Thầy có giảng cho chúng con nghe là Thầy chưa từng biết sợ hãi là gì, bởi vì Thầy đã thấm nhuần lời Phật dạy. Vậy sự không sợ hãi này có thể hiểu là sự tự tin của một người không ạ? Con là một người rất hay lo âu, sợ hãi và thiếu sự tự tin trầm trọng. Xin Thầy khai thị cho con, bây giờ con phải tu như thế nào để khắc phục và chuyển hóa tình trạng này. Con cám ơn Sư Phụ. Mô Phật!
Trả lời: Mô Phật! Hồi xưa Bảo Thành hay sợ lắm, sợ một cách mông lung, sợ một cách không rõ, sợ có được cái này rồi nó mất, sợ không đạt được điều này, sợ không bằng người, sợ so sánh với bạn bè, so sánh với người thân, so sánh đủ thứ, thấy mình thiếu, mình thua, mình thiệt, mình không bằng họ. Nhiều cái sợ nó làm cho lúc nào cũng không có được vui. Nhưng khi Bảo Thành tu qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để quán chiếu về trí tuệ, nhìn xuyên qua vô thường, đúng theo lời Phật dạy, hồi xưa không hiểu và thấy nhưng mà chưa có sống được, chưa có tật thể nhập vào chân lý đó để sống, cho nên còn quờ quạng dữ lắm, nên sợ, chuyện gì cũng sợ hết. Sợ đến mức mà đôi khi không dám làm gì, sợ đến khi bệnh luôn, sợ mà thiếu đi tự tin. Dĩ nhiên khi chúng ta không còn sợ (bằng cái hiểu chứ không phải sợ như người ta gọi là có gan lớn, không biết sợ gì), sợ bởi hiểu bằng trí tuệ quán chiếu sẽ giúp cho chúng ta có niềm tin, niềm tin đó dựa trên cơ sở của sự tu, của sự thực hành, chứ không phải niềm tin đó bởi vì ta tin rằng ta có sức mạnh, sức mạnh đó là do lá gan quá bự, không sợ, liều mạng.
Bảo Thành quán chiếu mật ngôn số 02 thấy như lời Phật dạy các pháp đều vô thường sanh diệt, trải qua nhiều năm quán chiếu, thể nhập và hiểu được, và thấy rõ ràng vạn pháp trong cuộc đời đều vô thường sanh diệt, từ đó mà những điều có hay không đều tới và đi theo nhân duyên. Vậy thì sống trên cuộc đời này, những điều ta làm được, thực hiện được đều do nhân duyên của phước báu thành tựu qua công hạnh tu tập và dù công hạnh có lớn bự như núi Tu Di, nó tới rồi cũng sẽ đi. Và thấu được tinh thần vô ngã. Hồi xưa còn: “À ta như vầy, ta như kia” nên đi đâu cũng sợ đứng sau, đi đâu cũng sợ thua. Để rồi cho tâm ngã mạn vươn dậy, ưỡn ngực lên đằng trước để xô đẩy người ta té xuống, đạp lên họ mà vươn lên để thành được những mục đích của mình. Nhưng ngày nay đã không còn sợ, bởi hiểu được vô thường và vô ngã.
Cho nên đó là kinh nghiệm riêng của Bảo Thành. Dĩ nhiên mỗi một người chúng ta có phước báu và ứng dụng những phương tiện của Phật pháp khác biệt để thành tựu được niềm tin vào cuộc sống không còn sợ hãi. Nhưng kinh nghiệm riêng của Bảo Thành do thực tập mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, dùng trí tuệ thể nhập vào lòng từ bi quán chiếu vô thường và vô ngã, từ đó tìm được niềm tin vững chải trong cuộc sống ở chỗ không còn chấp vào cao thấp, hơn thua. Để rồi bị tám luồng gió chướng là được và mất, khen và chê, tốt và xấu, đau khổ và hạnh phúc biến thành cơn cuồng phong bão tố, biến thành những cơn lốc xoáy cuốn mình vào trong đó, điên đảo thần hồn đau khổ. Tám luồng gió chướng đó trở thành tám luồng gió mát hiện diện trong cuộc đời bằng sự sáng của trí tuệ, sự ấm áp của lòng từ bi, cho nên Bảo Thành hết sợ.
Các bạn nếu thực tập mật ngôn số 02, quán chiếu trí tuệ của mình và từ bi, thấu rõ được vô thường và vô ngã, bạn sẽ bớt khổ dần dần và hết khổ. Để rồi tám luồng gió chướng của cuộc đời, Bảo Thành nhắc lại: hai luồng gió chướng của được và mất sẽ không làm bạn đau khổ, không làm bạn sợ hãi; hai luồng gió chướng của khen và chê; của xấu và đẹp; của đau khổ và hạnh phúc, hiểu thấu được điều đó bằng sự thực hành quán chiếu, bạn sẽ như Bảo Thành không biết sợ, hoặc còn hơn thế nữa. Có niềm tin vào cuộc sống và niềm tin cuộc sống đó là niềm tin qua công hạnh tu tập. Mong rằng bạn thực tập để có được điều đó như Bảo Thành bởi đó là pháp bảo quý nhất qua sự thực hành!
Mô Phật!
Tham vấn Phật pháp 12, https://youtu.be/AFyxY_UZyg4