt qua cũng không sao. Miễn là ta biết ta đề khí bảy lần, ta hít thở quán chiếu bảy hơi, ta thở ra nhẹ nhàng trong ba hơi rồi ta trở lại bình thường. Đó là giai đoạn của bài tập thứ hai. Cho nên mình nhớ như vậy là đủ.

Tất cả mọi vật chất vô hình hay hữu hình đều có năng lựơng và có sự giao thoa với nhau nếu biết kích hoạt để làm lợi lạc cho cuộc sống, để như một cái dữ liệu tu tập, huân tu. Như ngày xưa chưa phát hiện ra xăng dầu, người ta chỉ dùng năng lượng bằng lửa thôi để nấu, để làm việc. Rồi bằng than, rồi bằng dầu, rồi bằng nước, khí, mặt trời. Tâm là nhiên liệu vi diệu để tạo ra nguồn năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác. Năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác tràn ngập trong vũ trụ. Nhưng nếu ta không kích hoạt được tự thân thì chẳng có cái chỗ để gắn kết và tiếp nhận. Mật Thiền giúp cho chúng ta kích hoạt năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác tự thân. Và từ đó, tất yếu dĩ nhiên nó tự động gắn kết với vũ trụ để đón nhận thêm, giao thoa. Mô Phật!

[Bảo Nghy]: Thưa thầy, nếu những người mới vào mà chưa cảm nhận được năng lượng thì nên như thế nào ạ?

[Thầy]: Chào các bạn mới vào phòng Zoom ngày hôm nay. Bảo Thành và các bạn đồng tu luôn luôn đón chào tất cả các bạn mới bất chợt vô tình hoặc cố tình vào để tìm hiểu. Chúng ta đều đón mừng nhau.

Đối với các bạn mới vào, chưa nghe rõ và tâm chưa sẵn sàng ngồi xuống để thực tập đón nhận, cho nên cái tâm bồn chồn, cái tâm lo lắng, cái tâm sợ sệt, cái tâm không biết nó như thế nào. Nó ngăn chặn để ta không trở về với trạng thái tự tại để tiếp nhận và cảm nhận. Không sao! Các bạn mới hãy quan niệm như vầy. Tôi tới phòng này như phòng Yoga, như một phòng khí công, như một phòng để thở. Hãy mang cái tâm thái đó vào trong phòng này. Tôi tới để thở cùng với các bạn. Tôi tới để thở bằng cái tình thương do tôi biết chăm sóc cho bản thân. Và tôi tới để thở, để lan tỏa cái tình thương biết chăm sóc cho mình tới tất cả mọi người để mọi người biết chăm sóc cho bản thân của họ. Với tâm thái như vậy thôi. Đừng quá nặng nề rằng đây là một cái phương pháp đặc biệt, đây là một pháp môn của tôn giáo, đây là một cái điều gì đó kỳ diệu cao siêu. Hãy vào phòng này với tâm thái: tôi tới để cùng thở với mọi người, tôi tới để cùng gắn kết với mọi người qua hơi thở của Chánh niệm, qua hơi thở của yêu thương. Cách điều chỉnh lại tâm thái như thế sẽ giúp cho các bạn có sự trải nghiệm tiếp nhận được năng lượng. Lần sau, nếu bạn vào bạn thử hoặc các bạn nào mới vào cũng có thể thử như vậy. Chúng ta sẽ có một sự hài hòa, hòa mình vào. Xin cảm ơn!

[Bảo Nghy]: Thưa thầy, nếu một người mới vào chưa có thuộc lòng dẫn dắt của thầy như vậy thì khi họ thực tập lại thì họ nên như thế nào để có thể vận hành đúng theo những cái sự hướng dẫn của thầy ạ?

[Thầy]: Chúng ta nghe lại cái đoạn video này, hoặc là mỗi một ngày thứ bảy, Bảo Thành cũng bắt đầu lại từ đầu. Bởi sự tu tập là ôn tập lại, rèn luyện cho mình một thói quen đúng ngay từ đầu để tạo một cái nền tảng vững chắc, xây dựng phương pháp tu tập, không lướt qua. Trong phòng này, chúng ta tập thật chậm rãi, vững chắc. Và Bảo Thành sẽ nhắc đi nhắc lại, bạn sẽ có cơ hội nghe và thực hành trở lại. Tuy nhiên, vào mỗi một ngày, giờ Việt Nam 7 giờ tối, bên Mỹ là 7.30 giờ sáng, Bảo Thành có đồng tu. Khi đồng tu như vậy là đồng tu với những điều đã học đã biết. Nếu các bạn có thể đi vào, cứ làm theo cái cách là nghe và bắt chước theo một thói quen đã được hướng dẫn của các bạn đồng tu. Thì vào ngày thứ bảy, bạn sẽ rõ hơn và bạn sẽ thành tựu được nhiều hơn. Cho nên, mỗi thứ bảy, Bảo Thành sẽ nhắc lại, hoặc các bạn nghe lại cái đoạn video này, các bạn sẽ thấu rõ được hơn dần dần.

[Bảo Vô Lượng]: Thưa thầy, cảm nhận hôm nay của con giống như Bảo Nghy chia sẻ. Con chạy đua theo cái nhịp hướng của thầy, cái hơi nó hơi dài, nó làm con hồi hộp. Năng lượng nó tràn vào làm cho con có cảm giác đầy hai lỗ tai và phía sau gáy. Và điều đó làm cho con bị mỏi cổ. Cái cảm nhận hôm nay của con là như vậy ạ.

[Thầy]: Mình tu là mình trở về với thế giới tự tại thiên nhiên thong dong, bình yên của nội tâm và gắn kết với mọi người để cảm nhận lại hạnh phúc yêu thương. Chúng ta không chạy đuổi, chúng ta không so sánh để nhanh hay chậm, để nhiều hay ít. Trong những sự thực tập, chúng ta thường rơi vào trạng thái đó khi người hướng dẫn trên không gian mạng không có trực tiếp quán chiếu thân tâm của mình. Điều đó luôn luôn xảy ra. Không sao. Lần sau, chị nhớ đừng rượt đuổi theo cái tốc độ của thầy, của các vị hướng dẫn, của các bạn đồng tu. Mà hòa mình với tốc độ của mình để hơi thở nó không bị trào lên lỗ tai, cảm thấy nặng nề. Nhận biết ra được là điều tốt rồi. Ai cũng sẽ có những cái trải nghiệm riêng. Rồi ta vào phòng, ta chia sẻ, ta từ từ rồi ta thấm nhuần, ta vận hành đúng phù hợp với cơ thể của mình. Do đó mà Bảo Thành luôn luôn dành thời gian ưu ái, rất chậm, rất từ từ. Cứ từ từ. Chúng ta tu là muôn đời để tu, không vội vàng. Cho nên chị cứ từ từ và theo cơ thể của mình.

[Bảo Chân]: Khi mà vào ngồi thiền, con nên đặt hai tay lồng vào nhau, bàn tay phải đặt vào lòng bàn tay trái như thầy dạy hay là con nên để hai tay lên hai bên đầu gối. Tại vì khi con thấy con để tay lên hai bên đầu gối, con thoải mái hơn và hình như năng lượng cũng từ đó mà thoát ra. Con nên để như vậy hay là con nên đặt tay theo như thầy dạy. Và khi con ngồi thiền, hai chân con bị tê cứng, con không biết là do năng lượng hay là do cơ địa của con. Con có nên thay đổi tư thế của con hay không ạ?

[Thầy]: Mình đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, hoặc đặt hai bàn tay lên đầu gối, hoặc tất cả mọi tư thế của tay đặt vào chỗ cơ thể của mình phù hợp, nhẹ nhàng, thong dong là được, không có nguyên tắc. Miễn là cái tư thế đó bạn cảm nhận được, tiếp nhận được cái năng lượng là ok. Cơ thể cơ địa của mỗi người, nếu không trải qua sự tập luyện hằng ngày, nhất định khi ngồi một thời gian, các mạch máu bị bế tắc, các khớp xương hông mình bị tê, chân bị tê, đó là bình thường, ai cũng vậy. Chẳng phải sai hay đúng, hay năng lượng không giao thoa, mà bởi vì cơ thể chưa quen.

Do đó khi bạn ngồi tiếp nhận năng lượng, bạn buông lỏng cái xương hông, phần tọa từ đầu gối đến xương cùng tạo thành tam giác đều vững trãi. Buông lỏng xương hông để cái xương cùng (xương cụt) của chúng ta tiếp hiện với mặt đất, đón nhận năng lượng, và năng lượng đó có thể chuyển cái thân trên của chúng ta nó chuyển động nhịp nhàng khi năng lượng giao thoa. Như vậy kích hoạt cái phần cơ ở đùi, ở bên hông và giúp cho xương hông, thần kinh tọa, huyệt đạo của chúng ta được xoa dịu sự căng cứng khi ngồi lâu. Một thời gian sau nó sẽ hết.

Nhiều người nói, ngồi mà lắc lư là sai. Các bạn cứ thử quan sát, hỏi các vị thiền sư cao tăng của Tây Tạng, họ ngồi họ lắc như chong chóng. Bởi vì họ phát hiện ra, ngồi ở cái xứ lạnh, ngoài cái sự vận khí, sự điều hành cơ thể chuyển động giúp giữ ấm cơ thể, lưu thông mạch máu. Khi đi vào thiền, nhiều người đã hóa hiện ra nhiều cái phương pháp cứng nhắc, phải như pho tượng, phải như thế này phải như thế kia. Trở về với kinh Pháp Cú Phật dạy: Tâm làm chủ các pháp. Lấy tâm làm chủ, chứ không lấy các hiện tượng làm chủ. Tâm từ ấn đường quán chiếu và làm chủ cảm xúc, nhưng không cứng ngắc khi cơ thể chưa thể phù hợp, tạo ra sự phù hợp khó chịu bế tắc. Cho nên hãy thay đổi một chút, đừng cứng nhắc quá. Mô Phật!

[Bảo Chân]: Khi mà con thao tác giống như thầy nói, đưa hơi từ dưới bụng, sau đó phình bụng ra và thở ra thì con thấy ngay cái phần bao tử của con nó căng, khó chịu dưới chân ngực. Như thế có phải là con hít sai, hít quá sức không ạ?.

[Thầy]: Có thể là quá sức, có thể là lo lắng, có thể là sai, có thể là căng thẳng, mình chưa phát hiện ra. Mỗi khi cảm giác đó nó tới, hãy hít thở thật đều, hóp bụng thở ra, phình bụng hít vào, chậm rãi, đều đặn, thư giãn, nó sẽ giảm bớt sự căng thẳng đó và nó sẽ chuyển hóa được.

[Bảo Nghy]:Thầy có dạy chúng con là đưa tâm lên đỉnh đầu và đưa tâm về ấn đường thì con xin phép hỏi là đưa tâm về ấn đường và đưa tâm lên đảnh đầu nó tạo cái sự khác nhau như thế nào ạ? Và chúng con nên đưa tâm lên đảnh đầu khi nào và đưa tâm về ấn đường khi nào ạ?

[Thầy]: Trong bước đầu thực tập, tâm giữ ở ấn đường để ta có cái tánh nhìn, cái biết của ta nó rõ hơn, nó không bị loạn. Tâm đưa lên trên bách hội (tức là đỉnh đầu) thường kích hoạt nhiều luồng tư tưởng, cho nên ta chưa kịp quán chiếu tâm tức là tư tưởng của ta. Nếu đưa tâm lên bách hội, tư tưởng nó tràn ra, làm cho hoang mang, dễ gây ảo tưởng. Cho nên vận hành đầu tiên, tâm từ ấn đường để tập nhìn. Khi trải qua một thời gian, vững rồi thì từ ấn đường ta trở lên trên bách hội (tức trên đỉnh đầu) là sự liên lạc rất gần, không sao hết. Và nếu như bạn để tâm trên bách hội, có quá nhiều tư tưởng nó trào ra làm cho hoang mang, thì ngay lúc ấy phải gửi cái địa chỉ ở ấn đường và hãy nói tâm về đây. Tức chuyển di tâm về ấn đường, về cái địa chỉ mới, về ngôi nhà mới để học nhìn thì tâm không bị loạn.

Chúng ta đang thực tập, có những người theo dõi không kịp những cái ý khởi lên trong tâm. Cho nên khi nó tràn ra rồi mình bị rối. Vậy giai đoạn đầu để tâm nơi ấn đường giúp ích rất nhiều cho chúng ta. Khi vững trãi, vững chắc rồi thì tâm có thể đưa lên trên bách hội. Và nếu như khi tâm đưa lên bách hội mà tư tưởng trào ra quá nhiều cũng phải chuyển địa chỉ, chuyển qua ấn đường để tâm được nhẹ nhàng. Mô Phật.

[Bảo Nghy]: Thưa thầy, khi đưa tâm về ấn đường có cần kết hợp hít thở không thầy? Hay hai cái đó nó tách biệt nhau?

[Thầy]: Hít thở vẫn hít thở tức là biết thôi. Thay vì nhìn bằng hai con mắt này, chúng ta để cái tâm biết ở ngay giữa ấn đường để biết cái bụng hít vào phình, ta biết cái bụng thở ra hóp. Bây giờ đừng có lan man, ta chấm dứt những từ ngữ tâm như thế này như thế kia. Chỉ biết rằng ta dùng ấn đường để nhìn, để nhận định, để cảm giác, để cảm xúc, để nhận biết ra nó. Xong.

[Bảo Vô Lượng]: Thưa thầy trong khi mình hành thiền, một số vị trí nó đau mình cứ để bình thường phải không thầy?

[Thầy]: Cứ để bình thường, không phải lăn tăn rằng: ôi đau quá! Mình phải trở thành bác sĩ riêng của mình để điều trị cái vết đau đó. Ta cứ để bình thường, hít thở thôi. Đau ta biết đau, cái đó gọi là quán thân. Quán tức là nhìn, cái thân đau ta biết thân đau. Nhưng đừng để cái thân đau kéo tới chỗ đó, dụ dỗ ta dồn hết tâm lực vào chỗ đó. Cứ từ cái tánh biết ấn đường này nhìn xuống bụng hít vào thở ra và nhận thức cái đầu gối đau, hông đau, ngực đau, tay đau. Chỉ cần nhận ra nó đau thôi, nhưng đừng để cái đau của cơ thể trên một phần nào đó dẫn dắt, kéo ta đi. Mà tâm luôn luôn biết phình bụng, hóp bụng, tiếp nhận năng lượng thì cái đau đó dần dần sẽ nhờ cái sự kích hoạt năng lượng đó nó xoa dịu và giảm dần đi. Cho nên đừng để những cái đau đớn của cơ thể, những cái đau đớn của tinh thần, những cái đau đớn của sự cáu giận, của sự việc đã xảy ra lừa gạt, dắt ta đi xa cái biết của Chánh niệm hơi thở. Mô Phật!

[TỔNG KẾT]

Tổng kết lại, các bạn mới vào đang ở trong phòng ngày hôm nay hoặc sẽ vào trong một ngày nào đó bất chợt nhìn thấy cái video ở trên YouTube, Facebook livestream hoặc Zoom, Bảo Thành lúc nào cũng thành kính và trân quý sự gặp gỡ nhau dù ở trên mạng. Nếu bạn cho mình một cơ hội tìm hiểu qua, không cần biết như thế nào, chưa có trực tiếp thì bạn chỉ cần tìm một cho mình một khoảnh khắc, một không gian tĩnh lặng trong vòng 10 phút, ngồi với tư thế phù hợp. Có các bác lớn tuổi, đau yếu, không ngồi được kiết già, bán già, tọa thiền thì có thể ngồi trên ghế sofa, trên ghế cao phù hợp, dựa lưng vào cái ghế cho vững chắc, thả lỏng toàn thân, hai bàn chân tiếp xúc với đất, tay đặt lên đầu gối nhẹ nhàng thôi. Hít vào chậm như rùa, phình bụng ra, thở ra chậm như rùa, hóp bụng vào. Nhớ cái khẩu quyết hít thở này: Hít vào tôi biết hít vào, phình bụng, chậm như rùa, thở ra tôi biết tôi thở ra, hóp bụng, chậm như rùa. Thực tập quyết khẩu này và rồi cảm nhận cơ thể từ đầu đến gót chân. Chỉ cảm nhận thôi, cảm nhận cơ thể của mình.

Đây là cách thực tập đầu tiên nếu chưa nghe chi tiết rõ ràng. Cứ thực tập như vậy. Nếu bạn ngồi xuống thực tập càng tốt thôi và chỉ cảm nhận cơ thể của mình. Nếu có phát hiện ra năng lượng chuyển động cũng không sao, chỉ như vậy là đủ. Và có một điều nữa, khi quen rồi, thì bạn bắt đầu dùng tâm, tức là dùng tánh biết của mình, cảm nhận của mình từ ấn đường để nhìn tôi hít vào phình bụng chậm như rùa, tôi thở ra hóp bụng chậm như rùa. Khẩu quyết: tâm từ ấn đường nhìn bụng phình ra hít vào chậm như rùa, tâm từ ấn đường nhìn bụng hóp vào thở ra chậm như rùa. Chỉ như vậy. Và khi gặp nhau trong thứ bảy hoặc đồng tu với Bảo Thành vào mỗi ngày ta sẽ dần dần bồi đắp cho những cái lý thuyết chưa được nghe.  

Xin cảm ơn các bạn đã thực tập đồng tu với Bảo Thành ngày hôm nay. Nguyện xin năng lượng yêu thương của vũ trụ, năng lượng Từ Bi của chư Phật, năng lượng tình thương của chúng ta hòa quyện, lan tỏa tới muôn người. Xin chúc mỗi người một cái buổi cuối tuần an lành cùng gia đình và với những người mình thương yêu. Xin chào!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn