Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.
Các bạn thân mến, con người của chúng ta ai cũng thích những chuyện lạ lùng. Rồi khi nếu mình nằm ở trong tình huống tiếp cận với những chuyện lạ lùng đó, không biết rằng tâm của chúng ta có còn chân thật hay không? Có câu chuyện kể để chúng ta thấy rằng nếu ta đặt trường hợp ta là những người nằm ở trong câu chuyện này, những nhân vật trong câu chuyện này ta xử trí ra sao?
Có hai cô hàng xóm buôn bán, một người buôn bán vải lụa và một người dệt lụa ở bên cạnh nhau. người buôn bán nên giàu lắm, cứ buôn cứ bán nên sinh lời nhiều. Còn người dệt lụa kia nên công khó bỏ ra thật nhiều, bởi dệt ra một tấm vải tính ra công sức thật nhiều nhưng bán ra được bao nhiêu đâu. Trái lại, người buôn bán lụa bên cạnh đâu có làm gì, chỉ buôn và bán, thế là có lời nhiều, đã giàu mỗi ngày một giàu hơn. Còn người dệt vải đã nghèo vẫn cứ nghèo, chỉ đủ cơm ăn áo mặc mà thôi. Một hôm có một ông cụ ăn xin đi ngang qua xóm này, ghé vô nhà cô buôn bán lụa để xin ăn nhưng cô ta hắt hủi vả đuổi ra khỏi cửa tiệm. Cô ta nói “Nơi đây là tiệm buôn bán lụa, toàn là những thứ hàng đẹp không sao lại có thể để một người khố rách áo ôm, nghèo như kia và hôi thối lại đứng đây xin ăn”. Nên cô ta đuổi ông cụ xin ăn ra ngoài. Ông cụ đi ra bên ngoài rồi đi tới tiệm bên cạnh – là tiệm dệt vải. Cũng đứng đó xin một chén cơm để ăn. Người thợ dệt thấy thương cho phận nghèo, bởi khi nghĩ về mình làm lụng bao nhiêu năm trời vẩn nghèo khổ, chỉ đủ cơm ăn áo mặc. Ông cụ đâu có việc làm đâu, tiền sao có, kiếp nghèo thật là tội. Cho nên đã mang một chén cơm đầy ắp tặng cho ông cụ và mời ông ngồi xuống ăn xong rồi hẵng đi. Ông cụ ngồi xuống ăn và còn được chủ nhà tặng thêm chút tiền để có chút gì đó phòng hờ trên đường đi nếu không có ai cho cơm. Ông cụ ăn xong lấy tiền rồi đi. Nhưng khi ông cụ đi mới nói với người thợ dệt rằng: “Nhớ ngày mai thức dậy, việc gì cần làm trước sẽ có nhiều điều tốt đẹp”. Người thợ dệt cũng nghe vậy thôi có nhớ gì đâu bởi trong tâm trong sáng mà, cho một chén cơm một chút tiền như để giúp đỡ người nghèo, người ăn xin. Và công việc đầu tiên của người thợ dệt trong ngày là gì? Là đi tới để kéo vải ra sau khi đã dệt. Sáng dậy, cô thợ dệt này đi tới chỗ vải đã dệt xong hôm trước để kéo, kéo ra cuốn vào để mang đi bán. Nhưng cô ta kéo hoài mà không hết. Cô ta mang đi bán xong rồi về lại tiếp tục kéo, càng kéo vải càng ra nhiều. Xưa mỗi lần phải dệt cả ngày mới kéo được vải nhưng không hiểu sao sau khi qua chén cơm dâng ông cụ và chút tiền để sống qua ngày đó và lời nói được ông cụ nhắc trước khi ra đi thì việc làm đầu tiên mỗi ngày của cô là kéo vải đi bán thì vải cứ ra cứ ra hoài. Thế là cô ta ta đã kiếm được tiền sinh sống vừa đủ trong cuộc sống một cách nhẹ nhàng, bớt cơ cực hơn. Khi việc này tới tai cô buôn bán lụa bên cạnh, sẵn lòng tham nghĩ lại thấy tiếc và tự hỏi sao ta không cho ông cụ ấy ăn để rồi ta được chúc phúc. Cho nên cứ tìm ngược tìm xuôi, tìm đủ mọi cách để hy vọng gặp lại được ông cụ. Và cuối cùng đúng như ý muốn, ông cụ ăn xin đã tới và hôm nay cô buôn bán lụa cho ông cụ ăn uống đầy đủ đầy cả một mâm, tiền cũng cho nhiều và sau đó xin ông cụ chúc phúc. Ông cụ cũng vui lòng chúc phúc “Sáng mai thức dậy việc làm đầu tiên sẽ sanh phúc lợi”. Cô này mừng lắm, cả đêm thao thức ngủ không được bởi trằn trọc suy nghĩ coi việc đầu tiên ngày mai ta làm phải là việc gì để sanh phúc lợi, bởi vì chỉ một việc thôi, làm một việc mà việc gì đầu tiên để sanh phúc lợi. Cô ta cứ suy nghĩ như vậy cả đêm trằn trọc không ngủ cho đến khi sáng sớm, đã đến giờ cần phải thức để làm việc thì cô ta mệt lử cả người bởi cả đêm không ngủ và bao nhiêu suy nghĩ sắp đặt lựa chọn việc gì cần phải làm hồi khuya thì cô ta quên hẳn đi. Quên và cứ ngồi lừ ra đó không biết phải làm gì. Nhưng rồi thấy cái cổ nó ngứa, nó ngứa quá nên cô đưa tay ra đập một cái “đét” thì hóa ra là con rệp nó cắn ở trên cổ, cô đập một cái và kéo ra một con rệp đã chết. Đó chính là việc cô làm đầu tiên trong ngày là lại ngứa lại đập lại kéo ra 1 con rệp…. Vậy là số của cô là số cứ đi đập và bắt rệp hoài.
Các bạn, câu chuyện này có vẻ như rất bình thường trong đời sống. Nhưng nếu các bạn suy nghĩ thì thấy Phật học cũng tương đối như vậy. Tâm chân thật của con người nó cao quý đến cỡ nào, tâm chân thật cao quý lắm. Không cần biết nghèo hay giàu, chỉ cần tâm chân thật thôi đã có sự chúc phúc rồi. Bởi tâm chân thật của chúng ta là cội nguồn của cõi phúc nó tới. Ai không có tâm chân thật, phước báu không có thì làm gì có phúc. Cô thợ dệt có tâm chân thật vì thương cho một kiếp nghèo nên tặng một chén cơm, thêm một chút tiền để hộ thân trên đường đi, đã được ông cụ chúc phúc trong việc làm đầu tiên là kéo vải, cho nên cả cuộc đời kéo vải hoài không hết. Còn đối với cô buôn bán lụa, tâm tham đâu có chân thật, cho một mâm cơm cỗ đầy đủ hết đó, tiền vàng cũng cho nhiều để làm lộ phí đi đường nhưng đâu phải là tâm chân thật cho bởi san sẻ cho một phận nghèo đâu. Chẳng qua là tìm kiếm muốn được chúc phúc mà thôi. Ông cụ cũng chẳng phân biệt kẻ có tâm chân thật hay không có tâm chân thật bởi khi đến thọ dụng vật thực được cúng dường thì luôn chúc phúc. Thế nhưng người có tâm chân thật thì chẳng cần phải suy nghĩ trằn trọc băn khoăn cả đêm, ngủ thẳng cánh rồi khi dậy thì làm công việc bình thường thế là nhận được lời chúc phúc. Còn người tham không chân thật thì cả đêm thao thức suy nghĩ cho thật kỹ cái gì lợi lạc nhất, nhưng rồi mệt nhoài chẳng nhớ gì để rồi đập tay bắt rệp. Thế là cả cuộc đời chỉ có con rệp làm cho ngứa mãi đập mãi mà thôi. Các bạn thấy, cuộc đời của chúng ta khi chúng ta đi tới giáo lý của nhà Phật là chúng ta đi tới bằng tâm chân thật hay chỉ bằng tâm tham, tâm sân si, hay tâm so sánh hơn thua cao thấp đối với bạn bè đồng môn, người đồng đạo, đồng chùa, thiền am hoặc tịnh xá ta tới. Ta đi tới để tâm chân thật đó lãnh nhận sự chúc phúc của Như Lai qua lời khai thị giáo lý của Ngài. Để khi ta càng thực tập thì như ta càng kéo thì vải càng ra, càng thực tập thì càng có được sự lợi lạc. Các bạn, bằng tâm chân thật thôi thì pháp của Phật như lời chúc phúc của ông cụ kia. Khi ta được truyền pháp thọ pháp đó, ta thực tập như là một chuyện thường ngày vẫn làm mỗi ngày – miên mật trong hơi thở, ngồi xuống thực tập, thì chúng ta càng kéo vải càng ra, càng tu tập ta càng có được những phúc lợi trong cuộc đời, thực tế ngay kiếp này. Còn nếu chúng ta đi tới giáo lý của nhà Phật bằng tâm tham như là chỉ cầu lợi cầu danh cầu tài cầu quyền lực, cầu thế đứng trong xã hội thì vô tình chúng ta sẽ khó ăn khó ngủ để mệt sức và rồi gây ra những hành động vô thức như cô buôn bán lụa, đập vào cổ do ngứa khi con rệp cắn – kéo hoài ra rệp thành ra cái số mạng rệp. Các bạn thấy không, tâm chân thật là cội nguồn của phước báu, là cõi phúc bất tận không bao giờ khô cạn. Đừng mưu toan khi chúng ta tiếp cận học hỏi thực hành giáo lý của Phật. Một ông cụ tới là do nhân duyên. Một pháp ta được truyền và thọ để thực hành đều do nhân duyên. Với nhân duyên đó ta cũng cứ làm mỗi ngày đồng tu, mỗi ngày tự tu, mỗi ngày hành tu như cô thợ dệt công việc mỗi ngày là dệt vải và kéo vải. Và khi kéo vải ra vào ban sáng để bán sau khi đã dệt thì vải luôn dài. Nếu chúng ta biết dệt trong các pháp hành của nhà Phật mà khi chúng ta đã thọ pháp rồi – dệt hàng ngày tập hàng ngày từng hơi thở, từng hành động, từng suy nghĩ trong pháp thiện của Phật thì nhất định ta sẽ có được những tấm lụa thật là đẹp mang phụng hiến cho đời. Tâm chân thật dệt thành lụa chân thật, còn tâm tham sẽ tạo ra sự ngứa ngáy của những con rệp đang cắn vào cơ thể. Bạn làm gì vào buổi sớm thức dậy? Bạn không biết phải làm gì bởi cả đêm trằn trọc hay bạn vẫn tiếp tục làm những việc mà các bạn vẫn làm? Sự tu là sự thường nhật mỗi ngày ta nên tập. Cứ như vậy chẳng mong cầu gì như người thợ dệt – cứ dệt cứ dệt và cứ kéo cứ kéo. Mỗi một ngày ta dệt hơi thở chánh niệm vào trong phổi của chúng ta với tánh thấy biết, chỉ vậy mà thôi. Từng sợi tơ của hơi thở nhẹ nhàng vào ra dệt thành một tấm lụa hơi thở đầy đủ những màu sắc thật tuyệt mỹ dâng cho đời và đêm ngủ lại an ngày thức lại khỏe. Chẳng trằn trọc lo toan tính toán mưu mô cho ngày mai phải làm gì để có lợi thệt nhiều để rồi cả đêm không được ngủ, sáng dậy mệt đừ ra rồi trở thành vô thức chẳng kiểm chứng được, chẳng làm chủ được tư tưởng rồi làm những việc không chủ động được. Do đó tạo ra phiền não cho chính ta.
Các bạn, cuộc sống trên đời phước báu khác biệt nhưng vẫn đồng chung một mẫu số đó là tâm chân thật. Hãy cố gắng, nếu đã có lòng thương hãy chân thật mà thương. Đừng vì lợi để thể hiện phong cách là thương người, sự giả dối đó chẳng đưa tới sự thành tựu đâu. Cám ơn các bạn đã nghe.
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa