Bảo Minh đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!
Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.
Chúng ta sống vội vàng lắm các bạn, việc gì cũng vội vàng, chẳng chịu suy xét, suy nghĩ cho nó kỹ. Đụng chuyện là la cho to, đụng chuyện là ào ào nhào tới, phanh phui đủ thứ. Như ở một Thiền Tự kia, có một Sa Di đi tới giếng nước lấy nước. Bởi vì chú Sa Di này là chủ quản của giếng nước trong Thiền Viện, chú là người được quyền tới giếng nước lấy nước nấu cơm, làm việc, giặt giũ cũng như dâng nước cho Phật.
Hôm nay, chú đi tới giếng nước chú nhìn xuống giếng nước thì thấy một cái quần. Nó đang trôi bồng bềnh ở dưới nước như vậy, chú giận quá chú la toáng lên thật là to. “Trời ơi, cái giếng nước để lấy nước nấu cơm cho các Phương Trượng ăn, các Phương Trượng uống và lấy nước để dâng lên cho Phật, vậy mà ai đó lại thả cái quần xuống giếng này?” Chú la to lắm, la thật là to, ai, ai, ai? Và chú chạy quanh quẩn để xem có ai trốn ở gần đây không. Chú tìm hoài, tìm hoài mà không thấy. Chú không phát hiện ra ai, chú la càng to, trải qua một thời gian nữa không thấy ai, chú mệt rồi, chú mới tới gần cái giếng nhìn cho kỹ. Nhìn kỹ ra chú mới nói, trời ơi chết rồi cái quần đó là của ta. Chú mới lấy cây khều lên, nhìn quanh quẩn hên quá không có ai, chẳng ai biết, chú liền thay quần và phơi lên trên cho khô. Rồi sau đó chú mặc lại, chú đi vào Thiền Viện như một người chưa hề làm chuyện gì xảy ra, phong cách như một vị Thánh chẳng ai hay.
Các bạn, chắc có lẽ câu chuyện này thật giống với cách sống của Bảo Thành và các bạn. Chúng ta thấy một điều gì đó hình như sai sai là chúng ta phải la cho thật to, để vạch mặt ai đó làm chuyện đó sai. Chúng ta có nhớ khi về nhà, nếu thấy cái thùng rác thôi nằm không đúng chỗ, ta đã la to lên rồi: “Trời đất ơi, ai ở nhà mà để thùng rác ở đây? Ai ở nhà nấu cơm mà để cái bếp nó dơ như vậy? Ai đi nhà vệ sinh mà cũng không lau chùi?” Với việc gì không như ý ta la lên, ai, ai, ai? Có biết đâu rằng đó chính là ta sai; hoặc chính là cha mẹ, là người thương yêu. Trong nhà mình mà, nói xa hơn một chút ra ngoài xã hội, chỗ làm việc, ta thấy ai làm chuyện không ưng ý là ta la to ai đã làm chuyện này, phanh phui mà, cái tính đó có trong mình đó các bạn. Các bạn có, Bảo Thành có, phàm tánh là như vậy. Thấy điều gì không ưng ý, thấy điều gì không đúng, chẳng suy xét cho kỹ biết đâu là mình, nhưng cứ la thật to như chú Sa Di kia.
Đó là chuyện sống ở đời thôi, chứ còn chuyện trong tâm của mình, ta cứ la cho to lên, đổ thừa cho người khác làm chứ ta không có làm. Một chuyện gì bất cẩn mà hư ta đổ thừa hình như có ai trù ẻo. Một chuyện gì đó mà ta thất bại ta chẳng nhận ra rằng đó là lỗi của ta, đổ thừa có ai chạm vào gây ra sự thất bại này. Rồi đổ thừa là xui xẻo, đổ thừa là mệnh số, đổ thừa là số mệnh, đổ thừa đủ thứ. Làm ăn không thành công đổ thừa người ta hại, trong tình cảm thất bại đổ thừa người ta phản bội, trong tình bạn không thể gần gũi nhau đổ thừa người ta không có lòng kính trọng cho nên thường như vậy. Ai ai cũng có mà.
Đổ thừa suốt cuộc đời. Đổ thừa đến mức mà cuộc đời của ta đâm ra thừa thải, đi tới đâu ai cũng ngao ngán, sợ hãi. Và cuối cùng là gì? Ta sống không có niềm tin bởi không nhận ra sự sai lầm tăng trưởng kiến thức cho cuộc đời, mà chỉ chạy ngược chạy xuôi, tốn tiền, tốn sức, tốn thời gian. Để nhờ các vị thầy này, thầy kia coi qua một quẻ. Họ lấy thật nhiều tiền, rồi họ nói chuyện này chuyện kia thế mà tin, nhưng mà có thay đổi được đâu. Bởi chính vì ta như vị Sa Di kia đã bị rớt cái quần xuống giếng vậy mà la cho thật to.
Đời ta la toáng lên nhiều lần khi ta sai. Các bạn nhìn trong mối giao hảo hàng ngày, tình nghĩa giữa vợ chồng có chuyện xích mích. Việc ta làm sai đó ta không bao giờ nhận, ta la cho thật to, đổ thừa là vợ đó. Ngược lại, vợ cũng đổ thừa là chồng. Mà mỗi một con người là vợ chồng chẳng chịu lùi lại một vài bước, trời cao đất rộng nhìn rõ sự việc ta đã làm ta sẽ nhận ra trong đó có cái sai do chính ta. Không hẳn trong gia đình, trong cộng đồng xã hội cũng vậy. Mối tương tác giữa người với người thường hay đổ thừa. Chúng ta không bao giờ bước lùi lại nhận diện cho rõ, để thấy được cái sai của ta, ta cứ đổ thừa hoài. Ta cứ la toáng lên là ai đó làm sai, ai đó làm đúng.
Trong cuộc sống ở chùa cũng như vậy. Khi Tăng thân sống chung với nhau đông, chẳng ai chịu nhận lỗi lầm của mình, cứ đổ thừa cho vị này, vị kia sai. Như vị Sa Di đó rớt quần xuống giếng mà la toáng lên “ai đó, ai đó?” Để rồi những lời bất thiện phun ra nguy hại vô cùng. Sống ở trên đời người tu cũng như người tại gia, chúng ta phải giữ được sự bình tĩnh và rất từ từ để có thời gian cho chính mình nhìn thấu đáo mọi sự việc xảy ra, quyết định cho đúng và phù hợp. Mọi chuyện thất bại trong cuộc đời, hay mọi chuyện gì đó không như ý xảy ra. Luôn luôn phải bình tĩnh, đừng đổ thừa, đừng la toáng, đừng tìm ai đó như là một người đã phạm phải để vạch áo xem lưng. Để moi móc, để chứng tỏ ta bắt được người làm sai.
Chú Sa Di kia la quá to có ai đâu, nhìn quanh nhìn quẩn chính là quần của mình. Chúng ta nếu cứ như vậy ta khổ lắm. Cả cuộc đời này tổn hao sức, la cho to mà rồi cuối cùng lại là chính ta đã phạm. Để rồi không kịp quay trở lại hàn gắn mối rạn nứt tình cảm giữa người với người. Lủi thủi, cúi mặt chạy trốn mà đi. Đừng như thế, sống phải có lòng dũng cảm. Sống là phải có sức mạnh biết nhìn lại bản thân, kiểm tra cho kỹ, quán chiếu cho sâu, nhận thức được mình.
Đức Phật khuyên chúng ta, nhất là những bạn tại gia sống ở đời. Khi lập gia đình có vợ, có con, có chồng. Thường cứ lỉnh kỉnh là vợ chồng đó chẳng chịu lùi bước một chút để nhìn rộng nhìn xa, để nhận ra cái sai trong sự đối xử của mình với vợ hoặc với chồng. Mà thông thường ta cứ sấn tới, ưỡn ngực ra, chỉ tay vào đối tượng yêu thương cả một đời đối với ta là họ sai. Ta đã đánh rớt cái quần xuống giếng, ta đã đánh rớt sự bẩn thỉu, sự ương ngạnh, sự cãi vả, sự nóng giận của ta, xuống giếng nước trong tình yêu thuở đầu tới với nhau. Làm cho nó dơ dáy, đục ngầu, hôi thối, gia đình xào xáo không có hạnh phúc.
Các bạn, mỗi khi về với giếng nước tình yêu của gia đình, chung thủy làm đầu để soi dẫn tình thương, nhìn rõ những vẩn đục, rác rưởi rớt vào đó, nhận ra ta đã làm rớt. Hoặc nếu như vợ chồng làm rớt xuống cũng là một phần gia đình của ta, cuộc đời của ta, người yêu của ta, người đã từ bỏ tất cả tới sống với ta suốt cuộc đời, thì nhất định ta phải là người khều cái rác đó lên khỏi giếng nước hạnh phúc của cuộc đời nơi gia đình. Để làm sạch trở lại, đừng chỉ tay, đừng la toáng lên, đừng muốn vạch mặt người ta ra. Người ta là một phần sự sống của gia đình, là người yêu, là người vợ, là người chồng; hoặc là anh chị em trong gia đình; hoặc con cái.
Hãy trở thành một người nhìn rõ, nhìn kỹ và hãy đích thân khều cái quần lên mang rác rưởi đã bị rớt vào trong tình cảm gia đình, lượm lặt nó bỏ đi. Để cho nước được sạch, cho gia đình được êm ấm, cho hạnh phúc được khơi mầm trở lại. Và cho những cái gì đẹp nhất nơi những con người ta yêu thương được ươm mầm trỗi dậy trên biết bao nhiêu những chuyện đổ vỡ đã xảy ra. Phải sống chủ động như vậy các bạn, đừng đổ thừa. Cũng như đừng vạch áo cho người xem lưng; hoặc bới lông tìm vết, chẳng cần. Người có tấm lòng tha thứ yêu thương, người con Phật có tu hiểu được điều này. Và ta nhất định phải mang lòng yêu thương, sự tha thứ cho chính mình và cho tất cả những ai đã làm nên chuyện không hay. Để cho ta được sống vui nha các bạn.
Cảm ơn các bạn đã nghe!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!