Tâm Sĩ đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên mạng Youtube Thất Bảo Huyền Môn và trên Facebook Chùa Xá Lợi.
Các bạn thân mến,
Ở đời chúng ta ai ai cũng có tâm làm từ thiện giúp đời. Tùy theo hoàn cảnh và tùy theo thời gian, chúng ta luôn luôn thể hiện tâm đó. Bởi vốn trong người chúng ta luôn có tâm thiện lành, thương yêu và sẵn lòng giúp đỡ người khác.
Một câu chuyện kể như vậy: Có một người vợ của một phú ông, thường hay nấu đồ ăn cho cả gia đình. Bữa ăn vừa cho phú ông, vừa cho cả rất nhiều người ăn kẻ ở, làm việc trên đồng áng, cho nên bà vợ của phú ông nấu ăn rất giỏi, nấu nhiều đồ ăn cho mỗi một ngày. Nhưng bà ta có thói quen luôn nấu dư một phần ăn, đem đặt trước cửa ngõ, để cho ai đó cần thì tới nhận mà ăn. Thói quen đó đã làm bà để ý, nhìn thấy có một ông cụ già, sống vô gia cư hay tới để lấy phần ăn. Và thường nghe ông cụ này nói: Cái gì tốt dành cho người, sẽ trở lại với mình. Cái gì xấu tặng cho người, sẽ trở lại với mình. Tốt xấu cho đi sẽ trở lại với mình theo qui luật sinh tồn.
Bà chỉ nghe như vậy trong bao nhiêu năm trời. Bà làm công việc đó cho ông cụ. Bà chẳng nghe gì khác ngoài những lời như thế. Mà không bao giờ được nghe lời cám ơn chân thành, ngoài lẫm bẫm một câu: Việc tốt làm cho người sẽ trở lại với mình, và việc xấu làm cho người cũng trở lại với mình. Tốt xấu cũng đều trở lại với mình. Bà bực bội lắm, bởi là vợ phú ông, có tiền tài, có tri thức có học, lại có lòng tốt tặng cho ông cụ mỗi ngày, mà sao ông ta không một lời chân tình cám ơn, nên bà tức tối vô cùng. Bà muốn bỏ một thứ gì nguy hại vào trong phần ăn đó, để cho ông cụ này lấy ăn gặp phải nguy hiểm.
Đầu óc suy nghĩ như vậy, nhưng bà không có làm, bởi vì bà có một người con đi học xa ở trên kinh thành, chưa có trở về. Theo đúng thời hạn người con trở về gặp Cha Mẹ, theo định kỳ được nghỉ mỗi năm. Bà làm đồ ăn đặt trước ngõ đó cho ông cụ, nhưng thầm cầu nguyện rằng: Nguyện xin cho đứa con được trở về bình an. Lời nguyện kèm theo gói đồ ăn hiến tặng cho ông cụ. Đến khi trở lại, cũng giống như bao nhiêu năm trước, vẫn chỉ là lời lẫm bẫm của một cụ già hình như không biết nói lời cám ơn: Điều tốt làm cho người sẽ trở lại với mình. Điều xấu làm cho người cũng sẽ trở lại với mình. Tốt xấu do chính mình.
Thế rồi bà đợi mãi đợi mãi, thì bất chợt một hôm người con xuất hiện, nhưng thân xác thì tiều tụy, gầy gò, ốm yếu bệnh hoạn. Người Mẹ cảm thấy đau xót, ngạc nhiên vô cùng. Đưa con vào trong nhà, cho con ăn uống, tắm rửa sạch sẽ, xong hỏi con sao lại xãy ra như vậy. Đứa con trình với Mẹ rằng: Thưa Mẹ, đoạn đường từ kinh thành trở về đúng vào mùa nước lũ, khổ, ai ai cũng chạy trốn hết, con mắc kẹt, tưởng chừng bị lũ cuốn trôi chết đi. Lúc đó chẳng còn đồ ăn, chung quanh cũng không còn ai, thì chính ngay trên chỗ đó lại có một cái nhà nhỏ cheo leo. Có một ông cụ sống trên vách núi. Con mò tới. Ông cụ ngồi ở đó thấy con ốm yếu. Con liền hỏi ông cụ nếu ông có gì để ăn, xin cho tôi một miếng, bởi tôi quá đói và kiệt quệ. Ông cụ đã mang phần ăn tích trữ bao lâu nay trong mùa lũ mà lo cho bản thân, đưa cho con ăn, nhờ đó con có sức khỏe mà trở về. Con có hỏi ông cụ sao mà tử tế, ông cụ trả lời: Những gì tôi có là để phòng hờ, những gì cho anh bởi vì anh rất cần ngay trong lúc này. Cái tôi có chưa cần để phòng hờ, nhưng cái anh cần là cái tôi đã có, nếu không hiến tặng cho anh thì để làm gì đây.
Người Mẹ nghe xong câu chuyện này trong lòng cảm thấy xấu hổ, bởi những suy nghĩ sai trái của mình về những lời lẫm bẫm của ông cụ. Bà quì xuống tri ân những gì ông cụ đã nói thật là đúng: Điều tốt ta làm cho người sẽ trở lại với mình. Điều xấu làm cho người cũng sẽ trở lại với mình. Phải chăng những gói thức ăn, mà bà thường hiến tặng cho cụ ông kia, đã trở lại cho chính đứa con của mình.
Các bạn thân mến,
Nghiệp báo là như thế, tuần hoàn liên tục trong nhân quả tốt xấu. Chúng ta làm điều tốt, nhất định sẽ hưởng được điều tốt. Chúng ta làm điều xấu, tai hại đến mọi người, nhất định tai họa đó sẽ xãy ra cho chúng ta. Điều này qua câu chuyện, lời Đức Phật dạy thật là rõ, nhớ rằng nếu các bạn có cơ hội làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo khó, an ủi người bệnh hoạn, chia xẻ với những người đang đau khổ, tâm sự với những người đang sầu bi ai oán. Hãy nhớ tâm tốt đó thì dù người ta có nói gì, có hành động gì đi nữa, thì nhớ rằng chúng ta làm bởi chính tâm thiện lành, tốt đẹp của chúng ta. Phước báu đó là phước báu của nhân thiên, đúng, đã trở lại với chúng ta, chứ đừng cưỡng cầu rằng việc chúng ta làm cho người, thì người phải biết cám ơn, phải biết như thế này như thế kia.
Ông cụ nhận một phần ăn của bà vợ phú ông kia, thì luôn nói nhắc nhở người phụ nữ đó rằng: Nhân quả là thế. Việc tốt mình đối xử với người, thì nhận được quả tốt. Việc xấu mình đối xử với người, thì tai họa và cái xấu sẽ tới. Đó là nhân quả, là sự nhắc nhở, để trong lòng sự tri ân việc tốt của bà vợ. Nhưng ngôn ngữ kiểu đó không làm hài lòng người vợ. Có thể trong cuộc đời biết bao nhiêu người chúng ta giúp đỡ, những thể loại ngôn ngữ, văn từ, hoặc cách nói không phù hợp điều chúng ta muốn nghe, làm chúng ta buồn khó chịu. Nhưng hãy nhớ rằng, ngay cả khi nói nghịch ý với chúng ta, thì chúng ta có hành động nghĩa cử đó, là bởi vì tâm từ bi yêu thương muôn người, do vậy chúng ta đừng vội vội, vàng vàng trách cứ ai.
Người con kia chính là nhờ phước báu của người Mẹ, hiến tặng một phần ăn nấu dư ra cho ông cụ. Người con có đủ phước báu, khi lâm nguy trong mùa lũ trở về từ kinh thành, tưởng đã chết dọc đường, được một cụ ông đã cho ăn, để dưỡng sức trở lại mà về với Mẹ.
Các bạn, chân lý hay là ở chỗ này. Cuộc sống rất cần sự giúp đỡ của nhau, nhưng chẳng ai biết rằng ngày mai như thế nào. Có người đang giàu có, bỗng chốc không còn gì. Có người đang nghèo, nghèo rớt mồng tơi, bỗng chốc trở thành người giàu có. Có người đang đau khổ, bệnh, thì ngày mai hết bệnh. Có người đang khỏe như con trâu, đùng một cái té ra bệnh hoạn quanh năm suốt tháng. Chẳng ai biết được chuyện gì đâu, chỉ cần biết rằng: Việc tốt chúng ta làm thì cái tốt sẽ trở lại. Việc xấu chúng ta đối xử với người sẽ trở lại với chúng ta.
Nhân quả tuần hoàn, chẳng ai có thể trốn được. Những việc tốt chúng ta làm, chẳng bao giờ rời xa mà đi mãi. Điều xấu chúng ta ứng xử, chẳng bao giờ trốn được đâu. Hãy học ngay chân lý thật bình dị. Đức Phật dạy cho chúng ta, để ứng dụng vào cuộc đời này. Mỗi khi các bạn và Bảo Thành ứng xử tốt với đấng bậc sinh thành, thì biết bao nhiêu những điều tốt, sẽ trở lại với chúng ta trong cuộc sống sau này. Để con cái chúng ta sẽ đối xử tốt, y như chúng ta đã đối xử với các bậc sinh thành.
Mỗi khi chúng ta đối xử tốt với mọi người đang sống trong cuộc đời này, thì nhất định sẽ có biết bao nhiêu người khác đối xử tốt với chúng ta. Lòng tốt của chúng ta không bao giờ bị quên lãng, và tất cả những điều xấu chúng ta làm không bao giờ bị bỏ quên. Thấu được lẽ sống như thế, mỗi người chúng ta sẽ luôn luôn hướng tới những điều tốt đẹp mà chúng ta có thể làm được cho ai đó, ngay trong cuộc đời này. Gần gũi nhất vẫn phải là đấng bậc sinh thành, vợ, chồng, con cái, và gần gũi nữa là các bạn thôn xóm, bà con, cô bác, tất cả sống trong một vòng tròn có sự liên hệ, liên đới mật thiết, có thể thể hiện được lòng tốt. Nếu có cơ hội có thể, thể hiện được tình thương. Nếu có cơ hội, làm tất cả bằng lòng tốt và tình thương.
Đừng vì những nghĩa cử, hành động tốt đó đối với người, mà cứ mong rằng ở nơi con người đó, phải có một tấm lòng tri ân, có những lời nói tán tỉnh, để nâng chúng ta lên vì nghĩa cử đó. Mà hãy hành động xử trí, để tạo ra những hành vi như vậy bằng tình yêu thương đích thực. Bởi phước báu tạo được đã trở lại với chúng ta. Như người Mẹ đã tạo ra phước báu, để rồi người con được hưởng. Lỡ mà người Mẹ không nghĩ đến chuyện đó, để kềm lòng mà bỏ một thứ thuốc độc vào phần ăn kia, để ông cụ ăn xin kia chết đi vì độc dược trong đồ ăn, thì nhất định con của bà ấy cũng sẽ chẳng bao giờ trở về nhà được nữa.
Tâm chân thật hiền lành, lòng tốt thiện hão luôn trở lại với chúng ta. Hãy sống với điều đó và hãy nâng cao gương đức hạnh của mình. Mỗi một nghĩa cử, mỗi một hành vi luôn luôn tự nhắn nhủ rằng: Việc tốt hôm nay chúng ta làm đều tới từ trái tim. Hiểu được chân lý nhân quả của Phật, thì nhất định nhân quà đó sẽ tạo thành phước báu chính chúng ta và gia đình chúng ta được đón nhận song hành. Điều này thực sự, bởi Đức Phật là đấng giác ngộ, luôn nói những lời chân lý không bao giờ sai.
Ai biết sống lời chân lý của Phật, sẽ có một đời sống hạnh phúc. Ai biết sống lời chân lý của Phật sẽ luôn luôn được bình an.
Cám ơn các bạn đã lắng nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa