Minh Thiện đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
Con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn, chúng ta lại trở về kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn. Cảm ơn các bạn đã đăng nhập vào kênh YouTube này để Bảo Thành có cơ hội tiếp xúc với các bạn qua kênh này. Chúc cho các bạn luôn bình an và hạnh phúc.
Các bạn thân mến, cuộc sống của chúng ta có nhiều điều kỳ diệu đang xảy ra nhưng trong những điều kỳ diệu đó vẫn có những chuyện kỳ cục. Chữ kỳ diệu và kỳ cục có lẽ tương đối đồng âm nhưng mà khác nghĩa. Kỳ diệu và kỳ cục cùng một chữ kỳ nhưng cái thì kỳ diệu, cái thì kỳ cục. Đời của chúng ta sao lại không có những kẻ mà ta yêu thương, đời của chúng ta sao lại không có những người ta ghét. Ghét và yêu là hai thái cực cuộc đời, có con người ta yêu và cũng có con người ta ghét. Phận là người như vậy ai sao tránh được, yêu ghét nó rõ ràng lắm. Nếu mà ở trên đời ai cũng thương ta chắc là chuyện hiếm, nhưng cũng thật là hiếm nếu ai cũng ghét ta. Chuyện mà ghét thương đó, nó cũng tùy theo phước báu của từng người, có người thì nhiều người ghét, có người nhiều người thương. Mà sống sao được để đối xử với người ghét, người thương, thôi thì sống cho chính mình để tự mình tỏa hương thơm, để muôn người đừng ghét hoặc là bớt ghét, thêm thương là được rồi, phải không các bạn?
Có một câu chuyện cũng vui Bảo Thành nghe qua thấy cũng lạ tai, trong đó có cả hai chữ “kỳ”, một cái là kỳ diệu, một cái loại kỳ cục, lẫn lộn trong câu chuyện. Thôi kỳ nào cũng là kỳ, mình đi vào câu chuyện để thấy theo cái kỳ gì nhé các bạn.
Có một ông nhà kia, vợ bị chết, nhờ một vị thầy tới để làm lễ cầu siêu theo truyền thống của Phật giáo. Vị thầy tới cầu siêu cho vợ ông này, khi cầu siêu xong rồi ông này mới hỏi: “Thưa thầy, thầy cầu siêu như vậy thì phước báu kia vợ tôi có hưởng được không?
Vị thầy nói: “À đúng rồi, tôi cầu siêu, vợ của anh hưởng được phước báu này”.
Rồi anh ta lại hỏi: “Như vậy còn có ai nữa hưởng được phước báu cầu siêu của thầy?”
Ông thầy nói: “À, tất cả chúng sanh cùng với vợ anh hưởng được phước báu này”.
Anh ta không có chịu, anh ta nói: “Vợ của tôi yếu đuối, không có khỏe mạnh đủ sức để mà tranh giành phước báu đâu. Ông cầu nguyện mà ông hồi hướng cho tất cả mọi người đều hưởng phước, tôi sợ rằng chúng sanh khác giành hết phước của vợ tôi, vợ tôi không được gì đâu”.
Thầy mới giải thích cho anh đó rằng: “Sự hồi hướng trong nhà Phật nó cao quý và nó tốt đẹp đến mức mà sự hồi hướng đó ai cũng được bình đẳng đón nhận như nhau, nên anh đừng có sợ”.
Thế nhưng anh này cũng nơm nớp lo sợ, bởi vì cả cuộc đời chưa bao giờ nghĩ đến sự hồi hướng đều cho nhau, mà chỉ nghĩ đến sự hồi hướng này có sự khác biệt. Mà thương vợ chết rồi, như xưa yếu lắm, sợ những chúng sanh khác tranh giành hết phước của vợ mình, nhưng khi nghe thầy giải thích hiểu rồi thì chấp nhận. Nhưng anh ta vẫn kèm theo một điều kiện nói với vị thầy rằng: “Thưa thầy, tất cả mọi chúng sanh và mọi người, cùng vợ với tôi, thầy cứ việc hồi hướng. Tôi tin vào sự hồi hướng của thầy. Nhưng có một người tôi muốn thầy lấy ra khỏi danh sách hồi hướng đó. Tại vì trong làng này có một người tôi rất ghét. Đó là kẻ thù của tôi, tôi ghét nó dữ lắm, tôi không muốn thầy hồi hướng cho nó. Thầy cứ việc hồi hướng cho vợ và tất cả, nhưng thầy xin thêm một câu là không hồi hướng cho kẻ đó dùm tôi”. Ông thầy mỉm cười, uống vào một tách trà rồi nhẹ nhàng nói: “Hãy nhìn vợ đi, khi vợ chết rồi trên khuôn mặt của vợ còn đâu thương, còn đâu hận, thương ghét và hận thù chẳng còn ở trên khuôn mặt của vợ anh nữa. Vậy thì tại sao chúng ta không đặt hết tình thương vào với tất cả mọi người mà còn có một chút phân biệt hận thù, ghen ghét cho một người kia. Nếu như anh thấy khi xuôi tay có thể mang theo cả yêu thương lẫn hận thù thì tôi sẽ tách rời, nhưng nếu khi ra đi, chẳng mang được gì thì hận thù kia sao phải cưu mang ở trong lòng. Ghét thương và hận thù tạo thành một lực, lực đó gọi là nghiệp để mang đi, còn hành động ghét và thương chẳng thể mang được bởi đó là thể tướng, chỉ mang được tâm là lực là nghiệp thiện và nghiệp ác”. Sự giải thích đó quá phù hợp làm cho thông nhĩ căn của anh này và anh này đã đồng ý bái phục để cho thầy hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh trong đó có vợ của anh ta.
Các bạn thân mến, cuộc đời có những điều lệ khác biệt. Khác ở chỗ là mỗi người chúng ta khó có thể vượt qua cửa ải của những ai chúng ta không có thương, của những ai chúng ta ghét. Cuộc sống thương ghét lẫn lộn, mà đặc biệt trong những lúc quan trọng trong cuộc đời, những kẻ ta càng ghét nó càng hiện rõ. Quan trọng ngay cả giây phút cuối cùng của ta hay của người thân ta mất đi thì những kẻ chúng ta không ưa thích đó cứ mồn một ở trong đầu, làm cho chúng ta không thể tập trung hay giữ tâm thanh tịnh để tạo thêm phước báu hồi hướng cho người ra đi. Anh này có lẽ phút cuối đã nghe được sự khai thị và chấp nhận nhưng trong suốt cả thời gian cầu nguyện đó, tâm trí của anh ta nào là sợ vợ yếu đuối, có hồi hướng cho muôn người hay không? Không được đâu, hồi hướng cho vợ thôi. Nhưng mà không phải đó là sự cầu nguyện thanh cao nên anh ta chấp nhận hồi hướng cho mọi người. Nhưng trong lòng của anh ta vẫn nhớ được người anh ta không thích để xin ông thầy gạt bỏ ra.
Trong cuộc sống của những Phật tử chúng ta, khi đi tới chùa cầu nguyện, mấy ai chúng ta nghĩ đến kẻ thù của mình, mấy ai chúng ta nghĩ đến kẻ chúng ta ghét cay ghét đắng. Hầu hết là khi đi tới chùa, chúng ta tu, chúng ta cầu nguyện và hồi hướng, dù dùng chữ “tất cả mọi chúng sanh”, nhưng có lẽ thầm sâu trong tâm can của chúng ta vẫn có thể gạt ra chút xíu một nhóm người chúng ta ghét cay đắng, như anh chàng này cứ muốn thầy bỏ ngang qua kẻ thù của anh. Nếu Bảo Thành nói sai thì cũng có thể sai đó, nhưng cuộc sống vẫn có những cái sai xảy ra hàng ngày. Bởi vì sao? Suy bụng ta ra bụng người. Có khi nào các bạn vô trong chùa lễ Phật, tụng kinh, bái sám mà thành tâm cầu nguyện, chúc phúc cho kẻ thù của các bạn không? Có khi nào các bạn cầu kinh, bái sám, cầu nguyện, hồi hướng và nghĩ đến hồi hướng cho ngay cả những người bạn ghét nhất hay không, hay bạn chỉ dùng cái từ chung chung đó nhưng trong tâm ý vẫn còn có sự ngăn ngại, chẳng nghĩ tới những kẻ thù. Thật là kỳ cục chứ không phải là kỳ diệu, sự kỳ diệu của ông thầy kia giảng dạy là trong chúng sanh đó phải có kẻ thù của chúng ta, phải có cả những người chúng ta thích và không thích, toàn bộ trong chúng sanh. Nhưng đối với Bảo Thành có lẽ muốn gợi ý cho chúng ta biết rằng cuộc sống này, nếu cứ nói chung, đôi khi chúng ta quên đi ý nghĩ về những kẻ thù. Sự gợi ý hôm nay Bảo Thành muốn các bạn có những giây phút tĩnh lặng, quán chiếu về những kẻ thù, những kẻ các bạn ghét, những con người mà các bạn không thể yêu thương được vì chuyện này hay vì chuyện kia, không quan trọng, nghĩa là những người mà các bạn có ở trong danh sách các bạn không thương, không mến, các bạn ghi xuống, rồi các bạn có những sự tĩnh tâm quán chiếu rồi hồi hướng đặc biệt cho những người đó. Nếu các bạn đủ lực để hồi hướng cho những kẻ thù, những kẻ mà các bạn không thương mến thì sẽ thành tựu được công đức vô lượng. Có lẽ ít ai nghĩ đến điều đó, có chứ không phải không, nhưng rất ít những người trong chúng ta nghĩ đến sự hồi hướng một cách đặc biệt cho kẻ thù, những kẻ chúng ta ghét trong cuộc đời.
Các bạn thân mến, cuộc đời có ghét có thương, có bạn có thù, có thân và không thân. Tuy nhiên trên con đường tu tập Phật giáo, chúng ta phải loại trừ được những tâm cảm như vậy thì mới thành tựu được pháp lạc. Pháp lạc không thể tới với chúng ta nếu như trong tâm của chúng ta còn có sự phân biệt ai là kẻ ta có tới được, ai là kẻ ta thương yêu, rồi loại trừ ai là những người ta không tới, loại trừ ai là những người ta không thương, loại trừ đâu là những người thương mến gần gũi được, loại trừ đâu là những kẻ thù, những kẻ trái nghịch ý của ta. Và coi chừng chúng ta đã lầm trôi vào cuộc chơi của thượng đế, tức là có sự phán xét ở trong, ai tốt, ai xấu, ai tốt ta sẽ cầu nguyện, ai xấu ta sẽ loại trừ. Các bạn, nếu đã yêu thì phải yêu được luôn kẻ thù của mình, nếu có lòng từ bi thì phải từ bi với chính những kẻ chúng ta ghét, những kẻ gây hại đến chúng ta. Trong cuộc sống, ít nhiều gì chúng ta cũng nên dành một vài phút trong cuộc đời chiêm nghiệm và suy nghĩ, suy nghĩ gì các bạn biết không? Suy nghĩ về điều mà chúng ta luôn luôn biết hồi hướng cho những người chúng ta không ưng ý, hồi hướng cho kẻ thù của chúng ta, hồi hướng cho những người mà chúng ta ghét cay ghét đắng. Chính vì sự hồi hướng và cầu nguyện cho họ đó sẽ chuyển hóa tâm lực trong lòng của chúng ta và chúng ta sẽ tăng trưởng được tình yêu thương, lòng từ bi. Lòng từ bi đó lan tỏa đến tất cả mọi người, mọi chúng sanh, không phân biệt là kẻ ta thương hay người ta ghét. Ghét thương là cảm xúc của cuộc đời mà trong con đường đi đến sự giải thoát đó, con đường cầu đạo giác ngộ đó, ghét thương chẳng thể lẫn lộn và cũng chẳng thể mang theo, chỉ còn mang theo một tâm ý, một tâm lý thanh tịnh là hồi hướng tất cả mọi người đồng hành với ta trên con đường giác ngộ. Và chúng ta phải biết yêu thương luôn cả những kẻ chúng ta ghét bỏ, luôn cả những kẻ chúng ta loại trừ khỏi danh sách làm bạn, luôn cả những kẻ chúng ta đã loại ra khỏi vòng tròn mà chúng ta tương tác. Có gì đâu phải loại trừ nhau ra, sự giận hờn, ghét bỏ nhau cũng bởi vì chúng ta khác biệt về tư tưởng, ý nghĩ mà thôi.
Trong cuộc sống, sự khác biệt đó không làm cho chúng ta thanh tịnh được đâu, sự thanh tịnh chỉ có thể tới nếu như mỗi người chúng ta sống thực sự với chân giá trị của tình thương, của lòng từ bi biết bao dung luôn cả kẻ thù của mình, kẻ gây hại đến ta hoặc kẻ ta không thấy hợp. Danh sách của tình bạn, của tình người, chỉ có một danh sách duy nhất là ghi lên tất cả những tên tuổi của những ai chúng ta biết, chẳng thể có một người nằm trong nhóm đặc biệt mà chúng ta không thích, như vậy thật là kỳ cục. Sự kỳ diệu của Phật pháp ở chỗ không có phân biệt chấp trược, sự kỳ diệu của Phật pháp ở chỗ là chúng ta không có sự phân biệt từ trong tâm lẫn tạo tác. Còn nếu chúng ta có một chút phân biệt như vậy thì chúng ta đã trở nên là người kỳ cục rồi, mà kỳ cục như vậy không hay các bạn ơi. Hãy đừng kì cục nữa mà hãy hiệp nhất trên con đường Đức Phật đã dạy, biết sống trong chánh niệm để hồi hướng cho muôn người, để mỗi người chúng ta làm được những chuyện kỳ diệu. Kỳ diệu ở chỗ là vượt qua mọi chướng ngại để không còn kẻ thù trong cuộc đời và tất cả những ai dù được gọi là kẻ thù, ta vẫn luôn tưởng nhớ đến họ và hồi hướng công đức một cách đặt biệt cho họ.
Cám ơn các bạn đã nghe Bảo Thành hướng ý ngày hôm nay. Chúc các bạn an lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.