Search

Chuyên tâm tu, không dính mắc đời thường. Nằm thiền, đứng thiền, đi thiền là gì

Làm sao có thể chuyên tâm tu tập, không dính mắc chuyện đời thường? Nằm thiền, đứng thiền, đi thiền là hành như thế nào ạ?

Người ta cứ nghĩ rằng tu thiền là phải tách rời khỏi thế gian, và có câu hỏi đặt ra, nếu ai cũng tách rời hết rồi vào núi, vào rừng thì rừng núi đó sẽ biến thành thành phố, ngược lại thành phố lại biến thành rừng mà thôi.

Tu không phải rời thế gian, tách thế gian, mà thế gian và đạo cùng với nhau nhập thế.

“Làm sao để chúng ta tu?”, đó là câu hỏi mọi người thường hỏi. “Làm sao để không bị sự bận rộn trong cuộc đời lôi kéo và làm sao tách rời ra để tu?”.

Thật ra, sự việc trên đời đều do nhân duyên, Đức Phật sinh ra cũng là một thái tử có đầy đủ vàng bạc, danh phận cao quý, Ngài biết từ bỏ. Trong cuộc sống, không phải ai cũng có thể từ bỏ để thể nhập vào thể tánh đâu. Chúng ta đừng quá vội vàng mà hãy chọn từng phần, từng phần nhỏ, theo từng nhân duyên để gọt, giũa, mài, dùi, buông bỏ một cách từ từ, ta sẽ thành công. Còn nếu các bạn mong muốn quá mức, các bạn sẽ không bao giờ thành công.

Do đó, trên con đường tu tập, nhớ rằng, đọc một cuốn sách đừng lật trang cuối. Đọc rất từ từ, thấu hiểu từng chữ, biết được từng nhân vật và rồi ta sẽ hiểu thấu câu chuyện trong cuốn sách đó và tìm ra những điều hay, lẽ phải trong cuốn sách đó để ứng dụng vào đời sống của chúng ta. Đức Phật dạy cho chúng ta biết bao nhiêu pháp môn, cách tu luyện, chúng ta cứ như, như gì? Như con khỉ nhảy từ trang này qua trang kia, lật ngược lật xuôi rồi trở vào trong những thư viện tìm đủ mọi sách, mà có khi nào mang từng câu chữ trong những sách đã đọc để ứng dụng trong đời sống đâu. Do vậy, ta chỉ là khỉ thôi, quá may là thành Tề Thiên Đại Thánh, còn không thì lại hóa đá, bị nhốt ở trong ngũ dục, ngũ uẩn. Cho nên chúng ta nhớ rằng, hãy cố gắng thực tập, cứ từ từ mà đi. Và cứ thực tập một cách miên mật từ từ, từ từ như vậy, chúng ta sẽ thành công. Đừng quá vội vàng, đừng quá mong mỏi tối hậu phải tu như vậy.

Cho nên để làm sao tu trong đời thường và giữ được Chánh Niệm? Tưới cây cũng phải từ từ, ngâm cả hạt giống xuống vũng nước, nó sẽ thối. Chúng ta gọi là tinh tấn, nhưng làm quá nhiều thành ra tà tinh tấn. Cứ từ từ, từ từ và từ từ, chúng ta sẽ thành tựu. Trong cuộc đời bận rộn, là Phật tử tại gia, chúng ta hãy khéo. Ở đời hơn nhau chữ “khéo”. Nếu khéo tu sẽ thành tựu, không khéo tu, dù có ngày tháng miệt mài Kinh sách, gần chùa chiền, các đạo tràng, khóa này khóa kia cũng không thành tựu được đâu. Khéo, người khéo luôn luôn thành công. Khéo là biết lượng sức, hiểu thấu được hoàn cảnh của mình. Khéo là hiểu thấu pháp môn nào phù hợp với chúng ta. Khéo là tiếp cận được với phước báu, nhân duyên thấu rõ được bản thân và lời dạy của Chư Phật, ứng dụng đúng mang lại lợi lạc, ta cứ thế từ từ đọc từng trang, hành từng chữ và thời gian trôi qua, tích tiểu thành đại, chúng ta sẽ thành công.

Cho nên lời khuyên chân thật là hãy hỏi lại thử pháp môn ta tu có phù hợp với ta không? Bậc thầy hướng dẫn có nhân duyên, phước báu với ta hay không? Nếu hai điều kiện đều có thì điều kiện thứ ba đòi hỏi ở nơi ta là phải cố gắng, tức là tinh tấn, chúng ta sẽ thành công. Còn nếu điều kiện đầu không có thì ta cố gắng tư duy, tìm pháp môn phù hợp, tìm một vị thầy phù hợp, một bậc thiện tri thức phù hợp để hướng dẫn. Còn nếu ta có được cả ba điều kiện đó, các bạn từ từ sẽ thành công, đừng quá vội vàng mới đặt hạt giống xuống đã muốn trổ quả, thu hoạch rồi thì điều đó không bao giờ có, không bao giờ có. Đức Phật nói trong Đại Thừa rằng Ngài đã tu vô lượng kiếp, nay mới thành Phật, ta tu bao lâu rồi mà cứ vội vội vàng vàng mong muốn thành để rồi khi gặp những thử thách hoặc những người khác nói tới nói lui, ta nản chí, ta bỏ cuộc?.

Nhớ tiếp cận với vị Thầy và tìm hiểu xem vị Thầy đó có phải là vị Thầy nhân duyên phù hợp hướng dẫn cho ta không? Và tiếp xúc với pháp môn đó, phải luôn luôn đặt câu hỏi, đừng vội vàng tin. Qua sự trải nghiệm thấy pháp môn đó hữu dụng với chúng ta và hỏi lại ta có tinh tấn chưa? Có đủ ba điều kiện, dữ kiện đó, bạn nhất định sẽ thành công. Còn bạn chưa thành công là một trong ba điều kiện đó thiếu một, thiếu hai, hoặc thiếu cả ba. Cố gắng tư duy, nhận xét cho kỹ để bắt đầu trở lại trên cuộc hành trình thực tập khám phá những lý thú vi diệu của Phật tánh nơi ta vốn có. Mô Phật!

Dạ, bạn có hỏi là nằm thiền, đứng thiền, đi thiền là hành như thế nào ạ?

Nằm thiền, đứng thiền, đi thiền, thiền là sao? Thiền tức là tỉnh giác. Chứ không phải thiền lúc nào cũng hít thở, hít thở, mình đang làm thì người ta hỏi, thiền. Hỏi tới thì mình nói: “Ôi! Tôi đang đi thiền, tôi đang đứng thiền, tôi đang nằm thiền”. Thiền tức là tỉnh giác, biết, biết mình đang tỉnh trong sự giác ngộ. Giác tức là hiểu, biết được tất cả mọi vấn đề. Cho nên nằm thiền, đứng thiền ngồi thiền, đi thiền, ăn thiền, bất cứ mọi hoạt động gì cũng gọi là thiền nếu chúng ta luôn luôn giữ được tánh biết Chánh Niệm.

Không nhất thiết phải ngồi xếp bằng, kiết già, bán già, tư thế này tư thế kia, rồi làm này làm kia. Không cần! Đó là giây phút chúng ta tập trung vào thì chúng ta tu tập mà thôi. Còn trong mọi hoạt động của cuộc sống, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, nói chuyện, coi tivi, làm việc trên máy vi tính, làm việc ngoài đồng áng, lái xe,…chúng ta đều có thể thiền được. Nếu luôn luôn Chánh Niệm thì đó gọi là thiền. Cho nên bạn cố gắng sống Chánh Niệm bằng cách thực tập hơi thở đều đặn trong mọi lúc hoạt động của cuộc sống, đi, đứng, nằm, ngồi, trong mọi sự làm việc và hoạt động của đời thường, đó gọi là thiền. Giữ Chánh Niệm gọi là thiền.

Cảm ơn, Mô Phật!

Tham vấn Phật Pháp 10, https://youtu.be/vgw72v2nMSw

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn