Kim Ngân đánh máy
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa
Con nguyện xin năng lượng đại từ đại bi của chư Phật mười phương ban rải xuống cho muôn loài chúng sanh.
Kính chào các bạn!
Nếu như các bạn là những người mới, vô tình biết Bảo Thành qua video này, nếu có duyên để chúng ta có thể gặp gỡ những lần sau, xin các bạn vui lòng đăng nhập vào kênh Youtube Thiền Mật Tông – Thất Bảo Huyền Môn, để tạo cơ hội cho Bảo Thành và các bạn nối tiếp sự quen biết, mang lại tình nghĩa sống an vui trong cuộc đời.
Các bạn thân mến! Ghen tuông và triệt phá nhau là một thói xấu trong cuộc đời. Nó tạo ra nghiệp làm tổn hại phước báu của nhau. Nó tạo ra nghiệp gây phiền não đau khổ cho ta. Nó làm đốt cháy hết mọi phước báu vốn có của chúng ta. Không những thế còn làm tổn hại đến những người thân trong gia đình, hại đến sức khỏe và tinh thần. Ghen tuông và triệt phá là những hành động, suy nghĩ, phương cách sống hoàn toàn xấu, gây tổn hại đến mình và người.
Ngày xưa, có một ông già làng có một cái cây thật tốt, lớn cao, cho rất nhiều trái thơm, quả ngọt, hương hoa ngào ngạt cả thôn xóm, khiến cho mọi người rất thích. Thích hơn nữa là ở sự đặc biệt rằng ai ăn những hoa trái từ cây này cũng đều sống lâu, sống thọ, vui vẻ hạnh phúc, trở nên trẻ đẹp và gặp những điều lành xảy ra trong đời, những điều xui xẻo không tới. Thế nên, cây của ông già làng được mọi người loan truyền cho nhau, vượt từ làng này qua làng kia, làng gần đến làng xa, ngược xuôi ai cũng đều biết. Ông già làng cũng chỉ là một người già bình dị như bao người khác, khiêm tốn vô cùng. Ai tới muốn hái trái, ông cũng đều giúp đỡ hái để tặng người đó dù trái cao cỡ nào, ông cũng đều có cách hái để tặng người ta. Người ăn vào trẻ đẹp, mạnh khỏe, an vui, không bệnh hoạn, sống thọ. Ai cũng thích. Và ông già làng cảm thấy vui vì mình có phước báu có cái cây như vậy và cống hiến cho mọi người.
Nhưng một hôm, trên cung đình có một ông quan giàu có vô cùng. Và ông muốn giữ chức quan đó muôn đời. Ông muốn giàu có muôn đời, thọ muôn đời, tiền tài muôn đời, vợ con muôn đời, hưởng lộc của vua muôn đời. Chính vì điều đó, khi nghe đến cái cây quý giá của ông già làng kia, ông ấy nghĩ mình là quan, thế sao lại cần tới xin một ông già một trái cây để được những điều đó. Ông là quan, ông có quyền. Nhưng nếu ông ta tới đường đường chính chính xin thì kỳ, hái thì không hay, ông phải làm sao? Ông nghĩ phải dùng quyền lực để có được cái cây, ăn để thọ, ăn để đẹp, khỏe, vui. Người làm quan, kẻ nhà giàu, ai không muốn những điều đó.
Cửa quan thì khó vô, nhưng nhà dân thì dễ vào. Ông ta cảm thấy tức giận khi mình là quan lại không sở hữu được cái cây quý báu như vậy, trong khi ông già làng kia tầm thường, nghèo khổ, không có chức quyền hay kiến thức gì, lại có cây quý giá như vậy cũng không biết làm gì. Cho nên ông ta mang cả một đạo quân tới nhà ông già làng, nhốt ông cụ lại rồi sai lính chém ngang cây xuống, vác về kinh thành trồng trước nhà. Trong sự ghen tuông, triệt phá, ông ta không nghĩ ra điều gì cho đúng. Chỉ biết cột người già và chặt cây mang về trước nhà để trồng. Cây được vác về đi đường xá xa xôi, nên một vài ngày sau cây héo, quả rụng, rễ cây cũng không còn do bị chặt ngang nên khi cây được trồng ở nhà ông quan vài ngày, cây chết héo, lá rụng, quả không còn.
Các bạn thân mến!
Trong cuộc sống con người, chúng ta thường nghe tới thành công của bạn bè mình, hay của người này người kia, lúc đó thầm hỏi cảm giác của mình thế nào? Nếu là hạnh phúc, chúc mừng khi ta nghe thấy người thân, bạn bè, hay của người xa lạ thành công một cách chính đáng, điều đó rất tốt, ta được tăng thêm phước báu cho mình, vì ta biết cầu chúc cho những người thành công thành công hơn, hạnh phúc hạnh phúc hơn. Câu đó trong nhà Phật nói gọi là “Tùy hỷ cúng dường”. Chúng ta tùy hỷ, tâm hoan hỷ của mình mà cảm thấy hạnh phúc khi người ta biết thành công trong cuộc đời. Điều đó đặc biệt được đức Phật sách tấn, khuyên bảo nên thường xuyên sử dụng.
Nhưng cũng có những người trong chúng ta đôi khi quên lời dạy đó, khi nghe đến thành công người khác, thì chúng ta không thích, chúng ta không ưa, chúng ta nổi ghen tuông. Nhất là khi những người thành công ấy lại tri thức kém hơn ta, ngoại hình kém hơn ta, hay hoàn cảnh không tốt bằng ta. Rất nhiều lý do thầm kín có, rõ ràng có. Chung quy lại là chúng ta ghen tuông với sự thành công của người khác và ta không muốn họ thành công mãi. Nên cuối cùng ta muốn triệt phá họ. Muốn triệt phá họ là một chuyện bình thường, mà đôi khi cùng với sự ghen tuông quá bực ta còn muốn triệt phá rồi còn muốn chiếm đoạt tất cả sự thành công của người khác.
Các bạn thân mến, sự thành công của một con người, chúng ta không thể chiếm đoạt được. Theo luật nhân quả, phước của ai người đó hưởng, nghiệp của ai người đó trả. Nếu người đó có đủ phước báu để thành công trong cuộc đời, thì đó là phước báu của riêng họ. Ta không thể vì ghen tuông, triệt phá, triệt tiêu họ để lấy phước báu của họ cho sự thành công của mình. Đó là chân lý nhân quả. Tuy nhiên, trong cuộc đời của các bạn đang sống đây, Bảo Thành tin tưởng rằng các bạn đã gặp được những người có lòng ghen tuông quá mạnh và có tâm triệt phá kẻ khác quá mạnh. Chúng ta đã chứng kiến điều đó gây tổn hại đến những người xung quanh, tạo ra nỗi đau của biết bao con người. Dân gian có câu: Ăn không được thì đạp đổ. Khi họ hưởng phước báu của họ mà ta không được hưởng, thì ta phải đạp đổ phước báu của người khác. Nhưng theo luật nhân quả, việc ấy sẽ không thể xảy ra. Bởi khi ta phá phước báu của người khác, phước báu của người khác không bị triệt phá, mà chính là phước báu của chính ta bị mất đi. Ta đang đạp phá, đốt hết phước báu của chính mình.
Xã hội ngày này, từ tầng lớp có chức quyền đến tầng lớp thứ dân bình thường, trong bất cứ tầng lớp nào cũng có những người ghen tuông và triệt phá những người thành công. Chúng ta phải nhận thức được đó là một tánh xấu, một tánh theo bản năng của ác nghiệp do ta nối dẫn mà ta không kiềm chế được. Nó rất tai hại cho ta, và cho cả những người ta yêu thương. Do đó, các bạn thân mến, chúng ta hãy sống tỉnh thức, nhận rõ nhân quả và ngừng hẳn tánh ghen tuông, triệt phá.
Câu nói ngừng ghen tuông, ngừng triệt phá, ai nói cũng được, nhưng làm sao chúng ta có thể ngừng được. Bởi tánh ghen tuông và triệt phá người khác, nó bị dẫn đi, nó bị kéo đi do ác nghiệp của chúng ta. Do đó, để kiềm chế tính ghen tuông và triệt phá người khác, chúng ta phải tu đức hạnh, thực hành pháp thiện để tăng trưởng sự gắn kết với trí tuệ của chư Phật, để có đủ nội lực kềm tỏa nghiệp lực dẫn chúng ta tới sự ghen tuông và triệt phá người khác. Còn nếu như chỉ nói suông, không bao giờ trong chúng ta có thể làm được chuyện đó, không bao giờ dứt bỏ được lòng ghen tuông và triệt phá đó. Ghen đi theo sự triệt phá người khác.
Do đó chúng ta hãy cố gắng tĩnh tâm lại. Nhất là trong cuộc sống hiện tại, chúng ta hãy cố gắng nhiều hơn, dành cho mình đôi chút thời gian lắng đọng tâm hồn, hướng thượng một chút, nghĩ đến những điều cao cả hơn. Cuộc đời này còn biết bao nhiêu điều đẹp trong đời sống của tâm linh, đời sống của chính mình, của những người chung quanh ở trong gia đình của chúng ta. Hãy sống tỉnh thức. Hãy siêng năng tu tập. Hãy có đức tin vào những điều tốt để chúng ta tinh tấn tu tập, chuyển hóa nghiệp lực ác dẫn dắt chúng ta vào năng lượng ghen tuông, triệt phá người. Để chúng ta trở thành người lương thiện. Để chúng ta trở thành chính mình, sống hạnh phúc, sống biết nghe, sống trong tỉnh thức, sống để sống chính đáng là một con người biết được chữ thiện.
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!