Có những người bị mất của, bị lừa gạt, bị mất người thân họ đang rất buồn thì có một số người Phật tử nói là do họ gieo nghiệp ác nên phải chịu như vậy. Mặc dù là nói đúng với giáo lý Nhân Quả, nhưng trong trường hợp người ta đang buồn như vậy thì Người phật tử cũng không nên nói phải không Thầy? Ta nên như thế nào để khuyên người đang bị nạn để họ không nghĩ quẫn ạ?
Mô Phật, ba đời chư Phật, Bồ tát, thánh hiền, khéo ăn, khéo nói, khéo đa phương tiện, để cho những chúng sanh như Bảo Thành và các bạn không dễ nổi sân tạo nghiệp. Nhưng chúng ta chưa là Phật, miệng nó nhanh hơn đầu, nhìn cái là nói, cứ theo hình mà bắt hình dong, theo bóng, theo hình mà đoán mò như người mù. Dựa trên căn cứ nào để chúng ta phán xét như một ông tòa. Dựa trên căn cứ nào để chúng ta phán xét như một thượng đế rằng người đó tạo nghiệp nên cái quả như thế. Chúng ta quá vội vàng, ứng dụng công thức một cách cứng nhắc, mà chưa có trí tuệ nhìn thấu được sự ứng hiện của hiện tượng đó trong giây phút đó. Chúng ta mới nhìn bề mặt sơ sơ của hiện tượng, chưa nhìn sâu vào chiều sâu của tâm thức nhưng cứ vội vàng như một ông giáo, phán xét đúng, sai, nhân quả để từ đó ta tăng cao vọng tưởng, vọng tâm, vọng ngữ, vọng hành động. Mà trong những vọng như vậy, Kinh Lăng Nghiêm dạy cho chúng ta phải lìa xa. Bởi khi vọng tâm tạo ra vọng ngữ, vọng động thì sẽ tạo ra nghiệp cho ta và gây ra nghiệp cho người có sự cộng hưởng khó gỡ. Chẳng ai dám chắc rằng, người đó đang gặp tai họa là bởi vì nghiệp ác, người đó có người thân mất bởi vì nghiệp ác, chẳng ai rõ, chỉ có đức Phật mà thôi, biết đâu, biết đâu các bạn thử hỏi rằng những hiện tượng đó là những hiện tượng mà mẹ Quan thế âm ứng hóa trong nhiều trường hợp để mang một bài học đánh thức lương tâm của người đang trực diện. Cũng như những con người chứng kiến hiện tượng đó, thói quen ở đời rất vội phán xét, hãy từ bỏ cái tâm phán xét. Các bạn đừng bao giờ nói vì nghiệp, mà hãy khéo sử dụng ái ngữ, hướng thượng để dẫn đưa người đó vượt qua. Một người té xuống bùn sình lầy thì hãy cứu họ lên đi, đừng có ở đó mà thuyết một thời kinh Koran: “Tại sao lại rớt xuống đống sình, không biết đống sình lầy rớt xuống là không có thể lên hay không? Đi phải để ý từ nay đi phải cẩn thận, rớt xuống sình rồi khó”. Khi bạn giảng xong một đoạn kinh Koran, người đó chết rồi. Khi bạn phân tích nghiệp quả thì bạn giết chết tâm cảm của người kia, làm lụt ý chí và làm cho họ đau đớn khôn xiết hơn. Các bạn nhớ, thấy người rớt xuống sình, quăng sợi dây, nếu không biết bơi để kéo họ lên, hoặc làm một nhịp cầu dìu dắt. Đừng ở đó mà chì chiết, những lời mà ám thị rằng họ vì nghiệp ác mà tạo, mà xảy ra, đó là những lời chì chiết có tính cách tưởng như thực mà không thực. Bởi ta chỉ nói bằng vọng tâm, ta chưa có con mắt y pháp mà nhìn với thực tướng của pháp đó như bậc giác ngộ. Ta chỉ nói trong sự mần mò của công thức nhân quả ta nghe sơ sơ. Như con sáo nghe được tiếng người, bập bẹ bắt chước theo. Khuyên tất cả những ai đã quá vội vàng ứng dụng cách là “Trung ưu nghịch nhĩ”, Lời ngay đau lòng, đó không phải là cái lời ngay mà là lời của vọng tâm. Hãy quăng dây khi người ta té xuống sình, tay đưa tay đỡ họ khi họ té xuống.
Các bạn, trong cuộc sống, ai ai trong chúng ta rồi sẽ một lần hoặc nhiều lần phải đương đầu với những nghịch cảnh làm cho trái tim đau đớn, cho nước mắt không thể ngừng. Và vì vậy nếu chúng ta có những người bạn đang trong tình cảnh đó, hãy mang tình yêu thương và lòng bao dung diệu dụng phương tiện bằng ái ngữ tạo một nhịp cầu cho người đó vịn vào, để bước lên, để mạnh mẽ hơn. Đừng vừa đẩy, vừa thuyết, không cần thiết, không cần thiết. Ngay trong giai đoạn đó hãy chữa họ, hãy giúp họ, hãy nâng đỡ họ, một vị Bác sĩ thấy người đụng xe gẫy chân mà không chữa ngay bằng những phương pháp y học, ngồi đó mà thuyết về y học, phải cẩn thận lái xe, lái xe thì phải đúng đường theo những dấu hiệu không được uống say, không như vầy, không như kia, giảng xong đau chân quá ổng chết rồi. Chúng ta không phải lý lẽ nhiều với những người đang đau khổ, chỉ cần có trái tim biết đồng cảm, biết thông cảm mở rộng yêu thương, che chở và dìu dắt. Đó là chúng ta biết đối đãi bằng cái tâm diệu dụng phương tiện, để mang niềm vui của chính ta đánh thức lại niềm vui của họ, để chuyển hóa đau đớn vô cùng mà họ đang phải trực diện. Hãy ngừng ngay sự chì chiết, hãy ngừng ngay những sự thuyết pháp về luật nhân quả, ta vẫn là phàm phu, ta vẫn nhìn bằng vọng kiến, vọng tâm, cái nhìn của ta không rõ. Đừng tự đưa mình lên như một ông giáo để phán xét, một ông tòa để phán xét, một ông trời để trừng phạt bằng những lời quá nặng. Những lời nói bằng vọng tâm đó người nói sẽ tự tạo nghiệp cho bản thân, và đồng thời tạo ra cộng nghiệp bởi vì làm cho tâm hồn của người kia u ám, nặng trĩu, đau khổ hơn. Hãy tránh những cách như vậy. Hãy nói những điều sách tấn hơn mà câu tiếng Việt ngày nay chúng ta gặp nhau khi hoạn nạn hay nói “Cố lên, hãy cố lên, tin tưởng vào Phật, Pháp, Tăng, tin tưởng vào ngũ giới, giữ cho thanh tịnh, tin tưởng vào thập thiện, tin tưởng vào chánh niệm của đời sống. Những khó khăn thử thách của bạn rồi sẽ qua đi, bão tố rồi sẽ qua đi”. Cám ơn các bạn, Mô Phật.
Tham vấn Phật Pháp 6, https://youtu.be/evm1jfe-0y8