Search

Cuốn vào vòng xoáy của ngũ dục

Khi nhận ra mình đã đắm chìm trong ngũ dục rất lâu và quán chiếu biết được hậu quả mình nhận là do nguyên nhân đắm chìm vào ngũ dục, con đã cố dừng lại nhưng vào mỗi lúc con dừng thì lại có những chuyện xảy đến và khiến con lại bị cuốn theo vào vòng xoáy đó. Vậy đây có phải là do con chưa quyết tâm để dừng hay là do lực tham đắm còn quá mạnh nên khiến con bị cuốn theo. Xin Thầy khai thị cho con ạ! Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Các bạn! Chúng ta cần phải hiểu rõ cái hậu quả nguy hại của nghiệp, nghiệp ác ta đã tạo ra và những hiệu quả tương ưng của những thiện nghiệp ta đã tạo ra. Cuộc sống hiện thời của các bạn và Bảo Thành cũng như tất cả mọi chúng sanh đều có hai luồng nghiệp lực của thiện và ác nhiều đời ta đã tạo ra. Trong cái lực của ác nghiệp, thường tạo ra muôn sự trở ngại cho cuộc đời mà ta tóm gọn trong hai chữ của người đời thường nói, đó là sự xui xẻo và tai họa, bệnh tật và phiền não. Còn những cái điều mà thiện nghiệp ta tạo ra, ta hay nghĩ rằng may mắn, hoặc là phước báu, hoặc là gặp hên. Người học Phật ta hiểu thấu mọi tai hoạ tới với chúng ta đều do ác nghiệp, do cái nghiệp lực của những ác pháp và những điều gọi là may mắn, phước báu thì đều do những cái hiệu quả của những pháp thiện lành ta đã tạo, tạo thành cái lực thiện. Do vậy chúng ta luôn luôn bị hai cái lực của nghiệp ác và nghiệp thiện chi phối.

Là con người, nhiều đời rồi nhất định chúng ta đã tạo nhiều nghiệp ác, cái lực của nghiệp ác chi phối chúng ta nhiều lắm, và cái lực của nghiệp thiện cũng chi phối nhưng chúng ta khó có thể nhìn ra. Bởi mình thường hay nói “phước mỏng mà nghiệp dày”, điều này ứng với tất cả mọi người. Chúng ta phước thật là ít, chứng tỏ rằng cái thiện nghiệp ta tạo ra không có bao nhiêu, nhưng cái nghiệp quá dày, quá sâu dày, đó chính là nhiều ác nghiệp, các bạn! Nhận thức được điều này để chúng ta biết rằng chúng ta cần phải rất tinh tấn, cần phải nỗ lực và cố gắng thật nhiều bởi phước mỏng nghiệp dày. Bạn đã nhận ra sự tai hại của đắm chìm, của mê lầm ở trong ngũ dục, điều này là một điểm sáng cần khích lệ. Bởi nhận ra được sự tai hại, chúng ta mới đầu tư kiến thức và nội lực tu học để chấm dứt chúng, không tạo ra nữa. Đây là phần thứ nhất rất quan trọng, nhận biết được điều đó là sai, điều đó không tốt, ta dừng lại và tìm cách, tìm mọi cách để ngừng hẳn, không tái lập lại những hành động sai trái tạo ra ác nghiệp. Nhưng cái phần thứ hai là ác nghiệp nhiều đời ta đã tạo không thể chấm dứt bằng sự nhận thức ra đắm chìm trong ngũ dục. Bạn nhận thức ra rằng bạn đã đắm chìm trong ngũ dục, bạn ngừng không đắm chìm bằng cách chuyển hoá cái tâm để không đắm chìm trong ngũ dục, nhưng những cái ác nghiệp nhiều đời bạn đã đắm chìm trong ngũ dục vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Nhưng rất tốt, bởi chúng ta chỉ cần phải đương đầu với ác nghiệp, cái lực bất thiện nhiều đời ta đã tạo, còn hiện tại nếu bạn nhận ra, đã tu tập, thì cái lực của ác nghiệp hiện tại bạn không tạo ra nữa, nó nhẹ đi một phần. Do vậy khi bạn nhận ra ngũ dục là sai, bạn đang trên con đường tu tập để chặn đứng, không đắm chìm vào ngũ dục nữa, mà sử dụng tất cả những phương tiện ở đời để phục vụ cho đời sống con người và giúp cho chúng ta tiến tu. Tốt rồi! Rất tốt! Các bạn cứ tiếp tục làm. Sự tu tập như vậy sẽ tạo cho bạn có một nội lực thật mạnh, có một định lực thật mạnh và có một cái sự nhận xét rõ ràng hơn mỗi ngày. Nếu như bạn phát nguyện trên con đường tu, nguyện đó là nguyện giải thoát thì bạn đã có nguyện lực. Rồi trên con đường chuyển hoá khỏi ngũ dục, bạn có tâm hạnh làm các pháp thiện lành như bố thí, từ thiện, cúng dường, trì giới, thiền định, tinh tấn. Những điều đó chúng ta làm được! Bạn đã nỗ lực vượt qua, đang tinh tấn rồi, bạn thiền định trong mật thiền hoặc các phương tiện, pháp môn bạn học được, đó cũng là thiền đó, dưới mọi góc độ sâu hoặc là cạn mà thôi. Bạn tinh tấn, bạn giữ tâm chánh định, cộng vào ba việc như Bảo Thành nói, mỗi người chúng ta đều có thể làm được, đó là bố thí, là từ thiện, là cúng dường. Những cái sự việc tu như vậy tạo thêm nhiều phước báu và công đức, cộng với công hạnh sám hối cho những ác nghiệp nhiều đời ta đã tạo, thì ta tạo được phước báu để chuyển hoá những ác nghiệp nhiều đời bạn đã tạo ra. Sự chi phối của ác nghiệp và thử thách của ác nghiệp nhiều đời tới với bạn sẽ nhẹ dần, sẽ nhẹ dần.

Cho nên nhận thức được ngũ dục là sai và đang tu chấm dứt không hẳn là có thể chấm dứt được ác nghiệp nhiều đời bạn đã tạo. Nhận thức được ngũ dục là sai, chấm dứt không đắm chìm nữa thì sẽ không tạo ra ác nghiệp. Một phần rồi! Còn phần nợ của kiếp trước, ác nghiệp của kiếp trước thì cần phải trả nợ bằng cách chuyển hoá chúng, thanh tẩy chúng qua bốn cái hành động rất cụ thể, rất cụ thể mà Phật tử tại gia làm được, đó là từ thiện, bạn có thể từ thiện dưới mọi hình thức, mọi hoàn cảnh tùy theo khả năng bạn có thể có. Rất cụ thể, các bạn đừng nói mông lung. Từ thiện là giúp đỡ người khác, những mảnh đời bất hạnh, những người nghèo khó, người già neo đơn. Có thể là những người xa lạ ở ngoài kia, hay những người thật gần gũi trong thân tộc, hoặc bạn bè, ai đó bạn biết được hoặc gặp gỡ trên con đường bạn đi hoặc trong sinh hoạt sống hằng ngày. Rất cụ thể nha các bạn! Phóng sanh! Bạn cần phải phóng sanh! Phóng sanh dưới những hình thức bạn có thể làm bằng cái tâm từ bi. Đừng đặt hàng phóng sanh! Không mang lại lợi lạc, mà phải rất là tỉnh giác trong tâm từ bi phát nguyện phóng sanh – giải phóng những sinh mạng sắp bị chết, hoặc giải phóng những mối oan thù giữa người với người, giữa người với vật. Đó cũng là một hình thức phóng sanh!  Hoặc giải toả những tâm đen tối của chúng ta để chúng ta không cột chặt vào cái tâm lầm chấp nữa, đó cũng là phóng sanh. Từ thiện, phóng sanh, bố thí, cúng dường và cái quan trọng nhất là sám hối. Nếu bạn làm được những điều này thì những ác nghiệp nhiều đời của bạn sẽ mòn dần, mòn dần, giảm dần, giảm dần. Và rồi trên con đường tu, chặn đứng đắm chìm trong ngũ dục bằng công hạnh bạn vừa làm đó, những thử thách ngang trái trong cuộc đời sẽ vắng mặt dần dần, không tiếp cận với các bạn nữa, bạn sẽ được nhẹ nhàng. Nhưng bước đầu và đôi khi nhiều năm và nhiều đời, khi chưa chuyển hoá được các ác nghiệp của những kiếp trước, bởi nó quá dày, quá sâu thì chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn bằng công hạnh tu tập. Sự dơ bẩn, cấu uế của ác nghiệp nhiều đời tích lũy quá nhiều, chẳng phải một giờ, một ngày, một phút, một năm mà có thể rửa sạch được. Gần những người bạn hiền đồng tu, gần các bậc thiện tri thức, gần gũi các bậc tôn túc, nương theo ánh từ quang của Chư Phật, miên mật tu hành, nhất định chúng ta sẽ gỡ bỏ và tháo được tất cả mọi ràng buộc của ác nghiệp nhiều đời ta đã tạo ra để ta có thể sống hạnh phúc và an lạc.

Một trong những phương thức nương vào tha lực của Phật do cái tự lực phát nguyện giải thoát tự thân khỏi ràng buộc của ác nghiệp nhiều đời, tuy phước mỏng vẫn có thể nhẹ nhàng. Ví dụ đơn giản: dù dòng sông có cuồn cuộn sóng chảy, nhưng chỉ cần nương vào một cái bè chuối thôi, chúng ta có thể bơi vào bờ bên kia, huống hồ chi có một con thuyền nhỏ, hoặc phước nhiều hơn có một con thuyền lớn. Tha lực Phật điển không khác gì bè chuối, con thuyền nhỏ hoặc thuyền lớn, tuỳ theo phước duyên của mỗi người, được kết bè với cái tự lực phát nguyện giải thoát của chúng ta. Dù bao nhiêu ác nghiệp nhiều đời kéo tới, bè chuối, con thuyền nhỏ hoặc thuyền lớn kia được kết chặt với cái tự lực phát nguyện giải thoát cùng với tha lực yêu thương trí tuệ của Phật, chúng ta, ba đào sóng gió ngược xuôi trong đời, cũng sẽ không bao giờ làm cho chúng ta chao đảo. Hãy liên kết mật thiết với tha lực Phật điển qua công hạnh của Mật Thiền Song Tu, chặt chẽ với tự lực bất thối chuyển phát nguyện giải thoát, giữ niềm tin bất thối vào ba ngôi Tam Bảo, phát nguyện sâu sắc giải thoát như thế, và thực hiện những pháp thiện lành trong mười pháp thiện Đức Phật dạy, thì nhất định, nhất định sẽ rời xa được ngũ dục và chúng ta sẽ tự tại trong mọi hoàn cảnh ngang trái cũng như nghịch cảnh tới với chúng ta hằng ngày trong cuộc đời.

Chúc cho bạn nhìn thêm một chút, rộng hơn một chút, xa hơn một chút và tiếp tục công hạnh tu này. Nhớ rằng “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, ba cây Tam Bảo gắn kết với cuộc đời trong sự thực tu, phát nguyện giải thoát để cho tha lực Phật điển có thể tới với chúng ta và phối hợp nhịp nhàng với tự lực phát nguyện giải thoát đó, mọi oan khiên nghiệp chướng của cuộc đời của bạn sẽ dần dần giảm bớt, cạn dần, mỏng dần và phước báu của bạn sẽ dần dần được thêm lớn, dày hơn cái nghiệp. Cảm ơn bạn đã hỏi. Mô Phật!

Tham vấn Phật Pháp 18, https://youtu.be/DNX7HaKjw3M

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn