Bảo Như đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh
Bảo Thành kính chào các bạn trên mạng Youtube Thất Bảo Huyền Môn và trên Facebook Chùa Xá Lợi. Chúng ta lâu rồi, hầu như đã quen hình bóng và âm thanh của nhau, cũng là do hai chữ Nhân Duyên ở đời, đã có nhân duyên dưới một góc độ nào đó, chúng ta đã là bạn.
Hôm nay Bảo Thành kể cho các bạn nghe một câu chuyện thật là vui, mà hầu hết ai trong chúng ta cũng ít nhiều gì đã từng làm, nhưng chưa chắc đã đồng quan điểm với người kia đâu. Quan điểm như thế nào, hãy nghe câu chuyện để cùng hiểu.
Có một ông Quan rất giàu, lại có lòng nhân ái, bác ái, bao dung, che chở cho người nghèo. Ông ta thường đi tới một xóm nghèo định mệnh truyền kiếp, bởi vì xóm nghèo này là xóm nghèo của bao nhiêu đời tổ tiên ông bà nghèo khổ rớt mồng tơi truyền lại, truyền kiếp, định mệnh mà chẳng thoát ra được. Ông Quan có tiền, nên thường tới đó cho tiền, cho của cải vật chất, để xóm nghèo sống qua ngày. Ông ta rất hạnh phúc khi nhìn thấy xóm nghèo đó có niềm sung sướng trên đôi mắt, cử chỉ, khi ông ta tới phát quà cho tiền, hỗ trợ đời sống cho xóm nghèo truyền kiếp này. Ông ta cũng vui, bởi bao đời làm Quan trong gia tộc, Cha Mẹ cũng từng làm việc thiện, và ông cũng làm việc này như để nhớ lại công đức Cha Mẹ, nhiều đời truyền lại tâm thiện.
Ông Quan thường lệ mỗi tháng một lần, phải đi kinh lý phương xa, khi trở về thì làm từ thiện ở làng nghèo đó. Ông ta đếm và điểm danh, thấy ở đây hồi xưa có ba ngôi nhà là những túp lều tranh, nay đã không còn thấy nữa, ông ta rất buồn không biết là họ còn sống hay không. Đến khi tìm hiểu ra, dân làng đã cho những lời khai thị, ông Quan nhận ra, ba nhà đó không phải đã chết, đã đói nghèo, mà nay đã mua nhà cao cửa rộng, con cái học hành đỗ quan tiến chức.
Ông Quan đi ngang qua ngôi nhà thật là lớn đẹp giàu có, ở trên cổng đề những tấm bảng “con của họ làm Quan”. Ông ta rất buồn vì đây là những người Ông ta giúp đỡ lúc nghèo, mà nay giàu có, sao mình không hay. Ông ta suy nghĩ miên man, có phải chăng xóm nghèo này đã lợi dụng tiền bạc của ông để mua nhà lầu, nên ông ta chạnh lòng buồn lắm. Ông ta bực tức vô cùng vì nghĩ rằng, nghèo là nghèo từ trước, nên ông ta luôn giúp đỡ, đâu có thể một người nghèo, lại mang tiền của ta, của cải của ta, vật chất của ta cho, để xây dựng nhà cao cửa rộng, để con cái trở thành quan đâu. Ông ta bực mình, tuy không có buồn nhưng tức giận, ông ta nói không buồn, nhưng trong lòng sầu muộn dữ lắm, vừa tức vừa buồn thui thủi, hình như cũng vì tự ái.
Thế rồi ông ta đi về nhà, người vợ mới nói với ông rằng: Thưa anh, chiều nay sẽ có một Quan Thần trên Triều đình gửi tới để thăm anh. Ông ta liền chuẩn bị yến tiệc ngon lành, để đón vị Quan. Đến chiều vị Quan tới, đó là một vị Quan trẻ oai nghi, tuấn tú, ông Quan phải quỳ xuống chào đón, bởi vị Quan trẻ kia có chức vị Quan Thượng phẩm cao hơn. Nhưng vị Quan trẻ không thể để cho một vị Quan lớn quỳ, nền đã cúi xuống nâng vị Quan lên, rồi chấp tay bái lạy vị ân nhân phụ mẫu của mình. Ông Quan lớn tuổi ngạc nhiên, nhưng rồi qua sự trao đổi nói chuyện với nhau trong buổi tiệc thân thiện, ông Quan lớn tuổi mới nhận ra, vị Quan trẻ kia chính là một trong những đứa con của gia đình đã thành tựu, thay đổi cuộc sống, và qua cách ăn nói đối xử, ông Quan lớn cảm nhận được ân tình thực sự của một người sống trong xóm nghèo truyền kiếp, biết nương vào sự giúp đỡ của những người có khả năng, để vươn lên sống thành tựu, nhưng vẫn mang lòng tri ơn, chân thành, kính trọng những quý nhân đã giúp đỡ họ. Bởi vậy khi được vào làm Quan Thượng phẩm trong Triều đình, vị Quan trẻ đã tâu với Vua, cho phép dẫn ba quân tướng sĩ, đi đến tận nhà ông Quan này để tri ơn.
Các bạn thân mến,
Nói đến góc độ đầu tiên, khi ông Quan này chưa gặp vị Quan trẻ, lòng ông Quan có vẻ hơi buồn, có lẽ nó đúng với tâm trạng của Bảo Thành và các bạn. Chúng ta thi ân vẫn còn cầu báo, chúng ta làm việc thiện, vẫn mong những người đó nghèo truyền kiếp, khổ truyền kiếp, để chúng ta có nơi tới giúp đỡ chia xẻ, để chứng tỏ chúng ta an ủi họ. Nhưng chúng ta đâu có biết rằng, chính nương vào phước báu của người như chúng ta trao tặng cho họ, bởi tâm từ bi đó, họ có tâm thành kính tri ơn, tăng trưởng phước báu, thoát nghèo thoát khổ để thành tựu.
Nhưng ở trên đời, Bảo Thành và các bạn chưa có tâm rộng lớn như vậy đâu, giúp đỡ ai nghèo, ai khổ, hình như trong tâm vẫn mong họ khổ họ nghèo. Điều đó Bảo Thành đã từng trải qua, trong tâm trạng nhiều người tới Chùa, để giúp đỡ trong lúc hoàn cảnh Chùa nghèo, nghèo xơ nghèo xác, mà thật sư ngôi Chùa của Bảo Thành, thành lập lúc đó năm 2002, chỉ là một chuồng bò hoang sơ, không bếp, không điện, không nhà vệ sinh, không tất cả, Phật tử tới giúp đỡ. Một thời gian sau không thấy các Phật tử đó tới, hỏi ra họ nói: Chùa đó nghèo quá, bây giờ thành Chùa rồi, có của cải rồi, không tới nữa.
Hình như chúng ta đã bị mặc định suy nghĩ đó ám ảnh, sao chúng ta không nghĩ như vị Quan trẻ, tiếp xúc với ông Quan lớn và tri ân. Tất cả sự thành tựu của những con người tới từ bàn tay trắng, luôn luôn ghi nhớ và tri ơn tấm lòng của muôn người đã giúp đỡ, đưa đến sự thành tựu đó. Chúng ta nhớ rằng sự thành tựu của một ai đó, do sự giúp đỡ của chúng ta, tâm chúng ta sẽ vui và hạnh phúc đối với họ, bởi chúng ta đã đưa họ thoát ra khỏi cảnh nghèo, chúng ta đã đặt một bàn tay giúp đỡ, để thành tựu được những gì ngày hôm nay. Nếu có tâm như vậy chúng ta vừa thành tựu hạnh cúng dường bố thí, giúp đời bác ái khoan dung, mà thành tựu được công hạnh, để giúp người thoát ra, không phải chỉ giúp cho họ sống như vậy, mà giúp vươn lên, đó là chân lý của Phật.
Đức Phật tới trong cuộc đời, không phải để ban cho chúng ta hạnh phúc, bố thí cho chúng ta niềm vui, mà Ngài tới song hành với chúng ta, trình bày chỉ dạy cho chúng ta, thoát ra trong cảnh sống của kiếp nghèo truyền kiếp, trong sanh tử. Cho nên khi chúng ta thoát ra khỏi sanh tử, tam thiên đại tiên thế giới, chư Phật mười phương đều hoan hỉ đều vui. Sao khi chúng ta giúp được một người nào đó, thoát ra khỏi khốn cùng đau khổ, chúng ta lại không ưa? Ơ, cái thứ nghèo, không nhờ tui làm sao mà thành công được ngày hôm nay. Chỉ có chiều hướng suy nghĩ như vậy, chúng ta mất hết phước báu.
Phước báu con người thành tựu là do cái tâm, do vậy mà, các bạn thân mến, sống ở trên đời khi thực hiện hạnh bố thí như ông Quan kia, ông ta còn phước báu của Cửu huyền thất tổ, của Ông bà để lại, nên khi vị Quan Thần Thượng phẩm trẻ ở Triều đình xin Vua về thăm thổ lộ, thì ông ta cảm nhận được, nên đã thay đổi suy nghĩ của mình. Hạnh phúc thay khi chúng ta biết thay đổi để sống.
Chân lý của Đức Phật dạy cho chúng ta, hãy nhìn rõ sự việc để thay đổi cuộc đời của mình. Sống để vươn lên, nương nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người, cũng như chúng ta nương nhờ vào trí tuệ của Đức Phật và giáo lý của Ngài dạy, để chúng ta tự suy nghĩ, tư duy, ứng dụng vào để vươn lên. Đức Phật rất là vui, rất hạnh phúc, và dĩ nhiên Đức Phật sẽ mừng vô cùng, bởi sự khai thị giúp đỡ của Ngài, qua cách dạy dỗ chúng ta, chúng ta đã thọ dụng, ứng dụng và thành tựu được ước muốn của Phật. Nên ở trong đời, khi giúp đỡ ai, các bạn nhớ kèm theo những tư tưởng thanh cao hơn, mong rằng một ngày nào đó, những người đó thoát nghèo, thoát khổ và thành tựu hơn chúng ta nữa. Có tâm như vậy thì chúng ta xây dựng được nhiều phước báu.
Đây không phải là một sự bố thí làm việc, để mong cầu phước báu, mà đây là chân lý của Đức Phật dạy, chúng ta trao điều gì, chúng ta nhận được điều đó, trao từ tư tưởng, lời nói và hành động.
Đôi khi các bạn nhầm lẫn rằng, chúng ta làm việc vì nhu cầu phước báu, mà đúng, ở trong con người, trong kiếp đời này, hầu bất cứ một việc gì làm, chúng ta phải dựa trên nền tảng của nhân qủa, mà đã gọi nhân qủa là có phước hay không có phước, đó là sự hiển nhiên chẳng cần tham báu, đừng vì mặc cảm nói vào nói ra, gán ghép là chúng ta làm việc, mong cầu phước báu mà không được.
Đã là con người chúng ta cầu pháp thiện, để loại trừ pháp ác, dĩ nhiên pháp thiện chúng ta cầu mong, hành động đó sẽ tương ưng có được phước báu, đó là sự hiển nhiên, không có gì ngăn ngại khó chịu. Sống hiểu rõ được chân lý đó. Mục đích của chúng ta có phước báu, chúng ta hành thiện, có tai họa vì chúng ta hành ác, lựa chọn phước báu để hành thiện.
Con người cứ lập lờ nói ngược nói xuôi, không lẽ trên đời chúng ta làm việc đều vô thức, dĩ nhiên nó vẫn khởi lên từ rất từ, rất bi, rất yêu thương, nhưng chúng ta phải thấy sâu hơn, tâm từ bi yêu thương này, thành tựu được phước báu. Quan trọng là phước báu thành tựu đó, chúng ta làm gì, chúng ta xử dụng, ứng dụng vào cuộc đời như thế nào, khác ở chỗ đó. Đồng tiền giúp ở xóm nghèo, nếu Ông Quan bước đầu thấy rằng, có một tâm nguyện để cho xóm nghèo thoát ra, thì khi thấy ba nhà kia thiếu vắng, và có con làm Quan, ông ta sẽ mừng vô cùng, không có một đoạn buồn trong cuộc đời, về nhà với tâm đau khổ, phiền não. May mắn ông ta đã nhận ra khi vị Quan trẻ tới thăm, nên đã xóa tan đi phiền não.
Cuộc đời của Bảo Thành và các bạn chưa chắc đã có những giậy phút xóa tan đi những phiền não đó đâu, dai dẳng dữ lắm. Nên nhớ có khi có những vị Quan khi thăng chức rồi, chẳng về thăm chúng ta đâu, không sao. Hãy nhớ rằng sự cúng dường bố thí, giúp đỡ ai trong đời, luôn kèm một tâm thanh thoát, cao thượng, là cầu nguyện hồi hướng cho những người đó, được thoát ra khỏi hoàn cảnh, và thành tựu hơn chúng ta.
Phước báu đang chờ đón các bạn, nếu thay đổi cách nhìn như vậy, dù chỉ là một sự giúp đỡ thật nhỏ cho những ai cần đến các bạn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa