Tâm Sĩ đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.
Các bạn thân mến,
Sống là một sự lựa chọn thật sự. Ai ở trên đời cũng cần phải có sự lựa chọn đúng và phù hợp. Mỗi một sự lựa chọn đưa đến một hậu quả tốt đẹp hay xấu trong cuộc đời. Chúng ta đã nhiều lần lựa chọn một con đường để đi, một việc để làm. Và nhất định trong nhiều sự lựa chọn đó, có nhiều sự lựa chọn đúng đưa đến thành công, nhưng cũng có sự lựa chọn đưa đến thất bại. Các bạn nhớ nghĩ lại đôi chút để tự vấn lương tâm. Có bao nhiêu lần các bạn đã phải quyết định một sự chọn lựa, và những sự chọn lựa đó có mang đến sự thành công cho các bạn hay không? Dù chọn theo phương án nào, thì ở trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, cũng nhiều lần ưng ý với sự lựa chọn của mình, nhưng cũng nhiều lần cảm thấy buồn, bởi vì sự lựa chọn của chúng ta, không đưa đến thành qủa tốt đẹp.
Các bạn thân mến,
Nhưng mà ở đời ai trong chúng ta lại không bám víu vào những điều mình đã lựa chọn. Bởi con người thì luôn luôn nghĩ rằng, những điều chúng ta suy nghĩ, lựa chọn bao giờ cũng đúng, cũng quan trọng hơn tất cả những người chung quanh.
Có một câu chuyện kể như vậy: Có một anh chàng thuộc một dòng tộc học rất là cao, chữ nghĩa kinh điển thật là nhiều, nghiên cứu Phật pháp, muốn đưa tới sự thành tựu viên mãn. Anh ta học hỏi thật là nhiều, kinh nào cũng thuộc, thông thái vô cùng, nói chung ở trong thôn xóm, trong thành phố đó, ai cũng ngưỡng mộ một người hiền đức học giỏi, học cao. Bất cứ một sự giải thích nào trong thôn xóm bàn luận về chân lý, anh ta là người có thể mang tới sự thỏa mãn, bởi lời lẽ ngôn từ, giáo lý qua cách bình luận của anh ta, làm cho mọi người cảm thấy phù hợp và ai cũng khen ngợi.
Thế nhưng một hôm anh ta chợt suy nghĩ ra rằng, tất cả những gì anh ta học, chỉ là kiến thức ghi chép dựa trên sách vở trong kinh. Anh ta có được năng khiếu biệt tài, có được phước báu nhớ kinh sách, bao nhiêu dữ liệu người xưa để lại anh ta đều nhớ, bao nhiêu kinh sách người xưa truyền lại anh ta đều thuộc. Anh ta giải thích cho muôn người nghe, muôn người hiểu, ai cũng thích. Nhưng có một điều cuối cùng mà anh ta đã suy nghĩ, hóa ra anh ta bị lệ thuộc, bị ràng buộc vào những dòng tư tưởng kiến thức, kinh sách người xưa để lại. Anh ta không được tự do suy nghĩ, nói, hoặc nhìn thấy những điều mà anh ta nhìn, cần gì và được gì. Toàn bộ những sự dẫn giải, anh ta phải nhìn vào trong kinh sách, trong từng chữ, từng lời, mà trong kinh sách những chữ, những lời đó như khuôn mẫu, anh ta phải rập khuôn để dẫn giải.
Dĩ nhiên nói đúng sách đúng lời, muôn người đều tán thán, bởi vì đó là lời của sách, của kinh, của những bậc Thánh hiền. Nhưng đối với anh ta lúc này, cảm thấy đã bị quá ràng buộc, cho nên anh ta tự quyết định từ bỏ ra đi tìm một bậc cao niên, để giải quyết khỏi sự ràng buộc của ảo tưởng trong kiến thức, mà anh ta đã bị nhồi sọ bao nhiêu năm qua. Vẫn biết danh tiếng của anh ta lừng lẫy, vẫn biết muôn người thích thú ca ngợi, nhưng không hiểu sao, đến lúc này anh ta cảm thấy không hài lòng một chút nào, chính vì vậy mà anh ta đã bỏ làng ra đi, đến trong khu rừng thật là sâu, tìm những vị cao nhân chứng đắc khai thị cho anh ta.
Thế rồi nơi vùng xa ở giữa khu rừng, trên một phiến đá, có một vị ẩn sĩ, gọi là vị tu sĩ hoang dã sống trong rừng, ăn mặc rách rưới, nhưng tướng mạo lại tuyệt vời. Chính tướng mạo đó đã hấp dẫn anh ta, kéo anh ta đi tới, rồi từ xa anh ta quì xuống lạy liên tục, nhằm để cho sự thành công, có thể được đón nhận bởi vị tu sĩ hoang dã đó. Anh ta lạy, lạy, cứ thế lạy, bày tỏ lòng thành kính với vị ẩn sĩ tu hoang dã, sẽ nhìn thấy mà chấp nhận.
Đến khi tới thật là gần rồi, anh ta được vị tu sĩ hoang dã hỏi rằng: Anh đi kiếm gì? Bởi vì vị ẩn sĩ đó nằm ở rừng hoang, nhưng không ẩn, hiện rõ ràng mà, mắt chằm chằm nhìn vào anh ta hỏi: Anh đi tìm gì? Anh ta liền quì xuống lạy: Thưa Ngài, con đi tìm chân lý giải thoát. Vị ẩn sĩ nói: Anh giải thoát gì? cái gì ràng buộc anh? Anh ta trả lời: Con muốn tìm một giải pháp cao siêu, giải thoát tất cả sự ràng buộc con, là tất cả mọi thứ đều ràng buộc, con muốn giải thoát tất cả.
Vị Ẩn sĩ đó nhẹ nhàng đi quanh ba vòng, nhìn vào mắt anh ta và nói thật là rõ: Anh hãy nhìn khu rừng này, đồng áng mênh mông, rừng thì đầy cây xanh tươi tốt, đẹp hùng vĩ. Anh hãy nhìn cánh rừng, nhìn tôi, những cảnh anh đang nhìn là những cảnh vật bên ngoài, chẳng bao giờ ràng buộc được ai. Sự ràng buộc anh chính là những gì anh đang bám víu ở bên trong. Anh hãy bỏ đi tất cả những gì bám víu, thì tự thân của anh sẽ nhẹ nhàng, thoáng, rỗng bao la và anh sẽ nhìn ra mà thôi. Chưa ai nói câu đó, bởi tất cả kinh sách mà anh ta đọc, luôn luôn nhắc phải nhớ điều này, nhớ điều kia, phải thực hành điều số 1, số 2, số 3, số 4, có những qui cũ, phương cách, luật phải theo, có những ngôn từ phải xử dụng, có những chữ phải lập đi lập lại, chứ chưa bao giờ nói thoát ra những chữ nghĩa huyền bí đó, những phương pháp, phương cách đó, những kinh nghiệm đó.
Nhưng nay vị ẩn sĩ hoang dã trong khu rừng nói thật là to, thật là rõ. Hãy từ bỏ tất cả những gì đã bám víu làm nên con người của mình. Anh ta tư lự, tư duy, cuối cùng trong sự tư duy, anh ngộ, anh ta buông bỏ tất cả những gì anh ta bám víu vào, để thể hiện sự thành tựu, và anh thấy anh đã đi tới giải thoát, giác ngộ viên mãn trong cuộc đời.
Các bạn thân mến,
Cuộc sống của chúng ta, dù là những cái rất là nhỏ, thì cũng chỉ là sự vơ vét những kiến thức bên ngoài, để rồi chúng ta rập khuôn kiến thức đó mà thể hiện cái ta của mình, chứ chúng ta không mượn kiến thức đó, để mà suy nghĩ đột phá vươn lên khỏi sự ràng buộc của ngôn ngữ, kinh sách, kiến thức. Ngôn ngữ trong kinh điển để lại cho chúng ta đọc, nhưng để vượt lên mà đi tới sự tĩnh ngộ, chứ không phải tự mang ngôn ngữ, kinh sách đó ràng buộc như một khuôn mẫu y chang, để rập khuôn đúc mãi, sản xuất ra những hình hài, những con người y như những bậc cổ nhân xưa.
Tư tưởng không đóng khung, chân lý không nằm và tàng ẩn trong những mộc, trong những sách, trong những chữ, trong những cái được gọi từ đời này qua đời kia. Nó chỉ chuyển tải những chân lý, hàm ý để suy nghĩ vươn lên mà sống đời giác ngộ bình yên. Nhưng ở đời mấy ai thoát được điều đó, chúng ta chỉ bị dính vào, vướng vào trong đó và vùng kiến thức của chúng ta bị kìm hãm, tất cả đều bị kìm hãm co cụm lại, để rồi chúng ta đi ra là thể hiện những ngôn từ chết ở trong kinh.
Các bạn thân mến,
Hạnh phúc của nhà Phật không phải rập khuôn kinh điển, mà hạnh phúc của nhà Phật là tìm thấy từ sự hiểu biết. Cho nên Phật luôn đề cao Chánh Tư Duy. Hầu bất cứ một lời nào của bất cứ vị nào, vị đó chúng ta kính trọng, đã chứng đắc, ngay cả lời của Đức Phật đi nữa, thì Đức Phật luôn khuyến khích chúng ta phải biết tư duy, đừng vội vàng rập khuôn mẫu, mang ra để mà áp đặt chúng ta thực hành, hoặc để áp chế khuôn mẫu đó vào những người khác phải làm theo.
Sống ở trên đời thật khó, thật khó bởi thói quen của chúng ta. Nếu rời xa chữ nghĩa, kinh sách đó, chúng ta còn kiến thức gì để sống, vì lâu nay chúng ta vẫn rập khuôn. Kiến thức không phải là một vùng kiến thức thô, chết trong ngôn ngữ sách vở. Kiến thức là kiến thức của chân lý, nếu nói về Phật pháp, do vậy Phật pháp là chân lý không bị nhốt vào trong chữ, trong kinh, hay bị nhốt rập khuôn trong những điều gì mà chúng ta cho rằng phải đúng. Cái đúng của nhà Phật là cái đúng của nhân duyên, cái đúng của nhà Phật là cái đúng của nhân quả, phước báu, nhân duyên của từng con người.
Đức Phật đã nói: Nhân duyên, phước báu của mỗi con người khác biệt, nghiệp chướng khác biệt và chúng ta hoàn toàn khác. Cho nên mỗi một người có pháp phương tiện khác biệt, để làm sao chuyển hóa nội tâm phiền não, đau khổ đạt tới sự hạnh phúc, bình an.
Các bạn thân mến,
Cuộc sống thật là ngắn, chớ ôm mình rập khuôn trong khuôn mẫu của những bậc Cổ đức, Thánh hiền, bởi ngôn ngữ và kinh sách. Nhưng phải hòa mình thông hiểu được những ngôn ngữ đó, dung thông với chân lý mà các bậc Cổ đức, Thánh nhân ngày xưa mượn chữ đó, để chuyển tải cho chúng ta vượt qua mọi ngăn ngại của ngôn ngữ, giới hạn của ngôn ngữ, đạt tới chân lý cao siêu, nhiệm mầu. Mà ngôn ngữ dù tài giỏi, bác học tới đâu cũng không thể chuyển tải, không thể thể hiện được chân lý đó, một chân lý không có giới hạn trong những ngôn ngữ. Định mạng có giới hạn và hạn hẹp. Cuộc sống giác ngộ là từ trí tuệ, mà trí tuệ không khô cứng trong ngôn ngữ.
Các bạn, sống ở trên đời nhất là học đạo giải thoát, chúng ta phải giải thoát khỏi quan niệm này, như anh chàng kia bao nhiêu năm ràng buộc trong kinh sách, giảng hay, người ta khen, đúng đấy, nhưng rồi cuối cùng phát hiện ra, tất cả mọi sự dồn nén, áp chế mình vào, đã tạo ra sự ảo tưởng ngôn ngữ, còn chân lý thật không nằm ở trong ngôn ngữ, nó tự do thanh thoát cả một vùng trời cao lớn, rộng mênh mông, hư không bất tận, chẳng phải nằm trong vùng ngôn ngữ ảo dụng, do chính đầu óc hạn hẹp của con người chế tạo ra.
Hãy sống với chân lý, chứ đừng đắm chìm trong những khuôn mẫu kinh điển đó, dĩ nhiên ở trên đời, vẫn còn nhiều khuôn mẫu chúng ta phải đi theo, để tự giải thoát khỏi khuôn mẫu đó mà vươn lên. Nếu chúng ta không thấu hiểu được khuôn mẫu đó, chúng ta bắt đầu đi vào những bước ban đầu, chúng ta phá những khuôn mẫu căn bản, thì vô tình chúng ta đả phá những cục gạch và xi măng đầu tiên, tạo nên những nền tảng vững chắc cho một lầu đài, được xây dựng sau này.
Tất cả những khuôn mẫu của người xưa rất cần, nhưng khi đã xây nền tảng vững chắc, bởi trí tuệ và tư duy, chúng ta cần phải xây trên nền tảng đó những gì từ sự hiểu biết của chúng ta, cái gì tư duy chân lý, cái gì thấy được ở nơi đó.
Cám ơn các bạn đã lắng nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa